SHARE:
MỘT CUỘC ĐỜI TỐT ĐẸP
Nguyên tác: “A Life Well Lived” by Lama Zopa Rinpoche
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên
Trong khóa nhập thất Hayagriva Tối Mật tại Viện Vajrapani, Tháng Chín, Tháng Mười năm 1997, Lama Zopa Rinpoche đã ban cho các đệ tử lời khuyên dạy sau đây. Việc này xảy ra khi Rinpoche giải thích một luận văn dài cho sadhana (1) Hayagriva Tối Mật, khi giảng thêm về tiết đoạn quy y:
Cho tới khi chúng con đạt được trạng thái của Đức Samantabhadra
(Phổ Hiền) Quảng đại,
Con và tất cả chúng sinh bao la như bầu trời vô hạn không loại trừ ai
Quy y (nương tựa) Tam Bảo, tinh yếu của sự tôn quý hy hữu,
Và quy y toàn thể tập hội các Bổn Tôn của mạn đà la.
Từ sinh tử tự vô thủy cho tới ngay giây phút này, những bà mẹ chúng sinh tốt lành của con và con từng chịu sự khống chế của ba tâm độc hại. Bị thúc đẩy bởi ba tâm độc hại, chúng con đã tạo ra những nghiệp khác nhau. Kết quả là chúng con đã mang những thân tướng khác nhau từ tột đỉnh của sinh tử xuống tới cõi thấp nhất, địa ngục kim cương, và từng liên tục kinh nghiệm nỗi khổ không thể chịu đựng nổi của sinh tử nói chung, và những đau khổ của ba cõi thấp nói riêng. Ai có đủ năng lực để cứu con và những bà mẹ chúng sinh đau khổ tốt lành của con thoát khỏi tất cả những nỗi khổ đó? Chỉ có Tam Bảo, giờ đây đang an trụ trước mặt con. Ngay bây giờ, cầu xin Tam Bảo che chở con và những bà mẹ chúng sinh tốt lành của con thoát khỏi những đau khổ cực kỳ khủng khiếp của sinh tử, đặc biệt là những đau khổ của ba cõi thấp. Từ giây phút này trở đi cho tới khi con nhìn thấy dung nhan của Đức Phật Phổ Hiền, dù cho điều gì xảy ra trong đời con – dù tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, con sẽ không bao giờ từ bỏ đối tượng quy y của con, Tam Bảo cao quý và siêu việt.
Các thuật ngữ Tây Tạng được dùng ở đây trong luận giảng này, zang-ngan, có thể được dịch nhiều cách. Nói chung, zang có nghĩa là tốt và ngan có nghĩa là xấu, nhưng chúng cũng có thể có nghĩa là thanh tịnh và bất tịnh, hoặc hạnh phúc và đau khổ. Nói chung, khi liên quan tới cuộc đời của chúng ta, tốt có thể có nghĩa là có một cuộc đời dễ dàng, ở đó mọi sự tiến hành êm ả, và xấu có nghĩa là một cuộc đời gian khó, ở đó chúng ta gặp nhiều chướng ngại và các vấn đề. Tuy nhiên, điều tốt hay điều xấu thì tùy thuộc vào cách hiểu của từng cá nhân.
Từ quan điểm của Pháp, nếu quý vị sử dụng đời mình để tạo thiện hạnh hơn là ác hạnh thì đó là một cuộc đời tốt đẹp. Nếu năm vừa qua quý vị đã tạo nhiều nghiệp tích cực hơn nghiệp tiêu cực thì đó là một năm tốt lành; nếu ngày hôm qua quý vị đã tạo nhiều công đức hơn điều xấu xa thì đó là một ngày tốt lành. Cho dù quý vị chỉ dùng một nửa thời gian của mình để làm điều đức hạnh, thì như thế vẫn khá tốt. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách quý vị nhìn vấn đề. Nếu quý vị so sánh mình với người tạo ác nghiệp 24 giờ một ngày, thì một cách tương đối, việc tạo đức hạnh một ít giờ mỗi ngày là một cuộc đời tốt đẹp. Hiển nhiên là sống đức hạnh trong một phần tư ngày thì tốt hơn là không có chút đức hạnh nào.
Vì thế đó là định nghĩa tổng quát về một cuộc đời tốt đẹp và một cuộc đời xấu xa: tỉ lệ tương đối của thiện nghiệp đối với ác nghiệp. Nếu trong 24 giờ liền, quý vị có thể tích tập đức hạnh nhiều hơn ác hạnh, thì mặc dù quý vị có thể cảm thấy kiệt sức, cho dù có thể gần như mất thân mạng này khi đang thực hành Pháp, cuộc đời của quý vị trong ngày ấy thật tốt lành.
Hãy lấy Naropa làm ví dụ. Ngài phải trải qua mười hai gian khổ to lớn và mười hai gian khổ nhỏ hơn để hoàn thành những giáo huấn của Đạo sư Tilopa. Tuy nhiên, cuộc đời của ngài là cuộc đời tốt đẹp nhất trong tất cả những cuộc đời có thể có được. Ngài Milarepa cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn. Theo lệnh của Đạo sư Marpa, ngài phải xây một cái tháp chín tầng tới ba lần và lập tức sau đó tự tay giật đổ xuống. Ngài không bao giờ được phép đi dự các buổi thuyết giảng hay các lễ nhập môn cùng những đệ tử khác, luôn luôn bị đánh đập và quở mắng, và chẳng bao giờ được nghe những lời khen, chẳng hạn như: “Ồ, con quả là một đệ tử tốt lành,” hay “Con đã thực hành thật tuyệt vời.” Mặc dù hoàn tất mọi nhiệm vụ được giao, tất cả những gì ngài nhìn thấy là vẻ phẫn nộ của Đạo sư. Tuy nhiên, tuyệt đối tuân theo lời chỉ dạy của Thầy Marpa và không bao giờ khởi lên tư tưởng tiêu cực nhỏ bé nhất nào về Đạo sư, Milarepa đã thành tựu giác ngộ ngay trong đời ngài. Khi quý vị suy nghĩ về những gì tạo thành một cuộc đời tốt đẹp và những gì tạo nên một cuộc đời xấu xa thì cuộc đời của Milarepa quả là cuộc đời tốt đẹp nhất.
Điều tối quan trọng là phải hiểu rõ sự khác biệt giữa một cuộc đời tốt lành và một cuộc đời xấu xa. Nếu sự hiểu biết của quý vị không đúng đắn, nếu quý vị có một quan điểm ảo tưởng về điều đó thì quý vị thật hết sức sai lầm. Quý vị sẽ đi trệch hướng, và kết quả sau cùng là tâm thức quý vị chẳng có thành tựu nào, chẳng có chứng ngộ nào – hoàn toàn không có điều gì giá trị.
Như thế, quý vị có thể hiểu tốt hay xấu theo trí tuệ của Pháp, sự hiểu biết đúng đắn về lam-rim và nghiệp, hay theo quan điểm của sự tham luyến, bản ngã, và sự ái ngã. Tất nhiên là hai cách hiểu này hoàn toàn đối nghịch nhau. Ý nghĩa của tốt và xấu theo quan điểm của sự tham luyến thì đặc biệt hoàn toàn đối nghịch với ý nghĩa theo quan điểm của trí tuệ. Đây là nơi vô minh ẩn nấp. Nếu niềm tin và sự hiểu biết về Pháp của quý vị quá yếu ớt, quý vị sẽ thấy thật dễ dàng để tin vào cách hiểu của sự tham luyến; nếu niềm tin và sự hiểu biết về Pháp của quý vị mạnh mẽ, quý vị sẽ không thấy khó khăn khi theo cách định nghĩa về tốt và xấu của trí tuệ.
Nói một cách tổng quát thì những người bình thường trong thế giới sẽ theo đuổi sự tham muốn. Đối với họ, một cuộc đời tốt lành là cuộc đời mà sự thành công được đo lường bởi việc phát triển bên ngoài – tích tập càng nhiều càng tốt của cải, tài sản, xe cộ, bạn hữu, gia đình, con, cháu, chắt, và v.v.., là những dấu hiệu hiển nhiên, bề ngoài của sự sung túc, thịnh vượng. Theo sự tham muốn thì đây là loại cuộc đời tốt đẹp nhất để sống. Nhưng cái gì đứng đằng sau sự mưu cầu này?
Trên thực tế, mọi người đều mong muốn được an bình, hạnh phúc, và mãn nguyện trong trái tim và trong tâm thức họ. Đó là những gì mọi người đang tìm kiếm. Điều rắc rối là hầu hết mọi người không hiểu rõ làm cách nào để tìm ra chúng. Phương pháp duy nhất mà họ có để được toại ý là sự phát triển bên ngoài. Đó là tất cả những gì họ biết bởi họ thiếu sự giáo dục của Giáo Pháp. Do đó, mặc dù mong muốn tâm được an bình và mãn nguyện, họ không có phương pháp nào khác hơn là phương pháp bên ngoài. Bất luận họ làm điều gì, cuối cùng thì họ luôn luôn có tâm trạng, như ban nhạc Rolling Stones đã diễn tả thật thích đáng: “Tôi không thể mãn nguyện.”
Giả sử quý vị đã trải qua nhiều năm tháng, có thể cả một đời, trong ẩn thất, hoặc sống trong một tu viện hay ni viện – trung thành với những giới hạnh, trì giới, hy sinh rất nhiều tiện nghi và lạc thú của đời này để sống một cuộc đời trong sạch. Nếu quý vị không từ bỏ sự tham muốn, tâm quý vị sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ. Theo quan điểm của tôi, đó vẫn là một cuộc đời tốt đẹp. Bởi tâm quý vị không thoát khỏi sự tham luyến cuộc đời này, không xa lìa những quan tâm thế tục, quý vị không làm cho tâm mình lành mạnh, quý vị không thụ hưởng những thực hành hay không hoan hỉ khi dấn mình vào giới luật. Nếu thay vì kết giao với những thiện tri thức và những hành giả tốt lành, quý vị lại dính chặt vào sự tham muốn và làm bạn với tám pháp thế gian thì cho dù thân quý vị có thể ở trong ẩn thất hay một tu viện, quý vị không thể kinh nghiệm sự an bình hay hạnh phúc trong tim.
Chừng nào tâm quý vị còn thân thiết với sự tham luyến cuộc đời này và tư tưởng tám pháp thế gian, quý vị sẽ không thể từ bỏ những lạc thú và tiện nghi của đời này để thực hành Pháp, tuân theo giới hạnh và những lời chỉ dạy của thiện tri thức, hay phụng sự cho tu viện hoặc cho những tăng ni khác. Quý vị khó có thể phụng sự bất kỳ chúng sinh nào một khi tâm quý vị bị sa lầy trong sự tham muốn thay vì Pháp.
Tuy nhiên, cho dù tâm quý vị khiến cho quý vị khó vui hưởng cuộc đời hay tìm được hạnh phúc trong trái tim, nếu quý vị vẫn cố gắng thực hành giới hạnh và tuân theo kỷ luật tu viện, là những gì hỗ trợ và dẫn dắt tâm quý vị và bảo vệ nó không bị những chướng ngại, thì như thế vẫn là một cuộc đời tốt đẹp. Tương tự như thế, khi quý vị gặp rắc rối khi ở trong ẩn thất, khi phụng sự các thiện tri thức, hay khi làm việc cho chúng sinh, nếu quý vị kiên trì, quý vị lại bảo đảm rằng cuộc đời của quý vị tốt lành. Tại sao? Đó là bởi công đức quý vị tạo lập sẽ luôn luôn mang lại những kết quả tốt lành.
Nếu quý vị bị thúc đẩy bởi tham muốn hơn là bởi trí tuệ, có thể quý vị không tìm được hạnh phúc hay sự mãn nguyện trong trái tim và tâm hồn khi thực hành hay giữ giới nguyện. Tuy nhiên, quý vị vẫn sống một cuộc đời tốt đẹp bởi những gì quý vị đang làm sẽ mang lại kết quả là một tái sinh tốt đẹp trong đời sau. Cho dù tâm quý vị không hoàn toàn thanh tịnh, không hoàn toàn từ bỏ, không hoàn toàn giải thoát khỏi tư tưởng về tám pháp thế gian, sự tham luyến cuộc đời này, không hoàn toàn khổ hạnh, kết quả của việc thực hành nhất định là phải tốt đẹp. Vì thế, cuộc đời quý vị là một cuộc đời tốt lành.
Dĩ nhiên là phải cần có thời gian để phát triển một tâm thức hoàn toàn từ bỏ. Phải cần tới thiền định mạnh mẽ, liên tục, mãnh liệt, đặc biệt là thiền định về sự vô thường và cái chết khi liên hệ tới nghiệp và những đau khổ của sinh tử, đặc biệt là những nỗi khổ trong các cõi thấp, và những thiền định tiền lam-rim về sự tái sinh toàn hảo: tám tự do, mười thuận lợi, việc khó có được tái sinh làm người, về việc nó vô cùng hữu ích và khó có thể tìm lại một lần nữa ra sao. Nhưng tâm quý vị càng từ bỏ mạnh mẽ thì quý vị càng bỏ xa lại đằng sau tư tưởng xấu ác của tám pháp thế gian, sự tham luyến cuộc đời này, và sự an bình, hạnh phúc và mãn nguyện mà quý vị tìm được trong trái tim càng to lớn hơn nữa.
Tương tự như thế, mức độ mà tám pháp thế gian – khen hay chê, vinh hay nhục, được hay mất, sướng hay khổ – quấy nhiễu quý vị thì tùy thuộc vào mức độ tâm quý vị theo đuổi sự tham muốn. Ví dụ như quý vị càng bám vào việc được yêu thích hay được nghĩ tốt thì quý vị càng đau khổ khi bị phê bình, chỉ trích; quý vị càng mong muốn được cảm thấy thoải mái thì quý vị sẽ càng ghét sự bực dọc, phiền muộn. Khi xảy ra những điều mà tâm tham muốn không thích – những gì đi nghịch lại bốn tình huống đáng ao ước – quý vị càng cảm thấy phiền não thì nỗi khổ trong tim quý vị càng lớn, những vấn đề của quý vị sẽ phát sinh càng lớn lao.
Nhưng cho dù quý vị không hoàn toàn từ bỏ sự tham luyến cuộc đời này, cho dù trái tim quý vị không hoàn toàn viễn ly tư tưởng xấu ác về tám pháp thế gian, cho dù quý vị không hoan hỉ khi sống trong tu viện hay ni viện hoặc sống đời sống xuất gia, chừng nào quý vị còn cố gắng duy trì việc thực hành, quý vị vẫn đang sống một cuộc đời tốt đẹp; những nỗ lực của quý vị sẽ mang lại kết quả tuyệt hảo là một tái sinh tốt đẹp trong đời sau. Đó là điều tôi gọi là một cuộc đời tốt lành.
Nếu quý vị không nhìn vấn đề theo cách đó, quý vị có thể quyết định từ bỏ mọi sự: “Ồ, việc thực hành Pháp không làm cho tôi hạnh phúc. Sau bao nhiêu năm nghiên cứu Phật Giáo Tây Tạng, nhận giáo lý từ những Lạt ma đầy đủ tư cách nhất, sống trong tu viện, và duy trì đời sống xuất gia, tôi vẫn không thấy mãn nguyện hay hạnh phúc trong trái tim tôi. Có lẽ tôi nên đi tới một nhà thờ Hồi giáo và thử theo đạo Hồi.” Sau đó quý vị từ bỏ mọi sự quý vị đã làm và cố sống không có quy tắc hay giới luật, một thanh niên hay thiếu nữ hoàn toàn tự do. Quý vị đi từ chỗ nỗ lực tự giải thoát khỏi tham muốn tới việc làm điều ngược lại – sống bởi sự mê lầm.
Dĩ nhiên là tôi đang khái quát hóa. Tôi không ám chỉ tất cả những người cởi y tu sĩ nhưng đây là điều thường xảy ra khi người ta thay đổi cuộc đời mình. Tuy nhiên, cho dù quý vị bị kích động ra sao, cho dù bao nhiêu hạnh phúc mà quý vị cho rằng mình tìm được từ những lạc thú bên ngoài, quý vị phải tự tra hỏi mình: hạnh phúc này xuất phát từ quan điểm của Pháp hay từ quan điểm của sự tham luyến? Quý vị nên phân tích những gì quý vị kinh nghiệm là hạnh phúc theo cách này.
Vì thế, cho dù quý vị cảm thấy phấn khích muốn được giải thoát hay có một tiện nghi vật chất, giàu có, và nhiều bạn hữu, cuộc đời quý vị bị thúc đẩy bởi một tâm thức phóng túng, và quý vị phải cân nhắc về kết quả của nghiệp. Nếu quý vị không phân tích cuộc đời của quý vị phù hợp với động lực và kết quả mà thay vào đó chỉ chăm chú vào những gì đang diễn tiến trong môi trường xung quanh ngay trước mắt, điều đó có vẻ làm quý vị hài lòng; có vẻ như quý vị đang vui sướng. Nhưng cho dù quý vị tin tưởng chắc chắn tới đâu rằng quý vị đang hạnh phúc và vui hưởng một cuộc đời tốt đẹp, điều đó hoàn toàn là một ảo tưởng. Ngay cả hạnh phúc cũng là một ảo tưởng.
Chỉ khi nào quý vị không nghĩ về động lực của quý vị hay những kết quả của nghiệp trong tương lai thì cuộc đời quý vị mới có vẻ hạnh phúc. Một cuộc đời hạnh phúc thực sự là cuộc đời có một động lực tích cực và một kết quả tích cực. Theo quan điểm của tôi, theo quan điểm của Pháp, đó là một cuộc đời hạnh phúc. Đức Naropa và Milarepa, là những vị đã trải qua những gian khổ ghê gớm theo lệnh của Đạo sư của các ngài, đã có tương lai thật phi thường, tương lai tốt đẹp nhất. Cuộc đời của các ngài là cuộc đời tốt đẹp nhất trong mọi cuộc đời có thể có được, cho dù các ngài đã phải chịu đựng rất nhiều gian khó.
Tuy nhiên, quý vị không thể tịnh hóa tâm thức mình chỉ trong một ngày. Quý vị không thể là một đệ tử hoàn toàn viễn ly khỏi những tham luyến vào cuộc đời này chỉ bằng cách sống trong một tu viện hay ni viện hoặc bằng cách trở thành một nhà sư hay ni cô. Phải có thời gian. Cho tới khi điều đó xảy ra, quý vị cũng phải trải qua nhiều gian khổ. Nhưng nếu quý vị không thiền định liên tục và mãnh liệt về con đường tiệm thứ của hạnh giả có căn cơ thấp, đặc biệt là về sự vô thường và cái chết và sự tái sinh làm người toàn hảo, quý vị sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi sự tham muốn.
Trong khi chờ đợi, quý vị nên hoan hỉ khi sống trong giới hạnh, giữ hạnh xuất gia, trung thành với các giới luật của tu viện. Tất cả những điều này bảo vệ tâm của quý vị và mang lại lợi lạc to lớn cho những người khác. Dĩ nhiên là giới luật mà quý vị tuân thủ phải mang lại lợi ích cho tâm của quý vị; giới luật ấy được lập ra là vì mục đích đó. Như thế, nó hoàn toàn khác biệt với, ví dụ thế, kỷ luật của quân đội. Những giới luật được tuân thủ trong các đại tu viện Sera, Ganden, và Drepung và trong các Học viện Mật thừa Cao và Thấp do những tôn giả phi thường đặt ra để làm lợi lạc cho tâm thức của những người trì giới nhằm phát triển tâm họ trên con đường dẫn tới giác ngộ. Chúng sinh khác cũng được lợi lạc bởi trong khi quý vị thực hành trì giới, quý vị đang tự kiềm chế không làm hại chúng sinh đó. Đây là những mục đích của giới luật tu viện.
Do đó, trong khi quý vị đang sống trong hoàn cảnh như thế, cho dù một phần của tâm quý vị có thể đang nói với quý vị rằng lối sống này không mang lại hạnh phúc hay sự mãn nguyện cho quý vị, quý vị cũng nên nhớ lại những kết quả mà việc thực hành mang lại. Bởi quý vị đang an trú trong giới hạnh không sát sinh, không trộm cắp, và v.v.., quý vị biết rằng sẽ có một kết quả tốt đẹp, quý vị sẽ kinh nghiệm hạnh phúc trong tương lai. Vì thế, cho dù ngay bây giờ quý vị không cảm thấy hạnh phúc trong lòng, quý vị có thể đoan chắc rằng quý vị sẽ hạnh phúc trong tương lai. Đó là vấn đề chính yếu tôi đang cố gắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay, đặc biệt là ở Tây phương, mục tiêu duy nhất có vẻ là: “Điều này có làm tôi hạnh phúc tức thời không?” Đó là mục tiêu chính yếu: tôi, hạnh phúc, hiện tại. Phải ngay lập tức, ngay lúc này, ngày hôm nay. Rồi thì ở tột đỉnh của điều đó xuất hiện khoa tâm lý cổ điển của sự yêu quý bản thân, tự thổi phồng mình lên cho tới khi cảm thấy mình thực quan trọng, sự khẳng định thường ngày, và v.v.. Tuy nhiên, cách thức tốt nhất để chăm sóc bản thân quý vị, cách thức tốt nhất để yêu thương mình, đó là thực hành Pháp.
Khi quý vị thực hành Pháp, quý vị không hắt hủi bản thân mà đúng hơn, chăm sóc bản thân theo cách thức tốt nhất có thể có. Khi quý vị phát triển sự từ bỏ (xả ly), quý vị đang giải thoát bản thân khỏi sinh tử. Đó chính là điều quý vị cần: không có giải thoát, quý vị sẽ không ngừng kinh nghiệm đau khổ, liên tục, không có lúc chấm dứt. Việc thiền định về tánh Không cũng là cách thức tốt nhất để chăm sóc bản thân: khi phát triển quan điểm đúng đắn (chánh kiến), quý vị cắt đứt gốc rễ của sinh tử. Như thế, điều cần thiết là đừng quên phát triển Bồ đề tâm, là cái đưa dẫn quý vị tới hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ. Ngoài ba phương diện chính yếu của con đường, quý vị cần điều gì khác? Có gì tốt đẹp hơn điều này để quý vị thực hiện? Những mục đích cao cả nào quý vị có thể thành tựu? Điều gì có thể tốt hơn sự giải thoát khỏi sinh tử và thành tựu giác ngộ? Cách thức tốt nhất để chăm sóc bản thân quý vị là gì?
Bất kỳ khi nào chúng ta thực hành Pháp trong đời sống hàng ngày của ta, chúng ta nên chăm sóc bản thân theo cách thế tốt nhất có thể có. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói, nếu quý vị sắp ích kỷ, hãy khéo léo một chút. Điều đó có nghĩa là nếu quý vị muốn hạnh phúc, quý vị nên phục vụ người khác, làm lợi lạc người khác, tránh làm tổn hại họ. Đó là cách thức tốt nhất để bảo đảm cho hạnh phúc của riêng quý vị và làm cho cuộc đời quý vị thành công. Đây là cách Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn nói khi ngài nói về “sự ích kỷ khôn ngoan.”
Những gì tôi đang nói thì cũng giống như thế. Không có thực hành Pháp thì không có hạnh phúc; không thực hành Pháp, quý vị sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Vì thế, cách hay nhất để tìm hạnh phúc, cách thức tốt nhất để chăm sóc bản thân, cách thức tốt nhất để chăm lo cho bản thân là thực hành Pháp. Bất kỳ khi nào quý vị thực hành Pháp, quý vị tích tập đức hạnh; kết quả không thể sai lạc của đức hạnh là hạnh phúc – không chỉ hạnh phúc trong đời này mà còn là hạnh phúc trong nhiều đời sau. Nghiệp thì chắc chắn; thiện nghiệp nhất định mang lại hạnh phúc. Ngoài Pháp ra, những phương pháp khác để đạt được hạnh phúc đều không đáng tin cậy.
Trong thực tế, ngoài Pháp ra, không có phương pháp nào để đạt được hạnh phúc. Quý vị không bao giờ có được hạnh phúc nhờ một phương pháp không phải là Pháp. Nếu phương pháp đó không phải là Pháp, nó vô-đạo đức, và kết quả duy nhất có thể có là đau khổ. Vì thế, bất kỳ khi nào chúng ta thực hành Pháp trong đời sống hàng ngày của ta, chúng ta đang thực sự quan tâm tới bản thân bằng một cách thế tốt đẹp nhất có thể có, thực sự đang thương yêu bản thân mình. Kết quả duy nhất có thể có là hạnh phúc.
Cho dù thái độ của quý vị chỉ là tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân – những đời sau tốt đẹp hơn hay sự giải thoát khỏi sinh tử của riêng quý vị – quý vị vẫn đang chăm sóc bản thân và sống một cuộc đời tốt đẹp. Và nếu quý vị đang hiến tặng sự phục vụ cho người khác nhưng quý vị không tìm được hạnh phúc trong đời quý vị bởi tâm quý vị bất tịnh, bởi quý vị chưa chiến thắng bản ngã và sự tham muốn, chưa từ bỏ sinh tử, thì ít nhất quý vị cũng đang làm việc cho chúng sinh. Chừng nào quý vị còn làm việc cho hạnh phúc của chúng sinh, quý vị vẫn đang sống một cuộc đời tốt đẹp.
Tuy nhiên, như ở trên, quý vị có thể cảm nhận: “Tôi không vui hưởng cuộc đời này; trái tim tôi không hạnh phúc,” hay “Động lực của tôi không trong sạch,” và kết quả là ngừng làm việc cho người khác. Khi ấy nếu quý vị bỏ đi và làm việc gì khác, những điều không làm lợi lạc cho bản thân quý vị mà cũng chẳng lợi ích cho người khác, quý vị sẽ bỏ mất ngay cả lợi ích nhỏ bé nhất mà quý vị có thể hiến tặng cho người khác nhờ nỗ lực của thân, ngữ, và tâm của quý vị, và cuộc đời quý vị trở thành một sự hoàn toàn lãng phí thời gian.
Hãy so sánh hai điều này: hoàn toàn phí phạm cuộc đời của quý vị, và làm điều gì đó lợi lạc cho người khác ngay cả với một động lực bất tịnh. Nếu những gì quý vị làm trở nên hữu ích cho người khác, quý vị vẫn đang sống một cuộc đời tốt đẹp; những người khác nhận được hạnh phúc từ những gì quý vị làm. Nếu quý vị ngừng làm việc ấy và thay vào đó làm một công việc không có lợi ích gì hết, quý vị hoàn toàn lãng phí năng lực của thân, ngữ, và tâm của quý vị. Mọi sự quý vị đã tiêu dùng trong thực phẩm, nhà cửa, thuốc men, và quần áo từ lúc sinh ra cho tới nay được coi như hoàn toàn vô ích; chẳng lợi ích cho quý vị mà cũng chẳng làm lợi lạc cho người khác.
Quý vị không chỉ phí phạm mọi sự bản thân quý vị đã làm mà quý vị còn lãng phí tất cả những gì cha mẹ quý vị đã thực hiện. Trong tất cả những năm tháng đó, từ lúc quý vị được hoài thai cho tới nay, cha mẹ quý vị đã hy sinh cuộc đời mình để chăm sóc quý vị. Họ đã làm việc thật nhọc nhằn tới nỗi kiệt sức, với sự quan tâm, sợ hãi, và lo lắng cho hạnh phúc của quý vị. Nếu giờ đây quý vị phí phạm cuộc đời mình để làm điều gì đó không mang lại lợi ích cho bản thân hay cho người khác, mọi nỗ lực của cha mẹ quý vị sẽ hoàn toàn bị lãng phí.
Vì thế, chúng ta nên hoan hỉ rằng ta đã gặp được Phật Pháp quý báu, đặc biệt là lam-rim, là pháp kết hợp toàn bộ tuyển tập 84.000 giáo lý của Đức Phật thành một toàn thể mạch lạc cho phép ta thực hành không sai lầm và đạt được mục tiêu tối thượng của sự giác ngộ. Nhờ thực hành lam-rim, bằng cách tịnh hóa nghiệp tiêu cực và những che chướng của ta và tích tập công đức nhờ việc, chẳng hạn như, trì tụng thần chú Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa) hay danh hiệu của những Bổn Tôn đầy năng lực, chúng ta có thể tiệt trừ mọi quan niệm sai lầm của ta, thành tựu mọi chứng ngộ của con đường, đặc biệt là Bồ đề tâm, và làm việc một cách toàn hảo cho tất cả chúng sinh. Mỗi ngày, nhờ lắng nghe, quán chiếu và thiền định về lam-rim chúng ta mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc đời mình. Bằng cách đọc giáo lý lam-rim thậm chí một ít phút, một ít giây, chúng ta gieo trồng hạt giống của sự giác ngộ trong tâm ta. Khi đọc trong một lúc, chúng ta cũng mang lại lợi ích to lớn cho chúng sinh. Và ngoại trừ việc thiền định về con đường, chúng ta cũng có thể phụng sự chúng sinh bằng nhiều phương cách khác. Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta nên hoan hỉ.
Trở lại luận giảng: “…bất luận điều gì xảy ra trong đời tôi, thanh tịnh hay bất tịnh” có nghĩa là quý vị phải nương tựa (quy y) trong mọi lúc. Nếu quý vị vi phạm các giới nguyện, hay cho dù quý vị không giữ giới luật mà lại phạm điều gì đó trong mười ác hạnh hay nghiệp tiêu cực khác, quý vị vẫn cần phải quy y. Trong thực tế, vào những thời điểm ấy quý vị nên nương tựa nhiều hơn nữa. Quý vị không thể nghĩ: “Tôi đã tạo ác nghiệp, thật vô hy vọng,” và hoàn toàn buông xuôi, không thực hành Pháp nữa. Quý vị vẫn muốn hạnh phúc; quý vị vẫn không muốn đau khổ. Do đó, vào những thời điểm như thế, quý vị nên nương tựa mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Vì thế, cho dù điều gì xảy ra trong cuộc đời quý vị, thanh tịnh hay xấu xa, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, hãy quy y – không chỉ bằng miệng, không chỉ bằng ngôn từ, mà từ tận đáy lòng quý vị, hãy khẩn cầu Tam Bảo: “Xin dẫn dắt con, ngay bây giờ.” Sau đó, với tư tưởng này trong tâm, hãy tụng: “Con và toàn thể chúng sinh bao la như bầu trời không loại trừ ai …” và v.v.. Câu kệ này chỉ cho chúng ta cách thức để quy y mạnh mẽ. Khi quý vị cầu nguyện, lời lẽ xuất phát từ miệng quý vị và những gì quý vị cảm thấy trong lòng nên hòa hợp với nhau. Điều quý vị nói và những gì quý vị cảm xúc nên đồng nhất; quý vị phải an trụ trong ý nghĩa của ngôn từ.
Vấn đề chính mà tôi cố gắng nói ra là chừng nào quý vị còn sống đời sống xuất gia hay trong một tu viện hoặc ni viện, mặc dù quý vị có thể không tìm thấy hạnh phúc hay mãn nguyện trong trái tim quý vị, cuộc đời của quý vị vẫn đáng sống; nó vẫn là một cuộc đời tốt đẹp, bởi kết quả của thiện nghiệp quý vị đang làm sẽ là hạnh phúc trong những đời sau. Không chỉ trong một đời mà trong nhiều đời sau. Vì thế mặc dù quý vị thấy cuộc sống khó khăn và cảm thấy mình phải hy sinh rất nhiều tiện nghi và lạc thú, việc thực hành Pháp của quý vị nhất định sẽ bảo đảm một tương lai tốt đẹp cho quý vị. Về lâu về dài, quý vị sẽ nhận được nhiều hạnh phúc, những tái sinh tốt đẹp, sự giải thoát, và giác ngộ. Vì thế, cho dù quý vị thấy khó khăn khi thực hành và không thích thú nó, xin đừng trở nên ngã lòng.
Chú thích:
(1) Sadhana: (Tây Tạng: drup tab) ‘phương pháp thành tựu,’ một bản văn tập trung vào Bổn Tôn Du già bằng cách sử dụng những kỹ thuật thiền định và trì tụng khác nhau. Đây là nghi thức để thực hành Hai Giai đoạn – Phát triển và Thành tựu.
Nguyên tác: “A Life Well Lived” by Lama Zopa Rinpoche
Trích trong “Advice for Monks and Nuns” by Lama Yeshe & Lama Zopa Rinpoche
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS