TỰ DO

SHARE:

Mỗi người ai cũng có cảm giác được tự do, nhất là trong lựa chọn. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm tất cả những gì mà chúng ta muốn! Tự do được xem là đặc thù của con người. Nhưng phải chăng mỗi một hành vi của chúng ta đều phát sinh tất yếu từ nguyên nhân nào đó? Điều nguy hiểm là, nếu tự do chỉ là ảo tưởng, sẽ không có trách nhiệm. Lúc đó, không thể có nền đạo đức nào! Hành động của con người có tuân theo cùng các quy tắc với các hiện tượng của tự nhiên hay không? Các ngành khoa học nhân văn có phải chọn một phương pháp khác với phương pháp được sử dụng bởi các ngành khoa học tự nhiên không?

🌼 Thân phận con người hay là ảo tưởng?

Tự do phát biểu ý kiến hoặc lựa chọn người lãnh đạo là tự do chính trị. Tìm hiểu xem liệu việc không có tự do có phải là điều nghiêm trọng hay không là một vấn đề của triết học chính trị.

Chúng ta có được tự do ấy là nhờ tự do siêu hình, thứ tự do mà chúng ta trải nghiệm khi quyết định một chuyện gì và khi chúng ta chọn một trong số nhiều khả năng khác nhau. Chính khả năng lựa chọn ấy, cái “ý chí tự do/ý chí dửng dưng” ấy, điểm đặc thù của con người, cho phép chúng ta khen hay chê, đưa ra nhận định về giá trị. Chúng ta không phán xét về mặt đạo đức đối với ai có vẻ không tự do, như loài vật, hay người mất ý chí tự do (người mất lý trí, người điên hoặc nghiện ma túy). Tự do là quyền lựa chọn hoặc bắt đầu một hành động và là tác giả của hành động ấy.

“Chưa bao giờ chúng ta được tự do hơn thời người Đức chiếm đóng”
Jean-Paul Sartre, Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn (1946)

🌼 Sự giải phóng

Đối với các triết gia Hy Lạp, tự do không phải là quyền lựa chọn hay làm điều mình muốn.

Tự do là ở chỗ hoàn thành điều mà bản tính quy định cho chúng ta, phù hợp với nơi chúng ta thuộc về. Aristotle cho rằng hành động của những công dân tự do được đưa vào khuôn phép cũng chặt chẽ như chuyển động của các vì tinh tú (Siêu hình học). Theo ông, chỉ những người nô lệ và thú vật mới bị chi phối bởi sự may rủi. Tự do là sự giải phóng, xuất hiện khi chúng ta hiểu rõ thế giới, điều cho phép chúng ta hội nhập vào trật tự của nó. Tự do không phải ở chỗ lựa chọn cách sống chúng ta ưa thích mà ở chỗ biết được trật tự của thế giới và nhận ra chỗ của chúng ta trong tự nhiên.

Tự do không phải là một năng lực đi trước hành động của chúng ta mà là kết quả của một công việc chúng ta tự làm cho mình. Trong lĩnh vực của tri thức, ấy là thoát khỏi những ảo tưởng. Hiểu rõ cách tổ chức của thế giới, qua nghiên cứu nó bằng trí năng, đó là điều cho phép chúng ta tìm đúng chỗ của mình. Trên bình diện hành động, ấy là tự giải thoát khỏi những nỗi sợ. Tri thức cho phép chúng ta tự điều chỉnh theo trật tự của thế giới bằng hành động. Các triết gia khuyển phái muốn sống “theo tự nhiên”: họ gạt bỏ những quy ước xã hội, vì chúng là giả tạo. Những triết gia này ăn nói sỗ sàng với công chúng, nhằm mục đích làm họ cảm thấy chướng, hoặc mỉa mai cay độc họ. Vì vậy, Diogenes ở Sinop giong một con cá mòi đi dạo và Cratès ở Thebes, chủ nhân của Zeno, làm tình giữa đám đông với cô bạn Hipparchia. Vấn đề ở đây là dẹp bỏ những quy ước xã hội và thực hiện cái minh triết để mở rộng cái tôi đến ngang tầm thế giới.

Theo Epictetus, một triết gia khắc kỷ, chỉ nên bận tâm đến “những gì tùy thuộc vào chúng ta”, tức là những nhận định về giá trị, sự thôi thúc hành động, lòng ham muốn và sự căm ghét, và buông bỏ “những gì không tùy thuộc vào chúng ta”, như thân thể, của cải, dư luận, v.v. (Thủ bản). Như thế, chúng ta tự giải thoát khỏi những lo âu, đặc biệt, khỏi nỗi sợ cái chết.

Tự do không ở chỗ làm biến đổi thế giới mà ở chỗ thực hiện một việc làm đối với chính mình, làm cho lòng mình thanh thản, không sợ hãi. Chúng ta hiểu rõ thế giới khi tự giải thoát khỏi ảo tưởng rằng mình cần phải khác hơn. Chính sự chấp nhận cuộc sống là điều mà các triết gia khắc kỷ gọi là “tình yêu định mệnh” (amor fati).

🌼 Một sức mạnh vô hạn

Vào thời cận đại, triết học quan niệm tự do như quyền được muốn điều gì đó, xuất phát duy nhất từ ý chí của chúng ta.

Nối gót thánh Augustine, René Descartes nêu lên cái “ý chí tự do của ý chí”, là một sức mạnh vô hạn để lựa chọn những hành động của chúng ta “bằng quyết tâm của ý chí chúng ta” mà không bị “cưỡng bách và ép buộc bởi một nguyên lý ngoại tại” (Những nguyên lý triết học). Chính kinh nghiệm của ý chí tạo cho chúng ta ý niệm về ý chí tự do: “Sự tự do của ý chí chúng ta được biết đến mà không cần chứng cứ, duy nhất bởi kinh nghiệm mà chúng ta có được về nó.” Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về việc ý chí là sự tự do. Những gì tự nguyện là tự do (Các câu trả lời thứ ba cho những bác bẻ). Cái chứng minh cho tự do ấy là nó tự chứng minh.

Hành động hàm ý quyết định chọn một cứu cánh mà chúng ta cố gắng đạt đến bằng một số phương tiện. “Người quyết định” là năng lực phân định những hành động khả dĩ. Nó làm chúng ta muốn cứu cánh này hơn cứu cánh khác. Theo Kant, nó là chiều kích của ý chí, có thể được quyết định theo hướng này hay hướng kia khi chúng ta xét đến vài nhân tố, như khoái lạc hay cảm giác về bổn phận (Nền tảng của siêu hình học phong hóa). “Người quyết định-nô lệ” là tình trạng của người quyết định phải tuân phục những yếu tố ở bên ngoài ý chí và chống lại nó, như những xung động cảm tính hay những tập quán. Người quyết định được tự do khi ý chí chỉ bị quyết định bởi lý tính. Vào thời cận đại, tự do hiện ra dưới hai hình thức khác nhau. Nơi Baruch Spinoza, cũng như trong chủ nghĩa khắc kỷ, nó là sự chấp nhận tính tất yếu của một trật tự đã có trước chúng ta, như trật tự thế giới. Tự do cũng có thể được quan niệm như tính tự luật của ý chí, vốn là khả năng nhờ đó, ý chí quyết định tiến hành các lựa chọn và hành động. Nhưng có phải những hành động của con người không được quyết định một cách tất yếu bởi những nguyên nhân ở ngoài ý chí hay không? Theo Kant, chỉ một mình lý tính không thể giải quyết vấn đề này. Để phán xét một hành vi hay tác giả của nó, chúng ta phải xét xem nó có tự do hay không. Kinh nghiệm giải quyết vấn đề này: trong kinh nghiệm lựa chọn, chúng ta không cảm nhận một sức mạnh bên ngoài nào ép buộc chúng ta hành động, như điều lưu ý của Descartes.

Và như Kant nhấn mạnh, kinh nghiệm về tính đạo đức, như kinh nghiệm ăn năn, giả định rằng chúng ta nghĩ chúng ta tự do. Thật vậy, chúng ta hối tiếc vì tin rằng lúc chúng ta hành động, chúng ta đã có thể hành động khác hơn. Vấn đề là cảm nhận không một sức mạnh nào ép buộc chúng ta không chứng minh rằng không một nguyên nhân nào đã ảnh hưởng đến ý chí của chúng ta. Nhưng nhận thấy rằng một vài nguyên nhân quyết định hành động của tôi không ngăn cấm tôi nghĩ rằng tôi tự do và chịu trách nhiệm.

“Không có sự tự do chê trách thì sẽ không có câu ngợi khen vui tai.”
Beaumarchais, Đám cưới của Figaro (1778)

🌼 Tự do: một ảo tưởng của ý thức?

Thời hiện đại, ý niệm về ý chí tự do được đưa ra xét lại do việc khám phá ra một chiều tinh thần vượt ra ngoài ý thức.

Theo Sigmund Freud, người sáng lập khoa phân tâm học, hành động của chúng ta được quyết định bởi những xung động mà chúng ta không ý thức được. Freud đã làm sáng tỏ cõi vô thức tâm thần, nó biểu lộ ra ngoài ý muốn của chúng ta, theo cách bệnh lý, qua những chứng “loạn thần kinh” và “loạn tâm thần”, hoặc theo cách phi bệnh lý, qua những giấc mơ và những “hành vi lỗi”. Khi mối tương quan giữa con người và thực tế vì thế mà bị rối loạn, qua những triệu chứng loạn thần kinh, việc chữa trị sẽ làm giảm bớt hậu quả ấy bằng một công việc khó khăn, có thể là bất tận. Nhưng cuộc sống tinh thần của chúng ta cũng mang dấu ấn của giáo dục và môi trường xã hội của chúng ta, tức là những sức mạnh tập thể đang triển khai trong mỗi xã hội. Đó là điều mà Karl Marx và khoa xã hội học lưu ý: những sức mạnh ấy biểu lộ qua những ý thức hệ và những giá trị mà giai cấp đang thống trị trong xã hội áp đặt. Các ý thức hệ làm phát sinh các sở thích và thói quen tiêu thụ của chúng ta.

Sau hết, những khám phá sinh vật học mới đây đưa đến ý nghĩ rằng các chất hóa học được tạo ra bởi các gien tác động đến tính khí và tập tính của các sinh vật, theo cách mà ý thức không kiểm soát được. Vì vậy, khi chúng ta chích hoóc môn đực cho chuột, chúng trở nên hung hãn và cắn nhau đến chết. Phải chăng ý chí tự do là một ảo tưởng của ý thức?

“Cần phải tiếp cận các bài học, không phải trong ý hướng thay đổi căn bản sự vật […], nhưng, vì sự vật vốn ở quanh ta theo như bản chất của chúng, hãy để ý chí của chúng ta thuận theo các sự kiện.”
Epictetus, Đàm Đạo, I, XII

🌼 Ý chí hành động

Nếu hành vi của chúng ta được tạo ra bởi những nhân tố vô thức, như bản năng hoặc những xung năng, thì ý chí không phải là khả năng hành động, cũng không phải là nguyên nhân gây ra hành động của chúng ta. Friedrich Nietzsche nhận xét rằng nó là kết quả: một cảm giác về sức mạnh và sự thành công hiện ra sau khi hành động được khởi động. Ý niệm về “ý chí” được đặt ra để có thể phán xét một số hành động và chỉ trích chúng theo một quan điểm đạo đức. Chúng ta gọi là “tự nguyện” những hành vi tất yếu, thông thường, có hiệu quả hay kiềm chế được, cốt để tự gán cho mình một giá trị. Đối với những người yếu kém, ảo tưởng gánh vác trách nhiệm tạo cho họ cảm giác làm chủ bản thân, điều mà họ không làm được. Họ phịa ra điều dối trá “ý chí tự do” để báo thù người mạnh, để có thể kết tội người mạnh đã phạm phải lỗi lầm (Phả hệ của đạo đức).

Những xung năng của chúng ta không tuân theo các quy luật tất yếu cũng không tuân theo những lựa chọn có ý thức: mỗi xung năng điều khiển hoặc tuân theo những xung năng khác. Chính mối tương quan giữa các xung năng này là điều mà Nietzsche gọi là “ý chí quyền năng”. Vì vậy, cần phải bỏ hết những ý muốn báo thù và thù hận để cảm nhận được “tình yêu định mệnh” (amor fati).

Theo triết học hiện đại, tự do không phải là cái tự nguyện, cái tùy thuộc một lựa chọn. Gilles Deleuze và Michel Foucault cho rằng nó là quá trình vô tận nhắm tự giải thoát khỏi những ảo tưởng che khuất thực tại, kể cả ảo tưởng ý chí tự do! Chúng ta không thể tin tưởng rằng chúng ta là ông chủ tuyệt đối của những hành động của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể giữ lại cảm giác được tự do, được giải thoát khỏi một sai lầm lớn.

“Trong tâm thức, không hề có ý chí tuyệt đối và tự do nào.”
Baruch Spinoza, Đạo đức học

🌼 Yêu cầu đạo đức của tự do

Không có ý chí tự do, sự khác biệt giữa cái thiện và cái ác bị xóa mờ và trách nhiệm biến mất. Tại sao khiển trách tội loạn luân trong khi chúng ta không kết án điều đó đối với thú vật, nếu không phải vì chúng ta cho rằng con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình? Tự do là điều cần thiết trong lĩnh vực đạo đức. Điều đó không có nghĩa là nó tồn tại, mà có nghĩa rằng cách chúng ta điều hướng cuộc sống phải tương ứng với những lựa chọn của tư tưởng chúng ta. Ý niệm “tình yêu định mệnh” bắt con người tuân phục tự nhiên hoặc những gì mà, với con người, thay thế được tự nhiên (lịch sử, truyền thống và phong tục). Ngược lại, sự tiến bộ, giáo dục và văn hóa có vẻ là biểu lộ của sự tự do của chúng ta.

“Công thức của tôi đối với những gì là vĩ đại trong con người là amor fati: không muốn bất cứ thứ gì khác ngoài cái đang có, không trước mặt, không sau lưng, không trong hàng trăm thế kỷ.”
Friedrich Nietzsche, Ecce homo (1888)

—🌼🌸🌼—
TRIẾT HỌC CHO NGƯỜI ĐÃNG TRÍ – LAROUSSE
Việt dịch: Trương Xuân Huy
NXB Dân Trí, 2024

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: