NGHIỆP PHÂN LOẠI THEO THỜI GIAN

SHARE:

NGHIỆP PHÂN LOẠI THEO THỜI GIAN

ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP – NARADA MAHA THERA

—🍃🍃🍃—

Như vậy, theo thời gian, Nghiệp có thể được phân loại như sau:

1.- Hiện Báo Nghiệp (Dittha dhamma vedaniya kamma), quả trổ sanh trong kiếp hiện tại.

2.- Sanh Báo Nghiệp (Upapajja vedaniya kamma), quả trổ sanh trong kiếp kế kiếp hiện tại.

3.- Hậu Báo Nghiệp (Aparãpariya vedaniya kamma), quả trổ sanh không nhất định lúc nào trong thời gian chưa đắc Quả Niết Bàn.

4.- Vô Hiệu Nghiệp (Ahosi Kamma).

Những câu chuyện ví dụ:

  1. Hiện Báo Nghiệp
  2. a) Quả lành trổ sanh trong kiếp hiện tại.

Hai vợ chồng kia chỉ có một cái áo (choàng theo lối người Ấn). Khi chồng có việc đi đâu, mặc áo, thì vợ phải ở nhà. Nếu vợ đi thì chồng ở nhà. Một ngày kia, chồng đi nghe Đức Phật thuyết pháp, lấy làm thỏa thích, khởi sanh ý muốn dâng lên Đức Phật cái áo duy nhất ấy, nhưng lòng luyến ái cố hữu của con người trỗi dậy, và một cuộc tranh đấu diễn ra bên trong anh. Sau cùng, Tâm Bố Thí chế ngự lòng luyến ái. Anh hết sức vui mừng, reo lên: “Ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng”, và hành động đúng y sở nguyện, dâng cái áo lên Đức Phật.

Câu truyện lọt đến tai vua. Đức vua lấy làm hoan hỷ, truyền lệnh ban cho anh 32 bộ áo. Người chồng có tâm đạo nhiệt thành ấy lựa ra hai bộ, một bộ cho mình và một bộ cho vợ, còn lại bao nhiêu dâng hết lên Đức Phật.

  1. b) Quả dữ trổ sanh kiếp hiện tại.

Một người thợ săn dắt bầy chó vào rừng kiếm thịt, thấy bên đàng một vị Tỳ Khưu đang đi khất thực. Hôm ấy anh đi cả buổi mà không săn được gì, người thợ săn lấy làm bực tức cho rằng vì gặp vị Đạo Sĩ giữa đàng, đó là điềm xấu nên xui xẻo. Lúc trở về lại gặp vị Đạo Sĩ ấy nữa, người thợ săn nổi giận xua chó cắn, mặc dù vị Tỳ Khưu kia hết lời năn nỉ van lơn. Không còn cách gì khác nữa, vị Tỳ Khưu bèn trèo lên cây để tránh bầy chó dữ. Người thợ săn chưa đã nư giận, chạy đến gốc cây, dương cung bắn lên, nhằm bàn chân vị Tỳ Khưu. Trong lúc sợ hãi mất bình tỉnh và vô cùng đau đớn, vị Tỳ Khưu đánh rơi cái y của mình xuống, chụp lên đầu và bao trùm lên mình thợ săn. Bầy chó dữ thấy một người đang lúng túng trong bộ y vàng ngỡ là nhà sư đã té xuống nên áp lại cắn xé chủ mình.

  1. Sanh Báo Nghiệp:

Quả trổ sanh trong kiếp kế liền, sau kiếp hiện tại.

Có người làm công cho nhà triệu phú nọ, một ngày rằm, sau khi làm việc cực nhọc ngoài đồng, chiều về thấy cả nhà đều thọ bát quan ngày ấy. Mặc dầu chỉ còn có nửa ngày, anh liền xin thọ giới và nhịn đói buổi chiều. Bất hạnh thay, sang hôm sau anh qua đời. Nhờ tâm trong sạch nghiêm trì bát quan trai giới, anh tái sanh lên cõi Thiên.

Vua Ajatasattu (A Xa Thế), con Vua Bình Xa Vương (Bimbisara), liền sau khi chết, tái sanh vào cảnh khổ vì mang trọng tội giết cha.

  1. Hậu Báo Nghiệp:

Quả trổ sanh bất cứ lúc nào,từ kiếp kế kiếp hiện tại đến lúc giải thoát hoàn toàn.

Không ai có thể lẫn thoát ra khỏi Nghiệp này. Chư Phật và chư vị A La Hán cũng không thể tránh khỏi quả dữ của những Nghiệp đã gieo trong thời dĩ vãng.

Đức Vô Sanh (A La Hán) Moggallana (Mục Kiền Liên), trong một kiếp quá khứ xa xôi, đã nghe lời người vợ tàn ác âm mưu ám hại cha mẹ. Do hành động sai lầm ấy, Ngài đã trải qua một thời gian lâu trong cảnh khổ và, trong kiếp cuối cùng, bị một bọn cướp giết chết.

Đức Phật bị vu oan là giết chết một nữ tu sĩ theo đạo lõa thể. Kinh sách chép rằng sở dĩ Đức Phật phải chịu tiếng oan như vậy là vì trong một tiền kiếp, Ngài đã thiếu lễ độ với một vị Độc Giác Phật.

Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) toan giết Đức Phật, lăn đá từ trên núi cao làm trầy chân Ngài. Kinh sách chép rằng vào một tiền kiếp xa xôi, Đức Phật đã lỡ tay giết người em khác mẹ trong một vụ tranh chấp tài sản.

—🍃🍃🍃—

Trích “Đức Phật và Phật Pháp”

Phạm Kim Khánh dịch

NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2019

SHARE:

Để lại một bình luận