CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

SHARE:

Tất cả mọi loài sống là để đi tìm hạnh phúc. Bản năng gốc của mọi loài là tìm kiếm hạnh phúc. Chó mèo vào mùa nóng tìm chỗ ấm ướt mà nằm, mùa lạnh kiếm chỗ ấm mà ngủ. Cây lá hướng về phía Đông nơi ấm áp phía mặt trời để phát triển, nở hoa. Con người chỉ muốn đến với những người thương mến mình và tránh mặt những người giận ghét mình.

Trong tất cả mọi loài, kể cả loài trời (chư thiên), con người là loài có khả năng cao nhất để tìm ra hạnh phúc tối cao. Thế nhưng, cũng chính con người gây khổ cho đồng loại và các loài khác nhiều nhất, cũng vì chính những khả năng đó được sử dụng theo chiều hướng sai lầm.

Theo đạo Phật, công cuộc tìm kiếm hạnh phúc thật đơn giản nhưng đầy khó khăn, vì người ta thường hay lầm tưởng: cái nguyên nhân gây ra khổ đau thì lầm tưởng đó là hạnh phúc. Con đường đi đến hạnh phúc, con đường ấy, hoàn hảo từ lúc đầu, hoàn hảo ở chặng giữa, và hoàn hảo ở chặng cuối cùng, được tóm tắt trong bài kệ truyền đời từ những bậc giác ngộ xa xưa trong khuất mù của lịch sử nhân loại, được Đức Phật Thích-ca nói lại:

Các xấu ác chớ làm

Tốt thiện hãy vui làm

Tự thanh tịnh tâm ý

Là lời chư Phật nói.

  1. Các xấu ác chớ làm

Làm điều xấu ác thì có ngay khổ đau, vì tạo nhân khổ đau cho chính mình và cho người thì phải chịu quả khổ đau.

Ngay khi làm một điều xấu ác, ngay nơi tâm mình đã cảm thấy bất an, khó chịu. Như khi muốn làm hại ai thì tâm mình đã có những ý nghĩ độc hại làm ô nhiễm tâm mình trước. Ngay khi muốn người nào mất bình an, tâm mình đã mất bình an trước.

Ngay khi gieo một nhân xấu ác người ta đã khổ đau. Người ta khổ đau ngay khi có nhân của khổ đau, chứ không đợi nhân ấy kết thành quả.

Rất nhiều người khi ra trước tòa án thì bật khóc. Khóc vì hối hận khi nghe kể lại hành động xấu ác của mình, khi phải đối diện với gia đình nạn nhân. Thật ra, nước mắt đã tượng hình khi làm việc xấu ác, sự hối hận đã hình thành ngay khi làm việc xấu ác. Chỉ có điều tâm trí họ không đủ sáng, đủ thức tỉnh để nhận thấy điều đó mà thôi.

Nói chung tại sao con người buồn? Một cách vi tế, con người buồn vì những điều xấu ác tích tập trong tâm ý mình. Con người buồn vì những tội lỗi của mình. Còn đâu sự rạng rỡ, trong sáng, tươi vui của thời bé thơ ? Xa hơn nữa, theo Kinh Khởi thế nhân bổn, còn đâu sự “nuôi sống bằng hoan hỷ, tự có ánh sáng, bay trên không gian, sống trong quang minh” của loài người khi mới từ vừa cõi Quan Âm thiên xuống trái đất này? Ngược lại, những người đi trên con đường tịnh hóa, mà rõ nhất là những vị Tăng Ni, đều hoan hỷ, sáng láng vì các vị đã và đang thải bỏ những tội lỗi, những điều xấu ác của kiếp người.

Trong đời sống thường ngày, nếu chúng ta làm điều xấu ác thì bị người khác trách móc và khinh ghét. Sở dĩ như thế vì ta đã ngược lại với bản tính và khuynh hướng của con người. Bản tính con người là hướng đến cái tốt lành, cái thiện, cái đẹp và chân lý. Dầu có thể chúng ta không thực hiện được phần lớn sự lành thiện trong đời mình, nhưng người nào cũng không có thiện cảm với điều xấu ác.

Nếu làm điều xấu ác, dù không phạm đến pháp luật, chúng ta cũng tự loại mình ra khỏi xã hội. Bởi vì xã hội, dù một cách vô thức, luôn luôn hướng đến Chân Thiện Mỹ.

Khuynh hướng về điều thiện khiến con người trừng phạt sự xấu ác và tán dương sự hiền thiện. Thế nên xã hội đã lập ra những hình phạt để trừng phạt những người tạo ra sự xấu ác cho mình và cho người, khiến xã hội mất cân bằng trật tự.

Pháp luật là sự mong muốn thể hiện công bằng theo định luật nhân quả. Dù nó là nhân tạo nhưng cái nhân tạo đó y theo định luật nhân quả mà con người cảm thấy tất yếu phải có.

Định luật nhân quả là một định luật ảnh hưởng chi phối thân tâm cá nhân, và của mọi cá nhân, tức là xã hội. Theo khoa học, ở cấp độ thô cũng như cấp độ tế, không có cái gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Phật giáo cũng nói như thế nhưng còn ở cấp độ cao hơn nữa là cấp độ tâm thức. Tâm thức là thực thể mà hiện giờ và có lẽ mai sau khoa học không thể dò tìm tới. Phật giáo nói rằng không có cái gì xảy ra cho thân tâm mà không có nguyên nhân.

Đọc kinh Bổn sanh (Jataka), chúng ta sẽ thấy những nguyên nhân tại sao có điều này điều kia trong cuộc đời Đức Phật và những người xung quanh như thế nào.

Không có định luật nhân quả thì không có loài người (chánh báo) và thế giới này (y báo), và cũng không có sự cân bằng và công bình cho thế giới này. Nhân quả là sự công bình tuyệt đối. Điều này pháp luật do con người đặt ra cũng không đem lại sự công bình chính xác được. Chẳng hạn, một người giết một người và một người giết mười người đều bị tử hình như nhau. Chẳng lẽ hai tội nặng nhẹ khác nhau đều có chung một kết quả tử hình như nhau. Thế thì, quả nào mà xã hội không thể bắt người ấy trả hết, định luật nhân quả sẽ bắt người ấy trả hết. Chẳng hạn, người thứ nhất nếu bị đọa vào những cảnh giới thấp một kiếp, thì người sau phải gần mười kiếp.

Nhân quả với người thường như chúng ta thì chỉ có tin và làm theo. Sáng suốt hơn, chúng ta sẽ dần dần nhận ra một số kết quả xảy ra trong đời chúng ta là do nguyên nhân nào. Đến mức hoàn hảo, chỉ có bậc giác ngộ hoàn toàn như Đức Phật mới “biết nghiệp báo nhân quả của ba đời tất cả chúng sinh” (Tri tam thế nghiệp báo trí lực, một trong Mười Lực của một vị Phật).

Ở cấp độ con người, vì nhân quả phát khởi từ tâm ý, nên sự sám hối, hối hận lỗi lầm, và những việc làm thiện lành, sẽ làm giảm nhẹ những nhân quả xấu, thậm chí tẩy sạch chúng.

  1. Tốt thiện hãy vui làm

Nếu những nguyên nhân tiêu cực, xấu ác tất yếu sẽ đem lại những hậu quả tiêu cực, xấu ác; thì ngược lại, những nguyên nhân tích cực, thiện lành sẽ đem lại những hậu quả tích cực, thiện lành.

Ngay khi làm điều thiện lành, tâm ý người ta an vui. Một việc thiện được làm qua ba thành phần thân khẩu ý của con người, cái nhân thiện ấy sẽ đem lại kết quả tốt lành cho người làm, dù kết quả ấy xảy ra bao giờ, chúng ta không biết rõ. Như thế, cuộc đời chúng ta là do chúng ta quyết định. Nếu cuộc đời này là sự tích tập những nhân thiện, thân tâm chứa những nhân thiện ấy thì chúng sẽ kết thành quả nơi chính thân tâm đó.

Trong đời sống bình thường, người làm thiện lành thì được mọi người quý mên, xã hội tôn vinh. Sống trong một môi trường có nhiều người quý mến ủng hộ thì đó là một môi trường hạnh phúc. Sự làm điều tốt lành của chúng ta lại có ảnh hưởng đến người khác, có người bắt chước làm theo, thì một nhân tốt không chỉ cho ra một quả tốt, mà nhiều quả tốt.

Với xã hội, thay vì làm điều xấu ác sẽ bị trừng trị, người làm điều tốt thiện được xã hội tôn trọng, tưởng thưởng.

Sự tưởng thưởng này vẫn xảy ra trên bình diện vật chất: Người chăm chỉ, tiết kiệm, có lương tâm, có sáng kiến cống hiến thì sẽ được trả lương cao. Người không nói dối thì được người khác tin cẩn. Người phạm vào năm giới thì có khi bị cho nghỉ việc.

Ngay cả những điều trên không xảy ra, vì việc làm thiện của mình không ai biết, thì vẫn còn đó luật nhân quả. Chẳng có một việc thiện nào, dầu nhỏ đến đâu, mà không sanh ra quả tương ứng.

Chính nhờ định luật nhân quả mà càng ngày chúng ta càng thêm giàu có phước đức, nghĩa là giàu có hạnh phúc. Chúng ta thấy những vị Bồ-tát trong kinh điển, thân tướng đẹp đẽ, sáng láng, danh tiếng vang khắp, địa vị tôn quý trong xã hội, có uy tín, nói được nhiều người nghe, có oai đức, làm gì cũng thành công… đó là sự tích tập gốc thiện (thiện căn) trong nhiều đời, mà gom lại là tích tập phước và tích tập trí huệ.

Không làm điều xấu ác, đó là chúng ta không tạo cho mình những nguyên nhân của khổ đau. Vui làm điều tốt thiện, đó là chúng ta tạo cho mình những nguyên nhân của hạnh phúc. Nếu cuộc sống là sự gieo trồng những nguyên nhân của hạnh phúc cho mình và cho người, đó là một cuộc sống hạnh phúc, thành đạt.

Giữa hạnh phúc và bất hạnh, chúng ta luôn luôn có thể chọn lựa đời mình, bất chấp hoàn cảnh. Đó là sự tự do của kiếp người.

  1. Tự thanh tịnh tâm ý

Hai điều trên, mà chủ yếu là dựa vào định luật nhân quả để hoàn thiện con người mình, nâng cấp cuộc đời mình lên, đây là sự xây dựng hạnh phúc của con đường làm người (nhân đạo). Dầu đó là hạnh phúc, nhưng cũng chỉ hạnh phúc tạm thời, vô thường, có sanh có diệt mà người xưa gọi là “phước đức của trời người”. Điều thứ ba này thuộc về con đường giải thoát và giác ngộ (Phật đạo), cốt lõi của Phật giáo.

Tất cả mọi tông phái, mọi thừa của Phật giáo, đều lấy điều này làm căn bản cho con đường của mình. Dù đó là thiền định, thiền quán, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bốn niệm xứ, sáu ba-la-mật… đều có mục đích tự tịnh tâm ý mình. Một tâm hoàn toàn thanh tịnh thì đó là Niết-bàn. Các cấp bậc thánh Phật giáo cũng được xác lập tùy theo tâm ý được thanh tịnh đến đâu. Như vậy, cái thiện rốt ráo là một tâm ý thanh tịnh, không còn nhiễm dơ bởi những thứ tạo thành sanh tử luân hồi khổ đau.

Mọi phương pháp Phật giáo đều có mục đích là “tự thanh tịnh tâm ý”. Phật giáo là sự tịnh hóa tự tâm. Đó là sự tịnh hóa từ ngoài vào trong, từ tướng vào tánh, tịnh hóa những phiền não chướng và sở tri chướng; hay tịnh hóa từ bên trong ra bên ngoài, từ tánh ra tướng(“Bản tánh của tâm mình vốn thanh tịnh”), thì cốt lõi, sách lược, vẫn là tịnh hóa.

Như thế, nền tảng của Phật giáo là có một thực tại “bổn lai thanh tịnh không hề bị sanh tử nhiễm ô”, đây chính là giải thoát, giác ngộ, được gọi bằng những tên khác nhau: Niết-bàn, Hạnh phúc tối thượng bất diệt, Pháp thân, Chân như, Phật tánh… Đối với thực tại này, những phiền não và các kiến chấp che chướng chỉ là tạm thời, ngoại sanh, cho nên có thể tiêu trừ được.

Con đường Phật giáo chính là sự tịnh hóa thân tâm, tịnh hóa thân phận làm người để đạt đến mục đích của cuộc sống làm người là giải thoát và giác ngộ. Người ta càng tịnh hóa đến đâu thì càng chứng nghiệm “Hạnh phúc tối thượng bất diệt” hay “Thường Lạc Ngã Tịnh” đến đó.

Quả của Phật giáo là cái thiện rốt ráo, không còn chỗ cho một xấu ác nhỏ nhoi nào, đó là một thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Thân tâm của con người được chuyển hóa thành thân tâm của một bậc giác ngộ, nghĩa là thân tâm ấy được siêu thoát thành “Hạnh phúc tối thượng bất diệt” hay “Thường Lạc Ngã Tịnh”.

Điều kỳ diệu là hạnh phúc tối thượng bất diệt ấy vốn bình đẳng nơi mọi chúng sanh chúng ta. Theo kinh luận nói, ngôi nhà của hạnh phúc tối thượng bất diệt ấy không phải vì có tất cả mọi người trên trái đất này mà chật hẹp, cũng không phải lưa thưa ít người mà có rộng ra. Cái hạnh phúc tối thượng bất diệt không phải độc quyền của ai cả, vì “Dù có Phật hay không có Phật ra đời thực tại vẫn như vậy. Thực tại ấy không do Phật làm ra, không do các Bồ-tát làm ra, không do các bậc Độc giác Thanh văn làm ra, không do trời người hay đất nước gió lửa làm ra”.

Thế nghĩa là cái hạnh phúc ấy luôn luôn có mặt trong bất kỳ thời gian nào không gian nào, luôn luôn ở trước mặt mỗi người chúng ta. Chỉ vì những phiền não, những bám chấp, những tham sân si, kiêu căng, nghi ngờ, đố kỵ… che chướng mà hóa thành xa cách.

Với những nhận xét ngắn và sơ lược trên, chúng ta cũng thấy con đường Phật giáo là con đường hạnh phúc. Hạnh phúc tương đối là hạnh phúc làm người tiến bộ trên con đường tự hoàn thiện mình; và hạnh phúc tuyệt đối khi tịnh hóa được kiếp người, chuyển hóa được con người của sanh tử phiền não khổ đau thành con người toàn thiện của hạnh phúc tối thượng bất diệt.

Phật giáo không phải là sự hứa hẹn hạnh phúc để chờ đợi. Phật giáo là sự thực hành để tìm thấy được hạnh phúc ấy ở ngay trong tầm tay.

Quả thực, nếu Phật giáo không như vậy, không là con đường đưa đến hạnh phúc đích thực mà trong lịch sử loài người luôn luôn có những người làm chứng cho hạnh phúc tối thượng ấy thì chắc chắn nó đã chìm lấp dưới những ngọn triều lịch sử, ngọn triều của chiến tranh, ngọn triều của văn hóa, ngọn triều của khoa học, ngọn triều của nghệ thuật và kỹ thuật, ngọn triều của mê lầm và nghiệp quả khổ đau cay đắng của nhân loại.

 Tác giả: Nguyễn Thế Đăng

SHARE:

Để lại một bình luận