BỔN PHẬN ĐẠO ĐỨC

SHARE:

Không Làm Hại Là Bổn Phận Đạo Đức Tối Cao Nhất

Hãy thử nghĩ đến những việc nhỏ nhặt mà người khác làm khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ. Không phải những điều to tát như chiến tranh, tra tấn, hay giết người mà chỉ là những việc nhỏ thôi. Trễ hẹn, hỏi những câu ngớ ngẩn, chơi nhạc lớn tiếng, khen những câu không thật lòng, bỏ quá nhiều muối vào món ăn, ho một cách kỳ cục khi nhạc công đang biểu diễn, lái xe khệnh khạng, mang giầy dép đầy bùn đất vào trong nhà, nhai nhồm nhoàm, dùng điện thoại trong bữa tối, thân mật quá mức nơi công cộng, rải vụn bánh ra khắp sàn, nhận xét về hình thể của bạn, làm bạn lo lắng không cần thiết, không tập trung khi bạn đang nói, làm bừa bộn không gian sinh hoạt chung, nói chuyện điện thoại lớn tiềng nơi công cộng, tới thăm nhà bạn và ở lại ăn tối mà mãi không chịu về. Đó là mới kể sơ sơ thôi. Còn hằng hà sa số những việc đáng ghét khác – có lúc là cố ý, có lúc do vô tình. Và, trừ khi bạn là thánh, cũng sẽ có đôi lần trong cuộc sống bạn làm những việc như vậy, bằng sự thờ ơ và có khi là khoái trá của mình. Nhưng liệu đó có phải là lựa chọn đúng đắn nhất? Mặc dù bạn có thể thấy vui khi chọc phá người khác, nhưng việc không làm hại ai và tiến đến vị tha mới là điều nên làm.

Thoạt tiên không làm hại nghe có vẻ như một phẩm chất nhàm chán. Thử nghĩ tới niềm vui, cái đẹp, hay tình yêu mà xem; chỉ cần nhắc đến ta đã thấy hạnh phúc ẩn chứa trong đó rồi. Ngược lại, “vô hại” bị coi như một điều không nên có – đôi khi còn khiến người ta có cảm giác như bị sỉ nhục. Bạn có muốn người khác nhìn mình như là một người “vô hại” không?

Thế nhưng, không làm hại lại là phẩm chất nền tảng của mọi phẩm chất khác; giống như sự trong suốt của một lăng kính là điều kiện cần để nhìn xuyên qua nó, hay để có được một âm thanh trong trẻo thì điều kiện đủ là không thể có tạp âm.
Rắc rối ở đây là chỉ cần một chút xíu ý đồ không tốt cũng có thể gây ra thiệt hại rất lớn. Một khách hàng nữ của tôi từng có một giấc mơ thế này: Chồng cô ấy chuẩn bị một cái bánh ngọt rất tuyệt vời và cắt cho cô ấy ăn ngay sau khi lấy ra khỏi lò nướng. Đó là cái bánh trong mơ của cô ấy; có mùi thơm tuyệt hảo, nướng vừa chín tới, và có vị ngon không gì sánh bằng. Nhưng ngay sau khi đưa bánh vào miệng, cô ấy cảm nhận được có những hạt đắng nhỏ li ti trong nhân bánh, rất nhỏ thôi, nhưng đủ để làm hỏng mùi vị của nó và của cả giấc mơ ấy nữa. Ý nghĩa của giấc mơ được giải mã rất dễ dàng: Người chồng của cô sẵn lòng làm tất cả để khiến cô hạnh phúc; nhưng thi thoảng anh ta sẽ chợt nghĩ ra những ý tưởng tinh quái. Tuyệt nhiên, không có ai là hoàn hảo và những gì giấc mơ ấy nói lên rất rõ ràng.
“Không làm hại” là một khả năng có tính phủ định: nghĩa là không làm gì hại tới người khác. Nhưng nếu chỉ xét đến khía cạnh này thì sẽ không đủ để thể hiện tầm quan trọng sâu sắc của nó. Không làm hại cũng đồng thời là một phẩm chất chủ động: nó đòi hỏi sự nhận thức, kiềm chế, thông minh, và thiện chí.

Trong tác phẩm văn học cổ điển vĩ đại Mahabharata của Ấn Độ, không làm hại được xem là một trong những chủ đề chính – Câu chuyện kể về Jajali, một ẩn sĩ: Hai con chim nhạn xây tổ trên đầu ông và đẻ trứng ở đó. Ông không muốn làm quả trứng rớt bể, nên ông giữ yên toàn thân ở tư thế thiền, ngày này qua ngày khác, bất kể thời tiết tốt hay xấu; ông vẫn lặng yên và vững vàng như một tảng đá, giữ cái tổ cùng những quả trứng thăng bằng trên đầu. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ. Việc ấy vừa thận trong, liên tục không ngừng nghỉ, và đầy thầm lặng. Cuối cùng, khi những chú chim nhạn con ra đời, vị ẩn sĩ cảm thấy trong lòng chứa chan một tình cảm ấm áp dành cho chúng, như thể ông cũng là đấng sinh thành ra chúng vậy.

Không làm hại có lẽ là câu trả lời cho câu hỏi mà mỗi chúng ta thường tự hỏi bản thân: Thái độ của ta với mọi người xung quanh là gì? So sánh và ganh đua? Phán xét và chỉ trích? Lợi dụng hay bị lợi dụng? Thách thức, mỉa mai, thù ghét? Xa cách cùng thờ ơ? Sợ hãi và nghi ngờ? Hay là động viên, thân thiện, nhiệt thành, và hợp tác? Câu trả lời ẩn sâu bên trong và luôn vận động trong bản chất con người chúng ta, và đó là nơi ta nên tìm kiếm nó. Thái độ ngầm đó luôn tồn tại trong ta, tạo ra màu sắc riêng biệt cho mối quan hệ của ta với từng người xung quanh và tạo ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống của ta. Tự mình xem xét lại thái độ này sẽ không phải là một ý kiến tồi, bởi chỉ có cách ấy ta mới hiểu thêm về bản thân được.

Không có gì phải nghi ngờ khi nói rằng không làm hại là một thành tố không thể thiếu trong mối quan hệ. Nếu có ác tâm hiện diện trong nó, hẳn là mối quan hệ này sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp gì. Ví dụ như: có quá nhiều các cặp đôi sống trong sự ngờ vực và soi xét lẫn nhau, cha mẹ không tôn trọng con cái, đồng nghiệp đố kỵ nhau, bạn bè xấu chỉ chăm chăm dè bỉu và đổ tội cho nhau. Ngược lại, những mối quan hệ tốt thường tràn đầy cảm xúc tích cực, giúp ta trở nên minh mẫn và sáng tạo hơn. Do đó, người đầu tiên hưởng lợi từ thái độ và hành động không làm hại chính là người thực hành nó.

Không làm hại là phẩm chất thể hiện sự rắn rỏi, bởi nó đòi hỏi sự tự làm chủ được bản thân, và để rèn luyện nó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nó không đơn thuần chỉ là tính cách nổi bật của những người yếu đuối mà còn là thái độ của những người có lối sống bị coi là khác biệt, những người không màng tới quyền lực, không làm nhục hay đánh đập người khác, không thô lỗ, ồn ào, không chế giễu hay sân si khi tất cả những người xung quanh đều hành xử ngược lại. Từ những giá trị ấy, nó hình thành một nội lực phi thường mà về lâu dài giúp ta thấu suốt và phát triển bản thân tốt hơn nhiều so với những thế mạnh nhìn thấy được như tiền bạc, sự cạnh tranh, bới lông tìm vết, hay đe dọa người khác.

Đây có lẽ không phải việc dễ làm. Thử nghĩ mà xem, khi tôi ăn một phần bít-tết, tôi đang ăn thịt được làm từ một con thú bị giết hại một cách dã man, có khi còn bị ngược đãi trong suốt thời gian nuôi. Tôi ăn một trái chuối, và trái chuối đó được trồng trên một nông trại, nơi trẻ em bị bóc lột có hệ thống. Tôi mặc một chiếc áo nỉ được làm ra trong một nhà máy ở một quốc gia xa xôi, nơi những công nhân bị ép làm việc quá sức. Tôi lái xe hơi và thế là tôi đang góp phần làm ô nhiễm toàn cầu. Thậm chí khi tôi ăn những quả việt quất trái mùa được gửi bằng đường hàng không từ những vùng đất xa xôi – chỉ cần nghĩ tới thấy phí phạm rồi. Tôi uống cà phê, nhưng có lẽ nó được làm ra từ những cây cà phên bị phun nhiều loại thuốc trừ sâu gây nguy hiểm cho sức khỏe của những công nhân trồng nó, và những chất ấy bị cấm sử dụng ở quốc gia nơi tôi ở. Tôi tải lậu một bộ phim trên mạng, và thế là tôi đang tiếp tay cho những kẻ phá hoại công việc kinh doanh chân chính của những người đang bán cùng một bộ phim ấy. Bên cạnh đó, cách tôi hồi phục khỏi một căn bệnh lạ, nhờ vào việc nghiên cứu bằng thí nghiệm trên động vật thì càng khó chấp nhận hơn. Hơn nữa, khi tôi thắng một cuộc thi nhờ tài năng và sự chăm chỉ tập luyện, nhưng có thể tôi sẽ khiến cho người thua cuộc chìm vào vòng lẩn quẩn của sự trầm cảm. Phải chăng tôi không nên đăng ký dự thi ngay từ đầu?
Một khía cạnh nổi bật nhất, được biết đến rộng rãi nhất, và đôi khi gây tranh cãi nhiều nhất của không làm hại chính là khía cạnh chính trị. Đại diện nổi bật nhất của khía cạnh này là Gandhi. Hình mẫu mà ông theo đuổi là ahimsa, bất bạo động. Cụm từ ahimsa paramo dharma, nguyên văn trong tiếng Phạn có thể được diễn giải là: Bất bạo động (không làm hại) là bổn phận đạo đức tối thượng. Gandhi coi bất bạo động là nền tảng của mọi mối quan hệ, kể cả quan hệ chính trị. Đó không chỉ là né tránh bạo lực, hay bất cứ hành động đối đầu thù địch, làm nhục, hay sỉ vả từ phía đối phương. Thay vào đó, bất bạo động căn bản là kết thân với đối thủ chính trị bằng cách nâng tầm mối quan hệ giữa hai bên.

Đây là những nguyên tắc rất khắt khe và cũng khá mơ hồ. Bất bạo động có bản chất đối nghịch với thuyết chọn cái ít xấu xa hơn. Thường ta được nghe một nguyên tắc khá võ đoán rằng nếu muốn đạt được lợi ích cao nhất cho số đông, một vài hình thức bạo lực phải được áp dụng. Rằng nếu muốn tiêu diệt khủng bố thì phải đánh bom – tất nhiên là chỉ nhằm vào căn cứ quân sự, nhưng những sai lầm trong tính toán luôn có nguy cơ xảy ra. Nếu muốn cứu mạng một ngàn người vô tội, thì những hình thức tra tấn cơ bản phải được dùng đến (một số người nói vậy). Và nếu muốn làm món ốp-la, phải đập bể vài quả trứng, như lời Stalin nói. Khi phải giải quyết một bài toán về mặt đạo đức, người ta thường chọn phép tính ít xấu xa hơn để tránh khỏi nhúng chàm sâu hơn.

Nhưng ít xấu xa hơn thì vẫn là xấu xa. Bởi vậy những người đã làm điều xấu thì sẽ làm những điều tồi tệ hơn nữa, bởi sự xấu xa không chỉ làm vấy bẩn chính bản thân họ mà còn nhân rộng thêm. Thông qua ví dụ về sự hợp tác tạm thời với một chế độ tàn độc, Hannah Arendt đã chỉ ra, tại sao khi chọn cái ít xấu xa hơn lại dẫn đến gieo rắc sự độc ác và tàn bạo khắp muôn nơi. Bà cho rằng, việc chấp nhận cái ít xấu xa hơn là sự thỏa hiệp đầy rủi ro dẫn con người ta tới chỗ chấp nhận tất cả những thứ xấu xa. Việc xác định được trong hoàn cảnh nào thì những nguyên lý này mang tính đúng đắn tuyệt đối là một vấn đề phức tạp nằm ngoài giới hạn của quyển sách này.

Đây là những tình huống tiến thoái lưỡng nan gây nhức đầu và nhiều khi mang đậm tính nghịch lý nữa. Ví dụ: Liệu bạn có tra tấn người khác nhằm lất được thông tin quý giá để cứu nhiều mạng người? Tôi sẽ không làm vậy đâu. Nhưng nếu bạn phải giẫm lên ngón chân một người và làm người đó đau đớn tột độ để cứu một triệu mạng người khác, liệu bạn có làm không? Có lẽ tôi sẽ làm thế đấy. May thay việc hiểu được bản chất và lợi ích của cách sống không làm hại trong cuộc sống thường ngày đơn giản hơn rất nhiều.

Không người nào có thể tự nhận mình chưa từng làm hại ai bao giờ. Chỉ với một bước chân thôi con người cũng đã giẫm đè lên các vi sinh và giết chết chúng. Những thầy tu đạo Kỳ Na giáo có lẽ là những người tỉnh thức nhất, bởi họ luôn quét sạch đất phía trước mặt mỗi khi bước đi để tránh giẫm lên những sinh vật nhỏ hơn. Nhưng chỉ nội việc tồn tại, ăn uống hay đi lại thôi cũng đủ để chúng ta làm tổn thương tới các giống loài khác rồi. Chúng ta không thể hoàn toàn vô hại được. Nhưng chúng ta có thể nhận thức được mình là một mắt xích trong mạng lưới của những mối quan hệ với các sinh vật khác, từ đó nhận ra hậu quả của từng hành động mà chúng ta làm. Rồi tự nhiên chúng ta sẽ biết cần phải làm gì. Đó chính là định nghĩa toàn vẹn nhất của không làm hại.

Những người theo chủ nghĩa nhân đạo thấu hiểu sinh mạng con người mong manh như thế nào, tràn đầy lo âu, sợ hãi, và khổ đau ra sao. Triết gia Philo – người Alexandria từng nói: “Hãy rộng lòng với bất kỳ ai mà anh tiếp xúc, bởi mỗi người trong họ đều đang trải qua một trận đánh lớn”. Khắc ghi điều này trong lòng sẽ khiến chúng ta khoan dung hơn đôi phần. Không làm hại cũng liên quan tới một năng lực kỳ bí và vô cùng giá trị khác của chúng ta, là khả năng làm người khác cảm thấy thanh thản. “Gặp bạn xong tôi cảm thấy nhẹ nhõm quá!”, ai mà không muốn nghe những lời như vậy chứ? Đó là bởi ta không làm gì hại tới họ, vậy nên ta có thể phát huy hoàn toàn năng lực xoa dịu, hay thậm chí làm lành vết thương lòng của người khác, mà không gặp trở ngại gì. Năng lực ấy tiềm ẩn trong mỗi con người. Chỉ cần ta ở bên, không phán xét, không cố đưa ra lời khuyên hay trách móc, là đã giúp ích cho bất cứ ai đang trải qua đau khổ rồi.

Về tác giả:
Piero Ferrucci là một nhà trị liệu tâm lý và một nhà triết học. Ông tốt nghiệp Đại học Torino năm 1970. Ông được đào tạo bởi Roberto Assagioli , người sáng lập ra Psychosynthesis. Piero Ferrucci đã thực hành trị liệu tâm lý trong 35 năm qua và giảng dạy ở một số nước châu Âu.
💦💦💦🍄💦💦💦

GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ – PIERO FERRUCCI
Nguyên tác: The Power of Kindness
Người dịch: Phạm Quốc Anh
Tái bản lần thứ 4 – Nxb Hồng Đức, 2020

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: