THỰC TƯỚNG KIM CƯƠNG

SHARE:

Nhân kỷ niệm 716 năm ngày nhập diệt 1/11 của Đức vua – Thiền sư Trần Nhân Tông.

Trong Hội thứ Hai, Cư Trần Lạc Đạo Phú của Đức vua – Thiền sư Trần Nhân Tông có đoạn sau đây:
Dứt trừ nhân ngã,
Thì ra thực tướng kim cương.
Dừng hết tham sân,
Mới lảu (rõ) lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch,
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương,
Di Đà là tính sáng soi,
Mựa (nào) phải nhọc tìm về Cực lạc.

*
“Dứt trừ nhân ngã, thì ra thực tướng kim cương”.
Nhân ngã là ta và người, là sự tách biệt truyền kiếp khó có thể hàn gắn của con người. Không những ta và người, mà còn ta với sự vật, ta và thiên nhiên, ta và thế giới. Sự phân biệt và tách biệt này khiến thực tại như xưa nay vẫn thế trở thành một thế giới phân mảnh, xa cách nhau, chống trái nhau.
Tất cả những phương pháp thực hành của đạo Phật nhằm xóa bỏ sự phân cách giả tạo này, bởi vì nói theo hệ thống Bát nhã, thực tại là không có ngã tách biệt với các pháp (vô ngã và vô pháp). Những phương pháp thì có nhiều: trí huệ vô phân biệt, từ bi vô lượng, hạnh nguyện vô ngã, sáu ba la mật…
Cho nên khi xóa bỏ sự phân biệt giả tạo, cái ảo tưởng tách rời này, thế giới trở lại nguyên hình là “thực tướng kim cương”. Thực tướng của thế giới chính là pháp giới kim cương.

Chữ “thì ra” nghe ra giống như chữ “nào ngờ” được lập lại năm lần của Lục Tổ Huệ Năng trong bài kệ ngộ đạo:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.
Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt.
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ.
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay.
Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.
Phật pháp vốn chỉ một vị vậy.

*
“Dừng hết tham sân, mới lảu (rõ) lòng mầu viên giác”.
Phân biệt, tách biệt, ta – người dần dần thành tham, sân. Vọng tưởng tách biệt dần dần thành thô nặng, tạo ra thương ghét, lấy bỏ, tranh chấp, hơn thua…
Hết tham sân, phiền não thì thế giới hỗn loạn trở lại thành thực tại “lòng mầu viên giác”. Đây là pháp giới xưa nay thanh tịnh, vì không có tham sân làm nhiễm ô.

*
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương”.
Tây phương là cõi trong sạch, không có những phiền não thô nặng. Cõi trong sạch ấy có thể chứng được khi tâm trong sạch. Kinh Duy Ma Cật nói: “Tùy tâm mình trong sạch, tức cõi này trở thành cõi Phật trong sạch”.
Ngài Trần Nhân Tông cũng như Lục Tổ, không nói rằng không có cõi trong sạch (Tịnh độ) ở Tây phương, như nhiều người không hiểu nên lầm tưởng. Hai ngài chỉ nói cõi trong sạch có thể chứng nghiệm ngay ở cõi này, tùy tâm mình trong sạch đến đâu thì sự trong sạch vốn có của cõi này hiện ra đến đó.

*
“Di Đà là tính sáng soi, mựa (nào) phải nhọc tìm về Cực lạc”.
Phật A Di Đà là Phật Vô Lượng Quang. Ánh sáng vô lượng này vốn có trong mỗi người, nếu không có nó thì không bao giờ có thể thành Bồ tát, thành Phật được. Ngay cả về Tịnh độ Tây phương trong “Chín phẩm Hoa Sen” cũng phải tiếp tục thực hành để “Di Đà là tính sáng soi” này trở thành tròn đầy viên mãn.

Cho nên nếu người nào tìm thấy tính sáng soi này, rồi khai triển, mở sâu rộng đến viên mãn, thì có thể thực hành có kết quả Phật đạo ở cõi Ta Bà, tức cõi Kham Nhẫn này.
*
Đoạn bài phú ở trên cho chúng ta biết rằng bản tâm mỗi người vốn là “lòng mầu viên giác”, “lòng trong sạch”, thế giới này vốn là “thực tướng kim cương”. Nhưng chỉ vì không biết, khởi lên phân biệt, chia cách và đủ thứ phiền não theo đó mà sanh nên tạm thời bị che lấp. Dầu bị che lấp nhưng lòng mầu, thực tướng chưa bao giờ hư hỏng, mất mát.
Nếu biết thực hành xóa đi phân biệt, chia cách và các thứ tham sân… thì lòng mầu, thực tướng lại hiện tiền.
——-☀️☀️☀️——-

THỰC TƯỚNG KIM CƯƠNG
Nguyễn Thế Đăng

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: