VÀI SUY NGHĨ VỀ MỘT NỀN VĂN HÓA PHẬT TÍNH

SHARE:

Có  thể nói, đạo Phật có bao nhiêu kinh điển, bao nhiêu tông phái thì có bấy nhiêu hệ thống từ để diễn tả Phật tính. Những từ ấy không mâu thuẫn  nhau mà bổ túc cho nhau, vì mỗi kinh điển chú trọng làm hiển lộ một phương diện nào đó của Phật tính: Phật tính là giải thoát, Nhu Lai tạng, Chân như, Pháp thân, tính Không, Trí huệ và Đại bi, Pháp tánh, Bồ đề tâm tối hậu, Thường lạc ngã tịnh, Tâm thanh tịnh tự bản tánh, Ánh sáng vô lượng, Bản lai diên mục, Viên ngọc như ý, hay Kho tàng của chư Phật…

Trong quan niệm của truyền thống Đại thừa, Phật tính là cái đầu tiên và cũng là cái cuối cùng của con đường đạo Phật. Một tuyên bố của đức Phật rất quen thuộc với mọi người là “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, và khi thành Phật, Ngài đã thể hiện trọn vẹn Phật tính ấy nơi thân, ngữ, tâm của Ngài.

Theo Phật giáo Trung Hoa, Phật tính là cái được thuyết cuối cùng trong những thời thuyết pháp của Đức Phật (Năm thời phán giáo của Thiên Thai tông và tương tự ở Hoa Nghiêm tông).

Với Phật giáo Tây Tạng cũng vậy, toàn bộ Phật giáo có 3 lần chuyển pháp luân. Lần chuyển pháp luân thứ nhất nói về Tứ đế, lần thứ hai nói về Tính không, và lần chuyển pháp luân thứ ba nói về Phật tính(1). Như thế, Phật tính là lần chuyển pháp luân cuối cùng, nên nó bao gồm tất cả những thực tại của hai lần chuyển pháp luân trước.

Có  thể nói, đạo Phật có bao nhiêu kinh điển, bao nhiêu tông phái thì có bấy nhiêu hệ thống từ để diễn tả Phật tính. Những từ ấy không mâu thuẫn  nhau mà bổ túc cho nhau, vì mỗi kinh điển chú trọng làm hiển lộ một phương diện nào đó của Phật tính: Phật tính là giải thoát, Nhu Lai tạng, Chân như, Pháp thân, tính Không, Trí huệ và Đại bi, Pháp tánh, Bồ đề tâm tối hậu, Thường lạc ngã tịnh, Tâm thanh tịnh tự bản tánh, Ánh sáng vô lượng, Bản lai diên mục, Viên ngọc như ý, hay Kho tàng của chư Phật…

Những từ trên được gom lại trong một câu kệ nổi tiếng mang tính “công thức” của kinh Hoa Nghiêm: Tâm, Phật và chúng sinh. Cả ba không sai khác. Với thực tại Phật tính như vậy, toàn bộ con đường Phật giáo không khác gì hơn là “khai, thị, ngộ, nhập” thực tại Phật tính đó, nói theo ngôn ngữ của kinh Pháp Hoa.

Chúng ta thấy sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy cho đến ngày nay, mà dòng chủ đạo là Thiền, Tịnh và Mật hội nhập, những lời nói của các bậc cao tăng còn lưu lại không gì khác hơn là “khai, thị, ngộ, nhập” Phật tính đó.

Dùng ngôn ngữ của văn hóa loài người, Phật tính là hạt giống Chân Thiện Mỹ vốn có nơi mỗi chúng ta và thành Phật là chứng nghiệm, thể hiện trọn vẹn cái Chân Thiện Mỹ ấy ở nơi chính mình.

Trong quan điểm Đại thừa, sở dĩ con người khổ đau vì chúng ta không hề biết, nói theo kinh Pháp Hoa, mỗi người đang có viên ngọc ấy giấu trong chéo áo, và vô minh là những che chướng khiến chúng ta không nhận ra viên ngọc vốn chưa hề lìa khỏi chúng ta trên những nẻo đường sinh tử.

Nhìn tổng quát, có lẽ toàn bộ lịch sử con người, đầy trắc trở và lỡ lầm; đầy hy vọng và rồi lại thất vọng, bất toại nguyện, hòa bình tạm thời rồi chiến tranh liên miên, chỉ là sự phản ảnh ra bề mặt nỗi khát khao bất toại nguyện đi tìm kiếm một cái gì trọn vẹn Chân Thiện Mỹ, đi tìm kiếm viên ngọc Phật tính vốn có sẵn nơi chéo áo mình.

Để gọi Phật tính là cái đầu tiên và cái cuối cùng của toàn bộ cuộc sống, nghĩa là nền tảng đích thực của cuộc đời, chúng ta thử xem xét, hình dung trong những phạm trù vốn quen thuộc của triết học phương Tây:

Về  bản thể học: (hay hữu thể học, thực tại luận – ontology): Phật tính là “bản thề” của tất cả mọi hiện tượng, ở đây Phật tính cũng là tính Không. Để khỏi rơi vào một hữu thể học có tính cơ học thô sơ, như quan niệm Phật tính là nguyên nhân đầu tiên của tất cả mọi sự (và do đó có sự bắt đầu của thời gian), chúng ta hình dung đó là một nền tảng không nền tảng, một bản tính vô tự tính, như đã diễn tả rạch ròi trong kinh Lăng Nghiêm: Như Lai tạng chẳng phải là (phi) tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian (còn gọi là Không Như Lai tạng, hay nói theo Đại Thừa Khởi Tín luận là Tâm Chân Như như thật Không), đồng thời Như Lai tạng cũng tức là (tức) tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian (còn gọi là Bất không Như Lai tạng, Đại Thừa Khởi Tín luận gọi là Tâm Chân Như như thật Bất không).

Chúng ta có thể lấy một thí dụ thường dùng trong Đại thừa, Phật tính như nước của đại dương, các sóng (thế giới hiện tượng) là do nghiệp của chúng sinh mà hiện, sóng chẳng hề làm biến chất tính  nước của đại dương, nước đại dương chẳng thể nào nhiễm ô bởi sóng, nhưng mặc dù hình tướng sóng có do nghiệp mà xuất hiện như thế nào, sóng vẩn là nước. Nước chẵng phải tất cả các sóng, nhưng nước cũng là tất cả các sóng.

Về  tâm lý học: Phật tính là “thức” căn bản, thức nền tảng, tức là thức thứ tám (Alaya) đã được tịnh hóa. Nói thế nghĩa là Phật tính là cội nguồn thanh tịnh của tất các thức chấp ngã thứ bảy (Mạt na), thức thứ sáu (ý thức) và năm thức giác quan. Như thế, Phật tính là nền tảng đồng thời là cứu cánh của mọi lĩnh vực tâm lý học.

Về  đạo đức học: Phật tính là đất tâm (tâm địa) từ đó mọi đức tính như là những loài thảo mộc lớn lên từ đó, nhưng Phật tính cũng là sự khai triển trọn vẹn mọi đức tính có thể có của con người. Bởi thế dòng cổ nhất của Phật giáo Tây Tạng tượng trưng Phật tính bằng Phật Nguyên Sơ (Adi Buddha), Samantabhadra, (Phổ Hiền), có nghĩa là Toàn Thiện (All good).

Về  giải thoát luận (hay phương pháp luận giải thoát, soteriology): Để đạt đến Phật tính, chúng ta dùng phương tiện là chính Phật tính và đi đến mục đích là Phật tính hiển lộ hoàn toàn.

Về  mỹ học (aesthetics): cái đẹp theo Phật giáo nằm ở sự thanh tịnh của thế giới ( những thế giới thanh tịnh, những Tịnh độ), nhưng thế giới chỉ thanh tịnh khi tâm thức thanh tịnh. Như thế, mỹ học Phật giáo không tách lìa các phạm trù ở trên.

Đây chỉ là sự đề cập sơ lược chủ đề Phật tính trong vài phạm trù quen thuộc. Điều quan trọng là những phạm trù ấy đều được bao gồm trong Phật tính, hay nói cách khác, những phạm trù đó là những phương diện của Phật tính. Khác với thường tình, hữu thể học có thể tách lìa với đạo đức học, với tâm lý học hay mỹ học, ở đây Phật tính là nền tảng của các lĩnh vực trên.

Nói thế nghĩa là về mặt cụ thể, hễ một con người đã đạt đến chân lý (hữu thể học) thì người đó phải đồng thời là Thiện (đạo đức học), cũng thấu suốt được toàn bộ gốc rễ con người của mình (tâm lý học) và người đó cũng thể nghệm và thể hiện cái Đẹp (mỹ học)… Điều này được thấy rõ trong Đại thừa, một trí tuệ thấu suốt tính Không (hữu thể học, Chân) bao giờ cũng là hợp nhất không thể tách lìa với đại bi (đạo đức học, Thiện) và một người như thế bao giờ cũng thể hiện ra một hình tướng trang nghiêm đẹp đẽ và một cuộc đời cao cả giúp đỡ chúng sinh (cái Đẹp) …

Như vậy Phật tính là nền tảng đồng thời là cứu cánh tối hậu của tất cả đời sống, Phật tính bao gồm toàn bộ Chân Thiện Mỹ, toàn bộ hạnh phúc và ước vọng của bất kỳ một chúng sinh nào. Hơn thế nữa, cái Chân Thiện Mỹ, cái hạnh phúc mà Phật giáo gọi là an lạc ấy hiện giờ có sẵn nơi mỗi chúng ta, đó là điều mà Đại thừa xác nhận.

Sau đây, chúng ta xem xét đâu là những đặc điểm của một nền văn hóa lấy Phật tính làm định hướng, dùng Phật tính làm phương tiện, bước đi và hoàn thiện chính mình trong Phật tính, hay nói theo kinh điển hệ Pàli, “con đường ( pháp) ấy hoàn thiện từ lúc bắt đầu, hoàn thiện ở chặng giữa, và hoàn thiện ở lúc cuối cùng”. Chắc chắn những phân tích ấy sẽ còn nhiều thiếu sót, vì sự hữu hạn của chúng ta, vì chúng ta chưa thể hoàn toàn ngộ nhập Phật tính (khế lý) để hiển lộ ý nghĩa của nó trong mọi mặt của đời sống (khế cơ).

  1. Hướng con người đến chỗ thấy được thực tại của chính mình, người khác và thế giới chung quanh

Một con người thường thì luôn luôn bất an. Người ta luôn luôn tìm kiếm, khát khao một cái gì, về lý tưởng, quyền lực, danh vọng, tiền bạc hay cảm giác… Người ta luôn luôn tìm kiếm một nền tảng nào đó cho cuộc đời, cho an toàn hơn, chắc chắn hơn. Người ta luôn luôn trốn tránh, sợ hải, sợ mất mát, sợ điều gì đó xui xẻo xảy tới, sợ bệnh tật, sợ chết. Chỉ nói về ba cảm xúc ấy thôi – mà Phật giáo gọi là phiền não: khát khao liên tục hết đối tượng này đến đối tượng khát mà vẫn bất toại nguyện, luôn luôn tìm kiếm an toàn mà luôn luôn cảm thấy bất an, và lo sợ. Những điều đó không thể giải quyết trên mặt bẳng của một tâm thức bình thường. Đời sống con người cứ vận hành trong những cái đó, và dù chỉ là mặt thô, đó là sự vận hành của khổ đau, phiền não.

Ngày nào chúng ta chưa thấy được khuôn mặt xưa nay của chính mình, ngày đó chúng ta còn khao khát, bất an và lo sợ với thế giới tạo bằng những cảm giác, những tri giác đấy nhầm lẩn và mãi mãi tách lìa ở ngoài mình.

Ngày nào chúng ta chưa sống  được trong nền tảng đích thực của đời sống, trong trung tâm của đời sống hiện tượng, ngày đó chúng ta vẫn chưa có chỗ nương dựa (quy y) cho cuộc đời sinh tử của mình, và chúng ta cứ tiếp tục bất an, lo sợ.

Không những thế, không giải quyết được những phiền não khổ đau của mình, chúng ta lại làm cho người khác khổ đau và phóng chiếu những phiền não ấy vào thế giới làm cho thế giới cũng bị chia cắt và hư hoại.

Sự đứt lìa,không tương thông và xung đột giữa mình, người và thế giới chỉ ra rằng chúng ta đang sống trong một đời sống chạy theo hiện tượng bề ngoài, chúng ta chưa thấy đời sống đích thực là gì, đời sống đích thực mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới, trong đó mọi sự đều dung thông, hòa hợp, hòa điệu với nhau mặc dù vẫn giữ nguyên cá thể.

Chữ “thái hòa” mà những người xưa: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ … thường nhắc nhở mơ ước không phải chỉ là một hiện tượng không có chiến tranh ờ bề ngoài, mà theo truyền thống Đông phương, đó là mối hòa hợp từ bên trong giữa chính mình, người khác và thế giới. Đạo Phật là con đường mang lại sự thái hòa đích thực cho con người và xã hội.

  1. Nhân bản và hiện thực

Phật tính vốn có ở mỗi con người, nên một nền văn hóa như vậy đặt trọng tâm và mọi giá trị vào từng con người. Mỗi người vốn tiềm tàng điều kiện “cần và đủ” để thành tựu nhân cách tối thượng (Bi, Trí, Dũng) nên chính mỗi người cần được trân trọng dù đang ở trong hoàn cảnh như thế nào.

Từ cái nhìn này, mọi tương quan sinh hoạt xã hội càng có ý nghĩa hơn, ít nhất là đồng trên con đường trốn tránh khổ đau và hướng đến hạnh phúc, con đường thành tựu nhân cách tối thượng.

Khi nhìn chính mình và người khác với ý nghĩa “Người là Phật sẽ thành”, người ta có được giới luật, không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối… Chỉ với sự tôn trọng trên nền tảng của giới, người ta sẽ cư xử đúng pháp, biết được giá trị của đời sống, tin yêu mình, người khác và đời sống.

Đứng trên bình diện lý thuyết và thực hành, thì Phật tính, cái Chân Thiện Mỹ rốt ráo là cái vốn có ở  đây và bây giờ, và ít nhiều ai cũng đang tham dự vào đó. Như thế người ta không phải chờ một phương tiện nào khác ở bên ngoài, dù phương tiện ấy là một lý thuyết hứa hẹn hay trang bị máy móc vật chất nào đó.

Chúng ta thấy sự tha hóa, sự đánh mất mình đã xảy ra suốt chiều dài lịch sử con người, kết cuộc là khổ đau cho mình và cho người khác, chỉ bởi vì không có một niềm tin xoay vào chính mình, không đi vào bản tính tâm thức, mà tâm thức thì “trong tất cả các pháp, tâm làm chủ, tâm tác động”.

Đưa con người ta trở lại chính mình, tìm nguyên nhân của tất cả mọi sự, khổ đau và hạnh phúc, tạo nghiệp trói buộc và tạo nghiệp giải thoát, cho đến bản tính của tất cả mọi sự (pháp tính) ở nơi chính mình mà không mê tín bời những mộng tưởng hứa hẹn hão huyền nào khác, đó là tính nhân bản của giáo lý đạo Phật.

Trong khi đó, tính chất “tại đây và bây giờ”của Phật tính chính là tính hiện thực của nó. Phật tính, cái Chân Thiện Mỹ tối hậu là cái vốn có ở đây và bây giờ, chẳng do một đấng tối cao nào ban phát hay có thề tước bỏ.

Vấn đề duy nhất của con người là biết cách “khai thác” kho tàng đó, tức là “khai, thị, ngộ, nhập” nó chứ không phải tìm đâu ở không gian và thời gian nào khác. Đó cũng là tính bình đẳng của tất cả kẻ mê người ngộ, tránh được những lạm dụng thần quyền, những quỵ lụy mê tín (dù là mê tín vào sự toàn năng của khoa học) vốn là căn bệnh của con người.

  1. Thỏa mãn mọi nguyện vọng của con người

Bất kỳ một chúng sinh nào cũng đi tìm hạnh phúc, không đi tìm khổ đau; ai cũng đi tìm sự mãn nguyện, không ai đi tìm sự bất như ý. Nhưng đi tìm hạnh phúc mà vẫn gặp khổ đau, đi tìm mãn nguyện mà vẫn chỉ gặp bất toại nguyện, đó là vì người ta nhắm sai mục đích và đi sai con đường đưa tới mục đích đó.

Trong các kinh điển, Phật tính thường được ví với viên ngọc Như ý, sự thỏa nguyện mọi ước vọng. Đó là thực tại tối hậu và do đó là sự thỏa mãn tối hậu cho mọi nguyện vọng. Sự thỏa nguyện tối hậu mà kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là Thường Lạc Ngã Tịnh ấy không ở đâu cuối một con đường xa xăm nào đó, mà ở chính nơi mỗi con người, trong bất cứ không gian thời gian nào.

Theo giáo lý Chân như (Phật tính) duyên khởi, sự  vật gì cũng duyên khởi từ Chân như, như làn sóng nào, bọt biển nào cũng lưu xuất từ đại dương. Chân như được ví như tính vàng, sự vật gì cũng từ Chân như lưu xuất, nên sự vật gì cũng là vàng, cũng là Chân như, cũng đầy đủ ý nghĩa Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Đây là điều đã được những vị chứng ngộ suốt lịch sử Phật giáo nói đến, và điều này cũng được đúc kết thành công thức “sinh tử  tức Niết bàn” trong kinh điển Đại thừa. Khi chứng nghiệm được tất cả đều là Chân như Phật tính, tất cả đều là vàng, thì đây là ý nghĩa lớn lao nhất, rốt ráo  nhất thỏa mãn mọi ước nguyện của con người, vì lúc ấy không còn thấy cái gì là khác với mình, ở ngoài mình để khát khao hay ghét bỏ, để tham muốn và xung đột v.v…

Phật tính đem lại cho cuộc đời toàn bộ ý nghĩa của nó; ngoài ý nghĩa Phật tính này, cuộc  đời chỉ là sự bất toại nguyện, vô  thường, rỗng không và khổ đau. Khi một người đã hài lòng với cuộc đời của mình, người ấy cũng hài lòng với người khác và thế giới. Ngược lại không mãn nguyện với chính mình, người ta sẽ xung đột với người khác và thế giới chung quanh.

  1. Không bác bỏ cuộc đời, trái lại đưa cuộc đời phát triển đến vô hạn

Như  trên đã nói, đời sống hiện ra với chúng ta dưới dạng bất toàn, không toại nguyện, chia chẻ, xung đột, khổ đau – cái mà Phật giáo gọi là sinh tử, bởi vì chúng ta không thấy được thực tướng của nó. Các bậc Thánh chứng đắc từ xưa đến nay thường nói “Tính tướng như như”, nghĩa là đời sống về bản tính cũng như về hình tướng biểu lộ đều là Chân như. Đạo Phật hay lấy thí dụ, người mê nhìn thấy sợi dây thừng thành ra con rắn, từ đó mà sợ hải… tất cả phiền não khởi lên.

Như thế, cái đạo Phật bác bỏ chính là sự mê lầm về thực tại, cái nhìn bất tịnh khiến cho thực tại biến thành sinh tử khổ đau. Đạo Phật không bác bỏ cái đang hiện hữu mà bác bỏ sự mê lầm về cái đang hiện hữu.

Với mục đích đưa con người đạt đến Phật tính, tức thể nhập nghĩa rốt ráo và cũng là thực tại tối hậu, đạo Phật là sự phát triển và tiến bộ vô hạn của con người. Chúng ta thấy sự tiến bộ về phương diện vật chất, tình cảm, ý thức tới một mức nào hầu như phải đứng lại và lẩn quẩn, vì chính những giới hạn của vật chất của tình cảm và của ý thức, nghĩa là vì chính những giới hạn của năm uẩn của con người.

Những ngành nghệ thuật, triết học và cả khoa học của thế kỷ XX đã cho chúng ta thấy điều đó. Tất cả mọi sự của đời không thể phát triển đến vô hạn, và đến lúc nào tới hạn, nếu không tìm cách vượt ngoài chính nó, “giải thoát” khỏi chính nó để đạt đến những chiều kích tâm linh vô biên vượt ngoài ý thức như đạo Phật đề nghị, thì nó sẽ gây khủng hoảng trên chính mình, bế tắc với chính mình và gây tàn phá trên chính mình.

Đạo Phật đưa con người đến sự phát triển vô hạn, bởi vì giải thoát con người khỏi những giới hạn năm uẩn của nó để mở ra với thực tại vô lượng vô biên, cho nên cũng đồng hành với sự phát triển hữu hạn của con người, đồng thời phát lộ cho con người những chiều kích tâm linh không bờ bến. Sự tiến bộ này đi từ sự hữu hạn của các hợp uẩn thân tâm cá nhân đang ràng buộc con người để mở ra với vũ trụ, một vũ trụ của tâm thức giác ngộ mà đạo Phật gọi là Pháp giới.

Đạo Phật là sự phát triển vô hạn của con người, giới thiệu một phương cách cứu độ cho sự phát triển hữu hạn của con người, có lẽ đó là lý do mà những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, trong những nước được gọi là “hậu công nghiệp” ở phương Tây, đạo Phật phát triển mạnh mẽ đến thế.

  1. Tích cực và hòa hợp

Đó là một nền văn hóa tích cực vì nó phát triển mọi đức tính tích cực của con người cho đến mức toàn vẹn: niềm tin, chí nguyện, thiện ý, vị tha, sự tự điều phục, nhẫn nại, khoan dung, quảng đại, tình thương… nói theo ngôn ngữ Phật giáo, tất cả những giá trị sống này gồm lại trong hai sự tích tập trí huệ và công đức. Nền văn hóa đó tích cực vì nó đặt mỗi cá nhân và hoàn cảnh sống vào trong viễn cảnh vĩ đại nhất, ý nghĩa tích cực nhất là Phật tính.

Tất cả mọi hành động, cuộc đời của riêng một cá nhân được lưu giữ và chuyển  hóa trong biển cả Phật tính, biển cả đó là toàn nhân sẽ chuyển thành toàn quả, và một ngày nào chúng ta chính là đại dương viên mãn đó.

Như vậy, mọi sự dù nhỏ nhặt trong cuộc sống đều có ý nghĩa, đều là nhân cho cái quả vĩ đại không thể nghĩ bàn. Mọi sự dù nhỏ nhặt đều mang ý nghĩa tích cực trong cái viễn cảnh tích cực nhất là Phật tính. Đây là ý nghĩa của cuộc đời của một người hướng đến nhân cách tối thượng, cuộc đời đó được kinh điển trình bày trong ý niệm “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”.

Nền văn hóa ấy đặt căn bản trên sự hòa hợp, phát triển trong hòa hợp đưa đến mục đích hòa hợp bằng một cái nhìn thống nhất, nhất thể. Cái nhìn của kinh Hoa Nghiêm là một vũ trụ, một pháp giới hòa hợp, không chướng ngại nhau: sự sự vô ngại, một tức tất cả, tất cả là một. Cũng như chữ Cosmos (vũ trụ) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là hòa điệu, hài hòa.

Với cách nhìn vế pháp giới như vậy, nền văn hóa đó làm cho các lĩnh vực hòa hợp với nhau, không tách biệt chướng ngại nhau, các lĩnh vực vật lý hòa hợp với nghệ thuật và tâm lý, sinh học hòa điệu với đạo đức học và thi ca.

Đó không phải là điều viễn tưởng vì từ xa xưa, trong những nền văn minh cổ, ví dụ như Trung Hoa, tất cả các môn học dù cách xa nhau đến mấy đều tương thông và hòa hợp với nhau qua Kinh Dịch. Đây cũng là điều văn minh hiện nay chưa làm được, khi vật lý học cách biệt, chẳng tương thông với tâm lý học, sinh học chẳng tiếp giáp được với đạo đức học…

Chính sự không thể tương thông này đã tách biệt các lĩnh vực của đời sống và phản ánh thành sự chia biệt không thống nhất của bản thân xã hội và tâm thức con người. Con người hiện đại có thể rất chuyên môn, nhưng cô đơn, cách biệt, và từ đó lạc lõng với đồng loại và thiên nhiên là vì thế.

  1. Tổng thể, toàn diện và vô ngại

Phật tính là cái đầu tiên và là cái cuối cùng của tất cả mọi sự. Nó bao trùm tất cả và vượt lên tất cả. Nó bao trủm mọi lĩnh vực trong đời sống, thiên nhiên, con người và thế giới, về bề sâu cũng như chiều rộng, bởi vậy nó xuyên suốt, thống nhất tất cả. Nó có thể dung chứa các khoa học và nối kết các nền văn hóa khác nhau.

Lấy ví dụ về con người, chúng ta thấy nơi mỗi cá nhân, có phần bản năng thân xác, có phần tình cảm, lý trí khoa học, có phần sợ hãi mê tín dị đoan, có một phần đạo đức lương tâm… chưa kể về mặt xã hội, chúng ta còn có nhiều khuôn mặt (vai trò) khác như là con người gia đình, con người nghề nghiệp, con người quy cách, con người vui chơi giải trí…

Tất cả những phương diện đó của con người rất thường không hài hòa với nhau được. Sự không hòa hợp được những vai trò ấy đưa mỗi chúng ta vào sự mâu thuẩn thường trực, và kết quả là cuộc đời chúng ta nhiều xung đột hơn là hài hòa, nhiều tiếc nuối quá khứ, mơ mộng đến tương lai hơn là an lòng với hiện tại. Nếu không có Phật tính, không sống được Phật tính là cái chiều sâu, cái cội nguồn thật sự từ đó phát sinh ra các vai trò bên ngoài kia, thì các vai trò bên ngoài ấy mãi mãi tách biệt và mâu thuẫn nhau, tạo thành chính sự mâu thuẫn, hao tán năng lượng thường trực của đời người.

Chỉ khi nào nhận chân Phật tính, bản tính nền tảng không – nền – tảng trùm khắp cả bề rộng lẫn chiều sâu của hiện thể con người và do đó dung hòa và chuyển hóa cho những con người ngoại diện thì chúng ta mới có được sự hài hòa sâu thẳm, tức là sự yên ổn và an vui.

Phật tính là bản lai diện mục tối hậu có thể dung hòa các diện mục quy ước của đời sống hình tướng thế gian, từ đó mới thoát khỏi mâu thuẫn căn bản của con người và mới có sự an vui, hài hòa nơi chính mình và lòng vị tha đích thực cho người khác.

Trong giáo lý Phật giáo, chúng ta cũng thấy thân, khẩu, ý  của một con người giác ngộ đều thống nhất trong Phật tính. Có thể nói thân, khẩu, ý là ba phương diện biểu lộ khác nhau của Phật tính nơi một vị Phật.

Còn nơi chúng ta, thân khẩu ý là ba thể tách rời, thường mâu thuẫn nhau, và đó là điều phát sinh khổ đau. Trong mọi phương diện của đời sống cũng thế, thiếu một cái nhìn về thực tại tổng thể và toàn diện là Phật tính, mọi lĩnh vực sẽ mâu thuẫn nhau, tách biệt với nhau, và cuộc đời cá nhân cũng như xã hội thường chứa đựng những xung đột không lối thoát.

Để kết luận, trong bối cảnh chuyển sang một thế kỷ mới, chúng ta thấy những khủng hoảng của thế kỷ vừa qua vẫn còn dai dẳng sâu đậm chưa giải tỏa được. Những khủng hoảng đó không phải ở thời đại này mới có mà thực ra chúng là những khủng hoảng căn bản và nguyên thủy của con người, nhưng với dân số đông đúc, với sự nhanh chóng xác nghiệm trong khoa học kỹ thuật, với phương tiện thông tin, với những con số thống kê và nhất là với những thí nghiệm về hạnh phúc đã từng thất bại kéo dài qua lịch sử ở thời hiện đại, chúng đã được hiển lộ rõ ràng trên bề mặt xã hội.

Phải chăng đã đến lúc con người cần chấp nhận những giải quyết căn bản cho cuộc sống con người mà đạo Phật đã đề nghị ? Sự chấp nhận rộng rãi đạo Phật ở phương Tây hiện nay phải chăng là một trong những tín hiệu báo trước cho việc nhân loại sẳn sàng hơn trong việc đáp ứng những nhu đề nghị đó.?

————————————–

  1. Có thể xem chương 4: Lần chuyển pháp luân thứ ba: Phật tính, trong The world of Tibetan Buddhism của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

SHARE:

Để lại một bình luận