SHARE:
Sự lảng tránh trở nên rõ ràng trong thiền quán khi chúng ta kinh nghiệm một số sự khó chịu về vật lý. Nhiều người lần đầu tiên đến với thiền thường nghĩ: “Tôi sẽ tham gia một kỳ nhập thất tuyệt vời và có vài ngày trong ân phước.” Nhưng thiền quán không phải chỉ là cảm thọ những điều tốt đẹp; mà nó là tiếp xúc với bất kỳ điều gì đang thực sự diễn ra.
Đặc biệt trong giai đoạn đầu của sự thực hành, phần lớn chúng ta sẽ trải qua đau đớn vật lý. Và sau đó là một loạt những phản ứng của chúng ta đối với nó: sợ hãi, tự thương hại, sự phòng thủ hay lảng tránh. Đa phần chúng ta không thích nó. Chúng ta cố gắng chỉ “quan sát nổi đau” nhưng thực sự chúng ta đang cố gắng thỏa thiệp với nó: Tôi sẽ quan sát nổi đau… nếu nó biến đi mất.”
Tất cả những phản ứng này là hoàn toàn khác biệt với sự cởi mở với những gì không thỏa mái, khó chịu; chấp nhận nó và cảm nhận nó với sự chú ý đơn thuần.
Sự liên hệ của chúng ta với những cảm giác vật lý khó chịu trong thiền quán cho chúng ta biết nhiều về sự liên hệ của mình đối với đau khổ trong những trường hợp khác trên cuộc đời. Theo những cách tương tự như vậy, chúng ta đóng cửa với mọi cảm xúc nào làm cho mình không thỏa mái: cảm giác giận dữ, buồn chán, sợ hãi, lo lắng… Hãy nghĩ đến tất cả những biện pháp mà chúng ta cố gắng để không cảm thấy buồn chán: tất cả những việc bận rộn và trò tiêu khiển mà chúng ta tạo ra. Hay sự phản ứng với những khoảng thời gian dài mà chúng ta thấy sợ hãi hay cô đơn. Khi không nhiệt tình có mặt với những cảm giác khó chịu hay khám phá nó trong bản thân mình, chúng ta thường xây nên toàn bộ những cấu trúc trong cuộc sống để tránh phải cảm nhận nó.
Giây phút chuyển hóa trong sự thực hành của tôi diễn ra khi tôi mất vài ngày cảm nhận nhiều lần về một sợ hãi ghê gớm. Tôi cố gắng nhận thức về nó đúng như nó sinh khởi, ghi nhận “sợ hãi, sợ hãi”. Nhưng tôi vẫn cảm thấy bị dính mắc vào cường độ của cảm xúc này. Sau đó, có một điều gì đó thay đổi trong tâm và tôi tự nói với bản thân mình: “Nếu như sợ hãi cứ tồn tại ở đây trong suốt quãng đời còn lại của mình thì cũng được thôi.” Đó là giây phút chấp nhận chân thành đầu tiên và nó đã thay đổi hoàn toàn mối liên hệ của tôi với sự sợ hãi. Tất nhiên lo sợ vẫn còn khởi lên nhưng tôi không còn giam hãm nó bằng sự kháng cự của mình. Một sự chấp nhận chân thành trong chánh niệm cho phép sự sợ hãi trôi qua.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng có lòng trắc ẩn, nhiều khi chúng ta muốn hay thậm chí cảm thấy chúng ta có. Chúng ta không muốn mở lòng ra với đau khổ của cá nhân mình và chúng ta cũng không muốn mình phải mở lòng ra với nỗi đau của người khác. Điều đó đòi hỏi sự thực hành để có thể cởi mở ra trước những cảm xúc khó khăn, để chúng ta nhận thức và soi sáng được những gì ẩn giấu đằng sau chúng. Nhưng với chánh niệm, tâm của chúng ta sẽ có đủ không gian để ôm lấy những cảm xúc đau khổ, cảm nhận chúng và để chúng trôi qua. Và càng có chánh niệm và nhận thức về khó khăn (cả tâm lý lẫn thể chất) của mình thì chúng ta càng có thêm nhiều sức mạnh, lòng cam đảm và hiểu biết để có mặt cùng đau khổ của những người khác.
3. Ở đâu có sự thù hận, hãy để tôi ban rải tình thương
Thánh Francis xứ Assisi
Sáu tuần sau sự kiện 11 tháng 9, tôi đang hướng dẫn từ bi quán trong một khóa nhập thất cho các luật sư. Chúng tôi bắt đầu gửi những mong ước thương yêu tới bản thân mình và sau đó là tới những chúng sinh khác nhau. Trong kỳ nhập thất, tôi đề nghị có thể thêm cả những người có liên quan tới những hành động bạo lực và gây hấn vào trong đối tượng của tâm từ. Một thành viên đến từ NewYork bình luận rằng anh ta không thể nào gửi những lòng tốt đến cho những thành viên Al Queda, cũng như không thể muốn làm điều đó.
Đối với tôi, tuyên bố đơn giản và thành thật này làm nổi lên hàng loạt câu hỏi thú vị. Phản ứng của chúng ta đối với bạo lực và sự bất công là gì? Làm sao chúng ta hiểu những thực hành của lòng tốt và tình thương khi đối diện với sợ hãi và giận dữ? Khát vọng nền tảng của chúng ta đối với thế giới và bản thân mình là gì?
Khi thực hành thiền quán về tình thương (từ bi quán), chúng ta lặp đi lặp lại: “Mong cho bạn hạnh phúc, mong cho bạn bình an, mong cho bạn thoát khỏi đau khổ”. Tuy nhiên, khi chúng ta nhắc tới những người đã từng gây hại cho chúng ta, dù theo nghĩa cá nhân hay tập thể, thì chúng ta thường không muốn đưa những người này vào trong mong ước yêu thương của mình. Chúng ta khôngmuốn mong ước hạnh phúc cho họ. Chúng ta có thể muốn thấy họ gánh chịu những thiệt hại to lớn vì những gì họ đã làm. Đó không phải là những cảm xúc khác thường. Nhưng trong trường hợp này, đúng là có một điểm chung quan trọng của những thực hành và hành động tâm linh trên thế giới.
Nếu chúng ta muốn gia tăng tình thương và hòa bình trên thế giới này và trong bản thân mình, thì chúng ta cần nhìn sâu xuống dưới những phản ứng cảm xúc thông thường của mình. Trong những trường hợp đau khổ, dù là những xung đột nhỏ giữa những cá nhân hay những tai họa khổng lồ của bạo lực và sự tàn phá, một câu hỏi then chốt đối với phản ứng từ bi là: Trong trường hợp đau khổ, dù cho nó là như thế nào đi chăng nữa, thì mong ước cơ bản nhất của chúng ta là gì?
Trong trường hợp Trung Đông ngày nay, với quá nhiều bạo lực của tất cả các bên, tôi thấy thực hành tâm từ của mình được bao gồm hết trong mong ước: “Mong cho bạn thoát khỏi hận thù, mong cho bạn thoát khỏi căm ghét.”
Nếu khát vọng của chúng ta là sự bình an trên thế giới này, thì chúng ta có thể loại bỏ được ai ra khỏi mong ước đó? Những tên khủng bố, những kẻ đánh bom tự sát, những người lính đầy bạo lực, những người ra chính sách của chính phủ? “Mong cho mọi người đều thoát khỏi hận thù và căm ghét.” Nếu những phản ứng của chính chúng ta đối với các trạng thái của tâm – những điều dẫn tới những hành động gây hại – là thêm hận thù, căm ghét hay ác ý thì chúng ta là một phần của vấn đề – dù cho chúng ta có nhận thức ra điều đó hay không.
Thông điệp này không hề mới mẻ, nhưng thách thức và nghi vấn thì vẫn còn ở đó: Làm gì với những cảm xúc đó khi chúng khởi lên bởi vì đối với hầu hết chúng ta thì chúng sẽ khởi lên. Và chúng ta sẽ tìm thấy tình thương như thế nào trong cơn bão của giận dữ, thù hận, ác ý hay sợ hãi?
Đức Đạt lai Lạt ma
Quan trọng nhất là chúng ta cần nhận thức được cảm xúc hiện đang sinh khởi. Về mặt này, chánh niệm mang đến món quà của tình thương – cho những người khác và bản thân chúng ta. Chánh niệm nhìn thấy toàn bộ sự phô diễn của cảm xúc (dù có thể rất mãnh liệt) mà không đánh mất mình và không phán xét bản thân mình vì đã cảm nhận chúng.
Đa phần thời gian chúng ta sống trong sự phủ nhận. Không dễ để cởi mở với những khoảng tối trong mình. Phản ứng quen thuộc của chúng ta đối với những kinh nghiệm đau đớn và khó chịu là lảng tránh chúng. Và thậm chí khi nhận thức về cảm xúc thù hận và căm ghét của mình, chúng ta có thể dính mắc vào việc bào chữa cho bản thân mình: “Tôi nên ghét những người này, hãy nhìn xem họ đã làm những gì.”
Bào chữa cho những cảm xúc khác xa so với việc có chánh niệm về chúng. Từ việc bào chữa dẫn tới cảm xúc mạnh mẽ về sự tự cho mình là đúng. Chúng ta quên rằng những cảm xúc và tâm hành của chúng ta đều chỉ là những phản ứng có điều kiện, sinh ra từ bối cảnh riêng của bản thân mình, từ những điều kiện đặc biệt của cuộc sống cá nhân, và mỗi người trong cùng một hoàn cảnh lại có thể cảm nhận rất khác nhau. Chúng ta thường quên rằng những cảm xúc của mình không nhất thiết phản ánh sự thực tối hậu. Sự tự cho mình là đúng về các cảm xúc và quan điểm của mình là mặt trái của sự thẳng thắn. Chúng ta có thể nhầm lẫn giữa sự tự bào chữa với những cảm xúc cống hiến nồng nhiệt. Nhưng những người làm gương cho lòng thương và sự công bằng xã hội – những người như Marthin Luther King, thánh Gandhi, và nhiều người khác – cho ta thấy những ví dụ về sự khác biệt này.
Câu hỏi đặt ra là khi nào có những trạng thái tâm bất thiện sinh khởi trong chúng ta chứ không phải là liệu chúng có khởi lên hay không. Các cảm xúc thù hận, căm ghét, sợ hãi, tự cho mình là đúng, tham lam, ganh tị và đố kỵ đều sẽ khởi lên. Thách thức là nhìn tất cả chúng với chánh niệm. Nhìn thấy rằng chúng gây ra đau khổ và không có hành động nào dựa vào chúng có thể đưa chúng ta đến những kết quả đáng mong ước là sự bình an nội tâm và hòa bình trên thế giới này.
Những hoàn cảnh thông thường trong cuộc sống của chúng ta lại có thể thường xuyên gợi ra một nhận thức sâu sắc hơn. Ví dụ như đi bộ trên phố, chúng ta có thể đi ngang qua những người vô gia cư. Thực khủng khiếp khi thấy rằng trong một đất nước giàu có như nước Mỹ mà vẫn có nhiều người phải sống trên hè phố. Đối với tôi khi đi ngang qua [những người vô gia cư:ND], điều đó rọi sáng tâm trí tôi.
Izumi
Về cá nhân mình thì bạn sẽ làm gì khi đi ngang qua họ? Bạn có nhận thức được cách bạn liên hệ với những người đó không? Bạn có thực sự ghi nhận rằng đó là một hoàn cảnh, một nỗi khổ đang diễn ra bây giờ không? Hoặc bởi vì điều đó quá khó chịu, quá căng thẳng nên bạn khép mình trước nó?
Có người đã hỏi Bác sĩ Paul Farmer – nhà hoạt động nhân đạo vĩ đại tại Haiti và nhiều quốc gia khác trên thế giới – rằng tại sao ông có thể sử dụng cả ngày trời đi đến một ngôi làng hẻo lánh chỉ để chăm sóc cho có vài người. Câu trả lời của ông cho thấy khả năng bao la, không giới hạn của hành động trắc ẩn:
“Nếu bạn nói rằng bảy giờ đồng hồ đi bộ là thời gian quá lâu cho hai gia đình người bệnh, thì bạn đang nói rằng cuộc sống của họ không có giá trị so với của những người khác. Và ý kiến cho rằng cuộc sống của một số ai đó là không có nhiều giá trị chính là gốc rễ của mọi sai lầm trên thế giới này.”
Việc thực hành lòng từ bi nghĩa là phải có kinh nghiệm về nó. Một nhà thơ Nhật Bản khác, bà Izumi sống ở thế kỷ thứ X viết: “Nhìn mặt trăng non, đơn độc giữa bầu trời. Tôi hoàn toàn biết bản thân mình. Không sót một phần nào.” Khi chúng ta có thể cởi mở ra với tất cả mọi thành phần của bản thân mình và với những người khác trên thế giới, thì có một điều gì đó rất phi thường diễn ra. Chúng ta bắt đầu liên kết với những người khác.
Pháp Minh Trịnh Đức Vinh dịch
Joseph Goldstein là một trong những Thiền sư Minh Sát Tuệ (Vipassana) đầu tiên của Mỹ, đồng sáng lập Trung tâm thiền Insight Meditation Society cùng với Jack Kornfield và Sharon Salzberg. Ông đã được gặp rất nhiều Thiền sư, Đạo sư nổi tiếng ở Miến Điện, Ấn Độ, Tây Tạng như Angarika Sri Munindra, Sri S.N. Goenka, Dipa Ma, Sayadaw U Pandita, Tulku Urgyen Rinpoche, Nyoshul Khenpo Rinpoche. Ông cũng là tác giả nhiều cuốn sách quen thuộc với độc giả Việt Nam như: Ba mươi ngày thiền quán, Kinh nghiệm thiền quán…
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS