SHARE:
CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017
Xã hội là một cộng đồng chung sống của nhiều con người. Do đó, để có một xã hội hài hoà thì trước hết tự thân con người phải hài hoà, hay ít nhất, hướng đến sự hài hoà từ nơi chính mình.
Sự tiến hoá của con người, đồng thời cũng là hạnh phúc của nó, là sự hài hoà giữa những thành phần cấu tạo nên con người.
1.Con người sinh lý: Là thân thể với những bản năng xung động. Thân thể mà không điều hoà sẽ gây nên bệnh tật. Những bản năng không được quản lý điều phối định hướng sẽ tạo ra những tai họa cho chính mình và xã hội. Chúng ta tập thể thao, tập dưỡng sinh, tập ngồi thiền… là để diều hoà lĩnh vực sinh lý này. Hiện nay chúng ta có nhiều ngành học về lĩnh vực này: sinh học, y học Tây và Đông, thần kinh học…
Thân thể và những bản năng – những xung động sinh học – là cơ sở cho sự hiện diện cả con người trên trái đất. Chúng ta có tiến hoá, có học tập, có hiểu biết, có thương yêu, có hoạt động đều xuất phát từ cơ sở sinh vật lý này: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Cái đẹp của từng bộ phận và toàn thân thể chính là sự hài hoà.
Thế nên bất cứ một nền văn hóa nào đều trân trọng, phát triển con người sinh lý này. Đây là lĩnh vực văn minh Đông Á gọi là Địa.
2.Con người tâm lý: Chữ tâm chúng ta dùng ở đây không hạn hẹp theo quan điểm Tây phương, phần nhiều chỉ giới hạn tâm lý vào tình cảm, thái độ (behaviour), tính khí. Chữ tâm của Đông phương (nhất là của Phật giáo) bao gồm toàn bộ mọi hoạt động của tâm thức con người, cả tình cảm, tri giác, lý tính, phán đoán, ý chí, trí nhớ… kể cả những trạng thái thiền định của tâm. Theo Duy thức học, có 100 thứ như vậy.
Con người sống chủ yếu ở giai tầng này. Với thân thể con người chỉ sống với nó ngày mười mấy tiếng, thậm chí có đôi lúc thức mà cũng chẳng biết gì đến thân thể, còn với tâm thức thì chúng ta sống với nó kể cả khi ngủ, thậm chí nếu chúng ta tin, thì sống cả với nó sau khi chết.
Thế thì cái quan trọng nhất cho con người bình thường là tâm thức. Khổ đau hay hạnh phúc, thù hận hẹp hòi hay yêu thương rộng mở, hiểu biết khách quan và sáng tỏ hay thành kiến chủ quan, méo mó và mù mờ… đều do tâm thức quyết định. Tâm thức chúng ta như thế nào thì cuộc đời chúng ta như thế ấy. Cái mà chúng ta gọi là học tập suốt đời, hoàn thiện nhân cách là để nhằm mục đích mở rộng, đào sâu và chuyển hoá cái tâm thức này, tích tập những cái tích cực, chuyển hoá những cái tiêu cực, làm cho nó sáng tỏ hơn, bén nhạy hơn, có nhiều nội dung hơn, mở rộng hơn, sâu thẳm hơn, hiểu biết hơn và thương yêu hơn.
Có thể nói tất cả các ngành học được khám phá, sáng tạo ra đều chỉ để cho con người, cho sự thăng tiến của con người, cho sự thăng tiến của tâm thức con người. Lĩnh vực này Đông Á gọi là Nhân.
3.Con người tâm linh: Nhưng phần tâm thức này, dù có thể mở rộng, đào sâu rất nhiều cũng phải gặp một giới hạn. Đây là tính chất hữu hạn của thân tâm con người. Tất cả mọi ngành học, tất cả mọi con người trong mọi lĩnh vực, các nhà khoa học, nghệ thuật, chính trị… suốt lịch sử loài người cho thấy điều đó.
Và chúng ta đến một tầng thứ ba, sự hiểu biết về cái Vô Hạn, cái Tuyệt Đối, cái Siêu Việt, cái Nội Tại… nghĩa là tầng của mối “quan tâm tối hậu” về cái tối hậu vượt ngoài lý tính. Đây là lĩnh vực của các tôn giáo, và vì có lĩnh vực này nên các tôn giáo vẫn tồn tại, dù cho khoa học có tiến đến đâu. Dầu các tôn giáo có khác biệt nhau về mức độ sâu rộng, nhưng tất cả đều nói đến những cấp độ của cái thực tại nằm ngoài giới hạn của tâm thức, ngoài ngôn ngữ. Chính vì cái đó là siêu việt và cả nội tại, nên nó là cái đích đến thoả mãn mọi nguyện vọng sâu xa của con người. Chúng ta hãy lấy thí dụ là những cách nói của Kinh Thánh: “Thiên đàng (thực tại tối hậu) ở trong các ngươi” (Luca 17, 21) “Hãy trở nên hoàn thiện như Cha các ngươi ở trên trời vốn là hoàn thiện” (Mathieu 5, 48), “Các ngươi đương có sự sáng, hãy tin sự sáng, hầu cho trở nên con cái của sự sáng” (Jean 12, 36), “Để cho ai nấy hợp làm một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, lại để cho họ cũng ở trong chúng ta” (Jean 17, 21), “Ai chẳng yêu thương thì không biết Thượng đế; vì Thượng đế là sự yêu thương” (Thơ của Jean 4, 8)…
Tôn giáo nào cũng có những cách nói thần bí, bởi vì đó là những sự thật siêu nghiệm, và mỗi người ngay trong cùng một tôn giáo vẫn không có cùng một cách giải thích học, thông diễn học (hermeneutics) giống nhau, sâu cạn khác nhau, tuỳ từng học phái, thậm chí chống đối nhau. Những câu nói của các bậc Thánh mà thông diễn theo chủ quan và tham sân si của mình thì rất dễ trở thành cuồng tín khủng bố. Cũng có thể nói thêm, tôn giáo nào sâu và rộng nhất sẽ thông diễn gần sự thật nhất, và như vậy sẽ là tôn giáo bạn của tất cả tôn giáo hiện có và có thể làm trung gian cho mọi đối thoại tôn giáo.
Giới hạn lớn nhất của đời người là cái chết. Thế nên ai cũng mong muốn một “Thiên đàng”, “sự sống đời đời” (theo thuật ngữ Kinh Thánh) hoặc “cái Bất tử”, “Niết bàn, cái thoát khỏi đất nước gió lửa, sinh già bệnh chết”, “Niết Bàn vô trụ xứ”… Niềm khát khao đó không khoa học nào, không nghệ thuật nào, không một môn học nào có thể thoả mãn cho con người. Do đó có tôn giáo, từ những tôn giáo sơ khai của các bộ lạc cổ xưa cho đến các tôn giáo còn tồn tại sau bao biến thiên của lịch sử và bao phát triển của con người. Tôn giáo là viễn tượng, là chân trời về cái tối hậu, ít nhất là cái tối hậu “tương đối” cho cuộc đời mỗi người. Đây là lĩnh vực cao cả, siêu nghiệm, siêu việt mà người xưa gọi là Thiên.
Phần nghiên cứu, thể nghiệm cái Bất Tử ở nơi thân tâm này, cái Siêu Việt và Nội Tại ở thân tâm này, là lĩnh vực tạm gọi là tâm linh. Có người nói rằng lĩnh vực tâm linh không thực tế, không gắn liền với đời sống của họ. Không phải vậy. Khi có người bạn đang bệnh, chúng ta gởi những tư tưởng tốt lành, chúng ta “cầu nguyện”, chúng ta đang hoạt động trong lĩnh vực tâm linh. Khi chúc lành ai, chúc phúc ai, khi thấy nguy hiểm chúng ta niệm Phật là chúng ta bước vào lĩnh vực tâm linh, muốn nối kết tiếp thông, trú ngụ nơi cái gì cao cả. Có vô số sự việc trong cuộc sống chúng ta đều sử dụng năng lực tâm linh – mặc dù ở cấp thấp – mà chúng ta không rõ đấy thôi. Bởi thế mới có Phật giáo Đại thừa và Mật thừa, chuyển hoá những sự việc của đời sống thường nhật thành tâm linh. Người xưa và cả người nay ở khắp nơi đều gắn liền cuộc sống với những nghi lễ: lễ đầy tháng, lễ trưởng thành, lễ kết hôn, lễ mừng thọ, lễ tang… Các dịp lễ và lễ hội đều có đủ ba thành phần Thiên Địa Nhân ở nơi mỗi cá nhân và nơi nghi thức diễn ra bên ngoài và có sự hài hoà của ba lĩnh vực. Chúng ta đang đánh mất ý nghĩa tâm linh (sự hài hoà của Thiên Địa Nhân) của những ngày lễ này. Đánh mất phần ý nghĩa tâm linh và thiêng liêng của sự vật và sự việc là cái mất lớn nhất của con người thời hiện đại. Như mới đây Giáo hoàng đã kêu gọi: “ Thanh niên không nên biến tình yêu thành tình dục”.
Ba lĩnh vực trên tương tác lẫn nhau, bao hàm lẫn nhau tạo thành cuộc hiện sinh của con người. Một con người toàn diện là phát triển đầy đủ mọi lĩnh vực và làm chúng thông nhau, hài hoà với nhau. Chẳng hạn về thân thể, không những chỉ phát triển, hoàn thiện theo y học Tây phương hiện đại, mà còn phải chú ý đến thân thể vi tế với hệ thống kinh mạch khí và những trung tâm năng lực hay luân xa của nó. Phát triển hoàn thiện thân thể như vậy mới gọi là có chiều sâu và chiều rộng.
Về mặt tâm thức cũng cần phát triển, khai thác những tiềm năng của nó. Phật giáo là con đường chuyển hoá một tâm thức bất tịnh (chấp ngã, chấp pháp, tham sân si, những mặc cảm…) thành một tâm thức thanh tịnh để trực tiếp chứng nghiệm cái thực tại nền tảng và tối hậu là gì. Do đó mà có tự do, giải thoát và an lạc. Trí năng phân tích và tổng hợp, trực giác (intuition: in, vào trong +tueri, thấy; nói theo thuật ngữ Phật giáo mạnh hơn là thể nhập), các hoạt động tương hợp với thực tại tối hậu (hạnh), các thệ nguyện, sự giữ gìn thân tâm (giới), phát triển lòng từ bi và nhiều phương cách sống khác để tìm hiểu, thấy ra bản chất con người và thế giới thực sự là gì.
Một tâm thức được mở rộng, được đào sâu, được tịnh hoá sẽ bắt đầu tiếp xúc được với cái Siêu Việt, cái Nội Tại, cái đồng thời là Trí Tuệ và Từ Bi, cái Chân Như, cái Chân Tâm… tuỳ theo mỗi người thích dùng chữ gì.
Tóm lại, sự hài hoà có hai chiều: chiều ngang là với những thành phần trong cùng một lĩnh vực và chiều dọc là tiếp thông và hài hoà với lĩnh vực ở trên và ở dưới.
Con người hài hoà là sự hài hoà của ba lĩnh vực: con người vật lý và sinh lý, con người văn hoá và con người tôn giáo. Ai cũng dễ nhận thấy con người vật lý và sinh lý là “yếu” nhất, hữu hạn nhất. Thân thể của Victor Hugo và Einstein chỉ hiện hữu chưa đầy 100 năm, nhưng con người văn hoá của hai ông thì tồn tại cùng với sự tồn tại của nhân loại. Còn con người tâm linh của hai ông có tồn tại lâu hơn không, hãy để các tôn giáo trả lời.
Ba lĩnh vực sinh lý, tâm lý và tâm linh là ba lĩnh vực Địa, Nhân, Thiên của văn minh Đông Á. Ba lĩnh vực này đều có nơi mỗi con người dù ở dạng tiềm năng. Theo văn minh Đông Á thì con người là một tiểu vũ trụ, nghĩa là con người có đủ cả Địa, Nhân, Thiên và mục đích của nền văn minh này là hài hoà, giao thông và hợp nhất ba lĩnh vực này: Địa Nhân Thiên nhất thể. Văn minh Hy Lạp cũng nhắm đến cái Một đấy thôi.
Con người phát triển, tiến hoá là phát triển trong sự hài hoà của ba lĩnh vực này. Những lý thuyết xã hội, những cách quản lý và điều hành xã hội, nhìn suốt lịch sử nhân loại, khi không hài hoà được ba lĩnh vực này đều dẫn tới những cuộc khủng hoảng, những cuộc cách mạng, thậm chí làm một quốc gia diệt vong. Những nền văn minh đã tàn tạ theo cách đó.
Nhân loại cần phát triển hơn nữa trong ba lĩnh vực này, phải hoàn thiện hơn nữa những gì người xưa đã khai phá. Chẳng hạn lĩnh vực Thiên, Kinh Thư và Xuân Thu xác định không rõ ràng, với Khổng Tử trong Luận ngữ cũng thế, các đời sau cũng không phát huy được mấy. Chính vì thế mà cái trực giác ban đầu của văn hoá Trung Hoa đã không được phát triển và dần dần trở thành triết học, thành đạo đức theo nghĩa tập tục, thành cái học khoa cử… Phải nhờ sự du nhập của Phật giáo Đại thừa, cả ba lĩnh vực trên trở nên rõ ràng đồng thời có nhiều phương pháp để thực hiện sự mở rộng và đào sâu làm cho lý tưởng Thiên Địa Nhân nhất thể có thể thực hiện được, không chỉ ở mặt cá nhân mà cả mặt xã hội và vũ trụ.
Sự hoàn thiện của con người, cũng là giá trị và hạnh phúc của nó, là sự hoàn thiện cả ba mặt và hài hoà dung thông cả ba mặt. Chúng ta cứ nhìn xem các người danh tiếng, các vĩ nhân trong tự điển, họ đều đã hoàn thiện ở một mức độ nào đó cả ba lĩnh vực, và họ đều tiếp cận với lĩnh vực tâm linh: Về khoa học chẳng hạn Einstein, Planck, Heisenberg, David Bohm…, về âm nhạc: Bach, Mozart, Beethoven…, hoặc những nhà chính trị: Gandhi, Shri Aurobindo, Jarvaharlal Nehru…
Cái chết là thách thức lớn nhất của đời người. Nó vừa cho chúng ta biết chúng ta đã sống hài hoà ba lĩnh vực như thế nào, đồng thời cũng thúc giục chúng ta sống phát triển và hài hoà ba lĩnh vực đó càng ngày càng tốt hơn. Đây cũng là ý nghĩa của đời sống mỗi người.
Nói theo thuật ngữ Phật giáo Đại thừa, mỗi người đều có Sắc thân (thân vật chất) hay Hoá thân (đây là lĩnh vực Địa); Báo thân (những gì mình tích tập được trong cuộc đời: trí tuệ, từ bi và công hạnh) và Pháp thân bất sanh bất diệt (đây là lĩnh vực Thiên). Chỉ có điều là nơi ta cả ba thân đó chưa được hoàn thiện. Dẫu sao, “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, “Các ngươi là Phật sẽ thành, Ta là Phật đã thành”. Với nỗ lực hoàn thiện và hài hoà ba thân này, đó là mục đích và ý nghĩa, cùng sự tự do an lạc thoả mãn tối hậu và hoạt động vị tha cao cả, đây là tài sản bất diệt dành cho mỗi con người.
III. Sự vật hài hoà
Con người hài hoà thì thấy sự vật và thế giới hài hoà. Một trong những căn bệnh trầm trọng nhất của Tây phương hiện đại là không còn thấy được sự hài hoà của vạn vật. Tất cả, từ vô cơ, hữu cơ cho đến sự sống đều được cuốn vào guồng máy của vật thể hoá, kỹ thuật hoá, hiệu quả hoá của chủ nghĩa kỹ trị. Tây phương đã không còn nhìn thấy sự sống nơi sự vật và do đó đã đánh mất tính thiêng liêng cũng là cái đẹp, sự hoàn hảo tự nhiên ở nơi sự vật. Thậm chí con người (Người Khác, theo lối nói của châu Âu vào giữa thế kỷ XX) cũng bị vật thể hoá. Phản ánh rõ ràng nhất là những lò hơi ngạt, những cuộc diệt chủng và hình ảnh cô đơn vô hồn dù quá đỗi thông minh của con người trong văn học.
Nói theo ba phạm trù chúng ta thường nói, Tây phương chỉ biết có thế giới Địa, còn lĩnh vực Nhân và Thiên đã biến mất nơi sự vật (chẳng hạn xem phong trào Tiểu Thuyết Mới ở Pháp). Cái vô hình, cái siêu việt, cái cao cả cũng bị đuổi khỏi cuộc sống con người (triết học hậu hiện đại dẹp bỏ ý niệm “nền tảng”, “hữu thể học”). Con người cô đơn bởi vì chính nó đã tự đày ải mình ra khỏi sự hài hoà nền tảng của Địa Nhân Thiên. Cái nguy hiểm nhất của con người hiện đại không phải là nó đã chế tạo ra những vũ khí thần sầu quỷ khốc có thể tiêu diệt trái đất và người khác trong chớp mắt cũng như cái may mắn nhất không phải là đã tạo ra những đồ dùng để “đưa cả thế giới vào phòng của mình”. Cái nguy hiểm nhất và cái bất hạnh nhất của con người hiện đại là nó không còn thấy (đã đánh mất) tính thiêng liêng nơi sự vật, nơi người khác và nơi chính nó.
Trong khi đó, từ khởi thuỷ của văn học Việt Nam, các thiền sư nhìn thấy Chân Như nơi sự vật; cái siêu việt, cái thiêng liêng, cái ẩn mật nơi sự vật. Cái nhìn sự vật như vậy đã cứu độ cho chính con người, vì nơi một sự vật bất kỳ nào đó (Địa), con người thấy được cả người khác (Nhân) và cả cái thiêng liêng, cái siêu nghiệm (Thiên). Một đồ dùng rẻ tiền đến đâu đều mang một lịch sử của một hay những người nào đó (Nhân) và nó được cấu tạo bằng những nguyên tử có từ ngày đầu vũ trụ, nó là một phần của năng lượng vũ trụ (Thiên). Nói theo Phật giáo, trong một sự vật, có tất cả. Nói theo văn hoá Đông Á, trong một sự vật có đủ cả Địa Nhân Thiên. Nói theo tinh thần khoa học, thì: “Vũ trụ là một nghệ thuật sống động, và vật lý học là đi đến sự chiêm ngưỡng bằng trí tuệ sự trật tự, hài hoà, vẻ đẹp có hồn của vũ trụ, nhờ đó mà có được sự thoả mãn trí tuệ” (Aristote). Hoặc Einstein: “Những cố gắng của chúng ta để hiểu biết thế giới dựa trên niềm tin rằng sự vật có một cấu trúc hoàn toàn hài hoà. Và ngay giờ đây chúng ta có rất ít cơ sở để từ bỏ niềm tin vào sự tuyệt diệu này”. Chữ cosmos (vũ trụ) của Tây phương lấy từ chữ kosmos của Hy Lạp, có nghĩa là “hài hoà”.
Một con người hài hoà thì thấy được và sống được sự vật hài hoà và thế giới hài hoà. Nói cách khác, nhờ đã hài hoà ở nơi mình ba lĩnh vực Địa Nhân Thiên, con người cũng thấy được và hài hoà được ba lĩnh vực Địa Nhân Thiên của thế giới và vũ trụ. Đó là sứ mệnh thiêng liêng cao cả nhất cho một sinh thể có ý thức của vũ trụ này, mà nói theo người xưa thì sứ mạng của con người là nối kết Đất và Trời qua Con Người.
Việt Nam đã là nơi hội tụ của hai (Ấn Độ và Trung Hoa) trong ba nền văn minh chính của nhân loại (cái thứ ba là Tây phương). Người Pháp, cái Người Khác này, nhìn từ bên ngoài nên dễ thấy rõ hơn, đã từng đặt tên cho đất nước chúng ta là Indochine (Ấn + Hoa).
Chính sự hội nhập của văn hoá bản địa với hai nền văn minh lớn này trong suốt hai thiên niên kỷ đã tạo thành sinh mệnh văn hoá chúng ta. Vinh quang hay tủi nhục của chúng ta cũng là vinh quang hay tủi nhục của sinh mệnh văn hoá đó.
Một Người Khác nữa là sử gia Arnold Toynbee. Trong cuốn sách đúc kết toàn bộ 12 tập A Study of History (1934-1972), ông đã liệt Việt Nam vào 31 nền văn minh nhân loại “đã phát triển và còn tồn tại”. Xem trong danh sách, nếu chỉ tính những nền văn minh còn có khả năng phát triển tiếp thì con số sẽ còn ít hơn. Chúng ta nghĩ gì với con số 31 khi những chỉ số kinh tế, xã hội, giáo dục hiện thời của chúng ta chỉ xấp xỉ trên dưới 100?
Từ thời Trịnh Nguyễn thế kỷ XVII, chúng ta bắt đầu tiếp xúc với Tây phương, tàu thuyền buôn bán của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và cả Mỹ. Giữa thế kỷ XIX, Pháp đánh chiếm nước ta. Chúng ta bị bắt buộc phải tiếp biến văn hoá (acculturation) Tây phương. Trong suốt thế kỷ XX chúng ta càng tiếp biến thêm nhiều với những cường quốc Tây phương, thậm chí cả trên chiến trường. Hiện nay chúng ta có đủ ba nền văn hoá lớn nhất: Ấn, Hoa và Tây phương. Trong khi Âu Mỹ đang tiếp biến văn hoá Phật giáo (hãy nhìn vào số sách Phật giáo được in ở Âu Mỹ) thì chúng ta vẫn đang tiếp biến văn hoá Tây phương trong hoàn cảnh văn hoá gốc đang bị bỏ bê quên lãng.
Chúng ta có thể nào sáng tạo ra một tổng hợp văn hoá cho chính mình ở thế kỷ XXI như cha ông ta đã làm trong những thời đại vinh quang của Việt Nam? Một tổng hợp văn hoá “Thiên Địa Nhân hài hoà và hợp nhất” trong thời đại ngày nay sẽ là một trong những tổng hợp có tính khái quát toàn nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba. Thế hệ chúng ta phải làm điều đó. Hoặc nếu không đủ trí tuệ, phước đức và nhân duyên thì chúng ta cũng phải gợi ý mở đường cho những thế hệ sau làm điều đó. Để vẫn là một trong chưa đầy 31 nền văn minh của nhân loại còn sống sót và phát triển. Và để xứng đáng với tổ tiên với hàng ngàn năm văn hiến xây dựng đất nước này, nhất là trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS