TRỰC TÂM LÀ ĐẠO TRÀNG

SHARE:

Trực tâm là tâm trực niệm Chân Như, không có vọng tưởng hư giả, do đó mà thấy tánh. Phát hạnh là tâm mở rộng ra cho chúng sanh. Thâm tâm là tâm sâu thẳm thấu đến nền tảng của mình, do đó mà tùy thuận Chân Như, ưa chứa nhóm các hạnh lành, và vì có nền tảng là Chân Như nên các hạnh lành biến thành các công đức. Bồ đề tâm tương đối (sự) là giúp đỡ chúng sanh, Bồ đề tâm tuyệt đối là Chân Như (lý). Cả hai tâm Bồ đề này hòa lẫn, dung thông với nhau để trở thành viên dung thì thành tựu hai tích tập công đức và trí huệ.

 

Kinh:

ĐỒNG TỬ QUANG NGHIÊM

Phật bảo Đồng Tử Quang Nghiêm: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Quang Nghiêm bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận được việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con đi ra thành lớn Tỳ Da Ly thì ông Duy Ma Cật vừa đi vào thành. Con liền lễ chào và hỏi rằng: “Cư sĩ từ đâu đến đây?”

Trưởng giả đáp: “Tôi từ đạo tràng lại.”

Con hỏi: “Đạo tràng là ở đâu?”

Ngài đáp: “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả vậy. Phát hạnh là đạo tràng, vì có thể phụng sự vậy. Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng thêm công đức vậy. Bồ đề tâm là đạo tràng, vì không sai suyễn vậy.

 

Ngay trên bản tâm mà phát khởi được bốn tâm này, người ta bèn vào được đạo tràng, tức tương ưng được với Pháp tánh, Pháp thân, từ đó mà xứng tánh tác Phật sự, tức là con đường lợi mình lợi người của Bồ tát hạnh. Lúc đó, tu sáu ba la mật, từ bi hỷ xả, thần thông, bốn Đế, duyên khởi… đều không lìa khỏi đạo tràng này.

 

Với bốn tâm này, hành giả trên thì tương ưng một phần với tâm của chư Phật, dưới thì bắt đầu làm bổn phận với chúng sanh. Thế nghĩa là trực tâm là trực tâm với chư Phật và với chúng sanh, phát hạnh là phát hạnh với chư Phật và với chúng sanh, thâm tâm là thâm tâm với chư Phật và chúng sanh; Bồ đề tâm là Bồ đề tâm với chư Phật và chúng sanh.

 

Trực tâm là tâm trực niệm Chân Như, không có vọng tưởng hư giả, do đó mà thấy tánh. Phát hạnh là tâm mở rộng ra cho chúng sanh. Thâm tâm là tâm sâu thẳm thấu đến nền tảng của mình, do đó mà tùy thuận Chân Như, ưa chứa nhóm các hạnh lành, và vì có nền tảng là Chân Như nên các hạnh lành biến thành các công đức. Bồ đề tâm tương đối (sự) là giúp đỡ chúng sanh, Bồ đề tâm tuyệt đối là Chân Như (lý). Cả hai tâm Bồ đề này hòa lẫn, dung thông với nhau để trở thành viên dung thì thành tựu hai tích tập công đức và trí huệ.

 

Kinh:

“Bố thí là đạo tràng, vì chẳng mong phước báo vậy. Trì giới là đạo tràng, vì các thệ nguyện được tròn vậy. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì với chúng sanh tâm không ngại vậy. Tinh tấn là đạo tràng, vì chẳng biếng lười vậy. Thiền định là đạo tràng, vì tâm điều nhu vậy. Trí huệ là đạo tràng, vì thấy rõ các pháp vậy. Từ là đạo tràng, vì bình đẳng với tất cả chúng sanh vậy. Bi là đạo tràng, vì chịu khổ nhọc vậy. Hỷ là đạo tràng, vì vui thích trong Pháp vậy. Xả là đạo tràng, vì đoạn hết thương ghét vậy.

 

Tất cả các pháp tu đều quy về nền tảng pháp tánh, ở trên nền tảng pháp tánh, nghĩa là đi vào vô ngã và vô pháp. Ngã và pháp càng bớt thật, bớt che chướng chừng nào thì pháp tánh càng hiển lộ chừng đó. Cho đến lúc xoay ngang xoay ngửa, mở mắt nhắm mắt gì pháp tánh cũng sờ sờ ra đó. Và lúc đó pháp tánh chính là đời sống chân thật của mình.

 

Kinh:

“Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu sáu thông vậy. Giải thoát là đạo tràng, vì không khởi ý phân biệt vậy. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sanh vậy. Bốn nhiếp là đạo tràng, vì thâu nhiếp chúng sanh vậy. Đa văn là đạo tràng, vì thực hành tinh túy vậy. Điều phục tâm là đạo tràng, vì chánh quán các pháp vậy. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng, vì xả bỏ pháp hữu vi vậy. Bốn đế là đạo tràng, vì không lừa gạt thế gian vậy. Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão, tử đều vô tận như hư không vậy. Các phiền não là đạo tràng, vì biết bản tánh của chúng vậy. Chúng sanh là đạo tràng, vì biết là vô ngã vậy. Tất cả các pháp là đạo tràng, vì biết các pháp Không vậy.

 

Tu các pháp này mà chẳng lìa khỏi đạo tràng bất động, đạo tràng này là bản tâm, là tự tánh, là Pháp thân. Tu như vậy là ở trong căn bản trí hay vô sai biệt trí mà tu, cho đến địa thứ năm của Bồ tát thì hậu đắc trí hay sai biệt trí (tức là trí về các pháp sai biệt) hiển lộ và hòa nhập dần dần thành một vị với căn bản trí. Như vậy cho đến địa thứ tám là Bất Động địa, hay còn gọi là Vô Công Dụng địa.

 

Kinh:

“Hàng phục ma là đạo tràng, vì chẳng nghiêng động vậy. Ba cõi là đạo tràng, vì không chỗ đi đến vậy. Sư tử rống là đạo tràng, vì không chỗ sợ vậy. Mười lực, vô úy, pháp bất cộng là đạo tràng, vì không thể chê trách vào đâu được. Ba minh là đạo tràng, vì không còn sót chút chướng ngại nào. Một niệm biết tất cả các pháp là đạo tràng, vì thành tựu Nhất thiết trí vậy.

 

Trong sự tương ưng thường trực với pháp tánh, chính pháp tánh tịnh hóa những ma nghiệp, những chướng ngại, những tối tăm, và người ta tiến đến trạng thái Phật.

 

Kinh:

“Như thế thiện nam tử! Bồ tát nếu ứng ra các Ba la mật mà giáo hóa chúng sanh, thời bao nhiêu việc làm, hoặc dở chân lên hạ chân xuống… phải biết đều từ đạo tràng mà lại, đều trụ trong Phật pháp vậy.”

“Khi thuyết pháp như vậy, năm trăm trời và người đều phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

 

Khi ở trong pháp tánh, hay thật tướng thanh tịnh của các pháp, đã thuần thục, thì hành động gì, khởi lên tướng gì (giáo hóa bằng các ba la mật…) tướng đó đều thanh tịnh vì từ đạo tràng Phật pháp thanh tịnh mà lại. Sự đạt đến, thâm nhập pháp tánh càng sâu thì sự ‘ứng ra’ càng có hiệu lực, nghĩa là càng thanh tịnh và trọn vẹn.

 

Cho nên người Phật tử như chúng ta, điều quan trọng nhất là phải biết ‘trụ trong Phật pháp’. Trụ trong Phật pháp là cái gốc (tự giác, trí huệ soi thấu thật tướng các pháp) từ đó ứng ra các hạnh giáo hóa chúng sanh (giác tha, công đức). Hai điều này hòa nhập với nhau để đi đến trọn vẹn là giác hạnh viên mãn.

 

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

Tác Giả: Đương Đạo

NXB. Thiện Tri Thức

SHARE:

Để lại một bình luận