SHARE:
🌺 Ngày 11 Juillet 1936 – 23-5-6.1.
Nhựt thường lệ, lúc đang dùng trà, tên thợ may đem áo lại cho Choundouss. Huỷnh bèn bảo Bần đạo đưa giùm cuốn vocabulaire (ngữ vựng) của bần đạo cho huỷnh đặng lấy tấm giấy bạch của huỷnh để trỏng hôm qua. (Bần đạo có thấy huỷnh để và có ý không đẹp, vì xấp giấy cộm sách e hư sách, nên chỉ lúc huỷnh đi, thì bần đạo lấy xấp giấy bạch xếp nhỏ bỏ túi, ý làm vậy cho sau huỷnh hết để vào sách và giấy bạch sẽ dùng đi ngoài). Khi huỷnh lật sách đặng lấy giấy ấy thì không có, bèn kiếm táomtát nói: Tấm giấy ấy mất rồi, bèn kêu Sonnam hỏi có thấy chăng? – Không? – Samdhen cũng kiếm giùm, tốc đồ của Bần đạo kiếm không có. Bần đạo hỏi kiếm thứ chi, Samdhen rằng: một tấm giấy bạch có gói ở trỏng một tấm giấy 2 rupee của Choundouss để trong cuốn sách của thầy. Bần đạo nói: Ôi thôi? hôm qua cuốn sách ấy lấy ra nhiều người xem đọc, đem ra ngoài xem đọc, thì tấm giấy ấy còn đâu. Choundouss rằng: Tối tôi mới để, không ai thấy. Bần đạo nói: Sao không bỏ túi lại bỏ trong sách. Không tiền trả cho thợ may, nên coi bộ buồn xo, Samdhen lấy giấy 2 rupee đưa cho huỷnh, Bần đạo bèn nói: Không bao nhiêu, để tôi đưa cho huỷnh 2 rupee và nói và móc túi lấy một tấm giấy bạc 2 rupee đưa cho Choundouss (không dè trong tấm giấy bạch ấy có giấy bạc, té ra có, vậy làm bộ cho huỷnh đặng trả bạc ấy lại cho huỷnh, ấy cũng một sự dạy người đừng hơ hỏng). Chín giờ điểm tâm bột, khoai chiên. Mượn cô đầu bếp mua sữa (2 trăng nga), đường cát 5 trăng nga, 2P. Nấu trà sữa. Isess lo quảy đồ đi trước với một ông Lama (Lađặt), bần đạo thấy mang quảy (beurre, trà, bột vân vân…) đi bộ cực, bèn hộ mỗi vị ít trăng nga. Rảnh học thêm tiếng Tây-tạng.
🌺 Ngày 12 Juillet 1936 – 24-5-a.l.
Nhựt thường lệ. Điểm tâm rồi, sửa soạn đồ hành lý, đợi đem năm con ngựa tới sẽ đi cúng dường tại chùa Dzésbung. Xuất 2 rupee cho Choundouss mua bánh in lạt china, đường cát, nho khô và táo khô đặng đem theo dùng tại Chùa, mua hết 1 rupee ngoài. Quan Thừa tướng bảo huynh đầu bếp đem lại một cái đèn bạc kiểu Tây- tạng, thứ thắp bằng tô dầu (beurre), đèn ấy của ngài, ngài nhượng lại cho tôi cúng dường tại nhà Tăng-già của ngài là Trzăng pá khâm trzanh, ngài bảo cúng dường rồi đem về mướn khắc tên bần đạo, xứ sở rồi sẽ gởi về Tăng-già để làm dấu tích. Mười giờ rưỡi có ba ông Lama (Lađặt) ở tại chùa Dzêsbung nhà Sangha Lađặt là Pithu Khâm trzanh đem năm con ngựa tới, các huỷnh lo gác yên đoạn 11 giờ thì năm huynh đệ lên ngựa, ba vị Lama quảy giùm hành lý Samdhen, còn bần đạo y theo lời Samdhen bảo, đem đồ ngủ và y phục Bí-sô theo. Mười hai giờ rưỡi tới Chùa, vào Tăng già Lađặt đỗ ngụ, chư Lama Lađặt tiếp rước tử tế, ấy là đồng hương cùng Samdhen. Samdhen và Choun-douss đã sắm đủ lễ đặng cúng dường, tục của họ, người xứ nào thì cúng dường tại Tăng già xứ nấy. Thấy hai huỷnh bàn tính lăng xăng, lễ vật sắp đặt bàn luận cùng huynh chủ liêu, tiền cúng dường cho chư Lama, tiền và anh lạc cho Hòa thượng và Yết ma, giáo thọ, lúc họ bàn luận rồi, thì Bần đạo bèn nói với Samdhen rằng : Tôi muốn cúng dường tại nhà thiền Tăng già Lađặt, vậy huynh sắm giùm lễ vật y như huynh đặng mai cúng dường một lượt. Nghe bần đạo nói, huỷnh vui lòng đẹp ý, bèn trăm tiếng Tây-tạng lại cho các Lama có mặt tại đó nghe, ai nấy cũng tỏ lòng mừng. Samdhen bảo vậy thầy xuất ra 8 rupee đặng đổi tiền, mai hộ cúng chư Lama. Bần đạo rằng: còn beurre, trà cúng dường y như huynh nữa, huỷnh nói: thấy muốn vậy càng tốt, vậy phải 8 rupee nữa là 16 rupee. Tôi sẽ mượn người mua beurre và trà. Các huỷnh trăm nhau, coi ý mừng rỡ lắm, vì tưởng việc ấy tôi không để ý, vì lễ cúng dường tại Tăng già đồng hương của Thừa tướng tốn nhiều lắm. Đến nay nghe qua và thấy bần đạo xuất y số 16 rupee theo lời Sam-dhen bảo, thì họ trầm trồ lắm. Chừ coi bộ họ trọng đãi bần đạo lắm, lo trà sữa dưng cho bần đạo. Bần đạo nói với Samdhen rằng: Sự cúng dường đằng Trzăng pá khâm trzanh tôi không ngờ mà Thừa tướng chiếu cố đến tôi, chớ sự cúng dường tại Tăng già Lađặt thì tôi để ý đã lâu, vì tôi đi với huynh, nhờ huynh, biết huynh, huynh là người Lađặt, thì tôi cũng như người xứ Lađặt. Nay đã đến nhà Thiền Lađặt thì toại ý tôi lắm, nên muốn y như huynh cúng dường. Huỷnh thông ngôn lại, các huỷnh đồng vui cười mừng rỡ. Bần đạo nghĩ vì, tu hành không bao nhiêu đức hạnh, kém phước, mỏng đức, nên phải cầu chút ít phước thiện đặng chia Đàn na tín thí có lòng hộ trợ cho Bần-đạo đi đến Tây-tạng. Nên chi tới các cảnh chùa đều cúng dường ít nhiều. Tưởng Phật nên trọng Tăng, xuất huyết mạch cho bần tăng đi đến đất Phật, thiệt Phước bất đường quyên, nhưng bần đạo xét mình “Thổn kỳ đức hạnh”, thọ tiền hộ phí cúng dường, không đành ăn ngon, mặc ấm, tiếc từ đồng để đến Tây-tạng đặng đi hành hương cầu phước cho Đàn na. Nay gặp sự cúng dường thì đẹp ý lắm. Choundouss ăn năn lời kiêu ngạo khi nãy.
2 giờ có hai vị Lama Tăng già Thừa tướng tới thăm, có đem bình trà lễ mừng và sau đem cơm hộ mỗi vị một chén. Bần đạo quá ngọ không dùng, nhưng cũng cúng dường lục đạo, đoạn các huỷnh cũng ăn mỗi người chút đỉnh, rồi xin hồi, nhưng hai Lama để lại ba chén phần Samdhen, Choundouss và bần đạo, còn mấy chén kia bưng về. Lúc họ về rồi Choundouss cợt rằng: Nhà Thiên của thầy không có beurre, nên cơm khô rang. Cái tiếng Choundouss ngạo cơm không beurre khi nãy thì không lạ chi cái tánh ganh gổ, vì nhà thiền cúng nhiều mà tiếp đãi không đúng. Ôi ! đời phải biết nghe tiếng, biết cử chỉ tốt xấu, mà làm cho hòa hảo, vậy mới ăn vào lời Phật nói : Đắp y của Phật thì phải ở cùng người một cách hòa hiệp, nhịn nhục, rộng rãi, hoan hỉ cho vui dạ người, an ổn phận mình, trúng với câu: Nhu hòa nhẫn nhục y. Nên chi Bần đạo thừa dịp mà bòn phước cho đàn na, cúng dường chung cùng các huỷnh tại nhà thiền Pi-thu La-đặt cho vui lòng hai bên, thà nhịn ăn, thiếu mặc để tiền mà làm việc phải, thì đồng tiền đàn-na không chết. Tỉ dụ như hột giống gieo vào ruộng tốt, cho nên Phật nói: Nhử đẳng thị chúng sanh chi lương phước điền. Thì làm sao cho phải Phật đệ tử cho chúng sanh nhờ phước đức thì làm… Nghĩ vậy mà bần đạo cứ xử cùng nội bọn, không dám làm phiền lòng người mà cũng không để cho người sanh tâm tội lỗi…
Từ ngày theo chơn cùng Samdhen nội bọn, đến ngày nhập thành Lhassa, thì trải qua biết mấy phen, ôm lòng nhẫn nhục, chịu sút, chịu thua, lời nói năng, sự ăn uống, cử chỉ động tịnh, đi đứng nằm ngồi, cho đến chỗ muốn của người cũng kiếm thế làm cho toại ý của họ, không chao không mích. Hòa lòng người cũng an lòng mình chút ít, có khi giọt lụy nước phiền tràn đổ, vì sự quá ép tánh quá khổ tâm thức, nhưng trong cơn Thiền định, lộ hiện chơn tâm, trưng cuộc đời giả hiệu, dường như kép hát đóng tuồng, buồn, vui, mạnh, yếu, chẳng qua là nội sân khấu giả trang đó thôi, vào cửa buồng hết lớp, đồng nhau không râu, không mão, không ghét, không thương, thể tánh đồng nhứt. Nhờ vậy mà bần đạo biết mấy phen đánh đổ tâm trần cạnh tranh, biết mấy phen lấy Phật cam lồ ba giọt mà tưới tắt lửa lòng, xác tục. Sự qua Trung thiên Ân-độ cùng đi Tây- tạng nầy, nhờ trải qua mấy chỗ mích lòng phàm, động tánh tục, mà bần đạo mới biết cái nhẫn nhục Phật dạy là thuốc hay trị phiền não, làm cho bần đạo tự thắng mấy phen, hòa bình mấy trận, làm cho biết mấy kẻ ăn năn, thức đạo.
Tự thắng đạo thường tồn…
Thối tha pháp năng một.
Phải quá, có tu mới biết thương người tu, thử đi ra chịu cùng thế tục, như Phật và chư Tổ sư thuở xưa, mới biết cái Pháp cao thượng của Phật đánh đổ cả nhân duyên của Phật là đúng đắn. Nhưng, chư tu hành có mấy sư đắc Vô sanh pháp nhẫn, trong muôn một mà vẫn còn e chưa đặng. Phàm-tâm, huyết tâm, sắc tâm, tam hỏa nội ứng, khó mà tắt nó cho tiêu tận, hằng nung nấu sôi nổi trào ao ba cái nghiệp xấu là: tham, sân, si, hằng ẩn núp trong u toái tam tâm, chờ ngoại hiệp thì nội ứng, muôn điều không sai một, y như điện khí, dây văn dây võ hòa hiệp thì sanh lửa, như lôi khí, âm dương hòa hiệp thì nổi tiếng ầm ì. Những bực tu hành trong đạo Phật, mấy ai biết làm người can hai đàng khắc nghịch cho hòa hảo. Phật đạo là thủ trung, vậy muốn can hai bên thì phải đứng chính giữa (trung gian) mà biện lẽ phải chẳng đặng tắt lửa lòng sôi nổi hai bên, thế phải có đủ phương tiện thiện xảo ngôn từ biện luận mới đặng.
Cái thí dụ trên đó tỉ như: Trong lòng người tu hành tam hỏa hằng ẩn, gặp nhân ngoại thì sanh duyên nội nghĩa là: Tỉ như: Lửa hờn giận ẩn trong, chờ gặp kẻ thù nghịch thì nổi dậy, hoặc gặp tiếng nghịch, tiếng hiếp, thì huyết tâm sôi nổi, hỏa huyết phừng nóng thức não, chúa soái (động ổ) thì ngã tướng phát xung, rung động cả chư thức căn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Mắt trợn, tai dảnh, mũi phì, môi bậm, lưỡi cong, tay chơn cả thân cử động run rẩy, ý tánh lừng lẫy liệu luận, cự cùng chẳng kháng cự tùy sức. Tỉ một sự đó đủ biết, làm một vị Phật đệ tử, gặp cơn nội ứng ngoại hiệp thì điều đình làm sao? Tắt lửa hay vùi lửa?…
—🌺🌺☘️—
TRÍCH SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
THIỀN SƯ NHẪN TẾ
NXB. Tôn Giáo
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS