NĂM TRUNG ẤM

SHARE:


NHỮNG KHO TÀNG TỪ ĐỈNH CÂY TÙNG XÙ PADMASAMBHAVA
Dịch: Erik Pema Kunsang và Marcia Binder Schmidt
Ban dịch thuật: Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. NHỮNG LỜI DẠY DẪN NHẬP
3. LỜI KHUYÊN LÀM THẾ NÀO THỰC HÀNH NHỮNG GIÁO HUẤN SÂU XA
4. TÍNH TỈNH THỨC TỰ GIẢI THOÁT
5. HAI MƯƠI MỐT GIÁO HUẤN TRỌNG YẾU
6. GIÁO HUẤN CHỈ THẲNG CHO BÀ LÃO
7. ĐI XUỐNG VỚI CÁI THẤY TỪ TRÊN CAO
8. VÒNG HOA PHA LÊ CỦA THỰC HÀNH HÀNG NGÀY
9. VÒNG HOA BẰNG VÀNG QUÝ BÁU CỦA NHỮNG GIÁO HUẤN THIỀN ĐỊNH
10. VÒNG PHÁP NHỮNG ĐIỂM TRỌNG YẾU
11. LỜI DẠY VỀ PHỐI HỢP GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ THÀNH TỰU: NHỮNG THỰC HÀNH VỚI VÀ KHÔNG CÓ NHỮNG KHÁI NIỆM
12. GIÁO HUẤN CHO NHỮNG PHỤ NỮ ĐẠT GIÁC NGỘ MÀ KHÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY
13. SỰ QUÁN ĐẢNH CHO TRÒ PHÔ DIỄN CỦA TÁNH GIÁC
14. NHỮNG DẤU HIỆU VÀ CẤP ĐỘ CỦA TIẾN BỘ
15. CHỈ DẠY VỀ ĐẠT ĐƯỢC GIÁC NGỘ VÀO GIÂY PHÚT CHẾT
16. NĂM TRUNG ẤM
17. KHO TÀNG CỦA HANG HOA SEN PHA LÊ

Năm Trung Ấm

 

NAMO GURU.

Đại sư được biết là Liên Hoa Sanh không sanh ra từ bụng mẹ mà từ một hoa sen. Thoát khỏi những hãi hùng của cái chết và chuyển di, ngài đã cắt đứt dòng sanh tử. Sự chứng ngộ của ngài ngang bằng với Samantabhadra vinh quang.

 

Chính vị đạo sư này mà Đức Bà Tsogyal, Công chúa của Kharchen theo hầu làm thị giả. Một lần, ở Đỉnh Cây Tùng Xù của những Ngọc Trai Pha Lê, bà hỏi đạo sư: Đại sư, chúng sanh bị bắt vào bốn dòng sông lớn sanh, già, bệnh, chết bởi vì không vượt qua được những trạng thái trung ấm. Có bao nhiêu loại trạng thái trung ấm?

Đạo sư ban cho giáo huấn này: Tsogyal, chúng sanh ba cõi sanh tử không cắt đứt được những trạng thái trung ấm, thế nên họ tái sanh và đi lòng vòng khắp ba cõi.

 

Trải qua năm loại trạng thái trung ấm, con cần:

  • Nhận biết lãnh vực tối hậu khi trải qua trung ấm của cuộc đời này, như một đứa con đi lạc hợp nhất lại với mẹ nó.
  • Làm sáng tỏ cái chưa sáng tỏ bằng cách nhận biết bản tánh của con trải qua trung ấm của samadhi, như một cô gái kiêu hãnh nhìn vào một tấm gương.
  • Nối kết những khuynh hướng thói quen (với samadhi) trải qua trung ấm của giấc mộng, như dòng chảy của một con sông.
  • Tiếp tục kinh nghiệm trải qua trung ấm của sanh và chết, như nối kết lại một ống nước vỡ.
  • Nối kết với nghiệp còn lại trải qua trung ấm của trở thành, như thắp một ngọn đèn trong một phòng tối.

Trừ phi con cắt đứt năm trung ấm này, còn không con sẽ không tìm thấy cơ may để cắt gốc sanh tử.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Trải qua trung ấm của cuộc đời này, làm sao người ta chắc chắn nhận biết lãnh vực tối hậu, giống như đứa con đi lạc hợp nhất lại với mẹ nó?

Đạo sư trả lời: Nhận biết lãnh vực tối hậu trải qua trung ấm của cuộc đời này thì giống như khi một đứa con đi lạc hợp nhất với mẹ nó và nó nhận biết bà là mẹ của nó. Trong cùng cách hãy nhận biết bản tánh của chính con là pháp thân.

 

Có ba phương cách để chắc chắn điều này:

  • Thứ nhất, hãy xác lập pháp thân là trạng thái tự nhiên suốt qua tinh túy trống không bất biến.
  • Thứ hai, hãy xác lập cái tỉnh thức rõ biết là trạng thái biểu lộ suốt qua kinh nghiệm cá nhân không thiên vị.
  • Thứ ba, hãy xác lập cái tỉnh thức rõ biết bổn nguyên (tánh giác) là tính bất nhị của chúng suốt qua đại lạc của không hành động.

Thứ nhất, (để xác lập pháp thân là trạng thái tự nhiên suốt qua tinh túy trống không bất biến), có bảy phẩm tính. Để bắt đầu, nó không được sản sanh bởi những nguyên nhân. Tiếp theo, nó không chết qua những điều kiện, mà tự hiện hữu. Không tạo ra bởi những cái khác, nó không có chất thể. Không phải là một sự kiện tạm thời, nó vượt khỏi thường còn và đoạn diệt.

 

Thứ hai, tỉnh thức như trạng thái biểu lộ, có hai phương diện: những biểu lộ bên ngoài của ảo giác và những biểu lộ bên trong của tỉnh thức.

 

Những biểu lộ bên ngoài của ảo giác sanh khởi như thế nào? Từ trạng thái tự biết của tâm giác ngộ – trạng thái tự nhiên không do chế tạo giống như bầu trời – xuất hiện những đám mây của khát khao và bám nắm do vô minh. Có điều này, người ta đi vào một tử cung và ở trong một thân của các uẩn, từ đó năm uẩn xuất hiện và do đây sanh khởi năm xúc cảm độc hại. Từ năm độc biểu lộ năm loại bệnh và rồi gây ra cái chết. Do cái chết, người ta đi vòng trong sáu loại chúng sanh.

 

Những biểu lộ bên trong của tỉnh thức xuất hiện như thế nào? Chúng xuất hiện như tự giải thoát, không trói buộc vào tâm, không có chất thể và không bám níu; từ đây vô minh mọc lên như tánh giác, năm độc sanh khởi như năm trí huệ, và năm nguyên tố được cân bằng. Do cắt đứt những tà kiến về năm đối tượng giác quan, con ngăn cản sự bám níu vào năm trung ấm, nhận biết bệnh và khổ đau lắng xuống, chuyển năm năng lực xấu thành những người giúp đỡ, đóng lại những cánh cửa đưa đến các địa ngục, và vượt qua vực thẳm của sáu loại chúng sanh, tất cả cùng một lúc.

 

Điểm thứ ba là xác lập tánh giác bổn nguyên (tánh giác) là bất nhị qua đại lạc của không làm. Con có thể tự hỏi chư Phật và chúng sanh, niết bàn và sanh tử, hình tướng và tánh Không, có trở nên tách biệt hay không. Chư Phật và chúng sanh không hai về thời gian, như trước và sau. Sanh tử và niết bàn không hai về bản sắc như tốt hay xấu. Hình tướng và tánh Không không hai trong bản tánh, bởi vì chúng không thể phân chia. Thế nên chúng là đại lạc của không làm, vô tác.

 

Ở điểm này, quan trọng là được giải thoát bởi giáo huấn cốt lõi về bốn giải thoát khỏi bám níu:

  • Kinh nghiệm trực tiếp không thiên vị giải thoát con khỏi bám níu vào sự chê bai tánh Không.
  • Tinh túy trống không bất biến giải thoát con khỏi bám níu vào sự thường hằng của thường kiến.
  • Nhất thể không thể phân chia giải thoát con khỏi bám níu vào chân và giả thay thế nhau.
  • Nền tảng không thiên vị của chúng giải thoát con khỏi sự bám níu khiến bất ngờ rơi vào biên kiến một chiều.

Đây là giáo huấn thực hành qua nhận biết có sáu phần:

  • Nhận biết những hình tướng là tâm.
  • Nhận biết tâm là trống không.
  • Nhận biết hình tướng và tánh Không vượt khỏi nhị nguyên.
  • Nhận biết bất nhị này là đại lạc.
  • Nhận biết đại lạc là vô niệm.
  • Nhận biết vô niệm là pháp thân.

Bây giờ, đây là giáo huấn gặp gỡ với pháp tánh mẹ qua sự đóng ấn có sáu phần:

  • Cho những hình tướng dấu ấn của tánh Không.
  • Đóng ấn tánh Không với những hình tướng.
  • Đóng ấn cả hai với sự bất nhị của hình tướng và tánh Không.
  • Đóng ấn sự bất nhị này với đại lạc.
  • Đóng ấn đại lạc với vô niệm.
  • Cho vô niệm dấu ấn của pháp tánh bất biến.

Đây là làm thế nào xác quyết qua giáo huấn của quyết định có năm phần:

  • Quyết định rằng pháp thân là hiện diện một cách bổn nguyên trong chính con và bởi thế không phải là cái gì phải tìm kiếm hay hoàn thành.
  • Quyết định rằng sướng và khổ là pháp thân và bởi thế không phải là cái gì phải chối bỏ hay chấp nhận.
  • Quyết định rằng pháp thân không sanh không diệt và bởi thế vượt khỏi nhân và quả.
  • Quyết định rằng nó vượt khỏi những điểm quy chiếu của “là” và “chẳng phải là” và bởi thế không thuộc về tăng hay giảm.
  • Quyết định rằng nó là vô sanh và hiện diện tương tục và bởi thế không phải là cái gì do tư tưởng sản xuất ra.

Bây giờ, những phẩm tính của chứng ngộ cái thấy là như sau:

  • Con lấy lại chỗ ở tự nhiên của trí huệ và gặp pháp tánh mẹ.
  • Những khái niệm của con tiêu tan tự nhiên nhờ nhận biết lạc của hành động được thấy thấu suốt.
  • Con đạt được sự toàn thiện tự nhiên của hiểu biết.
  • Cái thấy của con thoát khỏi những giới hạn.

Bằng cách lấy lại chỗ ở tự nhiên của trí huệ, bất kể giáo lý con nghe nhiều bao nhiêu, con hiểu rằng không có sự nâng cấp nào nữa hơn sự hợp nhất của hình tướng và tánh Không. Nhận biết và thấu hiểu điều này không là gì khác hơn chính con, con biết được điều này không là gì khác hơn chính kinh nghiệm của con. Bằng cách nhận biết cái đang là như nó là, con gặp gỡ pháp tánh mẹ.

 

Khi những đối tượng cho mắt con xuất hiện như những sắc tướng thị giác, khoảng khắc con kinh nghiệm chúng thoát khỏi bám níu dù có được thấy, những khái niệm của con tự nhiên tiêu tan. Khoảnh khắc con kinh nghiệm sự vật theo cách này, sự tỉnh thức bổn nguyên, pháp tánh, và lạc đều được tìm thấy từ bên trong, và con hiểu được lạc của hành động được chứng ngộ.

 

Giáo huấn này về cái thấy của đức tin vĩ đại cũng được biết là cái thấy của con cái bất biến của các bậc chiến thắng, là căn cứ để nhận diện quỷ ma và kẻ trộm, là giáo huấn để xác chứng sự bắt đầu và chấm dứt của sanh tử, và là giáo huấn để nhận biết bản tánh của tâm con là pháp tánh.

 

Tất cả những giáo huấn này trong cái thấy giống như thí dụ đứa con độc nhất của một người mẹ bị đi lạc lang thang. Sau cái chết của cha đứa con, bà mẹ có người chồng khác. Về sau, khi đứa con tái hợp với mẹ nó, bà mẹ nhận biết con và con nhận biết mẹ. Tương tự, vào lúc chứng ngộ bản tánh của pháp tánh, con nhận biết rằng chư Phật và chúng sanh, sanh tử và niết bàn, cũng như hình tướng và tánh Không, cả hai đều không thể phân chia từ sơ thủy như là quả cầu độc nhất của pháp tánh. Giải quyết dứt khoát điều này trong trung ấm của đời sống này là giáo huấn cho đứa con bị lạc tái hợp với mẹ nó.

Ngài đã nói như vậy.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Trong trung ấm của samadhi, làm sao người ta làm sáng tỏ cái tâm chưa sáng tỏ?

Đạo sư trả lời: Làm sáng tỏ tâm chưa sáng tỏ thì giống như một cô gái kiêu hãnh nhìn vào một tấm gương là giáo huấn trong thiền định. Chẳng hạn, giống như một cô gái xem kỹ tấm gương lúc sáng, trưa, và tối, thiền giả cần nhìn vào tâm mình và tu hành suốt ba thời.

 

Về điều này có hai điểm: điều thân như thế nào và đặt sự chú ý như thế nào.

Thứ nhất, khi tu tập, hãy giữ thân con thẳng đứng, tư thế thiền định bình thản. Đầu hơi cong về phía trước. Hạ thấp cái nhìn xuống đầu mũi. Lưỡi chạm vào vòm miệng. Tay đặt trên đầu gối. Trong hoạt động hàng ngày, hãy phối hợp (lời dạy sau) với đi, đứng, nằm, ngồi.

 

Thứ hai, cách đặt tâm con thì lớn lao hơn, vượt khỏi chỗ đặt để. Trong sự tương tục của việc thực hiện cái thấy, hãy thả lỏng các giác quan. Để cho thân và tâm tự nhiên, không giả tạo; cái biết không bám níu. Hãy nhận biết pháp thân, nhưng không chấp giữ nó là pháp thân. Hãy tu hành không lầm lẫn. Tu hành một lúc lâu. Tu hành không gián đoạn. Tu hành vui vẻ.

 

“Không lầm lẫn” nghĩa là, trong sự tương tục thực hiện cái thấy, tu hành biết cái đang là mà không khởi lên chấp giữ nó như là thế. Nếu được như vậy, đây là trạng thái thiền bình đẳng không dao động.

 

Chấp nhận cái đang là nghĩa là biết có lạc, tỉnh thức, tánh giác vô niệm, và trò chơi của tỉnh thức, trong khi không chấp giữ có lạc, tỉnh thức, tánh giác vô niệm và trò chơi của tỉnh thức. Như vậy, thoát khỏi bám nắm, tánh giác không bám giữ cái gì hiện hữu sẽ tự nhiên hiện ra.

 

Có sáu kẻ thù của loại tu hành thiền định này: hôn trầm và  xáo động, (bốn loại đi lạc), thường kiến và đoạn kiến. Nếu hôn trầm xảy ra, hoàn toàn không bám giữ nó trong tâm thì được biết là giáo huấn (làm tan biến) hôn trầm và uể oải vào pháp thân. Nếu nó không xảy ra, bấy giờ hãy tiếp tục tu hành với nghị lực.

 

Xáo động ẩn chứa sự sợ hãi bị xáo động, ý nghĩ “tôi phải kiểm soát loạn động này”, “tôi phải ở yên không bị quấy nhiễu” … Một khi con nhận biết rằng xáo động là chính tâm con, điều này được biết như đóng ấn xáo động trong pháp tánh.

 

Không thấy cái gì xáo động, cái gì phải dừng lại, giữ gìn, hay tịnh hóa, và nhận biết cái này là chính con thì được biết như là đưa những tư tưởng vào pháp tánh. Đó là như thế nào vượt thắng những tư tưởng.

Nếu con không thể làm như thế, đây là giáo huấn gom lại trạng thái tản mác: đơn giản tu hành đặt tâm con trong sự tương tục của tinh túy không giả tạo của nó.

 

Hơn nữa, khi tu hành, bốn loại đi lạc này xảy ra:

  • Lạc vào sự bằng phẳng vô ký nghĩa là tâm con lạc vào tình trạng bị quên.
  • Lạc vào shamatha không có chánh niệm nghĩa là tâm con trệ đọng đến độ con không tỉnh biết pháp tánh.
  • Lạc vào một khuôn khổ ngưng đọng của tâm nghĩa là con muốn duy trì trạng thái không tư tưởng.
  • Lạc vào những ý niệm kích thích nghĩa là tâm con xáo trộn và rút lui.

Đây là bốn loại lạc lối. Để làm sạch những lỗi này, chớ hướng tâm con vào những lối đi lạc này.

 

Tính túy của con thì không thường hằng, bởi vì nó được đóng dấu với tánh Không. Nó không phải là không có gì cả, bởi vì nó tỉnh thức và không bị giới hạn. Nó không phải là cái gì trở nên giác ngộ, bởi vì nó vẫn là bản thân pháp thân. Không có sợ hãi sanh tử, bởi vì sanh tử được giải thoát vào pháp thân. Một khi những tư tưởng được dùng như tánh giác và khổ đau mọc lên như trí huệ, không có gì cần phải tịnh hóa.

 

Khi con biết làm sao thực hành trong cách này, con không lầm lỗi. Hãy tu hành kéo dài sự việc này. Không đứt đoạn, hãy tu hành một cách thích thú. Một khi con đã tu hành trong cách này, những khuynh hướng bám giữ trước kia của con giảm bớt. Do sức mạnh của sự tu tập này, trong sáng, lạc, và cảm giác không có thân sẽ xảy ra.

 

Không có sự tu tập này, con sẽ không cắt đứt ý nghĩ mê lầm thoáng chốc, và con sẽ không đoạn dứt những khuynh hướng bám giữ trước kia. Thế nên, hãy tu hành chu đáo không bao giờ tách lìa tâm con khỏi pháp tánh, như một ngọn cờ lớn không bị làm rối bởi gió.

 

Hơn nữa, giống như một cô gái kiêu hãnh nhìn vào gương để xem có gì hỏng trên mặt cô ta không, hãy luôn luôn tu hành, nhờ samadhi, thẩm xét có khuyết điểm của hôn trầm hay xáo động gì trong cái thấy và hạnh của con. Đây là giáo huấn để tu hành trong trung ấm của samadhi.

Ngài đã nói như thế.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư:Trong trung ấm của giấc mộng, làm sao người ta kết nối những khuynh hướng thói quen (với samadhi), như dòng chảy của một con sông?

Đạo sư trả lời: Đây là giáo huấn trong hạnh. Giống như thí dụ một dòng sông không ngừng, nó là giáo huấn hòa lẫn tâm vào lúc mộng vào trạng thái samadhi hiện tại của con.

 

Về điều này, có ba điểm:

  • Hòa lẫn bằng giáo huấn,
  • Hòa lẫn bằng những hoạt động,
  • Và hòa lẫn bằng những nguyên tố.

Thứ nhất, để hòa lẫn bằng giáo huấn, hãy tu hành kinh nghiệm giấc ngủ là lạc và tánh Không không thể phân chia. Điều này cũng có ba điểm:

  • Tập trung tỉnh giác bằng cách rút nó vào trong(1)
  • Tập trung thân bằng cách uốn cong chân tay.
  • Tập trung cả hai, khi trải qua đám khuynh hướng thói quen, bằng cách không tách lìa sự mê mờ của những giấc mộng khỏi kinh nghiệm tánh Không lạc phúc. Khi không tham dự vào những khuynh hướng thói quen, chớ bao giờ tách lìa kinh nghiệm đang ngủ khỏi kinh nghiệm đang tu thiền định.

Khi như vậy, con đã làm chủ trung ấm này.

 

Với việc hòa lẫn bằng những nguyên tố, khi trước hết con tiếp cận giấc ngủ, sự hòa tan này là đất hòa tan vào nước. Khi ý thức bắt đầu chìm xuống, đó là nước hòa tan vào lửa. Trong thời gian này, hãy tu hành tánh Không lạc phúc.

Khi ý thức đã trở nên mờ nhạt, đó là lửa hòa tan vào gió. Cũng vào lúc ấy, hãy tu hành lạc không thể phân chia khỏi tánh Không.

Khi giấc ngủ hoàn toàn chiếm lĩnh, gió hòa tan vào ý thức. Vào lúc ấy, hãy tu trạng thái không phân chia của lạc và tánh Không.

Khi có sự yên tĩnh không có giấc mộng, đó là ý thức hòa tan vào tỉnh thức sáng tỏ. Đó là lúc con ở trong tánh Không lạc phúc, như trạng thái vô sanh không có tư tưởng. Khi như vậy, con làm chủ trung ấm này.

 

Về hòa lẫn bằng những hoạt động, tập chú mãnh liệt vào ý định “tôi sẽ nhận biết khi mộng là giấc mộng!” Khi thực hành lúc ban ngày, hãy giữ ý niệm mọi sự thì giống như giấc mộng. Hãy chấp nhận rằng mọi hiện tượng là những giấc mộng và mọi sướng khổ là như huyễn. Hãy đem đến cho tâm kinh nghiệm thiền định trước kia.

 

Bây giờ, khi sự tu hành của con đã phát triển đến điểm không có khác biệt giữa mộng và thức, bấy giờ, bởi vì mộng tương tự với trung ấm, con sẽ có thể cắt đứt những trạng thái trung ấm do đã tu hành nghĩa ở trên.

 

Hơn nữa, giống như dòng chảy của một con sông là không dứt, hãy tiếp tục tu hành không gián đoạn suốt ban ngày, qua những giấc mộng, và mọi lúc khác. Điều này là giáo huấn về hạnh trong trung ấm của giấc mộng.

Ngài đã nói như thế.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Trong trung ấm của sanh và chết, người ta tiếp tục nghiệp còn lại của mình như nối lại một ống nước bị vỡ như thế nào?

Đạo sư trả lời: Giáo huấn tiếp tục nghiệp còn lại của mình trong trung ấm của sanh và chết giống như nối lại một ống nước bị vỡ có hai phần – nhớ lại bởi sự kiện khác và người chứng ngộ tự nhớ lại.

 

Cái trước là vị thầy hay những bạn pháp của mình cho sự nhắc nhớ như sau:

Tính túy tâm không sanh không chết; nó chính là tâm con. Khi đất hòa tan, thân con không thể dựa vào chính nó và cảm thấy nặng nề. Khi đất hòa tan vào nước, hơi thở ra của con kéo dài và hơi thở vào rút ngắn. Khi nước hòa tan vào lửa, miệng và mũi con khô. Cả thở ra và thở vào đều ngắn. Khi lửa hòa tan vào gió, ý thức con trở nên mờ. Khi gió hòa tan vào ý thức, hơi thở con dừng lại. Đây là lúc con cần tự nhắc nhớ để nâng đỡ sự chú ý của mình. Như vậy, hãy tập trung cả thân và tâm để không bị những hoàn cảnh phủ trùm.

 

Cái được gọi là chết là ý tưởng của chính con. Dù con được phú cho thân thể máu thịt, tâm không là cái gì mà con có thể lìa khỏi. Hãy tự nhớ lại nghĩa của cái thấy và thiền định trước kia.

 

Đây là lúc, như nối lại một ống nước bị vỡ, sau khoảnh khắc trước đã qua, năng lực sự tu hành của con sẽ nối kết trở lại con với khoảnh khắc sau.

 

Đó là giáo huấn về kinh nghiệm để tiếp tục sự làm quen với thực hành trong trung ấm của sanh và chết.

Ngài đã nói như thế.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Trong trung ấm của trở thành, cái gì là giáo huấn nối kết với nghiệp còn lại giống như thắp một ngọn đèn trong một phòng tối?

Đạo sư trả lời: Về điều này, nếu con là người đã tu hành một bổn tôn của Mật Chú, con sẽ xuất hiện trong sắc tướng của bổn tôn trong suốt trung ấm và nhờ đó đạt đến cấp độ của một vị nắm giữ hiểu biết Đại Ấn. Nếu con là người đã tu hành bản tánh của pháp tánh không lỗi lầm, con sẽ nhận biết trạng thái không tư tưởng là pháp thân và do đó đạt đến pháp thân cho chính con và những người khác bằng cách biểu lộ như báo thân và hóa thân để làm lợi lạc cho chúng sanh.

 

Hơn nữa, trung ấm của trở thành thì tương tự với giấc mộng sau khi rơi vào giấc ngủ; khi hơi thở của con dừng lại, ý thức của con tức thời vào trung ấm. Trong trường hợp này, không thay đổi trạng thái trung ấm, những khuynh hướng trước kia của con khiến con nghĩ rằng con có một thân thể, thế nên – trừ phi đến một chứng ngộ tối hậu – con rơi vào vực thẳm của sáu loại chúng sanh.

 

Nếu con làm gián đoạn trung ấm, hoặc con đưa một bổn tôn hay pháp tánh đến tâm nhờ năng lực tu hành của con, con sẽ đóng cửa những thành phố của sáu loại chúng sanh. Khi con không có những cảm thức về thân thể máu thịt, con sẽ trở thành bất cứ cái gì được đưa đến tâm và như vậy phá vỡ sanh tử.

 

Giống như thí dụ thắp một ngọn đèn trong một phòng tối, khi nào tâm của thiền giả ra khỏi thân, nó sẽ không còn ở trong sắc thân của đời trước, nhưng thay vào đó, ngay khoảnh khắc tâm con tách lìa khỏi thân, nó đạt đến pháp thân, cái này được biết là giác ngộ Phật quả trong trung ấm.

 

Hơn nữa, sáu siêu hiểu biết xuất hiện; năm phiền não được bỏ lại và năm trí huệ hiện lên; 84.000 pháp môn đồng thời biểu lộ; và con hành động cho lợi lạc của chúng sanh qua báo thân và hóa thân. Giống như thắp một ngọn đèn trong một phòng tối, con sẽ giác ngộ Phật quả trong chỉ một đời, điều này được gọi là quả toàn thiện tự phát.

Đây là giáo huấn về năm trung ấm được đạo sư Padmasambhava ban cho Đức Bà Tsogyal. Nguyện nó gặp người tiền định với nối kết nghiệp lành.

Được viết ra ở Đỉnh Cây Tùng Xù của những Ngọc Trai Pha Lê, vào ngày thứ hai của tháng cuối cùng mùa thu năm Con Rắn.

 

DẤU ẤN CỦA KHO TÀNG 

DẤU ẤN CHE GIẤU  

DẤU ẤN GIAO PHÓ 

(1) Thường thường lời khuyên là tập trung vào một trong những luân xa.

SHARE:

Trả lời