CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

10. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN

Những thành phần tạo nên con người

Lịch sử  loài người và lịch sử cá nhân trong từng con người – một đời người chưa đầy thế kỷ – không chỉ là những giai đoạn chiến tranh và hoà bình, thành công và thất bại, sung sướng và đau khổ. Nhưng con người là gì, được cấu tạo bằng những thành phần nào, và khi muốn hoàn thiện nó, chúng ta phải hoàn thiện những thành tố nào của đó? Ở đây chúng ta chỉ phân định ở mức định lý tính và cảm nhận bình thường. Con người gồm có bốn thành phần, hay bốn cấp độ, bốn “thực thể”:

1.Phần thân thể: tức sáu giác quan(sáu căn). Đối tượng của chúng là sáu trần.

2.Phần tình cảm: những xúc cảm như thương, ghét, vui, buồn, giận, sợ, lo, hăng hái… Sỡ dĩ chúng ta thiết lập cái này là một thành phần vì nó có sự tách biệt  tương đối với thân thể. Chẳng hạn như cơn giận,  dù cho nó có thể xuất phát từ thân thể, nhưng thân thể không trấn áp, kiểm soát nó được; nó tương đối độc lập với thân thể. Có những tình cảm cao hơn, rõ ràng vượt khỏi thân thể và các giác quan như lòng hiếu thảo, tình yêu đất nước, cảm xúc đạo đức và tôn giáo… trong nghiên cứu khoa học hiện thời, cái gọi là  chỉ số xúc cảm EQ gồm trong thành phần này. Thế giới của tình cảm là thế giới của cái đẹp, của văn học nghệ thuật, của tình cảm đạo đức, của sự sùng mộ cái gì thiêng liêng, của tình thương bao la và trách nhiệm cao cả đối với người khác và xã hội.

  1. Phần trí năng: Nghĩa là trí thức, ý thức, khả năng của trí óc, trí nhớ (chỉ số thông minh IQ thuộc thành phần này), phân tích, tổng hợp, phân biệt, chọn lọc, quy nạp, diễn dịch. Với một số nhà triết học và khoa học hiện đại, lãnh vực trí năng này được gọi là “trí quyển”(noosphere, so với các quyển khác, như “sinh quyển” là biosphere). Đây là lãnh vực trí năng nghiên cứu mọi môn học, từ cụ thể như sinh học, kỹ thuật cho đến những môn học thuần tư duy trừu tượng như triết học, siêu hình học và tôn giáo.

4.Phần tâm linh: đây là lãnh vực của các cấp độ tâm thức cao nhất mà ta gọi là tâm linh. Sự thể nghiệm những cấp độ tâm thức cao nhất, hay cũng có thể nói “sâu nhất” đã tạo ra những tôn giáo. Phần này vượt khỏi sự hiểu biết của trí năng, của khoa học và thậm chí cả triết học. Một thí dụ, một người trong khi thiền định,khoa học kỹ thuật chỉ có thể đo nhịp tim, hơi thở (hầu như dừng lại), nhìn thấy những phần của bộ não đang hoạt động và những sóng alpha và tia oméga phát ra từ não, nhưng không thể nào biết trạng thái hay nội dung tâm thức lúc đó như thế nào, tâm tức thể nghiệm những gì. Từ đây một hệ luận được suy ra: phần cao thì có thể biết được phần nào thấp hơn, nhưng phần thấp thì không thể hoàn toàn biết được phần cao hơn, nó chỉ có thể dự đoán, hình dung, tưởng tượng; tâm linh không thể hiểu được trọn vẹn bằng trí năng, tâm linh chỉ có thể hiểu bằng chính tâm linh.

Nếu như trong phân tâm học của Freud, cái phần tâm thức còn bị che khuất này được gọi là vô thức, và vô thức của  Freud ngầm ý “nằm dưới”, mang những bản năng sinh vật cấp thấp của con người, và do đó được gọi là “tâm lý học về những miền sâu” thì ở đây tâm linh là phần vô thức cấp cao, và các nhà phân tâm học hiện đại như Jung gọi là “tổng thể của ý thức và vô thức”, “siêu thức” (như R.Assgioli, A.Maslow) hay “ý thức vũ trụ” (như R.M.Bucke) và gọi Phân tâm học này là tâm lý học về những chiều cao (psychologie des hauteurs). Erich Fromm gọi là “thức tỉnh, giác ngộ” và định nghĩa: “Đây là trạng thái tâm thức về nhất thể, không những trong chính mình, không những với đồng loại mình mà còn đối với tất cả đời sống và tất cả vũ trụ”.

Nếu ở phần trí năng và phần tình cảm đôi khi xẹt tới vài tia trực giác thì ở phần tâm linh này có thể nói là hoàn toàn trực giác và có thể dùng chữ trí tuệ của Phật giáo. Ở đây, tình thương (Phật giáo gọi là từ bi) không còn do ý thức thúc đẩy (do đó còn nằm trong lãnh vực trí năng) mà là tự nhiên không cần động lực, như Phật giáo gọi là vô duyên từ bi (từ bi không cần nhân duyên). Dễ dàng nhận thấy lãnh vực tâm linh và lãnh vực tôn giáo, tôn giáo theo định nghĩa của Paul Tillich là “mối quan tâm tối hậu” về những gì tối hậu. Sự hoàn thành “mối quan tâm tối hậu” này trong những tôn giáo có những mức độ khác nhau (không phải cái nào cũng hoàn hảo) những lối đi riêng biệt.

Bốn thực thể đó tạo thành con người, tạo thành “thân tâm” theo lối nói của Phật giáo. Để thấy rõ hơn bốn thành phần này, chúng ta có thể tham khảo quan niệm “ba thế giới” của K.R. Popper (1902 -1944), một nhà triết học về khoa học nổi tiếng. Vũ trụ gồm có ba cấp độ. Thế giới thứ nhất là thế giới vật lý. Thế giới thứ hai là thế giới tinh thần chủ quan, thế giới nội tâm, bao gồm trạng thái ý thức, trạng thái tâm lý và trạng thái phi ý thức. Thế giới thứ ba là thế giới tri thức khách quan gồm quan trọng nhất là tư tưởng khoa học, tư tương thơ ca và tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta thấy Popper thiếu cái  thế giới thứ tư của chúng ta đang nói ở đây là thế giới tâm linh, thế giới của tôn giáo được thể nghiệm qua thực hành.

Về các cấp độ thế giới và các ngành học về chúng, chúng ta cũng cần nêu lên ý kiến của Richard Feynman, một nhà vật lý xuất sắc của thế kỷ XX: “Một ngày nào rất gần, tất cả những định luật vật lý học sẽ được khám phá hết. Nhưng vẫn còn có hai lãnh vực không nằm trong thẩm quyển của vật lý học, đó là xã hội học và tôn giáo”.

Bốn thành phần của con người giao thoa, tương tác, bao hàm lẫn nhau chứ không hiện hữu biệt lập. Chẳng hạn khi đang sống cuộc đời của một con người trong thế giới này, lãnh vực thân thể ảnh hưởng đến lãnh vực tâm linh, những thông tin của giác quan ảnh hưởng đến tư duy (trí năng) và đến những trực giác tâm linh. Ngược lại, trí huệ, thanh bình, an lạc, tình thương (những phẩm chất tâm linh) ảnh hưởng đến thân thể, khiến cho thân cũng có những tình huống biểu lộ những phẩm tính đó.

Sự quan trọng, giá trị và sức mạnh của bốn thành phần

Thân thể là cơ sở cho sự sống ở đời, nhưng những thành phần ở bên trên thân thể thì quan trọng và giá trị hơn, vì chính nhờ chúng mà con người tiến hoá lên những nấc thang tiến hoá cao hơn, phát triển được trọn vẹn nhân tính của mình. Chẳng hạn, trong lãnh vực tình cảm (như trên đã nói, dù một người sống chủ yếu trong lãnh vực tình cảm nhưng luôn luôn có sự hỗ trợ, không tách lìa với ba lãnh vực kia), Mẹ Theresa thành phố Calcutta đã phát triển tình tương cho những trẻ em và người lớn không nhà và cơ nhỡ đến mức độ cao, bà đã được tôn vinh bằng Nobel hoà bình. Một thí dụ khác là A.Einstein, ông phát triển khá toàn diện. Mặc dù thân thể ông không còn nữa, nhưng những gì ông sống, suy nghĩ vẫn tồn tại với thời gian. Ông đam mê tìm tòi khám phá suốt đời, yêu âm nhạc và có lòng nhân ái (phần tình cảm). Về phần trí năng, có thể nói ông tuyệt hảo về trí thông minh, tư cách đạo đức, trung thực, dám công khai tuyên bố những điểm sai của mình trong khi nghiên cứu khoa học. Và phần thứ tư, phần tâm linh, mặc dù không chú trọng đến nó lắm, ông có những phát biểu về Phật giáo có đủ tiêu chuẩn nhất để làm một tôn giáo mang tính toàn cầu, ông có những quan điểm đậm màu tâm linh về số phận con người và thế giới, về cái đẹp và đạo đức. Những người sống hoàn toàn trong lĩnh vực thứ tư, mặc dù có khác biệt nhau về cấp độ chứng nghiệm, là những người cao cả nhất và ảnh hưởng lâu bền nhất và lan rộng nhất. Cũng công bằng, nhân loại tôn vinh họ bằng những từ danh xưng như “thánh”, “bậc”, “đức”, “giáo chủ”. Với những vị này, đời sống và thế giới được thể nghiệm ở cấp độ cao nhất, cấp độ tâm linh.

Chúng ta thấy những nhà văn như Dostoievsky, những nhà chính trị như Gandhi (những người hoạt động trong lĩnh vực thứ hai và thứ ba, tình cảm và trí năng) đều nhờ tiếp cận với những giá trị tâm linh nên đã đưa tiểu thuyết và chính trị đến những tầm mức phổ quát cho toàn nhân loại. Sự khác biệt giữa Dos và một nhà văn bình thường là ông không chỉ nêu lên những vấn nạn của con người và xã hội, mà còn tìm cách giải quyết chúng ở mức độ cội nguồn, là mức độ tôn giáo và tâm linh. Chính nhờ vậy, hai thế kỷ qua, người ta còn đọc ông để tìm ra những giải pháp cho những vấn nạn của con người, mặc dầu so với bây giờ cách kết cấu câu chuyện và lối văn của Dos là đã cũ, đã “lỗi thời”.

Xem xét giá trị một con người và cả những sáng tạo của con người, như một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn, chúng ta cần xem xét cả bốn thành phần. Thí dụ một bài thơ của Tagore. Về mặt “thân thể” của bài thơ, ngôn ngữ, âm điệu, chúng ta nghe nói trong nguyên tác, ngôn ngữ của Tagore rất hoàn hảo. Về mặt tình cảm, ông đã phát triển tình cảm của bài thơ đến mức một tình cảm nhân loại và vũ trụ. Về mặt trí năng, những tư tưởng, những tư duy sâu sắc về triết học (thế giới quan và nhân sinh quan) luôn ngầm ẩn và đem lại giá trị sống cho con người. Chính giá trị sống này khiến cho người đời sau còn phải đọc hay nghiên cứu tác phẩm để học hỏi kinh nghiệm sống một cách cao đẹp. Về mặt tâm linh, bài thơ nào cũng có một trình độ tâm linh cao, giới thiệu một đời sống tâm linh cho con người.

Phác qua những nhân vật và sự nghiệp của họ như trên, chúng ta hẳn thấy rằng sự tiến hoá của con người – cũng là sự hoàn thiện của họ – là đi từ cái thấp đến cái cao, từ thân thể đến tâm linh, và càng khai phá được ở những cấp độ trên thì càng có giá trị, càng có sức mạnh ảnh hưởng cho sự tiến hoá của loài người. Tiến hoá hay tự hoàn thiện là từ cái dưới lên cái trên, nhưng khi cái trên đã đạt được và đã hoàn thiện thì cái dưới không bị bỏ đi mà còn được nâng cấp, được hoàn thiện thêm. Do đó tiến hoá từ thấp lên cao là một sự hoàn thiện toàn bộ bốn thành phần của con người.

Một điểm nữa là Phật giáo Đại thừa đã kết hợp và thống nhất được cả bốn thành phần ở mức độ tâm linh cao nhất: phần tình cảm trở thành đại từ đại bi và không tách lìa với trí huệ, tức là cái phần trí năng đã được chuyển hoá và thăng hoa. Phần thân thể cũng không bị bỏ đi: thân thể trở thành hoá thân để làm việc trong thế giới, lúc đó thân thể trở thành phương tiện. Trí huệ, từ bi và phương tiện là ba cột trụ làm nên Đại thừa. Chúng ta không khai triển nhiều thêm, chỉ có thể tóm tắt, với Đại thừa, cả bốn thành phần đều được chuyển hoá và được hợp nhất trong một nhân cách của một con người vĩ đại, đại nhân hay Bồ tát.

Bàn qua một vấn đề cụ thể: tại sao Việt Nam chưa có những tác phẩm lớn:

Mới đây chúng ta có một hội nghị bàn về tại sao chúng ta chưa có những tác phẩm lớn trong khi chúng ta đã trải nghiệm những cuộc chiến tranh lớn làm rúng động thế giới? Đây là một vấn đề đặt ra từ ba thập niên nay.

Chúng ta chưa có những tác phẩm lớn vì nhà văn nhà thơ còn thiếu một thế giới quan, một nhân sinh quan cho thế giới học hỏi. Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orham Pamuk, giải Nobel năm 2006, có nói: “một cuốn tiểu thuyết hay là một cách lý giải về thế giới”. Hơn nữa, chúng ta còn thiếu một chiều kích tâm linh.

Trong những tờ báo về mùa Xuân và Ngày Thơ Việt Nam vừa qua, câu thơ “đêm qua sân trước một cành mai” trong bài thơ “Cáo bệnh dạy chúng” của Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096) được nhắc lại khá nhiều.Không những trong những tờ báo Phật giáo mà còn trong những tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật như Văn Nghệ (số 9) của Hội Nhà văn Việt Nam và Thanh Niên (3-3-07). Tại sao một câu thơ bình dị như thế (mà nếu viết với bút pháp và ngôn ngữ đương đại thì chắc sẽ phức tạp, nhiều chiều, có vẻ như đa tầng, đa nghĩa và trí thức hơn), cách đây đã ngàn năm lại ám ảnh chúng ta đến thế? Hẳn vì bài thơ được viết trên nền một thế giới quan và một nhân sinh quan đúng và lành mạnh, nghĩa là có thể làm một phương pháp trị liệu cho con người chúng ta. Hơn nữa nó còn nằm trong một cấp độ tâm linh cao cả, thoả mãn cho “mối quan tâm tối hậu” của chúng ta, nghĩa là thoả mãn nhu cầu khát khao Chân Thiện Mỹ của chúng ta.

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy văn học hiện nay cũng đang bế tắc như chúng ta. Không phải tểu thuyết bế tắc mà nhân vật tiểu thuyết là con người đang bế tắc, từ Vụ án của Kafka đến Kẻ xa lạ của Camus cho đến Nhục nhã của Coetzee (Nobel 2003). Không phải tình cờ mà có phong trào Tiểu thuyết mới vào giữa thế kỷ XX chủ yếu ở Pháp trong đó không còn có mặt con người. Không phải tình cờ mà Milan Kundera (1929-) nói đến cái chết, sự biến mất của tiểu thuyết. Và cũng không phải tình cờ khi nhà văn André Malraux tiên đoán (hay hy vọng) thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh.Có thể nói rằng hy vọng của Malraux là sự phục sinh của con người ở cấp độ tâm linh.

Trước tình hình như vậy, muốn phục hưng con người phải phục hưng văn hoá, và muốn phục hưng văn hóa phải phục hưng cái gốc của nó là con đường tâm linh hay tôn giáo. Những người Đông phương như chúng ta có cơ hội và trách nhiệm về vấn đề này hơn ai hết, vì tất cả tôn giáo lớn trên thế giới đều phát sinh từ Châu Á.

SHARE:

Trả lời