SỐNG AN VUI

SHARE:

Ai cũng chỉ có một thời gian nhất định để sống trên mặt đất. So với khoảng thời gian vô tận trước khi ta ra đời và sau khi ta chết, thì đời mỗi con người chỉ như một ánh chớp lóe lên giữa hai bóng tối vô cùng, như một gợn sóng nổi lên một chốc rồi tan vào đại dương bát ngát. Nhưng có mấy ai tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi ấy để sống an vui. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị có câu thơ tự vịnh như sau:

Thuở ra sân khấu không làm rộn,

Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi.

Có thể hiểu: Đời sống của mỗi người như một vai tuồng trên sân khấu, hãy đóng sao cho đạt vai mình, vua ra vua, hề ra hề, không làm gì lỗi nhịp. Được vậy thì khi chết ít có điều phải ân hận xấu hổ. Sống được như vậy quả là đã đạt nghệ thuật sống.

Phật giáo, đặc biệt là Mật tông,  dạy cho chúng ta nhiều phương pháp để sống an vui. Quả thế, nghĩa chính của Phạn ngữ Dharma hay Pháp là cái giữ gìn chúng ta khỏi đau khổ và nguyên nhân của đau khổ. Pháp ấy bao gồm muôn vàn cách khác nhau, gọi là vô lượng pháp môn, giúp chúng ta vượt qua những chướng ngại về thân và tâm, khiến  ta không được an vui hạnh phúc. Tất cả pháp tu ấy có thể tóm gọn vào hai cỗ xe là kinh thừa và mật thừa. Trong khi cỗ xe kinh thừa đặt nặng việc tạo nhân tố đưa đến giác ngộ giải thoát, thì cỗ xe mật thừa lại đưa hậu quả lên làm khởi điểm tu tập, nên kinh thừa còn gọi là “nhân thừa” đưa đến giác ngộ (nhân với nghĩa nguyên nhân), trong khi mật thừa được gọi là “quả thừa” đưa đến giác ngộ.

Theo Mật tông, sự toàn vẹn, hạnh phúc hay Niết bàn không phải đang chờ đợi chúng ta ở một thời điểm nào trong tương lai; theo kiểu suy tư: “Nếu hiện tại tôi tu hành nghiêm túc thì tương lai tôi sẽ thành Phật,” hoặc “Nếu đời này tôi tạo phước thì đời sau tôi sẽ được lên thiên đàng”. Theo Mật tông, thiên đàng là ngay bây giờ. Chúng ta đáng lẽ là những vị trời ngay trong hiện tại, song vì vướng bận đủ thứ phân biệt rắc rối hạn cuộc, nên chúng ta tự chuốc lấy những xung đột nội tâm và xung đột với người khác. Bởi vậy, chúng ta cần tập sự chuyển hóa của mật tông để sống an vui. Sau đây là một vài phương pháp chuyển hóa.

CHUYỂN HÓA CẢM THỌ

Hạnh phúc hay đau khổ là vấn đề cảm thọ, và cảm thọ tùy thuộc chính yếu vào tâm ta, người và ngoại cảnh chỉ là phụ thuộc. Do đó trong truyện Kiều có câu: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thông thường, suốt ngày ta sống phần nhiều với cảm thọ trung tính nghĩa là không vui không khổ. Khi gặp nghịch cảnh không toại ý là khổ thọ, khi gặp cảnh thuận, thỏa lòng, là lạc thọ. Nhưng sự phân biệt này rất chủ quan, có thể thay đổi tùy bản chất và trình độ tu tập của mỗi người. Có người bản chất ít tham sân, nhiều trí tuệ, nên dù gặp cảnh ngộ éo le, đau khổ đến mấy cũng giữ được tâm hồn bình thản, an vui. Nhưng cũng có người nặng dục vọng, không biết đủ, thì không hoàn cảnh nào làm cho họ vừa lòng.

Trong kinh Di giáo Phật dạy, người biết đủ dù nằm trên đất cũng thấy sung sướng, người không biết đủ thì dù ở trên trời cũng không vừa ý. Phật dạy ba loại cảm thọ hàng ngày là khổ, vui, và trung tính đều có thể làm cái nhân cho con người tăng trưởng vô minh nếu không tu tập. Gặp thuận cảnh sung sướng dễ sinh tham lam, gặp nghịch cảnh đau khổ dễ sinh phẫn nộ oán hận, còn khi không vui không khổ thì con người sinh ra lừ đừ biếng nhác. Bởi vậy muốn sống an vui ta phải chuyển các cảm giác này theo chiều hướng thuận lợi cho một đời sống an vui.

1. Chuyển hóa lạc thọ thành pháp tu

Thông thường, khi gặp vận may, đời lên hương, ta dễ mất chính niệm, không tự cảnh giác, nên dễ tạo ra lỗi lầm. Hàng ngày ta thấy nhan nhản những mẩu tin các cô cậu con nhà giàu ăn chơi bị sa lưới pháp luật vì gia nhập băng đảng hút xách, trộm cướp. Sự may mắn nếu không được trí tuệ soi sáng thường đưa đến tai họa. Bởi vậy, Phật dạy gặp thuận cảnh cần tu thân, nghĩa là nên biết đủ để không sa đọa.

2. Chuyển hóa cảm thọ trung tính thành ra lạc thọ:

Trong 24 giờ mỗi ngày, ta sống với cảm thọ trung tính nhiều nhất. Nếu không chuyển hóa nó thành lạc thọ, thì nó sẽ tự biến thành khổ thọ, hoặc đời ta trở thành đáng chán vô cùng[27]. Muốn khởi động năng lượng lạc thọ, ta nên nghĩ đến những điều may mắn của mình trong hiện tại: được làm người, được nghe Phật pháp, được nghe giáo lý đại thừa, thân thể còn đang khỏe mạnh, giác quan đầy đủ, có trí tuệ để hiểu ý nghĩa vi diệu, được gặp thầy lành bạn tốt trên đường tu. Phật dạy tự tâm ta vốn trong sáng như hư không, không thể nào nhiễm ô được. Dù ta có lăn lóc bao nhiêu trong luân hồi sinh tử, tâm ấy vẫn như viên kim cương bất hoại dù có bị rớt xuống bùn dơ. Cốt lõi tâm ấy vốn là Phật. Đây là tin lành lớn nhất mà Phật đã mang lại cho ta. Nghĩ như thế, tâm ta sẽ trào dâng một niềm vui, đó là lạc thọ. Khi tâm hồn có được niềm vui ấy, thì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc, đều phát sinh một niềm vui bất tận, và cảnh ngoài cũng nhờ vậy mà được chuyển hóa.

Kinh Lăng Già có đoạn nói Phật đi đến nơi nào thì cây cối ở đấy trở nên xanh tươi hơn, nước sông trong hơn, con người ở đấy trở nên hiền thiện hơn. Đấy là do năng lượng từ bi của Phật tỏa ra ảnh hưởng đến môi trường. Bồ tát sơ địa luôn luôn sống với niềm vui ấy nên gọi là “hoan hỉ địa.” Nếu hàng ngày chúng ta tập nghĩ như trên, nghĩa là nhớ đến thân người quí báu, tâm mình vốn là Phật, thì cũng tạo được niềm vui trong tâm, dù bên ngoài ta không có thêm một vật gì. Niềm vui ấy sẽ ảnh hưởng đến thân xác, giúp ta tránh được bệnh và làm việc không biết mỏi mệt. Nó cũng giúp ta nhìn mọi người với ánh mắt từ bi. Khi thấy được Phật tính nơi chính mình, ta sẽ thấy mọi người cũng như mình, đều là những vị Phật đang bị đọa, và do vậy không thể coi thường ai, kể cả những người đang làm ác. Ngài Thường Bất Khinh Bồ tát trong kinh Pháp Hoa là một ví dụ. Ngài đi khắp nơi, gặp ai cũng vui vẻ ca tụng “Tôi không dám coi thường ngài, vì ngài sẽ thành một vị Phật.”

Trên đây là cách tốt nhất để chuyển hóa tâm trạng bình thường thành lạc thọ bất tận. Nếu không làm được vậy, ta nên theo các đoàn đi thăm người bệnh, người già tàn tật trong các trại tế bần. Đừng nghĩ là mình đi cứu trợ ủy lạo hay làm từ thiện xã hội, mà chỉ đi “thực nghiệm” để chuyển hóa tâm trạng không vui không khổ thành ra lạc thọ. Hãy nhìn một người bệnh ung thư hay bại liệt với niềm cảm thông, hòa tan tâm mình vào tâm họ, để thấy khổ đế đang ở trước mắt. Đặt câu hỏi, nếu người ấy là anh, là chị, là cha hay mẹ của ta, hoặc là chính bản thân ta thì sao? Khi ấy tâm ta tràn ngập bi mẫn, và ta cảm thấy cần phải làm cái gì có ý nghĩa, vì trước sau gì cũng có ngày ta phải đối diện với cái chết, như người đang ở trước mặt ta. Trước cảnh khổ đau chết chóc, ta càng thấy rõ cuộc đời thực vô nghĩa nếu không tu tập. Nhờ thấy vô thường, khổ, ta còn thấy được vô ngã hay tánh Không, và phát sinh lạc thọ nhờ cái thấy đúng. Như thế nào? Như thể khi ta đang đánh một ván cờ sắp thua, bỗng một trận gió thổi bay tất cả những quân cờ, không còn phân định được ai thắng ai bại. Cái thấy về tánh Không cũng thế, làm tâm ta giải tán được mọi cảm xúc mâu thuẫn như thiện ác, được mất, thành phàm…

3. Chuyển khổ thọ thành an vui:

Khổ thọ hay những cảnh ngộ khó chịu, trái ý, nói chung gồm hai loại: có thể sửa đổi và không thể sửa đổi. Những khổ do phiền não, tham lam giận dữ và nghiệp – những thói quen xấu – thuộc loại có thể sửa đổi, còn những khổ do quả báo như bệnh tật tai nạn chết chóc, những định nghiệp không thể tránh, thuộc loại không thể sửa đổi. Nguyên tắc chung là, cái gì có thể đổi bỏ, ta nên đổi bỏ để được an vui. Cái gì không thể đổi bỏ được, ta nên vui vẻ chịu đựng, hoan hỉ đón nhận như đón một người thân, rồi dần dần ta sẽ thấy nó quý báu thực. Biết bao nhiêu người sau một tai nạn, đối diện với một bệnh nan y, mới bắt đầu tỉnh ngộ cuộc đời giả dối, bắt đầu buông xả và cảm thấy nhẹ nhàng?

a. Những nỗi khổ có thể bỏ được:

Thông thường chín mươi phần trăm đau khổ trên đời là do tự mình rước lấy, nên có thể đổi bỏ được, nếu ta thực sự muốn bỏ. Nếu thực tình muốn giã từ đau khổ, ta phải diệt tận gốc nguồn gốc hay nguyên nhân của khổ đau. Nguyên nhân ấy là ham muốn hay dục vọng. Khi có ham muốn mãnh liệt với một đối tượng nào, ví dụ một người (trai gái mê nhau) hay một vật (một chỗ ở, một chiếc xe honda) thì ta thường đánh giá đối tượng ấy một cách sai lạc do tưởng tượng thêm thắt. Ta trở nên u mê ám chướng, quên khuấy một sự thực hiển nhiên là, suốt đời ta đã chạy theo nhiều ham muốn đủ thứ, có khi được, có khi không, nhưng rốt cuộc đời ta vẫn chẳng khá hơn chút nào. Vẫn đau khổ, chán chường, luôn luôn khao khát một cái gì để rồi lại thất vọng vì không có được đối tượng, hoặc chán nản vì đối tượng đã đạt được không còn làm ta thỏa mãn. Khi đam mê, ta quên mất định luật vô thường: đối tượng ta ham muốn đã luôn luôn thay đổi, mà cả chính tâm ta cũng không ngừng đổi thay. Vậy ta phải quay về tự tâm để thấy rõ theo đuổi  ham muốn chính là đau khổ. Vấn đề ở ngay trong tự tâm ta chứ không phải do đối tượng ở ngoài. Khi chán nản một người hay một vật mà ta đã có được, ta thường nghĩ rằng tại vì người hay vật ấy có những khuyết điểm này nọ, làm ta đâm chán, mà không bao giờ nghĩ chính tại cái tâm ta ưa thay đổi.

Chính vì đặc tính con người là nhiều ham muốn nên Phật gọi cõi đời này là cõi dục. Cũng do dục mà ta đã sinh ra đời, rồi dục vọng lại chi phối ta suốt cả đời cho đến khi xuống huyệt. Vậy nói đến chuyện diệt dục là điên rồ, phản tự nhiên. Ngược lại, rất cần tìm hiểu kỹ về dục để tận dụng nó, như ngày nay người ta tận dụng sức gió, năng lượng mặt trời, năng lực thác nước v.v… Phật giáo tóm gọn trong một chữ CHUYỂN, chuyển sinh tử thành Niết bàn, chuyển phiền não thành Bồ đề.

Khi đã thấy được đời ta luôn luôn chạy đuổi theo ham muốn các đối tượng giác quan và không bao giờ thỏa mãn, ta mới thấy lỗi là ở tự tâm, không phải ở ngoài. Do tâm đam mê, ta không nhìn sự vật đúng như thực trạng của nó (nghĩa là thổi phồng quá cỡ thợ mộc, như về sắc đẹp thì chim sa cá lặn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…) Do tâm chấp ngã, ta muốn vơ về cho mình cái mà ta cho là hấp dẫn, đáng ưa muốn. Hiểu được như vậy, thì năng lượng dục vọng biến thành năng lượng trí tuệ. Dục càng lớn, tuệ càng sáng và sắc bén như kim cương. Ta bắt đầu thấy được tất cả tùy thuộc tâm ta, nên không còn chạy theo ngoại cảnh. Đấy gọi là sự từ bỏ, hay Giới, bước đầu của ba vô lậu học. Lời nguyện quy y của Phật tử là:

“Con xin quay về nương tựa  Pháp lìa dục đáng tôn quý.” (Quy y Pháp ly dục tôn).

b. Những khổ do định nghiệp đời trước

Danh từ Phật giáo gọi là “báo chướng”, như bị bệnh nan y, oan gia đối đầu, và các nỗi khó chịu khác đã xảy đến hoặc đang xảy đến mà ta không làm gì để đổi bỏ được. Đối với loại khổ này, người có trình độ tu cao cũng có thể chuyển hóa thành an vui, khi đã chuyển  được các cảm thọ lưng chừng và lạc thọ để hướng chúng vào con đường tu tập. Sau đây là một vài phương pháp:

  • Nghĩ đến luật nhân quả: Ta không gặt một quả gì mà ta đã không gieo nhân cho nó. Vậy càng trả quả sớm càng tốt, nên lợi dụng thời gian trả quả để tu tập vượt ra ngoài vòng vay trả trả vay.
  • Khi trả quả, vui vẻ nghĩ rằng nhờ bị vố này, ta bớt được một món nợ, mau sạch nợ. Người Tây Tạng có tục ngữ: “Những sự khó chịu ta gặp phải cũng như cái chổi quét sạch ác nghiệp của ta.”
  • Xem những điều khó chịu, người khó chịu như những bài học về nhẫn nhục mà chư Phật Bồ tát đã ra cho ta thực tập. Bồ tát tu cao thực sự còn cám ơn nghịch cảnh vì nhờ nghịch cảnh và kẻ ác mà các Ngài chóng thành đạo quả Vô thượng Bồ đề. Ví dụ khi bố thí thì Bồ tát cám ơn người đến xin, vì nhờ có người xin tài sản, máu thịt mà Bồ tát thành tựu hạnh Bố thí ba la mật. Trong kinh Pháp Hoa, Phật cũng dạy rằng Devadattha chính là bạn lành đã giúp ngài đạt giác ngộ nhanh chóng.
  • Tập thói quen chỉ chú ý đến những ưu điểm nơi người và hoàn cảnh đáng chán ghét, để cảm thấy may mắn thay vì bất hạnh.
  • Trải lòng bi mẫn lên khắp chúng sinh cùng đau khổ như mình, rộng ra nữa là tất cả chúng sinh đang còn may mắn, vì chính họ cũng sẽ phải trải qua những khổ căn bản về sinh già bệnh chết.

KẾT LUẬN

Trên đây là những  pháp chuyển hóa sơ đẳng trong Mật tông dành cho tất cả mọi người. Mật tông chính hiệu về chuyển hóa thì bao hàm sáu pháp thiền hay du già, đó là du già nội hỏa, du già thân huyễn, du già mộng, du già quang tướng, du già trung ấm và du già biến hóa. Mỗi pháp du già gồm rất nhiều pháp thiền quán sâu xa đưa đến giác ngộ giải thoát ngay trong một đời người, và tái sinh tùy ý muốn nhờ muốn nhờ thuần thục pháp du già trung ấm. Căn bản của Mật tông là tâm Bồ đề, nên hành giả Mật tông cao cấp thường chọn nơi tái sinh thích hợp để lợi lạc tối đa hữu tình, như nhiều vị sư Tây Tạng hiện nay được cho là đã tái sinh tại nhiều quốc gia Tây phương mà báo chí gần đây thường đăng tải.

 

ĐƯỜNG VỀ

Thích nữ Trí Hải

SHARE:

Để lại một bình luận