BẠN TỌA THIỀN LÀ PHẬT TỌA THIỀN

SHARE:

Thiền sư An Cốc (Yasutani) – sư phụ của tôi – nói: “khi tu Chỉ quản đả tọa cần phải có niềm tin (faith)”.

Niềm tin ở đây mang một hàm nghĩa đặc thù, ý nói là bạn có cảm giác rằng mình chắc chắn thực hành được “Chỉ quản đả tọa”. Khi tham công án phải tin rằng mình có thể quán chiếu Công án. Khi tọa thiền phải tin rằng mình tọa thiền tức là Phật tọa thiền, tiên sư tọa thiền. Không cần phải lo lắng việc gì cả, chỉ cần ngồi thiền, và hiểu rõ rằng mình tọa thiền tức là Phật tọa thiền.

Phật nào tọa thiền?

Có thể là Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng có thể là chư Phật, chư Tổ. Nói cách khác, người tọa thiền không phải là “bạn”, mà là Phật.

Tông Tào Động có câu “Bản thể diệu tâm”, chúng ta nói là “tu chứng nhất như” (tu và chứng là như nhau).

Thế nào là “tu chứng nhất như”?

Bạn tọa thiền là Phật tọa thiền, hoặc nói tọa thiền là Phật, là thể chứng, là chứng ngộ. Đó chính là đã thành tựu A-nậu-đa-la tam–miệu Tam-bồ-đề. Quí vị cần phải có niềm tin như vậy.

Nguyên nhân chúng ta tu chứng là để đạt được quả vị nào đó, thí dụ như sự chứng ngộ. Nhờ tọa thiền mà có được “quả vị” hay phát sinh trạng thái nào đó là phương pháp tọa thiền sai lầm. Điều này đã từng gây ra rất nhiều tranh luận trong lịch sử Thiền tông.

Khi chúng ta nói: “tu chứng nhất như” là ý cho rằng “tu” không phải là phương pháp đạt được cái gì, mà là bản thân của “tu” chính là sự biểu hiện của “thể chứng”.

Cái mà bạn chờ đợi hay là cái mà bạn nỗ lực muốn có thật ra từ lâu đã ở trong đó! Từ khởi thủy, “Đạo” đã hiển bày sẵn trong đó. Xưa nay đều ở trong đó – coi như sinh mệnh bạn đang ở trong đó. Thể chứng, chứng ngộ không phải là điều gì khác mà chính là việc bạn phát hiện ra sự thật này.

Sinh mệnh chúng ta đã là sinh mệnh thể chứng, nhưng sự thật quá rõ ràng này lại không dễ gì nhìn thấy được. Phải tu như thế nào mới thể chứng rõ ràng nhất về điều này? Vấn đề không phải ở chỗ bạn phải tu Chỉ quản đả tọa hay tham Công án, mà là ở chỗ bạn tu thế nào mới có hiệu quả.

 

Khi tham Công án, bạn có thấy là “bạn đang tham Công án” hay không? Khi tu Chỉ quản đả tọa, bạn có thấy là “bạn là Chỉ quản đả tọa” hay không? Nếu có thì bạn đã muốn nỗ lực quán chiếu cái “Ngã” này rồi.

Tham Công án thì bạn trở thành chính Công án. Tu Chỉ quản đả tọa thì bạn chính là Chỉ quản đả tọa. Bất kể là tham Công án hay Chỉ quản đả tọa, bạn đều để cho việc đó trở thành Phật đang tọa thiền. Dù thế nào thì cũng đừng để bạn và Phật có sự tách rời. Đừng để bạn và Công án hay Chỉ quản đả tọa có sự tách biệt.

 

Đừng phân chia bạn với Phật, đừng tách rời sinh mệnh bạn với sinh mệnh vốn đã thể chứng. Quí vị cần phải tọa thiền như vậy.

 

Có rất nhiều cách để diễn tả về cái này. Chúng ta cho rằng đó là Phật, là Phật tâm, là Không, là Phật tính, hay là “Đạo” cao tột. Những cách diễn đạt ấy đều là sinh mệnh vốn đã thể chứng này.

Tôi vẫn rất thích Công án sau đây:
Có một vị tăng hỏi thiền sư Huyền Sa Sư Bị:
“Thế nào là Phật tâm?”
Sư đáp:
Là “Chúng sinh tâm”
Vị tăng lại hỏi: “Thế nào là chúng sanh tâm?”
Sư đáp:
Là “Phật tâm”.

 

Chúng ta đều giống như vị Tăng này, phân biệt cái này, cái kia. Dĩ nhiên là sự “phân biệt” ở trong tâm của chúng ta có chức năng rất quan trọng, chỉ vì chúng ta không đáng phải dùng nó để gây thêm phiền toái. Khi bạn ngồi thiền thì thường không biết mình phải làm gì với cái tâm phân tán của chính mình. Khi cái tâm phân tán này luôn luôn lộn xộn những tạp niệm, không dừng nghỉ, thì bạn phải làm gì mới có thể ngăn chặn nó? Nhưng mà bạn không thể làm được! Muốn đem tâm để ngăn cản nó thì đó không phải là biện pháp. Thế thì bạn phải làm sao?

Khi tu hành chúng ta phải nhớ kỹ “tu chứng nhất như”. Đừng đem tu và chứng phân chia ra. Khi tọa thiền thì để cho tọa thiền trở thành sự thực hiển bày này, rồi thì Chỉ quản đả tọa cũng vậy. Có sinh khởi tạp niệm cũng không sao, miễn là bạn để cho tạp niệm ấy qua đi là được.

 

Quí vị hãy thực hành thử xem.
Nếu bạn tu đúng như vậy thì đi, đứng, ngồi, nằm đều là tọa thiền. Như vậy là bạn đã mở ra một quan điểm sống mới. Tọa thiền sẽ trở thành “pháp tu” quí báu nhất của bạn.

 

Tất cả chúng ta đều sẽ thể nhận được Diệu tu trong Bản chứng (1), hoặc là đề thể nhận Bản chứng trong Diệu tu. Xin quí vị chớ nên theo đuổi cái gì khác, mà phải hiểu rõ mình chính là sinh mệnh này – tất cả hoạt động của sinh mệnh – đều hiển bày sau khi thể chứng.

 

(Trích trong Chỉ Quản Đả Tọa Cùng Tu Thiền Với Đức Phật, tác giả Thiền sư Taizan Maezumi, bản tiếng Việt Diệu Hạnh, nxb Hồng Đức)

 

*Chú thích:

 

  • Diệu tu bản chứng: Sự tu hành lập cước trên sự chứng ngộ, vốn có (Bản chứng).
    Thông thường thì sự tu hành vốn xuất phát từ địa vị phàm phu, và kẻ phàm phu tu hành để đạt quả vị Phật; nhưng thiền sư Đạo Nguyên thì lại cho rằng tu hành vốn lập cước trên Bản chứng chính là tu hành, không phải tu hành để đạt đến quả vị Phật, mà chính việc tu hành là hạnh của Phật. Vì việc tu hành này chính là Tọa thiền, cho nên Tọa thiền không phải là chờ đợi sự chứng ngộ, mà chính Tọa thiền cũng là hạnh của Phật. Chính vì lẽ đó, sự tu hành lập cước trên Bản chứng được gọi là Diệu tu, và đồng nghĩa với “Chỉ quản đả tọa”.

Taizan Maezumi

SHARE:

Trả lời