MỘT QUAN ĐIỂM MỚI LẠ VỀ THỰC TẠI

SHARE:

Trong mỗi centimeter khối của không gian ẩn chứa năng lượng của một ngàn tỷ quả bom nguyên tử.
Nếu vũ trụ của chúng ta chỉ là một cái bóng nhợt nhạt của một trật tự sâu hơn, thì còn điều gì khác ẩn giấu trong nền tảng ban đầu của thực tại chúng ta? Bohm có một gợi ý. Theo sự hiểu biết hiện nay của chúng ta về vật lý, tất cả các vùng của không gian tràn ngập đủ các loại trường khác nhau, chứa các sóng có bước sóng khác nhau. Ít nhất mỗi sóng luôn có một năng lượng nào đó. Khi các nhà vật lý tính toán lượng năng lượng tối thiểu mà mỗi sóng có thể mang, họ thấy rằng mỗi centimeter khối không gian trống rỗng chứa nhiều năng lượng hơn tổng số năng lượng của toàn bộ vật chất trong vũ trụ quan sát được!
Một số nhà vật lý không chấp nhận tính toán đó là nghiêm túc và tin rằng nó phải có sai sót đâu đó. Bohm cho rằng đại dương năng lượng vô hạn này thực sự tồn tại và ít nhất nó cho chúng ta biết đôi điều về bản chất ẩn và rộng lớn của trật tự ẩn giấu. Ông cảm thấy rằng hầu hết các nhà vật lý đã bỏ qua sự tồn tại của đại dương năng lượng khổng lồ đó, bởi vì giống như con cá không ý thức được nước mà nó bơi trong đó, họ đã được dạy chủ yếu phải tập trung vào các đối tượng được nhúng trong đại dương năng lượng đó, tức là vào vật chất.

Quan điểm của Bohm rằng không gian cũng như vật chất di chuyển qua nó là thực và rất nhiều quá trình xảy ra trong đó đã được phát triển chín mùi trong ý tưởng của ông về biển năng lượng ẩn giấu. Vật chất không tồn tại độc lập với biển năng lượng này, cũng như không tồn tại độc lập với cái gọi là không gian trống rỗng. Nó là một phần của không gian. Để giải thích điều mình muốn nói, Bohm đưa ra sự tương tự sau: Một tinh thể được làm lạnh tới không độ tuyệt đối sẽ cho phép một dòng các electron đi nó mà không bị tán xạ. Nếu nhiệt độ được nâng lên, trong tinh thể sẽ xuất hiện các khuyết tật, làm cho tinh thể mất đi tính trong suốt và các electron bắt đầu bị tán xạ. Theo quan điểm của một electron thì những khuyết tật đó sẽ biểu hiện như những mẩu “vật chất” trôi nổi trong một biển “chân không”, nhưng thực ra điều này không đúng. Chân không và các mẩu vật chất không tồn tại độc lập với nhau. Cả hai đều là một phần của cùng một kết cấu, tức là của trật tự sâu hơn của tinh thể.
Bohm tin rằng chính điều này cũng đúng ở cấp độ tồn tại của chúng ta. Không gian không phải là trống rỗng. Nó đầy ắp, tức là đầy một thứ trái ngược với chân không và là nền tảng cho sự tồn tại của vạn vật, bao gồm cả chính chúng ta. Vũ trụ không tách rời khỏi biển vũ trụ năng lượng này và vũ trụ chỉ là một gợn sóng trên bề mặt của nó, một “hình mẫu kích thích” tương đối nhỏ giữa một đại dương mênh mông không thể hình dung nổi. Bohm nói, “hình mẫu kích thích này tương đối độc lập và thực hiện những phóng chiếu tách biệt, ổn định và thường xuyên lặp lại trong trật tự biểu hiện tường minh ba chiều của chúng ta. Nói cách khác, mặc dù tính vật chất rõ ràng và kích thước rất lớn, nhưng bản thân vũ trụ không tồn tại tự thân mà là đứa con riêng của một cái gì đó rộng lớn hơn và khó mô tả hơn. Hơn thế nữa, nó thậm chí không phải là sản phẩm chính của cái gì đó rộng lớn hơn này, mà chỉ là một cái bóng đi lướt qua, một dư ba xa xôi trong cái sơ đồ lớn hơn của vạn vật.

Biển năng lượng vô hạn này không phải là tất cả những gì được cuộn lại trong trật tự ẩn giấu. Vì trật tự ẩn giấu là nền tảng sinh ra tất cả mọi thứ trong vũ trụ của chúng ta, nên ít nhất nó cũng chứa mọi hạt hạ nguyên tử đã hoặc sẽ có; chứa mỗi cấu hình có thể có của vật chất, năng lượng, sự sống và ý thức, từ các (chuẩn tinh) đến bộ não của Shakespeare, từ chuỗi xoắn kép DNA cho đến lực chi phối kích thước và hình dạng của các thiên hà. Và thậm chí đây vẫn chưa phải là tất cả những gì nó có thể chứa. Bohm thừa nhận rằng không có lý do gì để tin rằng trật tự ẩn giấu là sự cáo chung của vạn vật. Có thể tiếp sau nó có các trật tự không ngờ đến khác, các giai đoạn vô tận của sự phát triển xa hơn.

NHỮNG BẰNG CHỨNG THỰC NGHIỆM CỦA LÝ THUYẾT VŨ TRỤ TOÀN ẢNH CỦA BOHM

Một số những phát hiện kỳ lạ trong vật lý gợi ý rằng Bohm có thể đúng. Thậm chí không cần tính đến biển năng lượng tiềm ẩn, thì không gian cũng được lấp đầy bởi các sóng ánh sáng và sóng điện từ khác liên tục đan chéo nhau và tương tác với nhau. Như chúng ta đã thấy, tất cả các hạt cũng đồng thời là sóng. Điều này có nghĩa rằng các đối tượng vật lý và mọi thứ khác mà chúng ta cảm nhận trong thực tế đều gồm các hình ảnh giao thoa, một sự thật không thể phủ nhận, có liên quan đến nguyên lý toàn ảnh.
Một phát hiện thực nghiệm gần đây còn cho chúng ta một bằng chứng thuyết phục khác. Trong những năm 1970, trình độ công nghệ đã thực sự cho phép một số nhà thực nghiệm tiến hành thí nghiệm hai hạt đã được Bell vạch ra trước đó. Mặc dù các kết quả đầy hứa hẹn, nhưng không ai đưa ra được kết quả để có thể kết luận một cách dứt khoát. Sau đó, vào năm 1982, ba nhà vật lý Alain Aspect, Jean Dalibard và Gérard Roger thuộc Viện Quang học ở trường Đại học Paris đã thành công. Đầu tiên họ tạo ra được một loạt các photon sinh đôi bằng cách dùng laser nung nóng các nguyên tử calcium. Sau đó, họ cho phép mỗi photon chạy qua một cái ống dài 6,5 meter theo hướng ngược nhau và đi qua các bộ lọc đặc biệt để hướng chúng về phía một trong hai máy phân tích phân cực. Mỗi bộ lọc phải mất 10 phần tỷ (10/1.000.000.000) của một giây để chuyển đổi giữa máy phân tích này sang máy phân tích khác, tức ít hơn khoảng 30 phần tỷ của một giây so với thời gian ánh sáng đi qua toàn bộ 13 meter chia tách mỗi cặp photon. Bằng cách này Aspect và các đồng nghiệp của ông đã có thể loại bỏ được mọi khả năng để các photon liên lạc với nhau thông qua bất kỳ quá trình vật lý đã biết nào.

Aspect và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng, đúng như lý thuyết lượng tử dự đoán, mỗi photon vẫn có thể giữ tương quan góc phân cực với photon sinh đôi của mình. Điều này có nghĩa rằng hoặc quy tắc cấm của Einstein đối với việc truyền thông tin nhanh hơn ánh sáng đã bị vi phạm, hoặc hai photon liên kết với nhau một cách không định xứ. Bởi vì hầu hết các nhà vật lý không thừa nhận trong vật lý có các quá trình diễn ra nhanh hơn ánh sáng, nên thí nghiệm của Aspect thường được xem là bằng chứng ảo chứng tỏ kết nối giữa hai photon là không định xứ. Hơn nữa, như nhà vật lý Paul Davis thuộc trường Đại học Newcastle upon Tyne ở Anh nhận xét, vì tất cả các hạt liên tục tương tác và tách rời, do đó “những khía cạnh không định xứ của các hệ lượng tử là một tính chất chung của tự nhiên”.
Những phát hiện của nhóm Aspect không chứng minh được rằng mô hình vũ trụ của Bohm là đúng, nhưng chúng đã mang lại cho nó một sự ủng hộ to lớn. Thật vậy, như đã đề cập, Bohm không tin rằng một lý thuyết nào đó lại tuyệt đối đúng, kể cả lý thuyết của ông. Mọi lý thuyết đều chỉ là tấm bản đồ hữu hạn, xấp xỉ gần với sự thật mà chúng ta sử dụng để cố gắng lập nên biểu đồ một lãnh thổ vừa vô hạn và vừa không phân chia được. Điều này không có nghĩa rằng ông cảm thấy lý thuyết của mình là không thể kiểm chứng. Ông tin tưởng rằng ở một thời điểm nào đó trong tương lai, sự phát triển của kỹ thuật sẽ cho phép kiểm tra được các ý tưởng này (khi Bohm bị chỉ trích về điểm này ông lưu ý rằng có một số lý thuyết trong vật lý, chẳng hạn như “lý thuyết siêu dây”, có thể sẽ không thể kiểm chứng được trong nhiều thập kỷ nữa).

PHẢN ỨNG CỦA CỘNG ĐỒNG VẬT LÝ

Hầu hết các nhà vật lý đều hoài nghi về các ý tưởng của Bohm. Ví dụ, nhà vật lý Lee Smolin, ở trường Đại học Yale, chỉ đơn giản là không thấy lý thuyết của Bohm “đủ sức thuyết phục về mặt vật lý”. Tuy nhiên, hầu hết đều bày tỏ sự tôn trọng đối với trí tuệ của Bohm. Ý kiến của nhà vật lý Abner Shimony ở Đại học Boston đại diện cho quan điểm này. “Tôi e rằng tôi không hiểu lý thuyết của ông ấy. Đó chắc chắn là một phép ẩn dụ và vấn đề là hiểu nó như thế nào. Tuy nhiên, ông ấy đã thực sự suy nghĩ rất sâu sắc về vấn đề này và tôi nghĩ rằng những vấn đề mà ông ấy đặt ra có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển sau này của vật lý học. Ông ấy quả là một người dũng cảm, táo bạo, và giàu trí tưởng tượng. ”
Mặc dù hoài nghi, cũng có những nhà vật lý thông cảm với những ý tưởng của Bohm, trong đó có những nhà bác học lớn, đáng kính như Roger Penrose ở Đại học Oxford, tác giả của lý thuyết hiện đại về lỗ đen; Bernard d’Espagnat của Đại học Paris, một trong những người có uy tín hàng đầu thế giới về những nền tảng khái niệm của lý thuyết lượng tử, và Brian Josephson thuộc Đại học Cambridge, người đã đoạt giải Nobel vật lý năm 1973. Josephson tin rằng trật tự ẩn giấu của Bohm thậm chí một ngày nào đó có thể đưa Chúa Trời hoặc Linh hồn gộp vào khuôn khổ của khoa học, một ý tưởng mà Josephson ủng hộ”.

PRIBRAM VÀ BOHM KẾT HỢP

Nếu xét lý thuyết của Bohm và Pribram cùng nhau sẽ đem đến cho chúng ta một quan điểm mới rất sâu sắc về thế giới: Toán học não bộ của chúng ta xây dựng nên thực tại khách quan bằng cách giải thích các tần số, là những phóng chiếu tối hậu từ một chiều kích khác, một trật tự sâu hơn của tồn tại nằm ngoài cả không gian và thời gian: Bộ não là một ảnh toàn ký được cuộn lại trong một vũ trụ toàn ảnh.
Đối với Pribram, sự tổng hợp này khiến ông nhận ra rằng thế giới khách quan không tồn tại, ít nhất là dưới dạng chúng ta đã quen thuộc. Cái mà “nằm ngoài kia” là một đại dương mênh mông các sóng và tần số, đồng thời thực tại trông có vẻ là hoàn toàn cụ thể đối với chúng ta chỉ bởi vì não của chúng ta có thể lấy vết mờ toàn ảnh này và chuyển đổi nó thành những cây gậy, những hòn đá và các vật quen thuộc khác tạo nên thế giới. Vậy thì làm thế nào mà bộ não (bản thân nó cũng bao gồm các tần số vật chất) lại có thể từ những cái không có bản chất vật chất, như vệt mờ của các tần số, tổng hợp thành một cái gì đó có vẻ rắn chắc khi chạm vào? Pribram khẳng định “loại quá trình toán học, mà Bekesy đã mô phỏng nhờ các máy rung của ông, là cơ sở để hiểu cách bộ não của chúng ta dựng nên hình ảnh của thế giới bên ngoài kia. Nói cách khác, sự trơn nhẵn của một mảnh gốm sứ và cảm giác về cát mịn ở bãi biển dưới chân chúng ta thực sự chỉ là phiên bản tinh vi phức tạp hơn của hội chứng chân tay ma mà thôi.

Theo Pribram thì điều này không có nghĩa là không tồn tại chiếc chén sứ và các hạt cát ở bãi biển. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là một chiếc chén sứ có hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau đối với thực tại của nó. Khi được lọc qua thấu kính của não chúng ta nó thể hiện như là một chiếc chén. Nhưng nếu có thể bỏ thấu kính này đi, thì chúng ta sẽ cảm nhận nó như một ảnh giao thoa. Cái nào trong hai thứ đó là thực và cái nào là ảo giác đây? Pribram nói, “đối với tôi cả hai đều là thực, hoặc nếu bạn muốn, thì chẳng có cái nào là thực cả”.
Hiện trạng này không chỉ giới hạn ở chiếc chén sứ. Bản thân chúng ta cũng có hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau đối với thực tại của chính mình. Hoặc chúng ta có thể xem mình là thực thể vật chất di chuyển trong không gian, hoặc có thể xem mình là một vệt mờ của ảnh giao thoa được cuộn vào trong khắp bức toàn ảnh vũ trụ. Bohm tin quan điểm thứ hai này thậm chí có thể là chính xác hơn, vì coi bản thân chúng ta như một trí óc/bộ não toàn ảnh đang nhìn vào một vũ trụ toàn ảnh lại là một sự trừu tượng hóa, một nỗ lực để tách hai thứ ra mà rốt cuộc không thể nào tách ra được.

Đừng cảm thấy bối rối nếu khó nắm bắt được điều này. Hiểu được ý tưởng về tính chỉnh thể trong một cái gì đó ở bên ngoài đối với chúng ta, giống như một quả táo trong một bức toàn ảnh, là chuyện tương đối dễ dàng. Trường hợp khó hiểu hơn nhiều là chính chúng ta, khi chúng ta không nhìn vào bức toàn ảnh mà chúng ta lại là một phần của bức ảnh ấy.
Khó hiểu cũng là một dấu hiệu khác về việc Bohm và Pribram đang cố gắng xem xét lại một cách triệt để lối tư duy của chúng ta như thế nào. Nhưng nó không phải là sự xem xét lại một cách triệt để duy nhất. Khẳng định của Pribram nói rằng não của chúng ta dựng nên các đối tượng sẽ trở nên mờ nhạt khi đặt bên cạnh một trong các kết luận khác của Bohm rằng: chúng ta thậm chí còn dựng nên cả không gian và thời gian. Ý nghĩa của quan điểm này chỉ là một trong các chủ đề sẽ được xem xét khi chúng ta khám phá ảnh hưởng của các ý tưởng của Bohm và Pribram đối với công trình của các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực khác.

🍂🍀🌼🍂🍀
Trích “Vũ Trụ Toàn Ảnh”- Tác giả: Michael Talbot
Dịch giả: Phạm Văn Thiều – Nguyễn Đình Điện, NXB Trẻ, Năm 2018

Post: Thường An

SHARE: