SHARE:
Ðạo đức học là một bộ phận của triết học nhằm dựa vào lý trí mà thiết lập một sự phân biệt giữa thiện và ác, giữa điều được làm và điều bị cấm làm, nhằm nêu ra một nguyên tắc tổng quát để xếp loại và đánh giá các hành động. Ðạo đức học nhằm nêu định cứu cánh của mọi hành động hợp lý mà con người cố vươn tới, tức mục đích, lý tưởng của cuộc đời và tìm các phương cách giúp con người tiến tới mục đích lý tưởng ấy.
Khi bàn đến đạo đức, triết học lại nổi lên câu hỏi cơ bản: “Nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức là gì và đâu là giá trị của các nguyên tắc ấy?”. Câu hỏi kép gồm hai vế ấy có vế đầu liên hệ đến tâm lý học và vế sau liên hệ đến siêu hình học. Những tranh cãi thuộc vế đầu là: Nguyên tắc đạo đức là do kinh nghiệm hay do kế thừa, hay do xã hội, do lý trí, do bẩm sinh, và chi tiết hơn liên hệ đến lòng trắc ẩn, tự kỷ, vị tha, trách nhiệm, bổn phận… Những tranh cãi thuộc vế thứ hai là: Giá trị của các nguyên tắc đạo đức có thể quy vào một không? Giá trị tuyệt đối là gì, lý tưởng, thượng đế…? Từ đó đạo đức học bị chia thành nhiều loại như đạo đức học duy nghiệm, duy lý, duy nghiệm lý, rồi lại bị chia thành các phái như chủ nghĩa hoan lạc, khoái cảm, duy dụng, duy nhiên, duy cảm v.v…
Ước vọng có một đạo đức học đúng đắn, hiệu nghiệm và phổ quát cho mọi người luôn luôn là chính đáng. Cái yêu cầu ấy còn mạnh mẽ hơn với lòng yêu tuyệt đối luôn bùng cháy trong con người và khiến con người quay tìm đạo đức học trong tôn giáo. Nhưng tôn giáo thường đầy rẫy những luận giải siêu hình; nó thiết lập các giáo điều, nó ra mệnh lệnh, nó đòi hỏi sự tuân phục, thuần tín ở đấng tối cao… Phật giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa ấy và đạo đức học của Phật giáo có thể là đạo đức học cho mọi người.
Ðức Phật dạy: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và luật của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”. Ngài còn dạy: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ”. Trong lần chuyển pháp luân đầu tiên tại Benares, giảng về Tứ Ðế Ðức Phật xác định đây là khổ, nêu nguyên nhân của khổ, nói đến sự chấm dứt khổ (giải thoát, Niết bàn) và con đường diệt khổ. Thế là Ngài đã tuyên bố mục đích của mọi hành động của con người và của giáo lý của Ngài là nhằm giải thoát khỏi khổ đau. Ðối chiếu ý nghĩa này với định nghĩa chung về đạo đức học đã nêu, ta có thể nói toàn bộ giáo lý của Ðức Phật là một giáo lý đạo đức, hay Phật học là đạo đức học, một đạo đức học xây dựng trên giải thoát, do một người đã giải thoát truyền dạy, lấy giải thoát làm cứu cánh, lấy giải thoát làm chuẩn tắc để đánh giá các hành động. Xác định nền tảng giải thoát này là xác định toàn bộ ý nghĩa, đối tượng, mục đích, phương pháp của đạo đức học Phật giáo.
Xác định nền tảng của đạo đức học Phật giáo là giải thoát, ta có thể dễ dàng giải đáp câu hỏi cơ bản đã nêu trên: Giải thoát là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức. Thực ra mệnh đề này là kết quả của sự lập luận rằng: Do khổ, do kinh nghiệm khổ mà nảy sinh ra cái nguyên tắc đạo đức cơ bản là sự diệt khổ, thoát khổ, đẩy đưa đến sự diệt khổ tuyệt đối, cứu cánh, đấy là giải thoát tối hậu, Niết bàn. Giải thoát là mặt bên kia (mặt tích cực trong ý nghĩa đạo đức) của khổ đau, giải thoát và khổ đau là hai mặt của một thực tại đang hiện hữu tại đây, giờ đây. Vậy thay vì bảo giải thoát là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức, ta có thể bảo khổ cũng là nguồn gốc ấy. Từ đây vế thứ hai của câu hỏi cũng được dễ dàng giải đáp : “Giải thoát là giá trị tối hậu đích thực của các nguyên tắc đạo đức.”
Dù Phật giáo không hề muốn bị xếp như một triết thuyết như duy nghiệm, duy lý, duy cảm v.v… nhưng Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, không thể không là đối tượng nghiên cứu cho các nhà triết học và không thể tránh khỏi sự sắp xếp phân loại của các nhà nghiên cứu đạo đức. Thế thì hãy tạm gọi đạo đức học Phật giáo là đạo đức học Duy giải thoát mà phương Tây có thể nên gọi bằng một từ triết học mới nào đó, đại loại như “Emancipisme”! Và như vậy, vấn đề muôn thuở của đạo đức học nói chung như lương tâm hay ý thức đạo đức, tức cái khả năng nhận biết giá trị đạo đức của các hành động được đạo đức học Phật giáo gọi là ý thức giải thoát, hay ở mức độ cao gọi là trí giải thoát. Trí giải thoát lại còn được xem là nguồn gốc của lương tâm, của ý thức đạo đức tức là của chính nó, hiểu theo lập luận của E.Kant khi ông gọi nguồn gốc ấy là lý trí thuần túy thực tiễn, cái nhân tố phát khởi những mệnh lệnh quyết định. Nếu Descartes đẩy ý thức đạo đức lên thành các tác phẩm của thượng đế, nếu Spencer đẩy lùi nó vào cái thói quen do di truyền thì đạo đức học Phật giáo gọi nó là dư y của ý thức giải thoát, một thiện nghiệp trong quá khứ và có thể được vun đắp thêm trong hiện tại.
Nói đến giải thoát là nói đến tự do. Thông thường giải thoát được hiểu là trạng thái được sau khi thoát khỏi sự ràng buộc, sự trở ngại, khổ đau, mất tự do; tự do là trạng thái thoải mái, có thể tự mình quyết định hành động của mình, tự mình chọn lựa… Như vậy giải thoát và tự do có thể được xem là đồng nghĩa, nhất là khi ở bình diện tuyệt đối, Giải thoát và Tự do đồng nghĩa với Niết Bàn, là Niết bàn là Phật. Ở bình diện tương đối của thế gian, giải thoát và tự do chỉ có thể được thực hiện trong giới hạn. Một hành động như tìm nước uống để thỏa mãn cơn khát, làm một việc thiện để đạt được niềm vui tự nội… đều có giá trị giải thoát tương đối. Tự do chọn nghề, tự do nghỉ ngơi… là những tự do tương đối vì người ta không thể tự do lấy của cải của người khác, không thể tự do vượt khỏi những hạn chế của cơ thể để thực hiện những điều không tưởng, không thể tự nhiên mà thoát được sinh, già, bệnh, chết… Cái kinh nghiệm giải thoát có thể thực hiện hàng ngày, qua từng công việc bình thường hoặc sâu đậm hơn, qua thiền định. Niềm vui, niềm hạnh phúc đạt được trong khi làm việc thiện, trong khi thiền định sẽ giúp ta phát triển ý thức đạo đức, đánh giá đúng đắn các hành động và truy tìm những hành động mang lại giải thoát, hạnh phúc.
Trước khi bàn tiếp hãy nhận định về cái thuật ngữ nổi cộm trong đạo đức học, đó là từ hạnh phúc (le bonheur). Người ta dễ dàng chấp nhận rằng mọi hành động đích thực của con người là nhằm mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì? Câu trả lời cũng thường dễ dàng không kém: Hạnh phúc là sự thỏa mãn vật chất và tinh thần! Nhưng những yêu cầu vật chất, tinh thần của mỗi cá nhân lại khác nhau tùy theo hoàn cảnh, cá tính, thời gian v.v… Có phải những yêu cầu ấy là tiền bạc, sức khỏe, vợ con, sự tiện nghi… và là sự được khen, được yêu, được lao động, được thực hiện lý tưởng được gần gũi Thượng đế…? Nếu thế thì ý nghĩa của hạnh phúc vẫn mãi mãi là mối trnh cãi. Ðạo đức học Phật giáo nêu rõ cái kinh nghiệm cơ bản về hạnh phúc là sự lạc thọ, tức sự thọ nhận cái cảm giác an vui, cái hoan hỷ tâm vậy. Ðạo đức học Phật giáo đồng nghĩa hạnh phúc với giải thoát, hiểu hạnh phúc là phù hợp với con đường giải thoát. Ðến đây, giáo lý vô ngã của Ðức Phật đóng vai trò quan trọng trong đạo đức học Phật giáo. Vì vô ngã là bản chất của hết thảy mọi sự vật, là chân lý nên mọi hành động trái với vô ngã (tức hành động hữu ngã) là trái với bản chất của các sự vật, là trái với chân lý, tức là gây khổ đau, trở ngại cho sự giải thoát. Khi ta thực hiện vô ngã thì ta thấy có hạnh phúc, tức thấy có giải thoát. Vậy vô ngã có thể xem là đồng nghĩa với giải thoát. Trong một nghĩa hẹp, hành động vô ngã là một hành động quên mình, vị tha, là từ bi, hỷ xả, mang tinh thần đạo đức xã hội mà mọi người đều xem là thiện hạnh.
Trở lại việc đánh giá hành động: Ðạo đức học Phật giáo lấy tiêu chuẩn giải thoát, vô ngã để đánh giá một hành động và cái chủ thể đánh giá là ý thức giải thoát. Do mức độ tu tập, hành trì, ý thức này có thể cao, thấp khác nhau. Lương tâm, ý thức đạo đức hay ý thức giải thoát mang tính tự do trong chính nó và như đã nói nó có thể bị sai lầm, bị yếu kém khiến một cá nhân bị thối thất hay chịu nhận khổ đau. Cho nên sự tu tập mới được đạo đức học Phật giáo đề cao, đấy là ý nghĩa tích cực của đạo đức học Phật giáo. Chúng ta thông cảm với nhận định hơi vội vàng của J.P. Sarter: “Tự do là nguồn gốc độc nhất của giá trị” (La liberté est I’unique source de la valeur), “Kết quả là, tự do của tôi là nền tảng độc nhất của các giá trị, và không có gì. tuyệt đối không có gì khiến tôi phải chấp nhận một giá trị thế này, thế nọ, một thang giá trị thế này, thế nọ”. Hay của S. de Beauvoir: ” Con người thì tự do, nhưng con người tìm thấy luật tắc của mình trong chính sự tự do của mình nữa.” Sự tự do ấy, nếu không phải là tuyệt đối tức cứu cánh giải thoát thì ít ra cũng phải là trạng thái của một người đã đạt nhiều tiến bộ trong tu tập, đang tiến gần đến giải thoát để có thể có nền tảng vững vàng trong sự phán đoán giá trị! Ðấy là sự tự do ở một bậc chân tu chứ không phải là tự do ở bất cứ người nào như Sartre và De Beauvoir quan niệm.
Ðức Phật là bậc đã đạt trọn vẹn Giải thoát. Ngài vạch con đường giải thoát cho con người. Giáo lý đạo đức của Ngài không phải là tác phẩm của các văn gia đạo đức như La Rochefoucauld, La Bruyère, Vauvenarge… hay của các triết gia đạo đức như Epicure, Aristote, Kan, Max Scheler… Ðạo đức học của Ngài có phần lý thuyết toàn hảo nhưng Ngài chú trọng đến phần thực hành mà Ngài đã thực hiện để đạt giải thoát. Một đạo đức học tuyên bố rằng đời là khổ, đây là khổ, tự nhiên bao hàm sự tuyên bố rằng mọi hoạt động con người là nhằm thoát khổ, giải thoát. Ðạo đức học ấy là đạo đức học của giải thoát, tích cực, cụ thể và lạc quan. Tích cực vì nó kêu gọi con người lên đường diệt khổ, khuyến khích sự tinh tấn, hành thiện, cụ thể và thực tiễn vì đối tượng giải thoát là con người, là cuộc đời ngay đây và bây giờ; lạc quan vì nó tuyên bố mọi người đều có đầy đủ khả năng giải thoát tối hậu.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS