TÍNH KHÔNG VÀ PHỤ THUỘC LẪN NHAU [DUYÊN KHỞI]

SHARE:

Các sự vật hiện tượng hiển hiện trước mắt chúng ta như thể chúng không phụ thuộc, có khả năng tồn tại độc lập, tự chủ. Trên thực tế, các sự vật hiện tượng hiển hiện đối lập với cách chúng tồn tại thật sự. Bằng cách hiểu và nhận ra bản chất tối thượng của các sự vật hiện tượng – bản chất thật của chúng, chúng ta sẽ thanh lọc và loại trừ cách nhìn sai lạc về thực tại. Làm được như vậy, chúng ta sẽ loại trừ vô minh bám chấp vào sự tồn tại thật có của các sự vật hiện tượng. Nhờ thanh lọc và loại trừ vô minh, chúng ta sẽ chặt đứt chuỗi tồn tại theo chu trình trong luân hồi. Khi hoàn thành được việc này, chúng ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề một cách triệt để.

Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng thật sự không dễ. Để đạt được mục tiêu quan trọng này, cần một nỗ lực phi thường và vô cùng kiên trì khi thực hành. Đây là những phẩm chất mà chúng ta thường thiếu. Đôi khi chúng ta nghĩ mọi thứ sẽ đến một cách dễ dàng mà không cần phải nỗ lực gì, hoặc chúng ta không muốn bị mệt mỏi, mặc dù câu chuyện cuộc đời của các vị đạo sư vĩ đại trong quá khứ dạy chúng ta rằng, để thật sự đạt được các mục tiêu cần thiết, phải thực hành với rất nhiều sự nỗ lực và kiên trì. Chúng ta nên nghĩ về cách các vị đạo sư tôn kính ấy đã thực hành trước kia và phải thôi thúc bản thân có sự can đảm, quyết tâm và lòng nhiệt tình, không sợ mệt mỏi như các ngài vậy.

Để tư duy về tính không của các sự vật hiện tượng, điều cơ bản là chúng ta cần nhận sự hướng dẫn đầy đủ về trí tuệ tính không từ một vị đã chứng ngộ [nhận thấy rõ ràng]. Bằng cách nghe một vị đã chứng ngộ thuyết giảng, chúng ta sẽ bắt đầu lĩnh hội cách nhìn về tính không trên nền tảng tri thức. Sự lĩnh hội này vẫn chưa đủ, có kiến thức về tính không vẫn chưa đủ, mà cần thiết phải thực hành luân phiên giữa tư duy về tính không đồng thời với thực hành thanh lọc những dấu ấn thói quen [tập khí] xấu và tích lũy lực công đức.

Để thực hành theo phương pháp này, đòi hỏi một nỗ lực phi thường, liên tục thực hành và hết sức kiên trì, nhất là lúc bắt đầu, khi mọi thứ có vẻ khó khăn và rất mệt mỏi. Nhưng nếu kiên trì và đạt được kết quả, chúng ta sẽ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn về con đường mình đã chọn. Chúng ta sẽ nghĩ rằng mọi nỗ lực, cố gắng và mệt mỏi đều xứng đáng, vì phần thưởng mà chúng ta nhận được là một lợi ích vô cùng lớn lao, một sự khích lệ. Hãy thử nghĩ về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cách Ngài thực hành, nỗ lực Ngài đã dành ra và những khó khăn Ngài đã vượt qua. Hãy nghĩ về các vị học giả Ấn Độ khác, hay các vị đạo sư như Milarepa, Lama Tsong Khapa và các vị thầy hiện hữu mà chúng ta biết, hãy nhớ đến lòng quyết tâm và sự kiên trì trong cách họ tu tập. Trong suốt cuộc đời, họ không bao giờ gặp những vấn đề như lựa chọn địa điểm cho kỳ nghỉ hay thèm một tách cà phê sau bữa ăn trưa trước khi quay trở lại thực hành. Họ tu tập miệt mài, quyết tâm thực hành và kết quả của những nỗ lực ấy là bây giờ họ sống tràn đầy vui vẻ, an lạc nội tâm. Khi gặp các vị thầy ấy, chúng ta có thể cảm nhận được tâm thanh thản và an bình luôn theo họ trong suốt quá trình tu tập đạt đến giác ngộ. Chúng ta muốn có được sự an bình và thanh thản nội tâm ấy, nhưng lại không sẵn sàng quyết tâm kiên nhẫn thực hành như họ, chúng ta muốn một con đường dễ dàng.

Trong Ba điểm tinh yếu của đường tu, Lama Tsong Khapa viết: “Thiếu đi sự lĩnh hội và cái nhìn đúng đắn về thực tại, ngay cả kinh nghiệm về con đường Bồ đề tâm và tâm buông bỏ cũng sẽ không đủ để chặt đứt chuỗi tồn tại luân hồi”. Ngài viết tiếp: “Như vậy, để chặt đứt chuỗi tồn tại luân hồi, chúng ta phải hiểu và nhận thấy rõ được thực tế tối thượng của các sự vật hiện tượng”. Thực tế tối thượng của các sự vật hiện tượng là phụ thuộc lẫn nhau [duyên khởi] và chỉ là một cái nhãn khái niệm, một sự đặt tên cho khái niệm, chúng không tồn tại một cách độc lập, tự chủ và không có tự tính.

Có hai khía cạnh của tâm cần hiểu: ma rigpa – nghĩa đen là không hiểu biết và rigpa – là hiểu biết. Hiểu biết và không hiểu biết trái ngược nhau, cái này đối nghịch với cái kia. Ví dụ, có và không có đối nghịch lẫn nhau, không có gì chung, chúng mâu thuẫn trực tiếp. Không hiểu biết là khía cạnh vô minh của tâm. Bằng cách phát triển hiểu biết, chúng ta sẽ thay đổi không hiểu biết cho đến khi nó được thanh lọc và bị loại trừ hoàn toàn. Tương tự, nếu phát triển không hiểu biết, chúng ta sẽ giảm bớt hiểu biết, phát triển một trong hai khía cạnh thì cái còn lại sẽ giảm bớt.

Mọi thứ tồn tại nhất thiết phải do hợp thành từ nhân và các điều kiện [hữu vi] hoặc không hợp thành từ nhân và các điều kiện [vô vi]. Những thứ tồn tại do hợp thành từ nhân và các điều kiện đều là các sự vật hiện tượng nhất thời, vô thường, thay đổi. Các sự vật hiện tượng khác tồn tại không do hợp thành từ nhân và các điều kiện thì không phụ thuộc vào nhân và điều kiện; tuy nhiên, chúng phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù chúng phụ thuộc vào các sự vật hiện tượng khác, nhưng sự tồn tại của chúng không phụ thuộc vào một nhân.

Các trường phái triết học Phật giáo chính đưa ra những cách giải thích khác nhau về tính không của các sự vật hiện tượng. Ở đây, chúng ta đang nói về trường phái cuối cùng có cách giải thích tinh túy nhất là Trung quán tông hay Trung đạo. Trung quán tông có hai trường phái: Trung quán Y tự khởi (Svatantrika Madhyamika) và Trung quán Cụ duyên (Prasangika Madhyamika). Trường phái đầu tiên dựa vào lý luận theo dòng truyền thừa của riêng họ và trường phái thứ hai là Trung quán Hệ luận. Chúng ta theo cách giải thích của Trung quán Cụ duyên. Các ngài Nagarjuna [Long Thọ], Chandrakirti [Nguyệt Xứng], Lama Tsong Khapa và các vị thầy quan trọng khác trong quá khứ đều giải thích tính không theo phương pháp hệ luận của Trung quán Cụ duyên, cho nên chúng ta cũng theo cách giải thích này.

Người ta kể rằng khi Lama Tsong Khapa bắt đầu tư duy về tính không, ngài không thể duy trì ổn định cái nhìn đúng đắn về tính không, vì vậy ngài đã thiền, cầu nguyện và trao đổi với Đức Văn Thù Sư Lợi [Manjushri] về một số nghi vấn của ngài về cái nhìn tính không. Đức Văn Thù đã khuyên ngài nên nghe, đặt câu hỏi và nhận sự hướng dẫn từ đạo sư chính của ngài là Tôn sư Rendawa. Mặc dù vậy, Lama Tsong Khapa vẫn tiếp tục có những nghi vấn và không thể duy trì ổn định cái nhìn về tính không. Đức Văn Thù đã giải thích rằng, để thành công trong phương pháp thực hành này, cần thiết phải kết hợp với các phương pháp khác như thanh lọc nghiệp bất thiện và tích lũy lực công đức. Vì vậy, Lama Tsong Khapa đã đến nhập thất ở một nơi có tên là Oyo Choling, tại đây ngài đã thực hành thanh lọc và tích lũy công đức. Sau khi đọc và tư duy phân tích về các luận giải của ngài Buddhapalita [Phật Hộ], cuối cùng, Lama Tsong Khapa đã có cái nhìn đúng đắn về tính không của các sự vật hiện tượng theo Trung quán Cụ duyên. Sau khi đã có cái nhìn đúng đắn về tính không của các sự vật hiện tượng, nghĩa là sau khi đã có cái nhìn thanh tịnh về thực tại, ngài xúc động đến mức đã viết tác phẩm Xưng tán Duyên khởi cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

1 Các loại quan niệm sai lạc khác nhau

Chúng ta có nhiều quan niệm sai lạc về bản thân và các sự vật hiện tượng khác. Một trong những quan niệm sai lạc tệ hại nhất là khẳng định luật nhân quả không tồn tại. Quan niệm sai lạc này có thể bị loại trừ và thanh lọc bằng cách thực hành ba giai đoạn của con đường tu giác ngộ – đó là mục đích nhỏ, trung bình và lớn. Bằng cách thực hành con đường tu tập mục đích nhỏ và trung bình, chúng ta có thể loại trừ quan niệm sai lạc phủ nhận sự tồn tại của nguyên lý nhân quả. Sau đó, chúng ta sẽ thanh lọc và loại trừ quan niệm sai lạc ở mức thứ hai: cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ. Khẳng định rằng cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ là sai lầm nghiêm trọng vì nó sai lệch với thực tại. Cuối cùng, chúng ta cần loại trừ và thanh lọc quan niệm sai lạc về sự tồn tại độc lập của các sự vật hiện tượng. Tóm lại, có ba quan niệm sai lạc nghiêm trọng: đầu tiên là không chấp nhận sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả, thứ hai là khẳng định cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ và thứ ba là coi các sự vật hiện tượng tồn tại độc lập, tự chủ.

Hãy thử nghĩ về mối quan hệ giữa cái tôi có sự sống và các sự vật hiện tượng vô tri. Ví dụ, bản thân tôi và các tập hợp [uẩn] của tôi. Tôi là một con người, còn các tập hợp [uẩn] của tôi là các sự vật hiện tượng. Đối tượng của vô minh bám chấp vào sự tồn tại thật sự của con người [nhân ngã] là: con người tồn tại độc lập, tự chủ. Con người tồn tại độc lập, tự chủ là đối tượng hiển hiện trước chúng ta và chúng ta nghĩ là con người tồn tại thật sự. Điều tương tự cũng xảy ra với các sự vật hiện tượng. Đối tượng của vô minh bám chấp vào ngã của các sự vật hiện tượng [pháp ngã] là: các sự vật hiện tượng tồn tại độc lập, tự chủ. Chúng không có thật, chúng chính là đối tượng của vô minh của chúng ta – vô minh bám chấp vào sự tồn tại thật sự của các sự vật hiện tượng.

Không có sự khác biệt nào về đối tượng của phủ định – trên con người [nhân ngã] và trên các sự vật hiện tượng [pháp ngã], cả ở mức độ thô lẫn vi tế. Cách nhận ra tính không của con người [nhân] và các sự vật hiện tượng [pháp] cũng không khác biệt, chỉ có đối tượng là thay đổi. Trước hết, chúng ta phân tích về con người, sau đó về các sự vật hiện tượng. Lý do trước hết chúng ta cần nhận ra rằng không có cái tôi [ngã] của con người là vì chúng ta phải làm sáng tỏ rằng con người phụ thuộc vào các tập hợp [uẩn]. Để làm được việc này, trước hết chúng ta phải xác định rõ con người, rồi sau đó nhận ra bản chất tính không của các tập hợp [uẩn] của con người, mà các tập hợp [uẩn] này là các sự vật hiện tượng. Nguyên nhân chúng ta thực hành theo trình tự này là vì việc nhận ra tính không của con người [nhân vô ngã] dễ dàng hơn việc nhận ra tính không của các sự vật hiện tượng [pháp vô ngã]. Đối tượng của phủ định trên con người hay cái ngã không vi tế hơn, cũng không thô hơn so với đối tượng của phủ định trên các sự vật hiện tượng, như chúng ta đã nói, là không có sự khác biệt. Sự khác biệt duy nhất giữa chúng là: chúng là hai đối tượng khác nhau để chúng ta xác minh bản chất của chúng là tính không. Đó có thể là con người – cái tôi hay có thể là các tập hợp [uẩn] của chúng ta, là cái khác với cái tôi. Chúng ta bắt đầu bằng việc xác minh bản chất tính không của con người [nhân vô ngã] vì nó là đối tượng quen thuộc và trực tiếp với chúng ta hơn.

2 Nhận diện con người

Là con người, chúng ta là đối tượng quen thuộc nhất với bản thân. Đây là lý do tại sao chúng ta bắt đầu bằng việc xác minh bản chất tính không của con người hay ngã [nhân vô ngã]. Trước khi nói về tính không của con người, chúng ta phải hiểu con người là gì. Nếu không biết ai và cái gì là một con người, chúng ta sẽ không có khả năng nói về tính không của con người, đơn giản vì chúng ta không biết đó là gì.

Theo trường phái Trung quán Cụ duyên, cái tôi đơn giản là định nghĩa hay ví dụ cho một con người. Chúng ta có thể nói cái tôi đơn giản hay cái tôi thuần túy là con người. Trái lại, Trung quán Y tự khởi khẳng định rằng con người là dòng tâm thức người đó. Theo Trung quán Cụ duyên, dòng tâm thức không thể là con người, vì không thể tìm thấy con người trong dòng tâm thức. Một con người có một tâm và các tập hợp [uẩn] – nghĩa là tập hợp của hình tướng [sắc] và thức, nhưng nếu đi tìm con người trong các tập hợp [uẩn], chúng ta sẽ không tìm thấy người đó.

Khẳng định rằng dòng tâm thức là con người là không đúng, vì chúng ta không thể tìm thấy con người trong dòng tâm thức. Ngoài ra, con người không chỉ có dòng tâm thức mà còn có các tập hợp [uẩn] khác. Như vậy, con người không thể chỉ là tâm thức của họ được. Thật vậy, cái tôi đơn giản là con người, bởi vì chúng ta chỉ có thể gọi một thứ là con người. Vậy chúng ta gọi cái gì là con người, một người gọi bản thân là gì? “Tôi, tôi là con người”. Điều này đúng, nhưng tôi là ai? Tôi – cái tôi đơn giản, ngoài ra không có gì khác nữa, cái tôi đơn giản này biểu thị duy nhất cái tôi chứ không phải các tập hợp [uẩn] riêng biệt. Cái tôi đơn giản là con người và cái tôi đơn giản này tạo nghiệp, có thể hạnh phúc hoặc bất hạnh, có thể là một người trầm tính hoặc phức tạp, một người buồn bã hoặc đau khổ. Chính cái tôi đơn giản này sẽ đạt giác ngộ. Theo trường phái Trung quán Cụ duyên, cái tôi đơn giản này là cái đến từ quá khứ và sẽ tiếp tục hành trình của nó đến tương lai.

3 Hai loại phủ định

Cách chúng ta thấy và tin, cũng như điều mà chúng ta nghĩ và bị thuyết phục là hoàn toàn sai lầm vì chúng không có nền tảng thật sự. Đây không phải là điều có thể tin ngay lập tức. Khi bắt đầu tu tập, chúng ta cần thực hành nhẫn rất nhiều. Về sau, bằng cách tư duy phân tích lặp đi lặp lại, suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của tính không và cảm thấy một niềm vui sâu sắc cùng cảm giác giải thoát chân thật. Càng ý thức về điều này, chúng ta càng cảm thấy thoát khỏi các vấn đề của mình.

Nếu thật lòng quan tâm và muốn hiểu biết về tính không, tư duy phân tích phải đi đôi với thực hành nương tựa Phật, Pháp, Tăng, duy trì động cơ đại từ, đại bi cho tới Bồ đề tâm; sau đó hồi hướng và tụng niệm, thỉnh cầu chư Đạo sư-Phật ban cho sức mạnh, nguồn năng lượng đầy cảm hứng, để có thể giúp chúng ta thanh lọc động cơ và lĩnh hội về tính không. Cho dù khó đến đâu, nếu chúng ta quyết tâm tìm hiểu hết lần này đến lần khác, mọi thứ sẽ sáng tỏ dần.

Khi không nhận thức được đối tượng của phủ định, chúng ta không thể phủ định được nó. Cách nhìn và trải nghiệm hằng ngày của chúng ta cũng phù hợp với nhận thức và cách chúng ta nghĩ về bản thân, đó là cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ: “Đối tượng của phủ định là cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ, tồn tại tự thân, không phụ thuộc vào những thứ khác”. Mục tiêu của chúng ta ở đây là có được cái nhìn phủ định sự tồn tại độc lập, tự chủ của cái tôi. Ở đây từ “phủ định” có nghĩa là hiểu rằng cái tôi này không tồn tại theo cách mà chúng ta nghĩ và thấy nó như hiện giờ.

Có hai loại phủ định chính: phủ định khẳng định là phủ định một điều nhưng gián tiếp khẳng định một điều khác; và phủ định không khẳng định là chỉ phủ định một điều mà không gián tiếp khẳng định bất kỳ điều gì khác. Một ví dụ cho phủ định khẳng định là: “Người đàn ông đó béo, nhưng ban ngày anh ta chẳng ăn gì cả”. Câu này phủ định việc người đàn ông đó ăn ban ngày, nhưng nếu anh ta không ăn ban ngày mà anh ta lại béo, vậy anh ta ăn lúc nào? Dĩ nhiên là anh ta phải ăn vào ban đêm, chúng ta trực tiếp phủ định anh ta ăn ban ngày và gián tiếp khẳng định anh ta ăn ban đêm. Nếu là phủ định không khẳng định, người đàn ông đó sẽ chẳng ăn gì, ngay cả vào ban đêm. Vì đây là phủ định khẳng định, nên chúng ta có thể nói anh ta ăn vào ban đêm.

Một ví dụ của phủ định không khẳng định là: “Người đàn ông đó không tồn tại”. Ở đây, chúng ta chỉ phủ định sự tồn tại của một người mà không ngụ ý gián tiếp là có một thứ gì khác tồn tại. Để hiểu bản chất tính không của cái tôi, chúng ta áp dụng loại phủ định thứ hai – phủ định không khẳng định. Chúng ta chỉ phủ định bằng cách nói: “Cái tôi độc lập, tự chủ không tồn tại” nghĩa là cái tôi độc lập, tự chủ không tồn tại; con người độc lập, tự chủ không tồn tại.

Để thực hành nhận diện đối tượng của phủ định, chúng ta nhận chỉ giáo từ một bậc đạo sư về cách tư duy phân tích và cách giải thích về cái tôi không tồn tại. Vì tin cậy đạo sư, chúng ta sẽ chấp nhận lời giải thích của thầy. Ở giai đoạn này, chúng ta chưa hiểu được mọi thứ theo lô gích, cũng chưa được thuyết phục hoàn toàn và không thể thấy rõ ràng, nhưng chúng ta bắt đầu hiểu ra điều gì đó vì chúng ta tin cậy vào bậc đạo sư. Giai đoạn lĩnh hội đầu tiên này được gọi là tính không mang tính khái niệm, vì nó chưa phải là một kinh nghiệm vững chắc dựa trên khảo sát và lập luận riêng, mà do chúng ta chấp nhận và tin vào lời giảng giải của đạo sư. Giai đoạn này rất gần với sự hiểu biết về tính không, đó là lý do tại sao được gọi là tính không mang tính khái niệm. Đây là bước đầu tiên hướng tới sự hiểu biết rõ ràng. Chúng ta đang bắt đầu thanh lọc bản thân, để loại bỏ những nghiệp bất thiện nghiêm trọng, đồng thời gieo những hạt giống và dấu ấn thói quen [tập khí] tiềm tàng mạnh mẽ để sau này chúng ta hiểu và nhận thấy rõ ràng [chứng ngộ] tính không.

Sự can đảm và quyết tâm sẽ tăng lên khi chúng ta tiếp tục tu tập, ngày càng đi sâu vào chi tiết trong lập luận, sẽ dần dần nhận ra cái tôi độc lập, tự chủ không tồn tại. Chúng ta có thể nhìn thấy nó, nhưng hiểu rằng nó không tồn tại. Đây là việc nhận ra đối tượng của phủ định, trước khi khẳng định rằng không tồn tại một cái tôi độc lập, tự chủ, chúng ta phải nhận ra nó. Giai đoạn này được gọi là nhận biết đối tượng của phủ định. Nhận diện đối tượng của phủ định là phần khó nhất, một khi đã phân biệt và hiểu thấu nó, chúng ta sẽ nghiên cứu cho đến khi hiểu bản chất của nó là không.

4 Ba cách nhận thức cái tôi

Hãy cùng nhận diện đối tượng của phủ định liên quan đến cái tôi, đến con người. Chúng ta có thể nhận diện cái tôi mà sau đó sẽ bị phủ định như thế nào? Chúng ta trải nghiệm cái tôi một cách tự phát như sau: “Tôi tồn tại một cách chắc chắn, tôi độc lập với mỗi năm tập hợp [ngũ uẩn] và đồng thời cùng với năm tập hợp! Tôi không phụ thuộc vào chúng, tôi nhận diện cái tôi tồn tại một cách độc lập, tự chủ, tự thân, tự lực”. Đây là trải nghiệm hằng ngày của chúng ta. Cái tôi này dường như tồn tại cùng với năm tập hợp, nhưng độc lập với chúng.

Bây giờ hãy xem xét ba cách nhận thức và nhận diện cái tôi:

1. Một người đã chứng ngộ [nhận thấy rõ ràng] tính không của cái tôi, nhận thức rằng cái tôi của họ không tồn tại độc lập, tự chủ;

2. Một người hoàn toàn không quan tâm cái tôi có thật sự tồn tại hay không thật sự tồn tại. Đây là người không quan tâm đến nghiên cứu nội tâm, họ nhận thức cái tôi của họ mà không cần tự hỏi bản thân xem cái tôi đó có thật sự tồn tại hay không;

3. Những người nhận thức cái tôi như thể nó tồn tại một cách độc lập, tự chủ, tự lực, không phụ thuộc vào các tập hợp [uẩn], hoặc một tên gọi được gán đặt nào, cũng không phụ thuộc vào nhận thức hay bất kỳ thứ gì khác: “Tôi tồn tại”.

Cách nhận thức đầu tiên rất hiếm gặp, chúng ta sẽ không bàn về nó vì đây là trường hợp một người đã nhận thấy rõ ràng tính không của cái tôi, nhận thức của người đó nhất quán với thành tựu của họ. Trong trường hợp thứ hai, cái tôi được nhận thức mà không được nhận diện xem nó thật sự tồn tại hay không thật sự tồn tại. Thật sự tồn tại ở đây đồng nghĩa với tồn tại độc lập, tự chủ hay tồn tại có tự tính. Nói chung, nhận thức về cái tôi này là cái tôi quy ước thế tục. Cái tôi quy ước này là cái chúng ta gọi tên hằng ngày khi nói: “Tôi đi”, “Tôi ăn”, “Tôi ngủ”, “Tôi nghe Pháp”. Cái tôi này là một sự gán đặt, là quy ước và là cái tôi thực hiện mọi hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. Cái tôi đơn giản này – chứ không phải cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ, là một cái tôi quy ước. Cái tôi này là chủ thể tạo nghiệp và nhận quả từ nghiệp đó. Nhận thức về cái tôi này là một nhận thức chính đáng, vì cái tôi quy ước này có tồn tại, nhưng chúng ta phải cẩn thận: cái tôi đơn giản này tồn tại nhưng tồn tại không có tự tính. Nó là chủ thể tạo nghiệp và nhận quả.

Nếu chúng ta thêm điều gì đó vào cái tôi quy ước, nói rằng nó tồn tại độc lập, tự chủ hay không phụ thuộc, thì sự khẳng định của chúng ta không còn giá trị, vì một cái tôi như vậy không tồn tại trên thực tế, đó là một ảo tưởng, một sự lừa dối. Nhận thức về cái tôi tự sinh, độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, có tự tính, như thể nó có thể tồn tại tự thân, tự lực, không phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì – là cách nhận thức và nhận diện cái tôi thứ ba của chúng ta, được gọi là bám chấp bẩm sinh vào cái tôi. Đây là cách chúng ta nhận thức cái tôi. Đa số các chúng sinh – bất kỳ loài nào, đều nhận thức cái tôi theo cách này, nghĩa là chúng ta bám chấp vào cái tôi một cách tự phát, tin rằng nó tồn tại độc lập, tự chủ. Đây chính là vấn đề của chúng ta.

5 Cách nhận biết đối tượng của phủ định

Trước hết, chúng ta phải hiểu sai lầm ở đâu, sau đó mới tìm phương pháp sửa chữa. Tốt nhất là chúng ta nên mô tả trải nghiệm nhận thức cái tôi bẩm sinh tồn tại độc lập, tự chủ và tự lực. Cái tôi này mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, không xuất hiện liên tục trong cả ngày. Nó có xu hướng xuất hiện khi chúng ta có những cảm xúc mạnh mẽ, còn bình thường, nó xuất hiện dưới hình thức yếu hơn.

Ví dụ, nếu có người buộc tội sai cho chúng ta: “Quân giết người, mày đã giết em trai tao!”, trong khi chúng ta vô tội, phản ứng của chúng ta sẽ mạnh mẽ và dữ dội. Cái tôi của chúng ta không thể dung thứ, không thể chịu đựng, không thể chấp nhận lời buộc tội bất công đó nên nó xuất hiện rất mạnh mẽ, như thể nó tồn tại chắc chắn, độc lập, tự chủ, nó cảm thấy bị lời buộc tội đó tổn hại nghiêm trọng. Cái tôi tại chính thời điểm đó có vẻ thật đến mức chúng ta nghĩ nó tồn tại độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, có ở ngay tại nơi mà thân chúng ta đang ở. Điều tương tự cũng xảy ra nếu chúng ta trúng vài trăm triệu đồng tiền xổ số. Vào thời điểm vui sướng và phấn khởi cực độ, chúng ta cảm nhận một cái tôi rất mạnh mẽ, nghĩ rằng mình giỏi nhất thế giới, vui đến mức có thể rơi nước mắt! Khi trải nghiệm một hoàn cảnh cực độ, chúng ta thường phản ứng rất mạnh mẽ, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Những lúc đó, như thể cái tôi tồn tại chắc chắn, ở đâu đó, độc lập, tự chủ và tự lực mà không phụ thuộc vào những thứ còn lại – vào thân, vào tên, mà nó tồn tại tự thân. Đây là trải nghiệm về bám chấp bẩm sinh vào cái tôi.

Chúng ta đang phân tích về một điều mà chúng ta thật sự trải nghiệm hay chỉ đang nói chuyện hão huyền? Chúng ta nên nghiêm túc so sánh những kết luận trên với trải nghiệm thực tế hằng ngày. Việc phân tích và thực hành của chúng ta có phù hợp với cuộc sống không hay chúng ta đang tưởng tượng ra mọi thứ? Nhận thức về một cái tôi độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, chắc chắn chính là nền tảng hay gốc rễ của mọi vấn đề cá nhân. Khi bị kiểm soát bởi một cảm xúc mạnh – như buồn, thù ghét, bực bội vì sự thiếu công bằng, hay vui sướng tột cùng – đó là thời điểm chúng ta có một trải nghiệm mãnh liệt về cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ của mình.

Việc trải nghiệm nhận thức cái tôi độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, chắc chắn, cái tôi hạnh phúc tột cùng hay không thể chịu nổi bất công chính là nền tảng, là nguồn gốc của mọi vấn đề cá nhân. Nếu chúng ta trải nghiệm những tình huống cảm xúc mạnh như vô cùng đau buồn, căm ghét hay vui tột độ, chính vào thời điểm đó, chúng ta có nhận thức về cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ. Trong khi thực hành, nhất định phải duy trì cảm giác mạnh mẽ về cái tôi chắc chắn, tồn tại độc lập, tự chủ này, nhưng đồng thời cũng phải cố quan sát bản thân, phân tích kỹ và kiểm tra cách chúng ta đang trải nghiệm cái tôi đó. Chúng ta có thấy nó tồn tại độc lập, tự chủ, tự thân, hay thấy nó tồn tại phụ thuộc vào nhân và các điều kiện, vào các thành phần khác nhau của nó?

Hai khía cạnh này của việc phân tích phải được cân bằng một cách hoàn hảo: nếu chú ý vào phân tích quá mức, nhận thức mạnh mẽ về cái tôi sẽ biến mất. Việc phân tích không nên quá nặng nề mà phải tinh tế, sao cho trải nghiệm về cái tôi có vẻ tồn tại độc lập, tự chủ đó có thể tiếp tục. Trong ví dụ trước chúng ta đã có một nhận thức về cái tôi: “Tôi không thể chịu nổi!” và vào thời điểm đó, như thể cái tôi tồn tại thật sự, tự thân, tự lực, không phụ thuộc vào nhân và các điều kiện, vào các bộ phận, tên gọi và khái niệm. Khi có trải nghiệm đó, chúng ta nên thử hiểu rõ hơn về cái tôi mạnh mẽ này. Tư duy phân tích là ở chỗ tiếp tục nhận thức cái tôi bẩm sinh, cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ và đồng thời phân tích cách chúng ta đang nhận thức nó. Để thực hành tư duy phân tích một cách cân bằng như vậy, chúng ta cần cố gắng giữ cả hai ý thức này, không thiên về bên nào mà đánh mất cái còn lại.

Hãy tưởng tượng chúng ta đi trên một con đường núi hẹp, mang theo rất nhiều tiền. Có một kẻ trông đáng ngờ đi theo phía sau, con đường thì hẹp mà một bên là vách núi đá dựng đứng. Chúng ta phải cùng lúc chú ý tới hai điều: phải chú ý vào con đường để không bị rơi xuống vách núi và phải để ý tới kẻ trông đáng ngờ đang đi theo phía sau. Chúng ta trải nghiệm kiểu đa ý thức này rất thường xuyên trong cuộc sống thường ngày, nên cũng có thể áp dụng vào việc phân tích và thiền. Khi đi trên con đường hẹp, nếu chỉ chú ý tới con đường, chúng ta gặp nguy cơ bị tấn công từ phía sau. Nếu chỉ để ý tới người đằng sau mà không coi chừng đường đi, chúng ta sẽ có nguy cơ bị rơi xuống vách núi. Cũng như vậy khi thực hành tư duy phân tích: nếu tập trung quá nhiều vào niềm tin rằng mình tồn tại độc lập, tự chủ, chúng ta sẽ tiếp tục có quan niệm sai lầm đó; nhưng nếu phân tích cái tôi quá nhiều, chúng ta sẽ mất nó. Rõ ràng là có một sự khác biệt rất lớn giữa việc nghe và đọc lời giải thích này với trải nghiệm thật sự. Đây là lý do tại sao mỗi người đều cần suy nghĩ kỹ, so sánh lời giải thích này với trải nghiệm sống hằng ngày và tư duy của riêng mình.

Đôi khi cái tôi bẩm sinh, độc lập, tự chủ, có tự tính, không phụ thuộc, được trải nghiệm như là một với đầu, thân, lời nói, suy nghĩ của chúng ta. Nói cách khác, đôi khi chúng ta đồng nhất cái tôi bẩm sinh với thân thể, đôi khi với lời nói, đôi khi với suy nghĩ. Nếu bị đánh vào đầu, có khả năng tại thời điểm đó chúng ta đồng nhất cái tôi này với cái đầu. Hoặc nếu có người gọi tên chúng ta ra chửi rủa, vào thời điểm đó, chúng ta đồng nhất cái tôi với tên của mình. Điều này là sai. Nhận thức như vậy không tương ứng với cái tôi bẩm sinh, độc lập, tự chủ. Cái tôi bẩm sinh, độc lập, tự chủ là cái tôi trải nghiệm, nhận thức và cảm nhận rằng nó tồn tại tự thân, tự lực, không liên quan gì đến thân, tâm, lời nói, hay thậm chí với tên của chính nó. Đó là cái tôi bẩm sinh, cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ. Nếu chúng ta đồng nhất nó với đầu, thân, lời nói hay đôi khi là tâm, có nghĩa là chúng ta chưa nhận diện nó đúng cách.

Trong một giờ đồng hồ, chúng ta nhận thức hàng trăm điều về bản thân và người khác; và cách chúng ta nhận thức chúng chính là đối tượng của phủ định. Nói một cách đơn giản, cách chúng ta đang nhận thức sự hiển hiện của các sự vật hiện tượng là đối tượng của phủ định. Đối tượng của phủ định đơn thuần là cách chúng ta đang nhìn nhận mọi thứ. Ngay lúc này, tâm chúng ta chưa đạt giác ngộ và nó bị nhiễm ô bởi sự vô minh về tính không. Bất kỳ thứ gì hiển hiện trước mắt chúng ta đều hiển hiện như thể tồn tại độc lập, tự chủ, tự thân, không phụ thuộc – và đây chính là đối tượng của phủ định. Hình ảnh, cách hiển hiện hay hình thái của bất kỳ thứ gì hiển hiện trước chúng ta đều bị trộn lẫn với nhận thức ở khía cạnh quy ước thế tục và đây là quan niệm sai lạc. Chúng ta cứ tiếp tục coi các sự vật hiện tượng là tồn tại độc lập, tự chủ. Một lần nữa, mọi thứ hiển hiện trước chúng ta bị trộn lẫn giữa quy ước thế tục và quan niệm sai lạc, dẫn chúng ta đến việc nhìn nhận mọi thứ như thể chúng tồn tại thật sự và độc lập, tự chủ. Chúng ta nhận thức mọi thứ hiển hiện bằng cách pha trộn quy ước thế tục [tục đế] với quan niệm sai lạc về tồn tại độc lập, tự chủ. Đối tượng của phủ định không thể tìm thấy ở đâu khác, nó tồn tại với chúng ta hằng ngày, vì đối tượng của phủ định chính là cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ ngay tại thời điểm này.

Đây là bài học về nhận diện đối tượng của phủ định, một giai đoạn quan trọng trong việc hiểu được tính không. Bây giờ chúng ta sẽ nói về ngã [cái tôi] của con người [nhân ngã] và ngã của các sự vật hiện tượng [pháp ngã]. Trước hết, con người không phải là thân, vì thân là một sự vật hiện tượng. Tôi và con người là đồng nghĩa, trong khi thân là một sự vật hiện tượng. Nhận thức của chúng ta về cái tôi của con người tồn tại một cách độc lập, tự chủ là một quan niệm sai lạc được gọi là bám chấp vào cái tôi của con người [bám chấp nhân ngã]. Nhận thức sai lạc về ngã của các sự vật hiện tượng tồn tại một cách độc lập, tự chủ là nhận thức sai lạc bám chấp vào ngã của các sự vật hiện tượng [bám chấp pháp ngã]. Chúng ta phải phân tích xem các đối tượng có thật sự tồn tại theo cách chúng hiển hiện trước mắt chúng ta và cách chúng ta nhận thức không. Khẳng định rằng các đối tượng không tồn tại một cách độc lập, tự chủ thôi là chưa đủ, chúng ta phải hiểu rằng chúng thật sự không tồn tại như cách chúng ta quan niệm về chúng. Mỗi chúng ta đều cần tin tưởng chắc chắn về điều này thông qua lập luận lô gích: các sự vật hiện tượng không tồn tại theo cách chúng hiển hiện trước chúng ta, chúng không tồn tại theo cách đó. Vậy dùng phương tiện nào để tìm ra điều đó? Cái gì chứng minh chúng ta và những thứ xung quanh chúng ta không tồn tại như chúng hiển hiện? Lô gích là phương tiện và lập luận lô gích là cách chúng ta xác minh thực tại.

6 Lập luận về một hay khác

Các sự vật hiện tượng trên thế giới này tồn tại theo hai cách: chúng là một, là đơn lẻ hoặc chúng là khác, là nhiều. Không có cách tồn tại nào ngoài là một hoặc khác. Quy luật này cũng đúng với các sự vật hiện tượng hiển hiện như thể nó tồn tại độc lập, tự chủ. Một sự vật hiện tượng phải tồn tại độc lập, tự chủ như là một hoặc phải tồn tại độc lập, tự chủ như là khác. Như vậy, chúng ta phải xác minh xem cái mà chúng ta thấy như thể tồn tại độc lập, tự chủ đó tồn tại độc lập, tự chủ như là một, hay như là khác.

Tương tự, cách phân tích này cũng được áp dụng với các tập hợp [uẩn] – như thân và cái tôi, chúng ta thấy như thể chúng tồn tại độc lập, tự chủ; nghĩa là, nếu cái tôi là một sự vật hiện tượng và thân là một sự vật hiện tượng khác, thì khi so sánh chúng phải là hai thứ khác nhau. Nếu thật sự đúng là cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ vì nó hiển hiện trước chúng ta như vậy, cái tôi chắc chắn phải tồn tại độc lập, tự chủ như là một với thân, hoặc độc lập, tự chủ như là khác với thân. Không có cách tồn tại thứ ba. Nếu sau khi phân tích, chúng ta bị thuyết phục rằng cái tôi và thân không tồn tại độc lập, tự chủ như là một, cũng không độc lập, tự chủ như là khác và riêng biệt, thì cái tôi và thân không thể tồn tại độc lập, tự chủ bằng bất kỳ cách nào.

Hãy thử cùng xác minh. Giả thiết thứ nhất cho rằng cái tôi và thân tồn tại độc lập, tự chủ như là một, đơn lẻ. Nếu điều này đúng, có nghĩa là chúng không thể bị tách rời hoặc phân chia, vì chúng là một thực thể. Nếu chúng là một, chúng ta sẽ không thể thấy cái tôi và thân tôi là hai sự vật hiện tượng khác nhau, sẽ không thể phân chia tôi và các tập hợp [uẩn] của tôi, bởi vì chúng phải là một. Chúng ta sẽ không thể nói “thân của tôi” vì chúng ta là một với thân. Hơn nữa, nếu thật sự là cái tôi và các tập hợp tồn tại độc lập, tự chủ như là một, làm sao chúng ta giải quyết được mâu thuẫn: tôi là một, mà lại có năm tập hợp [ngũ uẩn]? Nếu có một cái tôi, sẽ không thể nói rằng có năm tập hợp. Thay vào đó, phải nói rằng chỉ có một tập hợp, chỉ có thể có một tập hợp, vì chỉ có một cái tôi. Nhưng rõ ràng là chúng ta có năm tập hợp và mỗi tập hợp đều khác nhau. Như vậy, nếu cái tôi và các tập hợp là một thực thể tồn tại độc lập, tự chủ, thì phải có năm cái tôi vì có năm tập hợp. Do đó, hoặc là có năm cái tôi vì có năm tập hợp, hoặc có một tập hợp duy nhất vì chỉ có một cái tôi. Không có khả năng nào là lô gích và không có khả năng nào có thể thật sự vận hành được.

Hãy cùng xem xét các lập luận khác: Nếu thật vô lý là cái tôi và các tập hợp tồn tại độc lập, tự chủ như là một thực thể, thì khi đó cái tôi không thể bị chia cắt với các tập hợp, nên mọi thứ diễn ra với các tập hợp cũng phải diễn ra với cái tôi. Như vậy có nghĩa là, nếu thân tôi bị bỏng thì cái tôi cũng phải bị bỏng. Nhưng làm thế nào để làm bỏng được cái tôi? Một lần nữa, nếu thật vô lý là cái tôi và các tập hợp là một thực thể không thể phân chia, tồn tại độc lập, tự chủ; như vậy có nghĩa là thân hiện tại của tôi sẽ tồn tại chừng nào cái tôi của tôi còn tồn tại. Đây chỉ là một vài lập luận, chúng ta có thể đưa ra nhiều lập luận khác cho đến khi có thể bình thản nói một cách chắc chắn rằng, các tập hợp không thể tồn tại độc lập, tự chủ như là một với cái tôi. Đây là cách chúng ta đi đến kết luận chắc chắn: các tập hợp và cái tôi không tồn tại độc lập, tự chủ như là một.

Sau khi đã chứng minh con người và các tập hợp [uẩn] của họ không phải là một thực thể có tự tính, chúng ta sẽ xem xét khả năng thứ hai: cái tôi và các tập hợp tồn tại khác và riêng biệt. Hãy cùng xem xét điều này. Thông thường khi nói một thì có nghĩa là một chứ không phải là hai. Khi nói hai, chúng ta đang nói về hai thứ khác nhau, như vậy một là một chứ không phải là khác. Khác nghĩa là có hai thứ riêng biệt, vì nếu chúng là hai thì chúng không thể là một. Nói chung tuyên bố này là xác đáng và cũng đúng với thân và các tập hợp tồn tại độc lập, tự chủ; các tập hợp cũng là đối tượng của quy luật này.

Chúng ta phải thận trọng khi nói về sự tồn tại của các sự vật hiện tượng vì: sự tồn tại nói chung khác với sự tồn tại độc lập, tự chủ. Đây là hai khái niệm khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ về hai thứ riêng biệt, khác nhau nói chung hoặc hai thứ riêng biệt độc lập, tự chủ. Nếu nghĩ rằng các sự vật hiện tượng tồn tại độc lập, tự chủ riêng biệt và khác, có nghĩa là không chỉ các sự vật hiện tượng khác nhau, mà còn hoàn toàn không có mối liên quan nào giữa chúng. Đúng là tôi và các tập hợp là hai sự vật hiện tượng, không chỉ có một. Trên thực tế, chúng ta nói “tôi và các tập hợp của tôi” và khi nói vậy là ngụ ý hai sự vật hiện tượng. Cũng đúng là mặc dù khác nhau, chúng có một mối quan hệ và có sự phụ thuộc lẫn nhau.

Nếu thay vào đó, chúng ta nghĩ rằng tôi và các tập hợp [uẩn] tồn tại độc lập, tự chủ như các thực thể riêng biệt, thì có nghĩa là cả hai tồn tại tự thân. Nếu chúng là khác và tách biệt một cách độc lập, tự chủ, thì giữa chúng không có sự ràng buộc và không có bất kỳ mối quan hệ nào. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là nếu lấy đi tập hợp thứ nhất trong năm tập hợp, sau đó đến tập hợp thứ hai, thứ ba, thứ tư và cuối cùng là thứ năm, thì chúng ta vẫn có thể chỉ ra và tìm thấy cái tôi. Hãy thử lấy đi năm tập hợp, sau đó thử xác định vị trí cái tôi. Nếu chúng là hai thứ khác nhau tồn tại độc lập, tự chủ, thì khi lấy đi năm tập hợp, cái tôi chắc chắn vẫn tồn tại; nhưng điều này là không thể, chúng ta không thể chỉ ra một cái tôi nếu lấy đi toàn bộ năm tập hợp.

Tóm lại: Sau khi khảo sát với lập luận lô gích và tư duy phân tích, trong chúng ta sẽ khởi sinh một trí tuệ, nhận thức, hiểu biết mới rằng cái tôi và các tập hợp [uẩn] không tồn tại độc lập, tự chủ, không tồn tại riêng biệt. Điều này trái ngược với trải nghiệm hằng ngày của chúng ta, là trải nghiệm cái tôi như thể nó tồn tại tự lực, một mình, độc lập, tự chủ. Việc phân tích trong hệ thống lô gích ở trên là nhận thức của chúng ta về con người – cái tôi, là nó tồn tại độc lập, tự chủ và chúng ta tin chắc vào điều này. Bắt đầu từ đây, chúng ta sẽ kiểm chứng xem nó thật sự tồn tại theo cách nào. Chúng ta bắt đầu bằng việc kiểm chứng liệu nó có tồn tại như một thực thể và sau đó liệu nó có thể tồn tại tách biệt với các tập hợp không. Chúng ta đã đi đến kết luận rằng nó không thể tồn tại theo cả cách thứ nhất và thứ hai, vì vậy, có thể kết luận rằng cách chúng ta nhận thức về con người không tồn tại. Cái tôi không tồn tại như nó hiển hiện trước chúng ta. Không tồn tại con người độc lập, tự chủ, vì nó không tồn tại độc lập, tự chủ như là một, cũng không độc lập, tự chủ như là khác, như là riêng biệt. Kết luận của lập luận này là không có cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ, cũng không có thân và các tập hợp [uẩn] tồn tại độc lập, tự chủ. Hãy lấy một ví dụ để hiểu rõ hơn: Giả sử chúng ta muốn nói rằng một người nào đó không ở Milan, trước hết phải đi tìm người đó ở khắp Milan, trên mặt đất, trên bầu trời, trong tất cả các ngôi nhà và chỉ sau khi đã tìm kiếm, mới có thể nói rằng người đó không ở Milan. Qua lập luận tương tự như vậy, chúng ta có thể nói rằng con người tồn tại độc lập, tự chủ là hoàn toàn không tồn tại. Để có thể đi đến kết luận này, nhất thiết phải tìm người đó, và chỉ sau khi đã tìm kiếm mà không thấy, mới có thể khẳng định rằng họ không có ở đó.

7 Định như hư không

Kết thúc bài học này, chúng ta đạt tới trình độ mà ở đó cách nhìn của chúng ta là tính không, chúng ta thấy sự vắng mặt của tất cả mọi thứ. Một trí tuệ mới khởi sinh như thế, cụ thể, trí tuệ đó là hiểu biết và hiểu biết đó nhận thức được sự vắng mặt của đối tượng được nhận thức. Bám chấp vào sự tồn tại thật sự không còn, nó biến mất. Vì không còn đối tượng nữa, chúng ta có sự tin chắc, có khả năng nói rằng thực thể tồn tại độc lập, tự chủ, có tự tính không tồn tại. Chúng ta đạt được trải nghiệm tính không. Ngay bây giờ, chúng ta chỉ đang phân tích các bước lập luận khác nhau về mặt khái niệm, chứ chưa có trải nghiệm thật sự. Tất cả các bước lô gích này phải được nhận thấy rõ ràng bằng kinh nghiệm riêng cho tới khi chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng trong nội tâm ý nghĩa của tính không. Kinh nghiệm khởi lên ở cuối các bước thực hành này có hai đặc điểm: hiển hiện và chứng ngộ [nhận thấy rõ ràng].

Đặc điểm của chứng ngộ [nhận thấy rõ ràng] tính không là nhận biết rằng các sự vật hiện tượng không tồn tại độc lập, tự chủ. Đạt tới trình độ hiểu biết này, chúng ta sẽ nhận thức rõ được sự triệt tiêu đối tượng của phủ định, chúng ta sẽ làm nó trống không và ở chỗ của nó, chúng ta không nhìn thấy gì. Đây là lý do vì sao trải nghiệm về sự hiển hiện của đối tượng là trống không, trong khi hiểu biết, nhận biết nội tâm mà chúng ta có là các sự vật hiện tượng không tồn tại độc lập, tự chủ. Tới lúc đó, rốt cuộc chúng ta sẽ thấy tính không và sẽ hiểu nó. Như vậy, chúng ta vẫn nhập định hoàn toàn trong trạng thái này, trong trải nghiệm có hai đặc tính hiển hiện và hiểu biết này. Đây là thiền nhập định vào trạng thái tính không như là hư không. Nói chung, hư không là sự thiếu vắng tất cả các cản trở và chướng ngại, sự hiện diện của các đối tượng trong hư không bị phủ định. Chúng ta hoàn toàn chìm trong trải nghiệm tính không này, ở đó, tâm chúng ta nhận thức sự trống rỗng của đối tượng của phủ định – là sự tồn tại độc lập, tự chủ – bằng cách thấy nó một cách trực tiếp, đồng thời nội tâm xác quyết sự hiểu biết rằng đối tượng tồn tại độc lập, tự chủ không tồn tại.

8 Trạng thái như-ảo-ảnh giữa các buổi thiền

Trải nghiệm tính không kéo dài đến chừng nào chúng ta còn trong trạng thái nhập định. Khi ngừng thiền – còn được gọi là giờ nghỉ, chúng ta tiếp tục duy trì trạng thái ý thức đó, nhận thức rõ rằng không có gì tồn tại độc lập, tự chủ, mà các sự vật hiện tượng theo quy ước hiển hiện tồn tại trên cơ sở tên gọi và tâm khái niệm. Ở trạng thái sau-thiền này, những nghi ngờ có thể xuất hiện: “Nếu tất cả những gì mà trước kia mình đã thấy là tồn tại độc lập, tự chủ không còn tồn tại nữa, vậy thì cái gì tồn tại? Mọi thứ có thể tồn tại như thế nào?”.

Hãy thử theo dõi phân tích này: Chúng ta có một người bạn tên là Antonio. Vậy hãy thử đi tìm Antonio. Nếu phân tích anh ấy từ đầu đến chân, nếu kiểm tra mọi bộ phận trên thân thể anh ấy, không có cái nào là Antonio cả, có nghĩa là nếu đi tìm Antonio, chúng ta không tìm thấy anh ấy hay chính xác hơn là không thể tìm thấy Antonio theo cách chúng ta nhìn thấy anh ấy. Vậy Antonio có tồn tại hay không? Anh ấy có tồn tại. Nhưng chính xác anh ấy là cái gì? Anh ấy là một kiểu nhãn khái niệm có tên là Antonio. Antonio chỉ tồn tại ở mức gán đặt tên gọi là Antonio, không hơn không kém. Nếu không phải như vậy, có nghĩa là Antonio tồn tại độc lập, tự chủ và như vậy chúng ta phải tìm thấy anh ấy. Thực tế là chúng ta không có cách nào tìm được Antonio, nghĩa là anh ấy chỉ tồn tại ở mức danh nghĩa. Tiếng Tạng gọi là btags pa, gán đặt khái niệm, đúng nghĩa đen là “chỉ là gán đặt thôi”. Một ví dụ khác là khi tòa Tháp Đôi ở New York bị khủng bố phá hủy vào ngày 11/09/2001. Trước khi nó bị phá hủy, tất cả chúng ta đều nhận thức tòa Tháp Đôi tồn tại độc lập, tự chủ ngay tại chỗ đó. Đây là trải nghiệm của chúng ta, nhưng nếu Tháp Đôi đã tồn tại độc lập, tự chủ, tự thân, thì không ai có thể xây dựng nó, không ai có thể thay đổi nó, đừng nói gì đến hủy diệt nó. Nhưng nó đã bị hủy diệt, không còn tồn tại nữa. Một lần nữa, nếu Tháp Đôi đã tồn tại thật sự thì khi đi tìm nó, phân tích xem nó ở đâu, nó là gì, chúng ta sẽ tìm thấy gì? Tầng một, tầng hai, tầng ba, v.v, không có tầng nào trong một trăm mười tầng là tòa tháp. Vậy thì tòa Tháp Đôi đó ở đâu? Bây giờ nó đã bị hủy diệt và dĩ nhiên là không còn nữa, nhưng ngay cả trước khi bị hủy diệt, cũng không thể tìm thấy Tháp Đôi tồn tại độc lập, vì nó chỉ là một ý tưởng gán cho một nền tảng, một hỗn hợp xi măng, thép, cửa, cửa sổ mà từ đó một nhãn, một cái tên được đặt. Tháp Đôi không là gì khác ngoài một ý tưởng. Như vậy, khi nền tảng bị thay đổi, khái niệm và ý tưởng cũng bị thay đổi.

Hãy quay lại ví dụ về Antonio, đây là một cái tên, một cái nhãn giống như nhãn giá trên một sản phẩm, được gắn lên một nền tảng năm tập hợp [ngũ uẩn] chính đáng. Mỗi khi nhìn thấy nền tảng đó của Antonio – một trong năm tập hợp, cái tên Antonio hiện lên trong tâm chúng ta. Antonio không là gì hơn vậy cả. Có năm tập hợp và đó là nền tảng hợp lệ [hay chính đáng] của Antonio, còn có bố mẹ, bạn bè của anh ấy, v.v., tất cả đều gọi anh ấy là Antonio. Rõ ràng họ phải là những người có một tâm nhận thức chính đáng, những người không nhầm lẫn trong việc nhận diện năm tập hợp của Antonio như là một nền tảng hợp lệ của Antonio. Như vậy, Antonio chắc chắn là một con người, nhưng anh ấy cũng là một cái nhãn tên gọi thuần túy được gán cho nền tảng hợp lệ của Antonio.

Chúng ta không nên nhầm lẫn ở đây. Mọi thứ tồn tại trên thế giới này luôn chỉ là một cái nhãn tên gọi, một thực thể mang tính khái niệm. Đây là nguyên lý căn bản, nhưng không phải là bất kỳ thứ gì được tạo ra trên nền tảng nhãn tên gọi đều chính đáng, nghĩa là không phải cái mà chúng ta gọi là Antonio thật sự hành xử như Antonio. Chân lý quy ước thế tục [tục đế] vận hành theo chân lý của riêng nó. Antonio hành động như Antonio và di chuyển như Antonio, vì có một tâm nhận thức chính đáng gán một nhãn tên gọi cho một nền tảng chính đáng. Sự kết hợp của hai điều chính đáng này quyết định một Antonio chính đáng, người sống, hành động, khóc, cười và thực hiện công năng theo nghĩa này. Tương tự, nếu tâm hay nền tảng không chính đáng, Antonio sẽ không thực hiện công năng như vậy.

Dĩ nhiên chúng ta được tự do gọi bất kỳ thứ gì theo cách mình muốn, nhưng không phải tất cả đều có thể vận hành trên cơ sở một tên và một nhãn mà chúng ta muốn gán cho. Tất cả các sự vật hiện tượng – cả chính đáng theo quy ước thế tục hay không chính đáng theo quy ước thế tục, đều phụ thuộc vào nhãn tên gọi khái niệm và là sự gán đặt của một tâm khái niệm. Không có thứ gì trong vũ trụ không phụ thuộc vào tên gọi khái niệm, vào sự gán đặt khái niệm này.

Antonio bắt đầu tồn tại vào lúc một con người – có một tâm chính đáng, gán đặt khái niệm lên một nền tảng chính đáng với tên Antonio. Trước khi điều này xảy ra, Antonio không tồn tại. Khi một người đàn ông và một người phụ nữ kết hôn, người phụ nữ mang thai, nhưng Antonio vẫn chưa có ở đó vì bào thai chưa được đặt tên Antonio. Chưa có ai nhận ra anh ấy là Antonio, vì cha mẹ anh ấy chưa quyết định gọi anh ấy như vậy và vì anh ấy còn chưa được sinh ra. Cho tới khi cha mẹ chưa quyết định tên gọi thì Antonio chưa tồn tại. Nếu người mẹ chờ vài ngày rồi mới đặt tên, trước thời điểm đó Antonio vẫn chưa tồn tại. Thay vào đó, cái tồn tại là một chúng sinh được định nghĩa là sự liên tục từ trước của Antonio. Antonio bắt đầu tồn tại vào khoảnh khắc anh ấy được đặt tên. Tuy nhiên, nếu anh ấy tồn tại độc lập, tự thân, thì sẽ không cần thiết phải đặt tên cho anh ấy, mà anh ấy sẽ tồn tại một cách tự tại. Nếu vậy, ngay cả trước khi được sinh ra, mẹ anh ấy phải biết rằng bà sẽ sinh ra Antonio và mọi người cũng đều biết rằng bà mang thai Antonio.

Chúng ta đã biết rằng, Antonio chỉ tồn tại như vậy khi anh ấy được đặt cái tên đó, khi một cái nhãn tên gọi được gắn lên một nền tảng chính đáng. Nếu nền tảng không chính đáng, Antonio không thể thực hiện công năng như là Antonio. Điều này có nghĩa là Antonio không tồn tại độc lập, tự chủ. Trường phái Trung quán Cụ duyên mà chúng ta theo xác nhận rằng tồn tại một cái tôi đơn giản, như một cái nhãn [hay sự gán đặt] tên gọi khái niệm đơn giản. Điều này có nghĩa là Antonio tồn tại riêng biệt như nhãn tên gọi khái niệm của anh ấy, thực hiện các chức năng một cách hiệu quả, tạo nghiệp, chịu quả, đau khổ, hạnh phúc, nhưng chỉ là cái tôi đơn giản – một nhãn khái niệm được gán cho một nền tảng chính đáng. Không có gì, đến cả một nguyên tử hay hơn thế của con người có thể tồn tại độc lập, tự chủ, tự thân. Con người đó chỉ tồn tại như một sự gán đặt tên gọi khái niệm đơn giản, được một tâm chính đáng gán cho một nền tảng chính đáng.

Quay lại với thực hành thiền, chúng ta đã phân tích đến điểm đạt định [tập trung nhất tâm] thâm sâu cái nhìn về tính không, có đặc điểm là sự hiển hiện trống rỗng và hiểu biết về tính không. Chúng ta cũng đã nhớ rằng, do không có khả năng duy trì vĩnh viễn trong trạng thái định thâm sâu này, khi ở giữa các buổi thiền, các sự vật hiện tượng quy ước thế tục sẽ hiển hiện trở lại trước mắt chúng ta. Ở giữa các buổi thiền, chúng ta sẽ có cái nhìn theo chân lý quy ước thế tục vi tế [tục đế]. Để có cái nhìn theo chân lý quy ước thế tục vi tế ở giữa các buổi thiền, chúng ta phải chứng ngộ [nhận thấy rõ ràng] tính không trong trạng thái thiền định trước đó.

Nếu đã chứng ngộ được cái nhìn tính không như hư không khi nhập định, trải nghiệm mà chúng ta có ở giữa các buổi thiền được gọi là trạng thái giữa các buổi thiền tương tự như huyễn ảo. Gọi là cái nhìn quy ước thế tục vi tế vì đây là cái nhìn nhận thức rằng, các sự vật hiện tượng không tồn tại thật sự, mà tồn tại trên danh nghĩa. Chúng ta có thể diễn tả điều này bằng phép so sánh: Một nhà ảo thuật, bằng khả năng niệm chú hoặc bằng cách dùng một số chất nào đó, làm hiện ra một con ngựa hoặc một con voi. Khán giả, với con mắt bị lừa dối, nhận thức một con ngựa hay một con voi. Cả nhà ảo thuật và khán giả đều nhận thức hai con vật, nhưng nhà ảo thuật biết rằng cái anh ta nhìn thấy là một ảo ảnh, là một hiển hiện không có thật do chính anh ta tạo ra, trong khi khán giả với con mắt bị lừa dối lại hoàn toàn bị thuyết phục rằng một con ngựa hay một con voi thật sự hiện diện. Nhà ảo thuật có ý thức về bản chất huyễn ảo của ngựa và voi, trong khi khán giả không có chút ý thức nào về bản chất huyễn ảo của cái họ đang nhìn thấy và hoàn toàn tin rằng, có một con ngựa và một con voi một cách khách quan. Khán giả không chỉ nhìn ngựa và voi như thể chúng tồn tại độc lập, tự chủ, mà họ còn tiếp tục bám chấp vào nhận thức riêng về ngựa và voi tồn tại một cách độc lập, tự chủ.

Có sự khác biệt lớn giữa thấy một ảo ảnh và tin vào nó và thấy một ảo ảnh và biết rằng nó không tồn tại. Chừng nào còn chưa chứng ngộ được cái nhìn tính không thì chúng ta sẽ giống như những khán giả đó. Sau khi nhập định và đã chứng ngộ cái nhìn về tính không, ở giữa các buổi thiền chúng ta sẽ giống như nhà ảo thuật. Chúng ta tiếp tục thấy mọi thứ như thể chúng tồn tại độc lập, tự chủ nhưng không còn tin vào đó nữa. Điều này có nghĩa là chúng ta nhận biết được đặc tính huyễn ảo của chúng: chúng ta nhận thức cái tôi tồn tại độc lập, tự chủ, nhưng đồng thời biết rằng nó không tồn tại độc lập, tự chủ.

Như vậy có ba thời điểm: ở thời điểm thứ nhất, chúng ta thấy cái tôi như thể nó tồn tại độc lập, tự chủ; sau đó chúng ta hiểu rằng nó tồn tại không độc lập, tự chủ và cuối cùng, mặc dù một cái tôi tiếp tục hiển hiện tồn tại độc lập, tự chủ, nhận thức của chúng ta đã thay đổi và chúng ta không còn tin vào đó nữa.

Ví dụ, chúng ta thấy một cái cây và chắc chắn rằng cái cây tồn tại tự nhiên như vậy, không phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì khác, không đất, không hạt giống, không phân bón, không ánh nắng hay độ ẩm. Đây là trải nghiệm của chúng ta, nhưng nó không phù hợp với thực tại, vì không tồn tại một cái cây độc lập, tự chủ, tồn tại tự nhiên. Để tồn tại, một cái cây phải phụ thuộc. Trên thực tế, nó phụ thuộc vào đất, vào phân bón, nhiệt độ, độ ẩm và hạt giống. Nếu bất kỳ thứ nào trong số đó không hiện diện, cái cây sẽ không tồn tại, nó luôn phải phụ thuộc vì nếu một mình, cái cây sẽ chết ngay lập tức. Tất cả các sự vật hiện tượng khác cũng đều có những đặc tính như cái cây, chúng không tồn tại độc lập, tự chủ, mà chỉ có thể tồn tại phụ thuộc lẫn nhau.

9 Quan hệ giữa tính không và phụ thuộc lẫn nhau [duyên khởi]

Tính không và phụ thuộc lẫn nhau [duyên khởi] hỗ trợ và duy trì lẫn nhau. Hãy xem xét ví dụ về cái cây một lần nữa. Một cái cây không tồn tại thật sự vì nó tồn tại phụ thuộc. Áp dụng lập luận này, chúng ta loại trừ nhận thức bẩm sinh bám chấp vào sự tồn tại thật sự của cái cây. Trên thực tế, nhận thức này coi cái cây tồn tại độc lập, tự chủ và không phụ thuộc vào nhân, điều kiện, tên gọi, nghĩa là sai vì rõ ràng cái cây phụ thuộc vào hạt giống và các điều kiện khác.

Như vậy, bằng lô gích về phụ thuộc lẫn nhau [duyên khởi], chúng ta bác bỏ quan điểm cái cây tồn tại tự thân, và điều này loại trừ quan điểm cực đoan về sự tồn tại độc lập, tự chủ và vĩnh viễn [thường kiến]. Nếu cái cây tồn tại tự thân một cách tự nhiên, nó không thể là đối tượng của sự thay đổi dưới sự ảnh hưởng của nhân và điều kiện [duyên]. Nghĩa là cái cây sẽ không bao giờ thay đổi vì nó là một cái cây tồn tại có tự tính. Trong trường hợp này, cái cây không tồn tại độc lập, tự chủ vì về bản chất nó không độc lập, tự chủ mà bị nhân và điều kiện chi phối, và vì vậy mà nó thay đổi theo thời gian, nó có thể trở thành thức ăn hay củi, tùy thuộc vào tên gọi mà nó được gán đặt. Cho dù cái cây không tồn tại độc lập, tự chủ, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại; như vậy, chúng ta có thể loại trừ quan điểm cực đoan chấp không nghĩa là chấp rằng không có sự tồn tại không độc lập, tự chủ [đoạn kiến].

10 Tư duy về tính không của các sự vật hiện tượng

Có hai phương pháp tư duy xác minh và làm quen với sự vô ngã của các sự vật hiện tượng [pháp vô ngã]:

1. Sự vô ngã của các sự vật hiện tượng hợp thành từ nhân và các điều kiện [pháp hữu vi];

2. Sự vô ngã của các sự vật hiện tượng không hợp thành từ nhân và các điều kiện [pháp vô vi].

Các sự vật hiện tượng hợp thành từ nhân và các điều kiện [pháp hữu vi] có vô số. Lấy thức làm ví dụ, để xác minh và làm quen với sự vô ngã của sự-vật-hiện-tượng-thức, trước hết chúng ta xác minh cái nhìn bám chấp vào ngã của sự-vật-hiện-tượng-thức. Đây là nhận thức về thức tồn tại như thể nó tồn tại độc lập, tự chủ mà không phụ thuộc cả vào nhân lẫn các điều kiện [duyên], hay vào các bộ phận cấu thành của nó và tên được gán đặt cho nó. Đây chính là cái nhìn bám chấp vào một cái ngã tồn tại thật sự của sự-vật-hiện-tượng-thức. Nhận thức được điều này, đối tượng của phủ định đã hiển hiện. Đối với các sự vật hiện tượng như là: thức-buổi-sáng hay thức-buổi-chiều, nếu mỗi cái thật sự tồn tại thì nó phải tồn tại thật sự như là một thực thể hay như là khác nhau. Nếu các thức khác nhau tồn tại thật sự, chúng phải tồn tại riêng biệt, không có bất kỳ quan hệ gì với nhau. Hệ quả là, nếu loại trừ thức-buổi-sáng và thức-buổi-chiều thì chúng ta phải nắm bắt và chỉ ra được thức-hôm-nay tồn tại thật sự. Vì chúng ta không thể chỉ ra thức-hôm-nay tồn tại thật sự mà không phụ thuộc vào thức buổi sáng và buổi chiều, nên các thức không thể thật sự tồn tại riêng biệt [khác].

Đến đây, sự-vật-hiện-tượng-thức tồn tại chỉ có thể tồn tại thật sự như là một thực thể. Nếu sự-vật-hiện-tượng-thức thật sự tồn tại như là một, thức-buổi-sáng và thức-buổi-chiều của ngày hôm nay phải tồn tại như là một. Nếu các thức tồn tại thật sự chỉ như là một, do thức-buổichiều không có mặt vào buổi sáng, thì tương tự thức-hôm-nay cũng không thể hiện diện vào buổi sáng. Một lần nữa, nếu các thức thật sự tồn tại như là một thực thể, vì thức-hôm-nay hiện diện vào buổi chiều, thì tương tự, thức-buổi-sáng cũng phải hiện diện vào buổi chiều. Trên thực tế, thức-buổi-sáng không hiện diện vào buổi chiều và ngược lại. Vì vậy, thức không tồn tại thật sự như là một. Tóm lại, nếu thức tồn tại thật sự, thì nó chỉ có thể tồn tại thật sự như là một hay thật sự như là khác. Đã xác minh bằng lập luận lô gích phía trên, rằng thức không thật sự tồn tại như là một, cũng không như là khác, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng thức không thật sự tồn tại.

Phương pháp tư duy phân tích thứ hai xác minh và làm quen với sự vắng mặt của ngã của các sự vật hiện tượng không hợp thành từ nhân và các điều kiện [các pháp vô vi] – như không gian – dùng cùng hai lập luận trước áp dụng vào sự vật hiện tượng hợp thành từ nhân và các điều kiện là thức; từ đó chúng ta cũng xác minh rằng cả các sự vật hiện tượng không hợp thành từ nhân và các điều kiện cũng không tồn tại thật sự.

—🌼🌸🌼—
TRÍ HUỆ ĐỨC PHẬT – TÔN SƯ LAMA THAMTHOG RIPOCHE
Nhóm biên dịch Phen De Ling
NXB Tôn Giáo, 2022

Post: Thường An

 

SHARE: