Cả về mặt giáo lý cũng như nghệ thuật của mình, Hakuin Ekaku (1685-1769) là tu sĩ Zen quan trọng nhất trong vòng năm trăm năm trở lại đây. Ông không chỉ thổi một luồng sinh khí vào truyền thống Rinzai và tổ chức lại nó, mà bằng những bài viết và họa phẩm, ông còn tác động đến mọi người Nhật Bản, cho dù họ thuộc truyền thống Khổng giáo, Phật giáo hay Shintô. Ông biết cách để nhiều tầng lớp xã hội hiểu mình, từ những người quyền quý và quân nhân đến thợ thủ công và nông dân. Nếu ông dạy môn sinh một cách nghiêm khắc và có chiều sâu, thì ông cũng biết tỏ ra chú ý đến người khác, hóm hỉnh và dịu dàng, và cũng có thể khuyến khích những người không cùng chia sẻ tín ngưỡng của mình. Ông dành những lời sâu cay cho những ai truyền giảng, mà theo ông là “thứ Zen dỏm”. Ông viết nhiều, từ những bài bình luận phức tạp về Zen, đến những lời của các bản dân ca; rất nhiều tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh khiến những điều truyền giảng của ông được những người phương Tây biết tới.
Những họa phẩm và các bản thư pháp của ông ra đời trong khoảng thời gian cuối đời ông, những thứ được coi là tác phẩm thuộc “giai đoạn đầu tiên” đều được thực hiện sau tuổi sáu mươi. Ông không ngừng tiếp tục đi sâu vào nghệ thuật của mình cho tới khi cái chết chợt tới ở tuổi tám mươi tư. Việc ông ngày càng hướng về bút lông trong hai mươi lăm năm cuối đời chứng tỏ ông muốn được truyền đạt cái tâm của mình vượt ra ngoài khuôn khổ các ngôn từ, do đó ông có thể phục hồi lại từ đầu đến cuối truyền thống Zen trong hội họa và thư pháp.
Ông không những chỉ biết cách thổi một luồng năng lượng mới vào những chủ đề quen thuộc, như những bức chân dung của Bồ-đề Đạt-ma và Hotei, mà còn đưa hàng chục chủ đề mới vào trong nghệ thuật Zen. Một số những chủ đề đó đến từ những lời ông truyền giảng, một số khác từ việc quan sát những gì quanh ông, một số khác nữa lại từ văn hóa dân gian, nhưng tất cả những chủ đề đó thường có nét hóm hỉnh, ngộ nghĩnh của ông.
Nếu người ta không thể coi tính hóm hỉnh, hài hước là một yếu tố cấu thành của phần lớn các tôn giáo, thì ngược lại, nó đã gắn bó với Zen từ lâu rồi. Những câu hỏi ngược đời nhằm đánh gục sự tư duy, suy nghĩ trong các kôan có những nét giống như việc phá tan cái logic mà ta thấy trong những câu nói đùa, trong trò chơi chữ hoặc trong những lời nói, hành động hài hước, hóm hỉnh, buộc tư duy phải hướng theo những cách nhìn mới. Các thiền sư trong nhiều thời đã từng sử dụng sự dí dỏm hài hước, nhưng không một ai thực hiện được đầy đủ như Hakuin đã thực hiện trong các họa phẩm và lời đề của mình; trong những thứ này, ta thấy đầy dẫy những kiểu chơi chữ, những hình ảnh gây ngạc nhiên, những biến đổi giữa vật và người, những điều nghịch lý có cân nhắc, và những lời nói, hình ảnh nhại lại.
Kết quả của việc sử dụng bút lông kiểu này để bộc lộ quan điểm Zen của ông là việc ra đời hàng loạt những họa phẩm và các bản thư pháp trước đây chưa từng có, những thứ này truyền đi cái tâm và đạo lý nơi ông trên khắp nước Nhật và ảnh hưởng sâu xa tới sự phát triển zenga. Trên một ngàn trong số những tác phẩm của ông hiện vẫn còn được lưu giữ đủ cho một di sản tinh thần và nghệ thuật tiếp tục góp phần truyền giảng và khuyến khích những người luyện Zen cũng như những người ngoại đạo nghiệp dư.
Hakuin bắt đầu và kết thúc cuộc đời mình tại làng Hara, gần núi Fuji, trên con đường Tôkaido nổi tiếng, nối liền kinh đô mới Edo (Tôkyô) với cố đô Kyôto. Cha ông được chấp nhận ở rể tại gia đình mẹ ông; vị tu sĩ tương lai này là con út trong số năm người con, sinh ngày hai mươi lăm tháng thứ mười hai năm 1685 (theo lịch phương Tây là đầu năm 1686).
Thân mẫu ông là một Phật tử mộ đạo. Một hôm, bà dẫn cậu con trai bảy hoặc tám tuổi gì đó đến chùa Hara để nghe Nichigon-shônin (một tu sĩ nổi tiếng nay đây mai đó của giáo phái Nichiren đang hoạt động rất mạnh), thuyết giảng những lời chắc hẳn tương tự những lời giảng về ngày tận thế của những người truyền đạo theo trào lưu chính thống ở châu Mỹ của những người đi khai khẩn đất mới. Theo những lời của chính Hakuin thì:
Những người từ các nơi tụ tập lại thành những đám đông (…) Chúng tôi nghe ông ta mô tả rất chi tiết về những cực hình ở tám địa ngục lửa nóng ghê người. Ông làm cho mọi người hiện diện đầu gối run lên vì sợ hãi, mặt mũi tái mét. Khi đó tôi chỉ là một đứa bé, và cũng không thoát được cảnh đó. Toàn thân tôi run lên vì khiếp sợ (…) Khi trở về, tôi kiểm điểm lại cuộc đời ngắn ngủi của mình và thấy mình chẳng có mấy hy vọng … Thế là tôi quyết định bỏ nhà đi tu.
Lúc đầu song thân ông không đồng ý để con mình theo thiên hướng của nó, nhưng khi ông leo lên núi Yanagizawa ở tuổi mười ba để trầm tư thiền định tại đó, thì họ nhận ra rằng khát vọng một cuộc đời tu hành của ông không phải chỉ là sự bồng bột của con trẻ. Hakuin bắt đầu việc tu luyện Phật giáo ở Tokugen-ji của Hara vào tuổi mười bốn; ít lâu sau, ông đến Shôin-ji, cũng ở Hara, tại đó ông đã được cho dự một buổi lễ dành cho môn đồ mới, và mang tên là Ekaku. Năm sau, 1699, ông tới Daijô-ji thuộc thành phố Numazu kế cận để thọ giáo Sokudô Fueki (còn được biết với tên gọi Nyôka, mất năm 1712), ông này trở thành sư phụ của ông trong bốn năm. Vị tu sĩ trẻ không những chỉ học Zen mà còn học cả những kinh điển Khổng giáo và văn học Trung Hoa mà ở thời đó là nền móng của giáo dục.
Ở tuổi mười chín, ông tham dự các buổi hội thảo về Phật giáo tại Zensô-ji ở Shimizu, nhưng khi ông hay tin một tu sĩ Zen nổi tiếng bị sát hại do bọn vô lại thì ông hoảng loạn. Nếu một tu sĩ đã ngộ đạt có thể bị bọn vô lại tấn công trong chính cuộc đời này, thì đối với ông, một tu sĩ bình thường, điều gì sẽ đến với ông khi ông chết? Ngay cả khi Hakuin đã chọn con đường Zen, ông cũng vẫn mong chờ Phật giáo sẽ cho ông một nơi nương tựa để tránh được những điều khủng khiếp nơi địa ngục, song sự thật lại không phải như vậy, nên lòng tin của ông dường như rất dao động. Cuối cùng, ông quyết định là nếu mình không thể tránh khỏi những trừng phạt nơi địa ngục thì ông cũng sẵn sàng nhảy vào lửa như mọi người khác.
Khi niềm tin vào tôn giáo đã suy sụp hết mức, Hakuin dành nỗ lực cho văn học và thư pháp. “Tôi quyết định phải được mọi người hoan nghênh như là một trong những nghệ sĩ lớn của thời đại”, về sau ông viết như vậy. Ông nghiên cứu các thi sĩ lớn đời Đường và luyện thư pháp theo phong cách của hoàng tử Son.en và của Terai Yôsetsu.
Nhưng Hakuin không từ bỏ việc tìm tới tôn giáo; ông hết sức nỗ lực phát hiện các sư phụ Zen có thể giúp ông đạt tới đốn ngộ. Ở tuổi hai mươi, ông đi hành hương cùng một nhóm tu sĩ trẻ. Khi đến Zuiun-ji ở Hino, ông quyết định ở lại đó để tu luyện với Baô Sôchiku (niên đại không rõ), một tu sĩ uyên bác nhưng cực kỳ nghiêm khắc. Không sợ một cuộc sống nghèo khổ, Hakuin tu luyện Zen và nghiên cứu văn học.
Tuy nhiên ông lại ý thức rằng, ngay cả khi có thể thành một đại thi hào thì ông cũng không thể thoát khỏi những đau khổ ở các kiếp sau. Trong hai năm tiếp sau đó, ông đi xa để dự các lớp giảng của những tu sĩ nổi tiếng và dự các hội nghị tôn giáo, nhưng vẫn đều đều trở lại Zuiun-ji, cho tới khi các nguồn tài chính đã cạn kiệt. Lúc đó ông có nghe thấy người ta nói rằng ở ngôi chùa nhỏ Shôshu-ji ở Matsuyama, ngay một tu sĩ không một xu dính túi vẫn có thể tồn tại được, nhờ vào những thí chủ là những nông dân giàu có trong vùng. Thế là ông đến ở đó và tiếp tục việc tu tập và nghiên cứu.
Nhân chuyến thăm một quân nhân đang phục vụ cho dòng họ địa phương, Hakuin có trông thấy một bức thư pháp của Ungo (xem Chương 3). Sức mạnh và sự giản dị của bản thư pháp này gây nơi ông một ấn tượng mạnh khiến ông hiểu ra rằng điều quan trọng không phải ở tài năng mà là ở khuynh hướng tư tưởng nội tại của người nghệ sĩ được bộc lộ qua chữ viết. Khi trở về chùa, ông đốt sạch bộ sưu tập nghệ thuật nhỏ nhoi của mình, kể cả những tác phẩm chính tay ông làm ra. Từ đó, ông bỏ mọi tham vọng nghệ thuật và dành toàn tâm toàn ý cho Zen.
Những năm tiếp sau đó, khi ấy đã hai mươi bốn tuổi, ông bắt đầu có được những kinh nghiệm đốn ngộ trong các chuyến viễn du. Khi về thăm gia đình, ông hết mức trầm tư, nên chỉ làu bàu trả lời các câu hỏi của những người thân. Sa-tori đầu tiên của ông bất ngờ đến khi ông đang suy tưởng về kôan Vô tại Eigan-ji của Echigo (Niigata):
Cả ngày lẫn đêm tôi đều không ngủ; tôi quên cả ăn uống và nghỉ ngơi. Đột nhiên trong tôi hiện ra một hoài nghi lớn. Tôi thấy mình như bị hóa đá trong một lớp băng trải dài hàng chục ngàn dặm. Một sự thuần khiết tràn ngập trong tôi, tôi không thể nào bước đi, cũng không thể nào lùi lại được. Tôi hoàn toàn mất tinh thần và chỉ còn lại có chữ Vô… Tình trạng này kéo dài nhiều ngày. Rồi bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng chuông chùa, thế là tôi chợt thấy mình đổi khác hẳn. Dường như lớp băng kia tan ra… Mọi ngờ vực của tôi cũng tan biến như lớp băng đó. Bằng một giọng rất trầm, tôi kêu lên: “Thật tuyệt vời! Thật tuyệt vời!”
Theo chính lời ông kể lại thì kinh nghiệm đầu tiên này về đốn ngộ đã làm cho Hakuin tỏ vẻ kiêu hãnh; ông nghĩ rằng mình đã đạt tới mức cuối cùng của sự lĩnh hội. Chẳng bao lâu, ông phát hiện ra rằng vấn đề không phải như vậy. Khi tới Shôju-ji ở Iiyama (hiện nay là Nagano), vị tu sĩ Dôkyô Etan (1642 – 1721) hỏi ông: “Con chó có Phật tính không?” Hakuin trả lời: “Không có cách gì để bàn tay và cả bàn chân đụng tới đó được”. Vị sư phụ liền đưa bàn tay kẹp lấy mũi của Hakuin và đẩy mạnh một cái. Ông hỏi: “Con nghĩ gì về cái cử chỉ mạnh bạo này?” Hakuin không biết nói lên một lời nào cả. Ông thấy nản lòng và thất vọng.
Theo lệnh của sư phụ mới, ông không ngừng trầm tư về một kôan khác, và kết quả là được một đốn ngộ sâu xa hơn trong khi ông đang khất thực tại một làng dưới chân lâu đài Iiyama. Trong một tình trạng thoát tục, ông bỗng thấu hiểu ra câu đố Zen của sư phụ; ông cười to, hai tay vỗ mạnh làm kinh hãi dân làng đang xúm quanh ông. Dôkyô thừa nhận sự thức tỉnh của ông và dặn ông không bao giờ được thỏa mãn mà phải không ngừng tu luyện để có thể đi sâu hơn trong đốn ngộ của mình. Hakuin cung kính vị sư phụ này cho tới ngày cuối cùng trong đời mình, và hay nhắc lại tính nghiêm khắc và sức mạnh trong những điều thầy truyền giảng. Một vài tháng trước khi qua đời, ông viết về sư phụ cũ của mình như sau:
Đó là một nhà sư già khiếm thị đầy nọc độc chết người – một người đích thực và thành thật đến tận xương tủy. Ông luôn luôn nói với các môn đồ: “Trường phái Zen của chúng ta bắt đầu suy tàn vào cuối đời Nam Tống. Đến đời Minh thì vỡ tan thành trăm ngàn mảnh. Hiện nay, phần nọc độc đích thực của ông còn sót lại chỉ còn thấy ở Nhật, nhưng ở chính đây thì cũng chẳng có nhiều. Chẳng khác gì giữa buổi trưa lại muốn tìm sao trên trời. Còn bọn các ngươi ư, bọn trọc đầu hôi hám và mù quáng, một bọn đần độn ấu trĩ, bọn ngươi đâu đã được rơi vào đó, kể cả trong mơ… Bọn người là những tên bịp bợm không sai chút nào. Bọn người trông giống như những tu sĩ Zen mà chẳng hiểu gì về Zen cả… Vậy thì bọn người giống cái gì? Ta nói cho mà biết: giống như các bao gạo lớn khoác áo cà sa đen.
Trong vài năm tiếp sau, Hakuin còn nhiều kinh nghiệm nữa về satori. Những kinh nghiệm đó đến bất ngờ trong những tình huống khác nhau: có khi thì đang đọc một bản văn về đạo, khi thì đang chạy dưới giông bão, khi thì đang lắng nghe tuyết rơi hoặc đang đi thiền định ở tu viện. Những kinh nghiệm này mang lại cho ông một niềm vui sâu xa, nhưng thật bất hạnh là ông mắc vào cái người ta gọi là “bệnh của người trầm tư”, một khủng hoảng nặng về sức khỏe mà các tu sĩ và thầy thuốc coi là không thể chữa khỏi được. Châm cứu, dược thảo chẳng làm được gì cả. Người ta khuyên ông nên nghỉ ngơi, nhưng ông lại thấy có bổn phận chăm sóc sư phụ Dôkyô của mình, và bản thân vị này cũng đang bị bệnh.
Khi sau này ông mô tả về căn bệnh trầm tư của mình, Hakuin nói rằng ông không còn khả năng giữ cân bằng giữa hoạt động và không hoạt động. Vì thiền định kéo dài nên một “luồng hơi nóng bất thường đã chạy vào đến tim mà tôi không biết, làm cho tôi bị lên máu; cơn sốt tác động đến phổi và làm khô phổi. Tôi chưa kịp nhận ra điều đó thì tim tôi đã ở trong một tình trạng không thể chữa được”. Một tu sĩ khác đến Shôju-an để chăm sóc Dôkyô, và Hakuin có được thời gian rảnh để tìm cách chữa bệnh của mình. Ông lên đường tìm xem có ai đó có thể giúp được, và sau nhiều lần như vậy, ông có nghe nói tới một vị tu sĩ ở ẩn có tên là Hakuyu (1646 – 1709?) ở dãy núi gần Kyôto và rất giỏi về y lý. Về sau, Hakuin viết rằng ông có đến thăm vị tu sĩ ở ẩn này, có lẽ là vào tháng đầu tiên của năm 1710, và những gì ông học được ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời và giáo lý của ông. Ông cũng để lại những lời mô tả chi tiết về cách chẩn đoán và chữa bệnh của Hakuyu, cuốn Yasen kanna của ông công bố năm 1757 đặc biệt được nhiều người biết tới, rất phổ biến. Trong cuốn này có những lời được cho là của vị tu sĩ ở ẩn như sau:
Việc thiền định của nhà sư quá ư không có chừng mực, việc tu hành khổ hạnh thì lại quá khắt khe… Khi năm hoạt động – ăn uống, vận động, nhận thức, học tập và thực hiện mục đích trong đời – mà không hài hòa thì cấu trúc cơ thể bị rối loạn… Con người có nghị lực biết đáp ứng nhu cầu cơ thể của mình một cách hợp lý… Cái giá mà nhà sư phải trả cho việc thiền định quá mức của mình là bệnh tình trầm trọng hiện nay… Hãy tập trung ngọn lửa trong tim của nhà sư lại và đưa chúng xuống phía dưới rốn và dưới bàn chân thì ngực của nhà sư sẽ thấy mát mẻ… Hãy gắng sức làm cho phần bên trong cơ thể tràn ngập nghị lực tinh thần, đó là điều cốt tử để nuôi dưỡng sự sống.
Hakuin học theo phương pháp tập trung chú ý và đưa hơi thở xuống dưới rốn, gọi đó là “thiền định nội quan”. Ông hướng dẫn lại cho các môn đồ và học trò, coi đó là một yếu tố cơ bản trong thực hành Zen.
Đó cũng mới chỉ là một trong những nét tập trung mà ông nhấn mạnh tới. Dù vẫn tiếp tục truyền giảng phương pháp thiền định truyền thống trên cơ sở các kôan, nhưng ông nhấn mạnh rằng thiền định có hoạt động còn quan trọng hơn thiền định bất động. Trốn tránh cuộc đời lên sống trên đỉnh núi không phải là đã đủ; điều quan trọng hơn là làm cho tinh thần thiền định thấm vào những hoạt động thường nhật. Bệnh của ông hoàn toàn khỏi trong ba năm sau đó, sức khỏe của ông giữ được tốt cho tới tuổi bảy mươi.
Năm 1712, trong khi còn đi hành hương thì được mời đến thuyết giảng tại Shôin-ji, ngôi chùa ở Hara mà trước ông đã đến tu ở đó, sau đó ông lại tiếp tục các chuyến viễn du của mình, đến thăm nhiều vị sư phụ có tiếng tăm, đôi khi phát hiện thấy họ không phải đã được đốn ngộ sâu xa, song về phần ông thì đã có được những kinh nghiệm khác thường về satori.
Năm 1716, việc cha ông lâm bệnh và qua đời khiến ông trở lại Hara, và sau đó quyết định khôi phục lại ngôi chùa Shôin-ji đã quá già nua. Năm 1718, ông đến Kyôto và trở thành daiichi-za (tu sĩ trưởng) của Myôshin-ji, nhưng ông không hợp với những gò bó về hành chính, kinh tế và kiểu chính trị của một tu viện lớn ở đô thị. Ông trở lại Shôin-ji, chốn nương náu của ông trong quãng đời còn lại.
—o0o—
Trích: Nghệ Thuật Zen
Tác giả: Stephen Addiss
Người dịch: Tư Tam Định
NXB Văn Hóa Thông Tin 2001
Ảnh nguồn internet