BẠN CẢM THẤY THẾ NÀO, TỐT HAY XẤU?

SHARE:


Và như vậy, khi bạn nói “Mình muốn một chiếc xe mới màu đỏ, và mình biết là mình sẽ có nó” thì chiếc xe sẽ đến với bạn. Nhưng khi bạn nói “Nhưng nó ở đâu? Tôi muốn có nó từ rất lâu rồi. Tôi tin Abraham nhưng những thứ tôi mong muốn vẫn không đến với tôi” thì bạn lại không tập trung vào cái bạn mong muốn. Lúc này bạn lại tập trung vào sự thiếu vắng cái mà bạn mong muốn và thông qua Luật hấp dẫn, bạn lại nhận được cái mà bạn tập trung vào.
Nếu bạn tập trung vào bất kỳ thứ gì bạn mong muốn, bạn sẽ thu hút bất kỳ thứ gì mà bạn mong muốn. Nếu bạn tập trung vào sự thiếu vắng bất kỳ thứ gì bạn mong muốn, bạn sẽ thu hút thêm sự thiếu vắng đó. (Mỗi một đối tượng thực ra lại là hai đối tượng: thứ bạn mong muốn và sự thiếu vắng thứ mà bạn mong muốn.) Nếu bạn chú ý tới cách bạn cảm nhận, bạn sẽ luôn biết bạn đang tập trung vào thứ bạn mong muốn bay sự thiếu vắng thứ bạn mong muốn, vì khi bạn nghĩ về thứ bạn mong muốn, bạn cảm thấy dễ chịu, và khi bạn nghĩ tới sự thiếu vắng thứ bạn mong muốn, bạn cảm thấy khó chịu.
Khi bạn nói: “Tôi muốn có tiền để sống theo cách của mình,” bạn sẽ thu hút tiền đến với mình, nhưng khi bạn tập trung vào những thứ bạn muốn mà bạn không có, và bạn nhận thấy sự thiếu vắng đó, bạn đẩy sự dư dả xa khỏi bạn.

MỘT BÀI TẬP TRỢ GIÚP QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO CÓ CHỦ Ý

Đây là một bài tập giúp bạn trong quá trình sáng tạo có chủ ý:
Hãy lấy ba tờ giấy, trên đầu mỗi trang giấy hãy viết một điều mà bạn mong muốn. Bây giờ lấy trang đầu tiên, ở dưới chủ đề mà bạn vừa viết, hãy viết: “Đây là lý do khiến mình muốn điều đó…” Hãy viết bất kỳ điều gì xuất hiện trong đầu – viết bất kỳ những gì tuôn trào ra một cách tự nhiên; đừng cố gắng nặn ra. Và khi không còn gì tuôn trào nữa thị tạm coi như xong.
Rồi bạn hãy quay mặt sau của tờ giấy lại và viết vào đầu trang ở mặt sau đó: “Đây là những lý do khiến mình tin rằng mình sẽ có được điều đó.”
Mặt đầu tiên của trang giấy củng cố điều bạn mong muốn (vế đầu của phương trình Sáng tạo có chủ ý). Mặt thứ hai của trang giấy củng cố niềm tin rằng bạn sẽ có được điều đó (vế thứ hai của phương trình Sáng tạo có chủ ý). Và khi bạn đã tập trung và kích hoạt sự rung động của cả hai vế phương trình, bạn ở trong trạng thái tiếp nhận sự hiển thị mong muốn của bạn, vì bạn đã hoàn thành cả hai vế của quá trình sáng tạo. Tất cả việc cần làm bây giờ chỉ là mong muốn điều đó, và tiếp tục kỳ vọng cho tới khi có được nó, và nó sẽ là của bạn.
Không hề có giới hạn cho số lượng những thứ mà bạn có thể sáng tạo đồng thời, vì không khó để nắm giữ một ham muốn và cùng lúc nắm giữ kỳ vọng đạt được ham muốn đó. Nhưng lúc đầu, khi bạn vẫn đang học cách tập trung ý nghĩ thì việc tập trung một cách có chủ ý vào chỉ hai hoặc ba mong muốn một lúc có lẽ tốt hơn, vì danh sách những điều mong muốn càng dài thì sự nghi ngờ sẽ hằn sâu thêm khi bạn nhìn vào tất cả những điều bạn không đạt được. Càng chơi trò chơi nhiều hơn bạn sẽ càng tập trung ý nghĩ tốt hơn và cuối cùng thì chẳng có lý do gì để hạn chế danh sách những điều mong muốn của bạn theo bất cứ hình thức nào.

Trước khi có thể trải nghiệm điều gì đó trong cuộc sống vật chất của bạn, bạn phải nghĩ tới nó trước đã. Ý nghĩ của bạn là lời mời gọi, và thiếu nó thì điều bạn mong muốn sẽ không thể đến được. Chúng tôi khuyến khích bạn quyết định một cách có chủ ý về điều bạn mong muốn, rồi sau đó nghĩ tới điều đó một cách có chủ ý, đồng thời cố tình không nghĩ tới những điều không mong muốn. Chúng tôi cũng khuyến khích các bạn bỏ ra một khoảng thời gian mỗi ngày để ngồi và chủ ý gom ý nghĩ của mình lại thành một dạng hình ảnh (vision) của điều mà bạn muốn trải nghiệm trong cuộc sống của mình, và chúng tôi gọi khoảng thời gian này là Xưởng sáng tạo có chủ ý.
Khi bạn dịch chuyển trong trải nghiệm sống hằng ngày, hãy định sẵn là bạn sẽ nhận ra những điều bạn thích: Hôm nay, dù tôi làm gì, làm việc đó với ai, chủ định lớn nhất của tôi là chỉ kiếm tìm những điều mình thích. Và khi bạn thu thập những thông tin như thế một cách có chủ ý, bạn sẽ có được nguồn lực để sáng tạo hiệu quả khi bạn tới Xưởng sáng tạo của mình.
Những ý nghĩ gây cảm xúc mạnh sẽ biểu lộ nhanh chóng
Chúng tôi đã nói với các bạn rằng ý nghĩ của các bạn có tính nam châm. Nhưng chúng tôi cũng muốn làm rõ hơn ở đây: Mặc dù mỗi ý nghĩ đều có tiềm năng sáng tạo, nhưng những ý nghĩ nào không gây ra cảm xúc mạnh sẽ không thể mang đối tượng mà bạn đang nghĩ đến với trải nghiệm của bạn một cách nhanh chóng. Ngược lại, những ý nghĩ làm bạn có cảm xúc mạnh – dù là tích cực hay tiêu cực – sẽ nhanh chóng biểu lộ bản chất ở trải nghiệm vật chất của bạn. Và cảm xúc mà bạn cảm nhận là sự giao tiếp giữa bạn với Nội thể, khiến bạn biết được mình đang tiếp cận sức mạnh của Vũ trụ.
Nếu bạn đi xem phim kinh dị, và ngồi trong rạp cùng một người bạn, nhìn lên màn ảnh và dõi theo mọi chi tiết gây kinh sợ được trình chiếu cùng với màu sắc và âm thanh, lúc đó bạn đang ở trong Xưởng tiêu cực. Vì khi bạn hình dung tất cả những thứ mình không muốn thấy, cảm xúc mà bạn cảm nhận thấy là cái Nội thể đang nói với bạn, Bạn đang thấy một điều gì đó sống động đến mức mà Vũ trụ truyền sức mạnh cho nó.

Nhưng khi rời rạp chiếu phim, rất may là bạn sẽ nói “Đó chỉ là phim thôi mà”, cho nên bạn sẽ không trông đợi điều đó xảy ra. Bạn không tin là điều đó sẽ xảy đến với bạn, cho nên bạn không hoàn thành về thứ hai của phương trình. Bạn nghĩ tới điều đó với cảm xúc, cho nên bạn sáng tạo nên nó, nhưng bạn không cho phép nó xảy đến với trải nghiệm của mình vì bạn không thực sự trông đợi nó. Tuy nhiên, nếu khi ra khỏi rạp, người bạn của bạn nói với bạn rằng “Đó có thể chỉ là phim, nhưng đã có lần xảy ra với tôi rồi” thì bạn có thể suy xét ý nghĩ đó, và khi làm như thế, bạn có thể tự đưa mình đến chỗ tin hay trông đợi rằng điều đó cũng xảy đến với mình – và rồi nó sẽ xảy đến. Một mặt là nghĩ, và mặt khác là trông đợi hay tin tưởng, chính sự cân bằng giữa hai điều đó mang đến cho bạn thứ mà bạn nhận được.
Nếu bạn mong muốn và trông đợi điều đó thì điều đó sẽ sớm xảy ra với bạn. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng đạt được sự cân bằng, tức là lúc mong muốn và trông đợi là ngang bằng nhau. Đôi khi mong muốn của bạn rất mạnh, nhưng bạn lại hoàn toàn không có niềm tin. Chẳng hạn như trong câu chuyện người mẹ có đứa con bị mắc kẹt dưới chiếc xe hơi, bà ta không tin là mình có thể nâng chiếc xe nặng ra khỏi đứa con của mình, nhưng nỗi mong muốn mạnh đến mức bà ta có thể làm được việc đó. Mặt khác, có nhiều trường hợp khi niềm tin của bạn rất mạnh, nhưng bạn lại không có mong muốn. Sự sáng tạo nên bệnh tật, chẳng hạn như bệnh ung thư, là loại ví dụ mà khi niềm tin thì rất mạnh nhưng mong muốn thì lại không như thế.
Nhiều người trong các bạn nhiều lần trong một ngày tự thấy mình ở trong cái mà chúng tôi gọi là Xưởng tiêu cực. Khi ngồi bên bàn cùng với một tập hóa đơn, cảm thấy căng thẳng, thậm chí là sợ hãi vì không có đủ tiền để thanh toán, lúc đó bạn đang ở trong Xưởng tiêu cực. Vì khi bạn ngồi đó với ý nghĩ không có đủ tiền, bạn đang ở trong trạng thái hoàn hảo để tạo nên thêm những điều bạn không mong muốn. Cách bạn cảm nhận về điều đó là dấu hiệu từ Nội thể của bạn nói với bạn rằng điều mà bạn đang nghĩ không hài hòa với cái mà bạn mong muốn.

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO CÓ CHỦ Ý

Bây giờ chúng ta hãy cùng tóm tắt tất cả những điều đã nói ở đây để các bạn có thể có kế hoạch rõ ràng và dứt khoát nhằm kiểm soát có chủ ý trải nghiệm sống của mình: thứ nhất, thừa nhận rằng bạn là những gì hơn cả bạn trong cơ thể vật chất này, và có một phần khác rộng lớn hơn, sáng suốt hơn, chắc chắn là già dặn hơn trong con người bạn, ghi nhớ tất cả những gì bạn đã sống qua, và quan trọng hơn, biết bạn bây giờ như thế nào. Và từ chiều kích bao quát đó, phần khác đó của con người bạn có thể cho bạn thông tin rõ ràng và đầy đủ về sự phù hợp của những gì bạn đang làm, đang nói, đang nghĩ, hoặc của những gì bạn chuẩn bị làm hay chuẩn bị nói.
Bây giờ nếu bạn vạch rõ ý định của bạn vào lúc này, Hệ dẫn dắt của bạn thậm chí còn hoạt động hiệu quả hơn, vì nó có khả năng bao hàm tất cả các dữ liệu, tập hợp từ mọi trải nghiệm của bạn (mọi mong muốn, dự định, niềm tin của bạn), và so sánh dữ liệu đó với thứ mà bạn đang làm hoặc chuẩn bị làm, nhằm cung cấp cho bạn những chỉ dẫn đầy đủ tuyệt đối.
Sau đó, khi bạn di chuyển trong ngày, hãy nhạy bén với cách mà bạn cảm nhận. Và cứ khi nào bạn thấy mình có cảm xúc tiêu cực, hãy dừng bất kỳ việc gì đang làm khiển bạn có cảm xúc đó, vì cảm xúc tiêu cực có nghĩa là trong thời điểm đó, bạn đang sáng tạo một cách tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực tồn tại chỉ khi bạn sáng tạo lầm. Và như thế, khi bạn thừa nhận rằng bạn đang có cảm xúc tiêu cực, không quan trọng là vì sao, bạn đã có cảm xúc đó theo cách nào, không quan trọng tình thế ra sao, hãy dừng bất kỳ việc gì bạn đang làm và tập trung ý nghĩ về điều gì đó làm bạn thấy dễ chịu hơn.
Hãy thực hành Quá trình sáng tạo có chủ ý chừng 15 đến 20 phút mỗi ngày bằng cách ngồi im lặng, không bị quấy rầy hay phân tâm bởi những gì xung quanh, mơ ngay giữa ban ngày về cuộc sống của bạn, nhìn thấy bạn như chính bạn muốn, và bao quanh bạn là những thứ làm bạn dễ chịu.

Trích: LUẬT HẤP DẪN – NHỮNG BÀI GIẢNG CƠ BẢN CỦA ABRAHAM
Đức Tĩnh dịch – NXB Thế Giới

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: