SHARE:
Nếu con không thiền định về vô thường con sẽ không xoay chuyển tâm con khỏi sự quan tâm vào cuộc đời này. Nếu con không xoay chuyển tâm con, con sẽ không thoát khỏi sanh tử luân hồi. Về vấn đề này, Nagarjuna đã nói trong Suhrïllekha, “Có nhiều thứ có thể làm hại đời sống của chúng ta, vì nó vô thường như một cái bọt trên mặt nước có thể tan vỡ vì gió. Thật là một phép lạ vĩ đại, sau khi thở ra chúng ta còn thở vào được một hơi khác và sau khi ngủ chúng ta còn thức dậy.”
Nói chung, mọi hiện tượng do duyên đều vô thường và đặc biệt đời sống của chúng sanh hữu tình thì vô thường như bọt nước. Con không bao giờ biết khi nào con sẽ chết. Không chắc chắn con sẽ không chết ngay bây giờ. Hơn nữa, vào lúc chết không có gì cứu giúp con được ngoại trừ Pháp. Nếu con làm việc cho những việc vô nghĩa của thế gian, con sẽ không thể vượt khỏi những nguyên nhân tạo ra khổ đau. Thế nên con hãy phát nguyện rằng bất cứ khi nào tâm con lang thang dù chỉ một khoảnh khắc theo những tư tưởng về thức ăn, y phục v.v… cho cuộc đời này, thì con sẽ nghĩ về cái chết.
Mọi hiện tượng hữu vi (do duyên), tùy thuộc vào những nhân duyên, thì vô thường. Điều này bao gồm cả động vật và bất động vật, chúng sanh và môi trường chung quanh. Một công trình kiên cố hôm nay có thể sụp đổ thành bụi ngày mai. Riêng sự sống của chúng ta thì cực kỳ mong manh và rất dễ dàng mất đi. Không có ai dám bảo đảm mình sẽ còn sống vào ngày mai và khi thời gian đã hết, không có bạn bè, y sĩ, thuốc thang, tiền bạc hay danh tiếng nào có thể ngăn chặn cái chết của bạn. Điều duy nhất có thể giúp đỡ là sự thực hành Pháp. Nếu bạn tích tập nhiều thiện nghiệp trong đời bạn, bạn có thể chết bình an và sẽ có một tái sanh tốt lành.
Bởi thế chớ ngu dại nghĩ rằng những lạc thú giác quan có thể đem lại cho bạn hạnh phúc lâu dài. Nếu bạn bị hấp dẫn bởi những cảnh vật đẹp đẽ, hãy nghĩ đến con thiêu thân chết khi lao vào sự cám dỗ của ngọn lửa như thế nào. Với âm thanh, hãy xem con chim bị tiếng chim giả kêu gọi của người thợ săn như thế nào. Những con ong bị hấp dẫn bởi hương thơm và mắc vào mạng lưới. Cá bị thu hút vào lưỡi câu vì tham muốn mùi vị của một con sâu… Nghĩ đến những thí dụ như vậy, hãy chuyển tâm thức bạn khỏi những lạc thú cuộc đời, thấy rằng chúng chỉ là nguyên nhân cho khổ đau thêm nữa. Thấu hiểu bạn có thể chết bất cứ khoảnh khắc nào, hãy chớ phung phí thời gian cho những điều vô ích. Hãy nhìn đồ ăn và y phục như một người tử tội nhìn bữa ăn và bộ quần áo cuối cùng.
Con nên tính lại bao nhiêu bạn bè, người thân đã ra đi khi giờ của họ đã tới và nghĩ họ chết cách nào, thân thể họ đã đưa ra nghĩa trang và không có gì còn lại. Con cũng không thể vượt khỏi một số phận như thế, con sẽ run sợ như người bị một đao phủ dẫn ra pháp trường. Chớ để tâm con thoát vào sự lang thang của ý tưởng. Khi con hoàn toàn mất mọi thích thú vào cuộc đời này, hãy thiền định vào trạng thái đó, hoàn toàn chìm sâu trong đó. Đây là thực hành sơ bộ thứ năm : thiền định về cái chết và vô thường.
Những thiền định này không phải để bạn chán nản. Nếu kết quả của chúng chỉ là bi quan, “Tôi sắp chết và tôi chẳng thể làm được gì cả”, bấy giờ thiền định chỉ là một nguyên nhân cho lo lắng và khổ sở. Toàn thể mục đích của thiền định về cái chết là thúc dục bạn thực hành Pháp, soi rọi luật nhân quả và bạn có thể làm gì để tác động lên những tái sanh tương lai của mình. Thiền định như thế sẽ kích thích bạn như một chiến sĩ khi bị đẩy ra đấu trường. Như Milarepa nói, “Tôi đã vào núi non vì tôi sợ chết. Nhưng bây giờ, thấy bản tánh Pháp thân của tâm thức tôi, thì dù cái chết có đến cũng chẳng hề hấn gì.”
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS