SHARE:
CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017
Ở đây chúng ta sẽ hoàn toàn dựa vào tác phẩm Einstein của Nguyễn Xuân Xanh, NXB TP.HCM,2007. Đây là cuốn sách có lẽ là hay nhất viết bằng tiếng Việt về cuộc đời Einstein. Nếu được in ở Tây phương, nó sẽ là một cuốn sách giá trị.
Sở dĩ cuốn sách có nhiều giá trị vì tác giả là một nhà toán học và dạy ở Đức, được hiểu và sống trực tiếp nơi quê hương và văn hóa của Einstein. Ngoài việc đủ sức hiểu công trình và đường lối tư duy của Einstein, chính sự kính yêu đối với Einstein đã làm cho tác phẩm có một phẩm chất đặc biệt. Hơn nữa ông là một người Việt Nam, một người Đông phương, cho nên ông đã đưa vào những khái niệm như Đạo của vũ trụ (trang 255 và hình vẽ “Một Lão tử của thế kỷ XX đi tìm cái “Đạo” của vũ trụ, tranh của Low, trang 268). Chúng ta phải cảm ơn tác giả Nguyễn Xuân Xanh về tác phẩm này.
Einstein là một nhân cách rất toàn diện. Ngoài việc là một nhà vật lý lớn nhất trong lịch sử vật lý học, ông còn là một nhà văn hóa (trong văn hóa có đạo đức) và một con người tôn giáo theolối “tín ngưỡng vũ trụ” (chữ của chính Einstein, trang 320). Bởi thế mà Nguyễn Xuân Xanh viết: “Ông là con người của vũ trụ tự nhiên (Kosmos der Natur), vừa là của vũ trụ văn hóa (Kosmos der Kultur)”. Một nhân cách toàn diện, dầu dĩ nhiên là có giới hạn bởi vì nó là con người, đối với Đông phương và có lẽ cả Tây phương cũng thế, được đánh giá bằng mối tương quan đối xử với thế giới thiên nhiên (vật lý học, Địa), với thế giới con người (văn hóa, Nhân) và đối với thế giới siêu nhiên, tín ngưỡng vũ trụ, Đạo của vũ trụ (Thiên).
Thế giới và vũ trụ vật lý có trước mặt con người để con người tìm hiểu, và hiểu biết thế giới vật lý đó con người sẽ hiểu biết chính nó, vì nó là một thành phần của vũ trụ, và hơn nữa khi hiểu biết sâu sắc và toàn diện thế giới vật lý (physique) nó có thể hiểu biết thế giới siêu vật lý, siêu hình học (métaphysique), cái Vô tướng của đạo Phật, cái Đạo của Lão Tử.
“Tôi không thông minh, tôi chỉ tò mò một cách đam mê và kiên nhẫn” (1 và 270). Mười sáu tuổi, ông đã tự hỏi nếu mình ngồi trên một tia sáng thì thế giới sẽ như thế nào (263). Einstein suốt đời không có phòng thí nghiệm nào cả ngoài cái “thí nghiệm bằng ý tưởng” (một thành ngữ đã trở thành phổ biến trong ngôn ngữ Âu Mỹ). Ông chỉ vào cây bút đang cầm trên tay, khi một lần được hỏi và bảo đó là phòng thí nghiệm của ông (263). Ông nói: “Sự tư biện có cái lý do tồn tại riêng của nó trong tư duy khoa học, có thể mang lại những gợi ý bổ ích. Nhưng khi những tư biện đã tỏ ra vô ích và gây ngộ nhận thì phải bỏ đi, đó cũng là tất yếu trong quá trình nhận thức khoa học sâu hơn” (262). Max Born nhận định về lý thuyết tương đối hẹp (1905) và lý thuyết tương đối rộng (1915): “Đây là một thành tựu lớn nhất của tư duy con người về thiên nhiên, sự kết hợp của chiều sâu triết học, trực giác vật lý và nghệ thuật toán học một cách đáng ngạc nhiên”.
Từ lý thuyết tương đối rộng, suốt 30 năm sau đến lúc mất, ông vẫn đi tìm một lý thuyết trường thống nhất, nhưng không thành công. Bên cạnh đó ông vẫn không “chịu” vật lý lượng tử. Chẳng hạn năm 1935 ông cùng với Podolsky và Rosen đặt ra nghịch lý EPR (tên tắt của ba người) để chứng minh cơ học lượng tử bất toàn. Với vật lý lượng tử, năm 1939 ông nói: “Tôi thấy những ý tưởng cho rằng không có định luật cho cái hiện hữu, mà chỉ có định luật cho xác suất, thật là đáng ghét” (192). Ông tự chế giễu: “Tôi chắc giống như con đà điễu vùi đầu mãi vào bãi cát “tương đối”, để khỏi phải đối mặt với các lượng tử quỷ quái”. (192). Nhưng thời gian càng lúc càng chứng minh cho vật lý lượng tử. Đến năm 1964, John Bell đã đưa ra định lý Bell và được kiểm chứng năm 1972. Einstein cho rằng Thượng đế không chơi trò xúc xắc, nhưng định lý Bell cho thấy điều ngược lại.
Về địnhlý Bell này, chỉ xin trích một đoạn của Nguyễn Xuân Xanh để cho ta thấy thế giới thiên nhiên, thế giới Địa là huyền bí và không đáy như thế nào: “Định lý Bell được xem là ‘khám phá sâu xa nhất của khoa học’ trong lịch sử, như Henry Stapp nói. Nó đã mở được cánh cửa sổ nhìn vào thiên nhiên huyền bí. Nó không đem lại lời giải cho cái huyền bí, mà chỉ xác nhận cái huyền bí và làm cho nó sâu thẳm thêm…Nó có vẽ gần gũi với tôn giáo. Bản thân Bell cũng dành một thời gian để tìm hiểu xem có mối liên hệ nào giữa thuyết lượng tử và tôn giáo phương Đông hay không như đã được đề cập trong một số sách. Schrodinger và Bohr, hai trong những nhà xây dựng thuyết lượng tử, đều là những người quan tâm sâu xa đến tôn giáo phương Đông…Bell cũng có dịp gặp Đức Dalai Lama và Maharishi Mahesh Yogi…nhưng Bell không tìm thấy sự liên hệ nào. Có lẽ những nhà tôn giáo chưa quan tâm đến vật lý hiện đại (212-213).
Từ khi Einstein mất (1955) đến nay, khoa học đã nỗ lực tìm kiếm một lý thuyết thống nhất, hợp nhất lý thuyết tương đối và lượng tử nhưng cũng chưa thành. Xem thêm “Lý thuyết dây, 30 năm hy vọng tắt dần”, H. Le Meur, C.Bachas, F.Danimos, P.Galison, Cao Chi biên dịch, tạp chí Tia Sáng 20/4/2008.
Tóm lại, mặc dù không thống nhất được vật lý học, không đưa được vật lý học vào một lý thuyết thống nhất – có lẽ ngày nào còn có con người thì khoa học vẫn còn tiến bộ – Einstein vẫn là nhà vật lý vĩ đại nhất, đưa đến cho con người một mô hình đẹp đẽ và hài hòa nhất về vũ trụ. Hơn nữa, như đánh giá của Bertrand Russell: “Einstein không những là một nhà khoa học vĩ đại, ông còn là một con người vĩ đại. Ông đấu tranh cho hòa bình trong một thế giới đang tiến dần về chiến tranh. Ông vẫn thánh thiện trong một thế giới điên loạn và tư duy phóng khoáng trong một thế giới của những người cuồng tín. Ông còn là – điều không phải là đương nhiên – một người hiền”(245).
Đời sống không chỉ có lãnh vực vật lý mà còn những lãnh vực khác, như R.Feymam, một nhà vật lý xuất sắc đã nói: “ Có thể sắp tới đây, khoa học có thể khám phá hết những định luật vật lý, nhưng vẫn còn đó những khoa học về con người, như xã hội học, và một tầng trên nữa là triết học và tôn giáo”.
Bởi thế, chúng ta bước qua lãnh vực thứ hai, lãnh vực con người (Nhân).
Einstein đã từng nói về ý nghĩa sống của mình: “Những lý tưởng của tôi soi sáng cho tôi phía trước và làm cho tôi luôn yêu đời, là tính nhân hậu, cái đẹp và chân lý. Không có cảm giác tương đồng với những người đồng cảm, không có hoạt động nghiên cứu cái khách quan, cái mãi mãi không bao giờ đạt tới trong lãnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học thì cuộc đời đối với tôi là trống rỗng. Những mục đích tầm thường để phấn đấu của con người: sở hữu, thành công bề ngoài và xa xỉ, tôi đã khinh thường từ những năm tuổi trẻ” (24).
“Chỉ cuộc đời để phục vụ người khác là cuộc đời đáng sống” (305).
“Là một thiếu sót nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn để trở thành một bộ máy…Anh ta phải có cảm giác sinh động về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý. Anh phải phát triển hài hòa, phải hiểu biết về động lực của con người, những ảo tưởng và đau khổ của họ, để có được một thái độ đúng với đồng loại và với cộng đồng” (270). “Sự sa sút khủng khiếp trong tư cách đạo đức của con người trước nhất có liên quan đến sự máymóc hóa và sự làm mất đi tính chất cá nhân trong cuộc sống – một sản phẩm phụ bất hạnh của sự phát triển tinh thần khoa học kỹ thuật. Lỗi của chúng ta…Con người nguội lạnh đi nhanh hơn hành tinh nó đang ngồi trên đó” (275).
Niels Bohr nói về nhân cách của ông: “Cũng trí tuệ đó, đã là đặc trưng cho những thành tựu khoa học có một không hai của Einstein, quyết định thái độ xử thế của ông trong các quan hệ con người. Mặc cho sự tôn kính không ngừng tăng lên do những hành động và tư cách của ông gợi lên ở các đồng nghiệp đương thời, sự khiêm tốn tự nhiên của ông không hề thay đổi, và vẫn giữ được cái hài hước tinh tế chinh phục được cảm tình người khác. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn. Phục vụ cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc là mong ước quan trọng nhất của ông…”(295).
Leo Szilard nói: “Tính đơn giản của ông có lẽ là cái chìa khóa để hiểu tác phẩm của ông – trong khoa học, những ý tưởng vĩ đại nhất là những ý tưởng đơn giản nhất” (295).
Chỉ trích ra từng đó thôi trong nhiều đức tính của Einstein cũng đủ cho chúng ta thấy ông là một người trưởng thành, theo quan niệm của Đông phương cũng như của cội nguồn Hy Lạp của Tây phương. Ông là một người công chính (juste) nói theo văn hóa Tây phương và một người quân tử nói theo văn hóa Đông Á. Công chính và quân tử với thiên nhiên, với con người và cả với Thượng đế, Thượng đế theo cách ông hiểu “Tôi tin vào Thượng đế của Spinoza, được biểu lộ trong sự hài hòa có quy luật của hiện hữu, chứ không tin vào một Thượng đế bận tâm với số phận và hành động của con người”(314). Cũng xin nói thêm Thượng đế của Spinoza bị thần học Thiên Chúa giáo bác bỏ, cho là phiếm thần (panthéisme). Công chính và quân tử với ba lãnh vực đó, ông có được sự hài hòa với chúng.
Nhân cách là cái con người tạo ra cho chính mình: “Những nhân cách không phải hình thành bởi cái gì họ nghe và nói, mà bằng lao động và hành động” (304). Nhân cách đó là sự thực hiện được định mệnh làm người của mình theo hướng Chân Thiện Mỹ, làm tròn bổn phận và trách nhiệm làm người, thực hiện được con đường làm người (nhân đạo). Bởi thế mà ông chết an lành. Vài giờ trước khi vĩnh viễn ra đi, ông nói với con gái: “Tôi đã làm xong công việc của tôi trên trái đất”. Con gái ông kể lại: “Bố vui mừng khi thấy tôi khỏe hơn, đùa với tôi và tỏ ra hoàn toàn tự chủ trước tình hình. Bố nói với một sự trầm tĩnh – kể cả có pha trò một chút – về các bác sĩ và chờ đợi sự kết thúc của mình như chờ đợi một hiện tượng thiên nhiên sắp xảy ra. Hoàn toàn không sợ hãi như khi ông đã sống – yên tĩnh và khiêm tốn như thế trước cái chết. Không buồn và không tiếc nuối, bố đã ra đi khỏi thế giới này” (244). Ông đã từng nói: “Cuộc đời này là ngắn ngủi, như một chuyến viếng thăm thoáng qua một căn nhà lạ.. Đoạn đường đã qua được soi chập chờn bởi một ý thức khi tối khi sáng mà trung tâm của nó là cái Tôi hạn chế và phân ly” (244). “Thật nhỏ bé khôn tả những gì mà con người giành được từ chân lý, bằng sự phấn đấu ấy đã giải phóng chúng ta ra khỏi những trói buộc của cái Tôi và biến chúng ta thành những người đồng hành của những hiền nhân” (245).
Khi có người hỏi: “Khi sắp lâm chung, ngài đánh giá cuộc đời ngài là một thành công hay thất bại?” – “Lúc lâm chung hay trước đó tôi không quan tâm một đến câu hỏi như thế. Thiên nhiên không phải là một kỹ sư hay nhà kinh doanh. Bản thân tôi cũng chỉ là một mảnh nhỏ của nó”.
Người ta sẽ sống xứng đáng, an bình khi biết mình sống để làm gì, có thể và không thể làm được gì cho cuộc đời, yên lòng với vị trí nào đó của mình trong vũ trụ, và khi chết mình nhưthế nào trong vũ trụ vĩ đại.
Nguyễn Xuân Xanh viết: “Giải phóng con người ra khỏi mọi giới hạn của tư duy, đó là mệnh lệnh đối với Einstein. Trong nỗ lực hiểu được cái thực (das Wirkliche), cái cấu trúc của vũ trụ, khoa học buộc mình phải vượt qua giới hạn của thế giới giác quan. Người bình thường nghĩ rằng thế giới thật là những gì giác quan họ thấy và báo cho họ biết. Không, đó là thế giới “ảo giác”, hay như Plato nói: ‘Thế giới thấy được là ngục tù của chúng ta, giam hãm tư duy chúng ta’. Thế giới thấy được là màu sắc, trời xanh, gió, trăng, nóng, lạnh…trong khi thế giới thật của vũ trụ là “ không sắc”, “không thanh”, “không vị”…Đó là “Reines Sein”, sự hiện hữu thuần túy, tinh khiết và cũng chính là “Nichtsein”, sự không hiện hữu, cái vô thể. Như Hegel nói: “Reines Sein and Nichtsein ist dasselbe” (Hữu thể và vô thể là nhất như, người viết bài này tạm dịch). Khoa học chính là nỗ lực làm những cuộc “vượt ngục”để đưa ta vào thế giới thật hơn, của sự tồn tại tinh khiết hơn, nhưng cũng đồng thời càng khó hình dung, trừu tượng hơn (Barnett). Sự thống nhất của không gian và thời gian, tính tương đối của chúng, “bản ngã” nhị nguyên của ánh sáng và vật chất, tính phi Euclide của không – thời gian…đều là những thực thể nằm ngoài sự hình dung của chúng ta, ngoài tính hữu hạn của hữu thể của con người”(250). Chúng ta thấy đoạn văn trên rất gần gủi với hướng đi của đạo học hay “tôn giáo” của Đông phương, chẳng hạn có thể so sánh với bản văn Bát nhã tâm kinh. Chỉ có điều Phật giáo không chỉ tư duy (Tư) mà còn thực hành thiền định và thiền quán (Tu) để đưa thân tâm mình đến chỗ thể nghiệm thực sự cái đối tượng được tư duy.
Einstein đã từng nói: “Tôi say mê thuyết phiếm thần của Spinoza”. Và theo Nguyễn Xuân Xanh, những lời sau đây của nhà thần học Tin Lành Schleiermacher thế kỷ XIX để tưởng nhớ Spinoza cũng có thể dùng để tưởng nhớ Einstein: “Linh hồn vũ trụ chiếm ngự ông. Trong sự hồn nhiên thánh thiện và sự khiêm nhường sâu sắc, ông nhìn thấy chính mình trong thế giới vĩnh hằng, và biết rằng mình là hình ảnh trung thực thân yêu nhất của nó đến dường nào. Ông là con người đầy tín ngưỡng và tràn đầy linh hồn vũ trụ” (288).
Einstein nói: “Hãy thử thâm nhập những bí ẩn của vũ trụ với những phương tiện giới hạn của chúng ta, bạn sẽ thấy, đằng sau những chuỗi mắt xích có thể nhận ra được, còn có cái gì tinh tế, không thể hiểu thấu đáo, không thể giải thích được. Sự tôn kính trước sức mạnh này, ngoài những cái chúng ta có thể hiểu được, đó là tôn giáo của tôi. Trong chừng mực này,thực tế tôi là người có tín ngưỡng” (318).
Ở một chỗ khác, ông nói: “Nhân tố mạnh mẽ hơn nhiều của tính tôn giáo vũ trụ được chứa đựng trong Phật giáo” (319). Điều này làm chúng ta nhớ đến kinh Hoa Nghiêm, bản văn “tôn giáo vũ trụ” sâu sắc nhất mà loài người có được. Một câu về Phật giáo của ông thường được nhiều người trích: “Phật giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn cầu trong tương lai mà mọi người mong đợi. Nó vượt khỏi giới hạn của việc tôn thờ cá nhân một vị thần hay bậc Thánh và tránh được chủ nghĩa giáo điều hay thần học; nó bao hàm cả lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên và nó dựa trên một cảm nhận tâm linh từ kinh nghiệm tiếp xúc với mọi vật, dù mang tính tự nhiên hay siêu nhiên, như một tổng thể có ý nghĩa. Nếu có một tôn giáo nào có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo”.
Suốt cuộc đời, Einstein đam mê theo đuổi sự hài hòa, sự thống nhất.
Theo Klaus Heintschel, 2005: “Einstein có can đảm tưduy để thống nhất với nhau những gì bị chia cắt. Toán học tổ hợp cổ điển, cơ học thống kê và thuyết bức xạ kết hợp nhau đưa ông đến khám phá giả thuyết lượng tử ánh sáng. Tính hằng số của vận tốc ánh sáng cùng với nguyên lý tương đối làm thành nền tảng của thuyết tương đối hẹp. Không gian và thời gian kết hợp nhau tạo thành không – thời gian bốn chiều. Tương tác giữa cấu trúc không – thời gian và sự phân phối khối lượng (nghĩa là hình học và hấp lực kết hợp với nhau) đưa ông đến các phương trình trường và thuyết tương đối rộng…Khả năng này: tư duy để thống nhất nhau, chúng ta đã quên đi rồi sao?” (331).
Đó là sự hài hòa, sự thống nhất trong khoa học. Nhưng toàn bộ cuộc đời ông, như chúng ta đã thấy, là sự kết hợp thống nhất của con người vật lý (Địa), con người xã hội (Nhân) và con người tôn giáo (Thiên), hay thế giới vật lý, thế giới tâm lý và thế giới tâm linh (mà ông gọi là tôn giáo vũ trụ). Chính nỗ lực hài hòa và thống nhất này đã làm cho ông nổi bật lên trong một chùm sao của các nhà vật lý thiên tài của thế kỷ XX. Cũng chính vì điều này mà nhân loại học được ở ông chiến lược nào để làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa, sống xứng đáng và hạnh phúc, mặc dầu họ có thể sống một nghề nghiệp rất khác với ông.
Chắc hẳn ông cũng biết, công thức thần kỳ của ông chẳng thể nào làm cho tiêu hết một sự giận dữ hay những cảm xúc tiêu cực khác. Bởi vì ông cũng từng nói: “Người ta có thể biến đổi Plutonium dễ hơn biến đổi cái ác trong con người” (312). Chính vì thế giới vật lý không thể biến đổi tận gốc thế giới tâm lý, thế giới tâm thức con người, chính vì có sự phân cách thực sự giữa hai thế giới này – mà có lẽ sự hợp nhất, sự thống nhất là do cái ở trên tác động vào cái ở dưới – nên ông vẫn thường đọc sách văn học và giao du với những con người của thế giới văn hóa như Tagore, Charlie Chaplin, Bertolt Brecht…và ông có khuynh hướng triết học và tôn giáo, như hầu hết các nhà vật lý cùng thời đã khai sáng vật lý hiện đại. Chẳng hạn về âm nhạc, ông nói: “Niềm vui cuộc đời nhiều nhất đến từcây vĩ cầm của tôi..Đặc biệt Mozart! Tôi tin rằng âm nhạc của Mozart đẹp và tinh khiết đến độ tôi xem nó như chính vẻ đẹp nội tâm của vũ trụ” (326). Với cái cao hơn cả văn hóa là tôn giáo, ông nói: “Cho nên tôi tin rằng những con người như Khổng Tử, Đức Phật, Chúa Jêsu và Gandhi đã góp phần mài sắc tinh thần đạo đức của con người hơn là khoa học đã từng làm được…Tôi không cần nhấn mạnh tôi quý trọng và đánh giá cao thế nào mọi nỗ lực hướng đến chân lý và hiểu biết. Nhưng tôi không tin rằng sự thâm thủng những giá trị đạo đức và luân lý có thể được bù đắp bằng những nỗ lực thuần túy trí thức” (306).
Cuộc đời ông là những nỗ lực hài hòa và thống nhất ba mặt trên. Do đó mà cuộc đời ấy gần với Chân Thiện Mỹ, ít ra là ở mức độ con người. Giá trị cuộc đời ông cũng chính là sự hài hòa và thống nhất đó.
Chúng ta đang học bài học hài hòa và thống nhất ba lãnh vực của con người và vũ trụ này. Einstein đã làm việc đó, trong con người hữu hạn của ông và trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn là hai cuộc chiến tranh thế giới, sự phân biệt chủng tộc, sự đe dọa của bom nguyên tử, khởi đầu chiến tranh lạnh…Nhưng cái ác của thời Einstein khá dễ nhận ra, một bên là Einstein, một bên là Hitler; một bên là không muốn giết hại, một bên là bom nguyên tử…Thời đại của chúng ta cái ác khó thấy hơn nhiều, nó núp dưới những danh tướng đẹp đẽ và quyến rũ, những đánh tráo giá trị hời hợt và nông cạn…Nhưng nói theo Phật giáo, ác ma chẳng thể làm gì được nếu trong lòng ta không có sự ác. Khó khăn hơn, nguy hiểm hơn, nhưng phải chăng như Hoelderlin đã nói: “Nơi nào có sự nguy hiểm lớn nhất thì nơi đó cũng có sự cứu rỗi lớn nhất”.
Chúng ta có khó khăn hơn Einstein nhưng cũng có điều kiện thuận lợi hơn vì cái tôn giáo mà Einstein mơ ước từ xa thì vốn đã là cái tạo nên sự sống của lịch sử chúng ta từ hai thiên niên kỷ nay, vốn đã hướng dẫn chúng ta qua bao hiểm nguy và thử thách. Vấn đề của chúng ta – không phải như vấn đề của Einstein – không phải là có được nó: chúng ta đã có nó trong máu thịt trong xương da. Vấn đề của chúng ta là phải biết sử dụng nó. Không biết sử dụng nó thì có khi còn sanh bệnh, như những thời đại suy thoái và chia cắt, thậm chí còn đánh lẫn nhau đã cho chúng ta thấy.
Để kết luận, chúng ta trích ra một đoạn Einstein viết cho tuổi trẻ (1932), cũng là nói với chúng ta:
“Bạn cũng biết rằng những ước vọng nóng bỏng nhất chỉ có thể thực hiện khi bạn thành công trong việc nắm lấy được thương yêu và hiểu biết đối với con người, động vật, cỏ cây và các vì sao, khi mỗi niềm vui là niềm vui của bạn và mỗi sự khổ đau là khổ đau của bạn. Hãy mở mắt, trái tim và vòng tay của bạn và tránh đi những chất độc mà các tổ tiên trong lịch sử đã (có khi) tham lam uống phải. Được như thế thì trái đất sẽ là quê hương bạn, và tất cả những sáng tạo và hoạt động của bạn sẽ mang lại phúc lành”(315).
Sự hài hòa thống nhất của thế giới vật lý, thế giới con người và thế giới siêu nhiên, cái Đạo của vũ trụ, đó là điều Phật giáo Đại thừa từng mang lại cho dân tộc chúng ta, cũng đang và sẽ mang lại cho dân tộc chúng ta, nếu chúng ta muốn.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS