MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

35. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT

Nói đến mùa Xuân, hình như nơi chúng ta bao giờ cũng khơi lên những tình cảm mâu thuẫn, vừa là sự rộn ràng của niềm vui hiện tiền, vừa là một nỗi khắc khoải mênh mang sợ rằng những ngày vui rồi sẽ qua đi, mùa Xuân rồi sẽ chỉ còn là những dư vang hoa nắng trên sóng nước một thời mà hai tay không còn hốt lại được. Mùa Xuân là niềm vui, nhưng ngay nơi ấy đã có nỗi buồn, nỗi buồn không thể kéo dài mãi mãi mùa Xuân, nỗi buồn vì không thể có mùa Xuân vĩnh cửu. Mỗi một mùa Xuân vừa mang sự háo hức của buổi bắt đầu, lòng hy vọng của sự ra đi, vừa mang sự hồi tưởng nhớ về một buổi ban đầu, lòng mong trở lại. Có sự mâu thuẫn đó, là do tính cách mâu thuẫn tự nơi con người, tính cách lưỡng nguyên chưa thể hợp nhất ở nơi con người. Mùa Xuân rất giản dị vì ai cũng từng sống qua một lần sự hồn nhiên mới mẻ của thiên nhiên, sự “rất sẵn lòng” của mùa Xuân, nhưng mùa Xuân cũng kỳ bí, vì sự bắt đầu nào cũng mang tính cách kỳ bí và một điều lạ nữa là con người luôn luôn muốn sự bắt đầu vẫn mãi mãi là bắt đầu, một sự bắt đầu không bao giờ chấm dứt. Mùa Xuân mang đầy hy vọng của sự bắt đầu, của sự ra đi vào một năm mới, ra đi vào thời gian, đồng thời mỗi lần nhắc đến mùa Xuân cũng là mỗi lần lặp lại nỗi nhớ mong về một lần bắt đầu, nhớ về nguồn cội, nhớ về Hữu Thể (nostalgie de I’Être) như chữ dùng của các triết gia Tây phương.

Điều lạ hơn là cái mùa Xuân trong cái nhìn của đạo Phật: Mùa Xuân luôn luôn có mặt, hiện diện ở khắp mọi thời, mọi nơi chốn. Mùa Xuân không mất đi trong mùa hạ, mùa thu, bởi vì theo đạo Phật, trong mỗi một thời gian, trong mỗi một sát na của hiện tại có đủ cả ba thời quá khứ – hiện tại – vị lai. Sự bắt đầu đã không mất đi trong thời gian, sự bắt đầu luôn luôn có mặt trong từng khoảnh khắc của thời gian trôi chảy. Bởi thế mà theo đạo Phật, không hề có sự mất đi, không bao giờ có một khoảnh khắc mất đi nào cả, đó là cái Hiện Tại Vĩnh Cửu, cái “nhất niệm vạn niên” của Tam Tổ Tăng Xán, cái mùa Xuân vĩnh cửu xuyên suốt tất cả mọi thời gian của các Thiền sư Phật giáo.

Cái mùa Xuân vĩnh cửu đó, đã thấy được một lần là thấy mãi, trong mọi thời gian, mọi không gian, chẳng còn chút nghi ngờ mất mát gì nữa cả. Thiền sư Linh Vân, một hôm thấy hoa đào nở đã chợt bừng tỉnh trước một mùa Xuân vô tận, một mùa Xuân “Xuân thật Xuân”:

Ba chục năm tìm, mòn gót khách

Bao lần lá rụng lại thay cành.

Từ phen thấy được hoa đào ấy.

Mãi đến ngày nay tuyệt hết nghi.

Cái mùa Xuân vĩnh cữu đó, là nụ cười Đức Phật, nụ cười của Thường – Lạc – Ngã – Tịnh, an nhiên bất động nở giữa dòng sanh tử, hiện hữu thường hằng trong từng con sóng sanh diệt, trong từng niềm vui nỗi khổ của chúng sanh. Nói là thường hằng, vì mùa Xuân đó vĩnh viễn thường trụ, mặc cho có người biết đến Nó hay không:

Suốt buổi tìm Xuân chẳng thấy Xuân

Giày rơm dẫm khắp mấy non mây

Về đây cười nắm hoa mai ngửi

Xuân ở đầu cành đã trọn phần

(Bài thơ xưa của một ni sư Trung Hoa)

Vâng, Xuân ở đầu cành đã trọn phần, cái Hiện Tiền không chỉ có ở ngày hôm qua, cách đây hơn 2500 năm, khi Đức Phật đưa cành hoa lên và Ngài Ca Diếp mỉm cười, cũng không chờ vào một ngày mai chưa biết nào đó mới có, cái Hiện Tiền thường trụ ngay đây, xuyên suốt cả ba thời.

Cái mùa Xuân ấy sẵn đủ, tràn ngập trong sắc thanh hương vị xúc pháp, trong nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý như vậy, cho nên khi chợt thấy ra thì quả là lạ lùng biết bao, vì nó đã ở cùng chúng ta từ vô thuỷ. Ôi! Nó gần gũi chúng ta hơn cả những phiền não nổi trôi của mình, gần hơn chính cái bản ngã hư dối của mình, gần hơn quá khứ hiện tại vị lai của mình:

Nào ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh!

Nào ngờ Tự Tánh vốn không sanh diệt!

Nào ngờ Tự Tánh vốn tự sẵn đủ!

Nào ngờ Tự Tánh vốn không động lay!

Nào ngờ Tự Tánh hằng sanh muôn pháp!

(Đức Lục tổ Huệ Năng)

Chưa thấy cái mùa Xuân ấy tức là có mắt cũng như mù, có “viên ngọc như ý trong túi áo mà không hay biết, để mãi mãi chạy rông làm kẻ khốn cùng”:

Chưa thấy mùa Xuân ấm áp

Nào hay đào lý đơm bông

(Thượng sĩ Huệ Trung)

Chưa thấy mùa Xuân ấy thì làm sao thấy được một sự việc giản dị như nhìn hoa hồng rụng, cũng trọn đủ cho cả một đời, trọn đủ cho ba đời quá khứ – hiện tại – vị lai, trọn đủ cho vĩnh viễn kiếp về sau, nghĩa là trọn đủ cho Một Sát Na thường trụ:

Niên thiếu chưa từng rõ Sắc – Không

Tâm sự trăm hoa trong một Xuân

Khuôn mặt chúa Xuân nay khám phá

Sàng gỗ, đệm Thiền ngắm rụng hồng.

(Trần Nhân Tông)

Đó là cái mùa Xuân của sự “thấy Tánh thành Phật”, như câu trả lời của Thiền sư Viên Chiếu đời Lý:

Hỏi: Thấy Tánh thành Phật, nghĩa ấy thế nào?

Sư đáp:

Cây khô gặp Xuân hoa đua nở

Gió đưa ngàn dặm nức hương thơm.

Điều chúng ta tâm đắc nhất ở mùa Xuân, đó là “sự sẵn lòng”, sự “hồi hướng khắp cả” của mùa Xuân. Mùa Xuân là sự cho đi không vì một duyên cớ gì, không vì một lý do gì dầu ở trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, và cũng vì thế mà mùa Xuân không bị giới hạn và ngưng trụ trong thời gian. Mùa Xuân cho đi không từ một “cơ sở”, một “căn bản” nào cả. Mùa Xuân cho đi một cách “nhưng không” (gratuit), hay nói theo danh từ PG, một cách “vô duyên” (không cần có nhân duyên), một cách “vô trụ”. Mùa Xuân cho đi tất cả bản thể mình, nên trong mỗi chiếc lá, trong mỗi chồi hoa, trong mỗi nụ cười và cả trong mỗi giọt nước mắt, trong mỗi hạt bụi bên đường đều có tất cả mùa Xuân. Trong một hình tướng, mùa Xuân cho trọn – nghĩa là hiển hiện – tất cả bản thể mình, không giữ lại cho mình một cái gì, bởi thế mà nơi mỗi sự vật có tất cả mùa Xuân, và như người xưa nói, nơi một tướng có tất cả Tánh nơi một hạt nước chứa tất cả đại dương. Mùa Xuân là cái gì cho đi trọn vẹn, và cái gì cho đi trọn vẹn, cái đó không có gì để mất, cái ấy không mất đi một chút gì, trong cái ấy cũng không hề có bóng dáng của sự chết. Phải chăng với sự cho đi trọn vẹn của mình, mà mùa Xuân “trở thành” cái Hiện Tiền trong mỗi một khuôn mặt của đời sống? Phải chăng với sự cho đi trọn vẹn mà mùa Xuân là sự Tự Do tối thượng, không lệ thuộc nhân duyên, không lệ thuộc tự nhiên, cái “vô trụ xứ”, chỗ cư trú của tất cả Bồ Tát? Cái mùa Xuân vô trụ xứ đó là chỗ an trụ, là chỗ quy về, chỗ gần gũi, chỗ thân quen, chả thế mà ngày xưa có một con người tự do là Bố Đại Hoà thượng đã từng hỏi thăm đường nơi cái mùa Xuân vô trụ xứ thân quen đó, cái mùa Xuân tự do quá đỗi gần gũi đó, là một đám mây trắng giữa một ngày thanh tịnh đến vô dư, một ngày “ Không, Vô tướng và Vô nguyện”:

Một bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh người ít thấy

Mây trắng hỏi đường qua.

Hồi hướng là điều cuối cùng trong 10 đại nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát, nhờ Phổ Hiền hạnh nguyện mà con người hướng đến hoàn thiện thâm nhập vào Pháp giới. Phải chăng nhờ sự hồi hướng tối thượng này mà con người hoàn toàn xa lìa mọi ý niệm chấp ngã, chấp pháp để trọn vẹn là một với mùa Xuân?

Tất cả mọi lời nói, mọi tư tưởng, mọi biện giải, mọi khởi niệm đều vô ích, tan biến trong sự hồi hướng bao la toàn khắp của mùa Xuân.

Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã chẳng nói đến một mùa Xuân ngoài mọi tư duy, ý niệm, một mùa Xuân vô niệm đó sao?

Vườn rừng tịch mịch không người giữ

Mận trắng đào hồng tự tại hoa

Khi trả lời cho một đệ tử hỏi rằng: “Thiền sư Linh Vân (bài thơ hoa đào ở trên) khi thấy hoa đào nở thì như thế nào? Vua Trần Nhân Tông đã chẳng nói đến một mùa Xuân vô tâm lìa ngoài tâm, ý, ý thức đó sao?

Hoa nở hoa tàn theo thời tiết

Có hỏi, Chúa Xuân thảy “bất tri”

Sự hồi hướng bao la đó, kinh Hoa Nghiêm nói như vầy: “ Tôi vì tất cả chúng sanh nguyện cho vô số thế giới tràn đầy báu vật rồi đem ra bố thí. Nguyện vô số thế giới tràn đầy thân thể, đầu mắt, máu thịt xương tuỷ của tôi rồi đem ra bố thí. Lòng đại bi bao trùm khắp cả, không hở, không ngớt, xót thương tất cả, không để việc bố thí vì gặp một trở duyên nào mà ngừng nghỉ, nhẫn đến không chút lòng mỏi mệt dầu trong khoảng khảy móng tay” (phẩm Thập Hồi Hướng).

Trong sự hồi hướng khắp cả không hở sót như vậy, mọi ý niệm, mọi vọng tưởng, mọi tư tưởng phát sanh từ ngã chấp và pháp chấp đầu tiêu tan: “Lúc hành sự đại lợi ích cho tất cả chúng sanh như vậy, chẳng thấy tự thân, chẳng thấy vật bố thí, chẳng thấy người thọ, chẳng thấy nghiệp báo, chẳng có ngã tưởng, chẳng có chúng sanh tưởng, chẳng có mạng tưởng, chỉ thấy pháp giới – chúng sanh giới vô biên tế, vô sở hữu pháp, vô thể pháp, vô xứ pháp, vô tác pháp, vô y pháp” (phẩm Thập Hạnh).

Tất cả mọi lời nói, mọi tư tưởng, mọi biện giải, mọi khởi niệm đều vô ích, đều tan biến trong sự hồi hướng bao la toàn khắp của mùa Xuân.

Và chúng ta có thể nghĩ rằng, những ai, bằng tất cả thân tâm, nơi tất cả tư tưởng, tình cảm, hành động, nói năng, cử chỉ đều phát khởi lên một sự Hồi Hướng trọn khắp như vậy, người ấy thấy được mùa Xuân, là một với mùa Xuân, và như thế, với cái thân tâm bảy đại giòn mỏng phù du của mình, trở thành một bông hoa thầm lặng, toả hương thơm Trí Huệ giải thoát và Từ Bi phổ nguyện, một bông hoa không tuổi không tên trong mùa Xuân vô hình của xứ sở.

SHARE:

Trả lời