SHARE:
Giác Ngộ – Sự hiểu biết này là một phần trong sự thực hành tâm linh của tôi, từ góc nhìn tâm linh của mình, tôi thấu hiểu điều đó. Tận đáy lòng mình tôi hiểu một cách sâu sắc rằng thật là bất thiện khi sát sinh. Tôi không bị ai bắt buộc ăn chay, nhưng sự hiểu biết đã giúp tôi trường chay.
Phải có thái độ và cảm nhận một cách lạc quan
Trong thời hiện đại chúng ta phải có thái độ và cảm nhận một cách lạc quan, không chỉ trong phương diện tôn giáo mà cả trong đời sống thường nhật. Là một người tại gia bình thường, chúng ta nên nghĩ và cho rằng chúng ta đang thực sự tiến tới một thành quả vĩ đại nhất, đó là một thế giới tốt đẹp hơn và những trải nghiệm tốt đẹp hơn. Tôi có một cảm giác lạc quan rất mạnh mẽ rằng đây là điều chúng ta nên cảm nhận. Lý do tại sao tôi nói điều này là bởi vì con người (đặc biệt là ở phương Tây) hiện đang chú trọng nhiều để theo con đường tâm linh hơn là theo con đường tôn giáo hay văn hóa.
Nguyện cầu – Ảnh: Bảo Thiên
Gần đây tôi đã phát hiện ra rằng con người đang ngày càng trở nên quan tâm, chú trọng tới tâm linh nhiều hơn. Trong mười năm qua, tôi đã chu du khắp thế giới, truyền pháp và khai thị ở nhiều nơi. Thời gian gần đây, tôi đã viếng thăm nhiều nước ở phương Tây và được khích lệ rất nhiều. Khi hồi tưởng lại những điều tôi đã tích lũy được trong suốt khoảng thời gian này, tôi có thể nhận thấy rằng đã có rất nhiều chuyển biến nơi những học trò, bằng hữu của mình. Họ quan tâm, chú trọng đến tâm linh nhiều hơn là tín ngưỡng tôn giáo. Tôi cho rằng, đây là một sự chuyển biến rất tích cực và cũng là một bước tiến đầy triển vọng.
Tu tập và hiểu biết tâm linh cần phải song hành
Nhiều năm nay, tôi đã rất cố gắng nỗ lực để truyền tải tầm quan trọng của tâm linh và những điểm yếu của việc cuồng tín tôn giáo. Tất nhiên, tôi không nói rằng một người có niềm tin tôn giáo nhất thiết phải là một người xấu hay tiêu cực bởi vì cũng có rất nhiều điều tốt đẹp về lòng tin tôn giáo. Mặc dù vậy, bạn cần phải luôn cân nhắc điều tốt hay xấu, điều nào mạnh hơn. Nhưng ít nhất thì bạn cần phải ý thức được sự cân bằng giữa hai phẩm chất này. Để tìm ra sự quân bình này thì sự tu tập tâm linh và hiểu biết tâm linh phải hiện hữu song hành. Ngay khi bạn mất đi sự quân bình này, thì bạn sẽ chẳng đạt được gì cả! Khi đó bạn sẽ không có bất kỳ sự hiểu biết chân thật nào về thế giới, ngoại trừ những giới cấm thủ và quy tắc cứng nhắc.
Việc ăn chay là một ví dụ cho quan điểm này. Bản thân tôi đã trường chay khoảng 20 năm, nhưng tôi chưa từng cấm bất kỳ đệ tử nào không được ăn thịt. Tôi không ép buộc họ phải làm điều này hay điều kia; nếu tôi ép buộc họ như vậy thì sẽ trở thành một hình thức tôn giáo. Tôi cũng chắc chắn rằng, nếu tôi yêu cầu họ trở thành một người trường chay thì họ cũng sẽ theo lời chỉ dạy của tôi. Tuy nhiên, nếu vậy thì có nghĩa là họ đang theo tôn giáo của tôi. Nếu tôi nói với họ rằng họ không được ăn thịt thì hành động đó là hình thức của tôn giáo, bởi vậy tốt hơn là hãy để họ tự lựa chọn điều gì họ mong muốn. Nếu họ thực sự biết những bất thiện tiêu cực của việc ăn thịt bằng nhận thức của họ thì họ sẽ tự nhiên và vui vẻ trở thành người trường chay. Theo quan điểm của tôi thì điều này rất đáng khích lệ cổ vũ! Tuy nhiên, nếu họ không có nhận thức riêng của mình thì họ sẽ không vui vẻ khi trở thành người trường chay. Nếu vậy tốt hơn là tôi sẽ đợi cho đến khi họ có thêm sự hiểu biết về tầm quan trọng của việc không ăn thịt. Bổn phận của bậc thầy, tôi nên nhẫn nhục, khoan dung và trí tuệ. Tôi không nên nói rằng: “Này con, con phải ngay lập tức trở thành một người trường chay!”. Tôi không có quyền ép buộc họ, nếu tôi ép buộc thì sẽ trở thành một hình thức tôn giáo, điều mà tôi không bao giờ muốn.
Trở thành người trường chay có nghĩa là phải hiểu được những ác nghiệp bất thiện khi cướp đi mạng sống của chúng sinh khác. Thật đáng tiếc, mọi lúc chúng ta sát sinh những con vật tội nghiệp đang vui vẻ với cuộc sống của chúng trên những bãi cỏ và cánh đồng xanh. Chúng ta vô cớ bắt và sát hại chúng! Và rốt cuộc là không ăn thịt thì chúng ta cũng không chết. Chúng ta có dư thừa những thực phẩm khác để tồn tại nhưng chúng ta vẫn giết chúng chỉ vì sự hưởng thụ và khoái khẩu của bản thân. Tôi thấy rằng đó chẳng phải là một điều tốt đẹp và công bằng. Cho nên, tôi quyết định không ăn thịt.
Sự hiểu biết này là một phần trong sự thực hành tâm linh của tôi, từ góc nhìn tâm linh của mình, tôi thấu hiểu điều đó. Tận đáy lòng mình tôi hiểu một cách sâu sắc rằng thật là bất thiện khi sát sinh. Tôi không bị ai bắt buộc ăn chay, nhưng sự hiểu biết đã giúp tôi trường chay. Vì thế, tôi tin đệ tử của mình cũng sẽ không bị bắt buộc. Tự họ sẽ phải thấy những điều gì cần làm. Tôi chỉ sử dụng ví dụ về việc ăn chay để minh họa cho luận điểm này.
Tự khám phá con đường tâm linh cho chính mình
Mỗi người phải tự phám phá con đường tâm linh cho chính mình. Chúng tôi với bổn phận là những đạo sư, những bậc thầy hiện diện nơi đây đơn giản chỉ là người nâng đỡ, khai thị giáo pháp cho bạn. Ví dụ như, tôi có thể chia sẻ với bạn những kinh nghiệm của tôi về cách sống, và làm thế nào cải thiện để hoàn thiện chính mình, nhưng sau đó bạn phải tự suy nghĩ và quyết định về những điều này. Đây chỉ là sự bàn luận, còn bạn phải tự quyết định xem nó có thực sự lợi ích hay không. Tôi hay bất kỳ một đạo sư nào khác đều không muốn trở thành những người chỉ ra lệnh. Tôi cũng không muốn mình là người độc tài cố ép họ phải thay đổi theo phương thức của tôi. Chúng ta không nên xử sự như vậy.
Là bậc thầy, chúng tôi cảm thấy rằng cần phải thảo luận về những vấn đề trong cuộc sống, phải cùng chia sẻ bất kỳ điều gì mà chúng ta đã trải nghiệm và trao đổi tri thức để giúp đỡ, cải thiện từng người theo các cách khác nhau. Chủ đề và động cơ chính nên thảo luận là bằng cách nào chúng ta có thể cải thiện được chính mình. Nếu không, điều đó sẽ giống như giờ đây tôi đang ngồi yên trên chiếc ngai trang hoàng lộng lẫy này, tôi được coi là người có vị trí cao nhất ở đây, tôi có thể thấy mình có quyền ra lệnh cho bạn được phép làm hay không được phép làm điều gì đó. Tôi có thể yêu cầu bạn phải quy y Phật, Pháp, Tăng, hay hàng ngày trì tụng thần chú này, thần chú kia. Tôi có thể cho phép bạn được làm điều này hay không được làm điều kia. Bạn không được phép ăn thịt hay không được phép uống đồ uống kia. Tuy nhiên, đây là cách thức điển hình của tôn giáo. Tôi có thể yêu cầu bạn phải tụng thần chú: “Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng”, nhưng theo hiểu biết của tôi thì việc ép buộc như vậy không hẳn là tốt, mặc dù là một Phật tử thì việc trì tụng thần chú là điều rất tốt. Theo tôi, thật sự sẽ chẳng có nghĩa gì nhiều nếu việc trì tụng không xuất phát từ sự hiểu biết chân thật của bạn.
Bạn nên biết rằng rất lợi ích khi trì tụng “Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng” cho chính bạn và cho hết thảy chúng sinh. Tuy nhiên sẽ tốt hơn khi niềm tin xuất phát từ sự hiểu biết chân chính của bạn, khi đó bạn sẽ có động cơ thanh tịnh để thực hành trì tụng thần chú này. Tôi sẽ không phản đối nếu bạn thực hành tất cả các pháp của tôn giáo. Nhưng sẽ là không đúng nếu tôi ép buộc bạn. Điều này là không tốt, đó là nhược điểm của tất cả tôn giáo. Cuồng tín tôn giáo sẽ trở thành vấn đề rắc rối và sẽ đẩy bạn vào những phiền toái triền miên.
Như tôi đã nói, ngay bây giờ đây là thời cơ tích cực để chúng ta thực sự suy ngẫm về việc phát triển tâm linh. Điều làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc là mình hiện được chứng kiến một cuộc cải cách tiệm tiến. Đó là điều tốt cho tất cả chúng ta, tôi cho rằng đó là phần lớn nhờ vào người châu Âu, những người đã trở nên quá mỏi mệt với tôn giáo. Đây là lý do tại sao bạn đang tìm kiếm một thứ gì khác như đạo Phật, đạo Hindu, yoga hay “thứ này thứ kia”. Tôi không biết nhiều về những điều đang diễn ra xung quanh, có lẽ các bạn biết nhiều hơn tôi, nhưng tôi sẵn có hàng loạt phương pháp thực hành. Ở phương Đông, chúng tôi không biết nhiều các loại thực hành ở các truyền thống tôn giáo khác nhau nhưng các bạn đọc rất nhiều sách nên đã biết nhiều điều mà chúng tôi không biết. Dẫu sao đi nữa các bạn đang tìm cầu một điều gì đó khác cũng là điều rất tốt.
Tôi nghĩ rằng, trong rất nhiều thế hệ các bạn đã tìm cầu một điều gì ngoài tôn giáo nhưng bất hạnh thay đã không có nhiều các chân đạo sư có thể hướng đạo thực hành tâm linh cho chúng ta. Mặc dù có rất nhiều đạo sư phương Đông đã giảng dạy giáo pháp và thực hành tâm linh chân chính nhưng họ đã không thể có mặt cùng lúc ở phương Tây.
Ngài Gyalwang Drukpa đời thứ XII
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS