TỰ TÂM TỨC PHẬT TÁNH

SHARE:

Niêu-hiệu Thiên-Thiên thứ hai, năm Quý-Sửu, tháng tám, mồng ba (qua tháng chạp trong năm ấy, vua đổi niên-hiệu lại là Khai-Nguyên), nơi chùa Quốc-Ân,vừa bãi tiệc chay, thì Tổ với các đồ-chúng bảo rằng : “Bọn ngươi y theo ngôi thứ mà ngồi, ta cùng các ngươi từ biệt.”

37.– Pháp-Hải bạch rằng : “Hòa-thượng còn lưu lại giáo Pháp gì để cho những kẻ mê đời sau, đặng thấy Phật-tánh.”

38.– Tổ nói : “Bọn ngươi chăm nghe : Những kẻ mê lưu đời sau, nếu biết chúng-sanh, tức là Phật-tánh ;bằng chẳng biết chúng-sanh thì muôn kiếp tìm không gặp Phật. – Ta nay dạy các ngươi biết tự-tâm chúng-sanh và thấy tự-tâm Phật-tánh, muốn cầu thấy Phật, phải biết chúng-sanh, chỉ vì chúng-sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng-sanh :

Tự-tánh tỏ ngộ, chúng-sanh là Phật.

Tự-tánh còn mê, Phật là chúng-sanh.

Tự-tánh bình đẳng, chúng-sanh là Phật,

Tự-tánh tà hiểm, Phật là chúng-sanh.

“Nếu các ngươi tâm còn hiểm khúc, thì tức là Phật ở trong chúng-sanh ; bằng một niệm bằng thẳng,tức là chúng-sanh thành Phật. – Tâm ta tự có Phật, Phật mình là Chơn-Phật, mình nếu không tâm Phật, chỗ nào tìm chơn Phật.

39.– “Bọn ngươi tự tâm là Phật, đừng hồ nghi chi, ngoài không có một vật gì mà gầy dựng được, đều do tâm mình sanh ra muôn pháp, cho nên trong kinh nói :“Tâm sanh thì các giống pháp sanh, tâm diệt thì các giống pháp diệt.” – Nay ta để lại một bài kệ mà từ biệt cùng bọn ngươi, kệ ấy gọi là : “Tự-tánh Chơn-Phật”. – Nếu người đời sau biết được ý nghĩa kệ ấy, thì tự thấy bổn-tâm, tự thành Phật-đạo.

Kệ rằng :

Tự-tánh chơn-như là chơn-Phật,

Tà kiến tam độc là Ma-Vương.(15)

Hễ lúc tà mê ma choán chỗ,

Mà khi chánh kiến Phật vào nhà.(16)

Trong tánh thấy tà ba độc sanh,

Tức là Ma-vương đến trụ-xá.(17)

Chánh-kiến dứt trừ ba độc kia,

Ma biến thành Phật thiệt không giả.(18)

Pháp-thân, Báo-thân, với Hóa-thân,

Ba thân gốc thiệt một thân nầy.(19)

Nếu trong tánh mình mình thấy được,

Tức là thành đạo Bồ-đề ngay.(20)

Bởi có Hóa-thân sanh tánh tịnh,

Tánh tịnh hằng ở trong Hóa-thân.

Tánh khiến Hóa-thân làm đạo chánh,

Về sau viên-mãn thiệt không ngần.(21)

Tánh dâm vốn là nhơn tánh tịnh,

Trừ dâm tức là tịnh tánh thân.

Trong tánh lìa xong cả năm dục,

Giây phút thấy tánh tức là chơn.(22)

Đời nay bằng gặp môn Đốn-giáo,

Chợt tỏ tánh mình thấy Thế-Tôn.(23)

Nếu muốn tu hành cầu làm Phật,

Chỗ nào mà nghĩ để tìm chơn.(24)

Bằng trong tâm mình thấy chơn được,

Là nhơn thành Phật chẳng còn nghi.(25)

Không thấy tánh mình tìm Phật khác,

Khởi tâm như vậy thiệt ngu si.(26)

Pháp-môn Đốn-giáo nay truyền lại,

Cứu độ người đời phải tự tu.

Khuyên những đời sau người học đạo,

Chẳng theo thấy ấy lắm mù mù.(27)

40.– Tổ nói bài kệ rồi bảo rằng : “Bọn ngươi ở lại, sau khi ta diệt độ, chớ nên theo tình đời, buồn khóc rơi lệ và chẳng nên chịu lễ điếu viếng của người mà cũng không được mặc đồ hiếu phục ; nếu làm vậy thì chẳng phải đệ-tử của ta và cũng chẳng phải chánh-pháp chỉ biết bổn tâm mình, thấy bổn-tánh mình, không động không tịnh, không sanh không diệt, không lui không tới, không phải không quấy, không ở không đi là được.

41.– “Ta e bọn ngươi tâm mê, chẳng rõ thấu ý ta,nên nay ta dặn lại, khiến cho các ngươi thấy tánh, sau khi ta diệt độ, cứ y theo đó tu hành, thì cũng như ngày ta còn tại thế ; bằng trái lời ta, thì dầu ta còn tại thế cũng không ích gì !” – Tổ dặn rồi lại thuyết kệ rằng :*

Trơ trơ chẳng làm lành,

Xăn xăn chẳng tạo ác,

Bặt bặt dứt thấy nghe,

Lộng lộng tâm không mắc.(28)

42.– Tổ đọc kệ rồi, ngồi ngay thẳng đến canh ba,thoạt nhiên nói với môn nhơn rằng : “Thôi ta đi !” – Nói rồi im-lìm thoát hóa. – Thuở ấy mùi thơm lạ đầy nhà, mống bạc chói cả đất, rừng cây biến thành sắc trắng, cầm thú kêu giọng ai-bi.

43.– Qua tháng mười một, các quan liêu ở trong ba quận : Quảng, Thiều, Tân, cùng bọn môn-nhơn kẻ tăng người tục, giành rước chơn-thân của Tổ, quan tài chưa quyết đưa về đâu, mới cùng nhau thắp hương vái rằng : “Hễ khói hương chỉ xứ nào, là chỗ về của Tổ ở nơi đó.” – Khi ấy khói hương bay thẳng về Tào-Khê.

44.– Ngày mười ba tháng mười một năm ấy, bèn dời thần-khám (linh cửu) và đồ y bát của Tổ truyền mà đưa về Tào-Khê.

45.– Qua năm sau, tháng bảy, ngày hai mươi lăm,thỉnh xác thân của Tổ xuất khám, đệ tử là Phương-Biện lấy keo thơm đem dưng, thì bọn môn nhơn nghĩ nhớ lời sấm-ký “Thủ thủ”, bèn trước lấy thiết-diệp bao vải dầu, giữ chặt chỗ cổ của Tổ, rồi đưa vào tháp, chợt thấy trong có một lằn bạch-quang xuất hiện, xông thẳng lên trời, trọn ba ngày mới tan.

46.– Quan ở Thiều-Châu làm biểu tâu vua, lại vưng sắc vua, dựng bia mà ghi lại cái đạo-hạnh của Tổ như vầy : “Tổ-sư xuân thu được bảy mươi lẻ sáu tuổi, khi hai mươi bốn tuổi được truyền y, ba mươi chín tuổi xuống tóc, thuyết pháp lợi sanh ba mươi bảy năm, những kẻ đặng tông chỉ nối giáo-pháp được bốn mươi người, còn những người ngộ đạo siêu phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể.”

47.– Cái tín-y của Sơ-Tổ Đạt Ma truyền lại đó, là thứ bố khuất-quyến bên Tây-vức ; cái áo Ma-nạp và cái bửu-bát của vua Trung-Tôn ân tứ, cùng chơn tướng của Tổ mà ngày trước Phương-Biện đắp sẵn, với những đồ đạo-khí đều giao cho người chủ coi tháp giữ gìn, để vĩnh viễn an trấn nơi đạo-tràng Bửu-Lâm và lưu truyền quyển Bửu đàn-kinh để hiển rõ tông chỉ của Tổ mà dấy thạnh ngôi Tam-bảo, phổ lợi cho quần-sanh.

48.– Sau khi chơn-thân của Tổ vào tháp yên rồi, đến niên-hiệu Khai-Nguyên thứ mười, năm Nhâm-Tuất, tháng tám, ngày mồng ba, lúc nửa đêm, xảy nghe trong tháp như tiếng kéo dây sắt ; chúng-tăng cả kinh chổi dậy, thấy có một người mặt đồ chế, từ trong chạy ra.Chúng-tăng bèn tìm đến coi nơi cổ của Tổ, thấy có dấu vít, mới đem đủ việc gian trộm ấy mà tố cáo đến Châu Huyện.

49.– Quan Huyện lịnh là Dương-Khảng và quan Thứ-sử là Liễu-Vô-Thiểm tiếp đặng cáo điệp, liền dã tâm tìm nã, qua ngày mồng năm, bắt được kẻ gian-trộm nơi làng Thạch-Giác, dẫn về Thiều-Châu hỏi, thì người ấy cung khai rằng : “Nó là họ Trương, tên Tịnh Mãn, người ở Huyện-Lương, Châu-Nhữ, thọ lãnh một số tiền mướn, hai mươi ngàn quan của tăng-nhơn là Kim-Đại-Bi, người đất Tân-La, ở chùa Khai-Nguyên nơi Hồng-Châu, bảo lén lấy đầu của Lục-Tổ đại-sư đem về Hải-Đông để cúng dường.”

50.– Quan Liễu-Thái-Thú nghe lời cung trạng như vậy mà chưa vội gia-hình, bèn đến Tào-Khê hỏi người thượng-túc, đệ-tử của Tổ là Linh-Thao rằng : “Thầy muốn buộc cách nào ?”

51.– Thao nói : “Bằng lấy theo phép nước mà luận tội, lý đáng tru-di ; nhưng lấy lượng từ-bi của Phật-giáo thì kẻ thù với người thân, một bực bình-đẳng, huống chi kia muốn cầu cúng dường, thì tội ấy nên tha.”

52.– Liễu-Thái-Thú càng thêm khen ngợi rằng : “Vậy mới biết là cửa Phật rộng lớn không ngằn, nhơn tha luôn.”

53.– Niên-hiệu Thượng-Nguyên năm đầu, vua Túc-Tông khiến sứ tới thỉnh y bát của Tổ đem về trong cung mà cúng dường.

54.– Đến niên-hiệu Vĩnh-Thái năm đầu, ngày mồng năm tháng năm, vua Đại-Tông chiêm-bao thấy Lục-Tổ đại-sư đến đòi y bát. – Ngày mồng bảy, vua xuống sắc cho quan Thứ-sử là Dương-Giam rằng : “Trẫm chiêm-bao thấy Huệ-Năng thiền-sư đòi y ca-sa của Tổ trước truyền lại đó đem về Tào-Khê, nay Trẫm khiến quan Trấn-quốc đại-tướng-quân là Lưu-Sùng-Cảnh lảnh đái y ấy đưa về. – Trẫm gọi là đồ quốc-bửu, vậy ngươi (Dương-Giam) khá đến lại bổn-tự, y phép yên đặt, rồi bảo trong tăng-chúng người nào vưng nối tông-chỉ của Tổ, thì phải dè dặt giữ-gìn, chớ để sai lạc.”

55.– Về sau y bát ấy, hoặc bị kẻ trộm lấy thì đều đem đi chẳng xa mà tìm lại được, đã trót ba bốn lần như vậy.

56.– Qua đời vua Hiến-Tông có ban hàm-ân cho Tổ : “Đại-Giám Thiền-sư”, còn tháp thì tặng là : “Nguyên Hòa Linh Chiếu”.

57.– Các sự tích khác nữa, thị có khắc vào trong các cái bia của quan Thượng-thơ Vương-Duy, quan Thứ-sử Liễu-Tông-Nguyên và quan Thứ-sử Lưu-Võ-Tích ở đời nhà Đường.

Kẻ giữ tháp là Linh-Thao phụng chép

(Đàn-kinh một quyển)

 Phụ chú:

27) Từ câu : “Pháp-môn Đốn-giáo nay truyền lại”… đến câu : “Chẳng theo thấy ấy lắm mù mù” là nói : Pháp-môn Đốn-giáo của ngài để lại đó, là một pháp “thấy tánh thành Phật” rất mau chóng ; mà nếu người học đạo đời sau không thừa nhận theo cái thấy ấy, thì không đời nào tỏ ngộ cho được.

 

(28)Trơ trơ chẳng làm lành, xăn xăn chẳng tạo ác, bặt bặt dứt thấy nghe,lộng lộng tâm không mắc : Kệ nầy là Tổ hiển rõ cái chơn-tướng Niết-bàn và cũng biểu hiện cái diện mục bản-lai. – Lại cũng khai thị cho môn đồ biết rằng : Hết thảy các pháp, trước đã do nơi gốc vô-trụ mà lập ra, thì sau cũng rút về nơi gốc vô-trụ.

Ý kệ nói : Nguyên lai, chẳng những không tạo cái ác Quỷ-Súc mà cũng không làm cái lành Nhơn-Thiên, lại chẳng những không tạo cái ác Nhị-thừa mà cũng không làm cái lành Bồ-tát ; cho đến chẳng những dứt bặt cái thấy cái nghe Thế gian mà cũng không dứt bặt cái thấy cái nghe Phật-pháp, tâm như hư-không, chẳng còn dính-mắc một pháp gì ở trong phàm-tình thánh-cánh tất-cả.

 

Trích đoạn

Kinh Pháp Bảo Đàn (Diễn Nghĩa & Lược Chú)

Văn Khố Từ Bi Âm

XB 1943 – Linh Sơn Cổ Tự

SHARE:

Để lại một bình luận