LỜI DẠY CỦA MILAREPA CHO MỘT ĐẠO SĨ

SHARE:

LỜI DẠY CỦA MILAREPA CHO MỘT ĐẠO SĨ 
Anh dịch: Lama Kunga Rinpoche và Brian Cutillo
Việt dịch: Cư Sĩ Nguyên Giác

Milarepa, sinh năm 1052, là một trong những vị đạo sư nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Ngài là môn đệ của Marpa, một vị thầy Mật Tông nổi tiếng và cũng là người dịch nhiều tác phẩm Phật Giáo tiếng Sanskrit sang tiếng Tây Tạng và rồi trở thành một phần tiêu chuẩn của bộ Đại Tạng Kinh bằng Tạng ngữ sau này.
Sau đây là trích dịch từ một phần của chương “Milarepa Gặp Một Đạo Sĩ,” các trang 61-63, trong cuốn sách “Drinking the Mountain Stream: Songs of Tibet’s Beloved Saint, Milarepa,” bản Anh dịch thực hiện bởi Lama Kunga Rinpoche và Brian Cutillo, in bởi nhà xuất bản Wisdom Publications năm 1995. Bản Việt dịch sau, do Cư Sĩ Nguyên Giác thực hiện, sẽ theo sát nghĩa; các ngoặc vuông do ngừơi dịch hoặc lược bỏ hoặc thêm vào cho rõ nghĩa.

Một ngày trời ấm, trong khi đại sư Jetsun Repa đang tu tập trên khu Đá Đỏ vùng đồng bằng Gungthang, một đạo sĩ đi tới. Mila hỏi đạo sĩ, “Ông từ đâu tới như thế?”
Đạo sĩ trả lời, “Tôi tới từ vùng U, sau khi nghe danh tiếng của thầy lạt ma Jetsun có tên là Milarepa. Vị thánh này đang sống ở đâu?”
[…] Tràn ngập ngưỡng mộ, vị đạo sĩ chào, đi nhiễu vòng quanh Mila và rồi chắp tay quỳ xuống. “Con lúc đầu không biết là thầy. Xin tha lỗi cho con. Con ngưỡng phục rằng thầy có thể ở nơi ẩn tu xa vắng này mà không sợ hãi, lo lắng hay xao xuyến.”

Ngài Milarepa trả lời, “Nếu tu sĩ nào sợ vào ngụ cư ở nơi ẩn thất trong núi, thì người đó chưa từng nếm được mùi hương của du-già. Ngươi phải nhận ra mục tiêu, đó là trạng thái bản nhiên, bằng học hỏi và suy nghiệm. Rồi thì, sau khi nhận được các giới luật thâm sâu từ một vị lạt ma chân thực, và cắt lìa vọng tưởng, chứng ngộ mục tiêu của thiền định nhất tâm. Ngừơi như thế mới nên gọi là “đạo sĩ.” Còn những người lang thang khắp quốc độ mà không hề mang thẩm quyền của kinh nghiệm và chứng ngộ, đi khất thực và làm bất cứ thứ gì họ thích, đều là những người bị ác pháp chinh phục. Do vậy, hãy nghe và suy nghiệm bài ca này của ta.”

Vị pháp vương của tâm từ bi kiên cố
Vị dịch giả mà tên ngài khó được nghe –
Hướng tới ngài đại dịch giả Marpa
Con cầu nguyện – xin ban cho con ân sủng!

Khi đại ấn Mahamudra lớn lao hiển lộ,
Người tu không còn sợ gì, cho dù ảo thân này tan nát.
Vừa khi chứng ngộ rằng kinh nghiệm trong và ngòai đều hư ảo
Người tu không  còn sợ gì, cho dù các đạo binh của bốn ác quỷ.

Khi đã cắt lìa mọi chấp thủ dính mắc vào đời này,
Người tu không còn sợ gì, cho dù ba cõi thế giới bị hủy diệt.
Khi có thể đưa bồ đề tâm đi nghịch hành
Người tu không còn sợ lang thang giữa sương mù ba cõi.

Vị đạo sĩ tràn ngập cảm xúc và hô lớn, “Thưa ngài Lạt Ma Trân Bảo Jetsun, ngài có danh tiếng lớn, và đúng là như thế. Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Bây giờ, xin giải thích về cách mà thế giới hiện tướng này xuất hiện.”
Milarepa liền hát bài ca sau đây:

Con đảnh lễ dứơi chân vị lạt ma chân thực
Người đã chỉ cho con rằng các hiện tướng [đều] là ảo hóa.

Người có biết các hiện tướng này là gì?
Nếu ngươi không biết, ta sẽ nói ra:
Các hiện tướng này xuất hiện mọi nơi;
Với người chưa chứng ngộ, chúng là cõi luân hồi [phiền não],
Nhưng với ngừơi đã chứng ngộ, chúng sáng rực như là pháp thân.
Khi hiện tướng sáng rực như pháp thân
Đừng tìm kiếm một cái nhìn từ các nguồn khác nữa.

Người có biết cách gìn giữ tâm chưa?
Nếu không biết, ta sẽ nói cho ngươi:
Đừng tìm cách vận dụng tâm;
Đừng tìm cách áp đặt kiểm sóat tâm.
Hãy buông xả thư giãn như một trẻ nhỏ.
Hãy như một đại dương không gợn sóng.
Hãy như một ngọn đèn tự chiếu sáng,
Và hãy như một xác chết không sinh động.
Hãy giữ cho tâm bình thường.

Ngươi có biết cách để kinh nghiệm?
Nếu ngươi chưa, thì ta sẽ nói cho ngươi:
Y hệt như sương mù tan đi vì sức nắng mặt trời
Và bị tan đi cũng hệt như thế
Là định kiến bị xua tan bởi sức mạnh của chứng ngộ.
Không có cách nào khác để xua tan định kiến.
Hãy kinh nghiệm chúng như giấc mơ không gốc rễ.
Hãy kinh nghiệm chúng như các bọt sóng khỏanh khắc.
Hãy kinh nghiệm chúng như cầu vồng không thật.
Hãy kinh nghiệm chúng như hư không bất khả chia cách.

Ngươi có biết cách để bảo nhiệm kinh nghiệm?
Nếu ngươi không biết, ta sẽ nói cho ngươi:
Ngay cả một ngọn gió mạnh, thì trong tự tánh vẫn là rỗng rang.
Ngay cả một đợt sóng lớn, thì cũng chỉ tự thân là biển.
Ngay cả mây phía nam dầy đặc, thì cũng không gốc rễ như hư không.
Ngay cả một tâm u mê dầy đặc, thì bản nhiên vẫn là vô sinh.
Để gìn giữ tâm đang động
Hãy dùng giáo pháp để đưa [tâm] ý thức theo dõi luồng sóng [niệm].
Khi bị mất [niệm] vì tên trộm, định kiến,
Hãy dùng giáo pháp để nhận ra tên trộm.
Khi tâm phân tán theo các đối tựơng
Hãy dùng phương pháp như  con quạ không bay ra khỏi thuyền [giữa đại dương].

Ngươi có biết cách nào để tu tập?
Nếu ngươi không biết, ta sẽ nói cho ngươi:
Hãy tu như một con sư tử khổng lồ đứng.
Hãy tu như một bông sen mọc ra khỏi bùn.
Hãy tu như một con voi cuồng nhiệt.
Hãy tu như một quả cầu thủy tinh trong sáng.

Người có biết cách nào để hiển lộ kết quả?
Nếu ngươi không biết, ta sẽ nói cho ngươi:
Pháp thân được hiển lộ trong [cái nhìn, cái nghe…] phi định kiến.
Báo thân được hiển lộ trong niềm vui lớn.
Hóa thân được hiển lộ trong sự trong trẻo.
Tự tánh thân được hiển lộ trong Tánh Không nguyên sơ.
Với những ai đa văn, thì có ba thân [Phật],
Nhưng trong pháp thân, thì không có chia cách nào.

Nhìn thấy, vun trồng, kinh nghiệm,
Sửa lỗi, tu tập, và đạt kết quả –
Sáu việc trên là hợp thành kinh nghiệm du-già.
Ngươi nắm được ý ta nói chưa, hỡi người từ xứ U?
Ngươi có hiểu ta chăng, hỡi nhà khổ hạnh?

Vị đạo sĩ một lần nữa tràn ngập cảm xúc, và sau khi xin quy y và thọ giáo pháp thâm sâu, đã bắt đầu tu tập. Người ta kể, vị này về sau đã trở thành một thiền sư chứng ngộ.

(Anh dịch: Lama Kunga Rinpoche và Brian Cutillo; Việt dịch: Cư Sĩ Nguyên Giác)

SHARE:

Để lại một bình luận