TỌA THIỀN DỤNG TÂM KÝ

SHARE:

Ngồi thiền chỉ để người ta sáng tỏ tâm và nghỉ ngơi thư thả trong tài nguyên vốn sẵn của nó. Đó gọi là trưng bày khuôn mặt xưa nay và làm phát lộ nền tảng bổn nguyên. Tâm và thân rơi rụng mất, lìa hẳn việc ngồi và nằm. Thế nên chúng ta không nghĩ gì đến thiện ác, tốt xấu, và vượt khỏi phàm thánh, mọi ý niệm mê và ngộ, buông bỏ hoàn toàn những biên bờ của chúng sanh và Phật.

 

Thế thì, chấm dứt mọi quan tâm, vất bỏ mọi bám nắm, không làm một cái gì cả. Sáu giác quan không hoạt động – cái này là ai, tên chưa từng được biết, không thể xem là thân, không thể xem là tâm? Khi các ông nghĩ đến nó, tư tưởng tan biến mất; khi các ông cố nói về nó, lời nói hết đường. như một kẻ ngu không biết gì, cao như núi, sâu như biển, không thể thấy đỉnh cao hay đáy – chói sáng không nghĩ suy, nguồn thì trong sáng tự tỏ bày trong im lặng.

 

Bao trùm trời đất, toàn thân người ta hiển lộ một mình; một con người vĩ đại vô lượng – như người đã chết hẳn, mắt không còn bị cái gì che, chân không dựa lên cái gì cả. Bụi bặm ở đâu? Cái gì là rào chắn? Nước trong không bao giờ có trước hay sau, không gian chưa từng có trong hay ngoài. Pha lê trong vắt và chói sáng trước khi sắc và không phân chia, làm thế nào vật và trí có thể hiện hữu?

 

Cái này luôn luôn có mặt với chúng ta, nhưng nó chưa từng có tên. Tam tổ, một vị thầy vĩ đại, có khi gọi nó là tâm; Tôn giả Long Thọ tạm thời gọi nó là pháp thân, lưu xuất thân của tất cả chư Phật, tượng trưng bằng mặt trăng tròn, không tăng không giảm. bản thân tâm này chính là giác ngộ, ánh sáng của tự tâm soi suốt xưa nay. Làm chủ biểu tượng kỳ diệu của Long Thọ, thành tựu chánh định của tất cả chư Phật, tâm không có tướng nhị nguyên, trong khi những thân thì khác nhau về hình tướng. Chỉ một tâm, chỉ một thân – sự khác nhau và giống nhau của chúng không phải là vấn đề; tâm biến đổi thành thân và khi thân xuất hiện, chúng như có phân biệt. Một làn sóng khởi động, vạn làn sóng đến theo; khoảnh khắc tư tưởng phân biệt sanh khởi, vô số sự sanh ra. Nghĩa là bốn đại và năm uẩn phối hợp, bốn chi và năm giác quan thình lình xuất hiện, và như vậy cho đến ba mươi sáu phần của thân thể, mười hai mối liên kết… Sự tạo tác chảy dài như sông, tương tục không phút nào ngưng nghỉ – nó chỉ hiện hữu từ nhiều nhân duyên hợp.

 

Thế nên tâm như nước biển; thân thì giống như sóng. Không có sóng nào không có nước và không có nước mà không có sóng, nước và sóng chẳng tách lìa nhau, động và tĩnh chẳng khác nhau. Thế nên có nói, “Con người thật đến và đi, sống và chết, đó là thân bất tử của bốn đại và năm uẩn”.

 

Bây giờ toạ thiền là đi thẳng vào đại dương của giác ngộ, như vậy là làm hiển lộ pháp thân của tất cả chư Phật. Tâm trong sáng bẩm sinh không thể nghĩ bàn đột nhiên hiện bày và ánh sáng bổn nguyên rốt cuộc chiếu sáng khắp nơi nơi. Không có tăng hay giảm trong đại dương, và sóng cứ sanh không bao giờ quay lại. Bởi thế, những bậc giác ngộ xuất hiện trong đời vì ý nguyện vĩ đại làm cho người ta thể hiện cái thấy biết của giác ngộ. Và các vị ấy có một nghệ thuật vi diệu, hoàn hảo và bình an, gọi là toạ thiền, nó là vua của tất cả mọi trạng thái định. Nếu các ông một lần ở trong thiền định này, các ông sẽ trực tiếp soi sáng tâm – như thế chúng ta thấu hiểu nó là cánh cửa chính đưa vào con đường giác ngộ.

 

Những ai muốn soi sáng tâm cần phải vất bỏ hiểu biết và giải thích thập cẩm lẫn lộn, dẹp bỏ những lý lẽ của cả đời thường và của Phật giáo, cắt đứt mọi tình cảm mê lầm và làm hiển lộ chân tâm độc nhất. Bấy giờ những đám mây ảo vọng sẽ tan sạch, mặt trăng tâm chiếu soi sáng ngời mát mẻ. Đức Phật nói, “Học và tư duy (văn và tư) giống như ở ngoài cửa; ngồi thiền (tu) là trở về nhà ngồi bình yên”. Thật đúng thay! Khi học và tư duy, những quan điểm không dừng được và tâm vẫn đóng kín; do đó giống như ở ngoài cửa. Nhưng trong ngồi thiền, mọi sự đều yên nghĩ và các ông thâm nhập khắp nơi, như vậy là giống như về nhà ngồi yên vui.

 

Những phiền não của năm sự che ám đều đến từ vô minh, và vô minh nghĩa là không hiểu chính mình. Toạ thiền là hiểu chính mình. Cho dù các ông có đoạn trừ năm sự che ám nhưng nếu không đoạn trừ vô minh, các ông không là Phật hay Tổ được. Nếu các ông muốn trừ hết vô minh, ngồi thiền để rõ đạo là cái bí mật thiết yếu nhất.

 

Một người xưa nói, “Khi mê mờ dừng dứt, thanh tĩnh hiện đến; khi thanh tĩnh hiện đến, trí huệ xuất hiện, và khi trí huệ xuất hiện thì thấy được thực tại”. Nếu các ông muốn chấm dứt mê vọng của riêng mình, các ông phải thôi nghĩ đến tốt xấu và bỏ mọi hoạt động; tâm không suy nghĩ và thân không làm việc là điểm thiết yếu nhất. Khi những bám luyến ảo vọng chấm dứt, ảo tưởng mê lầm chết luôn. Khi ảo tưởng mê lầm chết mất, bản tánh bất biến hiển bày và các ông luôn luôn rõ ràng biết nó. Nó chẳng phải tĩnh lặng, chẳng phải hoạt động.

 

Vì lý do đó, các ông cần tránh mọi thứ nghệ thuật, cho toa thuốc và bói toán cũng như ca, múa, âm nhạc, nói năng vô nghĩa, và thanh danh lợi lộc. Dù thô và bài ca có thể giúp sáng tâm, các ông cũng chớ say mê chúng; vứt bỏ viết lách và thư pháp là yêu cầu của người học đạo, cách tốt nhất để điều tâm.

 

Các ông không nên lưu luyến với y phục tốt xấu. Áo quần tốt làm cho tham và còn sợ mất trộm – thế nên nó là một chướng ngại trên đường đạo. Từ chối khi có người cho là hành động đáng khen từ đời xưa. Dù chúng ta không lo lắng cho cuộc sống chúng ta, nhưng nếu áo quần, thức ăn, giấc ngủ không đủ, thì đây gọi là ba sự thiếu thốn, và quá mức thì đều gây ta thụt lùi.

 

Không nên ăn những thực phẩm sống, khó tiêu và đã hư. Bụng sôi, căng, thân và tâm không thoải mái thì sẽ khó ngồi. Chớ chìu theo thực phẩm ngon – không những thân tâm không thích hợp, mà mình còn tham lam nữa. Các ông chỉ cần đủ thực phẩm để nuôi sống, chớ thưởng thức mùi vị của nó. Ngồi ngay sau khi ăn thì gây ra bệnh. Nói chung, những nhà sư khất thực cần điều hoà việc ăn, nghĩa là chỉ dùng hai phần ba số thực phẩm, bỏ đi một phần. Mọi thực phẩm có tính chất thuốc thông thường đều có thể dùng. Đây là kỹ thuật căn bản để điều hoà thân.

 

Khi ngồi thiền, chớ ngồi trước bức vách hay bức màn. Cũng chớ ngồi chỗ có gió hay trống trơn. Đó là những nguyên nhân gây bệnh. Khi ngồi thiền, thân thể có thể có vẻ như nóng và lạnh, khó chịu hay thoải mái, đôi khi tỉnh táo đáng ngạc nhiên. Tất cả đều do hơi thở không điều hoà và cần làm cho điều hoà. Cách điều hợp hơi thở là như sau: mở miệng ra, để cho hơi thở dài hay ngắn tự nhiên, dần dần làm cho nó hài hoà. Theo dõi hơi thở một lúc, khi tỉnh giác đến, bấy giờ hơi thở hài hoà tốt đẹp. Sau đó hãy để hơi thở qua mũi một cách tự nhiên.

 

Tâm có thể có vẻ chìm mất hay nổi bập bềnh; đôi khi nó nặng đục, đôi khi sắc bén. Đôi khi các ông có thể thấy xuyên qua phòng ra bên ngoài, đôi khi các ông thấy xuyên qua thân, đôi khi thấy những sắc tướng của chư Phật hay chư Bồ tát. Đôi khi các ông hiểu kinh điển hay các luận. Những sự việc dị thường như vậy là những rối loạn do thiếu hài hoà giữa tỉnh giác và hơi thở. Khi chúng xảy ra, hãy ngồi với tâm nghỉ ngơi. Nếu tâm chìm vào hôn trầm, hãy an tâm vào giữa hai mắt (trên điểm giữa hai lông mày sát mí tóc trán). Nếu tâm xao lãng và phân tán, hãy an tâm trên đầu mũi và bụng dưới (ba phân dưới rốn). Khi ngồi, luôn luôn để tâm ở trong bàn tay trái. Khi ngồi lâu, dù không bắt tâm phải yên, nó sẽ tự nhiên không phân tán.

 

Về những lời dạy xưa, dù chúng là những bài học truyền thống để soi sáng tâm, cũng chớ đọc, viết, hay nghe chúng nhiều – nhiều quá sẽ gây xáo trộn cho tâm. Nói chung, bất kỳ cái gì làm mệt sức thân và tâm đều có thể gây bệnh. Chớ ngồi nơi có lửa, lụt hay cướp bóc, hay trên biển, gần quán rượu, nhà thổ, hay nơi có đàn bà goá, trinh nữ. Chớ luẩn quẩn với vua, quan chức cấp cao, người quyền thế, người tham dục và danh vọng, những người kể chuyện. Đối với những việc phục vụ của đám đông người Phật giáo và những công trình xây dựng, dù đó là những việc tốt, người chỉ tập trung vào việc ngồi thiền không làm.

 

Chớ ham mê giảng dạy, vì những tư tưởng xao lãng và phân tán đến từ việc này. Chớ vui thích đám đông và chớ tìm đệ tử. Chớ nghiên cứu và thực hành nhiều thứ. Các ông có thể ở trong một tu viện có một vị thầy đích thật, ở trong núi hay thung lũng khuất. Nước và núi là chỗ để đi khi thiền định (thiền hành); suối, dưới tàng cây là chỗ để làm sáng tâm. Hãy quan sát vô thường, chớ bao giờ quên nó; điều này thúc đẩy ý chí tìm kiếm giác ngộ.

 

Một đệm thiền và chỗ thực hành sạch sẽ, luôn luôn đốt hương và có hoa cúng: những bộ pháp giữ gìn giáo lý, cũng như chư Phật và chư Bồ tát sẽ hắt bóng xuống và bảo vệ. Nếu các ông đặt một ảnh tượng Phật, Bồ tát hay vị Thánh ở đó thì không có ma quỷ nào có thể đụng đến các ông.

 

Luôn luôn hãy trú ngụ trong đại bi và hồi hướng năng lực vô biên của việc ngồi thiền cho tất cả chúng sanh. Chớ kiêu căng, tự phụ cho mình là đúng – đấy là những tính cách của người ngoại đạo và người thường. Hãy nhớ lời nguyện trừ sạch những phiền não, lời nguyện giác ngộ. Chỉ ngồi, không làm gì cả, là kỹ thuật thiết cốt để thâm nhập Thiền. Luôn luôn rửa mắt và chân trước khi ngồi. Với thân và tâm thoải mái, tâm thái điều hoà, hãy bỏ những cảm nhận thế gian và cũng chớ bám vào những cảm nhận của Đạo.

 

Dù người ta không nên bỏn sẻn giáo lý, chớ có nói về nó trừ phi các ông được hỏi – giữ mồm giữ miệng khi được yêu cầu ba lần, lần thứ tư thì có thể đáp ứng. Trong mười điều các ông sẽ nói, hãy dừng lại chín điều. Mốc meo mọc quanh miệng, như một cây quạt vào mùa đông, như một cái chuông treo trong không khí, không hỏi gió bốn phương – đây là một tính cách của đạo nhân. Hãy làm theo giáo lý, chớ chú ý đến ai; làm theo đạo và chớ tự bằng lòng – đây là điểm quan trong nhất cần nhớ.

 

Ngồi thiền không liên quan đến giáo lý, thực hành hay chứng ngộ, nhưng nó chứa đựng ba phương diện này. Nói rằng tiêu chuẩn của chứng ngộ nương dựa vào giác ngộ – đó không phải là tinh thần của ngồi thiền. Giáo lý dựa trên loại bỏ cái xấu và trau dồi cái tốt – đó không phải là tinh thần của ngồi thiền. Dù giáo lý được thiết lập trong Thiền, nó không phải là giáo lý bình thường. Nó là chỉ thẳng, đơn giản tiếp thông với đạo, nói bằng toàn thân. Những lời không có câu cú; nơi ý niệm dứt và lý trí cạn kiệt, một lời thông suốt mười phương. Và một cọng tóc chưa từng lập – đây không phải là chân giáo lý của chư Phật và chư Tổ sao?

Dù chúng ta nói đến thực hành, đó là thực hành mà không làm gì cả. Nghĩa là, thân không làm gì, miệng không nói gì, tâm không nghĩ gì, sáu giác quan thanh tịnh tự nhiên, chẳng bị cái gì làm dơ nhiễm. Đây không phải là thực hành mười sáu phần (Tứ đế) của đệ tử Thanh văn, hay thực hành mười hai nhân duyên của bậc Độc giác, hay sáu Ba-la-mật qua vô số hạnh của Bồ-tát. Không làm gì hết, thế nên nó được gọi là Phật quả, trạng thái giác ngộ.

 

Chỉ nghỉ ngơi trong định tự thọ dụng của tất cả các bậc giác ngộ, dạo chơi trong bốn thực hành an lạc của chư Bồ-tát, đây không phải là sự thực hành sâu thẳm không thể nghĩ bàn của chư Phật chư Tổ sao?

 

Dù chúng ta có thể nói đên chứng ngộ, đây là chứng ngộ mà không có chứng ngộ, đây là vua của định, trạng thái tỉnh giác trong đó các ông khám phá vô sanh trí, nhất thiết và tự nhiên trí. Đây là cánh cửa của sự sáng tỏ qua đó trí huệ của bậc chứng ngộ mở ra, do phương pháp thực hành đại thoái mái. Nó siêu việt thánh và phàm, vượt khỏi mê và ngộ, đó không phải là sự chứng ngộ của giác ngộ vốn sẵn sao?

 

Cũng thế, ngồi thiền chẳng liên quan gì với giới, định, huệ, mà bao gồm cả ba cái này. Nghĩa là, giới là ngăn ngừa sai lầm và ngưng dứt điều xấu; trong ngồi thiền chúng ta thấy bản chất toàn thể bất nhị; chúng ta vứt bỏ vô số những quan tâm và hết mọi ràng buộc. Không dính dáng với Phật đạo hay thế đạo, quên những cảm nhận về đời, không xác nhận hay phủ nhận, không tốt hay xấu – có cái gì để ngăn ngừa hay ngừng dứt? Đây là giới vô tướng của bản tâm.

 

Định là tham thiền không phân biệt. Trong ngồi thiền, chúng ta cởi bỏ thân tâm, quên hết mê ngộ, bất động và thản nhiên, không làm việc, không hôn trầm, như một người ngu, như một kẻ đần, như một trái núi, như một đại dương, không dấu vết của động hay tĩnh sanh khởi – định mà không có dấu hiệu của định, bởi vì không có tướng định, đó gọi là đại định.

 

Huệ là thông hiểu rõ ràng. Trong ngồi thiền hiểu biết tự nó biến mất, tâm và thức phân biệt vĩnh viễn bỏ quên. Con mắt huệ khắp thân không có cắt đứt ý niệm, rỗng rang soi tỏ suốt khắp Đạo. Đây là huệ không có dấu hiệu của huệ, bởi vì không có dấu hiệu của huệ nên được gọi là đại huệ.

 

Những lời dạy của chư Phật lúc sanh tiền đều gồm trong giới, định, huệ. Trong ngồi thiền này không có giới nào không được giữ, không có định nào không được trao dồi, không có huệ nào không được chứng ngộ. Chiến thắng quân ma, đạt đạo, chuyển bánh xe Pháp và nhập diệt, tất cả đều dựa vào thần lực này. Những thần lực siêu nhiên và những tác dụng không thể nghĩ bàn của chúng, phóng ánh sáng và diễn nói Pháp, tất cả đều ở trong hành động ngồi này. Tham cứu Thiền cũng là ngồi Thiền.

 

Nếu các ông muốn ngồi thiền, trước hết hãy tìm một chỗ yên tĩnh và trải một tấm niệm dày. Không để gió mưa, sương khói lọt vào. Dù người xưa ngồi trên toà kim cương hay đá cuội, họ đều có đệm ngồi. Nơi ngồi không nên sáng quá ban ngày hay tối quá ban đêm, nó cần ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè – đó là kỹ thuật.

 

Bỏ hết tâm, trí và ý thức, thôi nhớ tưởng, quan sát. Chớ nhắm đến thành Phật, chớ quan tâm đến đúng hay sai. Hãy quý thời gian, như cứu đầu mình khỏi lửa cháy. Đức Phật ngồi thẳng, Bồ-đề Đạt-ma đối diện với bức vách, nhất tâm, không quan tâm đến gì khác. Thạch Sương giống như một cây chết khô. Thanh Tùng trách sự buồn ngủ khi ngồi: “Các ông chỉ thành công bằng cách chỉ ngồi, không cần thắp hương, lễ lạy, niệm Phật hiệu, sám hối, tụng kinh”.

 

Ngồi ở đâu cũng cần mặc một cà-sa – chớ quên điều này. Đệm ngồi chỉ lót mông và một phần đùi. Đây là cách chư Phật chư Tổ ngồi. Các ông có thể ngồi kiết già hay bán già. Kiết già thì để chân phải lên chân trái, rồi để chân trái lên đùi phải. Hãy nới lỏng áo quần và xếp cho thẳng, rồi đặt tay phải lên chân trái và tay trái lên tay phải, hai bàn tay sát thân và dưới rốn một chút. Ngồi thẳng, không nghiêng trái phải, trước sau. Tai và vai, mũi và rốn thẳng hàng. Lưỡi đặt lên vòm miệng và thở qua mũi. Miệng ngậm lại, mắt mở hé. Đã điều thân như vậy, hãy thở sâu qua miệng hai lần. Tiếp theo, vẫn ngồi, xoay thân bảy hay tám lần, từ rộng đến hẹp lại. Rồi hãy ngồi thẳng và kiên định.

 

Bây giờ hãy nghĩ về cái không suy nghĩ. Làm sao nghĩ về nó? Không suy nghĩ. Đây là phương pháp căn bản cốt lõi của ngồi thiền. Các ông phải phá tan suốt qua những phiền não và đích thân giác ngộ. Khi các ông muốn xuất định, trước hết hãy đặt hai tay lên hai đầu gối, lắc thân bảy hoặc tám lần, từ chuyển động nhỏ đến lớn hơn. Hãy mở miệng và thở ra; đặt tay trên đất và nhẹ nhàng rời khỏi chỗ ngồi.

 

Hãy đi chầm chậm, vòng sang phải hoặc trái. Nếu hôn trầm buồn ngủ trùm lấy các ông khi đang ngồi, hãy luôn luôn chuyển động thân hay mở lớn mắt; cũng để tâm nơi mí tóc giữa trán. Nếu vẫn chưa tỉnh táo, hãy chà xát mắt và thân. Nếu việc ấy vẫn chưa làm mình tỉnh, hãy đứng dậy và đi vòng, luôn luôn vòng sang trái. Khi đi được khoảng một trăm bước, cơn buồn ngủ sẽ tan. Cách đi là nửa bước mỗi hơi thở. Các ông đi như không đi đâu cả, im lặng và không chuyển động. Nếu còn chưa tỉnh sau khi đi vòng, hãy rửa mắt và thấm nước trên trán hay tụng đoạn mở đầu Bồ tát giới hay cái gì đại loại như vậy, tìm cách để hết buồn ngủ. Các ông cần quan sát việc sanh tử là việc lớn, vô thường thì nhanh chóng – các ông làm sao ngủ khi con mắt đạo chưa sáng? Nếu hôn trầm buồn ngủ cứ đến hoài, cần cầu nguyện, “Những thói quen của con bắt rễ đã sâu, thế nên con bị bao phủ trong buồn ngủ, khi nào hôn trầm sẽ tan biến đây? Con cầu nguyện chư Phật và chư Tổ bi mẫn cất bỏ cho con sự tối tăm khổ sở này”.

 

Nếu tâm các ông phân tán, hãy an tâm trên đầu mũi và bụng dưới và đếm hơi thở ra vào. Nếu xao lãng không hết, hãy nói một câu với tâm và giữ câu ấy để đánh thức các ông- chẳng hạn, “Cái gì đến như thế?”. “Một con chó không có Phật tánh”. “Khi tư tưởng không khởi lên, còn có lỗi gì không? – Núi Tu-di!”, “Đâu là ý nghĩa của việc Bồ-đề Đạt-ma từ phương tây đến?” – Cây bách trước sân”. Những lời không mùi vị như vậy rất thích hợp. Nếu xao động vẫn không ngừng, hãy ngồi và tập trung vào điểm hơi thở chấm dứt và đôi mắt nhắm lại vĩnh viễn, hay khi bào thai chưa tượng hình và một tư tưởng chưa sanh; khi cái tương tợ với cái không đột nhiên xuất hiện, tâm tán loạn chắc chắn sẽ dừng.

 

Sau khi xuất định, khi làm việc mà không có suy nghĩ, sự kiện hiện tại chính là công án. Khi các ông hoàn thành thực hành và chứng ngộ mà không trộn lẫn, bấy giờ công án là cái đang xảy ra hiện tại. Đó là cái trước khi các tướng xuất hiện, tình trạng bên mặt kia của không kiếp, khả năng tâm linh của tất cả chư Phật và chư Tổ, đấy chỉ là một sự. Các ông cần dừng lại, thôi đi, lạnh lẽo, vượt qua vô số năm như một khoảnh khắc, hãy như tro lạnh, như cây khô, như lư hương trên bàn thờ bỏ hoang xưa cũ, như một tấm lụa trắng. Cầu mong như thế.

NGỒI KHÔNG 

Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa

 

 

 

 

Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại

SHARE:

Để lại một bình luận