Vấn Đạo Thiền Sư Bassui (1327-1387)

SHARE:

Có người hỏi: “Chư Phật chư Tổ xưa nay đã dùng biết bao pháp môn và phương tiện để tu học pháp Phật, làm sao có câu nói là “không có gì ngoài kiến tánh thành Phật”? Xin đại sư chỉ giáo”.
Bassui trả lời: “Ta thọ giới xuất gia trong những năm sau này, chưa từng học kinh. Ngươi hãy nói cho ta nghe có pháp nào ngoài việc “kiến tánh thành Phật” không.
Hỏi: “Theo như kinh nói, Đức Thế Tôn đã thành tựu Phật quả sau khi tu được Lục Độ Vạn Hạnh. Làm sao điều này có thể được gọi là “Kiến tánh thành Phật”?
Đại sư: “Lục Độ Vạn Hạnh” là gì?
Hỏi: “Đó là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ. Cho đi hết những gì mình có với tâm không phân biệt gọi là Bố Thí. Nghiêm trì giới luật gọi là Trì Giới. Đối với thân thù đều bình đẳng, dù có bị đánh mắng cũng không nổi giận, đó là Nhẫn Nhục. Làm những hạnh lành không ngưng nghỉ trên con đường tu tập và hoàn thành đại nguyện là Tinh Tấn. Tọa thiền cho thân và tâm được tĩnh lặng là Thiền Định. Học hỏi kinh pháp, thâm nhập giáo lý không ngăn ngại gọi là Trí Tuệ.”
Bassui trả lời: “Tất cả những điều đó chỉ đem lại phước báo trong cõi Trời Người. Hành trì những hạnh đó là điều nên làm nếu so với những hành động vô minh – khởi từ tâm ham muốn, xấu ác, sân hận, lười biếng, bất tín, chao đảo trong tư tưởng hành động và si mê – khiến cho chúng sanh phải rơi vào ba cõi Tam Đồ não loạn. Nhưng đừng tường sáu hạnh đó có thể khiến cho ngươi thành Phật.
Lục Độ Vạn Hạnh mà Đức Phật hành trì là chánh pháp để kiến Tánh. Ánh sáng chân chính của Tự Tánh thắp lên cả vạn những đức tính quý báu và tùy duyên mà trải đều đến chúng sinh khắp các phương trời. Đó gọi là Bố Thí.
Tánh Phật nguyên thủy là trong sáng thuần khiết, là chủ của sáu căn, nhưng không bị sáu trần làm ô nhiễm. Người nào giác ngộ được tánh ấy thì thân tâm sẽ tự nhiên hòa hợp an ổn. Người ấy không cần phải cố ý tỏ ra mình đang giữ giới luật, cũng không hề khởi ác niệm trong tâm. Đó gọi là Trì Giới.
Bởi vì Tánh Phật thường hằng không hề có phân biệt giữa ta và người, nên người ở trong sự hòa đồng không đối đãi ấy sẽ chẳng khởi sân hận khi bị phê bình chỉ trích, cũng không vui mừng khi được tôn vinh. Đó gọi là Nhẫn Nhục.
Tánh Phật vốn đã có vô lượng điều ích lợi; nó làm cho mọi công đức đều thành tựu, khởi phát vô lượng pháp. Nó tiếp tục cho đến tương lai, không hề có giới hạn. Đó gọi là Tinh Tấn.
Tánh Phật không biến đổi, vượt khỏi mọi hiện tượng, mọi pháp tu, mọi giới luật, không phân biệt thánh và phàm, không ở trong sự giới hạn của ngôn ngữ, cũng không bị vướng mắc trong những đánh giá tốt và xấu. Đó gọi là Thiền Định
Tánh Phật tự nó là trong sạch, chiếu sáng vạn hạnh, là con mắt của thánh phàm như nhau, chiếu sáng thế giới này như mặt trời và mặt trăng. Đó là ánh sáng xuyên suốt quá khứ và hiện tại – là chân lý vô biên của ánh sáng thuần khiết. Đó gọi là Trí Tuệ.
Sự nhiệm mầu của tánh Phật là vô lượng vô biên, giống như đại dương với biết bao ngọn sóng lớn và nhỏ. Từ tánh Phật này phát ra diệu dụng trong đó có sáu chức năng gọi là Lục Độ Vạn Hạnh. Vì thế cổ đức có nói rằng: “Khi đã hiểu được Như Lai Thiền, nơi tự thân sẽ tràn ngập sự an bình với Lục Độ Vạn Hạnh.”
Hỏi: “Nếu người nào kiến Tánh tức khắc thành Phật, vậy người ấy có đắc được sáu thần thông như chư Phật không?”
Bassui:” Kiến Tánh tức là có đủ lục thông.”
Hỏi: “Kiến tánh chỉ là một trong lục thông. Sao ngài lại nói là có đủ lục thông?”
Bassui: “Tánh Phật vốn là chủ của sáu căn. Giữ cho người chủ luôn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi sáu trần gọi là lục thông của Phật.”
Hỏi: “Tôi không nghe như vậy. Theo như tôi hiểu, sáu thần thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, thân như ý thông, lậu tận thông. Làm sao người ta có thể đạt được sáu thần thông ấy chỉ trong một diệu dụng thôi?”
Bassui: “Tại sao tánh vi diệu hằng hữu của chúng ta lại không là gì hơn ngoài sáu thần thông được? Ánh sáng vô biên ấy tự chiếu sáng và thắp sáng tất cả, là chân không diệu hữu hằng chiếu và tịch tĩnh. Mọi hiện tướng đều được thấy trong thực tánh của nó, không bị mê hoặc. Đó là Thiên Nhãn Thông.
Tánh Phật là trong sạch và vô nhiễm. Khi tai nghe âm thanh, tiếng vang của những làn sóng rung động được nhận thấy rõ ràng, nhưng không có những khởi niệm phân biệt hay vướng mắc vào đó. Đó gọi là Thiên Nhĩ Thông.
Khi đã hiểu bản tánh của tự tâm rồi, ta sẽ tỏ ngộ thấy sự đồng nhất của tâm chư Phật chư Tổ trong ba cõi và tâm chúng sanh trong cõi giới hiện tại cũng như các cõi giới khác. Đó gọi là Tha Tâm Thông.
Kể từ lúc đã tỏ ngộ tánh hằng hữu của mình rồi, tâm ta sẽ thâm nhập vô lượng kiếp tánh Không từ vô thủy đến vô chung. Sáng tỏ và tự tại, tâm ấy không còn vướng mắc trong những hiện tượng biến đổi của sanh và tử, của quá khứ và tương lai, mà luôn luôn kiên cố thường hằng không có gì nghi ngờ ngăn ngại. Đó là Túc Mệnh Thông.
Khi đã hiểu rõ tánh của tự tâm, những hang sâu đen tối của vô minh sẽ được chiếu sáng, và cái đẹp nguyên thủy sẽ hiển lộ. Chỉ trong chớp mắt tâm ta sẽ bay bổng khắp mười phương, không ngừng lại đâu cả trên nền trời cao rộng. Đó là Thân Như Ý Thông.
Khi đã hiểu được tự tánh rồi, vô minh sẽ chuyển thành trí tuệ giác ngộ (Bồ Đề). Bởi vì Bồ Đề chính là bản chất hằng hữu nguyên thủy nơi ta, nên nó vượt ngoài mê và ngộ. Chẳng thấy mình là thánh hay phàm, cũng chẳng bị vướng nhiễm trong những hiện tượng sinh diệt của thế gian này, đó gọi là Lậu Tận Thông.”
Hỏi: “Trên lý thuyết điều ngài nói về Lục Thông có thể như vậy. Nhưng nếu nó không hiển hiện ra ngoài qua những hiện tượng vật chất thì có thành vô giá trị hay không?”
Bassui: “Tánh Phật vốn đã hàm chứa vô lượng đức hạnh. Lục Độ Vạn Hạnh là pháp tu căn bản cho con người hoàn thiện trong thân xác này. Thế thì sao gọi là vô giá trị?
Người có trí tuệ xem những biểu hiện năng lực thần thông siêu nhiên như nghiệp chướng; kẻ phàm phu vô minh xem đó là điều đáng ham muốn nên muốn tìm cầu. Đối với cách suy nghĩ của người thường thì mức độ thâm sâu của thiền định khó mà đo lường được. Như mặt trời chiếu sáng mọi nơi trong nền trời trong không gợn mây, làm sao ngươi có thể đặt giới hạn trên năng lực có được từ sự kiến tánh?
Chư Phật, nhiều như cát sông Hằng, cũng không thể nói cho hết điều đó được. Năng lực ấy có thể thâu tóm đại dương trong một sợi tóc, đem núi Tu Di đặt lên trên một hạt giống, và chứa cả ba mươi hai ngàn ngai sư tử và tám mươi ngàn vị tăng trong một căn phòng chỉ có mười bộ vuông. Chỉ với một bát cơm cũng đủ để cúng dường vô lượng chư thánh hiền tăng. Thế nhưng Pháp chẳng phải là điều gì khác thường.
Bần tăng này không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả cho hết được năng lực siêu nhiên này. Nó như một bánh xe quay tít, chuyển động còn nhanh hơn cả ánh sáng. Khi những diệu dụng của nó được hoàn toàn hiển lộ, ngay cả mắt của Phật cũng không thể nhìn thấy được. Khi những hoạt động của nó trải rộng đến tất cả, những năng lực xấu ác sẽ bị phá hủy, những viên than hồng đang đun nước trong bếp lửa sẽ nổ bùng, và chỉ trong một tiếng hét, tất cả những cây kiếm và núi đao sẽ bị nghiền nát ra từng mảnh.
Tất cả chúng ta vốn sẵn đều có năng lực siêu nhiên này. Nếu bạn muốn hiểu điều đó, hãy ngưng lại những hoạt động tạo tác và nhìn vào bên trong mình. Bạn sẽ tự mình tỏ ngộ khi thấm thấu được tự tánh của mình. Tất cả chúng ta đều đã được trang bị sẵn bản tánh nguyên thủy của mình, và mỗi mỗi đều hoàn hảo toàn diện. Tánh ấy là chủ của sự thấy, nghe và hiểu. Đó được gọi là “Thậm thâm tối thắng trí Phật”.
Sự nhiệm mầu không thể nghĩ bàn của năng lực siêu nhiên này đơn giản chỉ đặt trên nền tảng của Tánh Phật trong mỗi người chúng ta.”

(Lưu Ly trích dịch từ Daily Zen Journal)

Hỏi:
Thế nào là ý nghĩa của câu nói trong kinh: “Nếu có người nào làm năm hành trì như sau: thọ trì, đọc tụng, tuyên dương, và ghi chép lại kinh này sẽ được công đức vô lượng vô biên?”


Bassui:
“Ðó có nghĩa là người ấy đã kiến tánh thành Phật, ngay bây giờ và ở đây. Thọ trì là nói về bản tánh của Tâm. Bản tánh này đều như nhau nơi thánh cũng như phàm. Trong mỗi người chúng ta đều vốn đã có sẵn chân tánh tròn đầy. Tin tưởng và hiểu sự quan trọng của chân tánh ấy là ý nghĩa của đọc tụng kinh. Dứt trừ mọi diễn giải biện luận và tuyệt mọi tư tưởng, khai ngộ bản tánh của mình là ý nghĩa của tưyên dương kinh. Ðược thọ ký khai ngộ là ý nghĩa của ghi chép kinh.”
Hỏi: Nếu năm hành trì ấy đều chỉ là ở nơi một tâm và không cần đến ngôn ngữ, lý do gì khiến có nhiều kinh thuyết lời Phật giảng như vậy?
Bassui: “Nếu không có những kinh đó, làm sao những người còn chấp nơi tướng có thể học được rằng không có pháp nào là ở ngoài tâm?”
Hỏi: Nếu năm hành trì ấy đều là như vậy với bất cứ kinh nào, tại sao hầu hết người ta lại chọn kinh Pháp Hoa?
Bassui: “Năm chữ tựa đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đều đã bao hàm năm hành trì đó như sau:
Thọ là ở trong ý nghĩa chữ Diệu
Trì là ở trong ý nghĩa chữ Pháp
Ðọc tụng là ở trong ý nghĩa chữ Liên.
Tuyên dương là ở trong ý nghĩa chữ Hoa.
Ghi chép lại là ở trong ý nghĩa chữ Kinh.”
Hỏi: Làm sao “Thọ” lại có ý nghĩa “Diệu” được?
Bassui:
“Diệu là bản tánh cố hữu của tất cả mọi chúng sinh. Nó là chủ của sáu căn. Bản tính sẵn có này thọ nhận tất cả các pháp, tuy vậy nhưng không có ai là người thọ nhận và cũng không có gì được thọ nhận cả. Ðó là nguyên tắc căn bản của chữ “Diệu”. Vì thế “thọ” có nghĩa là “Diệu”.
Hỏi: Làm sao “trì” có liên hệ với ý nghĩa của “Pháp”?
Bassui ngừng lại một chút rồi nói: “Ngươi có hiểu ta vừa nói gì không?”
Hỏi: “Thưa, không hiểu.”.
Bassui: Pháp luôn luôn hiển hiện, không che dấu ở đâu cả. Tất cả những gì có hình tướng đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi một người có ước nguyện muốn được giải thoát và quay về quán chiếu vào bản tánh của mình, những đám mây bao phủ của cảm xúc sẽ tan đi, những đợt sóng phân biệt sẽ ngừng lại, và sự hiểu biết sẽ rõ ràng sáng tỏ. Lúc đó ta sẽ nhận ra rằng Diệu Pháp là bản tính sẵn có của tất cả các vị Phật cũng như của chúng sanh. Ðó là sự trong sáng thanh tịnh hoàn toàn.
Tuy rằng tánh ấy ở trong vô minh và mê lầm, nhưng nó không hề bị dính nhiễm. Cũng giống như hoa sen sống trong bùn mà vẫn giữ được bản tính thuần khiết, vì thế nên được gọi là “đọc tụng”. Ðóa hoa tượng trưng cho sự giải thoát. Bản tính vi diệu này, trọng tâm cho sự giác ngộ, là vượt ngoài mọi thứ bậc và phân loại. Nhưng sau khi vừa khai ngộ lần đầu, sự hiểu biết của người học đạo có thể là hời hợt, cũng có thể là sâu xa.
Có kiến thức rõ ràng sáng suốt và hiểu được tinh yếu của lý đạo rồi, cũng chưa phải là đã nhập được vào cảnh giới giác ngộ thực sự. Ðó mới chỉ là cái bóng phản chiếu của ánh sáng thôi, mới chỉ là vị khách đứng ở ngoài cổng. Khi đã buông bỏ hết mọi kiến thức, đã quên đi những khái niệm phân biệt, khi đóa hoa sen giác ngộ đã lần đầu tiên được nở ra, mười chặng đường của Bồ Tát mới có thể được hoàn thành và kinh nghiệm khai ngộ đã qua mới thấm thấu được. Lúc đó tri kiến Phật sẽ hiển hiện rõ ràng.
Những nụ hoa hàm tiếu của đóa sen sẽ hé mở và rơi rụng như những thứ hiện ra rồi mất đi trong cuộc sống. Khi người học Ðạo đã đến được tới đó, họ mới bắt đầu có đủ tư cách để thuyết pháp Phật và độ lại được cho người khác. Vì lý do này, tuyên dương pháp Phật được xem như là ngang với đóa hoa sen. Khi chân lý này được hiểu đến, dấu ấn của các vị Phật xưa sẽ được truyền đến tâm ta, cũng tựa như một bản kinh xưa được ghi chép lại toàn bộ trên một tập giấy mới sẽ cho ra một ấn bản y hệt như vậy. Vì thế, “ghi chép” lại được coi như là ngang với chữ Kinh. Kinh cũng là một tên gọi khác cho tâm, trong đó mang vô số những ý nghĩa khác thường.
Như thế, chúng ta thấy rằng năm sự hành trì này chỉ là một cách nói bóng bẩy cho việc áp dụng phương pháp dạy Ðạo mà thôi. Ðức Phật dùng phương pháp ấy để làm sáng tỏ cái tâm quý báu độc nhất vô nhị, và chỉ cho những phàm nhân thấy rằng kiến tánh được tức là thành Phật.
Những phàm nhân nào sai lầm đi tìm Ðạo ngoài tâm của mình, không biết rằng chính nơi họ đã có sẵn Phật, thì cũng giống như những đứa trẻ lầm lạc quên mất mẹ của mình. Vì thế, khi tinh tấn hành trì năm điều này, bạn sẽ nhận ra được cái tâm duy nhất ấy. Ðừng thèm muốn những thứ dư thừa của người khác trong khi bỏ mất đi viên ngọc quý giá chính mình đang đeo trên cổ.”
Hỏi: “Viên ngọc quý giá đang đeo trên cổ đó là gì?”
Bassui:
“Khi rồng gọi, mây sẽ hiện ra. Khi hổ gầm, gió sẽ thổi.”

Ngọc Bảo
Trích từ “Bùn và Nước” – tuyển tập những lời giảng dạy của Thiền sư Bassui, do Arthur Braverman chuyển dịch sang Anh ngữ, 1989

SHARE:

Trả lời