Tôi thường nghe nói về NỀN TẢNG. Và có rất nhiều điều muốn hỏi.

SHARE:

Tôi thường nghe nói về NỀN TẢNG. Và có rất nhiều điều muốn hỏi. Như NỀN TẢNG là gì? Tu tập làm sao để thấy NỀN TẢNG ấy? Và khi nhận diện và sống được trong NỀN TẢNG ấy rồi có còn Phiền Não hay không?
Có còn Thị Phi phân biệt ta người nữa hay không? Nói chung có còn Tứ Tướng.. NGÃ, NHÂN, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ. Nhờ Thientrithuc khai mở cho những nghi vấn của tôi, xin cảm ơn nhiều.

TRẢ LỜI:
Nền tảng là một thuật ngữ mà chúng ta thường thấy trong các sách nói về tu hành của Phật giáo Tây Tạng, nhất là trong Đại Ấn. Chữ nền tảng được nói đến là Đại Ấn nền tảng. Có ba loại đại ấn: đại ấn nền tảng, đại ấn con đường, và đại ấn quả. “Đại ấn nền tảng là bản tánh của tất cả hiện tượng. Nó như vậy từ sơ thủy; nó ở đó dù chúng ta không chứng ngộ nó. Từ quan điểm kinh nghiệm, đại ấn nền tảng là tâm như nó là.
Từ quan điểm đại ấn nền tảng thấm khắp mọi sự, nó là thực tại, sự vật như chúng là. Đôi khi nó được gọi là viên ngọc của tâm, Như Lai tạng (tathagatagarbha), hay Phật tánh. Nó vẫn như vậy dù chúng ta khổ đau hay làm điều tốt, bởi vì đại ấn thấm khắp mọi chúng sanh theo cùng một cách.”
(Trích trong Những Điểm Thiết Yếu Đại Ấn: Nhìn Thẳng Tâm)
Như vậy chúng ta có thể hiểu nền tảng là một yếu tố toàn khắp và căn cơ, nó luôn hiện hữu hòa nhập quanh ta nhưng vì việc tu hành của chúng ta chưa đủ để phát hiện ra nó. Nó là nền tảng bởi vì nó chưa bao giờ thiếu vắng, nó là nền tảng bởi tất cả chúng ta người mê kẻ ngộ ai cũng có thể sở hữu nó, sống bằng nó nếu phát hiện ra nó. Nó là bình đẳng trong tất cả chúng ta ở Phật cũng không thêm mà ở chúng sanh cũng không bớt…
Nền tảng là một thuật ngữ mà qua nó chúng ta thấy được sự chung nhất của Phật giáo. Trong Kinh Lăng Nghiêm, nó là Như Lai Tạng vì nó là nền tảng sinh ra muôn pháp. Trong Kinh Pháp Hoa nó là Tri Kiến Phật ở mỗi chúng ta mà Phật muốn khai thị cho chúng ta ngộ nhập. Trong Kinh Kim Cương nó là tâm Vô Sở Trụ. Trong Kinh Bát Nhã nó là tánh Không. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ dạy trong phẩm Bát Nhã “Nầy thiện tri thức! Trí bồ đề bát nhã, người đời ai cũng tự có, chỉ vì tâm mê muội nên tự mình chẳng tỏ ngộ được vậy phải nhờ bậc đại tri thức chỉ dẫn cho, thì thấy rõ tự tánh.”
Và các thành tựu giả Tây Tạng ví Phật tánh nơi mỗi chúng sanh cũng như dầu trong hạt mè. Tức là nó thẩm đẩm Phật tánh chỉ vì chúng ta không nhận ra nó bởi mê mờ mà thôi.
Hay như thiền sư Vô ngôn Thông của Việt Nam nói rằng: “Ở khắp tất cả chỗ” và “chưa từng che dấu.”
Chúng ta có thể hiểu nền tảng là bản tánh hay bản thể của: tâm, tư tưởng và của mọi hiện tượng mọi sự vật, chính vì vậy mà chúng ta sống trong cuộc sống này với muôn sai vạn khác nhưng bản thể của nó vẫn đồng hiện cùng với muôn sai vạn khác đó, đó là nền tảng. Nền tảng là một vị giải thoát của Phật giáo. Nó chung nhất cho những ai ở ngoài và trong tất cả truyền thống, tông phái của đạo Phật. Và người ta tu hành là nhằm nhắm đến để nhận biết được nó.

Tu tập làm sao để thấy nền tảng? Đây là một vấn đề then chốt và thiết yếu. Có biết bao nhiêu pháp môn tu tập trong Đạo Phật. Thientrithưc chỉ đề nghị những yếu tố cần thiết mà chúng tôi thấy là đúng đắn theo quan điểm và kinh nghiệm của mình, bạn có thể theo đó mà tham khảo. Chúng ta có thể xem các bước tu tập sau khi đã qui y và thọ năm giới việc tu hành của mình phải có các yếu tố như sau:
Tín: tức là tin, chúng ta tin là thật sự có nền tảng qua lời chỉ bày trong kinh điển và các bậc giác ngộ đi trước. Tin được nền tảng giống như tin rằng ta có một kho báu vô tận đang ẩn trong cuộc sống thường ngày này. Có thật tin thì chúng ta mới có động lực để tu hành phát hiện ra nền tảng. Chúng ta có động cơ để khai thác tài sản của chính mình. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, tùy theo căn tánh của mỗi người mà sự tin tưởng và cầu tìm trong Phật pháp có cao thấp. Tức là vấn đề đến với Phật giáo của mỗi người tùy theo sự thỏa mãn ý thích, ước nguyện của mình trong lãnh vực tâm linh này. Và tin có một nền tảng là một niềm tin cốt lõi nhất của một Phật tử.
Xem xét nơi mình có thiện căn nào mạnh nhất. Thiện căn ở đây được đề cập là trong các cách thức tu hành của Phật giáo như: trì chú, niệm Phật, tham thiền, lễ lại, cúng dường, sám hối… Chúng ta sẽ phát hiện phương cách nào mà mình thực hành thấy thích hợp nhất và chính phương cách đó là thiện căn của mình, bởi vì pháp đó mình đã thực hành nhiều đời rồi thành quen thuộc nên gọi là thiện căn.
Chúng ta thực hành một pháp là thiện căn của mình, nhưng một pháp phải gồm đủ các pháp khác. Ở đây muốn nói rằng do chúng ta mê nên tất cả các lãnh vực của cuộc sống là toàn mê cho nên việc tu học là dựa vào thiện căn nhưng cũng phải sử dụng các pháp hỗ trợ, có như vậy mới có tác dụng tổng lực nhanh chóng nhằm đưa chúng ta thoát khỏi những che chướng để thể nhận nền tảng. Chúng ta càng nỗ lực tu các pháp hỗ trợ chung quanh việc thực hành theo thiện căn của mình chừng nào thì kết quả càng nhanh chóng đến chừng đó.
Thứ ba là phát nguyện và thời khóa: chúng ta phát nguyện tu hành để giải thoát cho chính mình và cho mọi người với lòng thành muốn nhận ra được nền tảng đã được hiểu cộng đức tin; chúng ta phát nguyện với Phật và các đệ tử của ngài giống như một giao ước để chúng ta thực hiện việc tu hành một cách nghiêm chỉnh và xuyên suốt miên mật theo một thời khóa mà ta chắc chắn thực hiện được. Và theo thời khóa chúng ta thực hành nghiêm chỉnh không thay đổi; đại kỵ nhất trong tu tập mà khi hưng phấn thì tu rất nhiệt tình còn khi chán nản thì lại lơ là cho qua ngày. Con ma giải đãi lười biếng lúc nào cũng lôi kéo chúng ta vào con đường ngủ nghỉ mà quên đi phát nguyện ban đầu. Chúng ta thực hiện tu hành mà như thiền sư Đạo Nguyên, vị tổ của tông Tào Động nói rằng việc duy trì thời khóa tu tập là một trong những yếu tố đưa đến giác ngộ.
Thứ tư chúng ta thực hành theo khả năng tinh tấn của mình, nhưng chúng ta cũng không mơ ước tới kết quả, nhất là những hành giả tham thiền, chúng ta cứ tham thiền miên mật, còn kết quả thì túc duyên đủ nền tảng sẽ hiện, nếu có một ý muốn tìm cầu hoặc mong mình sẽ ngộ đạo hay gì đó, là một che chướng trong con đường tu hành chúng ta cần phải xả bỏ.

Thứ năm, đây là yếu tố quyết định, cần phải có một vị thầy đã chứng ngộ nền tảng để dạy mình tu học trên suốt chặn đường; kể cả khi hành giả đã nhận ra nền tảng rồi cũng cần có một vị thầy dạy những thiện xảo để phát triển nền tảng này phong phú hơn, sâu rộng hơn. (tự tu khi đã nhận ra nền tảng rồi cũng được nhưng vẫn chậm hơn có sự hướng dẫn của một vị thầy)
Vị thầy là người dạy chúng ta thực hành một pháp theo mức độ căn cơ của chúng ta. Thí dụ như tham thiền tùy theo căn cơ của chúng ta mà thầy sẽ dạy nên tu thiền thiên về chỉ nhiều hay thiên về quán nhiều, hay có nên nhập thất dài hạn hay không, hay nên tu trong chúng để cho lòng đại bi của mình được trải nghiệm… Vị thầy là người biết rõ chúng ta cần làm gì trong chương trình tu tập của một cá nhân đặc thù.
Vị thầy là người nhận biết chúng ta tu học có tiến bộ hay bê trễ, người luôn luôn đứng trên cao và đằng sau chúng ta để tạo cảm hứng và trông coi việc thành đạt của chúng ta trên mỗi bước đường tu. Vị thầy là một chỗ dựa vững chắc cho những trở ngại khi ta gặp phải khi thực hành tu tập, và là người đầu tiên nhận biết những đột phá của chúng ta trong mỗi phát hiện mới mẽ về nền tảng trong tu tập.
Vị thầy và chúng ta cùng giải quyết những vấn đề tu tập của chúng ta xảy ra trên con đường. Hai bên cùng hợp tác trong thực hành và những trở ngại của chúng ta sẽ làm cho thiện xảo của một vị thầy trong việc giảng dạy đệ tử của mình được phong phú hơn.
Đặc biệt là vị thầy tạo cảm hứng cho chúng ta. Khi ở gần thầy chúng ta được hưởng sự lan tỏa của lòng từ bi và năng lực giải thoát của thầy. Khi không ở gần vị thầy, chúng ta phải thường xuyên liên lạc nối kết với thầy về việc tu hành của minh và chúng ta được chỉ bảo đúng vừa với khả năng thực hành. Khi được như vậy chúng ta lúc nào cũng có cảm hứng.
Chúng ta phải nhìn việc tu hành của chúng ta là một sự tổng hòa của tất cả: chúng ta vị thầy và những bậc giác ngộ. Tất cả hòa điệu với nhau trên con đường tu hành của mình. Có như vậy chúng ta mới thật sự tin tưởng là tất cả đều là nền tảng.
Cuối cùng là chúng ta nhận ra vị thầy của chính mình, đó là nền tảng. Khi chúng ta nhận ra nền tảng giống như Lục Tổ nói: “niệm niệm tự thấy bản tánh, tự tu tự hành tự thành Phật đạo”.

Khi nhận ra nền tảng thì như thế nào?
Đây là cảnh giới tự chứng như đã thảo luận với nhau ban đầu như thế nào là nền tảng. Nền tảng là giải thoát cho nên khi đã nhận ra nền tảng thì đâu đâu cũng là nền tảng, hay đâu đâu cũng là giải thoát, nó chỉ là một vị giải thoát nó tổng hòa của hai thế giới hiện tượng và bản thể, vì vậy mới có những câu nói khó hiểu: “Sắc tức thị Không”, “Phiền não tức Bồ Đề”. Với con mắt của nền tảng thì tất cả là đại dương cho nên có câu: “Đại dương không chứa xác chết”. hay như Phật giáo Tây Tạng có câu : “Khó khăn là cơ hội”… Những lời nói ấy là xác thực với người đã nhận ra nền tảng. Nền tảng được khám phá dần dần trên con đường nhận diện ra nó, càng ngày càng trở nên sâu rộng hơn.
Giống như một người say rượu, rượu đã thấm vào người đó rồi cho nên ngồi gần cũng nghe mùi rượu nói chuyện cũng có mùi rượu, các động tác đi đứng đều ngã nghiêng. Chính anh ta say nghiêng ngã nên nhìn ra thế giới cũng nghiêng ngã. Chỉ có một vị là Say mà thôi. Nhưng đòi hỏi trước nhất của việc tin nhận điều này là chúng ta phải say, có say chúng ta mới nghiêng ngã mới thấy đất trời nghiêng ngã.

Câu hỏi của bạn rất hay và cốt lõi. Những lời chia sẽ với bạn có tính cách chủ quan. Có thể mỗi cá nhân trong việc dùng phương tiện tu tập có khác, bạn nên tham khảo thêm, mong bạn vui lòng và  thấy hữu ích với những chia sẽ này. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận