SHARE:
Cuộc sống ở Shôin-ji trở nên khó khăn vào giữa những năm 1740, khi nạn đói hoành hành ở các vùng nông thôn Nhật Bản. Mặc dù một số môn đồ của ông đã ly tán, Hakuin vẫn ra sức nỗ lực giảng dạy và tìm kiếm thức ăn cho đám dân nghèo. Ông cũng tiếp tục viết: ở tuổi sáu mươi tư, ông cho công bố Orategama, một bộ ba bức thư dài gửi cho một lãnh chúa phong kiến, một tu sĩ đang dưỡng bệnh, và một nữ tu thuộc trường phái Nichiren.
Lá thư thứ nhất gửi cho đaimiô Nabeshima, nhắc lại một số lớn những luận thuyết cơ bản của Hakuin. Ông nhấn mạnh rằng thiền định trong tĩnh lặng chưa đủ để có được đốn ngộ; Zen phải được thực hiện ngay trong những công việc hàng ngày: “Hãy coi yên ngựa là cái gối thiền định của ngài, hãy coi núi sông và mặt đất mênh mông này là bục bệ của ngài; hãy coi cả vũ trụ này là hang động của chính ngài để trầm tư”.
Trong bức thư thứ hai, ông nói về những hướng dẫn y học của Hakuyu và khẳng định rằng thiền định đúng cách là rất quan trọng, ngay cả khi đang có bệnh. Ông nói về chính mình:
Năm mười ba tuổi, tôi đã tin vào những luận điểm Zen. Năm mười sáu tuổi, tôi đã phá hủy khuôn mặt mà mẹ tôi đã ban cho. Năm mười chín tuổi, tôi bỏ nhà đi tu, và năm ba mươi lăm tuổi, tôi cư ngụ trong một ngôi chùa. Bây giờ tôi đã gần sáu mươi lăm tuổi. Trong khoảng thời gian bốn mươi năm, tôi đã xa lánh mọi thứ trong thế gian này, cắt đứt sợi dây liên hệ với nó, và dành toàn bộ thời gian cho việc tu hành của mình. Cuối cùng, mới năm hoặc sáu năm gần đây thôi, tôi mới thấy mình đã đạt tới trạng thái có thể không ngừng theo đuổi việc thực hành đích thực sự trầm tư thiền định.
Bức thư thứ ba ông viết gửi một nữ tu sùng đạo của giáo phái Nichiren, một trường phái nhận ra trong Diệu pháp Liên hoa kinh, hình thái cao siêu nhất của lời dạy của Đức Phật, giáo lý tối thượng của ngài. Trong nhiều thế kỷ, bản kinh này đã phổ biến rộng rãi nhất trong nước Nhật tư tưởng về tính Phật vĩnh hằng và sự giải thoát con người. Nữ tu sĩ này đã hỏi Hakuin tại sao ông lại tuyên bố trong một bản thuyết trình rằng không có Liên hoa kinh ngoài tâm tưởng và không có tâm tưởng ngoài Liên hoa kinh. Vị tu sĩ trả lời rằng phải thấu hiểu mọi lời truyền giảng đến phần cốt tử của nó để không lâm vào cảnh nuốt cái đơn thuốc thay cho vị thuốc. Việc trầm tư thiền định thường xuyên về bông sen đích thực, không chỉ dừng lại ở những khái niệm tốt và xấu, mà tựa như việc trầm tư về một kôan. Người có lòng tin có thể đạt tới tại đó cùng một siêu nghiệm: “Thấy được chính bản chất của mình là qua đó thấy được Bộ mặt Đích thực của Bông sen”.
Bức thư này phản ánh thái độ của Hakuin đối với những hình thức tín ngưỡng khác. Ông viết rằng những nhà hiền triết Khổng giáo, Lão giáo và Thần đạo đều đạt tới cùng một điểm mà họ gọi là Thiện căn, là Hư không, là Thiên nhiên hoặc Trời của Thần đạo. Những tín đồ Phật giáo Tịnh Độ tông thường xuyên niệm Phật và những tín đồ Shingon luôn tìm cách đi sâu vào bản chất bẩm sinh của các vị thần, cũng đều có thể thực hiện được một hình thái đốn ngộ.
Bằng cách khuyến khích tính đa dạng trong mục tiêu tìm kiếm tôn giáo như vậy, Hakuin đã có được những kết quả vượt ra ngoài khuôn khổ của Zen đối với quần chúng của thời đại duy vật đang lớn mạnh. Ông củng cố lòng tin ở mọi người, bất kể lòng tin đó như thế nào.
Đối với những người theo Tịnh Độ tông, ông không ngần ngại viết bản Namu Amida-butsu (Nam mô A-di-đà Phật) (hình 59). Trong tác phẩm của những năm sau cùng này, nét bút có nặng nề hơn; sức mạnh ngày càng lớn mạnh nơi cá tính và tính cách của ông được biểu hiện trong mỗi động tác. Trong các cuộn thư pháp loại này, với duy nhất một cột được viết mạnh mẽ, rắn rỏi, người nghệ sĩ đã sử dụng một hình thức giản dị và có dáng một khối duy nhất, chữ viết cân đối, dễ đọc. Các chữ không tách biệt nhau thật rõ ràng và ít có khoảng trống giữa mỗi nét. Kết quả là trông có dạng khối dầy đặc, nhưng để tránh gây ấn tượng nặng nề, ông đã tạo ra những sắc thái biến đổi nhẹ nhàng bằng cách dùng mực đã mài sẵn từ trước thay vì mực mới mài, chọn giấy có hồ để không thấm nhanh; như vậy mực sẽ khô không đều và thành từng mảng, tạo một cảm giác có chiều sâu. Sự kết hợp ít thấy giữa phức thể gam mực và sự giản đơn con trẻ, là nét riêng ở những tác phẩm của Hakuin trong giai đoạn sau cùng.
[Hình 59. Hakuin (1685-1769) NAM MÔ A-DI-ĐÀ-PHẬT – Mực trên giấy, 135 x 35 – Sưu tập Shinwa-an]
Trong một phụ bản cho Orategama của mình, vị thiền sư trả lời cho câu hỏi muốn biết giữa nenbutsu và kôan thì cái nào cao siêu hơn : “Sự nhị nguyên chỉ có ở trong tài năng hay bất tài, trung thực hay không trung thực ở người có liên quan… Nội dung tu tập có thể khác nhau, nhưng mục đích đạt được thì có gì khác nhau đâu?… Tất cả đều dẫn tới một điều: nhìn thấy được bản chất của mình”. Chắc chắn rằng sự tập trung thuần túy vào việc niệm danh Phật thì hữu ích hơn là sự trầm tư không thuần khiết về kôan, nhưng vì các môn sinh của ông, ông nhấn mạnh rằng Zen là phương pháp trực tiếp nhất để đạt tới ngộ đạt.
Ông thường vẽ bồ tát Quan Thế Âm, nhân vật quan trọng của mọi hình thái Phật giáo, có sức thu hút mạnh hơn bất cứ giáo phái nào, cho dù người ta nghĩ đó là một vị thần bí mật, một nữ thần đầy lòng từ bị dẫn dắt linh hồn của tín đồ lên miền Tịnh độ hay là một kiểu mẫu của sự tập trung thiền định. Một trong các cuộn tranh nổi tiếng nhất của Hakuin là cuộn Quan Âm đang thiền định (hình 60). Dường như trong một số tác phẩm của mình, nghệ sĩ thích mô phỏng cách mài trên đá với những nhân vật màu trắng trên nền đen. Ở bức tranh này, Bồ tát Quan Thế Âm mặc áo trắng, các nét bên vòng ngoài có màu xám nhạt nhạt, ngồi theo tư thế thiền định một cách thoải mái trên một tảng đá lướt trên ngọn sóng. Quanh vị bồ tát này là một vầng hào quang có chỗ bị gián đoạn bởi cái bình cắm một nhánh liễu, vốn là một trong những thứ biểu hiện của bà.
Những diễn tả như vậy về Quan Thế Âm thường thấy trong các tranh Zen từ thời Tống, nhưng Hakuin là người đã thêm một nhánh mận vào nhánh liễu. Trong tác phẩm này, bồ tát Quan Thế Âm bộc lộ một nét duyên dáng ít chăm chút, cũng như trí huệ bên trong của bà. Nét mặt dài với nụ cười hiền dịu làm nhớ lại những bức chân dung tự họa của Hakuin. Bàn tay chống cằm của vị nữ thần hơi khum xuống trong một tư thế hững hờ mà thanh lịch. Trên khuôn mặt điểm một nụ cười bình thản, hướng tâm. Dù Hakuin, qua sức mạnh của bố cục bức tranh gợi cho người xem thấy được sự đốn ngộ nơi bồ tát Quan Thế Âm, song ông đã về vị nữ thần này với những nét rất người, tạo ra một nhân vật đầy nhiệt tình và lòng nhân từ.
[Hình 60. Hakuin (1685-1769) QUAN ÂM ĐANG THIỀN ĐỊNH – Mực trên giấy, 118,1 x 53,1 – Sưu tập Shinwa-an]
Là biểu tượng toàn diện của Phật giáo, Quan Âm đồng thời là nam thần và nữ thần, thể hiện một kiểu mẫu cho các tu sĩ, đồng thời cũng dễ gần đối với những người tội lỗi. Hakuin cũng viết các bản thư pháp để chào mừng vị bồ tát này, chẳng hạn như trong cuộn thư pháp Thường niệm Quan Thế Âm Bồ tát của ông (hình 61). Chữ thứ nhất, tức là chữ “thường” (jô) ông viết dạng chữ thảo, kéo dài gần suốt chiều dài cuộn thư pháp để làm nổi bật lên những tính chất liên tục và thường xuyên trong nghĩa của chữ này. Ở dưới cùng, chữ “niệm” (chú ý, tập trung) là ý kết luận hoặc từ dùng làm nền cho thông điệp mạnh mẽ này. Những chữ khác được viết bình thường, cân đối, khiến dễ đọc ngay cả đối với những người không thông thạo về thư pháp. Những biến đổi trong gam mực sẫm đen thể hiện rõ ràng, mang lại cho tác phẩm một sức mạnh độc đáo đáng được ngưỡng mộ. Người nghệ sĩ biết rất rõ rằng sự tôn kính không ngừng đối với Quan Thế Âm Bồ tát có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn những người không thể, hoặc không muốn miệt mài trong những nghi lễ tôn giáo phức tạp hơn.
[Hình 61. Hakuin (1685-1769) THƯỜNG NIỆM QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT Mực trên giấy, 132.8 x 27.5 Sưu tập Genshin]
Sự nguy hiểm của cách thể hiện này về danh tính và hình dáng các vị thần, là ở chỗ người ta có thể tin đúng hệt như vậy, Hakuin viết: “Các vị Thần Phật thực ra không có hình dáng… Vì vậy chúng ta cần tạo hình dáng cho các vị đó. Nhưng không nên căn cứ gì vào những thứ đó cả”. Vì vậy ông có thể viết trên một số họa phẩm của mình về Quan Thế Âm câu thơ về Quan Thế Âm kinh (chương 25 của Kinh Pháp Hoa):
Nhìn chúng sinh với lòng thương cảm
Phước thọ kia, vô lượng đại dương.
Nhưng ông cũng tìm cách hài hước để làm cho môn sinh của mình tránh xa những ý tưởng và quan niệm vốn đã có về vị thần này. Trên một tranh vẽ vị bồ tát này, ông viết như sau:
Ai nói rằng, ý bà muốn cứu vớt chúng sinh sâu như biển cả?
Bà đã tìm thấy một nơi, xa lánh chúng sinh, mà thư giãn nghỉ ngơi đôi chút…
Ý tưởng gây ngạc nhiên này về một bồ tát Quan Âm bỏ mặc chúng sinh để tìm nơi yên tĩnh nghỉ ngơi, không có mục đích nào khác hơn là gây sự bối rối cho người xem tranh, cốt để họ phải xem lại khái niệm về “thần linh” của mình, và nghĩ lại xem họ cần phải làm những gì cho chính mình. Theo lời nói cuối cùng của ông về chủ đề này thì: “Với những ai thực sự thức tỉnh thì cả thế gian này là Quan Âm bồ tát”.
Những gì Hakuin viết và vẽ dành cho môn sinh của ông rất khác với những tác phẩm ông dành cho quảng đại quần chúng. Việc giảng dạy của ông cực kỳ nghiêm khắc, và dù cho ông có viện tới những lời lẽ thích ứng khác nhau trong các bài nói chuyện hoặc trong những lời cảnh tỉnh, song ông luôn coi bổn phận của mình là giúp cho môn sinh dẹp được mọi mầm mống của sự dốt nát (tiếng nhà Phật dùng chữ “si” là ngu muội, dốt nát, không biết gì cả) và ảo tưởng, tác hại tới khả năng của họ nhìn thấu được bản chất đích thực của mình. Cái ảo tưởng này, như ông viết, “là một thứ có nhiều tên gọi, nhưng nếu nhìn cho gần thì sẽ thấy nó dẫn tới một khái niệm duy nhất: đó là sự thật về cái ta (tiếng nhà Phật gọi là cái “ngã”). Chính do quan niệm này về sự hiện hữu của cái ta mà chúng ta có Sinh và Tử”. Vậy thì một môn đồ phải làm gì để vượt qua được cái nhìn ảo giác về cái ta này? Phương pháp của Hakuin trước hết là dựa vào việc suy ngẫm về kôan. Nếu các trò có thể “suy nghĩ, tìm hiểu thật thấu đáo về kôan thì trí năng của các trò sẽ tàn tạ, ý chí sẽ biến mất. Việc đó tựa như trò thấy trước mặt mình là một vực thẳm đang há hốc cái miệng to tướng của nó mà không có một chỗ nào để víu tay hay đặt chân vào được. Các trò sẽ giáp mặt với cái chết, cảm thấy ở ngực như có lửa đốt. Rồi bỗng nhiên, các trò với kôan chỉ còn là một, cả thân xác và ý tưởng đều bị gạt bỏ”.
Hakuin soạn lại một loạt kôan có nguồn gốc của Trung Hoa, dành cho các môn sinh của ông, và đặc biệt chú ý tới kôan Vô. Nhưng trong những năm về sau, ông thường hay dùng tới một câu đố Zen do chính ông sáng tác ra. Năm 1753 ông viết:
Đã năm hoặc sáu năm nay, tôi quyết định giảng cho mọi người bằng những lời lẽ như sau: “Hãy nghe tiếng vỗ của một bàn tay”. Tôi thấy được rằng “kôan” này có hiệu quả trong giảng dạy cho mọi người vô cùng nhiều hơn tất cả các phương pháp trước đây tôi đã dùng… Tiếng vỗ của Một Bàn Tay ra sao? Khi vỗ hai bàn tay với nhau thì nghe rõ có tiếng phát ra; khi chỉ giơ một bàn tay lên thì … có cái gì đó không thể nghe được bằng tai. Nếu những khái niệm và ý tưởng phân biệt không bị lôi kéo vào chuyện này, nếu chuyện này nằm ngoài thị giác, thính giác, nhận thức và tri thức, và nếu khi ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, mà vẫn nghiêm túc tham quán “kôan” này thì khi ấy, tại nơi mà lý luận phải làm thinh, ngôn từ không còn nữa, ta sẽ đột nhiên nhỏ lên được gốc rễ nghiệp báo của sự sinh tử… Vào lúc này, nền móng của trí năng, của ý thức và của cảm xúc bỗng bị lung lay, vương quốc của ảo giác bị lật đổ.
Hakuin đã nhiều lần vẽ về kôan này. Chẳng hạn như trong bức tranh Vỗ một bàn tay thì nhân vật trong tranh làm ta nghĩ tới Hotei, ngồi trên cái túi, một tay giơ lên, và đôi môi nở một nụ cười ruồi (hình 62). Cái nhìn sáng ngời của ông ta toát lên một năng lực được nén lại; nét nhấn thể hiện ở các dạng tròn: đầu của vị tu sĩ, thân và cái bụng to của ông, và cái túi ở bên dưới. Nhưng bàn tay thì được vẽ hướng lên những dòng chữ viết thảo rất mạnh mẽ ở trên:
Các vị thầy nếu trẻ trung khéo léo
Chẳng cần biết nói năng léo xéo những gì
Nhưng nếu không nghe thấy chỉ từ một bàn tay vỗ
Thì thật chỉ toàn những thứ tầm phơ!
Vị thiền sư sử dụng rộng rãi kôan này và nhấn mạnh rằng, việc tu luyện mà muốn dẫn tới một sự đốn ngộ không ngừng gia tăng thì trước hết phải là sự đào sâu liên tục. Khi một học trò thế tục của ông đạt tới được mức satori cao thì Hakuin gửi cho người đó một “chứng nhận đốn ngộ” gồm một bức tranh vẽ cái gậy đầu rồng và một cây phất trần. Lúc đầu chiếc gậy quyền này chỉ mơ hồ gợi ý cho thấy một cái đầu rồng, nhưng về sau thì ông vẽ cái đầu đó với một con mắt, tạo ra một hình ảnh sinh động khiến nhớ tới kôan thứ mười sáu trong Bích nham lục (Hekigan-roku). Vị tu sĩ Yunmen (Vân Môn) đã vung cái gậy của ông và tuyên bố với những tu sĩ đang tụ họp: “Cái gậy này biến thành con rồng để nuốt vào bụng cả trời lẫn đất. Núi non, sông ngòi và các đại lục hiện ở đâu ?”
Một gậy đầu rồng tương tự đã được Hakuin vẽ năm 1766 (hình 65) cho một môn sinh sống gần Edo. Nó biểu hiện sự sắc sảo của thuyết vật linh toát ra từ chiếc gậy tu sĩ đã được biến hóa này. Lời trên tranh của Hakuin được viết ở hai bên chiếc gậy bằng một thứ văn tự sáng sủa và cân đối:
Một ngày mùa thu của năm thứ b đời Meiwa, Suzuki Tetsugorô ở tỉnh Musashi, đã vượt qua hai rào chắn lớn của tôi để phát hiện ra âm thanh chỉ từ một bàn tay phát ra; tôi viết lời chứng nhận này để mừng người anh hùng đó.
LÃO TĂNG HAKUIN DƯỚI CÂY SALA.
[Hình 62. Hakuin (1685-1769) VỖ MỘT BÀN TAY – Mực trên giấy, 89,6 x 26,3 – Sưu tập….…]
[Hình 65. Hakuin (1685-1769) GẬY ĐẦU RỒNG, 1766 – Mực trên giấy, 125,6 x 28,1 – Sưu tập Shinwa-an]
Đó là một trong những chứng chỉ cuối cùng của vị tu sĩ này; khi đó ông đã tám mươi hai tuổi. Bằng cách dùng mực không phải mới được mài và thứ giấy cầu kỳ, ông đã tạo ra nhiều giá trị thang độ khác nhau rất đặc biệt, khiến tác phẩm có được một ấn tượng về chiều sâu. Dù hình vẽ trông mạnh mẽ song nó cũng có nét dịu dàng cởi mở, đặc trưng cho những tác phẩm cuối cùng của vị thiền sư bậc thầy này.
Về cuối đời, ông truyền giảng cho một số, ngày càng nhiều, các tu sĩ và những người thế tục, cả nam lẫn nữ. Cuộc sống ở Shôin-ji thật khắc khổ, nhưng đôi khi có những lễ hội, để cho có được sự tiếp xúc với các tín đồ trong vùng cũng như với các môn sinh. Chẳng hạn như nhân dịp Tân Niên, người ta treo bức chân dung Bồ-đề Đạt- ma, chuẩn bị một lò than cho khách sưởi ấm, thì cũng được biếu tặng thực phẩm. Một bài thơ của Hakuin mô tả lại một trong những cảnh này:
Trên trăm sự đói lạnh vẫn thân thương,
Lòng rộng mở đón chào mùa xuân mới.
Trên tường treo hình lão nhân mắt xanh râu đỏ,
Trong độc bình hoa mận dại ngát hương.
Trời lạnh giá tiếng họa mi ngừng hót,
Lò than đỏ người lặng im suy tưởng.
Những túi rơm đựng củ mài ai tặng
Bao thân già lòng ấm lại vui tươi.
Người ta nói rằng Hakuin là người thích của ngọt và cho rằng đã có thời gian ông bị tiểu đường nhẹ. Chắc hẳn điều này gây cảm hứng cho ông khi viết những lời hài hước trên một bức chân dung nổi tiếng của ông vẽ Daitô-kokushi (Đại Đăng Quốc sư) (hình 63). Hakuin thể hiện vị tu sĩ này, người có pháp danh là Shuhô Myôchô (1282-1337), trong giai đoạn ông này cùng sống với các hành khất ở Cầu phố thứ năm tại Kyôtô. Hoàng đế muốn ông tới thuyết giảng tại triều đình, nhưng vị tu sĩ này đã từ chối những vinh dự trần tục để sống một cuộc sống âm thầm trong nghèo khổ. Theo chuyện kể thì hoàng đế được biết Daitô thích dưa (hấu), bèn sai một sứ giả đem đến cho những người hành khất đó một quả dưa và làm cách nào để chỉ một mình Daitô có thể nhận dưa. Sứ giả đến và nói ông ta có một quả dưa dành cho người nào không sử dụng đôi chân mà có thể đến lấy được. Một giọng nói trả lời là sứ giả hãy đưa trái dưa đó mà không dùng đến bàn tay. Thế là Daitô bị lộ, mắc bẫy chỉ vì một chút ham muốn vẫn còn ở nơi ông. Người ta đã thuyết phục được ông tới triều đình, và ít lâu sau thì ông dựng chùa Daitoku-ji theo lời khẩn cầu của hoàng đế.
[Hình 63. Hakuin (1685-1769) DAITÔ-KOKUSHI – Mực trên giấy, 127,5 x 56,3 – Bảo tàng Eisei Bunko, Tôkyô]
Bức họa của Hakuin về vị tu sĩ này đang hành khất, mắt mở to, liếc nhìn mọi người từ bên dưới cái vành nón rơm của ông. Lời ghi trên tranh ám chỉ lúc vị tu sĩ này bị phát hiện chỉ vì một thứ kôan dựa trên nhược điểm của ông:
Mũ rơm ông đội đầu,
Sống chung cùng hành khất
Mà chạy đâu cho thoát
Vì tính ông thích dưa
Nếu mi gọt được dưa
Mà tay chẳng đụng tới
Thì ta đâu khó gì
Đến nhận, chân không đi.
Việc dùng mực trong tác phẩm này thật khác thường. Các gam màu xám được làm nhòe đi để miêu tả thời tiết lạnh và ẩm ướt. Daitô, quá mức tập trung, dường như không còn biết trên nón đội có tuyết. Đôi chân trần bám chặt lên mặt đất đóng băng, chống gậy, ông giơ tay ra xin. Vậy thì cuối cùng liệu ông ta có thể từ chối mọi cám dỗ của thế gian này, hay vẫn còn nghĩ đến những trái dưa?
Không hề có ý định hài hước kiểu Zen này, Hakuin vẽ ensô (hình 64), sự hợp nhất tối hậu của hội họa, thư pháp và thiền định, một cách nghiêm túc sâu xa.
Cuộn tranh này chắc chắn được dùng làm một kôan bằng hình ảnh giúp cho việc thiền định của một trong những môn sinh của ông. Dường như vị thiền sư này chỉ vẽ một số ít những vòng tròn, và mỗi hình đều có một lời đề khác. Ở đây, ensô này có câu ghi kèm: “Không một khoảng trống trong mười khu vực phương đông, không có tí gì trên trái đất bao la”. Lời nói huyền bí này bắt nguồn từ một câu thơ của một người Trung Hoa thế kỷ X về kôan này:
Một tu sĩ hỏi Baling: “Tư tưởng của các thiền sư có giống như hay khác với những lời truyền dạy trong các kinh Phật ?” Baling trả lời: “Khi con gà trống bị lạnh nó bay lên cây, khi con vịt bị lạnh, nó ào xuống nước”.
Đây là một trong những kôan ít phức tạp nhất ở thời kỳ đầu, ngầm hiểu rằng, những lời của các vị thiền sư nói ra và những lời viết trong kinh Phật, là những cách phản ứng khác nhau đối với những hoàn cảnh như nhau. Lại có một bài thơ làm về kôan này ở thế kỷ XII của tu sĩ Weizhao mà nội dung còn gai góc hơn. Bài thơ ám chỉ truyền thuyết ra đời của Zen khi Đức Phật im lặng cầm một bông hoa thay vì thuyết pháp cho các môn đồ; câu cuối cùng của bài thơ này là câu Hakuin đã lấy để viết cho bức họa hình tròn của mình:
Mưa che nhành mận nở hoa
Người vàng ngồi đó mỉm cười lặng thinh.
Vầng trăng chiếu sáng Long cung
Trăng sao nhảy múa mỉm cười trăng sao.
Đông phương mười cõi mịt mùng
Đâu còn gì nữa, đất trời bao la.
[Hình 54. Hakuin (1685-1769) ENSÔ – Mực trên giấy, 15,5 x 54 – Sưu tập tư nhân]
Như vậy, ý nghĩa của tác phẩm này có nhiều mức. Người ta có thể suy ngẫm về tác phẩm đó theo quan điểm về tính giản đơn của vòng tròn cũng như có thể suy ngẫm theo sự phức tạp của những ám chỉ trong bản văn.
Hình vẽ dường như được vẽ một cách chậm rãi. Người ta tưởng như cảm nhận được bàn tay của Hakuin run run khi quay vòng nét bút bắt đầu từ phía dưới bên trái lên. Bản văn bên cạnh kéo dài thêm sức mạnh của vòng tròn, ba dòng chữ có kích cỡ giảm dần tạo ấn tượng về một hình trái xoan. Một chữ Vô đầu tiên được đặt dưới hai chữ “thập phương” gắn toàn cục với chỗ bắt đầu của dòng chữ thứ nhất; một chữ Vô thứ hai đứng ở đầu dòng cuối cùng. Hai chữ này có dạng khác nhau, dù đều dẫn tới chữ tiếp sau mà không có sự đứt đoạn. Nét viết chậm gợi cho thấy chu kỳ của các mùa, quỹ đạo của các hành tinh, bánh xe Phật pháp. Vậy ý nghĩa sau chót của hình tròn này là gì? Hakuin nói với chúng ta: Hãy nhìn đi, bây giờ mở đôi mắt ra – tỉnh lại đi, tỉnh lại đi!
Trong những năm cuối của cuộc đời, Hakuin tạo kết cấu cho tác phẩm ngày càng mạnh mẽ, đơn giản và giàu về gam sắc. Một trong những tác phẩm thư pháp thành công nhất của ông trong giai đoạn này là chữ Đức (đức độ) khổ lớn (hình 66). Bản văn trên tác phẩm này là của một người viết sử và là một trí giả Trung Hoa Sima Guang (1018-1086). Ông này là một chính khách tiêu biểu phục vụ chính quyền Bắc Tống, và bài châm ngôn mang một giọng điệu luân lý thích hợp. Hakuin chắc hẳn chọn bài này không những chỉ vì nó có sức lôi cuốn ở thời kỳ nhạy cảm với Tân Khổng giáo, mà còn vì nó có phảng phất một nét hài hước Zen:
Dành dụm bạc tiền cho con cái
Đâu phải là điều chúng bám theo.
Tích sách thánh hiền cho con cháu
Chẳng phải những gì chúng muốn xem.
Điều cần thiết là gia tăng chữ đức
Tích thiện hiền yên ổn dài lâu.
Truyền cho cháu chất đời sau,
Đời đời tiếp nối mãi sau an bình.
Chữ “Đức” chủ đạo có một sức mạnh lớn lao, tạo ấn tượng như nâng đỡ cho bảy cột chữ nhỏ phía trên. Những sắc thái của mực viết đặc trưng phong cách về sau của Hakuin thật phong phú và sâu xa, ít có khoảng cách giữa các chữ, các nét đậm dường như chứa đựng toàn bộ sức nặng của kinh nghiệm Zen mà vị thiền sư này đã tích lũy được qua nhiều năm tháng.
Ấn tượng mạnh mẽ mà tác phẩm này càng được làm cho sinh động hơn nhờ nó có một kết cấu đa dạng đầy hào hứng. Các dòng chữ bên trên không thẳng tắp mà hơi hướng về chữ Đức chủ đạo. Dạng các chữ này lại không giống nhau, có những chữ viết rất cân đối, lại có những chữ viết theo kiểu thảo thư một nét. Chữ Vô chẳng hạn, được viết theo kiểu kiến trúc ở vị trí thứ ba của dòng thứ hai (tính từ bên phải), trong khi cũng chữ đó ở vị trí đầu tiên của cột thứ tư thì dường như đang nhảy nhót, viết dạng thảo thư nhanh, và kết thúc bằng một nét bút hoa mỹ. Chữ cuối cùng của bản văn này kết thúc bằng một nét xổ xuống mang tính trang trí, tựa như một lưỡi gươm có răng cưa sẵn sàng chém mạnh vào các chữ để thấy được cái chân lý ẩn mình ở bên trong. Chữ “Đức” (……) chủ đạo gồm chữ “chân” ở trên chữ “tâm”. Chắc hẳn đối với Hakuin thì đức độ, đạo đức có nghĩa là cái tâm chân thật, có khả năng thấy được chính bản chất mà không một ảo tưởng nào.
[Hình 66. Hakuin (1685-1769) ĐỨC – Mực trên giấy, 115,4 x 54,3 – Sưu tập Man-yô-an]
[Hình 69. Hakuin (1685-1769) ĐẠT MA ÁO CÀ SA ĐỎ – Mực và màu trên giấy, 189 x 110,1 – Manju-ji, Oita]
Mặc dù vẽ nhiều đề tài, song chủ đề chính đối với Hakuin, cũng như đối với phần lớn các họa sĩ Zen, là vị tổ sư đầu tiên. Một trong những bức tranh lớn nhất và nổi bật nhất của Hakuin là Đạt-ma áo cà sa đỏ (hình 69). Đôi mắt quá khổ (quá lớn) của nhân vật, màu đỏ rõ nét trên áo ông mặc (màu ít khi được hakuin dùng trong những năm cuối đời) và cái đầu lộ ra trên một hậu cảnh đen xịt đằng sau, tất cả góp phần tạo ra một diễn tả hấp dẫn về thiền định. Trên gương mặt, các gam mực sẫm nhất dành cho phần trong tai, lỗ mũi, mí mắt và đồng tử mất, khiến chúng ta phải chú ý tới sự tập trung nội tại nơi tổ sư Bồ-đề Đạt-ma. Hakuin thêm vào họa phẩm này một bản văn, chữ màu trắng trên nền đen, theo phong cách những chữ cào trên đá, là những lời được cho là của vị tổ sư này và coi như tổng kết thông điệp cơ bản của Zen:
Hãy nhìn thẳng.
Trái tim nhân loại
Thấy chân thân mình để rồi thành Phật.
Nếu hình ảnh Bồ-đề Đạt-ma là một chân dung đích thực của tư tưởng Zen nơi mỗi tu sĩ, thì một bức chân dung tự họa cũng đáng chú ý vì nó cho ta thấy ý niệm của mỗi tu sĩ về con người của chính mình, cũng như về cả nét mặt của mình. Người ta có được nhiều bức tự họa này của Hakuin, chắc chắn ông dành cho những môn sinh của mình, và mặc dù trong thực tế, đầu ông tròn hơn, song khi vẽ, ông lại thường vẽ cho ra hình trái xoan. Hiện chúng ta còn giữ được một trong những bức Chân dung tự họa đó, ghi năm 1764, tức là bốn năm trước khi ông qua đời, hình ông được vẽ bên trong một ensô (hình 68). Thay vì dùng đến phong cách cầu kỳ của chinsô, ông chọn phong cách giản dị thể hiện chủ thể trong tướng mạo của Bồ-đề Đạt-ma, nhưng với đôi mắt cụp xuống một cách khiêm nhường. Cái đầu lộ rõ do nền đen bổ sung nơi hậu cảnh được tạo bởi một loạt các nét tròn kéo dài xuống cái áo cà sa và đôi bàn tay ở tư thế thiền định; cái miệng tròn và đôi mi mắt làm tăng thêm tính thống nhất của cấu trúc. Nhưng bản văn ghi trên họa phẩm này thì ít dịu hiền hơn nhiều:
Trong phòng thiền định trầm tư
Cả ngàn vị Phật rõ là ghét ta.
Bao quanh ta hằng hà quỷ dữ
Hàng đàn xúm lại, nhìn ta khinh thường.
Ta tiêu diệt hết bọn giả Zen
Bọn sư mù, một chữ “KHÔNG” vẫn không hiểu thấu.
Sư già mòn mỏi như ta,
Đã nhìn xấu xí ta bù xấu thân.
[Hình 68. Hakuin (1685-1769) CHÂN DUNG TỰ HỌA – Mực trên lụa, 100,3 x 28,1 – Bảo tàng Eisen Bunko, Tôkyô]
Những lời đề này chẳng có gì hấp dẫn đối với tư tưởng tuân thủ theo thời, nhưng lại rất hợp với bức chân dung tự họa này. Nó nhấn mạnh tới sự quên mình hoàn toàn, và tới nội lực cần thiết để trở thành một Phật tử bậc thầy. Những bức màn ảo giác không dễ gì xé bỏ; bằng những từ như “ghét”, “khinh”, “tiêu diệt”, “xấu xí”, Hakuin đã truyền đi thông điệp Zen với tất cả sức mạnh của nó.
Trong nghệ thuật cũng như trong những lời truyền giảng của ông, vị thiền sư này không ngừng lặp đi lặp lại rằng việc thiền định phải chủ động, tích cực chứ không bị động, tiêu cực. Chẳng hạn như ông viết ở một trong những bức thư pháp lớn cuối cùng của mình, bức chữ Trung (Bên trong) (hình 67) rằng “Suy ngẫm trong khi hoạt động, cao hơn cả trăm ngàn lần, so với suy ngẫm trong tĩnh lặng”. Ở đây chữ “Trung” là một hình chữ nhật được phân ra bằng một nét xổ mạnh mẽ, kéo dài suốt cuộn thư pháp. Nó nổi bật một cách lạ lùng, tương phản với toàn bộ bố cục, ý muốn nói với người xem rằng việc thiền định phải liên tưởng tới mọi khía cạnh của cuộc đời. Tác phẩm hoành tráng này là một chứng tỏ bằng hình vẽ, chữ viết, những điều Hakuin viết chi tiết hơn trong Orategama của mình:
[Hình 67. Hakuin (1685-1769) TRUNG (Bên trong) – Mục trên giấy, 108,1 x 28,1 -Sưu tập Shinwa-an]
Thế nào là trầm tư thiền định đích thực? Đó là sự biến đổi tất cả: sự ho, sự nuốt, cử động tay chân, dịch chuyển, bát động, lời nói, cái tốt cái xấu, sự thịnh vượng và hổ thẹn, sự được và mất, công bằng và bất công, tất cả đều biến đổi thành “một kôan” duy nhất (…) mà trước mắt là nguyên lý thiền định thuần túy, không pha tạp, không sơ xuất, người ta phải đạt tới được một trạng thái tinh thần mà ngay khi có một đám đông vây quanh, ta vẫn cảm thấy như chỉ có một mình ta trên một bình nguyên bao la hàng ngàn dặm (……). Nếu lúc đó mà cứ tiến tới mãi được thì cũng như là một lớp băng đã vỡ ra, một cái tháp ngọc thạch sập xuống, và người ta sẽ thấy một niềm vui vô bờ.
Chính cái cảm giác vui này đã tạo phấn khởi cho những năm cuối đời đầy hoạt động của Hakuin. Ông làm hồi sinh ngôi chùa Ryu-taku-ji ở Numazu cách Shôin-ji một ngày đi bộ, và giao cho môn sinh Tôrei của ông làm trụ trì. Ông điều khiển nhiều buổi họp mặt tại Ryutaku-ji và ở các chùa khác, vẽ các tranh và viết các bản thư pháp cho tất cả những ai ngỏ ý nhờ ông, và có các chuyến viễn du. Nhưng đến cuối năm 1768 thì sức khỏe của ông đã bắt đầu suy sụp. Trở về Shôin-ji, ông được chăm sóc y tế từ ngày thứ bảy tháng thứ mười hai. Ba hôm sau, ông yêu cầu môn đồ của mình là Suiô đảm trách chùa Shôin-ji, và ngày hôm sau thì ông qua đời.
Di sản sau cũng mà Hakuin dành cho Zen là những điều truyền giảng phong phú và sâu xa của ông. Ông đã viện tới các sách, các buổi truyền giảng, những bài thuyết giáo, thư từ, thơ ca, những bài hát dân gian, thư pháp và hội họa làm những phương tiện truyền đạt quan điểm của ông về Zen. Ông không ngừng khuyến khích mọi người và nhắc đi nhắc lại rằng chỉ có thể đạt tới được Giác ngộ khi tập trung tư tưởng để phát hiện cái bản chất thực của mình. Ông viết rằng người ta “không nhận ra được rằng tất cả chúng ta đều là những Phật sống cả”, và thấy tiếc rằng họ “lúc nào cũng đi tìm Phật ở ngoài chính con người họ, hoặc đi tìm một vị tổ sư, một Niết bàn hoặc một nơi cực lạc; cách thức của họ là tìm ở bên ngoài (chứ không phải bên trong chính cái tâm của họ), đó là lý do tại sao càng đi tìm lại càng nhầm đường lạc lối”. Mục tiêu duy nhất của ông là giúp cho người ta đạt tới được sự Giác ngộ của chính họ.
Trong những thập niên sau khi ông qua đời, ảnh hưởng tôn giáo của ông vượt xa cả trường phái Rinzai, trường phái này chẳng mấy chốc đã bị các môn đồ của ông chế ngự, và ảnh hưởng ấy còn lan ra cả tới phái Ôbaku. Trong vai trò một thiền sư và người truyền giảng, ông đã thổi vào Zen một năng lượng mới trong một thời đại ngày càng mang nặng tính duy vật. Theo quan điểm nghệ thuật, ông đã mang lại cho zenga những đề tài mới, những phong cách mới và một tinh thần mới, tươi tắn và mạo hiểm.
Trong nghệ thuật và truyền giảng, Hakuin là vị thiền sư vĩ đại nhất của nửa sau thiên niên kỷ thứ 2.
—o0o—
Trích: Nghệ Thuật Zen
Tác giả: Stephen Addiss
Người dịch: Tư Tam Định
NXB Văn Hóa Thông Tin 2001
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS