LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM BỚT NHỮNG KHỔ ĐAU CỦA BẠN

SHARE:

Những Vấn Đề Của Con Người

Tác giả: DR.K.Sri Dhammananda

Dịch giả: Pháp Thông

Làm Thế Nào Để Giảm Bớt Những Khổ Não Của Bạn.

Thực sự là không có gì là hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt trong thế gian này bởi vì chính những điều mà nhóm người này hoan nghênh lại có thể bị nhóm người khác không thích. Do đó, chúng ta định rõ tốt hay xấu theo những nhu cầu của chúng ta. Mọi vật tự bản chất không tốt cũng không xấu. Theo Đaọ Phật, thế gian tồn tại trên sự đối đãi và chúng ta là một phần trong đó. ‘Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ học được điều gì từ bất kỳ người nào hợp với tôi.’ (Dudley Field Malone).

 

Nếu chúng ta có những tham muốn vị kỷ mãnh liệt đối với sự hiện hữu và các cảm giác, chúng ta sẽ phải trả giá cho những thế giới quan sai lầm ấy. Tư duy đầy mong cầu, khát khao sự bất diệt và chấp thủ vào các cảm giác xem như ‘Ta’ hay ‘Tôi’ chỉ che kín tâm và ý thức về thời gian của nó lại mà thôi. Những ước vọng bất thành sinh ra một loạt những sự tranh chấp, va chạm, không giao thiệp, sợ hãi, lo lắng, băn khoăn và cô đơn. Phải nhớ là không có gì miễn phí trong cuộc đời này, tất cả phải trả giá.

Nếu bạn khao khát muốn đoạn trừ khổ đau trong tâm, bạn phải giảm bớt những tham ái vị kỷ lại. Cuộc hành trình của đời người tuỳ thuộc vào việc bạn có chọn đúng đường và tự phát triển tinh thần để tháo bỏ những căng thẳng của cuộc sống vật chất không, hay bạn sẽ tiếp tục đắm chìm trong những dục lạc với nhiều đối đầu kèm theo của chúng.

Một cách để tự làm vơi bớt nỗi thống khổ thỉnh thoảng xảy đến trong đời bạn là phải hiểu mức độ khổ đau cũng như khó khăn của bạn so với những gì người khác đã nếm trải. Khi bạn gặp bất hạnh, bạn thường cảm giác rằng thế gian này đang chống lại bạn và mọi thứ quanh bạn đều sai. Tuy nhiên, nếu bạn thử ghi nhớ trong tâm những việc xảy ra quanh bạn và biết ơn những gì bạn có xem, thật ngạc nhiên là bạn sẽ thấy mình quả thực còn nhiều may mắn hơn những người khác đấy.

Bạn đã thổi phồng quá mức những khó khăn và khổ đau của bạn. Trong khi những người khác thực sự khốn đốn hơn, tuy thế họ không đến nỗi lo lắng thái quá như bạn. Do đó, khi bạn đối diện với bất cứ vấn đề gì, bạn nên cố gắng giải quyết chúng thay vì lo lắng và tạo ra những nỗi khắc khoải trong lòng. Người Trung Hoa có câu nói rất thực tiễn về cách giải quyết các vấn đề: – ‘Nếu bạn có một vấn đề lớn, cố gắng giảm nó thành vấn đề nhỏ. Nếu bạn có một vấn đề nhỏ, cố gắng để giảm nó thành không có vấn đề gì cả.’

Cách khác để giảm bớt những vấn đề của bạn là nghĩ đến những gì bạn đã trải qua trước đây, dưới những hoàn cảnh tương tự hoặc thậm chí tệ hơn; thế mà nhờ sự nhẫn nại, sáng kiến và nỗ lực, bạn đã có thể vượt qua những khó khăn dường như không thể nào tránh được ấy như thế nào. Nhờ suy nghĩ như vậy, bạn sẽ không cho phép những vấn đề hiện tại ‘nhận chìm bạn’. Ngược lại, nhờ thấy cuộc sống trong viễn cảnh mới có thể bạn sẽ giải quyết được bất cứ vấn đề gì hiện thời bạn đang gặp.

Bạn phải nhận ra rằng trước đây bạn đã từng trải qua những tình huống tệ hơn rất nhiều và bây giờ cho dù chuyện gì xảy đến thì, với kinh nghiệm ấy, bạn đã sẵn sàng để đương đầu trực tiếp với chúng. Với trạng thái tinh thần như vậy, chẳng mấy chốc bạn sẽ lấy lại niềm tự-tin của mình và ở trong một tư thế tốt hơn để giải quyết bất cứ vấn đề gì sẽ xảy ra cho bạn.

Nếu bạn đang đương đầu với một vấn đề, hãy nhớ rằng chắc chắn phải có một cách để vượt qua nó. Thế thì tại sao lo? Mặt khác, cho dù không có một giải pháp nào cho vấn đề của bạn đi nữa, thì sao lại phải lo vì sự lo lắng của bạn cũng không thể đóng góp gì được vào việc giải quyết vấn đề của bạn cơ mà!

Sự gia tăng của mọi loại bệnh về tâm và những xáo trộn tinh thần là hiện tượng đáng báo động nhất trong số các chứng bệnh của thời đại. Càng ngày càng có nhiều người mắc bệnh tâm thần ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt là ở các quốc gia giàu có.

Trong nhiều trường hợp yếu tố phạm tội trong xã hội của chúng ta được đề cập liền sau đó như là bệnh tâm thần. Một kết quả tích cực và có ảnh hưởng sâu rộng xuất phát trực tiếp từ công trình nghiên cứu của Freud, là sự công nhận rằng những kẻ phạm tội và chểnh mảng nhiệm vụ là những người mắc bệnh tâm thần, và cần sự điều trị hơn là trừng phạt. Chính cái nhìn thông thoáng về vấn đề này được xem là căn bản cho mọi cải cách xã hội ‘theo hướng tiến bộ’ nhằm thay thế sự trừng phạt bằng sự phục hồi.

Nếu chúng ta không chứng kiến cảnh người khác sống như thế nào, có thể chúng ta sẽ không học được những cách sống khác. Những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác khiến chúng ta cảm thấy dễ cảm thông hơn. Tính không khoan dung thường phát sinh do không biết gì về những nhu cầu của người khác và cách suy nghĩ của họ.

Hãy Thay Đổi Chính Mình

Bạn được gì do thay đổi thế gian? Liệu bạn có đạt được sự hoàn thiện không? Không bao giờ, bạn chỉ có thể nuôi lớn tính kiêu căng tự phụ và thỏa mãn cho cái tôi của bạn. Và điều này sẽ trói buộc bạn vào bánh xe sanh hữu hay vòng luân hồi mà thôi. Nhưng nhờ thay đổi chính mình, bằng cách nhận ra bản chất thực của cái ngã qua lòng vị tha, tự khép mình vào giới luật và nỗ lực tinh tấn, bạn có thể thành tựu sự hoàn thiện.

Nhờ thành tựu sự hoàn thiện như vậy, cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa hơn và bạn có thể cống hiến sự phục vụ to lớn cho tha nhân. Tấm gương của bạn sẽ truyền cảm hứng cho mọi người; họ sẽ theo gương bạn và cố gắng thành tựu mục đích chung trong cuộc đời này. Đây là lí do vì sao một người, Siddharta (Sĩ-đạt-đa), muốn trở thành một vị Phật đã từ bỏ vương quốc của mình để sống cuộc đời của một du sĩ không nhà. Vì nếu làm vua ngài sẽ chỉ phục vụ được cho thần dân của mình, nhưng nhờ chuyển hóa tự thân bằng nỗ lực tinh tấn, ngài đã có thể cứu giúp thế gian. Con người ngày nay là kết quả của hàng tỷ những tư duy và hành động quá khứ. Con người không phải được tạo sẵn để ‘trở thành và tiếp tục trở thành’. Tính cách của anh ta được quyết định bởi chính tiến trình tư duy của anh ta. Con người tự bản chất không hoàn thiện; họ phải tự rèn luyện mới hoàn thiện được.

Sự sống không chỉ thuộc một mình con người. Nhiều hình thức sống khác hiện hữu trong vũ trụ này. Tuy nhiên, con người có một sức mạnh tư duy và lý luận to lớn hơn. Về phương diện này con người được xem là cao cấp hơn các chúng sinh khác bởi lẽ họ có trí thông minh để uốn nắn lối sống của mình nhằm loại trừ những khổ đau của họ. Vì vậy, nếu mục đích của cuộc sống chỉ là để loại trừ khổ đau, thời con người có thể thành tựu cứu cánh ấy qua nỗ lực tinh tấn của họ. Nhưng cuộc sống cũng sẽ là một thất bại nếu nó không được sử dụng một cách đúng đắn. Đức Phật nhấn mạnh đến giá trị của việc được sinh làm người. Ngài đã vẽ lên bức tranh hoàn hảo nhất về một con người đang nỗ lực và phấn đấu hết kiếp này sang kiếp khác trong cuộc tầm cầu sự hoàn thiện của anh ta.

Sự thực thì, cuộc sống là một kinh nghiệm vô song. Không gì có thể so sánh được với nó;   cũng không thể xác định giá trị của nó dưới hình thức một cái gì khác, và tiền lại càng không thể mua được nó. Ấy vậy mà, nhiều người đã không biết phải làm gì với viên ‘trân châu vô giá’ này. Sự sống ở đây không chỉ muốn nói tới sự sống của thân xác hay của các giác quan, mà là tâm suy nghĩ của con người.

Hãy Tận Dụng Cuộc Sống.

Điểm quan trọng về cuộc sống là ở chỗ chúng ta đã có nó và do đó chúng ta phải biết tận dụng nó. Cơ hội để tận dụng tối đa cuộc sống này thực sự là giá trị lớn nhất của đời người. Nhiều người sống một cuộc sống chật hẹp, buồn khổ, chán chường bởi vì họ không cố gắng tận dụng cuộc sống. Họ sử dụng hầu hết thời gian để lo nghĩ và vật lộn với sự sống, làm việc như những kẻ nô lệ, đối đầu với không biết bao nhiêu là vấn đề và chướng ngại.

Chúng ta đã tốn vô số năng lượng trong mặt trận tình cảm – chiến đấu cho sự sống còn, chiến đấu cho quyền lực, chiến đấu để được lợi, chiến đấu để được danh, chiến đấu cho dục lạc và chiến đấu để được thoát khỏi sự nguy hiểm. Thỉnh thoảng, chúng ta đat được một chút sự thoả mãn thoáng qua nhưng mọi niềm vui chắc chắn rồi cũng chấm dứt với khổ đau.

Cứ nhìn vào thế gian và bạn có thể thấy người ta đang đấu đá với nhau như thế nào — đánh bom, không tặc, và tàn hại lẫn nhau. Có thể nói toàn thế gian chẳng khác một nhà thương điên. Người ta đã quên đi nhân cách tốt đẹp của họ và để cho sự cong quẹo, hung ác, lừa đảo, trộm cắp, giận dữ, phẫn uất, tham lam và vô minh ngự trị trên họ. Rõ ràng là không có chỗ trong tâm con người cho việc tu dưỡng những tư duy thiện. Thử hỏi người ta có thể tìm được sự bình yên, hạnh phúc và mãn nguyện như thế nào trong một trận chiến ở đây người ta cứ liên tục đấu đá với nhau để được lợi lạc hay để thoát khỏi hiểm nguy? ‘Tính dã man của con người đối với con người đã tạo ra vô vàn khóc than.’

Khi Bạn Bảo Vệ Mình Bạn Bảo Vệ Người Khác

Con người phải học cách để tự chữa trị những quan điểm sai lầm (tà kiến) và chứng bệnh điên phổ quát ở mức cá nhân, trước khi muốn có sự bình yên và hoà hợp trong gia đình, trong xã hội và sự tỉnh táo ở mức toàn cầu. Chính ở mức cá nhân này mà chúng ta phải theo dõi tâm chúng ta với chánh niệm, và nhờ làm như vậy chúng ta bảo vệ được tự thân và những người khác cùng một lúc. Kinh Pháp Cú nói:

‘Nếu ta quý trọng ta, hãy khéo canh chừng ta.’

Sự cần thiết phải khéo canh chừng bản thân bằng thực hành chánh niệm được minh hoạ bằng một hình ảnh tương tự do Đức Phật đưa ra, về một diễn viên leo dây và một cậu bé. Xưa có một diễn viên leo dây thực hiện những hành động nguy hiểm cùng với người học trò của mình. Chỉ cần ông hoặc người học trò của ông trượt chân là có thể dẫn đến chấn thương. Trong một màn biểu diễn, ông trèo lên cây sào tre của mình và bảo người học trò: ‘Này con, hãy trèo lên cây sào và đứng trên vai ta.’ Sau khi cậu bé đã làm như thế, người thầy dặn: ‘Này con, hãy bảo vệ ta và ta sẽ bảo vệ con; nhờ canh chừng lẫn nhau, chúng ta sẽ biểu diễn trò chơi, kiếm tiền và leo xuống cây sào an toàn.’ Người học trò suy nghĩ một lát rồi trả lời: ‘Không được đâu thầy, làm như thế sẽ không chắc ăn. Sao thầy không tự bảo vệ mình còn con sẽ tự bảo vệ con. Nhờ tự bảo vệ và tự canh chừng như vậy chúng ta sẽ biểu diễn các trò chơi, kiếm tiền và leo xuống cây sào an toàn. Đây là phương pháp.’ Theo Đức Phật, cũng như người học trò đã nói với thầy của anh ta: ‘Con sẽ bảo vệ con,’ chúng ta nên thực hành chánh niệm để tự bảo vệ mình như vậy. Sự thực hành này cũng sẽ bảo vệ cho những người khác. Nhờ bảo vệ tự thân, ta bảo vệ người khác; nhờ bảo vệ người khác ta bảo vệ tự thân. Và người ấy làm điều này bằng sự thực hành, sự tu tập nhiều lần, và bằng sự chú tâm thường xuyên với những đức khoan dung, vô hại, từ ái, và bi mẫn. Do đó, nhờ thực hành những đức tính này, những đức tính mà chỉ có thể được trau dồi cùng với chánh niệm, ta đem sự bảo vệ và an toàn đến cho người khác.

Chúng ta không nên hiểu lầm bởi nghĩ rằng hành động bảo vệ mình như vậy là ích kỷ. Khi nói phục vụ bản thân, tất nhiên chúng ta không muốn nói làm cho hả lòng tham của chúng ta, vì trong nghĩa đúng đắn nhất thì đây không phải là sự phục vụ cho bản thân mình. Phục vụ bản thân có nghĩa là chúng ta phải thực hành khắc kỷ, giữ giới và luyện tập tâm. Trong khi thực hành những đức tính này, ta đang thực hiện một sự phục vụ cao nhất cho tha nhân. Hơn nữa, làm thế nào người ta có thể gọi là phục vụ người khác thực sự cho được nếu về đạo đức và tâm trí còn yếu kém?

Chúng ta phục vụ bản thân và người khác bằng cách tránh điều ác, làm điều lành, và thanh tịnh tâm ý của chúng ta. Đây là điểm chính của những gì chư Phật ba đời dạy. Tránh điều ác là tránh làm những hành động vốn được thúc đẩy bởi các căn bất thiện, đó là tham, sân và si. Trái lại, chúng ta không ngừng nỗ lực với chánh tinh tấn để hành động từ lòng bi mẫn và trí tuệ. Đây là những gì được hàm ý bởi làm điều lành. Chúng ta thanh tịnh tâm ý bằng cách giảm bớt và cuối cùng thì diệt hẳn những ý nghĩ bất thiện trong tâm. Ngoài ra, chúng ta còn mở rộng những tư duy từ ái đến tất cả chúng sinh không phân biệt. Chúng ta bộc lộ thiện chí đến tất cả chúng sinh và ước mong sao họ được an vui, hạnh phúc, thoát khỏi hiểm nguy, tai hại và thoát khỏi khổ đau.

Cầu mong các bạn được an vui và hạnh phúc!
Cầu mong tất cả những vấn đề của các bạn sớm chấm dứt!

Trích trong Những Vấn Đề Của Con Người – DR.K.Sri Dhammananda

Dịch giả: Pháp Thông

SHARE:

Để lại một bình luận