SHARE:
Trích tiểu sử của Chögyam Trungpa trong quyển Thiền Thực Hành.
Chögyam Trungpa Ringpoche sinh ra tại tỉnh Kham, miền đông Tây Tạng, năm 1940. Khi mới mười ba tháng tuổi, ông đã được công nhận là hóa thân của một tulku (sư trưởng) quan trọng. Theo truyền thống Tây Tạng, do hạnh nguyện từ bi của mình, một vị đạo sư đắc đạo có thể hóa thân làm người trở lại suốt nhiều thế hệ nối tiếp. Trước khi qua đời, vị đạo sư có thể để lại một di thư hoặc những dấu hiệu khác cho biết hóa thân sắp tới của mình. Sau đó, các đệ tử và các đại sư đắc đạo khác sẽ tìm kiếm và căn cứ vào những dấu hiệu này, cộng thêm nghiên cứu cẩn thận các chiêm bao và điểm mộng, tiến hành các cuộc tìm kiếm để phát hiện, nhận biết người kế vị. Do vậy mà đã ra đời nhiều dòng truyền thừa khác nhau, một số dòng có thể trải rộng qua nhiều thế kỷ. Chögyam Trungpa là đời thứ mười một trong dòng truyền thừa có tên là Trungpa Tulku.
Một khi các tulku trẻ được nhận biết thì họ phải trải qua một thời kỳ rèn luyện rất kỹ về lý thuyết và thực hành các giáo lý đạo Phật. Trungpa Ringpoche, sau khi được tôn lên ngôi vị viện trưởng tối cao Tu viện Surmang Dutsi Til và giám quản khu vực Surmang, đã bắt đầu một thời kỳ tu tập kéo dài mười tám năm, cho đến khi ông rời khỏi Tây Tạng năm 1969. Là một tulku Kagyu (Ca – nhĩ – cư), sự rèn luyện của ông được dựa trên việc tu thiền một cách có hệ thống và trên sự hiểu biết tinh tế triết lý đạo Phật. Là một trong bốn tông phái lớn của Phật giáo Tây Tạng, Kagyu còn có tên là Giáo pháp Thực hành.
Khi lên tám tuổi, Trungpa Ringpoche được thọ giới Sa di. Sau đó, ông tu học và thực hành các giới luật truyền thống của một tu sĩ, gồm các môn thi ca và vũ điệu truyền thống của Tây Tạng. Các đạo sư ban đầu của ông là Jamgon Kongtrul của tu viện Dechen, và Khenpo Gangshar – những đạo sư hàng đầu của các tông Nyingma và Kagyu. Năm 1958, khi được mười tám tuổi, Trungpa Ringpoche hoàn tất việc học hành, nhận bằng cấp Kyorpon (tiến sĩ thần học) và Khenpo (thạc sĩ nghiên cứu). Ông cũng được thọ giới tì kheo.
Vào cuối những năm 1950 là thời kỳ hỗn loạn lớn ở Tây Tạng. Do sự thay đổi thể chế chánh trị, nhiều người, gồm cả tu sĩ và thường dân, đã trốn khỏi đất nước. Trungpa Ringpoche trải qua nhiều tháng trời gian khổ để vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn (việc này được ông kể lại sau này trong cuốn Sinh ra ở Tây Tạng ). Cuối cùng ông đã đến được Ấn Độ năm 1960. Trong khi sống tại Ấn Độ, Trungpa Ringpoche được bổ nhiệm làm cố vấn tôn giáo cho trường Nội trú các Lạt ma trẻ tại Delhi. Ông phục vụ trong cương vị này từ năm 1959 đến năm 1963.
Trungpa Ringpoche có cơ hội để di cư sang phương Tây khi ông nhận được sự bảo trợ đến học tại Đại học Oxford. Tại đây ông học về tôn giáo đối chiếu, triết học, lịch sử và mỹ thuật. Ông cũng học nghệ thật cắm hoa Nhật Bản và nhận được một chứng chỉ của trường Sogetsu. Trong khi ở Anh quốc, Trungpa Ringpoche đã bắt đầu dạy giáo pháp cho các môn sinh người phương Tây, và đến năm 1967, ông đã lập ra Trung tâm Thiền Samye Ling tại Dumfriesshire, Scotland. Trong thời kỳ này, ông cũng đã xuất bản hai cuốn sách đầu tiên của mình, cả hai điều viết bằng tiếng Anh: Sinh ra ở Tây Tạng (1966) và thiền thực hành (1969).
Năm 1968 Trungpa Ringpoche đi đến Bhutan, và nhập thất thiền định một mình tại đây. Trong khi nhập thất, ông nhận được một bí lục quan trọng đối với tất cả các bài giảng của ông tại phương Tây, đó là tập “Nghi quĩ Đại thủ ấn”, một tư liệu cho thấy sự sa sút về mặt tâm linh của thời nay và thuốc giải trừ cho tình trạng này, một tôn giáo đích thực đưa ta tới sự trải nghiệm một tâm thức nguyên sơ và ngời sáng. Cuộc nhập thất này đánh dấu một sự thay đổi quyết định trong phương thức thuyết giáo của ông. Ngay sau khi quay trở lại Anh quốc, ông đã trở thành một người thường dân, trút bỏ chiếc áo tu sĩ và mặc quần áo thông thường của người phương Tây. Năm 1970, ông kết hôn với Diana Pybus, một phụ nữ trẻ người Anh, và họ cùng nhau rời khỏi Scotland để đi đến Bắc Mỹ. Nhiều môn sinh lúc trước và các bạn bè người Tây Tạng của ông thấy sốc và khó hiểu với những thay đổi này. Tuy nhiên, ông giải thích rằng muốn cho đạo pháp bắt rễ tại phương Tây thì phải giảng dạy giáo pháp không theo những gò bó về mặt văn hóa và sự mê hoặc của tôn giáo.
Trong những năm 1970, nước Mỹ đang sôi động về chính trị và văn hóa. Tuy nhiên, gần như từ lúc vừa đặt chân đến nước Mỹ, Trungpa đã thu hút rất nhiều môn sinh đến với mình, số đông là những người nghiêm túc quan tâm đến giáo lý và việc tu thiền của đạo Phật. Tuy nhiên, ông đã nghiêm khắc chỉ trích phương thức duy vật để đến với tâm linh đang rất phổ biến thời ấy, xem đây là một “siêu thị tâm linh”. Trong các bài giảng của mình, và trong cuốn sách Cutting Through Spiritual Materialism (1973). The Myth of Freedom (1976), ông đã nêu rõ sự giản dị và trực tiếp của việc tọa thiền, xem đây là cách để dẹp bỏ những lệch lạc như thế trong cuộc hành trình tâm linh.
Trong mười bảy năm thuyết giáo ở Bắc Mỹ, Trungpa Ringpoche nổi tiếng là một đạo sư năng động và thích tranh luận. Ông là một nhà tiên phong, một trong những đạo sư Phật giáo Tây Tạng đầu tiên tại Bắc Mỹ, đến trước vài năm và thực ra là tạo thuận lợi cho những cuộc viếng thăm sau đó của Đức Cát Mã Ba, Đức Khyentse Ringpoche, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và nhiều vị khác nữa. Tại Hoa Kỳ, ông tìm thấy một sự gần gũi thân thiết với các đạo sư Thiền tông, họ cũng đang giới thiệu phép tu thiền của Phật giáo. Ngay những ngày đầu tiên đến đây, ông đã đặc biệt gắn bó với ông Suzuki Roshi, người sáng lập ra Trung tâm Thiền tông tại San Francisco. Mấy năm sau đó, ông đã kết thân với Kobun Chino Roshi và Bill Kwong Roshi ở Bắc California, với Maezumi Roshi, người sáng lập Trung tâm Thiền tông Los Angeles, và Eido Roshi, viện trưởng Thiền đường Shobo-ji tại New York.
Nói tiếng Anh lưu loát, Chögyam Trungpa là một trong những đạo sư Phật giáo Tây Tạng đầu tiên có thể nói chuyện trực tiếp với các môn sinh phương Tây, không cần đến phiên dịch. Bôn ba khắp vùng Bắc Mỹ và châu Âu, ông đã thực hiện hàng nghìn buổi nói chuyện và hàng trăm cuộc hội thảo. Ông lập ra những trung tâm thiền lớn tại Vermont, Colorado, và Nova Scotia, cũng như nhiều trung tâm hành thiền và tu học tại các thành phố trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu, Kim cương giới (Vajradhatu) được hình thành năm 1973 làm một cơ quan quản lý trung tâm của mạng lưới này.
Năm 1974, Trungpa Ringpoche sáng lập Viện Naropa (nay là Viện Đại học Naropa), nơi này đã trở thành Viện đại học Phật giáo đầu tiên và duy nhất được công nhận tại Bắc Mỹ. Ông giảng dạy rất nhiều ở viện này, và cuốn sách Cuộc hành trình không mục tiêu (1981) của ông được dựa trên một khóa học do ông dạy tại đây. Năm 1976 ông lập ra chương trình Huấn luyện Shambhala, một loạt các khóa hội thảo nhằm giới thiệu một con đường không giáo phái của người chiến sĩ tâm linh dựa trên việc tọa thiền. Cuốn sách của ông Minh triết Shambhala: Con đường thiêng liêng của người Dũng sĩ (1984) cho ta một cái nhìn tổng quan về các giáo lý Shambhala.
Năm 1976 Trungpa Ringpoche bổ nhiệm Osel Tendzin (Thomas F. Rich) làm Nhiếp chính Kim cương, hay người thừa kế giáo pháp của mình. Osel Tenzin làm việc sát cánh với Trungpa Ringpoche trong việc quản lý Kim cương giới và Huấn luyện Shambhala. Ông đã giảng dạy thật nhiều trong thời gian từ 1976 đến khi ông qua đời vào năm 1990 và là tác giả cuốn ĐứcPhật trong lòng bàn tay ta.
Trungpa Ringpoche còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực dịch thuật. Cùng với Francesca Fremantle, ông đã hoàn thành công việc dịch ra tiếng Anh cuốn Tử thư Tây Tạng, sách này được xuất bản năm 1975. Sau đó, ông lập một Ban Dịch thuật Nalanda để dịch các kinh văn và nghi thức tế lễ dùng cho các môn sinh của mình cũng như để làm cho những kinh sách quan trọng đến được với mọi người.
Năm 1979, Trungpa Ringpoche tổ chức một buổi lễ trao truyền cho con trai cả là Osel Rangdrol Mukpo, để làm người kế vị cho mình trong dòng truyền thừa Shambhala. Trong thời điểm này, ông ban cho con trai danh hiệu Sawang (Lãnh Chúa).
Trungpa cũng được biết đến nhiều về sự yêu thích nghệ thuật của ông, và đặc biệt là những minh kiến của ông đối với mối liên hệ giữa giới luật thiền quán và quá trình nghệ thuật. Hai cuốn sách xuất bản sau khi ông qua đời – Nghệ thuật Thư pháp (1994) và Nghệ thuật trong Đạo pháp (1996, tái bản vào năm 2008 đổi tên là Chân thực thức: Con đường Nghệ thuật trong Đạo pháp) – cho ta thấy về phương diện hoạt động này của ông. Hoạt động nghệ thuật của ông bao gồm thư pháp, hội họa, cắm hoa, thi ca, viết kịch, và trang trí môi trường. Ngoài ra, tại Viện Naropa ông còn tạo ra một bầu không khí có sức thu hút nhiều nghệ sĩ và nhà thơ xuất chúng. Công cuộc khảo sát quá trình sáng tạo dưới ánh sáng của sự rèn luyện thiền quán luôn tiếp diễn ở đây dưới hình thức một cuộc đối thoại hào hứng. Trungpa Ringpoche cũng đã cho xuất bản hai thi phẩm của mình : Thủ ấn (Mudra, 1972) và First Thought, Best Thought, 1983. Năm 1998, một tuyển tập hồi tưởng các bài thơ của ông Timely Rain đã được xuất bản.
Không lâu trước khi ông viên tịch, trong một cuộc gặp gỡ với Samuel Bercholz của Nhà xuất bản Shambhala, Chögyam Trungpa bày tỏ sự mong muốn xuất bản 108 tập sách về các bài giảng của ông, gọi chung là Dharma Ocean Series (Loạt sách Đại dương chánh pháp). Đại dương chánh pháp chủ yếu là nội dung các bài giảng đã được biên tập lại giúp cho người đọc có thể tiếp cận một cách đơn giản và trực tiếp, chứ không phải dưới một hình thức hệ thống hóa và cô đọng quá mức. Năm 1991, cuốn sách đầu tiên trong loại sách xuất bản sau khi ông qua đời này, trí huệ Mê cuồng (Crazy Wisdom), đã ra mắt mọi người, tiếp theo là bảy cuốn nữa trong những năm sau đó.
Những cuốn sách đã xuất bản của Trungpa Ringpoche chỉ đại diện cho một phần di sản phong phú về các bài giảng của ông. Trong mười bảy năm giảng dạy ở Bắc Mỹ, ông đã gầy dựng nên những cơ cấu cần thiết để cung cấp cho học viên của mình một sự rèn luyện chánh pháp thấu đáo và có hệ thống. Từ những cuộc nói chuyện và những khóa học nhập môn cho đến khóa nhập thất trình độ cao theo nhóm, các chương trình này luôn chú trọng giữa học và hành, giữa tri thức và trực quan. Cuộc sống của tôi với Chögyam Trungpa là câu chuyện về cuộc đời của Trungpa Ringpoche qua lời kể của Diana Mukpo, vợ ông. Điều này cũng cho người ta thấy được nhiều hình thức khác nhau mà Trungpa Ringpoche đã khắc họa ra cho Phật giáo ở Bắc Mỹ.
Ngoài việc giảng dạy tích cực giáo lý đạo Phật, Trungpa Ringpoche cũng rất chú trọng đến việc phổ biến các giáo huấn Shambhala, nhấn mạnh tầm quan trọng của thiền thực hành, tạo sự đồng bộ giữa thân và tâm, rèn luyện đương đầu với những trở ngại và thách thức trong cuộc sống hàng ngày bằng một thái độ can đảm của một dũng sĩ. Xây dựng nên một xã hội giác ngộ là mục tiêu cơ bản của những giáo huấn Shambhala. Theo đường lối của Shambhala, việc thực hiện một xã hội giác ngộ không chỉ đơn thuần dựa vào các hoạt động bên ngoài như tham gia vào cộng đồng hoặc môi trường chính trị, mà còn qua sự đánh giá các ý nghĩa và khía cạnh thiêng liêng của cuộc sống thường ngày. Một cuốn sách thứ hai trong loạt giáo lý này, mang tên Mặt trời phương đông vĩ đại, được xuất bản năm 1999. Cuốn sách cuối cùng trong loạt này, Mĩm cười với nỗi sợ, ra mắt vào năm 2009.
Chögyam Trungpa từ trần năm 1987, ở cái tuổi bốn mươi bảy. Vào thời điểm qua đời, ông được biết đến không phải chỉ với danh vị Ringpoche (Bậc Tôn quý), mà còn là Vajracharya (Kim cương thủ), và Vidyadhara (Minh Trì), do vai trò đạo sư của ông trong các giáo lý kim cương thừa, hay giáo lý Mật tông của Phật giáo. Vì là người cai quản các giáo huấn Shambhala, ông còn được nhận danh hiệu Dorje Draddul (Dũng sĩ Bất diệt) và Sakyong (Người Bảo vệ Đất đai). Khi qua đời chögyam Trungpa để lại vợ, Diana Judith Mukpo, và năm người con trai. Con trai cả của ông, Sawang Ösel Rangdröl Mukpo, kế vị ông làm người lãnh đạo Vajradhatu (Kim cương giới). Nhận rõ tầm quan trọng của các giáo huấn Shambhala đối với sự nghiệp của thân phụ mình, Sawang đổi tên của hệ thống Vajradhatu thành Shambhala, chỉ giữ lại cái tên Vajradhatu cho bộ phận chính trong đó. Năm 1995, Sawang được nhận danh vị Sakyong của Shambhala giống như cha mình trước đây, và còn được công nhận là một hóa thân của đại sư trưởng Mipham Ringpoche.
Trungpa Ringpoche được mọi người nhìn nhận là một nhân vật then chốt trong việc giới thiệu giáo lý đạo Phật với thế giới phương Tây. Ông đã biết kết hợp kiến thức uyên thâm về truyền thống tôn giáo với sự đánh giá cao của mình đối với nền văn hóa phương Tây. Điều này chỉ ra một đường lối cách mạng trong việc giảng dạy chánh pháp, trong đó gác giáo lý cổ xưa và sâu sắc được trình bày một cách rất đương đại.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS