Chúng con vì người khác mà hỏi. Xin Thientrithuc khai thị.

SHARE:

Tu theo pháp môn Tịnh độ cầu vãng sanh vì cõi ta bà ngũ trược khó tu. Hành giả phải nhất tâm bất loạn từ 1 ngày đến 7 ngày vãng sanh được Phật A Di Đà rước. Câu hỏi của con là: khi về được nơi muốn về thì họ tu theo pháp môn gì? Thói quen sẽ tạo thành nghiệp thì họ tiếp tục tụng kinh, niệm phật sẽ thành ra ” ở trong nhà mà cứ tìm đường về nhà”. Nếu về đó rồi thiền định rồi đi kinh hành sao kiếp này không tu thiền đi kinh hành?! Vấn đề nữa làvề đó vui quá có còn muốn tu không hay quên mất?!

Trả lời
Bạn thân mến, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ bốn vấn đề trong sự thắc mắc của bạn:
Thứ nhất, niệm Phật đến mức nào được vãng sanh? Theo hòa thượng Trí Tịnh, giảng trong Bài Kệ Niệm Phật của ngài, hành giả tu niệm Phật có ba mức độ chắc chắn vãng sanh:
Một là thực hành đến chấp trì danh hiệu hay niệm Phật thành phiến, còn gọi là bất niệm tự niệm. Ở giai đoạn này hành giả không niệm Phật mà trong tâm vẫn niệm.
Hai là, niệm Phật đến nhất tâm bất loạn về sự, tức là hành giả đã định tâm trọn vẹn vào câu niệm Phật, trong kinh Vô Lượng Thọ nói: đến đây Phật A Di Đà hiện, cảnh Phật cực lạc hiện.
Ba là, niệm Phật đến nhất tâm bất loạn về lý, tức đồng với kiến tánh của Thiền tông, người niệm Phật nhận ra: “đương niệm tức vô niệm” tướng và tánh hợp nhất, “sắc tức thị không” ngay khi niệm Phật, thì Vô niệm hiển bày. Hành giả thấy được thực tánh của niệm, hay thực tánh của tâm, và thực tánh của các pháp, tất cả đồng một tánh. Đó là ba mức độ chúng ta có thể kiểm chứng công phu của mình để biết chắc chắn vãng sanh hay không?
Tuy nhiên theo Đại sư Ngẫu Ích có dạy: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”.
Theo Đại sư:
    “Người đã tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật, tâm nhiều tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm hạ sinh. Tín sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật tán loạn giảm thiểu thì sinh ở hàng Hạ phẩm trung sinh. Tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật lại chẳng tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm thượng sinh.
     Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, chẳng khởi tham, sân, si thì thuộc vào ba phẩm Trung sinh.
     Niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, đoạn Kiến tư hoặc hay Trần sa hoặc và cũng hàng phục được vô minh thì thuộc vào ba phẩm Thượng sinh. Vì thế, Tín-Nguyện trì danh niệm Phật có thể sinh trong chín phẩm, thật đích xác và rõ ràng” ( Trích, Ngẫu Ích Đại sư – Hành trạng và Pháp ngữ Thích Định Thông).

Thứ hai, bạn nói thói quen tụng kinh niệm Phật như “ở trong nhà mình mà tìm về nhà”, không phải chỉ tu niệm Phật người tu mới làm như vậy mà tất cả các pháp môn khác kể cả thiền và mật đều ở trong tư thế “ở trong nhà mà tìm về nhà”. Theo Kinh Lăng Nghiêm: Như Lai Tạng là sẵn có nó nằm ngoài nhân duyên và tự nhiên, Như Lai Tạng hay tánh Không tùy theo nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện ra hư không thế giới… Vì thế cho nên Phật tử chúng ta tu hành tùy theo thiện căn của mỗi người mà thực hành tu tập, dù có tu mau hay chậm cũng không ngoài Như Lai Tạng là nền tảng cho thế giới sanh tử này biến hiện. Do vậy, chúng ta hoan hỷ với mọi người vì họ biết đường trở về dù có khác cách thức, phương pháp; phương tiện thì có khác nhưng cứu cánh vẫn không khác nhau, ví dụ như niệm Phật đến nhất tâm bất loạn về lý thì ngay đây được vãng sanh, hay ngay thế giới Ta bà này là Tây phương cực lạc. Dễ hiểu hơn, nếu chúng ta thể nhập được Như Lai Tạng thì ta bà hay cực lạc cũng không ngoài Như Lai Tạng. Còn tu như thế nào ở mỗi người thì tùy theo thiện căn của mỗi người mà thôi, bạn để ý thấy Phật tử chúng ta đa số là tu niệm Phật, có nghĩa là đa số có thiện căn về pháp môn này.

Thứ ba, bạn nói về đó vui quá nên quên tu, đó là cách chúng ta tưởng tượng. Thật ra đại nguyện của Phật A Di Đà lớn đến nỗi hình thành một thế giới để dung nhiếp những người nào có tín hạnh nguyện muốn vãng sanh về cõi nước của ngài. Khi đã về đó, cảnh cực lạc là vui để không quên tu hành chứ không phải vui mà quên công phu. Bởi vì ở cảnh giới đó: gió, nước, chim, cây,… đều niệm Phật niệm Pháp Niệm Tăng. Cho nên cảnh giới cực lạc sẽ nhiếp hộ người tu niệm Phật thực hiện tu hành tốt hơn.

Cuối cùng, bạn hỏi khi về tây Phương cực lạc thì tu pháp môn gì? Cũng tu niệm Phật, niệm cho đến khi nào niệm vô niệm thì chứng ngộ các tướng là Như Lai Tạng, nhận ra các bóng là gương, mỗi một câu niệm Phật là một bóng nhưng khi đã niệm vô niệm thì mỗi một câu niệm Phật là gương Tâm hiện; nam mô A Di Đà Phật chính là Vô niệm, hay chính là Như Lai Tạng. Và khi niệm vô niệm, chính lúc này mới nhận ra câu nói ở cảnh giới cực lạc: chim, cây, gió, nước đều niệm Phật. Khi tâm đã thể nhập Vô niệm thì cảnh cũng Vô niệm, tâm là Như Lai Tạng thì cảnh cũng là Như Lai Tạng, mới thấy rõ ràng kinh Lăng Nghiêm dạy tất cả đều từ Như Lai Tạng lưu xuất, tất cả xưa nay chính là Như Lai Tạng. Khi niệm vô niệm mới thấy không phải ở cõi cực lạc mà ngay nơi ta bà hay bất kỳ cõi nào cảnh cũng niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Vấn đề là như thế nào niệm vô niệm, hay thực hành như thế nào để nhận ra niệm vô niệm, cho nên cõi cực lạc là để bảo đảm người tu thực hiện được điều này.
Chúng ta, dù niệm Phật, trì chú hay tham thiền rồi cũng phải nhận ra “sắc tức thị không” “niệm chính là vô niệm”, tất cả là sự lưu xuất từ Như Lai Tạng cho nên tu hành là phát hiện ra xưa nay tất cả là Như Lai Tạng. Bạn sẽ nhận thấy cái mê của chúng ta là hư vọng, ngay khi mê là mê trên và trong Như Lai Tạng. Chúng ta có nhận biết ra điều này hay không đi nữa, thì thế giới này vẫn giải thoát và luôn luôn giải thoát; cho nên đường về giải thoát dài hay ngắn là tùy thiện căn của mỗi người, tùy sự che chướng của mỗi người; chỉ nguyện cho mỗi chúng ta ai ai cũng làm tốt công việc của mình, tâm chúng ta cởi mở như vậy sẽ gần hơn với đất tâm, gần với Như Lai Tạng và sẽ dễ thể nhập Như Lai Tạng hơn. Vài chia sẽ cùng bạn. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận