SHARE:
Tác giả: Alexander Berzin, Sofia, Bulgaria, 2012
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển.
Tôi rất vui mừng hiện diện với tất cả quý vị chiều hôm nay. Tôi đã được yêu cầu nói về “Tại sao Phật Giáo?” dĩ nhiên đây là câu hỏi đáng quan tâm, một cách đặc biệt ở phương Tây, nơi mà chúng ta đã có những tôn giáo của chúng ta, vậy thì tại sao chúng ta cần Phật Giáo?
Tôi nghĩ thật quan trọng để hiểu rằng khi chúng ta nói về Phật Giáo, chúng ta có nhiều phương diện khác nhau đối với Phật Giáo. Đấy là những gì chúng ta có thể gọi là khoa học Phật Giáo, tâm lý học Phật Giáo, và tín ngưỡng Phật Giáo:
* Khi chúng ta nói về khoa học Phật Giáo, điều này liên hệ đến những thứ như luận lý (logic), chúng ta biết về mọi thứ như thế nào, và một cách căn bản quan điểm về thực tại – vũ trụ đã hiện hữu như thế nào, v.v…, những thứ này – sự liên hệ giữa tâm thức và vật chất. Và tất cả những thứ này đang đối diện với những chủ đề khoa học, và Phật Giáo có rất nhiều để cống hiến trong những lãnh vực này.
* Rồi thì tâm lý học Phật Giáo đối diện với tình trạng khác nhau của cảm xúc, một cách đặc biệt những cảm xúc quấy rầy những thứ làm chúng ta phải có vô số phiền toái (giận dữ, ganh tỵ, tham dục,…). Và Phật Giáo thì rất phong phú về những phương pháp trong việc đối phó với những rắc rối sinh khởi từ những cảm xúc quấy rầy như thế nào.
* Tín ngưỡng Phật Giáo, trái lại, đối diện với những khía cạnh nghi lễ, cầu nguyện; nó đối diện với những chủ đề như tái sanh. Và đấy cũng là một lãnh vực rất dồi dào.
Thế nên, khi chúng ta hỏi, “Tại sao Phật Giáo? Chúng ta cần gì đối với Phật Giáo ở phương Tây trong thế giới tạm bợ này?” thế thì tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhìn một cách đặc biệt ở khoa học Phật Giáo và tâm lý học Phật Giáo. Nếu người ta quan tâm trong những khía cạnh tín ngưỡng Phật Giáo hơn, điều ấy rất tốt; không hề gì. Nhưng tổng quát má nói thật không dễ dàng gì nếu quý vị chuyền từ một tôn giáo này qua một tôn giáo khác, và đối với hầu hết mọi người nó tạo nên xung đột trong chính họ, sự xung đột thành tín, và một cách đặc biệt có thể tạo ra rắc rối trong thời khắc lâm chung – quý vị rất bối rối về những gì thật sự tin tưởng.
KHOA HỌC PHẬT GIÁO
Luận lý (logic)
Luận lý là một bộ phận rất quan trọng của sự tu tập Phật Giáo, và phương thức mà nó được học tập là trong hình thức của sự tranh luận. Vậy thì mục tiêu của tranh luận là gì? Mục tiêu của sự tranh luận không phải là thắng đối thủ của ta, để chứng minh đối thủ là sai. Nhưng đúng hơn, toàn bộ sự tranh luận là có một người nào đấy ủng hộ, và họ tuyên bố một vị thế nào đấy hay một sự thấu hiểu nào đấy về một điểm nào đấy của giáo huấn nhà Phật và một người khác thử thách sự thấu hiểu của họ và đang cố gắng để thử nghiệm người khác để thấy họ vững vàng như thế nào trong sự thấu hiểu của họ. Và nếu quý vị tin tưởng điều này hay điều nọ, thế thì một cách hợp lý có điều gì khác đi theo nó. Và nếu những gì đi theo nó là vô lý, không có ý nghĩa gì, thế thì có điều gì đấy sai lầm với sự thấu hiểu của quý vị. Cho nêu thật quan trọng nếu chúng ta đang thấu hiểu điều gì liên hệ đến những nhân tố căn bản về thực tại một cách sâu sắc, hãy nói, chẳng hạn như sự vô thường, thế thì chúng ta muốn – điều gọi là quán chiếu – chúng ta muốn tư duy một cách sâu sắc về nó là làm nó thành một bộ phận trong cung cách mà chúng ta nhìn thế giới.
Mọi thứ đang thay đổi từ thời khắc này đến thời khắc khác, và đấy là điều gì đó thật quan trọng để thấu hiều trong dạng thức của sự hòa bình tinh thần phổ quát của chúng ta. Thì dụ, quý vị mua một máy điện toán mới, và rồi thì nó hư hỏng, và quý vị khó chịu về nó: “Tại sao nó hư?” và v.v… Nhưng nếu quý vị nghĩ về nó một cách hợp lý, rõ ràng lý do mà nó hư là vì nó được tạo ra. Bởi vì nó được làm ra từ nhiều bộ phận khác nhau và nhiều thứ khác nhau được phối hợp lại, thế thì nó không ổn định, và dĩ nhiên ở một điểm nào đó nó sẽ bị hư.
Ngay cả nếu chúng ta gặp một người nào đấy và chúng ta phát triển một mối quan hệ thân hữu mạnh mẽ hay ngay cả là một sự hợp tác, cuối cùng nó chấm dứt. Vậy thì tại sao nó chấm dứt? Tại sao chúng ta chia tay? Chúng ta chia tay vì chúng ta gặp gở. Mỗi thời khắc sau khi chúng ta gặp gở, mọi tình huống và mọi nhân duyên đã thay đổi trong đời sống của người này và trong cuộc sống của ta. Những tình huống đã làm nên sự khởi đầu mối quan hệ thân hữu của chúng ta không còn hiện hữu nữa, và mối thân hữu lệ thuộc trên tất cả những điều kiện này, à, khi nó chấm dứt, dĩ nhiên nó sẽ chấm dứt, bởi vì những nhân duyên hổ trợ nó đã thay đổi. Cho nên sự kiện cuối cùng điều dường như đối với chúng ta làm nên sự đổ vở – một sự tranh luận, hãy nói thế – chỉ là điều kiện làm cho mối thân hữu kết thúc. Nếu không phải là điều kiện ấy, nó phải là điều gì khác. Nhưng nguyên nhân thật sự làm nó đi đến chấm dứt bởi vì nó đã khởi đầu hình thành.
Thế nên cùng sự kiện như vậy trong hình thức đời sống của chúng ta (đây là thái độ của Phật Giáo đối với sự chết): Lý do tại sao chúng ta chết? Lý do là chúng ta đã được sinh ra. Bệnh tật hay tai nạn chỉ là trạng huống của sự chết. Vì vậy nếu quý vị được sinh ra, quý vị sẽ chết. Đơn giản. Đấy là thực tại. Đây là những phương diện của khoa học Phật Giáo, và điều này là hợp lý. Do vậy trong một sự tranh luận, người khác muốn thử nghiệm sự thấu hiểu của ta về điều này và cố gắng để tìm ra những lỗ hổng trong sự tranh luận của ta:
* “À, bạn có thể nói, ‘Nếu tôi không ăn món này hay không đi đến chỗ này, tôi sẽ không chết.'”
* Trái lại người kia sẽ nói, “Vâng, nhưng sẽ có những tình huống khác. Bởi vì bạn được sanh ra, thì bạn sẽ chết.”
Thế nên, giống như thế, qua luận lý, qua tranh luận, chúng ta đi đến một sự thấu hiểu rõ ràng không có một sự do dự nào (“Nó giống như thế này, hay nó giống như thế kia chứ?”). Cách ấy, sự thấu hiểu của chúng ta trở nên thật vững vàng, rất ổn định. Và cho dù chúng ta thực hành thiền quán sau đấy hay bất cứ điều gì, nó trở nên hiệu quả hơn nhiều. Cho nên loại thảo luận, tranh luận, lý luận này rất hữu ích cho bất cứ người nào trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta rất thường nghĩ trong những cách rất mù mờ; chúng ta không nghĩ về những hậu quả của những hành động chúng ta làm hay những hậu quả của những cách chúng ta suy nghĩ. Cho nên nếu chúng ta có thể học suy nghĩ một cách hợp lý, rồi thì chúng ta càng ít có rắc rối trong đời sống của chúng ta.
Cho nên đây là khía cạnh khoa học của Phật Giáo.
Thực tại
Rồi thì trong hình thức của thực tại, một điểm mà chúng ta đã thảo luận trong hình thức của sự vô thường. Mọi thứ đang thay đổi từng thời khắc và đang tiến gần hơn đến sự chấm dứt của nó. Đây là thực tại. Nó đúng về tuổi tác của chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ, “Ô, mỗi ngày tôi đang già hơn” và nghĩ, “À, tốt thôi,” nhưng bao nhiêu người trong chúng ta nghĩ mỗi ngày rằng: “Tôi đang tiến gần tới cái chết. Đây đúng là thực tại”? Nhưng nếu chúng ta tỉnh thức về điều ấy, rằng mỗi ngày chúng ta tiến gần tới sự chết của chúng ta và rằng sự chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đấy là sự thật, thế thì chúng ta sẽ không lãng phí thời gian của chúng ta. Chúng ta sẽ không để mọi thứ đến ngày mai, ngày mai, ngày mai, mà chúng ta sẽ sử dụng đời sống của chúng ta trong một cung cách đầy đủ ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể. Và điều đầy đủ ý nghĩa nhất là cố gắng để làm lợi ích cho người khác. Thế nên đây là thực tại. Và rất hữu ích để nghĩ, “Nếu đây là ngày cuối cùng của tôi, thì những gì mà tôi muốn làm trong ngày cuối cùng ấy? Chúng ta sử dụng nó trong một cung cách đầy đủ ý nghĩa nhất như thế nào?” Bởi vì chúng ta không bao giờ biết khi nào là ngày cuối cùng của ta. Chúng ta có thể bị xe đụng khi rời phòng này. Điều này không có nghĩa là làm cho chúng ta chán nản; mà nó có nghĩa là làm cho chúng ta sử dụng thời gian của chúng ta một cách đầy đủ ý nghĩa hơn.
Một thí dụ khác trong dạng thức về thực tại. Hãy tưởng tượng ở trong một thang máy với mười người khác, và thang máy bị kẹt. Quý vị bị kẹt trong thang máy với mười người trong cả ngày. Bạn sẽ đối xử thế nào với nhau? Nếu bạn bắt đầu đánh nhau, nếu bạn bắt đầu tranh luận, và v.v…, cảnh tượng sẽ như địa ngục trong thang máy này. Cách duy nhất mà quý vị có thể tồn tại là nếu mọi người là hữu dụng, thân hữu, và tử tế với nhau, bởi vì tất bị kẹt trong thang máy với nhau; tất cả quý vị cùng ở trong một hoàn cảnh. Cho nên điều này là hợp lý. Đây là lý trí, có phải không? Thế nên khi chúng ta mở rộng điều này đến toàn thể hành tinh: Toàn bộ hành tinh giống như một thang máy khổng lồ, và chúng ta tất cả đều bị kẹt trong hành tinh này với nhau. Nếu chúng ta tranh luận và đấu đá với nhau, nó chắc chắn chỉ trở nên khốn khổ cho mọi người. Cho nên cách duy nhất mà chúng ta có thể tồn tại bằng cách mọi người phải thân hữu và ân cần và hữu ích với nhau, bởi vì tất cả chúng ta ở đây với nhau và tất cả chúng ta ở trong cùng một hoàn cảnh. Chúng ta thở cùng một không khí; chúng ta chia sẽ cùng đại dương, nước, và đất. Tất cả chúng ta cùng ở trong một thang máy. Thế nên giống như thế. Đây là thực tại cùng với lý trí.
Cũng thế chúng ta tưởng tượng và trù tính phóng túng. Chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta và những người khác không có bất cứ hậu quả nào. Cho nên, “Tôi có thể không có một nền học vấn tốt, tôi có thể lười biếng, và thế nào đấy điều này sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào trong đời sống của tôi; tôi sẽ vẫn thành công.” Hay rằng “Tôi có thể đi trể, hay tôi có thể nói lời độc ác với bạn, và sẽ không có hậu quả nào.” Nhiều người xem người khác không thật sự có những cảm giác. Họ không bao giờ nghĩ rằng những gì họ nói ra có thể làm tổn thương người khác. Thế nên “Tôi có thể đi trể, và không hề gì.” Tốt thôi, đây không phải là thực tại. Đây là một vọng tưởng của sự trù tính phóng túng về nguyên nhân và hậu quả. Nhưng thực tại là mọi người có cảm xúc, đúng như tôi làm, và những gì tôi nói và tôi hành động như thế nào sẽ có ảnh hưởng đến cảm xúc của quý vị, đúng như cách mà bạn đối xử với tôi sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi. Đấy là thực tại có phải không? Và càng hiểu và giữ chánh niệm về điều ấy, chúng ta càng quan tâm đến chúng ta và người khác. Chúng ta có thể quan tâm về vấn đề chúng ta ảnh hưởng đến họ như thế nào và chúng ta điều chỉnh thái độ của chúng ta cho phù hợp.
Hay tôi có thể tưởng tượng rằng tôi tồn tại một cách độc lập với mọi người khác. Đây cũng không là thực tại, có phải không? Nếu tôi nghĩ như vậy, rồi thì tôi có thể nghĩ, “tôi nên luôn luôn lo cho tôi. Tôi là quan trọng nhất. Thế nên tôi nên luôn luôn được phục vụ trước nhất trong nhà hàng,” và nếu chúng ta không có cách mà chúng ta muốn, chúng ta sẽ vô cùng khó chịu, rất giận dữ. Nhưng rắc rối dĩ nhiên là mọi người khác nghĩ rằng họ là người quan trọng nhất và không ai sẽ đồng ý rằng chúng ta quan trọng nhất. Cho nên đây là vọng tưởng của chúng ta. Đây là sự suy nghĩ phóng túng của chúng ta. Đây không phải là thực tại. Không ai là trung tâm của vũ trụ. Không ai là quan trọng nhất. Tất cả chúng ta bình đẳng trong ý nghĩa rằng mọi người muốn được yêu thích, không ai thích bị ghét bỏ. Mọi người trong nhà hàng đang chờ đợi được phục vụ muốn có thức ăn của họ, không chỉ riêng ai. Mọi người chờ đợi trong văn phòng bác sĩ muốn đến lượt họ, không chỉ riêng ai. Thế nên tất cả là bình đẳng. Xét cùng đây là thực tại.
Khoa học Phật Giáo và khoa học Phương Tây
Đây là phần khoa học Phật Giáo, để thấu hiểu thực tại và để điều chỉnh thái độ của chúng cho phù hợp. Dĩ nhiên có những khía cạnh của giáo lý về thực tại. Và thực hấp dẫn về vấn đề khoa học Âu Mỹ đang bắt đầu tìm thấy nhiều vấn đề từ khoa học Phật Giáo là đúng đắn – những cung cách khác nhau về nhìn vào sự vật những điều mà chúng không được quan tâm trước đây.
Thí dụ, chúng ta có trong khoa học Âu Mỹ về luật bảo toàn năng lượng: vật chất và năng lượng có thể hoặc không được tạo ra hoặc không bị mất đi (mọi vật không tự sanh ra hoặc mất đi, mà nó chỉ chuyển biến từ vật này qua vật khác), chỉ là chuyển hóa. Nếu chúng ta nghĩ trong hình thức ấy, những gì theo luận lý ấy là không có bắt đầu và không có chấm dứt. Cho nên khi nghĩ về dạng thức Big Bang (sự nổ lớn), thế thì chúng ta có thể nghĩ về sự Big Bang không đến từ đâu – nó bắt đầu từ không vật gì – nhưng theo quan điểm của Phật Giáo là có điều gì đấy trước khi Big Bang. Phật Giáo không phản đối gì đối với Big Bang như sự khởi đầu của vũ trụ đặc thù này, nhưng đã từng có vô số vũ trụ trước đây và sẽ có vô số vũ trụ sau này. Và khoa học Âu Mỹ cũng đang từ từ bắt đầu suy nghĩ trong những dạng thức này. Và cũng hợp lý từ quan điềm của khoa học Âu Mỹ. Cho nên ở đây một lần nữa chúng ta đi đến luận lý hợp lý. Nếu chúng ta tin tưởng rằng vật chất vầ năng lượng có thể không được tạo ra cũng không bị mất đi mà chỉ là chuyển hóa, thế thì hoàn toàn mâu thuẩn với lý luận được thừa nhận, “Nhưng có một sự bắt đầu trong Big Bang.” Cho nên đây là một thí dụ về áp dụng luận lý Phật Giáo và sự tranh luận Phật Giáo để đặt vào những vị trí ta có trong khoa học Âu Mỹ.
Một trong những sự thừa nhận chính trong khoa học Phật Giáo là sự liên hệ giữa tâm thức và vật chất. Tâm thức và vật chất là liên hệ hổ tương. Ta không thể quy gọn tâm thức chỉ để vừa trong bộ não hay trong một tiến trình hóa học nào đấy. Quý vị thấy, rắc rối là khi quý vị sử dụng từ ngữ ‘tâm thứ’ thì quý vị có khuynh hướng nghĩ về nó như hiện hữu một loại vật thể nào đấy, nhưng nó không là khái niệm của Phật Giáo. Khái niệm Phật Giáo đang nói về hoạt động tinh thần. Và hoạt động tinh thần – là thứ có nghĩa là biết về sự vật – chúng ta có thể diễn tả nó bằng một tiến trình hóa học hay điện từ nào đó trong não bộ, nhưng chúng ta cũng có thể diễn tả nó từ quan điểm kinh nghiệm, và chính quan điểm kinh nghiệm này mà chúng ta đề cập đến khi chúng ta nói về tâm thức.
Và những nhà y học cũng đang khám phá ra rằng nó đúng về những gì Phật Giáo nói, đấy là thể trạng tâm thức của chúng ta, phẩm chất đời sống kinh nghiệm của chúng ta, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thân thể của chúng ta. Cho nên nếu chúng ta có hòa bình của tâm thức, sự tĩnh lặng nội tại… Đó có nghĩa là tự do với những lo lắng và phiền hà triền miên và suy nghĩ trong một cung cách tiêu cực bi quan. Nếu chúng ta nghĩ trong những cung cách tiêu cực này, nó sẽ làm tổn hại thân thể của chúng ta. Trái lại, nếu chúng ta suy nghĩ lạc quan, ân cần về người khác, một cách thân hữu, tĩnh lặng – điều này làm hệ thống miễn nhiễm mạnh mẽ lên, và nó đưa đến sức khỏe tốt đẹp hơn. Cho nên y khoa, trong nhiều trung tâm khác nhau khắp thế giới, đang thực hiện những nghiên cứu về điều này, và họ khám phá ra những gì Phật Giáo nói là đúng, rằng thể trạng tâm thức chúng ta ảnh hưởng đến thân thể, nó cũng ảnh hưởng đến vật chất. Và chúng ta có nhiều chương trình ở Âu Mỹ hiện đang sử đang sử dụng những gì được biết như thiền “chánh niệm” cho việc khống chế đau đớn để giúp con người đối phó với căng thẳng, đau đớn, và những tình trạng khó khăn. Điều này đang được lưu lại trên việc tập trung vào hơi thở, giúp chúng ta tĩnh lặng. Nó nối kết chúng ta với trái đất, trong một ý nghĩa, với một yếu tố vật chất, vì thế chúng ta sẽ không khó chịu về tư tưởng , “Tôi, tôi, tôi và nồi đau và nổi lo lắng của tôi” và Tôi quá khó chịu”. Cho nên ta lắng dịu xuống và vô cùng hữu ích cho việc đối phó với sự đau đớn. Thế nên chắc chắn chúng ta không theo Đạo Phật nhằm để lợi lạc từ những phương pháp như vậy.
Do vậy, đây là khoa học Phật Giáo.
TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
Bây giờ, tâm lý học Phật Giáo đối diện với vấn đề chúng ta biết sự vật như thế nào, vì thế nói cách khác khoa học nhận thức (sự khác nhau giữa tâm lý học và khoa học không quá tuyệt đối). Do vậy chúng ta có sự nghiên cứu về những cung cách hiểu biết – chúng ta biết sự vật như thế nào? – và chúng ta cũng có vấn đề chúng ta đối phó với những rắc rối cảm xúc như thế nào. Đây là hai lãnh vực của tâm lý học Phật Giáo.
NHỮNG CUNG CÁCH HIỂU BIẾT SỰ VẬT
Điều rất quan trọng là có thể nhận ra sự khác biệt giữa những cung cách thấu hiểu có căn cứ hợp lý và những cung cách thấu hiểu không có căn cứ hợp lý hay hiểu biết sự vật. Phật Giáo có nhiều cách nói về điều này. Một cung cách thấu hiểu có căn cứ hợp lý về điều gì đấy được định nghĩa như một cung cách hiểu biết cả chính xác và dứt khoát. Chính xác có nghĩa nó là đúng đắn – nó tương ứng với thực tại; nó có thể là có giá trị đối với người khác. Và dứt khoát có nghĩa là chúng ta chắc chắn; chúng ta xác định. Nó không là một thể trạng của tâm thức: “À, có thể nó giống như thế này, hay nó có thể là như thế kia, nhưng tôi không thật sự biết.”
Vậy thì đâu là cung cách hiểu biết sự vật có căn cứ hợp lý? Chúng ta có thể có những gì được biết như nhận thức trần trụi. Đây là sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, và cảm nhận về một cảm giác nào đó (và chúng ta cũng có những thứ này trong giấc mơ, và thế thì nó là tinh thần). Cho nên khi chúng ta thấy người nào đấy, điều này cần chắc chắn. Nó không luôn chắc chắn: “Tôi nghĩ tôi thấy điều gì đấy ở đó, nhưng tôi không hoàn toàn chắc chắn.” “Tôi ngĩ tôi đã thấy bạn ở trong đám đông, nhưng tôi không hoàn toàn chắc chắn. Tôi nghĩ tôi thấy bạn, nhưng thật sự đó là người khác.” Tôi nghĩ bạn nói điều này, nhưng có lẽ tôi đã sai và tôi đã nghe khác hơn.” Điều đó không có giá trị, có phải không? Điều này không chính xác và dứt khoát.
Và có thể có nhiều nguyên nhân cho sự bóp méo này. Giống như tôi lấy mắt kính ra và tôi chỉ thấy lờ mờ trước mắt tôi. Nhưng nếu bạn không tồn tại như sự lờ mờ, phải thế chứ? Có điều đó sai lầm với đôi mắt của tôi, và đấy là tại sao nó nhìn méo mó. Nếu tôi hỏi người nào khác, “Bạn có thấy một hình ảnh lờ mờ ở đó không? Họ sẽ nói không, vì thế tôi biết rằng đây là sự sai lầm của tôi.
Cho nên chúng ta có nhận thức trần trụi, và ở đây chúng ta nói về nhận thức chính xác và dứt khoát.
Và cũng thế giá trị là sự thấu hiểu suy luận. Nó phải là một thứ có giá trị, có căn cứ, không phải là một thứ không đúng. Suy luận. Lý trí. “Nơi nào có khói thì nơi đó có lửa” là một thí dụ cổ điển. Quý vị thấy khói bay ra từ một ống khói trên một ngọn núi xa. Cho nên chúng ta có một nhận thức có giá trị, có căn cứ – chúng ta thấy khói – và chúng ta có thể kết luận về một ngọn lửa (chúng ta không thật sự thấy lửa). Nói nào có khói, nơi ấy phải có một ngọn lửa. Cho nên đấy là có căn cứ.
Nhưng có điều gì đó mà quý vị ngay cả không thể biết bằng luận lý, giống như tên của một người sống trong căn nhà ấy, và vì thế quý vị cần một nguồn cội có căn cứ về tin tức. Đó cũng là một loại suy luận – rằng con người là là một nguồn thông tin có giá trị, cho nên những gì họ nói là đúng. Thí dụ tốt nhất cho điều ấy là: “Khi nào là sinh nhật của tôi?” Không có cách nào chúng ta có thể tự biết ngày sinh của chúng ta. Cách duy nhất mà chúng ta có thể biết về ngày sinh của chúng ta là qua việc hỏi mẹ chúng ta hay thấy trong giấy khai sinh, vì thế nó là một nguồn thông tin có giá trị, có căn cứ.
Có nhiều hình thức suy luận. Có sự suy luận căn cứ trên những quy ước được biết rõ: Bạn nghe một âm thanh. Bạn biết rằng nó là một chữ thế nào? Và bạn biết ý nghĩa nó thế nào? Đấy hoàn toàn là một tiến trình kỳ diệu nếu bạn nghĩ về nó. Chúng ta chỉ nghe âm thanh, một cách căn bản, nhưng bởi vì chúng ta đã học hỏi những quy ước nào đó, chúng ta suy luận khi chúng ta nghe âm thanh này rằng nó là một âm thanh của một chữ. Và chúng ta suy luận rằng nó có một ý nghĩa nào đó. Dĩ nhiên chúng ta đôi khi phải kiểm soát bởi vì chúng ta nghĩ rằng một người có nghĩa gì đó bởi những gì họ nói khi họ thật sự có nghĩa gì đó hoàn toàn khác biệt.
Vậy thì đây là những gì chúng ta nói đến khi chúng ta nói về khía cạnh tâm lý học Phật Giáo, khoa học nhận thức. Chúng ta phải kiểm soát. “Tôi suy luận từ những gì bạn nói đấy là những gì bạn muốn nói, nhưng điều ấy đúng hay không?” Rất thường chúng ta hiểu sai những những gì người khác muốn nói, có phải thế không? Người nào đó nói “Tôi yêu bạn,” và chúng ta có thể nghĩ rằng điều ấy có nghĩa là họ hấp dẫn tình dục với chúng ta, trái lại hoàn toàn không phải như thế trong ý nghĩa của họ. Rất nhiều sự hiểu biết sai lạc có thể xảy ra do bởi những sự suy luận không đúng đắn.
Cho nên nếu nó là một sự suy luận có căn cứ, thì nó chính xác và dứt khoát.
Sự giả định là nó không giá trị. “Tôi đoán chừng là bạn muốn nói thế, nhưng tôi không chắc.” Sự giả định một cách căn bản là một sự phỏng đoán. “Tôi phỏng đoán đây là những gì bạn muốn nói.” Nó có thể là đúng, có thể là sai, nhựng không dứt khoát. “Tôi nghĩ rằng đây là những gì bạn nói.” Đó là sự giả định. Nhưng chúng ta không chắc.
Rồi thì có sự không dứt khoát chập chờn: “Bạn muốn nói thế này chứ, hay bạn muốn nói thế kia chứ?” Chúng ta tiến thoái.
Và rồi thì có một nhận thức bóp méo, vọng tưởng, chỗ mà chúng ta nghĩ điều gì đấy hoàn toàn sai lạc. Đây hoàn toàn không là những gì người kia muốn nói.
Vì vậy đây vấn đề nhận thức hoạt động như thế nào, và Phật Giáo nói đến một sự đối diện phong phú về điều này. Nó rất hữu ích đối với chúng ta để thấu hiểu, từ bất cứ loại quá khứ nào, “Có phải cung cách hiểu biết của tôi về điều đúng đắn này hay sai lầm này không?” Nếu tôi vẫn không chắc, rồi thì tôi cần nhận ra điều ấy và cố gắng để sửa sai nó, cố gắng để cuối cùng tìm ra thực tại là gì. Cho nên điều này thật hữu ích với bất cứ người nào. Bạn không cần tín ngưỡng và nghi thức Phật Giáo cho điều này.
CẢM XÚC PHIỀN NÃO
Rồi thì một chủ để chính khác của tâm lý học Phật Giáo phải làm với những cảm xúc. Chúng ta có cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực. Những cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc phiền não; chúng quấy rầy sự hòa bình tâm hồn của chúng ta. Chúng ta nói về những thứ như giận dữ. Sự định nghĩa là đây là một tình trạng của tâm thức, là thứ khi nó sinh khởi, nó làm chúng ta đánh mất sự hòa bình của tâm hồn – vì thế chúng ta trở nên hơi khó chịu, hơi lo sợ – và nó làm cho chúng ta đánh mất sự tự kiểm soát. Thế nên khi chúng ta giận dữ, năng lượng của chúng ta – chúng ta có thể cảm nhận nó, nó bị quấy rầy. Và chúng ta nói và làm những việc mà sau này chúng ta có thể hối hận. Chúng ta đúng là hành động bị thúc đẩy từ nội tâm.
Chúng ta nghe nhiều trong Phật Giáo về nghiệp báo. Và nghiệp báo là những gì được nói là khía cạnh bị thúc đẩy cưỡng bách trong thái độ của chúng ta căn cứ vào thói quen trước đấy. Cho nên khi chúng ta có sự dính mắc hay tham dục mạnh mẽ, thế thì một lần nữa chúng ta không trầm tĩnh – chúng ta khó chịu bởi vì chúng ta muốn làm một việc gì đó – và một lần nữa chúng ta không có sự tự kiểm soát, giống như với sô-cô-la, mà chúng ta chỉ ăn nó mà thôi.
Cho nên đây là những cảm xúc phiền não. Nhưng về mặt khác, có những cảm xúc tích cực. Phật Giáo không nói về việc từ bỏ mọi cảm xúc của chúng ta. Có những thứ như từ ái, niềm mong ước cho người khác được hạnh phúc và có những nguyên nhân của hạnh phúc bất chấp những gì họ làm, bất chấp vấn đề họ đối xử với ta hay với người thân ta như thế nào. Và có bi mẫn, niềm mong ước được tự do khỏi khổ đau và những nguyên nhân của khổ đau. Có nhẫn nhục. Có sự tôn trọng. Thế nên cũng có nhiều cảm xúc tích cực. Vì vậy, chúng ta cần học hỏi để có thể phân biệt giữa những gì xây dựng và những gì phá hoại trong những cảm xúc của chúng ta và trong cung cách hành động của chúng ta. Và Phật Giáo rất phong phú trong giáo huấn không chỉ trong tất cả những tình trạng cảm xúc khác nhau này mà chúng ta có thể nhận ra chúng, mà cũng giàu có trong những phương pháp để giúp chúng ta lìa bỏ những tình trạng phiền não của tâm thức.
Do thế, quý vị nhớ chúng ta đã nói về những nhận thức sai lầm, về những vọng tưởng của những gì đúng là không thật? Một trong những vọng tưởng quan trọng nhất là về vấn đề chúng ta hiện hữu như thế nào? Như tôi đã nói, trong phương cách rất giản dị, chúng ta nghĩ rằng chúng ta là người quan trọng nhất, rằng chúng ta hiện hữu thuần nhất bởi chính chúng ta và chúng ta nên luôn luôn có cách của chúng ta, và mọi người phải thích chúng ta. Những gì rất đáng quan tâm để nghĩ trong dạng thức: “Không phải tất cả mọi người thích Đức Phật, thế nên tại sao tôi phải mong đợi mọi người sẽ thích tôi?” Một lời tuyên bố rất hữu ích để nhớ đến.
Do thế, thế nào đi nữa, chúng ta nghĩ trong dạng thức: “Tôi là thứ thuần nhất này ngồi trong đầu tôi, tác giả của giọng nói diễn ra trong đầu tôi, lo lắng về vấn đề ‘Tôi nên làm gì? Người ta nghĩ về tôi ra sao?‘” Giống như có một cái ‘tôi’ nho nhỏ ngồi trong đầu thấy tất cả mọi thông tin xuất hiện trên màn ảnh và cái loa lớn từ những cảm giác và bấm nút làm cho thân thể tôi chuyển động hay lời nói hoạt động: “Bây giờ hãy làm việc này. Bây giờ hãy nói điều ấy.” Thế nên đây là một nhận thức phiền não về chính chúng ta. Làm sao chúng ta biết nó là phiền não? Bởi vì tất cả chúng ta cảm thấy không an toàn. Nghĩ ngợi như thế, có sự không an toàn và lo lắng này về chính tôi. “Người ta nghĩ về tôi thế nào?” v.v…, v.v…
Vậy thì điều gì xảy ra là chúng ta có những vọng tưởng này không chỉ về chính chúng ta mà rồi thì về mọi thứ chung quanh chúng ta. Chúng ta thấy nhiều đối tượng khác nhau, và chúng ta thổi phồng những phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta. Chúng ta vọng tưởng ngay cả những phẩm chất tốt đẹp mà chúng không có. Giống như khi chúng ta yêu một người nào đấy, “Họ là người tuyệt vời nhất trên thế giới.” Chúng ta hoàn toàn lãng quên những khuyết điểm mà họ có thể có. “Họ là đẹp nhất, người đáng ao ước nhất mà tôi đã từng thấy.” Và rồi thì nếu chúng ta không có họ, lòng tham muốn mong đợi: “Tôi phải có người ấy như một người phối ngẫu của tôi, như một người bạn của tôi.” Và nếu chúng ta có họ như bạn của chúng ta, sự dính mắc “chúng ta không rời xa) và tham muốn (chúng ta muốn bên họ nhiều hơn và nhiều hơn).
Vậy thì đây là một tình trạng phiền não của tâm thức, có phải không? Chúng ta cần thấy thực tại: mọi người có những điểm mạnh, những điểm yếu. Chúng ta thường nghĩ, và điều này hoàn toàn không thật, rằng: “Tôi là người quan trọng nhất. Thế nên tôi là người duy nhất trong đời bạn. Bạn nên dành mọi thời gian của bạn cho tôi,” và chúng ta hoàn toàn lãng quên rằng họ cũng có những người khác trong đời họ, những thứ khác mà họ liên hệ, không chỉ chúng ta. Thế nên chúng ta giận dữ. Chúng ta cảm thấy không an toàn. Và nếu họ không gọi chúng ta, chúng ta thổi phồng những phẩm chất tiêu cực của họ, và chúng ta không muốn thấy những phẩm chất tốt đẹp trong mối quan hệ của chúng ta vỡi người này. Và chúng ta giận dữ; chúng ta muốn đưa thứ này ra khỏi chúng ta, cho nên chúng ta la lối chúng, “Tại sao bạn không gọi tôi? Tại sao bạn không đến?” Điều đó căn cứ trên việc có cái ‘tôi’ nho nhỏ, rằng tôi phải luôn luôn có lối của tôi, tôi phải là người quan trọng nhất, và điều không thực tế rằng tôi là người duy nhất trong cuộc sống của người này.
Phật Giáo đưa ra một sự phân tích rất rõ ràng về những gì khó chịu, những gì không đúng, trong cách suy nghĩ và cảm nhận này. Bởi vì, quý vị thấy, tâm thức chúng ta làm mọi thứ xuất hiện như thế, và rắc rối là chúng ta tin tưởng rằng nó tương ứng với thực tại. Cho nên chúng ta có tất cả mọi phương pháp để, trong một ý nghĩa, đánh vở quả bóng của suy nghĩ phóng túng, vọng tưởng cùa chúng ta. Nó có thể cảm nhận như dường như tôi là người duy nhất hiện hữu, bởi vì khi tôi nhắm mắt lại tôi không thấy ai khác nữa và vẫn có âm thanh trong đầu tôi. Nhưng điều này là ngờ nghệch. Đó không phải là thực tại. Điều đó không tương ứng với thực tại. Quý vị không chấm dứt tồn tại khi tôi nhắm mắt tôi lại. Thế nên đây là căn bản của tâm lý học Phật Giáo.
PHÁT TRIỂN TỪ ÁI VÀ BI MẪN
Trong dạng thức của từ ái và bi mẫn. Chúng ta có nhiều phương pháp cho việc phát triển những điều này được dạy trong Phật Giáo, và bất cứ người nào cũng có thể được lợi lạc từ chúng (xét cho cùng không cần phải tuân theo những phương diện tín ngưỡng của Đạo Phật). Từ ái và bi mẫn căn cứ trên sự bình đẳng của mọi người: mọi người muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ đau. Mọi người muốn vui sống. Không ai muốn sầu khổ. Tất cả chúng ta giống nhau.
Tất cả chúng ta liên hệ hổ tương. Toàn bộ đời sống của tôi tùy thuộc vào sự ân cần tử tế và hoạt động của người khác. Chúng ta nghĩ đến tất cả những người khác liên hệ trong việc gieo trồng thực phẩm mà chúng ta ăn, vận chuyển nó, đem nó đến những cửa hàng. Rồi thì có những người xây dựng đường xá và những người chế tạo nên những chiếc xe vận chuyển thực phẩm. Cao su cho những chiếc bánh xe thì thế nào? Chúng đến từ nơi nào? Vậy thì cũng có nhiều người liên hệ đến công kỹ nghệ ấy. Và về xăng dầu và những con khủng long và v.v… mà thân thể của chúng phân hủy và làm nên xăng dầu này thì sao? Cho nên nếu chúng ta nghĩ như thế, thế thì chúng ta thấy rằng chúng ta hoàn toàn liên hệ hổ tương và tùy thuộc vào những thứ khác.Và điều này trở thành thậm chí biện chứng hơn trong dạng thức của kinh tế toàn cầu.
Thế nên trên căn bản của sự thấu hiểu sự bình đẳng ấy của tất cả mọi người và sự liên hệ hổ tương của chúng ta với mọi người, rồi thì chúng ta nghĩ trong dạng thức của: “Bất cứ rắc rối nào hiện diện, chúng phải được giải quyết.” Bởi vì một trong những những đạo sư vĩ đại Ấn Độ đã nói, “Vấn nạn và khổ đau không có một người chủ; khổ đau cần được xóa bỏ, không phải bởi vì nó là khổ đau của tôi hay khổ đau của bạn – nó phải đươc xóa bỏ bởi nó làm tổn thương.” Thế nên khi có một vấn nạn với môi trường, hãy nói, nó không chỉ là vấn nạn của tôi hay rắc rối của bạn; nó và vấn đề của tất cả chúng ta. Không có chủ nhân của rắc rối. Nó phải được giải quyết bởi vì nó là rắc rối, đơn giản bởi vì nó một vấn nạn và làm rắc rối đến mọi người.
Vậy thì giống như thế, chúng ta phát triển từ ái và bi mẫn trong một phương pháp mà không cần phải làm gì với tín ngưỡng, nhưng hoàn toàn căn cứ trên luận lý hợp lý và thực tế.
TÍN NGƯỠNG PHẬT GIÁO
Vậy thì khi chúng ta hỏi, “Tại sao Phật Giáo?” đây là những khía cạnh làm Phật Giáo liên hệ gới chúng ta trong thế giới phương Tây, những phương diện khoa học và những phương diện tâm lý học. Rồi thì đối với một ít người Âu Mỹ chúng ta, thêm nữa chúng ta có thể thấy những khía cạnh tín ngưỡng lợi lạc của Phật Giáo – những nghi thức, giáo huấn về tái sanh, những sự cầu nguyện, và v.v… Nhưng khi tôi nói, thật quan trọng để thẩm tra một cách thật cẩn thận những gì là lý do cho sự hấp dẫn này. Có phải nó chỉ là sự quyến rũ ngoại lai không? Có phải chúng ta đang tìm kiếm một loại phép lạ nào đó? Có phải chúng ta đang làm việc này như một sự nổi loạn chống lại cha mẹ chúng ta và truyền thống của chúng ta không? Chúng ta đang làm việc này chỉ bởi vì nó là xu hướng hiện tại; nó được gọi là “mới mẻ” (cool) liên hệ với Đạo Phật không? Đây không là những lý do thích hợp, bởi vì chúng không tồn tại lâu; chúng không ổn định. Nếu chúng ta bị quyến rũ và chúng ta thấy nó là lợi ích cho chúng ta (nó giúp chúng ta trở thành một người ân cần hơn, yêu thương hơn), và nó bổ sung cho những khía cạnh của khoa học và tâm lý học – và điều ấy là quan trọng, rằng nó cần thiết để bổ sung cho khoa học và tâm lý học và không thể thay thế nó – mà nếu những khía cạnh tín ngưỡng có những đặc trưng này cho chúng ta, thế thì tốt thôi.
Vậy thì giống như thế chúng ta phân biệt khoa học, tâm lý học và tín ngưỡng Phật Giáo.
Đó là tất cả những gì trong sự trình bày của tôi. Có lẽ quý vị có thể có những câu hỏi. Bất cứ câu hỏi nào?
HỎI ĐÁP VỀ TÂM THỨC VÀ TÁI SANH
HỎI: Khi chúng ta nói về tái sanh, chúng ta sử dụng khái niệm về tâm thức. Vậy thì tâm thức bao phủ nhiều ít thế nào đối với linh hồn?
ĐÁP: Khi chúng ta nói về tái sanh, chúng ta nói về tâm thức. Tâm thức bao phủ nhiều ít đối với linh hồn? Chúng ta phải hiểu rằng những gì chúng ta muốn nói về tâm thức và những gì chúng ta muốn nói về linh hồn.
Tái sanh đang được nói về sự tương tục. Giống như vật chất và năng lượng có thể không được tạo ra và cũng không bị mất đi nhưng chỉ là chuyển hóa. Tương tự con người chúng ta, hoạt động tinh thần chủ thể có thể không được tạo ra cũng không bị hủy diệt. Không hợp lý cho nó để bắt đầu từ không có gì. Và nếu mỗi thời khắc phát sinh một thời khắc khác trong sự tương tục, thế thì không hợp lý cho nó để chỉ đến và chấm dứt và biến ra không có gì. Dĩ nhiên luôn luôn có một sự hổ trợ vật lý nào đó cho hoạt động tinh thần, nhưng nó có thể là năng lượng vô cùng vi tế; nó không có một thân thể thô phù với một bộ não. Vậy thì đây là những gì đến từ kiếp sốn đến một kiếp sống đến một kiếp sống, ngay cả trong Quả Phật, sự tương tực của cá thể, hoạt động tinh thần bản chất chủ thể, là điều có thể là rất vi tế hay rất thô phù, có nhiều cấp độ về nó, nhưng nó tương tục từ khắc này đến thời khắc khác đến thời khắc khác mà không có một sự gián đoạn.
Bây giờ, khi chúng ta nói về linh hồn, dĩ nhiên nó là một từ ngữ Âu Mỹ. Và trong nhiều ngôn ngữ khác nhau – trong ngôn ngữ Tây phương – chúng ta có từ ngữ tâm thức (mind), chúng ta có từ ngữ tâm linh (spirit), chúng ta có từ ngữ linh hồn (soul). Chúng không tương ứng với nhau, ngay cả trong ngôn ngữ Tây phương, và những tôn giáo khác nhau sẽ định nghĩa linh hồn một cách khác nhau trong những ngôn ngữ khác nhau. Và rồi thì trong những tôn giáo phương Tây có sự liên hệ giữa linh hồn và Thượng đế. Và rồi thì những tôn giáo Ấn Độ chúng ta có ngã (atman), và xét cho cùng với những ý tưởng khác nhau về ngã. Vậy thì thật khó để chỉ khái quát trong dạng thức của từ ngữ linh hồn.
Nhưng những gì dễ dàng hơn để thảo luận về cái ‘tôi’ – không chỉ là khái của cái ‘tôi’, nhung những gì là cái ‘tôi’? Cái ‘tôi’ hay tự ngã (self) là điều gì đó mà tất cả chúng ta có, nhưng chúng ta phóng chiếu vào nó, những phương diện mà trong đó nó nó hiện hữu, là điều không tương ứng với thực tại. Giống như có một loại cái ‘tôi’ thuần nhất nào đó, giống như một vali hành lý trên một chuyến xe vận chuyển, mà nó đi xuyên suốt toàn bộ đời sống của chúng ta và cũng đi vào kiếp sống kế tiếp của chúng ta. Nó thật hấp dẫn: Quý vị nhìn vào một tấm hình của chính quý vị như một em bé, và quý vị nói, “Đấy là tôi.” Tôi là gì với điều ấy? Mỗi tế bào trong thân thể đã thay đổi. Cách suy nghĩ, cách hiểu biết sự vật, là hoàn toàn khác biệt từ lúc tôi là một em bé. Và tuy thế chúng ta nói, “Đấy là tôi.” Vậy thì ‘tôi’ là gì? ‘Tôi’ là một từ ngữ được đặt tên vào tất cả những sự thay đổi liên tục tức thời trong đời sống của chúng ta. Và ‘tôi’ không là bất cứ điều gì trong những tấm hình này, nưng từ ngữ ‘tôi’ liên hệ đến điều gì đấy trên căn bản của tất cả những thời khắc khác nhau này của đời sống của tôi, là điều đang thay đổi từ khắc này sáng thời khắc khác.
Thí dụ mà tôi thường dùng là một bộ phim, Star Wars – Chiến Tranh Của Những Vì Sao. Star Wars là gì? Chúng ta nói “Tôi đã thấy Star Wars,” nhưng có phải chúng ta có thể thấy toàn bộ bộ phim trong một giây phút? Không. Bất cứ một thời khắc nào của bộ phim, là Star Wars không? À, vâng. Nó là một thời điểm của bộ phim Star Wars. Vậy thì Star Wars không giống nhau ở mỗi thời khắc của bộ phim. Star Wars không chỉ là nhãn hiệu “Star Wars.” Cái tên “Star Wars” liên hệ đến một bộ phim – có một phim Star Wars, nó hiện hữu – nhưng quý vị không thể thấy nó trong bất cứ phần não của phim nhựa, quý vị không thể thấy nó trong bất cứ màn cảnh nào, nhưng nó tồn tại như sự thay đổi từ thời khắc này đến thời khắc khác.
Vậy thì, cái ‘tôi’ hay tự ngã (self) giống như thế. Có từ ngữ ‘tôi’. Nó liên hệ đến điều gì đó – Tôi đang ngồi đây; Tôi đang làm điều này; Tôi đang nói chuyện với quý vị. Nhưng nó nó đồng nhất với tâm thức của tôi hay với thân thể tôi hay bất cứ thời khắc nào của nó. Nhưng trên căn bản của sự tương tục của thân thể và tâm thức, chúng ta có thể gọi nó là ‘tôi’. Nó không phải bạn. Nó đang thay đổi từ thời khắc này sang thời khắc khác, và nó không là một thứ thuần nhất. Thế thì quý vị có muốn gọi nó là linh hồn không? Quý vị muốn gọi nó là gì?
Câu hỏi nào khác?
HỎI: Thuật ngữ mà Đức Phật Thích Ca sử dụng trong Sanskrit hay Pali về điều giống như thế này?
ĐÁP: Thuật ngữ mà Đức Phật sử dụng là vô ngã – anata trong Pali hay anatman trong Sanskrit, nghĩa là “không atman – không ngã” được thừa nhận trong những truyền thống triết lý Ấn Độ khác. Những trường phái triết lý Ấn Độ khác thừa nhận ngã (atman) như điều gì đấy hiện hữu bất động (nó không bao giờ thay đổi và nó bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì), không phần tử (partless – có nghĩa là nó hoặc là cùng kích thước với vũ trụ, ngã cùng giống với Brahma, toàn bộ vũ trụ, hay ngã (atman) giống như một tia sáng nho nhỏ nào đó của đời sống), và nó có thể tồn tại hoàn toàn tách rời khỏi thân thể và tâm thức trong một thể trạng giải thoát.
Một số triết gia Ấn Độ thừa nhận rằng loại ngã ấy có nhận thức. Đó là trường phái Số Luận (Samkhya). Và trường phái Nyaya nói rằng nó không có nhận thức. Samkhya nói rằng nó cư trú trong thân thể này và sử dụng bộ não. Và Nyaya nói nó đi vào thân thể và nói rằng nhận thức chỉ sinh khởi từ căn bản vật lý của thân thể.
Vậy thì đây là những chỗ mà Đức Phật phủ nhận khi Ngài nói, “Vô ngã”. Ngài muốn nói vô ngã trong cách nó được định nghĩa và thừa nhận bởi những trường phái khác này. Nhưng có một cái ngã – atman, có một tự ngã, nhưng nó tồn tại trong một cung cách khác – điều được gọi là “ngã quy ước” (conventional self hay conventional atman).
Có câu hỏi nào khác không?
HỎI: Nếu ai đấy tin tưởng vào tái sanh và họ nói họ sẽ tái sanh, làm sao họ biết chắc rằng tất cả những đặc trưng và tất cả những thông tin chứa trong tâm thức họ sẽ tiếp tục vào trong kiếp sống tới của họ?
ĐÁP: Trước nhất, Phật Giáo thừa nhận tái sanh là vô thỉ – không có bắt đầu – có nghĩa là chúng ta có những thói quen và bản năng từ vô lượng kiếp sống. Vì thế, lệ thuộc vào nhiều nhiều nhân tố khác nhau, chỉ một số bản năng và xu hướng sẽ biểu hiện rong bất cứ kiếp sống nào. Chắc chắn không phải là trường hợp mà tất cả những bản năng và sự học hỏi của một người từ ngay kiếp sống trước sẽ lại biểu hiện trong kiếp sống tới ngay cả nếu chúng ta được tái sanh như một con người với một sự tái sanh quý báu của loài người, điều ấy rất hiếm hoi. Rất nhiều tùy thuộc vào những gì chúng ta đã suy nghĩ và thể trạng tâm thức chúng ta khi chúng ta lìa đời. Và rồi thì tất cả những hoàn cảnh và điều kiện của kiếp sống tới, là điều không bị giới hạn chỉ trong những điều kiện của gia đình, nhưng có thể có một sự đói kém trong một xứ sở, có thể có chiến tránh -có thể có rất nhiều thứ sẽ tác động đến những gì sẽ được biểu hiện.
Thế thì thật quan trọng, để cố gắng để đặt tất cả những trọng tâm chính yếu trong đời sống của chúng ta vào trong những suy nghĩ hay thái độ tích cực, chứ không phải những thứ tiêu cực, và để chết trong sự tĩnh lặng, sự hòa bình của tâm thức, và những tư tưởng những xu hướng tích cực để có thể tiếp tục trên con đường tâm linh.
HỒI HƯỚNG
Có thể đến đây là lúc thích hợp để kết thúc. Vậy thì chúng ta nghĩ bất cứ điều gì chúng ta thấu hiểu, bất cứ năng lực tích cực nào có được từ buổi học hỏi này, nguyện cho nó được sâu sắc hơn và sâu sắc hơn.
Điều ấy có thể giống như tín ngưỡng Phật Giáo, nhưng nó cũng hoàn toàn là khoa học. Nếu quý vị có một cuộc gặp gở dễ thương với người nào đấy, và quý vị có một buổi đàm luận đầy đủ ý nghĩa và tích cực, và nó chấm dứt với tiếng chuông điện thoại reo lên, thế thì năng lượng chỉ rơi đi và quý vị hoàn toàn quên lãng buổi đàm luận tích cực mà quý vị có trước đó. Nhưng nếu quý vị chấm dứt với một tác động hổ tương với suy nghĩ “Nguyện cho điều này làm nên một sự ảnh hưởng tích cực trong tôi,” thế thì cảm giác tích cực, sự thông hiểu ấy, đi đến với chúng ta và có thể giúp chúng ta trong cuộc sống. Vậy thì đó là chúng ta đã kết thúc buổi đàm luận của chúng ta như thế nào, và đấy là một cung cách rất hữu ích trong việc chấm dứt bất cứ sự tương tác nào với bất cứ người nào.
Xin cảm ơn.
Ẩn Tâm Lộ ngày 14-12-2014
http://www.berzinarchives.com/
Nguồn: (Thư Viện Hoa Sen)
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS