Sự trân trọng

SHARE:

Có lần bật tivi: hình ảnh sông nước trời mây miền Tây thu hút mắt tôi, và có hai người nhạc sĩ, một thổi kèn saxo, một chơi guitare, đang trình diễn một bài nhạc về quê hương. Coi ít phút cảnh sông nước bao la, tôi đứng dậy, định tắt, vì hai chàng nhạc sĩ đã đứng tuổi, vóc dáng chẳng hấp dẫn gì cho lắm, mặc dù có khi người thổi kèn đứng hẳn trong nước. Ngay lúc đó, tôi thấy mình không trân trọng công sức của những người tạo ra chương trình này. Rồi tôi tiếp tục xem thêm một bài nữa mới tắt.

 

Sau đó tôi cứ suy nghĩ về sự không trân trọng của mình. Tôi thường nói với người chung quanh, người sản xuất mới khó khăn mệt nhọc, còn người tiêu thụ thì khỏe khoắn hơn, sung sướng hơn. Tôi biết điều này bởi vì tôi cũng là một người sản xuất, làm ra những bài viết cho người đọc, và tôi biết một bài viết đòi hỏi công sức như thế nào, chưa kể công sức của nhiều người khác trong tòa soạn cho đến người phát hành.

 

Sáng hôm đó, khi nhìn cái gì tôi cũng giữ được cái nhìn trân trọng, không lơ là coi thường như trước. Cái gì cũng có bàn tay dấu ấn công sức của con người. Dù bây giờ sự sản xuất là bằng máy móc, đỡ tốn nhiều thời gian, nhưng bù lại phải suy nghĩ rất nhiều để quyết định sản xuất cái gì, có tiện dụng cho người tiêu dùng, có thể tinh gọn hơn nữa không, có làm hại môi trường không.

 

Ngày nay trong một xã hội tiêu thụ, đồ vật càng được xài nhanh càng tốt, tạo cho chúng ta thói quen coi thường, tâm lý rẻ rúng, vất bỏ. Do đó mà thế giới càng nhiều rác hơn, trái đất càng cạn kiệt hơn.

 

Ra ngoài chợ, trước kia nhìn những trái bưởi nhỏ, còi cọc trên tấm ny-lông bày bán, tôi thường quay mặt đi. Bây giờ tôi nhìn thấy nhiều hơn: những trái cây ấy được trồng ở vùng đất không tốt, có khi do những ông bà già không đủ sức chăm sóc hàng ngày. Tôi đã từng thấy những áo quần, những vòng đeo tay đeo cổ rẻ tiền và tự hỏi người ta sản xuất làm gì những thứ đó. Bây giờ tôi nhận ra, nếu mình khinh thường những thứ đó có nghĩa là mình khinh thường những người sẽ dùng nó.

 

Chỉ chừng đó thôi nhưng cho tôi thấy sự coi thường, rẻ rúng, xem nhẹ của mình đối với phần lớn cuộc sống đang diễn ra chung quanh: ngó lơ những sự vật kém cỏi, ngó lơ công sức và cả cuộc sống của biết bao người. Không bắt buộc là tôi phải mua, không bắt buộc tôi phải xem hết chương trình tivi vừa mới bật, nhưng dẫu không mua, không xem thì cũng không nên xem thường, rẻ rúng, vô cảm với chúng. Bởi vì điều này sẽ đem đến thiệt hại trước hết cho tôi, tâm thức tôi sẽ dần dần hạn hẹp, không mở ra được với đời sống bao la kia.

 

Suốt ngày hôm ấy tôi xoay ngược thói quen – thói quen là nghiệp – của mình: ưa nhìn người khỏe mạnh, không ưa nhìn người ốm yếu bệnh tật; ưa nhìn những trái cây tốt, những đồ vật hoàn hảo, tránh nhìn những trái cây cằn cỗi, những đồ vật cũ kỹ, tầm thường, xấu xí. Với cái nhìn trân trọng từng sự vật, tôi thể nghiệm được sự trân trọng là một cánh cửa mở của lòng từ bi.

 

Mắt từ trông chúng sanh (Từ nhãn thị chúng sanh, phẩm Phổ Môn), chẳng phải đó là mắt của bậc đại từ đại bi Quán Thế Âm? Có phải có đôi mắt trân trọng với tất cả mà người ta nhìn thấy nghe thấy thế giới như danh hiệu Quán Thế Âm? Mắt chúng ta chỉ nhìn cái gì chúng ta thích, bỏ qua cái gì không thích, nên chúng ta đã bỏ qua phần lớn thế giới này. Thế giới của chúng ta nhỏ hẹp, thậm chí méo mó, bởi vì cái nhìn chúng ta hạn hẹp, thiên lệch, vô cảm.

 

Cái nhìn trân trọng đưa chúng ta đến với thế giới. Thế giới trình hiện với chúng ta qua một cái nhìn mở rộng, bao la để chào đón chấp nhận tất cả. Đây là cái nhìn của lòng từ bi. Qua cái nhìn như thế, chúng ta thế giới, chúng ta thấy thế giới. Trong cái nhìn ấy, chúng ta thế giới.

 

Với một cái nhìn không chiếm đoạt cũng không loại bỏ, một cái nhìn không thiên lệch, bình đẳng, khách quan, khi ấy chúng ta thấy thế giới cùng vẻ đẹp, sự thanh tịnh đến thiêng liêng của nó. Cái nhìn khách quan bình đẳng thì mở rộng. Càng bình đẳng càng mở rộng, mở khắp, cho đến khi chúng ta thấy tất cả thế giới.

 

Trong kinh Duy-ma-cật, khi Đức Phật xác nhận cõi này là cõi nước thanh tịnh của Phật, ngài Xá-lợi-phất chưa thể tin, mới hỏi Phạm vương Loa Kế: “Tôi thấy cõi này chỉ là gò đống, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, đất đá, núi non… đầy các thư dơ xấu”.

 

Phạm vương Loa Kế thưa rằng: “Tâm của ngài có cao thấp, không y vào Phật huệ, nên thấy cõi này là không thanh tịnh. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Bồ-tát với tất cả chúng sanh trọn đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh y vào trí huệ Phật bèn có thể thấy cõi Phật này là thanh tịnh”.

 

Sau đó Đức Phật nói: “Như thế, Xá-lợi-phất! Nếu người tâm tịnh thì thấy cõi này đều là công đức trang nghiêm”.

 

Thế nên, nếu thấy thế giới xấu xí, chỉ là vật chất trơ lì buồn chán không có sự sống thì chúng ta phải biết đó là do tâm chúng ta xấu xí, trơ lì, buồn chán. Để thoát khỏi cái thế giới cô đơn, buồn chán, không thanh tịnh đó chỉ có một cách là làm hồi sinh tâm mình, làm cho tâm hết bệnh.

Bởi vì, kinh nói: “Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh”.

 

Văn Hóa Phật Giáo số 207

SHARE:

Để lại một bình luận