NHỮNG CẢM NHẬN KHI ĐỌC LỜI BÌNH GIẢNG VỀ ÁNH TRĂNG ĐẠI ẤN CỦA THRANGU RINPOCHE.

SHARE:

Ánh trăng Đại Ấn của đại hành giả và đại học giả Tashi Namgyal người sinh ra ở Tây Tạng cách đây bốn trăm năm. Bản văn này không chỉ là một sưu tập những lời dạy tinh túy về đại ấn, nó cũng giải nghĩa mục tiêu của thực hành. Và đã được Thrangu Rinpoche giảng giải bằng một tiến trình dẫn dắt hành giả từng bước một phải tu tập như thế nào và cần phải chứng nghiệm nó theo trình tự chắc chắn ra sao, để đến chỗ quyết định nhận ra bản tánh của tâm; và sau đó làm mở rộng cái thấy giải thoát này hơn nữa cùng với lòng đại bi được phát nguyện, nhằm lợi ích cho mình và cho tất cả. Cả hai giải thích cái thấy và giải thích thực hành được dạy trong Ánh trăng Đại Ấn rất đầy đủ.

với tựa đề của quyển sách là Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm. (đăng trên trang web thientrithucct.vn, ở mục kinh sách).

Đầu tiên nói về tâm, và tại sao phải tham thiền về nó cũng như những thiệt thòi thiếu sót nếu chúng ta không tham thiền về cái cốt lõi này.

“Chỉ dạy thứ nhất của đại ấn là “tất cả mọi hiện tượng là tâm” hay “tất cả các pháp là tâm”. Sự chỉ dạy này được trình bày trước tiên bởi vì bản tánh của tâm là quan trọng nhất trong đại ấn.”

Đây là lời dạy nói lên cái thấy tổng quan cho một tiến trình tu tập và chính vì lời dạy này mà việc thâm nhập vào cái thấy giải thoát hay đại ấn của học trò được thẳng tắp, trực chỉ bởi vì đại ấn hay tâm giải thoát là ngay đây và bây giờ, ở cùng khắp xung quanh ta.

Một cách nêu vấn đề cho học trò giải quyết rất thực tế, chính xác, không dùng những hình ảnh quá xa xôi, những ngôn từ diễn đạt bóng bẩy; học trò không bị mắc sai lầm khi nghĩ giải thoát là một cảnh giới nào đó khác với hiện tại đời sống hoặc là một cái gì quá sức thực hành của mình.

Bước vào phần thực hành Ánh trăng Đại Ấn giới thiệu sự tham thiền chung của các truyền thống. Cách giải quyết tâm bằng phương pháp tham thiền dùng chỉ và quán. Chỉ và quán được tu học nó trong truyền thống chung của mọi tông phái Phật giáo được trình bày khá cặn kẽ và tỉ mỉ hành giả có thể dựa vào đây để tu nếu thấy mình thích hợp với phương cách của truyền thống này.

Nhưng điểm thiết yếu của Ánh trăng Đại Ấn là tham thiền về Đại Ấn được thể hiện trong phần II của quyển sách.

Trước tiên đại ấn được giới thiệu về nguồn gốc của nó, từ kinh từ các tantra, và các dòng truyền thừa của đại ấn.

Kế đến phần thực hành dạy chúng ta về các thực hành sơ bộ. Theo cách thức nghe, (văn) suy nghĩ () và thực hành (tu). Chúng ta phải hiểu biết đại ấn như thế nào? Những luận, những lời dạy tinh túy, bốn ghi nhớ khi được may mắn làm người, thực hành ngondro.

Chúng ta tiếp tục thực hiện thiền chỉ trong cách tu của đại ấn, qua các giai đoạn để được tâm an định. Được nói đến như lúc đầu tâm như dòng suối rơi xuống hẻm núi, rồi như dòng suối chảy tới một dòng sông, và sau cùng tâm bình lặng khi nước xuôi về biển.

Điều độc đáo và hấp dẫn của tham thiền đại ấn là phần kế đến là thiền quán (Vipashayan). Khi ta có một tâm an định vững chắc của thiền Chỉ dưới sự dẫn dắt của một vị thầy có kinh nghiêm, ta mới dùng chính tâm an định đó nhìn thẳng vào tâm để nhận ra bản tánh của tâm bằng cách truy tìm lại chính nó, theo một cách chỉ dẫn cụ thể chặt chẽ của ngài Thrangu từng bước một của thực hành ta nhận ra được bản tánh của tâm. Và từ đó ta cũng tham thiền như vậy với tư tưởng và các hiện tượng. Cuối cùng ta chứng ngộ được cả ba: tâm, tư tưởng và các hiện tượng. Cả ba có đồng bản chất là quang minh và Tánh không.

Đây là lời dạy hết sức hệ trọng và gây cảm hứng rất lớn cho người tham thiền đại ấn. Với nền tảng của chứng ngộ trên và cách thức đã được chỉ dạy; hành giả đại ấn sẽ dùng hành trang là đại bi để dấn thân vào con đường vừa giải thoát cho chính mình lại vừa làm lợi ích cho người; bởi vì lúc này họ không còn sợ những chướng ngại. Họ có thể đem chướng ngại vào con đường. Tất cả những chướng ngại được vượt qua bằng cách thế mà họ đã có kinh nghiệm khi quán xét tâm, tư tưởng, và các hiện tượng.

Hai nữa, đây là cách để tịnh hóa theo nghĩa tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Và rốt cùng sự viên mãn hay trùm khắp của tâm chỉ vỏn vẹn trong ba lãnh vực tâm, tư tưởng, và các hiện tượng. Điều này có thể nói rằng tu hành đại ấn là chứng ngộ trong một đời. Bởi vì với người này không có gì với họ ngoài cái thấy giải thoát cả. Tất cả pháp là Phật pháp.

Với con mắt giải thoát của đại ấn hành giả có thể giải thoát tất cả những gì trong cuộc sống mình đang sống và trong tất cả những gì hiển hiện trên đời sống này.

Điều độc đáo thứ hai trong cách tu đại ấn là lý thuyết về đồng khởi.“Đồng khởi ám chỉ sự kiện rằng trí huệ chứng ngộ thật tánh của những hiện tượng đã hiện hữu sẵn trong chúng ta. Nó không phải là cái gì cần được sanh ra mới. Chúng ta có trí huệ này, nhưng chúng ta không chứng ngộ nó. Bởi vì chúng ta không chứng ngộ những sự vật như chúng là, hay đại ấn, mà chúng ta khổ đau. Qua trí huệ đồng khởi, chúng ta kết nối với thực tại của những sự vật, thực tại ấy vốn hiện hữu trong chúng ta.”

Đồng khởi là tánh Không và quang minh xuất hiện cùng nhau, không rời không khác, hiện tượng (pháp) và tánh Không của nó (pháp tánh) xuất hiện đồng thời. Đây là cách trực nhận đại ấn hay tâm giác ngộ được giới thiệu đầu tiên cho học trò như đã dạy.

Vì hiện pháp và pháp tánh là đồng khởi nên học trò khi được kinh nghiệm về đồng khởi của tâm là quang minh và Tánh không trong tham thiền thuần thục rồi sẽ ứng dụng nó đối với các pháp hầu làm cho “những vết dơ ngoại sanh được dở bỏ và những phẩm tính tốt được nở hoa trọn vẹn.”

Và cuối cùng Gomchung đệ tử của Gompopa, đã chứng minh Pháp thân là tâm, tư tưởng, và hiện tượng. Là ba cách thế của Pháp thân. Khẳng định lời dạy ban đầu cho học trò mọi hiện tượng là tâm các pháp là tâm.

“có pháp thân, nó là sự không thể khác biệt của tâm đồng khởi, hiện tướng đồng khởi, và tư tưởng đồng khởi, và đồng thời, có nghĩa là pháp thân, nó là sự đồng khởi không thể khác biệt của ba cái này”

Và đến Parmodrupa tâm là sự nối kết của ba phương diện đồng khởi. Và qua thực hành tham thiền về đồng khởi ta chứng ngộ sự không tách biệt của ba phương diện này.

            Một sự khẳng định lại lời dạy ban đầu về tất cả pháp đều là tâm. Đại ấn còn nói đến tâm bình thường tức là cái mà chúng ta cần tu học và chứng ngộ nó là cái có sẵn. Tham thiền về đại ấn là chỉ tham thiền về cái mà chúng ta đã được một vị thầy giới thiệu. Chúng ta tham thiền là làm quen với cái đã được giới thiệu; cái được nhận ra là tâm bình thường nó là cái đã có sẵn dù chúng ta có suy nghĩ, cân đo, chế tạo, nghiên tầm, phỏng đoán, suy lường … Nhưng nó vẫn chính là nó không hề thay đổi và vẫn thường như nó là bất kể chúng ta có tạo tác như thế nào về nó cũng không thay đổi nó. Đó là tâm bình thường.

 Một phương pháp nữa trong thực hành đại ấn cũng giống như trong Thiền tông gọi là kiến tánh khởi tu đó là thực hành lada. Lada nghĩa đen là nhảy qua một ngọn núi, tức nói đến sự trực chỉ, nghĩa thứ hai của lada làtin tưởng trọn vẹn và thực hành với tự do hoàn toàn thoát khỏi nghi ngờ.

Thực hành lada là khi hành giả đã được vị thầy giới thiệu về bản tánh của tâm. Nếu sự xác quyết của hành giả là chắc chắn thì việc thực hành lada được áp dụng. Bởi, thực hành lada kịp lúc sẽ tránh cho hành giả không rơi vào dính mắc những kinh nghiệm về tham thiền của mình khi mình trải qua. Nhưng nếu thực hành lada sớm quá hành giả chưa đủ cái thấy xác quyết cho nên dễ có thể rơi vào cái hiểu trí thức.

Như đã giới thiệu lúc đầu về tâm, ở đây đại ấn cho chúng ta tham thiền về sáu lãnh vực là:1 tư tưởng, 2 phiền não, 3 chư thiên và á thần hay u buồn, thất vọng, sợ hãi, lo âu…, 4 đau đớn, 5 bệnh tật, 6 cái chết. Tất cả những nghịch cảnh đều đưa vào con đường để hành giả thực tập giải thoát theo cái nhìn của đại ấn.

Tóm lại, Ánh trăng Đại Ấn mà ngài Thrangu Rinpoche bình giảng là một quyển sách chỉ dạy thực hành rất tỉ mỉ và từ nhiều góc độ khác nhau của sự thực hành để chúng ta có thể nhận diện và sống được với đại ấn và tham thiền về nó để hiển bày giải thoát. Bằng nhiều cách nhiều phương diện; song song đó, quyển sách này còn cho ta biết tu thiền Chỉ Quán qua các truyền thống kinh, nó cho chúng ta có một cái nhìn tổng quan về mọi mặt nhờ sự am hiểu của các ngài trong dòng đã đưa vào nội dung của cuốn sách này.

Cốt lõi là nhận ra bản tánh của tâm. Và đó là lò lửa giải thoát của đời tu chúng ta, nó có thể thiêu đốt bất cứ gì trở ngại trong cuộc đời nếu ta chứng nghiệm được nó. Mong cho mọi người đều được lợi ích lớn lao khi gặp gỡ và thực hành Pháp.

 

Tánh Hải, tháng mười 2014

 Chú thích: Những chữ in đậm là trích trong Những Điểm Thiết Yếu của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm.

 

 

 

SHARE:

Để lại một bình luận