SHARE:
Ở mỗi phút giây, chúng ta có thể lựa chọn bị cuốn theo dòng niệm tưởng củng cố sự nhận thức rằng chúng ta là yếu đuối và giới hạn, hoặc chúng ta có thể lưa chọn việc ý thức rằng bản chất thật sự của chúng ta là trong sạch, vô nhiễm và không thể bị tổn hại. Chúng ta có thể ở trong giấc ngủ vô minh, hoặc ý thức rằng chúng ta là tánh giác và luôn luôn thức tỉnh…
Nhìn bề ngoài, dường như hầu hết chúng ta đều là những người yếu đuối và bất toàn. Nhưng bên sau sự yếu đuối và bất toàn đó, chúng ta có sẵn chiếc chìa khóa để mở ra kho tàng sức mạnh chân thật của chúng ta. Bằng việc trực diện với những cảm xúc quấy động và những khó khăn xảy ra trong đời sống, chúng ta khám phá ra một kinh nghiệm về hạnh phúc dàn trãi ở bên ngoài cũng như bên trong chúng ta. Nếu tôi không đối diện với những sợ hãi và lo âu trong thời niên thiếu, tôi đã không như tôi ngày hôm nay. Tôi đã không có đủ can đảm hay sức mạnh bước lên một chiếc phi cơ, du hành khắp nơi trên thế giới, ngồi trước một đám đông thính giả xa lạ để trao gởi sự hiểu biết mà tôi có được từ kinh nghiệm cá nhân cũng như từ kinh nghiệm của những vị Thầy, những người đã hướng dẫn và dạy dỗ tôi.
Vâng, tất cả chúng ta đều là những vị Phật trong tiềm năng. Chúng ta chỉ không nhận ra điều đó. Chúng ta bị giam hãm bằng nhiều cách trong cái thấy hạn hẹp về chính chúng ta và thế giới xung quanh do những điều kiện văn hóa, giáo dục, gia đình, kinh nghiệm cá nhân, những khuynh hướng phân biệt và đo lường những kinh nghiệm hiện tại, những hy vọng và sợ hãi về tương lai.
Nhưng khi chúng ta bắt đầu hướng về việc tu tập với mục đích giác ngộ, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận sự thay đổi trong kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta. Những sự việc thường gây khó khăn cho chúng ta dần dần giảm đi sức mạnh quật ngã chúng ta. Chúng ta trở nên sáng suốt hơn, thư giản hơn, và tâm hồn mở rộng hơn. Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng những cản trở là những cơ hội để vươn lên. Và khi nhận thức không thật về sự giới hạn và yếu đuối của chúng ta dần dần giảm bớt, chúng ta sẽ khám phá sâu trong chính chúng ta sự lớn lao chân thật, về chúng ta là ai, là gì.
Và khi nhận ra được tiềm năng của chúng ta, chúng ta cũng bắt đầu nhận ra tiềm năng đó nơi mọi người. Tánh giác không phải là một tính chất đặc biệt dành riêng cho một thiểu số ưu đãi. Dấu hiệu nhận ra tánh giác đó là thấy rằng nó rất bình thường – đó là khả năng thấy rằng mọi sinh linh đều có nó, mặc dầu không phải ai cũng nhận ra nó. Từ đó, thay vì khép kín tâm hồn khi chứng kiến một người kêu than, hoặc có hành động gây tổn hại đến kẻ khác, chúng ta thấy tấm lòng của chúng ta mở rộng ra hơn. Chúng ta nhận ra rằng họ không phải là những người “xuẩn ngốc,” nhưng là những người, giống như chúng ta, muốn được hạnh phúc và bình an. Họ chỉ hành động giống như “xuẩn ngốc” vì họ không nhận ra bản chất thật sự của họ, họ bị áp đảo bởi những cảm giác yếu đuối và sợ hãi.
Sự tu tập của chúng ta có thể bắt đầu với ước vọng đơn giản là được sống tốt đẹp hơn, được tiếp cận với những sinh hoạt của chúng ta bằng sự thức tỉnh và minh sát cao hơn, đưa tâm hồn chúng ta sâu hơn đến với người khác. Trong thực tế, trí tuệ và từ bi phát triển cùng nhịp. Càng tập trung, chúng ta càng dễ nhận ra lòng từ bi. Và càng mở rộng tâm ra với người khác, chúng ta càng sáng suốt và tập trung hơn trong mọi sinh hoạt của chúng ta.
Ở mỗi phút giây, chúng ta có thể lựa chọn bị cuốn theo dòng niệm tưởng củng cố sự nhận thức rằng chúng ta là yếu đuối và giới hạn, hoặc chúng ta có thể lưa chọn việc ý thức rằng bản chất thật sự của chúng ta là trong sạch, vô nhiễm và không thể bị tổn hại. Chúng ta có thể ở trong giấc ngủ vô minh, hoặc ý thức rằng chúng ta là tánh giác và luôn luôn thức tỉnh. Dù cách nào, chúng ta cũng vẫn không tách rời tính chất không giới hạn của hiện hữu chân thật. Vô minh, yếu đuối, sợ hãi, sân giận và ham muốn đều là những biểu lộ của tiềm năng vô hạn của Phật tánh chúng ta. Không có gì sai hay đúng trong sự lựa chọn đó. Kết quả của việc thực hành Phật pháp sẽ là nhận ra rằng những thứ phiền não nầy và nhiều loại phiền não khác không có gì tốt hơn hay xấu hơn những thứ mà chúng ta có thể lựa chọn. Bản chất của chúng ta là vô giới hạn.
Chúng ta lựa chọn vô mình vì chúng ta có thể lựa chọn. Chúng ta lựa chọn giác ngộ vì chúng ta có thể lựa chọn. Luân hồi và niết bàn đơn giản chỉ là hai điểm nhìn khác nhau từ sự lựa chọn của chúng ta về cách quan sát và cảm nhận những trãi nghiệm của chúng ta. Không có gì kỳ diệu về niết bàn và không có gì xấu hay sai về luân hồi. Nếu chúng ta quyết định suy nghĩ về chúng ta là giới hạn, sợ hãi, yếu đuối, hoặc bị đe dọa bởi những kinh nghiệm đã qua, chỉ biết rằng chúng ta đã chọn điều đó. Cơ hội để kinh nghiệm về chúng ta một cách khác luôn luôn sẵn sàng.
Phật giáo cho chúng ta sự lựa chọn giữa con đường quen thuộc và con đường có thể thực hiện. Chúng ta cảm thấy dễ chịu và vững tâm trong việc duy trì những hình thức suy nghĩ và cách ứng xử đã trở nên quen thuộc. Ra khỏi khu vực tiện nghi và quen thuộc đó để bước vào một lãnh vực không quen thuộc có thể như rất đáng sợ, không thoải mái. Chúng ta ngập ngừng trước hai quyết định: trở lại với sự tiện nghi nhưng làm cho chúng ta lo lắng, hoặc tiến về phía con đường có thể làm cho chúng ta lo sợ chỉ vì nó xa lạ.
Trong một ý nghĩa nào đó, cảm giác bấp bênh khi lựa chọn đi theo con đường hướng đến tiềm năng trọn vẹn của chúng ta, Phật tánh, giống như cảm giác mà nhiều học trò của tôi diễn tả khi chấm dứt một mối quan hệ lạm dụng: một sự miễn cưỡng hoặc một cảm giác thất bại gắn liền với việc cho mối quan hệ ra đi.
Khác biệt chính giữa sự cắt đứt mối quan hệ lạm dụng và sự bước vào con đường thực hành Phật pháp là khi bước vào con đường thực hành Phật pháp, chúng ta chấm dứt sự quan hệ lạm dụng với chính chúng ta. Khi chúng ta chọn đi theo con đường dẫn đến việc nhận ra tiềm năng chân thật của chúng ta, chúng ta bắt đầu nhận thấy chúng ta bớt dần sự coi thường chúng ta, cái nhìn của chúng ta về chúng ta trở nên tích cực và lành mạnh hơn, cảm giác tự tin và vui sống lớn thêm. Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra rằng mọi người chung quanh chúng ta đều có cùng tiềm năng như chúng ta, dù họ nhận biết hay không nhận biết. Thay vì nhìn họ như những mối đe dọa hay những kẻ thù nghịch, chúng ta sẽ thấy chúng ta có khả năng nhận ra và thông cảm với những lo âu và bất hạnh của họ. Chúng ta sẽ đáp ứng một cách tự nhiên với họ theo chiều hướnggiải quyết vấn đề chứ không phải tạo thêm vấn đề.
Không ai trong chúng ta không phải lựa chọn: Lựa chọn sự không thoải mái trong việc hướng đến sự thức tỉnh trước những phiền não, hoặc lựa chọn sự không thoải mái trong việc bị những phiền não đó điều khiển. Nhưng con đường tìm đến sự dừng nghỉ trong sự tỉnh thức trước những niệm tưởng, xúc động, và cảm giác – và nhận thấy chúng như được sinh ra từ mối tương quan của tâm và thân – sẽ không luôn luôn dễ dàng. Có thể nói nó giống như khi chúng ta khởi sự một cái gì mới, bắt đầu một công việc mới… Thời gian đầu luôn luôn khó khăn. Khó khăn trong việc học hỏi những kỹ năng cần thiết cho công việc, khó khăn trong việc tạo ra động lực thúc đẩy chúng ta, khó khăn trong việc làm quen với những sinh hoạt mới. Nhưng sau một thời gian, những khó khăn đó sẽ từ từ giảm bớt, chúng ta bắt đầu cảm nhận sự vui thích, cảm nhận sự thành tựu, và nhận thức của chúng ta về cái ngã bắt đầu thay đổi.
Tham thiền cũng giống như vậy. Trong vài ngày đầu, chúng ta có thể có cảm tưởng rất tốt. Nhưng sau một vài tuần lễ, sự tu tập trở thành một thử thách. Chúng ta không có thì giờ, ngồi lâu cảm thấy khó chịu, chúng ta không thể tập trung, chúng ta cảm thấy mệt mỏi… Chúng ta bị chận lại, giống như người chạy đua khi họ cố gắng chạy thêm nửa dặm trong cuộc luyện tập. Cơ thể thì nói: “Tôi không thể,” trong khi tâm thức lại bảo: “Tôi có thể.” Cả hai tiếng nói đều không dễ chịu; trong thực tế, cả hai đều đòi hỏi.
Phật giáo là “trung đạo,” con đường giữa, nó đưa ra sự lựa chọn thứ ba. Nếu không thể tập trung chỉ thêm một giây lâu hơn vào một đối tượng, thì nên dừng lại. Cố gắng làm ngược lại, tham thiền sẽ trở thành một việc khó chịu. Không người nào có thể tiến bộ theo cách đó. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp tục thêm một hai phút, cứ tiếp tục. Chúng ta sẽ ngạc nhiên về điều chúng ta học được. Chúng ta có thể thấy rằng trong thực tế, chúng ta có nhiều khả năng hơn là chúng ta nghĩ. Chỉ việc khám phá đó có thể làm cho chúng ta tự tin hơn vào chính bản thân.
Nhưng quan trọng hơn hết là dù thời gian tu tập có thể kéo dài được bao lâu hoặc bằng phương pháp nào, mọi kỹ thuật thiền quán Phật giáo cứu cánh phải là phát triển tâm từ bi. Bất cứ khi nào nhìn vào trong tâm, chúng ta không thể không nhìn thấy sự tương đồng giữa chúng ta và người khác. Khi nhìn thấy lòng mong muốn được hạnh phúc của mình, chúng ta không thể không nhìn thấy sự mong muốn đó nơi người khác. Và khi nhìn rõ vào sự sợ hãi, tức giận, hoặc ác cảm của mình, chúng ta không thể không thấy rằng mọi người xung quanh chúng ta đều cảm nhận cùng sự sợ hãi, tức giận và ác cảm đó. Đó là trí tuệ – không phải trong ý nghĩa nghe nhiều đọc nhiều, mà trong ý nghĩa sự thức tỉnh của tâm, nhận ra sự kết nối giữa chúng ta và người khác, và con đường dẫn đến niềm vui.
Thị Giới dịch (Shambala Sun)
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS