HỌC KHÔNG BẤT CHỨNG

SHARE:

“Thế nào là bình đẳng? Là ngã bình đẳng, Niết bàn bình đẳng”. Lời khai thị của ngài Duy Ma Cật trực tiếp chỉ thẳng làm sao! Nhưng những lời khai thị như thế này – và có rất nhiều lời như vậy trong Kinh – không khiến chúng ta vào được thực tại không ngã không pháp thì đó là vì những ngăn chướng của chúng ta còn nhiều trong tâm mà sự thực hành của chúng ta chưa phá vỡ được, chứ không phải những câu nói ấy không phát xuất từ lòng bi vô lượng của ngài.

 Kinh: “Thế nào là lìa bỏ? Lìa bỏ ta và cái của ta. Thế nào là lìa bỏ ta và cái của ta? Là lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng. Thế nào là lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng? Là chẳng nghĩ tưởng các pháp bên trong và bên ngoài, nhất tâm thực hành bình đẳng. Thế nào là bình đẳng? Là ngã bình đẳng, Niết bàn bình đẳng. Tại sao như vậy? Ngã và Niết bàn, cả hai đều Không. Vì sao mà Không? Vì chỉ là danh tự nên Không. Hai pháp nhị biên này không thể kiến lập, không có tự tánh quyết định. Thấy được tánh bình đẳng như vậy, thì không phân biệt giữa bệnh và Không, nên không còn bệnh gì nữa. Có còn là chỉ có cái bệnh về Không. Nhưng cái bệnh về Không cũng Không.

“Bồ tát có bệnh này lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ. Chưa đầy đủ Phật pháp thì cũng không diệt cái thọ mà thủ chứng vậy.

Pháp giới vốn không đây kia, trong ngoài, ta và cái của ta, nhưng vì căn bệnh vô minh phân biệt của chúng ta mà thành ra đủ thứ tướng bên trong ta và tướng bên ngoài ta. Mỗi tướng bên ngoài đều có sự liên kết với cái bên trong – như một cái cây là cái cây trong tương quan với tâm thức bên trong của ta – và mỗi tướng bên trong, vui buồn, xúc cảm, tham, sân… đều liên kết với tướng ở bên ngoài. Cả hai liên kết với nhau chằng chịt, kiên cố tạo thành sanh tử cho riêng mỗi người. Cho nên vấn đề chữa bệnh đều quy về hai cái: chấp ngã và chấp pháp, chấp chủ thể và chấp đối tượng. Giải thoát chỉ là việc quán chiếu cho tiêu hai cái vọng tưởng căn bản này thôi vậy.

Sự quán sát liên tục, thấu đáo về chủ thể sẽ đưa đến cái hiểu biết thực sự rằng bên trong không có một nền tảng nào cả. Và bên ngoài không có một tướng nào, một pháp nào có nền tảng để có thể nắm lấy, có thể đắc. Với sự quán chiếu liên tục này, có một lúc nào chúng ta thực sự lọt vào pháp tánh hay tánh Không, đó là bước vào địa thứ nhất. Từ đây tánh Không là niềm tin, sự xác quyết của chúng ta, do đó căn bệnh chấp tướng thâm căn cố đế bắt đầu có thể thực sự được lìa bỏ. Càng lìa bỏ chúng ta càng hưởng được cái tự do bao la của pháp giới, niềm phúc lạc không ngăn ngại (do hình tướng phân biệt mà có ngăn ngại), cái rỗng rang không bờ mé của Pháp Giới Nhất Tâm…

Ở đây kinh dạy chúng ta một phương pháp – trong rất nhiều phương pháp của đạo Phật – để giải quyết một vấn đề căn bản: lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng. “Chẳng nghĩ tưởng các pháp (các tướng) bên trong và bên ngoài”: sự nghĩ tưởng là nhiên liệu làm bừng cháy thêm sự chấp pháp, không nghĩ tưởng đến chúng thì chúng trở thành tịch diệt, an nghỉ trong tánh Không. Và “nhất tâm thực hành bình đẳng”: không xao lãng, không để tâm thức làm méo mó thật tướng mà chuyên chú tham thiền về chính sự bình đẳng, sự không phân biệt của pháp tánh, tức là thật tướng của tất cả các pháp, tức là tánh Không. Hai thực hành này, một chú ý đến hiện tượng, một chú ý vào bản thể, sẽ đưa chúng ta thật sự bước vào tánh Không.

“Thế nào là bình đẳng? Là ngã bình đẳng, Niết bàn bình đẳng”. Lời khai thị của ngài Duy Ma Cật trực tiếp chỉ thẳng làm sao! Nhưng những lời khai thị như thế này – và có rất nhiều lời như vậy trong Kinh – không khiến chúng ta vào được thực tại không ngã không pháp thì đó là vì những ngăn chướng của chúng ta còn nhiều trong tâm mà sự thực hành của chúng ta chưa phá vỡ được, chứ không phải những câu nói ấy không phát xuất từ lòng bi vô lượng của ngài.

Tất cả các pháp, dù trong dù ngoài, dù ngã hay là Niết bàn vô ngã, đều chỉ là danh tự, nên không thể kiến lập: tất cả thuần là tánh Không. Đến chỗ này rồi, nếu một mực đi vào cái Không bản thể mà bỏ quên cái Không hiện tượng, nghĩa là bỏ thế giới hiện tượng của chúng sanh, thì cái Không thuộc về bản thể này là bệnh của Bồ tát bậc cao. Đây là điều kinh Đại Bát Nhã nói: học Không bất chứng. Nghĩa là Bồ tát học Không, tu hành Không nhưng không thủ chứng Không về mặt bản thể. Thủ chứng Không về mặt bản thể là “diệt cái thọ để thủ chứng” (tức là thủ chứng Không về mặt bản thể, hay thủ chứng Niết bàn). Kinh Hoa Nghiêm nói Bồ tát địa thứ sáu trở lên đều có thể nhập diệt định, nhập diệt định tức là “diệt cái thọ mà thủ chứng” ở đây vậy. Nếu thủ chứng thì chỉ mới đi được hai phần ba con đường, và do đó mà “chưa đầy đủ Phật pháp”, không tiến thêm lên các địa trên để đến quả Phật.

Như vậy, để thoát khỏi cái bệnh về Không này chỉ hướng đến bản thể mà bỏ mất thế giới hiện tượng gồm cả chúng sanh trong đó, Bồ tát phải Không luôn cái Không bản thể này, như chúng ta thường thấy có từ ngữ Không Không. Cái Không về bản thể này mà cũng Không, thì không còn chấp vào ‘chỉ cái Không bản thể’, do đó mà vẫn không từ bỏ thế giới hiện tượng, đồng thời thế giới hiện tượng này cũng là Không. Bồ tát đi đến toàn giác bằng cách ôm trọn cả hai thế giới bản thể (chân lý tuyệt đối) và thế giới hiện tượng (chân lý quy ước) vào trong tánh Không. Sở dĩ gọi là toàn giác hoàn toàn, vì Bồ tát không bỏ thế giới hiện tượng, không bỏ chân lý quy ước, và cái này chính là môi trường, chỗ hiện hành của đại bi. Đầy đủ cả Trí và Bi, đó là toàn giác.

Làm sao mà vẫn không từ bỏ thế giới hiện tượng đồng thời vẫn thâm nhập tánh Không? Kinh dạy “lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ”. Không thọ nhận các thọ, đó là nhập diệt thọ tưởng định. Nhưng “lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ” đó là con đường hành trì của Bồ tát. Con đường đó là con đường Trung Đạo: không chỗ thọ mà vẫn thọ nhận các thọ; thọ nhận các thọ mà vẫn không chỗ thọ. Con đường Trung Đạo “Tức Thị” này đi giữa sắc và Không: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”.

“Lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ”, đây là hạnh phúc cho riêng mình của Bồ tát, đồng thời không bỏ quên bổn phận – cũng là một hạnh phúc khác – đối với chúng sanh là làm cho họ được hạnh phúc.

 

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

ĐƯƠNG ĐẠO

 NXB Thiện Tri Thức

SHARE:

Để lại một bình luận