SHARE:
CHỦ ĐỀ KIM CƯƠNG THỨ TƯ
NHẤT THỂ
“Mọi kinh nghiệm chỉ là tánh giác tự phát sanh”
IV.1 Chỉ bày tánh giác nhất thể tự phát sanh
Và bây giờ, hãy để tôi nói cho bạn về nhất thể:
một mình rigpa là nền tảng của kinh nghiệm,
“xuất hiện như nhiều nhưng không lìa khỏi nhất thể”,
tánh giác tự phát sanh là nguồn nhất thể.
Trong viên ngọc mắt mèo, dưới những điều kiện khác nhau,
những hình ảnh khác biệt của lửa hay nước xuất hiện;
cũng thế, trong một nguồn độc nhất, rigpa nội tại,
những ảo ảnh của cả sanh tử và niết bàn xuất hiện,
một của nhận biết, cái kia của vô minh,
cả hai đặt nền trong tâm thanh tịnh đơn nhất bất nhị.
Dù những cái nhìn thấy rất khác nhau, nhưng như trò phô diễn của cùng một rigpa, chúng không khác biệt trong tinh túy, không lìa khỏi nó.
Mọi sự là một trong căn cứ tâm thanh tịnh:
trong hiện diện toàn bộ tinh túy nơi mọi sự xảy ra,
tất cả chư Phật và chúng sanh,
mọi môi trường và hình thức đời sống, vật chất và năng lượng,
vắng mặt trong nhất thể là một cái nhiều không thể quan niệm,
Thân và ngữ của chư Phật hoặc của chúng sanh
là tâm thanh tịnh, không có nhị nguyên thuộc giác quan,
không thời gian.
Bất cứ nơi nào bất nhị được thành tựu
cái toàn thể được chứng ngộ và là gốc rễ của mọi kinh nghiệm.
(Nguồn tối thượng)
Hạt giống chiều kích số không này bao gồm mọi sự trong khoảnh khắc này.
Sanh tử và niết bàn, mọi quán chiếu thành hình ảnh của rigpa,
ngay khi xuất hiện, là một trong khuôn mặt trống không của nó;
như mộng, say mê, phản chiếu của mặt trăng trong nước,
như bốn cái nhìn thấy, như tơ trời,
một trong tánh Không tối hậu, toàn thể,
nó là bản thân sự đơn giản.
Bởi vì mọi sự là một trường đơn nhất, thanh tịnh từ sơ thủy,
không có nhị nguyên, mọi sự chứa đựng trong hạt giống đơn nhất,
nó là hiện thể thanh tịnh chiều kích số không
của hiện thể thanh tịnh. Hô!
Mọi kinh nghiệm trong ngoài là cùng không gian trống không, những hình ảnh sáng ngời của vắng mặt, và trong đó bản tánh của tâm là một tạng đơn nhất như sự đơn giản không tạo tác của sự sáng ngời trống không như bầu trời trong sáng. Tánh Không của rigpa và tánh Không của những hình tướng chỉ là một vị trong sự bất nhị không mối nối của hạt giống độc nhất. Như vậy, “nguồn là hiện thể thanh tịnh trong không gian trống không chiều kích số không của hạt giống toàn thể độc nhất”.
Nguồn mọi kinh nghiệm là tâm thanh tịnh sáng tạo tất cả;
bất cứ gì xuất hiện, đó là tinh túy của ta;
bất cứ gì xảy ra, đó là sự phô diễn như huyễn của ta.
(Nguồn tối thượng)
Bốn cái thấy tượng trưng cho những giai đoạn đồng hóa với rigpa trong Nhảy Qua. Cái thấy thứ nhất là biết thực tại trong tri giác trực tiếp ở kinh nghiệm ban đầu. Cái thấy thứ hai là tăng cường kinh nghiệm nhìn thấy bằng cách để cho hòa nhập khoảnh khắc và sự tham thiền khởi dẫn bởi tính năng động Phật. Cái thấy thứ ba là rigpa tối ưu, nơi mỗi khoảnh khắc là một ánh sáng lạ thường nhưng còn cặn của thức. Cái nhìn thấy thứ tư là không có cái nhìn thấy, vì mọi dấu vết của thức nhị nguyên đã tan biến và không còn cảm thức về thực tại hay không thực tại (xem câu 56, 41, 65, 67 và câu 122ii).
Trong và như tánh giác tự phát sanh, chúng ta đều là Phật:
Năm nguyên tố biểu lộ trong tâm thanh tịnh,
không nguồn gốc, không thể thoát khỏi nhất như;
dù xuất hiện, sáu loại chúng sanh là sắc tướng trống khống,
tất cả là hình ảnh, không lìa khỏi rigpa;
dù cảm thấy sướng thích hay đau đớn, chúng không rời
khỏi hiện diện toàn thể tinh túy, tánh giác duy nhất:
hãy biết mọi kinh nghiệm là một không gian trống không,
như tánh Không,
thực tại vô sanh đồng nhất của tâm thanh tịnh!
Bất cứ cái gì biểu lộ như thực tại có vẻ vật chất của năm nguyên tố khởi sanh trong rigpa, xuất hiện ở đó, và được giải thoát trong rigpa. Bất cứ cái gì xuất hiện như là chúng sanh cũng sanh khởi ở đó, biểu lộ ở đó, và được giải thoát ở đó. Môi trường và những hình thức đời sống là những sắc tướng của tánh Không.
Hỡi đại nhân!
tâm thanh tịnh là khuôn mặt của tại đây và bây giờ;
hiện thực bất nhị của lạc thú thanh tịnh
khoác vô số sắc tướng mà hoàn toàn vô tướng;
không tạo dựng, không thời gian như bầu trời,
không quy chiếu, “cái một” thì không thể tính đếm.
Khi bản thân tâm thanh tịnh không thể đo lường, chỉ định,
cái được làm từ tâm thanh tịnh thì khác nhau vô cùng.
Cái gì là những hiện tượng được tạo bởi tâm thanh tịnh?
những thế giới bên ngoài và bên trong, vật chất và năng lượng,
chư Phật và chúng sanh,
tất cả tâm thanh tịnh trong bản tánh, được sáng tạo từ tinh túy ấy
tất cả trở nên biểu lộ, hoàn toàn phát lộ;
năm nguyên tố và sáu loại chúng sanh được phát lộ
và hai chiều kích của cái biết (chân đế và tục đế)
cho chúng ý nghĩa:
đây là sự khác nhau vô cùng lưu xuất trong thanh tịnh
bởi bản tánh thanh tịnh của tâm.
(Nguồn tối thượng)
Rigpa như bầu trời, trống không và sáng rỡ, là tánh Không của vô số sắc tướng, tịnh quang tối thượng của tất cả sắc tướng, hiện thể thanh tịnh vô nhiễm từ sơ thủy, trong nó sanh khởi sự phóng chiếu thành sanh tử bất tịnh và niết bàn toàn tịnh. Bất cứ cái gì sanh khởi, không có hình ảnh nào lìa khỏi rigpa và đều không thật. Bất cứ cái gì sanh khởi đều thanh tịnh trong ba chiều kích của rigpa và đó là Phật quả không thời gian.
Và không có chúng sanh nào
đạt đến tánh giác rigpa vào lúc nào đó.
Đúng ra, mọi kinh nghiệm đồng thể
trong tánh giác tự phát sanh
sanh tử thì không hiện hữu
và chỉ vì lý do ấy chúng ta là Phật.
Bản thân sự sanh là chứng ngộ,
thời gian chúng ta trong bào thai là kinh nghiệm
về không gian trống không,
sự thống nhất của thân và tâm là không gian của rigpa,
và đời sống trong thân có ba chiều kích của rigpa.
Tuổi già làm cạn kiệt động lực và phóng chiếu
như huyễn dừng lại,
qua bệnh tật chúng ta hiểu đời sống
cái chết cung cấp sự nhận biết tánh Không:
thế nên chúng sanh đều là Phật!
(Vượt khỏi âm thanh)
Nguồn là chiều kích vô tướng của hiện thể thanh tịnh, và sự biểu lộ xảy ra trong hai chiều kích của sắc tướng – hưởng thụ hoàn hảo (báo thân) và lưu xuất như huyễn (hóa thân).
Không gian trống không hiện thực là siêu tạng của rigpa nội tại
trong đó là cái năng động lực duy nhất của tất cả chư Phật;
cái nhiều không được tạo hình, không cấu trúc phân mảnh,
nó là cung điện không động lay của hiện diện toàn thể:
không có gì ngoài tánh giác tự phát sanh.
Bản tánh không cấu tạo và không phân chia của ta
toàn bộ trường thực tại là sự sáng tạo của ta –
nó không chứa đựng cái gì ngoài bản thân hiện diện toàn thể.
Bản tánh của ta mở bày, trải khắp,
bầu trời trong sáng là cung điện của tánh giác nguyên sơ –
không có gì ngoài tánh giác tự phát sanh.
(Nguồn tối thượng)
Hiện thể thanh tịnh (pháp thân) có thể nhận định như là trường của không gian trống không (pháp giới), nó là bản tánh của rigpa.
Một viên ngọc như ý, một nguồn phong phú
của kinh nghiệm quý báu,
Ba chiều kích của tính tự phát của rigpa là những cõi Phật.
Rigpa là tịnh độ của tất cả cõi Phật: những cái nhìn thấy thanh tịnh của niết bàn và sự tạo thành hình ảnh của vô minh như sáu nẻo sanh tử là sự quán chiếu hay chiếu hiện của ba chiều kích của rigpa. Như vậy, không có gì vượt khỏi và bị loại khỏi vòng bất nhị của ba chiều kích của rigpa.
Ba cõi và chúng sanh
đều chứa đựng trong phương tiện truyền thông của thân, ngữ, tâm,
thế nên chớ tìm kiếm ba chiều kích của rigpa ở đâu khác –
bởi vì tìm kiếm chúng là mất chúng.
Kỳ diệu biết bao khi thấy cái gì không ở đó!
Sự phô diễn kỳ diệu này
của chư Phật và chúng sanh, không phân biệt,
như những đám mây cuộn trong bầu trời trong sáng,
tự phát sanh và toàn thiện tự nhiên.
(Vượt khỏi âm thanh)
Bởi vì ta ở nơi trái tim của mọi kinh nghiệm,
năm nguyên tố, ba cõi, và sáu nẻo,
không có gì khác với thân, ngữ, tâm của ta:
tất cả là bản tánh của ta và mọi sự là sự phô bày của ta.
(Nguồn tối thượng)
Trong hiện thể thanh tịnh toàn khắp, không vật, không biến đổi,
ngoài và trong, vật chất và năng lượng,
sanh khởi như hưởng thụ hoàn hảo,
và những hình tướng, như những phản chiếu,
là chiều kích như huyễn.
Mọi sự hoàn hảo như sự trang hoàng của ba chiều kích,
tất cả là sự lưu xuất của thân, ngữ, tâm Phật.
Vô số tịnh độ của Phật
cũng được lưu xuất trong tạng thực tại ba chiều kích,
và cơ sở của sanh tử, sáu thành phố của vô minh,
cũng lưu xuất ở đó, sự hấp dẫn của thân thể với những bản năng,
và khổ đau xuất hiện như sanh và tử nhị nguyên
tất cả đều được giải thoát trong tạng thân tâm Phật
không có chuyển di hay chuyển hóa.
Tâm, không sanh không tử, như bầu trời,
thân thoáng qua, như bọt,
thân và tâm bất nhị, như một kim cương,
tất cả là tánh giác của rigpa trong tâm kim cương,
nơi không có cái đối địch để làm hư hỏng:
đây là Vajradhara bất biến, vô địch,
vị thầy không ai biết.
(Thành trì kim cương, Garab Dorje)
Trong tạng toàn thể duy nhất, không do ai làm ra,
toàn bộ cung bậc của kinh nghiệm phong phú được phóng chiếu;
nhưng nhân quả được quy về, kinh nghiệm
là một trong căn cứ phóng chiếu của nó
là tánh Không sáng rỡ của thực tại bao la
chiếu sáng trong bầu trời thanh tịnh không không gian thời gian.
Với sanh tử và niết bàn, nhận hay bỏ, chỉ đơn giản bằng cách nhìn vào bất cứ gì xảy ra chúng ta đạt đến tánh Không sáng rỡ của rigpa, làm tiêu tan mọi động cơ, hành động.
Trong tinh túy hiện thực, bản thân rigpa,
không có cái gì được làm ra, thế nên không người sáng tạo,
không sáng tạo – không đấng sáng tạo –
không quan điểm– không cần triết lý –
không cái nhìn thấy – trong mắt là sự sáng tỏ hoàn hảo –
không phóng chiếu – không phóng chiếu thiên lệch –
không nhiễm ô – nối kết toàn bộ –
không tìm kiếm – không nỗ lực –
không riêng biệt – không đa dạng –
không người nhìn – không thời gian!
(Tantra không được viết ra)
Mọi sự chúng ta kinh nghiệm là tâm thanh tịnh:
CỦA THỰC TẠI
Tất cả sanh tử và niết bàn được sáng tạo một cách tự phát,
nhưng bản thân rigpa căn bản, không ai sáng tạo,
như bầu trời, vượt khỏi nỗ lực;
phù hợp với sự giống nhau đó
không gian trống không nhất thể, tạng bao la
làm tịch lặng những cụ thể hóa của cái nhiều.
Ta là vị thầy, nguồn tối thượng, tâm thanh tịnh,
và tâm thanh tịnh là nguồn tối thượng;
chư Phật suốt khắp thời gian làm bằng tâm thanh tịnh,
ba cõi và chúng sanh được tạo bằng tâm thanh tịnh,
môi trường và đời sống chúng sanh làm bằng tâm thanh tịnh,
và vật chất và năng lượng làm bằng tâm thanh tịnh,
Nhân và quả, thí dụ, hiện thực và chứng cớ tất cả đều hòa hợp:
là nguyên nhân, ta tạo ra năm nguyên tố
như là quả, ta tạo ra ba cõi và chúng sanh;
như là thí dụ, ta là ẩn dụ vũ trụ của không gian;
như là hiện thực, ta là chân lý vô sanh phổ quát;
như hiển nhiên, ta là tâm thanh tịnh sáng tạo tất cả;
như là chứng cớ, ta phát lộ tánh giác tự phát sanh:
tất cả năm yếu tố hài hòa như vậy.
Tâm thanh tịnh, độc nhất không do sáng tạo, sáng tạo tất cả;
mọi sự được làm ra có bản tánh của tâm thanh tịnh,
và cái không được tạo ra độc nhất không thể được thiết kế.
Những người không chứng ngộ bản tánh của ta
như là thực tại phổ quát
đối tượng hóa, quan niệm hóa, và đặt tên sự sáng tạo của ta,
và do khao khát và bám luyến, những hình tướng được cụ thể hóa,
họ bám theo những ảo ảnh thoáng qua,
chúng không tránh khỏi chết,
như người mù dẫn dắt những kẻ ngu.
(Nguồn tối thượng)
Ở trái tim của vật chất, vượt khỏi xác định và phủ định,
sự phô diễn của những biến cố bất định, dù chúng là gì,
là tạng của bản tánh của tâm
vượt khỏi mọi diễn tả và lời nói quy ước.
Trong thanh tịnh bổn nguyên
không có “mê lầm”,
thế làm sao có thể có “không mê lầm”?
mê lầm thì thanh tịnh từ ban sơ.
Trong bản thân tánh giác
không có gì được gọi là “vô minh”,
nên không có gì được nhận định là “sai lầm”;
không có “thông minh” để đặt tên,
thế nên “những lỗi lầm ngu ngốc” không bao giờ xảy ra;
không có tên hay ngôn ngữ,
thế nên không có nhận định lầm lẫn;
khái niệm “hiểu biết” không có,
thế nên không thể có mê mờ thuộc tri thức;
bởi vì không có “tâm” hay “nguời suy nghĩ”
nên không thể có tư tưởng mê mờ;
bởi vì cái thô và cái tế là một,
nên không thể có lý luận giả mạo,
“việc đang làm” là một với “người làm”,
thế nên đâu là bám luyến mê lầm?
Bởi vì đối tượng của giác quan không chia tách với giác quan,
không có tri giác nhị nguyên mê lầm.
(Vòng ngọc trai)
Vì không có cái gì có thể được chất thể hóa nên không có kinh nghiệm hay nội quán đơn lẻ nào có ý nghĩa lớn hơn cái khác. Mọi kinh nghiệm bất kỳ đều là tính tự phát của tánh giác nguyên sơ. Không hình ảnh riêng lẻ nào có thể được xem là ở ngoài sự huyễn hóa vũ trụ, cách thế thường hằng của vũ trụ, siêu hình ảnh nguyên mẫu, thế nên mỗi cái thấy hình ảnh, mỗi quán thấy, đều có cùng giá trị tuyệt đối. Cùng lý lẽ đó, không có sự phân biệt giữa mê lầm và sáng tỏ, giữa đúng và sai.
Trong hiện diện toàn thể, tinh túy nơi mọi sự xảy ra,
không có nhị nguyên, nhưng một vô số cái nhiều;
chư Phật và chúng sanh, vật chất và năng lượng, đều rực rỡ,
tất cả không lìa khỏi thực tại duy nhất hiện tiền.
Trong hiện diện toàn thể, tinh túy nơi mọi sự xảy ra,
trong sự vắng mặt của nhất thể,
có một cái nhiều không thể quan niệm;
thân và ngữ của chư Phật hay của chúng sanh
là tâm thanh tịnh, không thời gian,
thoát khỏi nhị nguyên của tri giác.
(Nguồn tối thượng)
Tóm lại, tất cả là một rigpa:
Nối kết nhau trong nhất thể, mọi sự là toàn thiện và trọn vẹn
và đó là phẩm tính được tán dương của tâm thanh tịnh;
bất cứ gì biểu lộ, ngay trong khoảnh khắc ấy,
mọi gán tên quy ước đều được giải quyết.
Như diễn đạt của bản tánh của tâm trống không bất nhị,
những hiện tượng bên ngoài – những đối tượng của hiểu biết –
mọi hiện tượng bên trong – rigpa nguyên sơ trần trụi –
trong thực tại không một không nhiều,
chúng được mở bày ở đây là trường đơn nhất
của rigpa vốn chứng ngộ.
Nhận biết mọi đối tượng có vẻ bên ngoài là những phẩm tính không xác định mà thân thuộc của sự tự diễn đạt của rigpa như ánh sáng khúc xạ trong một lăng kính, chúng ta không tin nữa vào hiện hữu tách biệt của chúng. Thấu hiểu rằng kinh nghiệm bên trong về trường đối tượng thì trơ trụi như rigpa nguyên sơ giống như một lăng kính pha lê, chúng ta biết rằng không có tâm đang tri giác, thì không có bất kỳ tri giác nhị nguyên nào nữa, thế nên “mọi kinh nghiệm được tiêu tan” trong thanh tịnh bổn nguyên. Với trường tri giác bất nhị được nhận biết như là không gian trống không của trò phô diễn của tâm thanh tịnh, trong thực tại độc nhất của tánh giác tự phát, mọi kinh nghiệm đều cùng một vị.
Hiện thể thanh tịnh như tánh Không,
tánh giác tự phát sanh như không gian vô niệm,
là trái tim của tánh Không sáng ngời của rigpa;
qua tánh giác nguyên sơ, trống không, vô ngã
mọi kinh nghiệm là tính tự phát của toàn thiện tự nhiên.
(Dòng gia trì của toàn thiện tự phát sanh)
Không gian trống không của thực tại là một viên ngọc như ý,
trình hiện tất cả và mỗi một sự cách tự nhiên và không cố gắng –
nó là sự vinh quang của tánh giác tự phát sanh
đáp ứng mọi mong muốn,
nền tảng hòa nhập tất cả và nguồn, tâm thanh tịnh,
không hề mất đi, không hề được lại, tâm thanh tịnh bất nhị,
không là ta hay người, một trường trống không của nhất như.
(Sự nối kết ba chiều kích của tánh giác nội tại)
Trong và ngoài là một trong thực tại. Khi những trường bên ngoài và bên trong thống nhất, cái toàn thể là tự diễn đạt sáng rỡ. Về không gian trống không bao trùm tất cả như một đại dương nhất thể nổi sóng, xem câu 26.
IV.2 Đồng hóa mọi kinh nghiệm vào tánh giác đơn nhất tự phát
Sự đồng hóa mọi kinh nghiệm vào cái một vị:
trong trường hình ảnh của những hình tướng trống không
như huyễn,
bất cứ gì xuất hiện, hãy để nó nghĩ ngơi trong
sự đơn nhất tự nhiên của nó,
và trong khoảnh khắc ấy nó xuất hiện chỉ như tánh Không sáng rỡ.
Bất cứ gì xuất hiện, trong khoảnh khắc ấy, hãy để tự nó như sự diễn đạt sáng rỡ của rigpa trong sự sáng tỏ bất định không bám luyến, tánh Không sáng rỡ không do tạo tác của thực tại hiển hiện.
Tri giác tự phát sanh hiện tiền
không tạo tác, hiển hiện tự phát
được thấu hiểu ngay chỗ đồng thời của nhân và quả.
(Kim xí điểu vĩ đại)
Mọi sự được kinh nghiệm trong samadhi vô nhiễm vô thủy:
bất chấp thiền định hay không thiền định,
mọi biến cố bất kỳ là đối tượng của thiền định,
bởi vì không có kỹ thuật nào tham thiền,
để cho những sự vật y như chúng là trong trạng thái tự nhiên,
đó là thiền định.
(Nguồn tối thượng)
Trong bản tánh của tâm không bám níu
Sắc tướng – ánh sáng thanh tịnh là bất định:
Ta, Samantabhadra, phát lộ
“samadhi của sự phô diễn vĩ đại”
(Sáu tạng)
Bất cứ cái gì tri giác, hãy để nó trong tình trạng nguyên sơ của nó, không bị hấp dẫn vì sự rạng rỡ của nó, và ánh sáng trống không rạng rỡ của hiện thể nó tỏa chiếu.
Trong mỗi chuyển động trong tâm có sự tịch lặng giải thoát cho bám luyến vào dòng chảy và như thế mọi hoạt động tâm thức được đồng hóa với tính năng động của tánh giác tự phát sanh nhờ sự giải thoát không bám luyến của tư tưởng vào lúc mới phát sanh.
Trong trường trống không của vô số tư tưởng
và cái nhìn thấy tự tiêu tan,
bất cứ gì chuyển động hãy thư giãn để mặc nó, nó tự rơi rụng,
và sự tham thiền về thực tại sanh khởi trong chuyển động.
Với thấu hiểu rằng cái gì chuyển động là trò chơi của tánh giác tự phát sanh, như nước và các sóng của nó, thư giãn tự do và thong dong đưa lại giải thoát trong sự bất nhị của động và tĩnh.
Những trò chơi xảo quyệt của tâm và thức được đồng hóa
Nơi sự trùng hợp của chân lý và phóng chiếu của thức,
(Kim xí điểu vĩ đại)
Trong cái hiện diện toàn thể và thanh tịnh
của thực tại tự do với thiền định,
bởi vì thiền định và trường thiền định là một,
không cần thiền định, chỉ đơn giản hiện diện là thiền định.
Thực tại tối hậu, nghĩa toàn khắp, thì không nguồn gốc
và khi chúng ta biết mỗi tư tưởng cụ thể như vậy,
bất cứ ý tưởng nào phóng qua tâm,
nó không lay động trong trạng thái không nguồn gốc của nó;
biết mọi ý tưởng bất kỳ là thiền định,
chúng ta ở yên không xao lãng trong không thiền định.
(Nguồn tối thượng)
Trong bản tánh vốn vô niệm của tâm
chuyển động nào cũng vốn là sắc tướng của ánh sáng:
Ta, Samantabhadra, phát lộ
“định tự nhiên thoát khỏi bám níu”.
(Sáu tạng)
Đây là căn bản của lời dạy trong Cắt Đứt về sự nhất thể của tĩnh lặng và chuyển động trong rigpa. Mọi chuyển động đều liên hệ với một điểm tĩnh. Nếu không có điểm tĩnh quy chiếu, như trong tánh giác nguyên sơ và tính năng động của thực tại, chuyển động là bản thân tĩnh lặng. Tâm không bao giờ có thể lang thang bởi vì nó luôn ở điểm tĩnh lặng.
Mọi hình ảnh, dù yên tĩnh hay sanh sôi, chảy tan tức thì vào ánh sáng bất nhị của tánh giác:
Trong khoảnh khắc khi tâm và trường đối tượng
là đồng nhất không mối nối,
hãy thư giãn trong thanh tịnh tự nhiên, không dấu vết,
không mục đích của nó,
và ánh sáng bên trong chiếu soi như tánh giác nguyên sơ.
Duy trì sự đồng hóa của tri giác giác quan và giải thoát ngay khi sanh ra với tánh giác như diễn tả ở trên, tâm và trường đối tượng hợp nhất không mối nối, sự sáng tỏ pha lê xảy ra, và bằng cách như một bức tượng nhìn chằm chằm thẳng vào quang cảnh lấp lánh với mắt và thức, nó chiếu sáng bên trong như tánh giác nguyên sơ không dấu vết.
Bằng cách nhìn thẳng vào trường thực tại sáng rỡ của rigpa,
rigpa, không có nhiều, được thấy ở trong;
nhìn thẳng vào rigpa nội tại của cái nhiều,
hiện thể thanh tịnh vô niệm được tìm thấy bên trong.
(Sư tử chồm)
Về cách đồng hóa thấu hiểu:
Siêu tạng của không hành động không thể dò tìm của hành động,
với thân và ngữ không hoạt động, được đồng hóa thấu hiểu,
ở sự trùng hợp đồng thời của hình tướng và tánh Không.
(Kim xí điểu vĩ đại)
Không có gì để làm, nên không cố gắng!
Không có tiêu điểm nên không có ý niệm về thiền định!
Không có biến dạng, nên chỉ là chánh niệm!
(Nguồn tối thượng)
Trong bản tánh của tâm vượt khỏi trau dồi
sắc tướng – ánh sáng là không có không gian, tự động giải thoát:
Ta, Samantabhadra, phát lộ
“sự tham thiền trùm khắp của mở trống toàn bộ”.
(Sáu tạng)
Tri giác cao cấp, quán chiếu (vipashyana) là nhìn sâu vào tánh Không nội tại của mỗi hình tướng. Khi trong và ngoài là một trường thanh tịnh đơn nhất, tĩnh và động đều là ánh sáng.
Khi ba chức năng then chốt ấy được đồng hóa vào
một tinh túy đơn nhất,
chứng ngộ và không chứng ngộ luôn luôn như nhau,
tâm và trường của nó là một trong hiện thể thanh tịnh,
lỗi lầm và màn che là một trong tính năng động của nhất như
và không ngừng, chúng ta nhập vào trạng thái tự nhiên.
không lỏng hay chặt, chúng ta khám phá tinh túy rốt ráo,
không một cách hở chúng ta an trụ trong thực tại năng động,
và dù muốn dù không, không có chuyển động hay biến đổi.
Trong nhất như bất nhị của tâm và trường đối tượng của nó, tính năng động của rigpa được khám phá nơi không có bám chấp hay để mặc. Trong samadhi tự nhiên của chuyển động vốn là rigpa ở yên tự do, không có sự khác biệt giữa chứng ngộ và không chứng ngộ, và tính năng động không chuyển động của thực tại được khám phá. Qua nhất như bất nhị của lỗi lầm và màn che, chúng là sự bất nhị của tĩnh và động, tính năng động không dứt của rigpa được khám phá.
Ba cái ấy, được đồng hóa thấu hiểu không phân biệt, không lìa khỏi sự diễn đạt sáng tỏ tự nhiên của thực tại, sáu trường giác quan được nới lỏng và thư giãn và những cánh cửa tri giác được mở rộng:
Sự ấm áp của trạng thái tự nhiên thư giãn đích thực
được thấu hiểu ở sự trùng hợp của sanh tử và niết bàn
khi chúng ta thoát vào nơi chốn ban sơ của chính mình.
(Kim xí điểu vĩ đại)
Hãy nghe! Giống như thế, lạc thú thanh tịnh không chủ ý!
thân, ngữ, và tâm không căng thẳng,
không tạo tác, không phóng chiếu tưởng tượng,
để yên cho những tạo dựng cụ thể bề ngoài của trí năng,
chỉ thư giãn trong lạc thú của tánh giác tự phát sanh!
Thân không cưỡng ép, những giác quan không kìm nén,
Ngữ không ngăn ngừa, không có hành động chủ ý,
Tâm, không ở đâu cả, bất động bên trong.
(Nguồn tối thượng)
Bản tánh của tâm nơi cách thái không thay đổi
hãy thiền định trong bình thản siêu việt:
Ta, Samantabhadra, phát lộ
“sự tham thiền của tri giác giác quan thư giãn”.
(Sáu tạng)
Trực giác gồm ba cái này được thấu hiểu bởi thiền giả chứng ngộ tính nhất như của quá khứ, hiện tại, và tương lai:
Với người không lưu giữ và theo đuổi những dấu vết của quá khứ, không dự định tương lai, và người cho phép tri giác hiện tại an nghỉ tự nhiên trong trạng thái của riêng nó, mọi nhận biết tan thành một, không quá khứ hay tương lai, nó được gọi là một tổng hợp, một tinh túy”. Trong yoga của rigpa không thời gian này, bằng cách cho phép những tiến trình tư tưởng tan chìm một cách tự nhiên, sanh tử và niết bàn được hòa nhập vào tính bất nhị. Sự trụ trong những ký ức quá khứ do đó được loại bỏ, chú ý vào tương lai bị chặn đứng, và phân tích về hiện tại tự nhiên tiêu tan. Đó là “yoga của rigpa không thời gian”.
Hơn nữa, người nào không cho là thật quá khứ, tương lai, không tin vào trí năng trong hiện tại, không mất sức cho các cái ấy là “thiền giả trong rigpa hiểu thấu tính không thời gian”.
Người nào không bám vào tham, sân, si quá khứ, không hình dung tham sân, si tương lai, không bác bỏ tham sân si hiện tại là thiền giả trong rigpa đã chứng ngộ tính đồng nhất của sanh tử và niết bàn”, Phật quả của người ấy là sự kéo dài mãi mãi”.
(Sáu tạng)
Qua những kinh nghiệm của yoga không thời gian trong ánh sáng trống không nhất thể của rigpa, bốn thứ cái thấy, thiền định, hạnh, và quả sanh khởi trong tính tự phát kỳ diệu:
Tâm thanh tịnh giống như bầu trời trống không,
không trí nhớ, thiền định tối thượng;
nó là bản tánh chúng ta, không lay động không do tạo tác,
một Phật quả không có dấu hiệu,
một trong cái thấy thoát khỏi thi thiết giới hạn,
một trong thiền định thoát khỏi ý tưởng giới hạn,
một trong hạnh thoát khỏi nỗ lực giới hạn,
và một trong quả thoát khỏi chứng đắc giới hạn.
(Lời được nói: Truyền thống khẩu truyền bí mật, Sri Singha)
Hiện thể thanh tịnh vô niệm là thiền định nguyên sơ tự nhiên;
không đối tượng quy chiếu nào, chúng ta
chứng ngộ thực tại chân thật của mình,
nó là định tất nhiên,
và đó là quả tự nhiên.
(Sư tử chồm)
Trong tập trung nội tại không dứt
không hề có loạn tâm – kỳ diệu biết bao!
(Đống ngọc)
Bằng cách để cho những hình tướng xuất hiện như chúng là (câu 103), tính bất nhị của chủ thể và đối tượng được khám phá, và chúng ta lọt vào sự tham thiền không lấy bỏ. Bằng cách để cho rigpa như nó là, mỗi chuyển động và phóng chiếu của tâm xảy ra trong định tự nhiên, và hiểu đúng hiểu sai thực tại là bình đẳng, tham thiền thường trực được khám phá (câu 104). Trong sự chứng ngộ tính bất nhị của tĩnh và động này (câu 105), lỗi lầm và màn che, ngụ ý hai tiến trình tâm thức của đi lạc và che ám, được bình đẳng, và tham thiền không sai lầm được khám phá.
Bao la! Trống không! Tâm của các vị thầy
thì đồng nhất như bầu trời;
không thể tránh khỏi nó, nó là tạng của hạt giống toàn thể;
vốn giải thoát! với không có chứng ngộ
cũng không có không chứng ngộ;
kinh nghiệm tiêu dung! không có tâm! nó mở rộng đến vô tận.
trên đỉnh tháp của ngọn cờ chiến thắng mãi mãi tung bay
mặt trời và mặt trăng soi sáng những cõi tiểu vũ trụ.
Trên đỉnh tháp của ngọn cờ chiến thắng của chứng ngộ, tịnh quang của mặt trời và mặt trăng của tánh giác tự phát sanh soi chiếu rạng rỡ. Sanh khởi trong tánh Không của rigpa, “nó soi sáng nền tảng của hiện hữu nơi sanh tử và niết bàn được kết buộc”. Vào lúc đó, có sự giải thoát vào nguồn gốc.
Bao trùm tất cả và không thể phân chia! tự do trong tạng
của tính tự phát;
không có hợp nhất hay tách lìa! tự do trong tạng hạt nhân;
sanh khởi trong mọi cách có thể! tự do trong tạng của vô tướng.
(Bản sắc tự do)
Tự do có mặt trong thực tại:
tự do ở cốt lõi, cố gắng nào cũng phí phạm;
tự do không thời gian, không giải thoát nào cần đến;
tự do trong chính nó, không sửa sang nào có thể;
tự do trực tiếp, giải thoát trong sự nhìn thấy;
hoàn toàn tự do, thanh tịnh trong bản tánh;
thường trực tự do, làm quen là thừa;
tự do là tự nhiên, không thể thi thiết.
Nhưng “tự do” chỉ là một quy ước của lời nói,
và ai giải thoát và ai không?
làm sao có người nào được “giải thoát”?
làm sao có người nào thất lạc trong sanh tử?
thực tại thì thoát khỏi mọi quy định phạm vi.
(Vượt khỏi âm thanh)
Tự do thì không thời gian, nên có mặt thường trực;
tự do là tự nhiên nên không có điều kiện;
tự do là trực tiếp, nên có được cái nhìn thấy thanh tịnh;
tự do là không biên giới, nên không bản sắc nào có thể;
tự do là nhất thể, nên cái nhiều tiêu tan.
Những điều kiện được giải thoát như những điều điện,
và như vậy ta tự do với mọi cấu trúc;
những đối tượng được giải thoát như những đối tượng;
nên ta tự do với tri giác nhị nguyên;
một nguyên nhân được giải thoát như bản thân nguyên nhân,
nên ta tự do với nhị nguyên sanh tử của niết bàn;
mọi biến cố giải thoát như những hiện tượng,
nên ta tự do với mọi quy ước ngôn ngữ;
bản thân tâm giải thoát như là tâm,
nên ta tự do với những dấu hiệu, biểu tượng và diễn tả.
Như rửa khỏi dơ với chất dơ,
thanh tịnh được giải thoát bởi thanh tịnh,
mỗi cái độc được chữa lành với cái độc.
Sắt được cắt bởi sắt,
đá đập vỡ bởi đá,
gỗ cháy tiêu bởi gỗ –
mỗi cái là kẻ địch của chính nó,
hay chẳng lẽ không thể có giải thoát trong khoảnh khắc?
(Vòng hạt trai)
Bấy giờ áp dụng nguyên lý của tự do vô nhiễm không thời gian:
Không có tự do qua cố gắng –
chúng ta tự do từ ban đầu.
phương tiện và trí huệ kết hợp nhau
cha và mẹ chúng ta là nguyên nhân thanh tịnh;
sự bộc phát của năng lực nghiệp –
đó là lạc thú thanh tịnh của rigpa;
hạt giống tạo bằng năm nguyên tố –
đó là hình ảnh sanh khởi trong trường tánh Không;
sự thanh thản lạc phúc của phối hợp –
đó là nội quán hoàn hảo sanh khởi từ phương tiện;
với sự đi vào lòng mẹ,
sự tạo hình ảnh bình an của rigpa nội tại được sanh khởi;
trong bảy tuần đầu tiên chứng ngộ khai triển,
trong mười tháng mười địa được vượt qua
vào lúc sanh một tulku (hóa thân) ra đời.
Thân thể được phát triển là trường của
những hình ảnh nguyên mẫu;
hiện thể vật lý là nền của nền tảng của hiện thể;
trong tuổi già mê lầm của chúng ta tiêu tan,
trong bệnh tật chứng ngộ được xác nhận,
và trong cái chết chúng ta tan vào thực tại trống không.
Theo cách ấy, mọi chúng sanh có thân
là hoàn toàn tự do, không cố gắng.
Hô! Hạnh chẳng thay đổi cái gì – đời sống chúng ta vốn đã tự do!
thiền định không hoàn thành cái gì – tâm chúng ta vốn đã tự do!
Quan kiến không thực hiện cái gì – mọi giáo điều đều tự do!
Quả chẳng đòi hỏi cái gì – chúng ta tự do như chúng ta vốn là!
Đỉnh tháp là biểu tượng tịnh quang nhất thể và tánh giác bổn nguyên, sự hợp nhất của mặt trời và mặt trăng (xem câu 58).
Tự do là tự động, tự phát và là một chức năng vốn sẳn của tâm. Tự do trong chính chúng, như tâm thanh tịnh là bản tánh của sanh tử và niết bàn, mọi sự tự giải thoát chính chúng. Như vậy nguyên lý chữa trị vi lượng đồng căn của tự do – cái giống nhau chữa trị cái giống nhau – làm cho Samantabhadra trở thành tất cả chúng ta. Thật vậy chúng ta đều sanh ra như những tulku do toàn thiện tự nhiên: bản sắc của những cá nhân đặc thù như “tulku” mâu thuẫn với giáo điều đòi hỏi từ bỏ của các bản sắc tâm linh (câu 17), và ném chúng ta trở lại trong mê lầm sanh tử.
IV.3 Sự kết buộc của Nhất thể
Rigpa nội tại độc nhất kết buộc mọi kinh nghiệm:
những môi trường và những hình thức đời sống, vô tận và vô biên,
dù sanh tử hay niết bàn, sanh khởi trong không gian trống không;
không gian trống không, bởi thế, bao trùm tất cả kinh nghiệm
ngay nơi khởi nguồn của chúng.
Mọi kinh nghiệm xảy ra trong rigpa; ngay sự xuất hiện ban đầu của chúng ta đã được kết buộc bởi rigpa vốn sẵn.
Tinh túy tâm vô điều kiện
thống trị mọi sự, thực hiện mọi sự.
(Nguồn tối thượng)
Bất cứ xuất hiện phong phú nào sanh khởi trong khoảnh khắc,
không tránh khỏi, nó không bao giờ khác với rigpa,
được kết buộc trong tạng của tánh giác tự phát sanh.
Hiện hữu, ta hiện hữu như tâm thanh tịnh;
an trụ, ta an trụ trong không gian trống không của thực tại,
chiếu sáng, ta chiếu sáng trong bầu trời của rigpa.
(Nguồn tối thượng)
Ngay trong khởi sanh và giải thoát đồng thời,
tan biến vào không gian trống không,
bởi vì rigpa không trở thành cái gì khác ngoài tâm thanh tịnh,
nó được kết buộc bởi thực tại bổn nguyên độc nhất
tiêu dung tất cả.
Cuối cùng, mỗi kinh nghiệm trở về, giải thoát trong rigpa, như những đám mây tan trong bầu trời. Như vậy, tiêu dung trong trường trống không của hiện thể thanh tịnh là rigpa trống không, nó được kết buộc bởi thực tại toàn bộ sẵn có.
Tâm mê lầm, phân biệt giữa giống và khác,
được giải thoát trong nhất thể, vào tạng của thực tại;
nó ngăn chặn hiện diện toàn thể,
tham muốn trong thế giới vật chất,
được giải thoát tức khắc, trong tạng của tánh giác.
(Bản sắc tự do)
Như vậy, mọi biến cố được kết buộc bởi rigpa nhất thể
và rigpa bất định, tinh túy của hiện diện toàn thể,
được kết buộc bởi trái tim của thực tại
không có chuyển di hay thay đổi –
sự trọn vẹn vô điều kiện trong khoảnh khắc!
Bởi vì mọi môi trường và chúng sanh, sanh tử và niết bàn, đều hòa nhập trong rigpa là thực tại của Samantabhadri, không kinh nghiệm nào khác với tâm thanh tịnh của rigpa.
Sanh tử và niết bàn, vật chất và năng lượng,
được tạo bằng năm nguyên tố,
được chứa đựng trong tạng bhaga của Samatabhadri.
(Sư tử chồm)
Như tất cả thế giới, bên trong và bên ngoài,
tất cả sắc tướng của vật chất và năng lượng,
cái có sự sống và không sự sống,
tất cả cái chứa trong không gian, là vắng mặt,
nên là trường bao la, siêu tạng của tâm thanh tịnh,
với chư Phật và chúng sanh,
cái chứa đựng và những nội dung, những môi trường
và hình thức đời sống của nó.
(Nguồn tối thượng)
Ta, nguồn tối thượng, không hề công bố,
với đức Phật nào trong quá khứ hiện khởi trong ta
rằng có cái gì khác ngoài tâm.
Với những vị bây giờ hay sẽ đến trong tương lai,
nguồn tối thượng duy chỉ dạy tâm thanh tịnh.
(Nguồn tối thượng)
Tạng được nhân cách hóa là Samantabhadri, phối ngẫu của Samantabhadra (cũng xem câu 15 và 49).
Không trao truyền nào là cần thiết, bởi vì mọi cái trọn vẹn một cách tự động:
IV.4 Giải quyết mọi kinh nghiệm trong tánh giác tự phát sanh
Chỉ có một giải quyết – bản thân tánh giác tự phát sanh,
nó là không gian trống không không có bắt đầu hay chấm dứt;
mọi sự là trọn vẹn, mọi cơ cấu tan biến,
mọi kinh nghiệm an trụ trong trái tim của thực tại.
Mọi kinh nghiệm vào ngay khoảnh khắc xuất hiện thì không bắt đầu hay chấm dứt, mọi sự được chứa đựng trong tánh giác tự phát sanh, không hề lìa khỏi hiện thực của tánh Không sáng ngời.
Bất động bên trong, không có gì có thể được tìm thấy bên trong,
và xoay ra ngoài, không thể được tạo thành hình ảnh
hay tách biệt;
không đẩy ra không hút vào, lòng bi vô ngã này,
không ai có thể cho hoặc lấy, thì hiện diện ngay từ ban đầu.
(Nguồn tối thượng)
Thế nên kinh nghiệm bên trong và bên ngoài,
tâm và trường của nó, sanh tử và niết bàn,
không có những cấu trúc phân chia thô và tế,
được giải quyết trong trường thực tại
hoàn toàn trống không như bầu trời.
Những đối tượng bên ngoài và bên trong của tri giác, không có những mảnh nhỏ riêng biệt, là những hình ảnh không căn cứ trong không gian trống không của rigpa. Tâm, không có những khoảnh khắc riêng biệt, tự nhiên tan vào tánh Không không dấu vết, được tịnh hóa trong rigpa. Tâm và trường của nó cả hai thanh tịnh như bầu trời, không căn cứ và rốt ráo trống không:
Cả bên trong và bên ngoài đều là chính bên ngoài –
không có những chiều sâu dấu kín có thể quan niệm được
và “hiện hữu vi tế” là một quan niệm sai lầm.
(Ngọn cờ chiến thắng vĩnh cửu, Vairotsana dịch)
và nếu tâm thanh tịnh được thăm dò, nó không là gì cả_
nó không bao giờ hiện hữu, không có nơi chốn,
và không có biến thể trong không gian hay thời gian,
nó là không thể diễn tả, thậm chí vượt qua khỏi biểu tượng_
và qua giải quyết trong tạng rigpa năng động,
nó thế chỗ trí năng_không có tâm!
không có gì có thể được chỉ định như “cái này” hay “cái kia”,
và ngôn ngữ không thể ôm lấy nó.
Hỡi đại nhân, hãy nghe ta!
Bản tánh của ta giống thế này:
Ta là một toàn thể nhất thể
và khi phát lộ, ta phát lộ hai phương diện,
và khi hiện khởi, ta hiện khởi như chín cách sống,
và khi hòa nhập, ta hòa nhập thành toàn thiện tự nhiên,
và khi an trụ, ta an trụ trong không gian trống không của thực tại,
và khi hiện hữu, ta hiện hữu như là tâm thanh tịnh,
và khi chiếu sáng, ta chiếu sáng trong bầu trời rigpa,
và khi bao gồm, ta bao gồm những hình thức đời sống
và môi trường,
và khi hiện khởi, ta hiện khởi như vật chất và năng lượng.
Nhưng đã phát lộ, ta không có thuộc tính cụ thể,
và ta không thể được thấy như một đối tượng,
và ta không thể được biết trong diễn đạt ngôn ngữ,
và bởi vì bản tánh của ta không từ một nguyên nhân,
ta tự do với tất cả mọi đặt tên.
Để hiểu bản tánh của ta với sự chắc chắn,
hãy lấy bầu trời như minh họa,
“Thực tại không nguồn gốc” như định nghĩa,
và bản tánh khó nắm bắt của tâm như bằng chứng.
Như “thực tại giống bầu trời”
nó được chỉ ra bởi sự tương tự của bầu trời hay không gian;
như “thực tại không quy chiếu”
sự bất khả của việc đối tượng hóa nó được chỉ ra;
như “không thể diễn đạt trong lời nói”,
thành ngữ “không thể diễn đạt”
chỉ bày bản tánh của ta là không quy chiếu.
Lời dạy khúc chiết này để làm sáng tỏ hiện thực của ta;
nó đủ cho ngươi để chứng ngộ thực tại của ta.
Nếu điểu này không đủ,
bấy giờ bất kể thế nào ta nói về nó,
chúng ta sẽ không gặp,
và lạc khỏi ta, mờ rối bản tánh của ta,
ngươi sẽ không chứng ngộ trái tim của thực tại.
(Nguồn tối thượng)
Trong tạng không tên, không tạo dựng,
mọi kinh nghiệm của sanh tử và niết bàn được giải quyết;
trong tạng của rigpa trống không vô sanh
mọi kinh nghiệm phân biệt của rigpa được giải quyết;
trong tạng vượt khỏi trí huệ và vô minh
mọi kinh nghiệm của tâm thanh tịnh được giải quyết;
trong tạng nơi không có chuyển di hay biến đổi
mọi kinh nghiệm, rốt ráo và hoàn toàn trống không, được giải quyết.
Mọi kinh nghiệm của sanh tử và niết bàn, sanh khởi trong không gian đơn giản và không cấu trúc của rigpa, cuối cùng được giải quyết trong cùng một không gian ấy.
Nơi chốn của giải thoát là ngay nơi nó bắt đầu.
(Vượt khỏi âm thanh)
Mọi kinh nghiệm được giải quyết trong rigpa trống không, vô sanh:
Trò phô diễn kỳ diệu này
là không hành động như không gian nguyên sơ.
(Ngọn cờ chiến thắng vĩnh cửu)
Mọi biến cố của tâm thanh tịnh được giải quyết trong tính bất nhị:
Lạc thú thanh tịnh của tính tự phát sanh khởi
từ thần lực nội tại của rigpa,
rigpa của tánh giác nguyên sơ toàn thể,
đó là sự bất nhị của trí huệ và vô minh,
và không thể tìm thấy ở nơi nào khác.
(Ngọn cờ chiến thắng vĩnh cửu)
Mọi kinh nghiệm trống không được giải quyết không cần chuyển hóa:
Bất biến, nó là đơn giản chỉ hiện hữu,
và giống như bầu trời vô tận,
thực tại là không có gì cả.
(Ngọn cờ chiến thắng vĩnh cửu)
Như vậy, thực tại của ba chiều kích của rigpa trong tánh giác rigpa tự phát sanh, bản tánh thanh tịnh của nó từ sơ thủy, là tính siêu tự phát của tánh Không sáng rỡ:
Như bản tánh của thân kim cương,
ta bất biến và bất hoại;
như bản tánh của lời hoa sen,
ta là tinh túy có khắp, bất định;
như bản tánh của vòng của tâm,
ta là siêu định vô niệm.
(Tantra của giới thiệu trực tiếp)
Ba chiều kích của rigpa là tịnh quang của tánh Không:
không có gì vĩnh cửu, không có gì có chất thể,
không có gì vô thường, thân Phật là tịnh quang;
không phân biệt, không trong hay ngoài,
thân Phật là không gian trống không trong suốt;
tánh Không không thể phân chia
và hình tướng không thể nắm bắt,
thân Phật là không sanh, không diệt, và không động.
Ngữ Phật vốn không nguồn gốc
không kết hợp, không ý nghĩa,
vượt khỏi mọi lời nói và diễn tả.
Tâm Phật là sự thanh tịnh như bầu trời của rigpa
không có tâm, ý, ý thức –
không cảm nhận, không cảm giác,
không ý niệm, không cảm thức về tự ngã,
không nghiệp lực, nên không tái sanh
không thức nên không mê lầm
không năm trường giác quan, nên không bám nắm,
không tham muốn, nên không trói buộc,
không đức hạnh hay thói xấu, nên không nghiệp quả,
và không bản sắc tự ngã, nên không ích kỷ.
Với năm cửa mở rộng của tánh giác nguyên sơ,
bản tánh của mọi sự là cùng Phật tánh,
thân ngữ, và tâm không nhiễm ô,
và không có cái thấy, không thiền định, không hạnh,
không có những con đường để vượt, không có những địa để leo.
(Bí mật tối thượng: tâm của tất cả Như Lai)
Tánh giác vô niệm của ánh sáng là hiện thể thanh tịnh
sự tự phô diễn nội tại của nó là hưởng thụ
của tỉnh thức không thời gian;
và các khác biệt được giải quyết, lòng bi là lưu xuất như huyễn.
Mọi cấp độ của hiện thể và mọi cách thức đời sống
được thấm nhuần bởi hiện diện toàn thể –
không tiến trình đưa đến hiện diện thanh tịnh này,
và cố gắng tiếp cận nó, tánh giác nguyên sơ lùi lại.
Nhàn nhã và phóng túng, không tích tập gì,
nhưng kho công đức và trí huệ luôn luôn đầy,
không thực hành, không tu tập, không tịnh hóa,
Nhưng những màn che của phiền não (phiền não chướng)
và trí huệ (sở tri chướng) luôn luôn trong suốt.
(Cõi giới của toàn giác)
Chủ đề thứ tư của Kho tàng, của Toàn thiện tự nhiên, chỉ ra một cách không thể bác bỏ rằng mọi kinh nghiệm chỉ là tánh giác căn bản của rigpa, chấm dứt ở đây.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS