SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

26. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG

Con người từ bao giờ, ít nhất  là từ khi sanh ra đời, đã bị  cắt lìa với Hữu thể (Etre, Being, Sein), như đứa bé phải cắt lìa cuống rốn để giã từ thai tạng, giã từ lòng mẹ. Hữu thể là chữ của văn hóa Tây phương, còn trong ngữ cảnh Đông phương thì có thể gọi là Đạo, là Thể tánh, là Pháp giới tánh, là tánh Không… Còn nói theo ngôn ngữ hiện đại chung cho cả Tây lẫn Đông thì đó là Thực tại (ví dụ phẩm Nhập pháp giới của kinh Hoa Nghiêm, Thomas Cleary dịch là Entry into the Realm of Reality), là cái Toàn thể, cái đầu tiên và cuối cùng, cái Đời Sống viết hoa. Ra đời, nghĩa là từ giã thế giới bản thể, cái hỗn mang đồng nhất để đến sống trong thế giới hiện tượng sai biệt và vì sai biệt cho nên có thời gian, vô thường và cái chết.

Thi sĩ, người thiết lập một con đường ngôn ngữ, một thế giới ngôn ngữ, dù để cho cái Đẹp (Mỹ), cho cái Thật (Chân), hay cho cái Tốt (Thiện), thì thế giới ngôn ngữ đó bao giờ cũng in đậm nét sự tìm lại, nhớ lại, khám phá trở lại cái thiên đường hài hòa đã mất, hay nói một cách triết học, in đậm sự mong mỏi trở về Hữu thể, nỗi nhớ quê nhà Hữu thể (nostalgie de l’Etre).

Người ta thường trách các thi sĩ có giọng điệu buồn, luyến tiếc, ca thương cho những mất mát. Nhưng trách làm sao được, khi những người đầy tính xã hội, tính lý trí như Khổng Tử ở Đông phương và Karl Marx ở Tây phương cũng đi tìm tương lai của xã hội bằng sự hoài nhớ quá khứ. Một đằng là nhớ tưởng về đời Nghiêu Thuấn, một đằng ngầm ẩn một hoài nhớ Do Thái giáo về viễn tượng trời mới đất mới sau khi thế giới đã kinh qua những đảo lộn cách mạng. Nhưng biện chứng pháp là gì nếu không phải là sự lặp lại ở mức cao hơn cái ban đầu?

Thi sĩ là sự hoài nhớ cái ban đầu (Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên). Thi sĩ là người nhớ lại Hữu thể qua ngôn ngữ. Hữu thể là cái mà mình đã đánh mất, đã quên đâu đó từ lúc nào không rõ. Phải chăng Hữu thể là cái tinh túy, là yếu tính (essence) của cuộc sống, của hiện hữu (existence) ở trần gian này? Phải chăng Hữu thể là cái hiện hữu của hiện hữu, cái đời sống của đời sống (existence de l’existence, existence vừa có nghĩa là hiện hữu, vừa có nghĩa là đời sống)? Và nếu theo chủ nghĩa hiện thực thì thi sĩ sẽ ở mức độ của mình thể hiện cái hiện thực của chủ nghĩa hiện thực (la réalité du réalisme).

Thi sĩ là người tìm lại sự hài hòa của trời – đất – người (Thiên – Địa – Nhân), tìm lại một vũ trụ hài hòa trước khi có cơn gió bụi:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm tầng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

(Chinh phụ ngâm)

Không phải tình cờ mà tập thơ đầu tay và cảm thức đầu đời của Chế Lan Viên có tên là Điêu tàn. Điêu tàn không phải chỉ là sự điêu tàn cụ thể của vương quốc Chiêm. Điêu tàn là cái thế giới này so với cái vương quốc lý tưởng luôn nằm trong tâm tưởng mà hình như mình đã từ bỏ, đã bị cắt lìa. So với cõi “thiên tiên” của Văn Cao trong những bài hát Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai trong vắt thì ở đây quả là điêu tàn. So với cái “sơ nguyên tượng”, “sơ nguyên mộng” (chữ của Bùi Giáng) thì đây quả là đất trích và thi sĩ là trích tiên, tiên bị đày xuống thế gian:

Lên mù sương xuống mù sương

Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu

Tuổi thơ em có buồn nhiều

Thì xin cứ để bóng chiều bay qua

Bể dâu sực tỉnh giang hà

Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

(Áo xanh – Bùi Giáng)

Con người nói chung và thi sĩ nói riêng, có ai mà không “một lần lạc bước bước ra”, ra khỏi và nhớ mãi một “ngõ ban sơ”, một “mưa nguồn”, một “màu hoa trên ngàn”:

Ngõ ban sơ hạnh ngân dài

Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua

Lỡ từ lạc bước bước ra

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.

(B.G)

Trong bài thơ viết về Đà Lạt, Bùi Giáng đã nói giùm chúng ta một quê hương đích thật đã chìm đâu trong dâu biển trùng trùng:

Non nước ấy chìm đâu em có biết

Dựng bên trời để nhớ để quên đi

Màu nước chảy để dư vang chia biệt

Vọng miên man trường hận thở than gì.

“Ngày mở mắt ở đây” cũng là ngày mất mát “bờ bên kia” (bỉ ngạn, thuật ngữ PG):

Ngày mở mắt ngó trời xanh xa thế

Ở đây là màu đất cỏ xuân con 

Hè nắng hạ với thu đông buồn thế

Với tình yêu em giữ mất hay còn. 

(B.G)

Hàn Mặc Tử, trong tập thơ đầu tiên Gái quê, lúc ông mới 23 tuổi, chưa bị bệnh tật hành hạ và cái chết réo gọi từng ngày, đang tuổi thanh niên tài năng nở rộ và phơi phới tình yêu, chúng ta vẫn bắt gặp một nỗi nhớ nhung mênh mông, một xao xuyến mông lung, một khắc khoải mơ hồ nào đó. Bài thơ đăng lần đầu trên báo Sài Gòn Văn Chương được đặt tên là “Mong đợi”, về sau trong tập thơ đổi thành “Tình quê”, và được phổ nhạc đã lâu:

Trước sân anh thơ thẩn

Đăm đăm trông nhạn về

Mây chiều còn phiêu bạt

Lang thang trên đồi quê

Gió chiều quên ngừng lại

Dòng nước luôn trôi đi

Ngàn lau không tiếng nói

Lòng anh dường đê mê…

Nhớ mong và xao xuyến, khắc khoải như chờ đợi một cái gì không biết đã đánh mất ở đâu từ đâu, và mơ hồ mong gặp lại. Đây là sự nhớ mong, xao xuyến, khắc khoải của chàng cùng tử trong kinh Pháp Hoa, lang thang phiêu giạt đói khổ cả vật chất lẫn tinh thần, tuy không biết mình là đứa con một trưởng giả giàu có, thân phận mình không phải nghèo nàn lang thang, nhưng đôi lúc rảnh rang giữa cảnh “tình quê”, không khỏi bâng khuâng tự hỏi biết đâu mình lại có một quê nhà ở đâu đó.

Thi sĩ là nỗi nhớ muôn kiếp, là bài sầu ca (élégie) nhớ xứ mênh mông:

Đồn xa quằn quại bóng cờ

Phất phơ buồn tự thuở xưa tìm về

Ngàn năm sực tỉnh lê thê

Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu

Đêm mơ lay ánh trăng tròn

Hồn xưa gởi tiếng thời gian, trống dồn.

(Chiều xưa – Huy Cận)

Nỗi nhớ mong, sầu xứ, xao xuyến, khắc khoải, bất an này là một cảm thức mang tính hữu thể học (ontologie). Có nhớ mong, có bất an, khắc khoải, thì phải có một cái gì đó: một cái gì đó chìm sâu đâu trong tiềm thức để khơi gợi về một cái toàn thể, một cái hài hòa khiến cho ta có những cảm thức này và để cho những cảm xúc ấy trở về và chấm dứt trong đó. Còn nếu không có Hữu thể thì cũng phải có một cái gì đó cho mọi khắc khoải chấm dứt, dù đó là Hư vô (le Néant), mà Hư vô hiểu một cách thô thiển là cái chết. Phải chăng, có sự bất an của cái phần tử là bởi vì nó âm thầm cảm thấy một cái Toàn thể nào đó để giải quyết cho nỗi bất an tự nền tảng hiện hữu của nó, và dù gì nó cũng phải tự giải quyết nỗi bất an đó (Khổ đế) bằng cách giải thể toàn bộ cơ cấu của những cái đã tạo ra bất an (Tập đế) để chấm dứt hoàn toàn mọi bất an (Diệt đế) bằng một con đường tự giải thoát (Đạo đế). Chẳng riêng gì thi sĩ, con người ai cũng phải đi theo tiến trình này, dù có khi chỉ là theo cách của mình, khả năng của mình, ảo vọng của mình.

Thi sĩ là người nhớ và tưởng, là kẻ si tình Hữu thể, cái Toàn thể, cái Hài hòa xa xưa, cái Thiên Nhiên viết hoa, mà hình như mình đã đánh mất hoặc có thể chưa bao giờ có nhưng rồi phải đạt đến. Cái đó có thể là Em của Trịnh Công Sơn, một Em mà tất cả những cô gái trên đời này chỉ là cái cớ, cái phản ảnh xa vời của cái Em vĩnh cửu, Em thiên thu. Ngay cả Diễm, một người có thật, thì Diễm đó cũng phải là Diễm xưa, Diễm xa xưa, Diễm huyền thoại, Diễm của ký ức, nghĩa là của một thời gian xa xôi thụt lùi đến tận vĩnh cửu thiên thu. Và Diễm đó hay những ai đó được đồng hóa với vũ trụ, với thiên nhiên, với trời đất vốn hài hòa từ nguyên thủy:

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Để người phiêu lãng quên mình lãng du

(Diễm xưa)

Chỉ một “đôi vai gầy guộc nhỏ” cũng làm cho nhạc sĩ – nhạc sĩ là nhà thơ của âm thanh – mơ về “chốn xa xăm”:

Nắng có hồng bằng đôi môi em

Mưa có buồn bằng đôi mắt em

Vai em gầy guộc nhỏ

Như cánh hạc về chốn xa xăm…

Chỉ một thoáng em đi qua cũng đủ để “tôi tìm thấy tôi”, để nghe “lời thiên thu gọi”, cũng đủ để “nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”:

Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố

Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ 

Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa

Làm nhiều lá bay trên đường đi

Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia

Làm hồng chút môi cho em nhờ

Ta nghe đời rất mênh mông

Trong chân người bước chầm chậm.

Dưới đường phố kia có người nhớ em

Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường.

Nhưng dù có khi “nghe lời thiên thu gọi”, có khi mơ“ ta về đất rộng khói trời mênh mông”, thì tất cả cũng chỉ là nhớ và tưởng, bởi vì “rừng xưa đã khép”. Vì “rừng xưa đã khép” nên “trong khi ta về lại nhớ ta đi”, “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”. Rừng xưa đã khép từ khi cuộc đời làm người trần thế mở ra. Đạo không còn là một vòng tròn vĩnh cửu toàn vẹn như các họa sĩ Đông phương vẫn vẽ, đạo đã trở thành con đường gập ghềnh khổ ải cho thân phận con người ra đi và trở về. Và khổ sở hơn, ra đi mà không đến và trở về mà không tới.

Mở ra với thế giới này là “đã mất”, “đã lỡ”, đã “lạc trời cao”, đã “không thành”, như bài thơ “Hư vô và Vĩnh viễn” của Bùi Giáng:

Cũng vô lý như lần kia dưới lá 

Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành

Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ

Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh

Buổi trưa đi vào giữa dòng lá nhỏ

Tiếng kêu kia còn một chút mong manh

Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ

Lạc trời cao kết tụ bóng không thành

Lá cũng mất như một lần đã lỡ

Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh

Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở

Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình…

Mở ra con đường nhân gian là “tự ấy không về nữa”, là mất mát suốt đời:

Hồn xưa tự ấy không về nữa

Ở cõi hư vô dấu đã chìm.

(Hàn Mặc Tử)

Sứ mạng của thi sĩ là nhớ và tưởng. Nhưng nhớ và tưởng bao giờ cũng là nhớ trở lại và tưởng trở lại. Nhớ (to recollect) và tưởng (to reflect) đều bao gồm tiếp đầu ngữ (re, trở lại). Nhớ (recollect) còn có nghĩa là gom góp (collect) trở lại (re). Gom lại một thế giới đã bị phân mảnh, để làm hoàn nguyên thế giới. Cho nên con đường của thi sĩ là con đường trở lại, trở về. Trở lại là hướng chung với Đông phương, chỉ nêu vài từ ngữ Phật giáo: Quy y (trở về nương tựa), hồi quang phản chiếu (xoay trở lại ánh sáng để soi chiếu), hồi đầu thị ngạn (quay đầu lại là bờ)… Lão Tử: “Đạo là ra đi, ra đi là đi xa, đi xa là trở về”.

Con đường của thi sĩ là con đường hồi hương (Bùi Giáng: Hỏi quê rằng biển xanh dâu, Hỏi tên rằng mộng ban đầu đã xa). Hồi hương bằng ngôn ngữ và qua ngôn ngữ. Và thi ca là ngôn ngữ hồi hương. Nói cách khác, thi ca là sự hồi hương, sự về nguồn của ngôn ngữ.

Thi sĩ là người phát ngôn cho con người về sự nhớ và tưởng tối hậu của con người, về sự mất mát (do lãng quên) tối hậu của con người. Trong nhớ tưởng của riêng mình, thi sĩ thiết lập một khu vườn (như Tagore xem mình là Người làm vườn – đầu đề của một tập thơ của Tagore) của ngôn ngữ, mời gọi Hữu thể về trú ngụ. Thi sĩ là người lập ra một thế giới ngôn ngữ (lập ngôn). Nhưng lịch sử thi ca đã cho thấy nhiều, rất nhiều khu vườn ngôn ngữ được lập ra nhưng linh hồn của thi ca, Hữu thể, không về để trú ngụ, hoặc là chỉ ghé thoáng qua rồi ra đi biệt. Linh hồn của thi ca, hạc vàng Hữu thể chỉ thoáng ghé qua đâu đó một lần trong lịch sử một đời người, rồi ra đi vĩnh viễn, để lại lầu Hoàng hạc vẫn còn nằm đó trơ trụi, vắng không:

Người xưa cưỡi hạc vàng đi mất

Hoàng hạc lầu đây mãi trống không

Hạc vàng một đi không về nữa

Ngàn năm mây trắng đuổi mênh mông

Sông tạnh Hán Dương cây lúp xúp

Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh xa

Chiều xuống nào đâu quê xứ cũ

Khói sóng trên sông lạnh phiến sầu.

(Hoàng hạc lâu – Thôi Hiệu)

Thi sĩ là người lang thang tìm kiếm bằng ngôn ngữ, bằng nhớ và tưởng của mình. Trên bước đường lang thang, những con đường không dẫn về đâu ấy, đôi khi một bước chân như tình cờ trùng hợp với Con đường (Đạo). Những khoảnh khắc ấy, người ta gọi là xuất thần (extase), có nghĩa là: “Ở bên ngoài mình, ra khỏi mình, ra khỏi vị trí của mình” (ex: ra khỏi; stasis: vị trí). Đó là trong một giây phút thoáng qua, nhớ tưởng bắt gặp đối tượng của mình, khoảng cách thời gian không gian không còn nữa. Nhớ tưởng gặp lại, đối diện lại [(rencontrer: re (lại), encontrer (chạm mặt, đối diện)] đối tượng bấy lâu nhớ tưởng. Hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo, đối tượng của nhớ tưởng không còn bị che khuất, trở nên “hiện tiền” (hiện diện trước mặt).

Hàn Mặc Tử, nỗi ám ảnh của ông là Trăng, hầu như bài nào cũng có chữ Trăng. Trăng như thực tại tối hậu, trăng như sự giải thoát. Trong bài thơ “Trăng vàng trăng ngọc” (bài này có phổ nhạc), ông mở đầu, rồi ở giữa và chấm dứt (3 lần) chỉ bằng một câu:

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng.

Trong một giây phút xuất thần, ông đã thoáng thấy con đường trở về. Nói theo ngôn ngữ TP – như một gợi ý, vì tinh túy của thi ca thì không thể giải thích, chỉ có thể gợi ý – thì:

L’Etre (Trăng) est l’Etre (Hữu thể là Hữu thể). Hay: Hữu thể là (L’Etre est), hay dịch theo cách khác, Hữu thể đang là. Nói theo Đông phương, cái Hiện tiền đang hiện tiền. Hay: cái vốn có thì đang có, cái vốn hiện hữu thì vẫn đang hiện hữu. Nói một cách triết học, đó là cái Như thị, tánh Như, hay “Tất cả các pháp bổn lai thanh tịnh”…

Sứ mạng của thi sĩ là nhớ và tưởng. Qua sự nhớ và tưởng của những thi sĩ, họ đã giúp con người chúng ta đến đối diện với sự nhớ tưởng tối hậu của mỗi người. Chính trong sự nhớ tưởng đó, con người được nâng cấp, được sửa soạn hành trang, mà theo Phật giáo, đó là một phần của giai đoạn Tư lương vị. Cho đến một lúc nào, bằng con đường chơn chánh (Bát chánh đạo) nó sẽ gặp được đối tượng của sự nhớ tưởng. Gặp lại, đó là ý nghĩa của sự trở về.

Trở về với cái gì, gặp lại cái gì? Ở cấp độ hoàn toàn của sự giải thoát, của sự về đến (Đệ bát địa, tương đương cấp độ A la hán của Nam tông), kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập địa nói đến thật tánh như đối tượng của sự trở về: “Thật tánh của mọi sự là chân thường, tánh Như, vượt khỏi tư tưởng”.

Và tại sao gọi con đường ấy là sự trở về, về nguồn, về với thật tánh bổn nguyên? Một trong mười từ ngữ để gọi địa này là Đồng chơn địa (Thomas Cleary dịch là “The stage of youth, because of innocence”, “địa của sự trẻ trung, vì trong trắng vô nhiễm”. Nói theo ngôn ngữ Thiền, trở về với “bổn lai diện mục”, khuôn mặt xưa nay của tất cả.

Sự phát triển của thi ca là sự phát triển của con đường trở về. (Ngay cả khoa học vật lý cũng là đi trên con đường hoàn nguyên: tìm lại bản chất tối sơ của vũ trụ là gì). Thi ca là con đường trở về của ngôn ngữ. Và nói rộng ra, tất cả mọi loại nghệ thuật là con đường trở về của/bằng/qua/mọi phương tiện nghệ thuật.

SHARE:

Trả lời