TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

32. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dù ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Đó là một bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà tôi bị ‘bắt buộc’học thuộc lòng vào những năm đầu trung học. Đến bây giờ vẫn nhớ. Một nhân cách đẹp Việt Nam trong một lối sống Việt Nam với những sự vật quen thuộc Viết Nam. Tất cả đã năm thế kỷ. Vậy mà mỗi khi nhớ đến vài câu của bài thơ, tôi vẫn thấy ông như đang ở trước mắt, trong vườn, và thấy mình cũng đang ‘thơ thẩn’ trong vườn như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đâu phải chỉ thơ thẩn trong vườn. Mà thơ thẩn trong lịch sử. Như ông.

Cái gì làm cho khoảng cách không gian thời gian 500 năm không còn tồn tại? Ngôn ngữ. Phép lạ của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là một phép lạ. Nó là một thứ mạng mà nhờ đó tôi có thể nối kết với Vô Ngôn Thông, Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và bất kỳ ai trong lịch sử Việt Nam đã từng nói và để lại tiếng nói. Ngay cả phép lạ phi thường của thời hiện đại, máy điện toán chỉ với hai ký hiệu 0,1 mà có thể ghi nhớ và chuyên chở tất cả văn hóa, khoa học, mỹ thuật… loài người thì thực ra phép lạ ấy cũng chỉ để phục vụ cho phép lạ ngôn ngữ là chính.

Những con người sẽ qua đi, chúng ta sẽ qua đi, nhưng ngôn ngữ vẫn tồn tại. Tồn tại cho đến con người cuối cùng trên trái đất. Nguyễn Du đã qua đi, căn nhà nơi Nguyễn Du đã sống, cây bút lông, nghiên mực, ngọn đèn dầu quen thuộc với Nguyễn Du trong lúc ông viết văn cũng không còn. Nhưng tiếng nói Nguyễn Du, ngôn ngữ Nguyễn Du vẫn tồn tại không chỉ qua Truyện Kiều mà còn trong các tác phẩm văn học khác.

Đôi khi ở những nơi xa xôi, bất ngờ nghe được vài tiếng nói địa phương, sự bồi hồi đảo ngược về nguồn cội của một đời người. Nơi đó, những khoảng trời thơ ấu. Nơi đó, những người thân đã từng nói những tiếng này nay đã mất. Sự vắng mặt tồn tại trong rải rác những tiếng địa phương đặc biệt này.

Ngày nay điều may mắn cho dân tộc là chúng ta có một tiếng Việt chung nhất, người ở mũi Cà Mau nghe người ở Lạng Sơn nói vẫn hiểu dễ dàng. Nhưng cũng chớ đồng nhất hóa mà trở thành đồng dạng và đơn điệu. Cần giữ lại những tiếng địa phương. Chúng ta đã thấy sự thất bại của Quốc tế ngữ (Esperanto, sau hơn 100 năm, cả thế giới chưa đến 2 triệu người sử dụng) là như thế nào. Tiếng địa phương là cái duyên (và cả cái dáng), cái hồn của một vùng. Không có sự phát âm những tiếng ấy, đôi môi kia sẽ không được như vậy nữa, đôi mắt sẽ không có màu sắc và ánh nhìn như vậy nữa.

Tiếng nói, hay ngôn ngữ, là một trong ba thành phần tạo nên một con người, theo đạo Phật. Ba thành phần đó là thân, ngữ, tâm hay thân , khẩu, ý. Ý hay tâm thì rất khó biết vì nó không biểu lộ. Nhưng ngữ hay khẩu là cái biểu lộ, cái đại diện của tâm ý, cho nên chính nó là cái để đánh giá một nhân cách, đo lường chiều cao chiều rộng của một tâm thức. Cũng chính nó tạo ra những tương quan xã hội, những liên hệ thông tin. Thân là cái biểu lộ nhiều nhất, cụ thể nhất, nhưng cũng có thể hóa trang nhiều nhất. Bằng quần áo, bằng trang điểm (cả bằng giải phẫu thẩm mỹ!), bằng những đồ dùng đi với thân. Ngôn ngữ là tính tình con người, là con người thật nhất, hầu như không thể hóa trang, giả vờ. Ngôn ngữ là sự trang điểm (mà Phật giáo gọi là trang nghiêm) của con người, là sự nở hoa của nhân cách.

Thế nên, qua ngôn ngữ, qua tiếng nói chúng ta có thể đánh giá từ một con người cho đến một quốc gia. Không phải là nhà xã hội học, nhà kinh tế chính trị học, hay nhà doanh nghiệp, chúng ta rất khó biết một đất nước phát triển cả về mặt vật chất và tinh thần đi đến đâu (rất khó nếu chỉ nhìn vào những gì họ quảng cáo, những con số họ đưa ra, haychỉ đi qua một vài đường phố lớn của họ…), nhưng chúng ta có thể biết họ có thực sự phát triển toàn diện hay không, có thực sự thịnh vượng hay không nhờ nhìn vào sự phát triển ngôn ngữ của họ. Ít nhất là qua ngôn ngữ (đã được dịch) của những nhà lãnh đạo của họ. Không thể nào che giấu được . Không thể nào có xã hội phát triển nếu ngôn ngữ không phát triển. Không thể nàocó xã hội cao cấp nếu ngôn ngữ thấp lè tè. Đơn giản, bởi vì ngôn ngữ không phát triển nghĩa là trí óc không phát triển.

Đừng có nói tôi chỉ giỏi toán, giỏi khoa học kỹ thuật nhưng tôi dở ngôn ngữ. Newton, Einstein, Planck, Heisenberg, Bohr…đều có ngôn ngữ chính xác, phong phú, đẹp đẽ. Chắc hẳn vì sức mạnh và sự nâng cao của ngôn ngữ mà Einstein đến thăm Tagore, Suzuki đến thăm Heidegger, và Ideka nói chuyện với Kim Dung… Mọi người cao cấp trong bất cứ lĩnh vực nào đều có một ngôn ngữ đúng tầm cỡ của họ. Một quốc gia giàu mạnh phải có một ngôn ngữ giàu mạnh, một quốc gia phát triển phải có một ngôn ngữ phát triển. Và dĩ nhiên một quốc gia còm cõi suy dinh dưỡng chỉ có thể có một ngôn ngữ còm cõi suy dinh dưỡng.

Không có ngôn ngữ thì không có tư duy, vì tư duy là tư duy trên ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ kém thì tư duy phải kém. Thế nên khẩu của một dân tộc kém thì ý của dân tộc ấy phải kém. Thân, khẩu,tâm ý là một hợp thể thống nhất.

Thời bây giờ con người ít đánh nhau, ít tiến hành chiến tranh, nghĩa là quân sự do thân hành động không còn là sự quan trọng duy nhất. Công việc chính trị được tiến hành chủ yếu bằng ngoài giao, thương thuyết, nghĩa là dựa trên lời ăn tiếng nói. Từ trọng tâm là quân sự của đời xưa chuyển qua trọng tâm là ngoại giao của đời nay, chúng ta thấy đó chính là sự tiến hóa của con người. Tiến hóa từ thân qua ngữ. Và từ ngữ qua tâm có lẽ là công việc của thiên niên kỷ này chăng? Có phải định mệnh thiêng liêng của ngôn ngữ là dẫn dắt chúng ta đến Tâm như Trần Nhân Tông đã nói không? “Trăm năm lòng nói lòng” (Bách niên tâm ngữ tâm, Đăng Bảo Đài Sơn).

Ngôn ngữ là một loại năng lượng. Năng lượng ấy không hề cạn kiệt chừng nào còn có con người. Sự đoàn kết hào hùng của toàn dân ở Hội nghị Diên Hồng có được chẳng phải là nhờ ngôn ngữ và qua ngôn ngữ hay sao?

Thế nên khi đang lo khai thác năng lượng và khoáng sản từ nhiều nguồn thì cũng chớ quên rằng chúng ta cũng rất cần khai thác nguồn năng lượng và khoáng sản ngôn ngữ trong tâm ý của mình.Vốn sống dân tộc – ngôn ngữ – cần phải được giữ gìn và làm giàu có thêm qua mỗi thế hệ. Không có cách gì phản bội tổ tiên nhanh bằng cách làm hư, làm nghèo nàn, làm xơ cứng ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ nằm trong tầm tay và trong quyền lực của mỗi chúng ta. Chúng ta đã không sinh nó ra – mà trái lại, nó đã sinh ra chúng ta – thì chúng ta hoàn toàn không có quyền hủy hoại nó.

Tiếng Việt là di tích cổ xưa nhất và cũng là gia tài hiện đại nhất của người Việt. Di tích đó không cần phải đi hàng trăm, hàng ngàn cây số mới thấy được, mới nghe được, mới chiêm ngưỡng được. Nó đang ở trong tâm ý và trên môi của mỗi người Việt.

Khi nhận định rõ rằng ngôn ngữ là cái miệng, là bản sắc, là tâm ý, tâm hồn của một dân tộc, chúng ta biết chúng ta phải làm gì. Chúng ta cũng biết một cách căn bản những đứa con của dân tộc có hiếu với ngôn ngữ của dân tộc là những ai.

Chắc hẳn với nhiều người Việt, tiếng Việt vẫn là cái gì còn ở phía truóc, Mãi mãi ở phía trước.

Vì phụng sự ngôn ngữ là phụng sự cho dân tộc.

SHARE:

Để lại một bình luận