LỜI NÓI ĐẦU

SHARE:

NGUỒN TỐI THƯỢNG

Kunjed Gyalpo

Tantra Căn bản của Dzogchen Semde

Chögyal Namkhai Norbu

Adriano Clemente

Dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh bởi

Andrew Lukianowicz

The Supreme Soure – Kunjed Gyalpo

Snow Lion Publications, 1999

 Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2018

Lời Nói Đầu
1. Nguồn Gốc Của Dzogchen: Từ Oddiyana Đến Tây Tạng
2. Dzogchen Semde Và Tantra Kunjed Gyalpo
3. Những Nguyên Lý Nền Tảng Của Tantra Và Dzogchen
4. Tantra Gốc
5. Tantra Thêm Nữa: Những Giáo Lý Về Hiểu
6. Tantra Chót: Những Lời Dạy Về Thiền Định
7. Tám Mươi Bốn Chương Của Kunjed Gyalpo

Những kinh điển căn bản của những giáo lý Dzogchen được chia thành ba phạm trù, gọi là gyüd, lung mennag.

Gyüd, hay những tantra, là những bản văn giải thích nguyên lý căn bản của giáo lý “toàn thiện bổn nguyên toàn diện” hay Ati Dzogpa Chenpo trong toàn bộ của nó, trình bày đầy đủ ba điểm then chốt nền tảng, con đường, và quả.

Lung có thể tạo thành một phần của một tantra, tổng kết điểm thiết yếu của nó hay nhấn mạnh hay soi sáng một phương diện đặc biệt liên quan đến nền tảng, con đường, hay quả.

Mennag hay upadesa là những nét gọn chứa những giáo huấn đặc biệt để thực hành liên hệ đến nền tảng, con đường hay quả của Đại Toàn Thiện, trong hình thức diễn rộng hay khúc chiết, hay chúng có thể là những giáo huấn từ kinh nghiệm cá nhân của những bậc thầy chứng ngộ, viết ra vì lợi lạc của những thế hệ tương lai với dấu ấn bí mật.

Nghĩa của từ “tantra” là “sự tương tục” hay “không dứt”, ám chỉ thể trạng của tiềm năng vô tận và của biểu lộ không dứt của năng lực của trạng thái bổn nguyên của chúng ta. Những tantra được gọi như vậy bởi vì chức năng diễn tả của chúng là để hiểu rõ ràng, trực tiếp hay gián tiếp, trạng thái tự nhiên này.

Mọi tantra chính được phát lộ trong một chiều kích chính xác, thanh tịnh trong một thời đại đặc biệt, hay kalpa (kiếp), bởi một biểu lộ đặc biệt của báo thân như một vị thầy trao truyền giáo lý cho những Vidyadhara và Siddha khác nhau ở ba cấp độ cuối của chứng ngộ (địa) như là những đệ tử trong dịp ấy.

Đặc biệt về Kunjed Gyalpo, những kinh điển Dzogchen kể lại rằng ở một nơi gọi là “Thai Tạng”, trong thời con người thọ tám mươi ngàn năm, vị thầy Zhönnu Rolpa Nampar Tsewa trao truyền cho khoảng một ngàn đệ tử phi nhân yaksa và naksasa những giáo lý thiết yếu của năm tantra gốc, trong đó có Kunjed Gyalpo, và của sáu tantra thứ yếu. Do đó, chúng ta có thể suy luận rằng những giáo lý này tạo thành nền móng của Ati Dzogchen vào những thời xa xưa.

Năm tantra gốc của Dzogchen Semde được xếp loại theo một số cách khác nhau, nhưng khảo sát nội dung của chúng, danh sách có vẻ phù hợp sát nhất với sự quan trọng của những nội dung của chúng là như sau:

  1. Tantra của Bồ đề tâm, là Vua sáng tạo tất cả.
  2. Tantra gọi là “Bánh xe Bí mật vượt khỏi những Khái niệm”.
  3. Đại Tantra của Vajrasattva bằng với những Giới hạn của Không gian.
  4. Tantra của Không gian Toàn thể của Vajrasattva.
  5. Tantra Tối thượng của Chiều kích của Bồ đề tâm Đại Toàn Thiện.

Với mỗi tantra gốc có sáu tantra hạng thứ kết chặt với những nội dung của nó và mỗi tantra hạng thứ lại có những tantra phụ nữa. Vì chứa những nội dung của tất cả năm tantra gốc của Semde và tạo thành nền móng cho chúng, Kunjed Gyalpo được tất cả những vị thầy vĩ đại của Dzogchen đánh giá là tantra chính yếu của Semde.

Chúng ta hãy phân tích nghĩa của tên Kunjed Gyalpo. Dịch theo nghĩa đen, “vua sáng tạo tất cả” là một đồng nghĩa với “Samantabhadra” (‘tất cả hoàn thiện’, Phổ Hiền), một từ được dùng rộng rãi trong những giáo lý Đại Toàn Thiện. Kunjed, “sáng tạo hay làm tất cả”, không phải là một đấng Sáng Tạo. Nghĩa thật của nó chỉ cho trạng thái bổn nguyên của chúng ta, mà tự tánh của nó chứa mọi phẩm tính của tự toàn thiện cùng với khả năng biểu lộ chúng mà không cần tạo ra chúng, cũng không nương dựa vào bất cứ cố gắng nào. Hãy nghĩ đến một tấm gương; khả năng phản chiếu là một phẩm tính tự nhiên của bản thân tấm gương, và chỉ nhờ vào thể trạng của nó mà những hình ảnh khác nhau có thể xuất hiện trên bề mặt gương không dứt.

Ở cấp độ sâu hơn, thật nghĩa của từ kun, nghĩa là “tất cả”, là tánh Không, trong chừng mực mà bản tánh tối hậu của mọi hiện tượng là thể trạng của thanh tịnh bổn nguyên (ka dag), hay tánh Không. Jed, một động từ có nghĩa “làm” hay “hành động”, ám chỉ năng lực tự nhiên của tánh Không, được phú bẩm với chuyển động và hành động, biểu lộ như sáng tỏ (gsal ba), cái nhìn thấy (snang ba), và hiện diện thanh tịnh tức thời (rig pa, tánh giác). Hai âm tạo thành từ “kunjed” như vậy trực tiếp chỉ ra những nguyên lý đặc trưng được nói đến rộng rãi trong Kim Cương thừa với những thành ngữ “sáng tỏ và tánh Không” (gsal stong), “cái nhìn thấy và tánh Không” (snang stong), và “hiện diện và tánh Không” (rig stong)

Từ “gyalpo”, hay “vua”, được dùng để chỉ những tantra chính, cao cấp hơn. Nó nghĩa là nguyên lý hiểu biết tương ứng với đại toàn thiện của trạng thái bổn nguyên hay Ati Dzogchen : thể trạng đích thực bổn nguyên của chúng ta.

Tóm lại, vì tantra này khai mở bản tánh của Kunjed Gyalpo, thể trạng của trạng thái bổn nguyên, và chỉ ra toàn bộ con đường để chứng ngộ nó, nó không chỉ tạo thành nền tảng và gốc rễ của mọi giáo lý Dzogchen mà cũng trình bày mục tiêu cuối cùng của mọi con đường chứng ngộ.

Vì những lý do ấy, những người có may mắn học và tư duy tantra gốc của Semde này và áp dụng hoàn hảo nguyên lý trí huệ mà nó trình bày thì không cần làm gì khác nữa. Tuy nhiên, trong những trường hợp điều này là không thể, thì chỉ hiểu một phần của bản văn sẽ dẫn chúng ta chắc chắn đến trí huệ đích thực hiểu biết Đại Toàn Thiện, và sẽ là lợi lạc bao la.

Vài năm trước đây, vì ích lợi cho một số học trò tỏ ra rất thích thú tantra này, tôi đã cho những giải thích miệng, chú ý vào những điểm chính. Học trò của tôi là Adriano Clemente, đã học với tôi thời gian dài và bây giờ đã có một mức độ kinh nghiệm tốt đẹp, đã kết tập chúng và xuất bản chúng như sách này trình bày. Tôi chắc rằng chúng sẽ giúp mở mắt cho mọi người muốn khám phá trạng thái hiểu biết của Kunjed Gyalpo, và tôi hy vọng điều này thực sự xảy ra.

Chögyal Namkhai Norbu

Tháng 12, 1995

 

SHARE:

Trả lời