KHÍCH LỆ LÒNG CAN ĐẢM

SHARE:

Triết gia: Khi nói về phân chia nhiệm vụ, tôi đã nói đến “can thiệp”.

Tức là hành vi can dự vào nhiệm vụ của người khác.

Vậy tại sao con người lại can thiệp vào việc của người khác? Đằng sau đó cũng là mối quan hệ hàng dọc. Chính vì coi mối quan hệ giữa người với người là quan hệ hàng dọc, coi đối phương kém hơn mình nên mới can thiệp. Dẫn dắt đối phương đi theo hướng mình mong muốn bằng cách can thiệp. Ngộ nhận rằng mình đúng còn đối phương sai. Tất nhiên, việc can thiệp ở đây chính là thao túng. Những bậc cha mẹ yêu cầu con cái “Học đi!”, đúng là điển hình của điều đó. Có thế họ tưởng rằng đó là ý tốt nhưng kết quả lại là can thiệp, bởi đây là thao túng con cái theo hướng mình muốn.

Chàng thanh niên: Nếu xây dựng được mối quan hệ hàng ngang thì sẽ không còn can thiệp nữa?

Triết gia: Sẽ không còn nữa.

Chàng thanh niên: Thôi được, chúng ta bỏ qua ví dụ về chuyện học đi, nhưng giả sử thấy người đang khổ sở ngay trước mắt mình thì đâu có thể bỏ mặc được? Hay là khi đó cũng lại nghĩ “nếu đưa tay ra là can thiệp” nên chẳng làm gì cả?

Triết gia: Không thể bỏ mặc. Cần có sự trợ giúp mà không phải can thiệp.

Chàng thanh niên: Trợ giúp và can thiệp khác nhau ở chỗ nào vậy?

Triết gia: Cậu hãy nhớ lại những gì ta thảo luận về phân chia nhiệm vụ. Việc học của trẻ là nhiệm vụ trẻ cần tự mình giải quyết, cha mẹ và giáo viên không thể làm thay được. Và can thiệp là muốn can dự vào nhiệm vụ của người khác như yêu cầu “Hãy học đi” hay “Phải thi vào trường đại học đó”.

Trong khi đó, trợ giúp vẫn dựa vào hai tiền đề là phân chia nhiệm vụ và mối quan hệ hàng ngang. Trên cơ sở hiểu được việc học là nhiệm vụ của trẻ, ta suy nghĩ xem mình có thể làm được gì. Cụ thể là, không ra lệnh “hãy học đi” mà cố gắng tác động để giúp trẻ có lòng tự tin “mình có thể học được”, đồng thời đề cao khả năng độc lập đối diện với nhiệm vụ của trẻ.

Chàng thanh niên: Sự tác động đó không phải là ép buộc ư?

Triết gia: Đúng. Không phải là ép buộc mà xét cho cùng chỉ là trợ giúp trẻ giải quyết bằng chính khả năng của mình trên cơ sở phân chia nhiệm vụ. Đó là phương pháp tiếp cận “có thể dẫn con ngựa tới dòng nước nhưng không thể bắt nó uống nước”. Kẻ đối diện với nhiệm vụ phải là bản thân người đó, và quyết

tâm đối diện với nhiệm vụ cũng là của bản thân người đó. Chàng thanh niên: Không khen ngợi cũng không mắng mỏ?

Triết gia: Đúng. Không khen ngợi cũng không mắng mỏ. Tâm lý học Adler gọi cách trợ giúp dựa trên mối quan hệ hàng ngang như thế là “khích lệ lòng can đảm”.

Chàng thanh niên: Khích lệ lòng can đảm?… À, trước đây thầy có nói là sẽ giải thích từ đó sau nhỉ.

Triết gia: Con người sợ đối diện với nhiệm vụ không phải vì không có năng lực. Tâm lý học Adler cho rằng vấn đề không phải là có hay không có năng lực mà là “thiếu can đảm đối diện với nhiệm vụ”. Vậy thì trước tiên phải khơi dậy lòng can đảm còn thiếu.

Chàng thanh niên: Ôi, đây chẳng phải lại đi đường vòng à? Rốt cuộc đó không phải là khen ngợi sao? Khi được người khác khen ngợi, con người sẽ cảm thấy mình có năng lực, lấy lại được lòng can đảm. Thầy đừng khăng khăng nữa, hãy thừa nhận vẫn phải có khen ngợi đi!

Triết gia: Tôi không thừa nhận!

Chàng thanh niên: Tại sao cơ chứ?

Triết gia: Câu trả lời quá rõ ràng. Bởi vì được khen sẽ khiến con người dần hình thành niềm tin “mình không có năng lực”.
Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?!

Triết gia: Tôi xin nhắc lại lần nữa. Càng được người khác khen, con người càng hình thành niềm tin “mình không có năng lực”. Hãy nhớ kỹ điều đó!

Chàng thanh niên: Người nào mà lại ngu ngốc như thế chứ?! Phải

là ngược lại! Chính vì được khen mới cảm thấy mình có năng lực. Điều này là hiển nhiên mà!

Triết gia: Không phải. Nếu cậu cảm thấy vui trước lời khen thì cũng đồng nghĩa với việc cậu lệ thuộc vào mối quan hệ hàng dọc và thừa nhận “mình không có năng lực”. Vì khen ngợi là đánh giá của người có năng lực đối với người không có năng lực.

Chàng thanh niên: Nhưng… Nhưng, thật khó chấp nhận điều đó!

Triết gia: Nếu “được khen ngợi” trở thành mục đích thì rốt cuộc cậu sẽ chọn cách sống nương theo giá trị quan của người khác. Chẳng phải cậu đã chán sống cuộc đời phải đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ như từ trước đến giờ rồi sao?

Chàng thanh niên: … Vâng, thì…

Triết gia: Trước hết là phân chia nhiệm vụ. Rồi chấp nhận những điểm khác biệt của nhau, xây dựng mối quan hệ hàng ngang. “Khích lệ lòng can đảm” là một phương pháp được xây dựng trên cơ sở đó.

🍂🍂🍂🌼🍂🍂🍂

Trích “Dám Bị Ghét”
Người dịch: Nguyễn Thanh Vân
Nhà Xuất Bản Lao Động

Post: Thường An

SHARE: