SHARE:
Vật lý học hiện đại đã phát hiện một thế giới không phải được làm bằng những hạt cơ bản mà bằng những ý tưởng, những hình tướng, những đối xứng cơ bản. Nhiều thuộc tính trước kia được nối kết với “vật chất” không còn áp dụng được cho những hạt của nguyên tử, gợi ý cho các nhà khoa học rằng thế giới thì căn bản giống với tâm thức hơn cái mà chúng ta thường nghĩ là vật chất. Thật vậy, rất nhiều ý niệm cảm tính thông thường đã hóa ra sai lầm đến độ ngày nay những nhà vật lý thấy thế giới bên ngoài là một xây dựng của tâm thức – và nó đôi khi có thể bị lạc đường.
Thế giới của vật lý học mới mang những tương tự đáng ngạc nhiên với thế giới của đạo học phương Đông, nó được nói là gồm bởi tên gọi (danh) và hình tướng (sắc).
Mọi sự vốn là những hình tướng hay ý tưởng do việc gọi tên tạo ra, một tiến trình vô thức theo thói quen thường thì xảy ra ngoài tỉnh giác của chúng ta. Thật vậy, chính sự vắng mặt này của tỉnh giác đã dẫn chúng ta đến chỗ tin thế giới có thực tại riêng của nó độc lập với tâm. Như cái thấy sai lầm của vật lý học cổ điển, sự mê lầm này làm chúng ta mù đi trước bản tánh chân thật của sự vật.
Những khái niệm vật lý là những sáng tạo tự do của tâm thức con người và chúng không phải, dù có vẻ thế, được quy định duy nhất bởi thế giới bên ngoài.
ALBERT EINSTEIN
****
Tất cả những ý niệm như nguyên nhân và hậu quả, sự tiếp nối, những vi trần, những nguyên tố cơ bản … đều là những điều không có thật của sự tưởng tượng và là những biểu lộ của tâm.
ĐỨC PHẬT
****
Ngoại trừ những cảm giác trực tiếp và tổng quát hơn, nội dung của ý thức tôi, thì mọi sự là một sự xây dựng … nhưng một số xây dựng là gần hơn, một số xa hơn, từ những cảm giác trực tiếp.
EUGENE P. WIGNER
****
Ngoại trừ cái Tuyệt Đối, không có cái gì khác biệt nhau theo tên gọi và hình tướng, bởi vì mọi biến đổi (thành khác) chỉ là những biểu lộ của tên gọi và hình tướng.
SHANKARA
****
Những đơn vị nhỏ nhất của vật chất thật ra không phải là những đối tượng trong nghĩa thông thường của từ ngữ đó; chúng là những hình tướng bề ngoài.
WERNER HEISENBERG
****
Mọi vật – từ Brahma đấng sáng tạo cho đến một lá cỏ – đều là những tên gọi và những hình tướng có vẻ khác nhau của một Atman duy nhất.
SHANKARA
****
Vũ trụ có thể được phác họa một cách tốt nhất … như làm bằng tư tưởng thuần túy.
SIR JAMES JEANS
****
Thật ra, cái được gọi là thế giới thì chỉ là một tư tưởng.
SRI RAMANA MAHARSHI
****
Khoa học là sự cố gắng thử làm cho sự đa thù hỗn độn của kinh nghiệm giác quan của chúng ta quy về một hệ thống tư tưởng đồng dạng theo lý luận … Những kinh nghiệm giác quan là dữ kiện được cho. Nhưng lý thuyết sẽ giải thích chúng là do con người làm ra. Nó là … giả thiết, không bao giờ hoàn toàn là dứt khoát cuối cùng, luôn luôn tùy thuộc theo câu hỏi và nghi ngờ.
ALBERT EINSTEIN
****
Khái niệm về vật chất hay đối tượng vật chất chỉ sanh khởi trong một tâm thức tìm cách phối hợp và giải thích … Những đối tượng bên ngoài của thức chúng ta, bao gồm cái chúng ta gọi là “vật chất” và chúng tạo thành thế giới bên ngoài có vẻ cứng đặc và cụ thể, thì chỉ thật trong một nghĩa tương đối.
LAMA ANAGARIKA GOVINDA
****
Tôi không nghĩ rằng cảm giác, như chúng ta biết, có thể hiện hữu mà không có một hoạt động của tâm; tâm này tập trung, so sánh và phân biệt. Cái chúng ta gọi là một cảm giác không bao giờ có thể thuần túy là giác quan … Dữ kiện nguyên sơ nhất chúng ta có thể đạt đến sẽ không hoàn toàn độc lập với những hình thức nguyên sơ của tư tưởng.
SIR ARTHUR EDDINGTON
****
Khi chúng ta thấy một cái cây và gọi nó là một cái cây, chúng ta nghĩ kinh nghiệm giác quan này là tối hậu; nhưng trên thực tế kinh nghiệm giác quan này chỉ có thể khi nó được khái niệm hóa. Một cái cây không là một cái cây cho đến bao giờ nó được xếp vào khái niệm “cái cây”. Chân Như là cái ở trước sự tạo thành khái niệm này; nó ở đó thậm chí trước khi chúng ta nói nó có hay không có.
D.T SUZUKI
****
Mỗi sự đo lường trước hết có được nghĩa của nó đối với khoa học vật lý là do ý nghĩa mà một lý thuyết đã cho nó.
MAX PLANCK
****
Mỗi đối tượng hiện hữu là một sản phẩm của cái gì được gán cho một cái tên và cái gì khác cho nó một cái tên. Không có dù chỉ một nguyên tử của bất cứ cái gì trong vũ trụ mà không dựa vào tiến trình này – không có cái gì hiện hữu tự nó cả.
PABONGKA RINPOCHE
****
Ngay cả những học giả có tinh thần mạo hiểm và tinh tế vẫn có thể bị trở ngại trong sự giải thích những sự kiện bằng thành kiến triết học. Thành kiến … nằm trong niềm tin rằng những sự kiện tự chúng có thể và cần phải mang lại hiểu biết khoa học mà không cần có sự xây dựng tự do những khái niệm. Một quan niệm sai như vậy chỉ có thể bởi vì người ta không dễ dàng ý thức được sự lựa chọn tự do những khái niệm như thế, chúng có vẻ trực tiếp nối kết với sự việc thực nghiệm qua sự xác chứng và sử dụng lâu dài.
ALBERT EINSTEIN
****
Rắc rối chủ yếu của tâm thức con người là trong khi nó có khả năng sáng tạo ra những khái niệm để giải thích thực tại thì nó giả thuyết chúng và đối xử với chúng như là những sự vật thật. Không chỉ có thế, tâm thức nhìn những quan niệm tự tạo của nó như những định luật bên ngoài áp đặt lên thực tại, và thực tại phải tuân theo chúng để tự khai mở chính nó. Thái độ hay giả định này do trí năng thực hiện giúp cho tâm thức xếp đặt thiên nhiên cho những mục tiêu riêng của nó, nhưng tâm thức hoàn toàn không biết đến những vận hành bên trong của đời sống và do đó không thể hiểu nó một cách rốt ráo.
D.T SUZUKI
****
Nếu vũ trụ là một vũ trụ của tư tưởng, bấy giờ sự sáng tạo của nó phải là một hành vi của tư tưởng.
SIR JAMES JEANS
****
Toàn thể vũ trụ và mỗi sự vật trong đó đều được định danh theo khái niệm. Những kinh điển nói rằng tất cả những hiện tượng này đều được định danh bởi tư tưởng.
GEN LAMRIMPA
****
“Cái đang là” luôn luôn là cái gì được chúng ta chế tạo ra bằng tâm thức, nghĩa là cái gì chúng ta ấn định một cách tự do (trong chiều hướng luận lý). Sự biện minh cho những chế tạo như vậy, chúng tiêu biểu, đại diện cho “thực tại” đối với chúng ta, chỉ duy nhất nằm trong tính chất làm cho có thể hiểu được cái được những giác quan đưa đến.
ALBERT EINSTEIN
****
Riêng sự kiện cái gì được định danh theo khái niệm thì không nhất thiết chỉ ra rằng nó hiện hữu … Nói cách khác, nếu cho rằng cái gì đó hiện hữu vì nó được định danh theo khái niệm, bấy giờ cái gì đến với tâm đều hiện hữu cả.
GEN LAMRIMPA
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS