NGHIỆP

SHARE:


2.1 Phân tích độ nặng nhẹ của nghiệp

Tùy thuộc vào tính nghiêm trọng của hành động mà quả nghiệp có thể nặng hay nhẹ. Có sự khác biệt về độ nặng nhẹ của các nghiệp bất thiện tùy theo:

1. Bản chất;
2. Động cơ;
3. Hành động;
4. Đối tượng;
5. Tần suất;
6. Thiếu cách đối trị.

2.1.1 Bản chất

Hãy nhìn vào ba nghiệp của thân và bốn nghiệp của khẩu trong mười nghiệp bất thiện. Theo danh sách liệt kê mười nghiệp bất thiện, những nghiệp đầu nặng hơn những nghiệp cuối. Độ nặng của nghiệp được đo bằng tổn hại gây ra cho một chúng sinh, họ càng đau khổ thì nghiệp của chúng ta càng nặng. Trái lại, họ càng ít đau khổ, nghiệp bất thiện tích lũy sẽ càng nhẹ. Vì vậy, độ nặng nhẹ phụ thuộc vào cường độ đau khổ gây ra.

Tuy nhiên, từ quan điểm bản chất, trong ba nghiệp bất thiện của ý, nghiệp đầu tiên trong danh sách nhẹ hơn nghiệp cuối cùng. Nghiệp bất thiện cuối cùng của ý nghiệp là giữ một cách nhìn lệch lạc [tà kiến] như Phật, Pháp, Tăng không tồn tại, kiếp trước và kiếp sau – nghĩa là tái sinh – không tồn tại, nghiệp không tồn tại, sự phụ thuộc lẫn nhau [duyên khởi] không tồn tại, quan hệ nhân quả cũng không tồn tại. Hậu quả của niềm tin này là người đó không có cơ hội đạt giác ngộ vì họ phủ nhận nền tảng của giác ngộ – là con đường đi đến giác ngộ. Giữ một cách nhìn lệch lạc là vô cùng nghiêm trọng, đây thật sự là một nghiệp rất nặng. Ác ý nhẹ hơn cách nhìn lệch lạc và nhẹ hơn nữa là tham lam.

2.1.2 Động cơ

Chúng ta đã thấy rằng, trong động cơ có những phiền não. Nghiệp được tạo từ một phiền não mạnh sẽ nặng hơn, còn nghiệp được tạo từ một phiền não nhẹ sẽ nhẹ hơn. Tất cả phụ thuộc vào cường độ và lực của phiền não mà từ đó hành động được thực hiện.

2.1.3 Hành động

Về điểm này chúng ta có thể quay lại ví dụ về sát sinh. Có rất nhiều cách sát sinh: bằng cách để nạn nhân chịu đau khổ trong một thời gian dài, kéo dài sự đau đớn, từ từ cắt thân thể thành nhiều mảnh, gây thương tích từng chút một. Nghĩa là sự tàn bạo của hành động và thời gian thực hiện sẽ xác định độ nặng nhẹ của nghiệp. Hãy cùng xem xét một vài ví dụ:

Ở Tây Ban Nha, trong trận đấu bò, con bò một mình, đơn độc bị hàng nghìn khán giả bao quanh. Lúc đầu con bò cố gắng húc đấu sĩ, còn đấu sĩ đâm giáo vào lưng và cổ nó, từ từ từng nhát từng nhát một làm con vật đau đớn và mất máu, làm nó yếu đi. Con bò đuối sức dần, nhưng đấu sĩ vẫn tiếp tục làm nó bị thương bằng giáo cho đến cuối cùng, anh ta đâm chết nó bằng kiếm. Sự gục ngã của con bò là chiến thắng của đấu sĩ, người trở thành anh hùng của trận đấu được tất cả khán giả vỗ tay tán thưởng. Thật đáng buồn khi thấy hàng nghìn người vỗ tay tán thưởng đấu sĩ, người đã gây đau đớn kéo dài cho con bò đáng thương, đâm lao liên tiếp vào thân thể khiến nó bị thương, chảy máu rồi chết. Đây là cách thực hiện một hành động tàn ác kéo dài.

Một ví dụ khác, trước mặt chúng ta có thể có hai con vật khác nhau để giết hại, một con muỗi và một con voi. Để giết một con muỗi, không cần nhiều thời gian, kế hoạch hay phương tiện gì cụ thể, chỉ cần một cái đập tay nhanh là đủ để nghiền nát và con muỗi sẽ chết trong nháy mắt, không có gì khó cả. Trái lại, để giết một con voi, cần các dụng cụ và vũ khí chuyên biệt, một sợi dây thừng để trói nó lại, một khẩu súng; và có lẽ nó sẽ không chết ngay ở phát súng đầu tiên. Hành động sát sinh con voi kéo dài hơn so với sát sinh con muỗi, nên thời gian và sự tàn ác cũng khác nhau. Cũng như vậy với loài vật bị bỏ vào nấu khi còn đang sống, cái chết của họ trong những trường hợp đó kéo dài và đau đớn. Tất cả những yếu tố này quyết định độ nặng nhẹ của nghiệp, hành động càng kéo dài và càng độc ác thì nghiệp càng nặng.

2.1.4 Đối tượng

Đối tượng gây ra nghiệp nặng là đối với Đạo sư, Phật, Pháp, Tăng và cha mẹ. Những hành động bất thiện thực hiện đối với bất kỳ đối tượng nào kể trên tạo ra một nghiệp bất thiện đặc biệt nặng. Dùng lời xúc phạm đối với Đạo sư, Phật, Pháp, Tăng và cha mẹ hay giận dữ quay lưng lại với các đối tượng này, dù hành động không có vẻ gì đặc biệt nặng, nhưng lại nặng từ quan điểm đối tượng, nên nghiệp bất thiện cũng sẽ nặng tương ứng.

2.1.5 Tần suất

Ví dụ, nói chuyện phiếm không phải là một hành động hệ trọng gì, nhưng nó trở thành bất thiện và nặng vì đó là một hành động chúng ta thực hiện rất nhiều lần trong ngày. Nói chuyện phiếm trở thành bất thiện khi nó được thực hiện liên tục và với sự nhiệt tình. Sẽ khác đi nếu việc nói chuyện phiếm chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng nếu hành động này tiếp diễn trong suốt cả ngày, lời nói của chúng ta sẽ trở thành nhân của một nghiệp bất thiện nặng.

2.1.6 Thiếu cách đối trị

Khi chúng ta không làm, dù chỉ một thiện hạnh nhỏ nhất mà lại liên tục tạo nghiệp bất thiện thì không hề có cách đối trị, vì chúng ta không làm một việc thiện nào.

2.2 Phân tích các quả của nghiệp bất thiện

Quả của nghiệp bất thiện có thể là:

1. Quả chín hoàn toàn;
2. Quả tương tự với nhân có thể là: quả được trải nghiệm tương tự như nhân và quả được trải nghiệm tương tự như hành động;
3. Quả về môi trường sống.

2.2.1 Quả chín hoàn toàn

Quả chín hoàn toàn của một nghiệp bất thiện cực nặng là trải nghiệm thống khổ ở địa ngục, tái sinh vào địa ngục. Quả chín hoàn toàn của nghiệp bất thiện nặng trung bình là tái sinh thành quỷ đói. Quả chín hoàn toàn của nghiệp bất thiện nhẹ là tái sinh thành loài vật. Sau đây là một ví dụ về cách ba loại quả này chín từ một hành động duy nhất. Một lần nữa, hãy cùng xem xét hành động sát sinh một chúng sinh, một nghiệp bất thiện làm chín ba quả khác nhau. Quả đầu tiên của nghiệp bất thiện cực nặng từ hành động sát sinh gọi là quả chín hoàn toàn, đó là tái sinh vào cõi địa ngục. Bây giờ, giả sử rằng chúng sinh cõi địa ngục đang nhận quả chín hoàn toàn của hành động sát sinh kết thúc sự chịu đựng trong cõi địa ngục. Trong trường hợp này, họ trở lại thành người và khi là người, họ bắt đầu chịu loại quả thứ hai của nghiệp sát sinh đã tạo trước kia, nghĩa là nói về quả tương tự với nhân.

2.2.2 Quả tương tự với nhân

Có hai khả năng khác nhau: quả tương tự với trải nghiệm và quả tương tự với hành động. Quả tương tự với trải nghiệm sát sinh là tuổi thọ rất ngắn, sống cuộc đời đầy bệnh tật, nhiều khó khăn trở ngại, xáo động. Điều này có nghĩa là ở kiếp trước, khi người đó thực hiện hành động sát sinh, nạn nhân của họ đã có một tuổi thọ ngắn ngủi đầy đau khổ. Quả tương tự với hành động nghĩa là khi còn nhỏ họ sẽ có khuynh hướng tự nhiên thích giết chóc và bạo lực. Hành động sát sinh ở kiếp trước được lặp lại trong kiếp hiện tại.

2.2.3 Quả về môi trường sống

Một người có nghiệp sát sinh sẽ sống trong môi trường đặc biệt khô cằn, một nơi không thuận lợi, xấu, bệnh tật; có cây cỏ, thuốc men, sông ngòi và biển đều bị ô nhiễm; thuốc không thể chữa được bệnh cho họ. Họ sống trong một môi trường không thuận lợi suốt cuộc đời, trong đó tất cả các điều kiện xấu hợp lại với nhau. Ba loại quả này cũng được áp ,dụng vào các nghiệp bất thiện khác.

3 Các nghiệp thiện

Bây giờ hãy cùng phân tích các nghiệp thiện. Chúng ta sẽ xem xét các nghiệp thiện và quả của các nghiệp thiện, nhưng không nói về độ nặng nhẹ vì đó không phải là điều quan trọng cần biết. Mười nghiệp thiện đối nghịch với mười nghiệp bất thiện. Khi chúng ta chủ tâm từ bỏ một nghiệp bất thiện như sát sinh, thì đây là cách đối trị. Không sát sinh trong trường hợp này trở thành một nghiệp thiện, không sát sinh là ý định, động cơ hay quyết tâm không sát sinh – đây là cách đối trị thật sự cho sát sinh.

Hãy xem xét một ví dụ về bốn yếu tố của các nghiệp thiện. Bốn yếu tố của nghiệp bất thiện đầu tiên – sát sinh, là: đối tượng, động cơ, hành động và kết thúc. Yếu tố thứ nhất: đối tượng của sát sinh hay không sát sinh đều giống nhau. Yếu tố thứ hai: khi thấy một con voi là đối tượng có thể bị giết, động cơ không muốn giết con voi khởi lên do nhớ đến bản chất bất thiện của hành động sát sinh. Yếu tố thứ ba: hành động là kiềm chế sát sinh. Kết thúc là quyết định dứt khoát không sát sinh.

Chúng ta đã có suy nghĩ từ trước về mười nghiệp bất thiện và đã biết hậu quả của chúng. Trên cơ sở hiểu biết này, chúng ta phải quyết tâm không thực hiện chúng. Khi quyết định mãi mãi không thực hiện mười nghiệp bất thiện sát sinh, trộm cắp, v.v., là chúng ta đã quyết định từ bỏ từng nghiệp bất thiện một. Chúng ta có thể nói rằng mình đang giữ giới vì đã quyết định ngừng thực hiện những hành động bất thiện. Tâm quyết định, rồi hứa không thực hiện mười nghiệp bất thiện nữa chính là giới thật sự. Nhờ có quyết định không bao giờ làm mười điều bất thiện nữa, chúng ta sẽ từ bỏ mười nghiệp bất thiện, kết quả là mười nghiệp thiện sẽ được thực hiện. Và kể từ lúc đó, công đức sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Tóm lại, trình tự thực hành như sau: trước hết, chúng ta hiểu rõ mười nghiệp bất thiện và có ý định từ bỏ chúng. Sau đó chúng ta cố gắng thực hành, giữ cách hành xử phù hợp với ý định, từ bỏ mười nghiệp bất thiện, bảo vệ tâm không thực hiện mười nghiệp bất thiện. Chúng ta có thể thấy có hai phần trong quy trình này: lúc đầu là ý định và khát khao từ bỏ nghiệp bất thiện; tiếp đến là dũng khí, quyết tâm và ý chí bảo vệ tâm không thực hiện mười nghiệp bất thiện bằng cách giữ giới nghiêm túc. Đây có thể được coi là hành động với lòng từ ái và giữ giới với mong muốn từ bỏ mười nghiệp bất thiện.

Bây giờ hãy cùng xem xét ba quả của các nghiệp thiện. Quả chín hoàn toàn đầu tiên của nghiệp thiện rất lớn là tái sinh làm một vị trời ở cõi sắc [có hình tướng] hoặc vô sắc [không có hình tướng]. Quả của nghiệp thiện trung bình là tái sinh làm một vị trời ở cõi dục [dục vọng]. Quả của nghiệp thiện nhẹ nhất là tái sinh làm người. Quả thứ hai của nghiệp thiện là quả được trải nghiệm tương tự như nhân, nghĩa là có tuổi ,thọ lâu dài, thịnh vượng, giàu có, nhiều bạn hữu. Quả tương tự như hành động là ngay từ khi còn trẻ đã tự phát thể hiện động cơ thiện như tâm buông bỏ, lòng từ ái, bi mẫn và có khuynh hướng làm những việc thiện. Quả thứ ba của nghiệp thiện là môi trường sống. Chúng ta sẽ sống trong môi trường vô cùng thuận lợi, lành mạnh, sung túc và an bình.

4 Nghiệp lực

Sau khi đã phân tích về các nghiệp thiện và bất thiện, chúng ta nói ngắn gọn về nghiệp lực từ quan điểm:

1. Ruộng công đức [phúc điền];
2. Đối tượng;
3. Các sự vật hiện tượng;
4. Động cơ.

4.1 Ruộng công đức

Hành động đối với các đối tượng trong trình tự nghiệp lực tăng dần, từ thấp đến cao. Đó là: chúng sinh bình thường, cha mẹ, Sa di và Tỳ kheo, Bồ tát cư sĩ, Bồ tát xuất gia, Phật và Đạo sư – người cao hơn tất cả. Nghiệp lực của ruộng công đức càng cao (theo thứ tự trên), hành động thực hiện liên quan đến họ có lực càng mạnh. Như vậy, khi chúng ta hoàn thành một hành động thiện, nếu với một người bình thường thì không mạnh lắm nên nghiệp thiện sẽ không mạnh. Tuy nhiên, nếu hành động đó được thực hiện với Đạo sư, do ruộng công đức rất mạnh, nên nghiệp thiện sẽ rất mạnh.

4.2 Đối tượng

Đối tượng nghĩa là chính chúng ta. Sự khác biệt trong độ nặng nhẹ của đối tượng tùy thuộc vào việc chúng ta có nhận giới hay không. Nếu chúng ta đã nhận giới và hành thiện thì quả sẽ rất mạnh. Nếu chúng ta không nhận giới, hành động thiện sẽ không có sức mạnh tương đương. Tương tự, những ai đã nhận giới và hành động bất thiện sẽ tạo quả bất thiện rất nặng. Hãy thử quan sát hai người: cả hai đều tránh sát sinh, nhưng người thứ nhất đã nhận giới không sát sinh còn người thứ hai không nhận giới. Người thứ hai, mặc dù không hề sát sinh cũng không tích lũy được nghiệp thiện của việc không sát sinh. Người thứ nhất – không sát sinh và đã nhận giới, luôn tích lũy được nghiệp thiện của việc không sát sinh.

Cả cư sĩ và người xuất gia đều có thể nhận giới. Mới đầu, cư sĩ có thể nhận tới năm giới. Tùy vào số giới mà cư sĩ đã nhận, họ sẽ tích luỹ nghiệp thiện tương ứng. Sau đó, có giới cho tăng tập sự, một vị tăng tập sự sẽ nhận các giới của tăng tập sự. Dù chưa làm bất kỳ việc gì, từng khoảnh khắc họ sẽ tích lũy nghiệp thiện tương ứng với các giới của họ. Tương tự, Tỳ kheo sẽ nhận hai trăm năm mươi ba giới và liên tục tích lũy những nghiệp thiện liên quan đến giới của mình.

Sau Tỳ kheo có giới của Bồ tát cư sĩ hoặc Bồ tát xuất gia, từng khoảnh khắc cả hai đều tích lũy công đức từ thiện hạnh của Bồ tát. Những ai đã nhận giới Bồ tát sẽ liên tục giúp ích cho chúng sinh trong từng khoảnh khắc cho dù dường như họ không làm gì cả. Đó là vì họ liên tục tích lũy công đức từ những thiện hạnh của tất cả các giới Bồ tát, ngay cả khi ngủ. Nếu đem mọi công đức tích lũy được khi ngủ của một vị Bồ tát đã nhận giới quy ra thành vật chất, thì ba thời26 vũ trụ cũng không đủ sức chứa!

Ở trình độ cao hơn nữa, có các vị nhận Mật giới. Công đức từng khoảnh khắc mà họ tích lũy được thậm chí còn lớn hơn các vị Bồ tát. Tuy nhiên, những người không nhận bất kỳ giới nào, nếu không làm bất kỳ điều gì sẽ không tích lũy được công đức nào. Như vậy, để tích lũy nhân thiện, chúng ta phải quyết tâm thực hiện hành động thiện một cách cụ thể và đúng nghĩa. Đây cũng là lý do tại sao nhận giới lại là một lợi ích.

Giới được chia thành ba nhóm:

Biệt giải thoát giới (Pratimoksa) – giải thoát cho bản thân: Cả cư sĩ và Tăng Ni nhận giới này từ một vị trụ trì trước Tăng đoàn. Bất kỳ sự vi phạm nào đối với các giới này phải được sám hối trước vị trụ trì cùng sự hiện diện của Tăng đoàn.

Bồ tát giới: được nhận trước chư Phật và Bồ tát mười phương. Phạm giới này phải sám hối trước chư Phật và Bồ tát (thỉnh cầu hiện diện trước chúng ta) để thanh lọc.

Mật giới: được nhận từ một Đạo sư cùng các vị Bổn tôn của mạn đà la [đàn tràng]. Trong trường hợp phạm giới, phải thực hiện sám hối và thanh lọc trước Đạo sư với sự hiện diện của các vị Bổn tôn trong mạn đà la. Có thể thực hiện bằng hai cách: bằng cách nhận lại khai tâm [quán đỉnh] từ Đạo sư, hoặc nếu đã hoàn thành nhập thất và cúng dường lửa thì bằng cách thực hiện tự khởi để phục hồi giới. Trong Mật điển, Đức Phật Kim Cang Trì đã nói:

Chỉ cần chiêm bái mạn đà la, chúng ta đã thanh lọc được rất nhiều nghiệp bất thiện. Nếu chỉ chiêm bái mạn đà la mà đã thanh lọc được nhiều nghiệp bất thiện đến thế, việc thật sự bước vào mạn đà la chắc chắn sẽ mang đến kết quả còn mạnh hơn.

——🌸🌼🌸——

TRÍ TUỆ ĐỨC PHẬT
Nhóm biên dịch Phen De Ling
Dịch từ bản tiếng Anh của Ban biên dịch Ghe Pel Ling
NXB Tôn Giáo, 2022

Post: Thường An


SHARE: