ĐAU KHỔ HOÀN TOÀN LÀ DO LỰA CHỌN

SHARE:

Điều tôi đang nói ở đây không phải là kiểu tự kiểm điểm mà chúng ta vẫn thường làm. Những con người trong thế giới tâm linh thường bận thiền định, tụng danh của Thượng đế và làm nhiều thực hành tâm linh và cầu nguyện khác nhau như một phương tiện cố gắng mang lại hạnh phúc cho bản thân hoặc để thu nạp được ân phúc của Thượng đế. Những con người tâm linh thường lắng nghe lời dạy của các bậc giác ngộ vĩ đại và cố gắng áp dụng chúng, nhưng họ thường bỏ lỡ yếu tố then chốt, đó là: Chúng ta bị nghiện vào chính bản thân mình. Chúng ta bị nghiện vào sự tự cho mình là trung tâm. Chúng ta bị nghiện sự đau khổ của mình. Chúng ta bị nghiện vào niềm tin và thế giới quan của mình. Chúng ta thực sự nghĩ rằng vũ trụ sẽ sụp đổ nếu chúng ta từ bỏ vai trò của mình trong đó. Bằng cách này, chúng ta thực ra vẫn muốn tiếp tục khổ đau.

Hầu hết những người nghiện đều đưa ra rất nhiều lý do khiến họ nghiện, và một số lý do trong số đó có thể rất xác đáng và có ít nhiều sự thật đối với họ. Nhưng cuối cùng, vào cuối ngày, khi chúng ta nghiện một thứ gì đó, bất cứ thứ gì, đó là vì chúng ta đã chọn như vậy. Chúng ta có thể đổ lỗi cho điều gì đó khác, cho người khác, cho những hoàn cảnh nhất định trong cuộc sống của chúng ta – và tất nhiên những khoảnh khắc đau đớn trong cuộc sống có thể liên quan đến nỗi đau khổ của chúng ta và với những thứ mà chúng ta nghiện. Nhưng ngay ở đây và bây giờ, sự thật là chúng ta không còn ở quá khứ nữa. Sự thật là chuyện gì đã xảy ra thì đã xảy ra. Đó là thì quá khứ, và có điều gì đó trong chúng ta có xu hướng muốn giữ chặt nó, chủ yếu là vì chúng ta sợ phải buông bỏ chính những thứ khiến chúng ta đau khổ, bởi vì nếu chúng ta buông bỏ quá khứ, chúng ta sẽ không biết mình là ai nữa. Trong quá khứ, chúng ta không thể đắm mình trong quá khứ. Chúng ta không thể cảm thấy tiếc cho chính mình. Chúng ta phải ở ngay trong khoảnh khắc này, và chỉ khoảnh khắc này, và chúng ta phải đối mặt với chính mình mà không có sự phán xét, xấu hổ hay tội lỗi.

Tôi tìm hiểu tâm linh từ khi còn trẻ. Khoảng hai mươi tuổi, vì một lý do nào đó, tôi phải biết cho được điều gì là đúng, điều gì là thật. Tôi không thể kể cho bạn nghe tất cả những lý do mà tôi phải biết. Tôi thậm chí không hiểu chúng. Theo đúng nghĩa đen, tôi thức dậy vào một buổi sáng và đơn giản là tôi phải biết điều gì cuối cùng là thực và đúng. Tôi biết cuộc sống của mình đã hoàn toàn thay đổi và định hướng mà tôi cho rằng cuộc đời mình dựa vào đã không còn phù hợp nữa. Một điều gì đó hoàn toàn mới đã thức dậy trong cuộc đời tôi và tôi biết nó là về một điều gì đó hoàn toàn khác với những gì tôi đã dự định. Đó là lúc tôi bắt đầu cái được gọi là “cuộc tìm kiếm tâm linh” và giống như hầu hết những người tìm kiếm tâm linh khác, cuối cùng tôi đã tìm được cho mình một vị thầy và tôi bắt đầu thiền định.

Thầy tôi là một Phật tử Thiền tông, và theo truyền thống Phật giáo Thiền tông, điều bạn làm nhiều hơn bất cứ điều gì khác là ngồi trên đệm, nhìn chằm chằm vào tường và thiền hàng giờ mỗi ngày, và đó là điều tôi đã làm. Tôi ngồi trên chiếc gối đó, và tôi cố gắng thiền, cố thiền, cố thiền, và cố thiền. Cho dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa, tôi chưa bao giờ thực sự giỏi về việc đó. Tôi chưa bao giờ thực sự tìm ra cách để ngừng dứt tâm trí của mình. Điều tôi thường làm trên gối thiền là thấy đau khổ, không hẳn là vì quá khứ mà vì tôi dường như hoàn toàn bất lực trong việc bứt phá khỏi quan niệm sống mà tôi đã bám víu quá chặt.

Bằng cách nào đó, qua trực giác, tôi cảm thấy mình không nhìn cuộc sống như nó thực sự là. Tôi có trực giác rằng còn có điều gì đó khác, có một tầm nhìn khác, rằng có một thực tế vĩ đại hơn những gì tôi đang nhìn thấy. Tôi đã thử mọi cách tôi biết để thâm nhập vào đó: Tôi thiền và thiền và tôi viết vào sổ tay của mình. Tôi đọc sách. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người. Và tôi suy nghĩ về điều đó trong đầu, rồi tôi thiền thêm chút nữa, cứ thế, cứ thế, cứ thế và cứ thế.

Lớn lên là một vận động viên, tôi biết cách thúc ép, phấn đấu và tranh đấu để đạt được thành công. Ý niệm phải làm việc chăm chỉ trong thời gian dài đã rất quen thuộc với tôi, nên ngay cả khi nó tiếp tục gây đau đớn, tôi vẫn có thể ngồi thiền lâu hơn và nhiều hơn. Tôi tiếp tục thúc ép và thúc ép, như nhiều người vẫn làm, và sau khoảng bốn năm, tôi đã va phải một bức tường. Tôi nhận ra rằng đơn giản là tôi không thể làm được điều mình đang cố gắng làm. Tôi nhận ra rằng tôi thực sự không biết gì cả. Tôi phải mất bốn năm để đến được một điểm mà tôi có thể tự nhủ: “Tôi không biết mình đang làm gì. Tôi không biết cái gì là thật và cái gì không thật. Tôi có các lý thuyết; Tôi đã viết hàng chồng sổ ghi chép về những gì tôi nghĩ là thật và không thật, những gì tôi nghĩ là Thượng đế và không là Thượng đế, nhưng thực sự, cuối cùng, sau bốn năm đấu tranh tâm linh căng thẳng, tôi không biết nhiều hơn những gì tôi đã biết từ lúc đầu”.

Đó là một thất bại tan nát. Tôi không biết phải làm gì nữa, vì cuối cùng tôi cũng biết rằng tôi thực sự không biết điều đầu tiên là sự đột phá tới một góc nhìn rộng lớn hơn. Tôi không biết điều đầu tiên là về cách ngừng tranh đấu. Tôi không biết làm thế nào để không đau khổ. Tôi va vào một bức tường gạch.

Ngày tôi va vào bức tường gạch, tôi đang ở trong túp lều nhỏ ở sân sau mà tôi đã dựng lên để thực hành thiền, và tôi ngồi xuống đệm như mọi buổi sáng. Tôi thắp nhang rồi ngồi quay mặt vào tường. Và ngay khi tôi bắt đầu cố gắng thiền, cố gắng làm tâm trí mình tĩnh lặng, đột nhiên – từ tận đáy lòng, không phải từ đầu tôi, mà từ sâu thẳm bên trong tôi – có điều gì đó hét lên bên trong tôi: “Tôi không thể làm điều này nữa! Tôi không thể làm nữa! Tôi không biết làm thế nào để đột phá! Tôi không biết làm thế nào để ngừng tranh đấu. Tôi không biết làm thế nào để ngừng phấn đấu. Tôi không thể làm điều này nữa!”. Chính là khoảnh khắc đó. Đó là khoảnh khắc mọi thứ bắt đầu thay đổi. Lúc đó tôi không biết điều đó, nhưng tất cả những gì tôi từng làm trong đời cho đến thời điểm đó đã khiến tôi nhận ra rằng mình bất lực, bởi vì tôi bị mắc kẹt trong một quan điểm nhất định về mọi thứ. Mọi điều tôi làm để cố gắng không bị đau khổ, không phải tranh đấu, thực ra đều xuất phát từ quan điểm của riêng tôi. Và tôi không thể làm gì được. Cuối cùng, tôi phải đối mặt với điều sau cùng mà tôi muốn đối mặt – tôi nghĩ là điều sau cùng mà bất cứ ai cũng không muốn đối mặt – và đó là sự thất bại tuyệt đối, hoàn toàn, tan nát xương tủy. Đây là thứ gì đó hoàn toàn khác với cảm giác tuyệt vọng hay chán nản. Khi chúng ta cảm thấy tuyệt vọng, chán nản, chúng ta chưa hoàn toàn bị đánh bại, nghĩa là chúng ta chưa hoàn toàn dừng lại. Một cái gì đó trong chúng ta vẫn đang đấu tranh chống lại cái đang là.

Nhưng vào thời điểm tôi nhận ra mình thực sự không thể làm được gì, mọi thứ đã thay đổi. Đột nhiên, quan điểm của tôi về mọi thứ thay đổi. Gần giống như lật một lá bài hay một đồng xu, mọi thứ tôi từng nghĩ hay cảm nhận, mọi thứ tôi có thể nhớ, mọi thứ trong khoảnh khắc đó đều biến mất theo đúng nghĩa đen. Tôi cuối cùng đã một mình. Và trong sự đơn độc này, tôi không biết mình là ai, mình đang ở đâu hay chuyện gì đang xảy ra. Tất cả những gì tôi biết là tôi đã đi đến cuối con đường tưởng tượng nào đó. Tôi đến một bức tường gạch nào đó và đột nhiên thấy mình ở phía bên kia của nó, nơi bức tường gạch thực sự đã biến mất. Và rồi sự chứng ngộ lớn lao này xảy ra khi tôi nhận ra rằng tôi vừa không là gì vừa là mọi thứ cùng một lúc.

Ngay khi nhận ra điều đó, tôi bắt đầu cười. Tôi nghĩ: “Thượng đế ơi! Con đã tìm kiếm điều này trong nhiều năm, thiền định hàng nghìn giờ, viết hàng chục cuốn sổ tay – tất cả những tìm kiếm này và tất cả những nỗ lực này”. Nghe có vẻ như một khoảng thời gian ngắn – bốn năm là một khoảng thời gian tương đối ngắn – nhưng khi bạn ở độ tuổi hai mươi, bốn năm dường như là mãi mãi. Vì vậy, trong khoảnh khắc đó, tôi đã bật cười, vì tôi nhận ra rằng thứ tôi đang tìm kiếm luôn ở ngay đây, rằng sự giác ngộ mà tôi đang tìm kiếm thực sự chính là không gian mà tôi đã tồn tại trong đó. Trong suốt thời gian qua, tôi chưa bao giờ đi xa khỏi sự chấm dứt khổ đau. Đó đã là một cánh cửa mở ngay từ đầu, ngay từ hơi thở đầu tiên mà tôi hít vào.

Nỗi đau khổ của tôi, cũng như mọi nỗi đau khổ khác, hoàn toàn là do lựa chọn, nhưng tôi chưa bao giờ biết điều đó. Thứ đưa tôi đến điểm đó là nhận ra rằng tôi không thể làm được, rằng tôi không thể tìm ra cách. Đó nghĩa là dừng lại, hay chính xác hơn, đó nghĩa là bị phải dừng lại, dừng lại hoàn toàn và tuyệt đối. Đó là một hình thức chạm đáy của tinh thần, giống như những gì một người nghiện ma túy có thể trải qua. Đột nhiên tôi nhận ra rằng thứ tôi nghiện chính là tôi – tôi, người đang vật lộn; tôi, người đang cố gắng để giác ngộ; tôi, người đang bối rối. Tôi là một kẻ nghiện đối với tôi. Ngay cả khi tôi đang cố gắng vượt lên chính mình, cố đột phá đến một góc nhìn khác, tôi vẫn không thể vì tôi thực sự đã nghiện chính mình. Và không có bí mật nào về cách để không bị nghiện. Tôi phải đi đến điểm chạm đáy, nơi mà tôi dừng lại, nơi mà tôi nhận ra rằng mình không biết gì cả.

Tất nhiên, tôi đã từng nghe những lời dạy này trước đây. Tôi đã nghe lời dạy “Đừng biết. Hãy từ bỏ những gì bạn nghĩ bạn biết”. Nhưng tôi đã tiếp thu những lời dạy này và gói gọn chúng một cách thuận tiện vào thế giới quan của mình. Tôi tưởng mình đã hiểu những điều mà các bậc thầy tâm linh vĩ đại đang nói đến. Nhưng vào khoảnh khắc đó, điều tôi thực sự thấy là tôi chưa bao giờ hiểu được bất cứ thứ gì. Tôi chưa bao giờ hiểu được một thứ gì cả, và điều đó thật sốc.
—💦💦🌺—

Trích từ: Rơi Vào Ân Phúc – Nguyên tác: Falling into Grace
Bảo Hạnh dịch Việt @2023

Post: Thường An

SHARE: