BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

20. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT

I

Sanh tử không đáng chịu, thế mà chúng ta đang chịu. Khổ đau không có tự tánh, thế mà chúng ta đang khổ đau. Chúng ta đang khổ vì những gì chúng ta đang có, chúng ta khổ vì những gì chúng ta không có. Chúng ta khổ vì quá khứ đã qua, khổ vì tương lai chưa tới. Khổ vì tư tưởng xung đột nhau, dục vọng tranh chấp với lí trí, ham muốn này xung đột với ham muốn kia, đem bản thân này tranh chống với người khác, nơi mặc cảm này tìm kiếm sự bù đắp nơi lĩnh vực khác và thấy cuộc đời luôn luôn chống lại mình. Chúng ta mãi loi ngoi, mãi tranh chấp, mãi đối kháng, mãi bất mãn. Chúng ta không hề dừng lại được để hưởng được niềm an lạc của sự nghỉ ngơi trọn vẹn. Trong khi đó thế giới này là rừng Hoa tạng của chư Phật và chư Bồ tát. Thế giới của chúng ta là thế giới của khổ đau, của tranh chấp và tự tranh chấp, nhưng cùng một thế giới đó, các bậc giải thoát chỉ thấy một vị bình an, tịnh lạc, đầy ắp một vẻ đẹp vô song. Trong thế giới này, chúng ta chỉ nếm mùi của khổ đau, cảm giác vô thường, thời gian trắc trở và cái chết tiêu ma. Cũng một trong thế giới ấy, các bậc giải thoát lại nếm mùi vị của an lạc, của thanh tịnh, của vĩnh cửu, của đời sống hằng hằng phục sinh trong từng giây phút, sự sống không hề biết đến cái chết.

Thế giới này, đối với các vị Bồ tát chỉ toàn là hoa: mỗi một sự vật, mỗi một hạt bụi là một đóa hoa, mỗi một con người là một đóa hoa (kinh Pháp Hoa). Toàn thể vũ trụ được cấu thành bằng những nguyên tử hoa, được trang nghiêm bằng những tràng hoa (kinh Hoa Nghiêm). Một hoa thâu nhiếp tất cả hoa, tất cả hoa nhập vào một hoa, dung thông vô ngại mà không đánh mất hình tướng riêng biệt của mình. Thế giới này với chúng ta, là khổ đau, dơ bẩn, bất toàn. Cũng thế giới đó, với các bậc giải thoát là một nước Phật nghiêm tịnh. Tại sao thế? Kinh Duy Ma Cật dạy cho chúng ta: “Trong khi Xá Lợi Phất thấy cõi đất này là gò đống, hầm hố, gai góc, cát sỏi… đầy mọi dơ bẩn thì đức Phật bảo: cõi đất này của Ta là Tịnh Độ, mà ông chẳng thấy. Xá Lợi Phất! Nếu tâm trong sạch thì thấy ngay công đức trang nghiêm thanh tịnh của cõi này”.

Đó là con đường giải thoát của đạo Phật. Có bao giờ chúng ta truy tầm với một lòng thù hận không nguôi ngoai ai là kẻ gây ra cho chúng ta  tất cả mọi khổ đau trong một thế giới vốn bình an, tịnh lạc và không biến hoại như thế. Đâu là kẻ địch duy nhất muôn đời của chúng ta, che mắt chúng ta, làm mê mờ chúng ta, làm méo mó đi cái thế giới vốn Thường, Lạc, Chân, Tịnh, để thành một thế giới khổ đau, phân tán và tan rã cho chúng ta cảm nhận? Chúng ta đau khổ trong Niết Bàn của chư Phật, Bồ tát, chúng ta thấy dơ bẩn ngay trong quốc độ nghiêm tịnh của chư Phật, chúng ta thấy thời gian và cái chết ngay trong thế giới vô lượng  thọ của chư Phật. Có bao giờ chúng ta biết thù hận những khổ đau vô nghĩa vì không thật có, biết khổ đau vì chính những khổ đau vô lý mà chúng ta phải mang, biết sân hận vì kẻ thù vô hình đã che lấp pháp giới tịnh lạc này thành hiện trường của đau khổ, bất toàn? Trong Kinh Lăng Già, đức Phật dạy: con người cứ mãi mãi khổ đau vì chính nó, như con kén tự nhả tơ ra để trói buộc mình. Kinh Nhân Vương Hộ Quốc nói: kẻ phàm phu do thức dơ nhiễm bám lấy những hình tướng nên bị tướng trói buộc.

Chính chúng ta là kẻ tự trói buộc mình, kẻ đem lại sanh tử cho mình, kẻ tự tạo ra khổ đau để hành hạ chính mình. Nếu không phải chính chúng ta tự tạo ra khổ đau, thì cũng chẳng còn cách nào để giải thoát. Nếu Khổ, Tập không do chính chúng ta, thì Diệt đế, Đạo đế dùng cho ai để tự giải thoát? Đức Phật dạy: chính từ cái thân tâm này tạo ra tất cả khổ đau, cũng chính từ thân tâm này mà đạt đến giải thoát. Câu đầu tiên của kinh Pháp Cú là: “Tâm dẫn đầu tất cả mọi pháp. Tâm làm chủ. Chính là tâm dẫn đến tịnh lạc hay khổ đau”. Chính chúng ta tự kết tập lấy khổ đau cho mình, cũng chính ta tiêu diệt nguyên nhân đưa đến khổ đau để giải thoát. Nguyên nhân đưa đến khổ đau là chính chúng ta, cũng chính chúng ta tiêu diệt nguyên nhân ấy để giải thoát. Đó là ý nghĩa của chữ Tự Giác của đạo Phật. Tự Giác bởi vì tự chúng ta đã gây ra bao đau khổ chướng ngại cho mình.

Kẻ thù muôn đời của chúng ta là chính chúng ta, kẻ thù đó đức Phật đã chiến thắng một lần vĩnh viễn trong đêm ngài Giác Ngộ, đây là bài kệ buổi bình minh hôm ấy:

“Xuyên qua nhiều kiếp luân hồi, ta miên man đi mãi,

Ta đã đi tìm mãi mà không gặp, ta đi tìm người thợ cất căn nhà này,

Lập đi lập lại sự xây cất trong sanh tử muộn phiền.

Này hỡi gã thợ làm nhà, Ta đã tìm được ngươi.

Từ đây, ngươi không còn cất nhà nhốt Ta nữa,

Tất cả sườn vách đều gảy, toàn bộ công trình của ngươi đã bị phá tan.

Như Lai đã chứng quả Vô sanh Bất diệt bằng cách tận diệt mọi Ái dục vô minh.”

Kẻ thù độc nhất của chúng ta là chính chúng ta. Và giữa chúng ta, quả thật có rất ít người nổi lên được lòng sân hận với chính mình, với sự việc mình là kẻ tử thù truyền kiếp của mình, căn bệnh dai dẳng của mình. Và còn ít người hơn nữa khám phá ra và tiêu diệt được kẻ thù bao đời bao kiếp đó. Nhận mặt kẻ thù là một điều khó khăn. Tiêu diệt kẻ thù thì càng khó khăn gấp bội. Sự việc đó thật khó như tự mình chặt đứt đầu mình, theo kinh Viên Giác nói. Đức Phật dạy: Thắng được muôn người không bằng tự thắng được mình. Nếu muốn đạt đến Diệt đế, phải đi trên con đường Đạo đế. Nếu không có một lần “đại tử nhất phiên” một lần chết đi, thì chẳng bao giờ có một lần sống lại trong cảnh giới Thường Lạc Chân Tịnh của Niết Bàn.

 

II

Đạo Phật là đạo của chiến đấu và chiến thắng. Trong các “hệ thống”của đạo Phật, “hệ thống” Bát Nhã Không tuệ học mang nhiều tính chiến đấu nhất. Bởi thế chẳng lạ gì Bát Nhã đã sản xuất ra những tính cách anh hùng như Thường Đề Bồ tát trong kinh Bát Nhã, cuộc hành hương cầu đạo anh hùng của Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm, cuộc thỉnh kinh gian khổ của Bồ tát Huyền Trang. Bát Nhã đã sản xuất ra những con người, những vị Bồ tát mang nhiều vóc dáng ngạo nghễ, dọc ngang trong cảnh giới tự do vô thủy vô chung như Long Thọ, Milarepa, Bồ đề Đạt ma, và gần gủi là các Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam.

Bát Nhã, và cụ thể là kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã dạy chúng ta những gì để nhìn thấy kẻ thù muôn đời của chúng ta và những cách chiến đấu tiêu diệt kẻ thù đó như thế nào. Đây là điều mà tất cả chúng ta thường gọi là Văn tự Bát Nhã và Quán Chiếu Bát Nhã.

Thế gian của chúng ta thì đau khổ, đồng một pháp giới đó, lại là Niết Bàn của chư Phật Bồ tát. Vậy thế gian của chúng ta là gì? Cái gì tạo ra thế gian lầm lạc đó? Kinh Nhân Vương Hộ Quốc nói: “Nếu trụ ở pháp tướng, có tướng ta, tướng người, tướng hữu tình, tướng thấy biết, là trụ ở thế gian, không phải là Bồ tát”.

Dẫn thêm kinh Viên Giác: “Tất cả chúng sanh từ xưa đến giờ, do vọng tưởng điên đảo chấp bốn tướng: Ta, Người, Chúng sanh, Thọ mạng cho là thật thể của ta, rồi sanh ra thương, ghét. Thế là ở thân tâm này đã hư vọng, lại chấp thêm cái hư vọng nữa. Bởi hai lớp hư vọng ấy nương nhau, sanh các vọng nghiệp. Vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có sanh tử luân hồi. Chúng sanh đời sau không chứng được Đạo, đều do tất cả hạt giống thương ghét, nhân ngã, vì thế chẳng được giải thoát”.

Chúng sanh chịu khổ đau, sanh tử vì chúng ta đã chấp níu vào bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh và thọ mạng. Bốn tướng đó gọi là phiền não. Và phiền lão che lấp Niết Bàn. Chúng ta sanh tử vì chúng ta tự trói buộc mình trong bốn tướng ấy. Phá trừ được lòng chấp níu để tạo thành bốn tướng là công việc của trí huệ Bát Nhã, là tu Bát Nhã.

Bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ mạng đã trói buộc chúng ta vào cái thân nhỏ hẹp này, giới hạn trong một cái thức tâm liên hồi sanh diệt và chật chội này, kềm chặt chúng ta trong một thế giới nhỏ bé và vô thường do chính bốn tướng ấy tạo ra. Từ cái ta và thế giới của ta, là lòng thương ghét, là tham dục, sân hận, si mê. Bị lôi kéo theo dục vọng như một người bị cột vào ngựa kéo lê trên mặt đất, mất tự chủ, đau đớn mà không hay biết, chúng sanh tự mất chính mình, nghĩa là mất tất cả. Bốn tướng ấy, bốn bệnh ấy rút gọn lại là tâm chấp ngã, tâm chấp pháp. Trí huệ nhằm tận trừ hai chướng ngại ấy, chấp ngã và chấp pháp. Chấp ngã nên bị trói buộc vào một thân tâm giả tưởng và hạn hẹp. Chấp pháp nên bị trói buộc vào cái thế giới không thật do mình tạo lập nên, bị lòng tham dục tất tả lôi theo những bóng dáng của thế giới không thật có. Thế giới ấy là cái nhà tù hạn hẹp để tự nhốt mình trong pháp giới nghiêm tịnh và tự do vô hạn của Phật tâm.

Chúng ta tự làm khổ mình, tự trói buộc mình bằng cái tâm thức đã tạo ra và chấp níu bốn tướng ấy. Chúng ta đã tự trói buộc mình bằng những tưởng niệm: đây là “thân” ta, đây là “tâm thức” ta, đây là “cái của ta”, đây là “người của ta”, kia là “cái mà ta muốn có”. Tâm thức phân biệt chồng chất lên nhau thành một khối nghiệp thức: cái của ta thì xấu hay tốt hơn cái của người, gia đình ta thì đáng quý hay đáng ghét hơn gia đình người, địa vị ta thì cao hay thấp hơn địa vị người, ta thì tu cao hay thấp hơn chỗ tu của người. Tóm lại, chúng ta chết thường trực trong thế giới của danh và tướng, là thế giới của sanh tử, luân hồi. Chúng ta đã trói buộc mình trong từng tưởng niệm, tự hành hạ mình bằng từng tưởng niệm, tự giết chết mình bằng từng tưởng niệm. Chính vòng tâm thức luẩn quẩn trong bốn tướng ấy là nguyên nhân căn bản tạo thành 12 mắt xích của sanh tử luân hồi. Bởi thế, Lục tổ Huệ Năng có câu kệ:

Vô niệm, niệm là chính.

Có niệm, niệm là tà.

Có niệm là có bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng. Đó là tà, là sanh tử. Không có niệm tức là lìa bốn tướng: đó là giải thoát, là Niết bàn. Bởi thế mà kinh Nhân Vương Hộ Quốc dạy: “Bồ tát thì trụ nơi vô phân biệt”. Vô phân biệt tức là giải thoát khỏi bốn tướng, giải thoát khỏi sanh tử.

Chấp ngã và chấp pháp là căn bệnh, là kẻ địch muôn đời của chúng ta. Để phá trừ căn bệnh đó, kinh dạy chúng ta phải nhìn thấy thật tướng của mọi pháp: Ngã, pháp đều không.

“Tất cả các pháp đều là Không”

“Ngã nhân, thấy biết, sắc pháp, tâm pháp đều do nhân duyên mà thành, nối tiếp nhau, niệm niệm không dừng, thoắt khởi thoắt diệt, chẳng đoạn chẳng thường, đều như mộng như huyễn, như dương diệm, như bọt nước”. “Chúng sanh trong sát na đầu tiên khởi lên thức nhiễm tịnh, rồi tự sanh ra vô số thức bản nhiễm tịnh. Từ đó cho đến lúc giải thoát, có vô số thức không tính hết sanh ra sắc và tâm, hai pháp của các loại hữu tình. Vô số thức ấy gồm lại thành năm uẩn: Sắc thọ tưởng hành thức, chúng tích tụ, che dấu thật tướng Chân Như. Một sắc một tâm sanh ra vô lượng sắc tâm, tạo thành thế giới không thực này, chúng đều như huyễn thảy”.

Thấy được như thế, tu hành được như thế là quán chiếu Bát Nhã: “Đối với tất cả pháp mà được không động, không sanh, không diệt, không có tướng, không không tướng, không khởi thấy biết”. “Nơi Đệ nhất nghĩa thường không động”.

Thấy thật tướng các pháp, an trụ tu hành theo Thật Tướng đó, là 13 pháp nhẫn được nói tỉ mỉ trong suốt bộ kinh. Tóm tắt, Quán chiếu Bát Nhã là soi thấy năm uẩn là Không. Niệm khởi lên liền biết đó là nguồn gốc của sanh tử, biết liền vô niệm. Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh. Tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt. Niệm khởi, cảnh liền sanh. Cảnh sanh là sanh trong niệm. Cho nên không có niệm là không có cảnh. Niệm khởi, biết nó là Không, là huyễn, cả tâm niệm và cảnh tướng đều diệt. Tâm cảnh không tịch, đó là thật tướng Bát Nhã. Vì thế, Luận Khởi Tín nói: “Nếu chúng sanh nào quán Vô niệm, thì chúng sanh đó đã hướng về Trí Phật”. Nói theo Viên Giác, tâm Vô niệm là nhơn địa tu hành của tất cả Như Lai. Y theo tâm không sanh không diệt đó thì thành Phật, y vào vọng tâm sanh diệt thì luẩn quẩn luân hồi.

Bát Nhã là chánh kiến đưa đến giải thoát, giải thoát tức thì. Vấn đề còn lại là ở chúng ta. Chúng ta có can đảm khởi lên chánh kiến ấy không? Biết được kẻ thù sống chết của mình là tâm thức chấp ngã và chấp pháp, chúng ta có can đảm để chịu đựng một sự quán chiếu thường trực Bát Nhã không? Chúng ta có dám nhìn thân này, nhìn những người thân thuộc, những vật sở hữu, nhìn danh lợi, nhìn thế giới, tất cả đều giả danh, không thật, đều là những hình bóng trong giấc mộng?

Văn tự Bát Nhã, qua kinh điển, ai cũng biết. Quán chiếu Bát Nhã, nhìn thấy và hộ trì cái thấy đó trong từng niệm niệm, không phải ai cũng chịu đựng nổi. Và bởi vì không dám, không chịu đựng nổi nên chúng ta cứ phải chịu đựng sanh tử luân hồi. Không an trụ được trong chánh kiến ấy trong từng niệm niệm, thế là trong từng niệm niệm chúng ta chạy vào sanh tử, trong từng niệm niệm chạy theo tà kiến ngoại đạo. Ngoại đạo không phải là những con người tu hành theo một cách khác ta, cách ăn mặc, cách công phu khác ta. Ngoại đạo chính là chúng ta. Khi một niệm khởi: đây là thân thể ta. Đó là tư tưởng ngoại đạo. Cái này là của ta, đó là tư tưởng ngoại đạo. Ta có mặt, ta là, đó là tư tưởng ngoại đạo. Ta đang hành Phật sự, đó là tư tưởng ngoại đạo. Tất cả tư tưởng nằm trong bốn tướng, đều là tư tưởng ngoại đạo. Bởi thế, kinh nói: “Niệm niệm đếu biết Ngã, Nhân, thấy biết đều hư vọng, hiểu biết danh là giả, thọ là giả, pháp là giả, đều bất khả đắc, không có tướng tự tướng tha, trụ chân thật quán như thế”. Do thấy bốn tướng đều Không, nên Bồ tát bậc Tam Hiền Tập chủng tính mới: “Nghe người khen Phật chê Phật, tâm định không động, nghe nói có Phật hay không có Phật, tâm định không lui sụt”.

Kinh này còn được gọi là “Cam lồ pháp dược, ai uống và hành theo thì khỏi mọi tật bệnh”. Nhưng thật không dễ uống và hành theo, vì chúng ta cứ vẫn thay thế sự loạn tâm này bằng một loạn tâm khác. Không dễ gì có thể nhìn thấy được một khuôn mặt quen thân chỉ là một hình bóng trong giấc mộng. Không dễ gì mà ta có thể lật ngược, phá sập toàn bộ giá trị của thế gian. Không dễ gì, bằng Trí Huệ quán không và quán huyễn, soi thấy năm uẩn là Không, phá tan năm uẩn, vượt thoát khỏi mọi khổ ách. Trí huệ Bát Nhã càng quán chiếu sâu xa thì càng phá trừ những phiền não vi tế. Đi từ sự quán chiếu các phiền não thô, đến phá trừ các phiền não khi vừa mới khởi niệm, cho đến phá trừ những phiền não khi chúng chỉ là một hạt giống chưa hiện hành lên bề mặt của ý thức. Bát Nhã toàn diện, đích thực là một đống lửa lớn đốt sạch mọi tầng lớp của tâm thức, mọi cơ cấu sanh tử luân hồi. Sự giải thoát nhanh hay chậm là tùy ở sự xử dụng trí Bát Nhã của chúng ta, tùy ở lòng can đảm, ý chí chiến đấu và sự khôn khéo của chúng ta. Không phải ngày mai tôi mới có thể tận diệt được sanh tử, không phải ngày kia hay kiếp sau. Mà ngay bây giờ, nếu có thể nhìn thấy toàn bộ cơ cấu sanh tử luân hồi, toàn bộ tương giao kết cấu của ngũ uẩn, gốc rễ ung thư tác hại muôn đời, bằng cây kiếm Kim cương của Trí Huệ, chém tan cả khối vô minh từ vô thủy, người ấy tức thời giải thoát. Bởi thế kinh Viên Giác dạy: “Biết huyễn tức là lìa. Lìa là Giác ngộ”. Người nào trong chúng ta, có thể đặt trái mìn Trí Huệ vào cơ cấu ngũ uẩn ràng buộc, phá tan toàn bộ cơ cấu của thế gian sanh tử luân hồi, người ấy được gọi là anh hùng, là người trượng phu. Trượng phu là danh từ Trung Hoa để dịch chữ Bồ tát. Trượng phu là người biết sân hận và phá tan khối vô minh ở nơi mình, đồng thời cũng biết sân hận và phá tan khối vô minh đang bao trùm những anh em khác.

Khởi lên chánh kiến Bát Nhã chưa phải là thực tu. Niệm niệm trụ nơi chánh kiến Bát Nhã mới là tu hành Bát Nhã. Bát Nhã không phải để học cho biết, mà là để sống, nghĩa là để sống giải thoát. Trong bất kỳ giờ phút nào của cuộc sống cũng trụ nới chánh kiến Bát Nhã để quán chiếu và đối xử với tất cả mọi việc trên đời, được mất, khen chê, vô vàn phiền não, vô số tham sân si, bằng chánh kiến Bát nhã đó. Đối xử với vô số phiền não  ở đời bằng chánh kiến Bát Nhã trong từng niệm niệm, đó là quán chiếu Bát Nhã. Một niệm khởi lên, một phiền não liền khởi lên, liền dùng ngay trí huệ Bát Nhã quán xét: vì sao có niệm tham, có người nào đang tham… Dĩ nhiên là sự quán chiếu Bát Nhã có sâu có cạn, theo 13 cấp bậc nhẫn, như kinh nói. Dầu chỉ thấy những phiền não thô mà chưa thấy phiền não vi tế, thì sự tu hành quán chiếu Bát Nhã cũng làm cho phiền não dần dần tổn giảm. Nhờ quán chiếu thường trực Bát Nhã, bốn tướng trói buộc lần lần dứt sạch. Niệm tưởng phân biệt là con đẻ của bôn tướng cũng lần lần giảm trừ. Niệm tổn giảm tức là đi sâu vào chánh Định, cho đến khi hết niệm, đạt đến Vô niệm tức là Kim cương định như kinh đã dạy.

 

III

Phá trừ phiền não, phá trừ bốn tướng là phá trừ bức tường vô minh do chính chúng ta tự tạo ra để nhốt chính mình, không cho chúng ta thấy và sống được cái Đời sống chân thật là Niết Bàn thường, lạc, chân, tịnh. Hễ một phần phiền não tiêu trừ, thì một phần Đời sống chân thật ấy hiển lộ. Đời sống ấy là một thế giới hoàn toàn Chân, nghĩa là thường trụ, không biến đổi (Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ – kinh Pháp Hoa), hoàn toàn Trí, vì bất cứ sự vật gì cũng suốt thông trong Ánh sáng, hoàn toàn Thiện, vì tất cả đều là Một, hoàn toàn Mỹ, vì tất cả đều thanh tịnh và an lạc. Đó là một “cảnh giới” mà trong đó, mỗi một sự vật là lời chúc tụng của Niết Bàn, từ hạt bụi đến con người đều là công đức trang nghiêm của mỗi chúng ta, bởi vì giờ đây, do phiền não đã tiêu mất một phần mà chúng ta đã tiếp xúc, tương ưng và thừa thọ được một phần.

Trí huệ Bát Nhã phá tiêu ngũ ấm, để chỉ còn lại niềm tự do tối thượng vô thủy vô chung. Lục tổ Huệ Năng dạy về điều đó như sau: “Người thấy tánh, lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngăn không ngại, gặp việc thì làm, gặp lời thì đáp, thấy khắp Hóa thân, không lìa Tự tánh, được tự tại thần thông, rong chơi tam muội. Niệm niệm Bát Nhã quán chiếu, thường lìa tướng các pháp, tự do tự tại, dọc ngang mặc sức, có gì mà lập?”

Thế giới an lạc và tự do tối thượng ấy hiện hình trong nụ cười an nhiên của đức Phật, trong vóc dáng khoái hoạt của đức Di Lặc, trong đóa hoa đưa lên giữa chúng hội và chỉ mình Ca Diếp mỉm cười.

Bát Nhã là sự vui mừng nhảy nhót của 16 vị vua và tất cả chúng trời người, đến cả hư không cũng nở hoa, khi nghe xong cú nghĩa cùng tột của phẩm Bất Tư Nghì.

Bát Nhã, đó là sự kiện tất cả lỗ chân lông trên thân đức Phật đều mỉm cười và phóng ánh sáng chiếu khắp mười phương (Kinh Đại Bát Nhã).

Đó là hành động của tổ Triệu Châu khi Nam Tuyền hỏi trước chúng một câu nghịch thường không ai đáp được: Triệu Châu cởi một chiếc dép để lên trên đầu, cười ha hả và bỏ đi ra.

Đó là Thực Tướng Bát Nhã.

SHARE:

Trả lời