Phẩm Thứ Mười: KỆ TỤNG – Phần 2

SHARE:

Phẩm Thứ Mười

KỆ TỤNG

Phần 2

Nếu các người tu hành

Chẳng khởi ra phân biệt

Không lâu đắc tam muội

Lực, thông, và tự tại.

Người tu hành chẳng nên

Vọng chấp theo vi trần

Thời, thắng tánh, tác giả

Duyên sanh ra thế gian.

Thế (gian) từ tự phân biệt

Thảy thảy tập khí sanh

Người tu hành nên quán

Các hữu như mộng huyễn.

Xa lìa kiến thường hằng

Phỉ báng và kiến lập

Thân, tài sản, chỗ ở

Chẳng phân biệt ba cõi.

Chẳng tư tưởng ăn uống

Chánh niệm đoan thân trú

Mỗi mỗi cung kính lễ

Chư Phật và Bồ tát.

Khéo hiểu nghĩa kinh luật

Pháp lý thú chân thật

Năm pháp, hai vô ngã

Cũng tư duy tự tâm.

Nội chứng tánh pháp tịnh

Các địa đến Phật địa

Hành giả tu tập pháp

Ngồi hoa sen, (được) quán đảnh.

Trầm luân trong các nẻo

Chán lìa với các hữu

Đến chỗ yên vắng vẻ

Tu tập các quán hạnh.

Có vật không nhân sanh

Vọng nói lìa đoạn thường

Cũng nói lìa hữu vô

Vọng chấp là trung đạo.

Vọng kế luận vô nhân

Vô nhân là đoạn kiến

Vì chẳng rõ ngoại vật

Mà hoại diệt trung đạo.

Sợ sa vào đoạn kiến

Chẳng xả bỏ chấp pháp

Vì kiến lập, phỉ báng

Vọng nói là trung đạo.

Bởi biết rõ duy tâm

Bỏ lìa các ngoại pháp

Cũng lìa vọng phân biệt

Hành vậy hợp trung đạo.

“Người tu hành nên quán, các hữu như mộng huyễn” thì “không lâu đắc tam muội”, trụ duy tâm. Để đi đến đó hành giả phải huy động những gì mình có thể làm trong toàn bộ Phật pháp. Giới thân: “chẳng tư tưởng ăn uống, chánh niệm đoan thân trú, đến chỗ yên vắng vẻ, tu tập các quán hạnh”. Lòng sùng kính: “Mỗi mỗi cung kính lễ, chư Phật và Bồ tát”. Từ bỏ: “Chán lìa với các hữu”. Tư duy, thiền định, quán sát” “Khéo hiểu nghĩa kinh luật, pháp lý thú chân thật, năm pháp hai vô ngã, cũng tư duy tự tâm”.

Để đạt đến biết rõ duy tâm, hành giả phải được hỗ trợ bởi 37 phẩm trợ đạo, càng có nhiều, càng hoàn thiện chúng càng tốt. Tất cả mọi thực hành đều đặt nền trên nền tảng duy tâm như huyễn, vì duy tâm như huyễn là Trung đạo, không sa vào kiến chấp hữu vô.

Như huyễn là duy tâm, duy tâm là như huyễn.

 

Duy tâm không có cảnh

Không cảnh tâm chẳng sanh

Ta cùng chư Như Lai

Nói đó là trung đạo.

Hoặc sanh hoặc chẳng sanh

Tự tâm vô tự tánh

Hữu vô thảy đều Không

Chẳng nên phân biệt hai.

Chẳng thể khởi phân biệt

Người ngu cho giải thoát

Tâm không giác trí sanh

Sao đoạn được hai chấp?

Bởi giác rõ tự tâm

Đoạn được hai sở chấp

Hiểu rõ nên đoạn được

Chẳng phải không (thể) phân biệt.

Biết rõ chỉ tâm hiện

Phân biệt tức chẳng khởi

Vì phân biệt không khởi

Tâm Chân Như chuyển y (khỏi bất tịnh).

Nếu thấy pháp sanh khởi

Lìa các lỗi ngoại đạo

Là Niết bàn người trí

Chẳng phải là diệt hoại.

Ta cùng chư Phật nói

Giác vậy tức thành Phật

Nếu còn phân biệt khác

Đó là luận ngoại đạo.

Chẳng sanh mà hiện sanh

Chẳng diệt mà hiện diệt

Khắp cả các ức cõi

Đốn hiện như trăng (trong) nước.

Một thân là nhiều thân

Như lửa cháy, mưa rơi

Tùy cơ trong tâm hiện

Thế nên nói duy tâm.

Tâm cũng là duy tâm

Phi tâm cũng tâm khởi

Thảy thảy các sắc tướng

Thông đạt đều duy tâm.

Duy tâm thì không có cảnh, và không có cảnh thì tâm chẳng sanh. Duy tâm là tâm vô niệm, là tánh Không. Vô niệm không phải là không có niệm nào, niệm sanh hay chẳng sanh đều vô tự tánh, đều là tánh Không.

Người ngu cho rằng giải thoát là tâm không có cái gì sanh cả, không biết cái gì cả, “tâm không trí giác sanh”, đó là chấp không. Người trí thì thấy có pháp sanh nhưng như huyễn, nên thấy sanh mà vẫn giải thoát, chứ không phải là đoạn diệt: “Nếu thấy pháp sanh khởi, lìa các lỗi ngoại đạo, là Niết bàn người trí, chẳng phải là hoại diệt”. Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy trung đạo là Như huyễn tam muội.

Sanh hay chẳng sanh, “có hay không thảy đều Không”. Duy tâm là tánh Không vượt khỏi tĩnh và động, chẳng sanh và sanh, không và có. Duy tâm là tánh Không, là tự do tối hậu và cùng khắp, vì hiện mà chẳng hiện.

Khi biết mọi cái thấy, nghe, nghĩ, biết đều chỉ là tâm hiện, bấy giờ phân biệt không khởi, tâm Chân Như ra khỏi thức phân biệt hư vọng, tất cả chỉ là một tâm Chân Như. Trong đó chẳng sanh mà hiện sanh, chẳng diệt mà hiện diệt, sanh diệt và vô sanh vô diệt hoàn toàn là một. Đây là ý sanh thân rốt ráo, như trăng khắp hiện trong nước, như lửa cháy thì cháy khắp cả, như mưa thì rơi ở khắp cả. “Một thân làm nhiều thân”: một vật đặt trong một căn phòng làm bằng rất nhiều tấm kiếng (tất cả duy tâm) thì vật ấy trở thành vật trong tất cả các tấm kiếng. Bóng hiện trong tất cả gương, nhưng tất cả bóng đều như huyễn.

“Thảy thảy các sắc tướng, thông đạt đều duy tâm”. Sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười tám giới… tất cả đều duy tâm. Khởi tất cả mà vẫn giải thoát, bởi vì không có gì khởi cả: “Phi tâm cũng tâm khởi”.

 

Chư Phật và Thanh Văn

Duyên Giác thảy hình tướng

Và thảy thảy các sắc

Đều nói là duy tâm.

Từ nơi vô sắc giới

Cho đến trong địa ngục

Hiện khắp vì chúng sanh

Đều là duy tâm làm.

Các tam muội như huyễn

Cùng với ý sanh thân

Mười địa cùng tự tại

Đều do chuyển y đắc.

Người ngu bị tướng chuyển

Theo thấy nghe hay biết

Tự phân biệt điên đảo

Hý luận làm cho động.

Tất cả Không, vô sanh

Ta thật chẳng niết bàn

Hóa Phật ở các cõi

Nói tam thừa nhất thừa.

Phật có ba mươi sáu

Mỗi cái có mười thứ

Tùy tâm thức chúng sanh

Mà hiện các cõi nước.

Pháp Phật ở thế gian

Giống như tánh vọng kế

Tuy thấy có thảy thảy

Mà thật vô sở hữu.

Pháp Phật là chân Phật

Ngoài ra đều Hóa Phật

Tùy chủng tử chúng sanh

Thấy Phật hiện ra thân.

Vì mê lầm các tướng

Mà khởi ra phân biệt

Phân biệt không khác chân

Tướng chẳng phải phân biệt.

Tự tánh cùng thọ dụng

Hóa thân và hiện hóa

Phật đức ba mươi sáu

Đều do tự tánh thành.

Tất cả chư Phật, Duyên Giác, Thanh Văn, Bồ tát và các chúng sanh và tất cả các cõi đều là duy tâm hiện, ở trong duy tâm và là duy tâm. Càng chứng duy tâm chừng nào thì càng ở bậc cao chừng ấy và có mọi diệu dụng chừng ấy. Tất cả đồng một duy tâm. Ngay cả chúng sanh cũng sống, tạo nghiệp, phân biệt hư vọng cũng trong và trên duy tâm vì không có gì ngoài và khác với duy tâm: “phân biệt không khác chân, tướng chẳng phải phân biệt”.

 

Do ngoại huân tập (khí) chủng (tử)

Mà sanh ra phân biệt

Không giữ cái chân thật

Mà giữ chỗ vọng chấp.

Mê lầm nơi nội tâm

Và duyên ở ngoại cảnh

Chỉ do hai khởi này

Không còn duyên thứ ba.

Mê lầm y trong ngoài

Mà đã có sanh khởi

Sáu, mười hai, mười tám

Nên ta nói là tâm.

Biết chỉ có căn cảnh

Tức lìa khỏi ngã chấp

Ngộ tâm không cảnh giới

Tức lìa khỏi pháp chấp.

Do y nơi bản thức

Mà có các thức sanh

Do y vào nội xứ

Có tợ ảnh ngoài hiện.

Vô trí luôn phân biệt

Hữu vi và vô vi

Đều tất chẳng thể đắc

Như mộng, sao, vòng tóc.

Như thành Càn thát bà

Như huyễn, lửa trong nước

Chẳng có mà thấy có

Pháp duyên khởi cũng vậy.

Ta y ba thứ tâm

Giả nói căn, cảnh, ngã

Mà tâm, ý, thức kia

Tự tánh không chỗ có.

Tâm, ý và các thức

Vô ngã và hai thứ

Năm pháp, ba tự tánh

Là cảnh giới chư Phật.

Nhân tập khí là một

Mà thành nơi ba tướng

Như lấy một màu sắc

Vẽ tường thấy đủ thứ.

Năm pháp, hai vô ngã

Tự tánh, tâm, ý, thức

Ở trong chủng tánh Phật

Đều trọn chẳng thể đắc.

Xa lìa tâm, ý, thức

Cũng lìa khỏi năm pháp

Lại lìa ba tự tánh

Đây là chủng tánh Phật.

Nếu nghiệp thân, ngữ, ý

Chẳng tu pháp trắng sạch

Tịnh chủng tánh Như Lai

Bèn lìa khỏi hiện hạnh.

Do tập khí chủng tử trong tâm mà có phân biệt tâm và cảnh ở ngoài tâm. Từ hai cái khởi này mà có ta người, thế giới, chúng sanh… tất cả sanh tử. Cho nên tu là lìa bỏ ngã chấp và pháp chấp.

“Biết chỉ có căn cảnh, tức lìa khỏi ngã chấp”: căn cảnh duy tâm mà hiện, như huyễn, không có ngã ở đâu cả. “Ngộ tâm không cảnh giới, tức là khỏi pháp chấp”: quán thấy “hữu vi và vô vi, đều trọn chẳng thể đắc”, là chứng đắc được vô pháp.

Vô ngã và vô pháp, vì tất cả duy tâm tạo nên như huyễn, đó là Đại thừa.

 

Thần thông, lực, tự tại

Tam muội tịnh trang nghiêm

Thảy thảy ý sanh thân

Là tịnh chủng tánh Phật.

Nội tự chứng vô cấu

Xa lìa nhân của tướng

Địa tám và Phật địa

Tánh Như Lai viên thành.

Viễn hành và Thiện huệ

Pháp vân và Phật địa

Đều là Phật chủng tánh

Ngoài ra nhị thừa nhiếp.

Tâm Như Lai tự tại

Nhưng vì các người ngu

Vì tướng tâm sai khác

Nói ra bảy thứ địa.

Địa thứ bảy chẳng khởi

Lỗi lầm thân, ngữ, ý

Sở y địa thứ tám

Như qua sông trong mộng

Địa tám và địa năm

Hiểu rõ công xảo minh

Các Phật tử hay làm

Vua trong các cõi hữu.

Người trí chẳng phân biệt

Hoặc sanh hoặc chẳng sanh

Không cùng với chẳng không

Tự tánh, vô tự tánh

Chỉ duy là tâm lượng

Mà thật chẳng thể đắc.

Vì các Nhị thừa nói

Đây thật, đây hư vọng

Chẳng vì các Phật tử

Nên chẳng nên phân biệt.

Hữu, phi hữu đều không

Cũng không tướng sát na

Pháp thật, tợ cũng không

Duy tâm, bất khả đắc.

Có pháp là tục đế

Đệ nhất nghĩa vô tánh

Mê lầm nơi vô tánh

Đó tức là thế tục.

Tất cả pháp đều Không

Ta vì các phàm ngu

Tùy tục giả thi thiết

Nhưng đó không chân thật.

Các Phật pháp, năm pháp, hai vô ngã, ba tự tánh, tâm, ý, thức, ở trong chủng tánh Phật, tức là ở trong Phật tánh, đều trọn chẳng thể đắc. Trong chủng tánh Phật có tất cả phàm thánh, tất cả pháp nhưng tất cả đều bất khả đắc, như huyễn. Thấy tất cả chỉ duy là tâm lượng, nên đều bất khả đắc, như huyễn, đó là ở trong “hiện hạnh” của chủng tánh Phật. Đây là thật nghĩa của duy tâm: “Duy tâm bất khả đắc”, “đệ nhất nghĩa vô tánh”.

Thấy được duy tâm như huyễn và an trụ trong đó là bước vào các địa, cho đến địa thứ tám, thì sanh tử luân hồi và nỗ lực để giải thoát khỏi nó chỉ là giấc mộng giờ đây tỉnh giấc. Từ đó tiến lên Thiện Huệ địa, Pháp Vân địa cho đến Phật địa.

 

Pháp do ngôn ngữ khởi

Nghĩa bèn có hoạt động

Quán thấy chỗ ngôn sanh

Tức trọn chẳng thể đắc.

Như lìa tường không tranh

Lìa thể chất không ảnh

Tạng thức nếu thanh tịnh

Các sóng thức chẳng sanh.

Y pháp thân có báo (thân)

Từ báo khởi hóa thân

Đó là căn bản Phật

Còn đều hóa Phật hiện.

Chẳng nên vọng phân biệt

Không cùng với chẳng không

Vọng kế nơi hữu vô

Lời, nghĩa bất khả đắc.

Phàm ngu vọng phân biệt

Đức, thật, trần tụ sắc

Mỗi mỗi trần đều không

Thế nên không cảnh giới.

Chúng sanh thấy ngoại tướng

Đều do tự tâm hiện

Chỗ thấy đã chẳng có

Nên không các ngoại cảnh.

Như voi lún trong bùn

Không thể nào di động

Thanh Văn trụ trong định

Chìm đắm cũng như vậy.

Nếu thấy các thế gian

Là tập khí làm nhân

Lìa hữu vô bốn câu

Pháp vô ngã giải thoát.

Có tánh là vọng kế

Duyên khởi là y tha

Chân Như là viên thành

Ta thường nói trong kinh.

Tâm, ý cùng với thức

Phân biệt cùng biểu thị

Bản thức tạo ba cõi

Đều là tâm khác danh.

Thọ mạng, hơi ấm, thức

A lại da mạng căn

Ý cùng với ý thức

Đều phân biệt, khác danh.

Tâm hay giữ cho thân

Ý thẩm xét suy lường

Ý thức cùng năm thức

Biết cảnh giới tự tâm.

Nếu thật có ngã thể

Khác uẩn hay trong uẩn

Nơi ấy tìm ngã thể

Rốt ráo chẳng thể đắc.

Niệm niệm quán thế gian

Đều là tự tâm hiện

Với phiền não ngủ ngầm

Lìa khổ được giải thoát.

Thế gian thấy có hoạt động thì ấy là sự hoạt động của danh tướng. Thiếu danh hay ngôn ngữ phân biệt bèn không có hoạt động, bèn bất động. Tạng thức nếu thanh tịnh, các sóng thức chẳng khởi, tâm cảnh đều bất động.

Thấy cảnh giới, thế giới bên ngoài đều là do tập khí  của tự tâm mà hiện. Thấy tự tâm gồm tám thức là duyên sanh lẫn nhau, nên vô tự tánh, không có ngã thể. Tâm và cảnh chỉ là duyên sanh của vọng kế tự tánh và duyên khởi tự tánh hay y tha khởi tự tánh, tâm cảnh đều duyên sanh vô tự tánh nên như huyễn. Khi thấy tâm cảnh là vô tự tánh, như huyễn tức thời thấy viên thành thật hay Chân Như, nền tảng của mợi chân vọng, mọi sanh tử và Niết bàn.

Bấy giờ tám thức, căn cảnh, thân tâm, thế giới, chúng sanh chỉ là Một Tâm. Tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm đều chỉ là tâm, “bản thức tạo ba cõi, đều là tâm khác danh”, “đều phân biệt, khác danh”.

 

Thanh Văn là tận trí

Duyên Giác tịch tĩnh trí

Trí huệ của Như Lai

Sanh khởi vô cùng tận.

Ngoài thật không có đắc

Duy tự tâm mà hiện

Người ngu không giác biết

Vọng phân biệt hữu vi.

Không biết ngoại cảnh giới

Thảy thảy đều tự tâm

Người ngu dùng nhân, dụ

Bốn câu mà thành lập.

Người trí thì rõ biết

Cảnh giới tự tâm hiện

Không dùng tông, nhân, dụ

Bốn câu mà thành lập.

Phân biệt chỗ phân biệt

Đó là tướng vọng kế

Y chỉ nơi vọng kế

Mà khởi thêm phân biệt.

Xoay vần y lần nhau

Đều nhân một tập khí

Cả hai đều là khách

Chẳng (phải) tâm chúng sanh khởi.

Sống ở trong ba cõi

Phân biệt tâm, tâm sở

Chỗ khởi tự cảnh giới

Là tự tánh vọng kế.

Bóng hình cùng chủng tử

Hợp thành mười hai xứ

Sở y, sở duyên hợp

Nói có sự được tạo.

Giống như bóng trong gương

Mắt lòa thấy vòng tóc

Tập khí lại như vậy

Phàm phu khởi vọng kiến.

Nơi cảnh (do) tự phân biệt

Mà khởi thêm phân biệt

Như ngoại đạo phân biệt

Ngoại cảnh chẳng thể đắc.

Như ngu không biết dây

Lầm cho là con rắn

Chẳng rõ tự tâm hiện

Vọng phân biệt ngoại cảnh.

Tự thể dây như vậy

Tánh một khác đều lìa

Chỉ tự tâm điên đảo

Vọng khởi phân biệt dây.

Khi vọng kế phân biệt

Mà tánh nó chẳng có

Làm sao thấy không có

Mà khởi lên phân biệt?

Tánh sắc vô sở hữu

Các vật thảy như vậy

Chỉ do phân biệt sanh

Chỗ thấy rốt không có.

Trí Thanh Văn, Duyên Giác là trí diệt tận định, tịch tĩnh bất động. Trí huệ Phật vượt lên sự bất động này mà sanh khởi vô cùng tận, sanh mà vô sanh, sanh khởi như huyễn. Sanh khởi vô cùng tận vì đã về đến nguồn của năng lực như huyễn.

Gương chỉ là gương sáng, tất cả chỉ là gương sáng, đây là viên thành thật. Trên đó khởi lên phân biệt vi tế vô thức thì có y tha khởi hay duyên khởi. Sự phân biệt bắt đầu từ đó, có không gian có thời gian, có chuyển động có tịch lặng… Trên sự phân biệt y tha này lại khởi thêm phân biệt để thành danh và tướng, đây là vọng kế.

Biết vọng kế và y tha là như huyễn như mộng, duy tâm mà khởi hiện bèn ở ngay trong viên thành thật. Viên thành thật chính là duy tâm, vọng kế và y tha có khởi hay không khởi cũng chỉ là viên thành thật, chỉ là duy tâm.

 

‘Vô thủy trong hữu vi

Mê lầm khởi phân biệt

Pháp nào khiến mê lầm

Xin Phật nói cho con.’

Các pháp vô tự tánh

Chỉ duy tâm có hiện

Chẳng rõ biết tự tâm

Thế nên sanh phân biệt.

Như chỗ ngu phân biệt

Vọng kế thật chẳng có

Có cái khác với kia

Mà ngu không biết được.

Cái các bậc thánh có

Người ngu chẳng thể biết

Nếu thánh đồng với phàm

Thánh cũng có hư vọng.

Vì tâm thánh thanh tịnh

Thế nên không mê lầm

Phàm ngu tâm chẳng tịnh

Nên có vọng phân biệt.

Như mẹ nói con nhỏ:

Con chớ nên khóc lóc

Hư không có quả rớt

Đủ thứ tha hồ lấy.

Ta vì chúng sanh nói

Các thứ quả vọng kế

Khiến họ ham vui rồi

Pháp thật lìa hữu vô.

Trước, các pháp không có

Các duyên chẳng hòa hợp

Vốn chẳng sanh mà sanh

Tự tánh vô sở hữu.

Pháp chưa sanh chẳng sanh

Lìa duyên chẳng thể đắc.

Quán thật các duyên khởi

Chẳng hữu cũng chẳng vô

Chẳng hữu vô bốn câu

Bậc trí chẳng phân biệt.

Các người ngu ngoại đạo

Vọng nói tánh một khác

Chẳng biết các duyên khởi

Thế gian như huyễn mộng.

Đại thừa ta vô thượng

Siêu vượt khỏi danh ngôn

Nghĩa nó rất rõ ràng

Người ngu chẳng hay biết.

“Các pháp vô tự tánh, chỉ duy tâm có hiện, chẳng rõ biết tự tâm, thế nên sanh phân biệt”: phải rõ biết tự tâm, nền tảng của mọi cái có, cái không có, của sanh tử và Niết bàn huyễn mộng. Biết rõ tự tâm mới không tiếp tục sanh thêm phân biệt, sanh thêm nghiệp sanh tử.

Các pháp chưa từng có trước đây, các pháp chưa sanh chẳng bao giờ sẽ sanh, các pháp hiện nay cũng không có vì không sanh. Duyên khởi cao cấp của kinh này là thật tướng của duyên khởi là vô sanh, do đó thế gian như huyễn mộng, như hoa giữa hư không. Trong vô minh, người phàm có bao nhiêu thứ sanh là có bấy nhiêu sanh tử trói buộc. Trong giác ngộ, bậc thánh có bao nhiêu thứ sanh là có bấy nhiêu trí huệ giải thoát.

 

Thanh Văn và ngoại đạo

Chỗ nói đều nhỏ hẹp

Khiến nghĩa đều biến đổi

Đều do vọng kế khởi.

Các tướng và tự thể

Hình trạng cùng với tên

Bốn thứ này duyên nhau

Mà khởi các phân biệt.

Chấp Phạm, tự tại, làm

Một thân cùng nhiều thân

Cùng nhật nguyệt vận hành

Họ chẳng là con ta.

Đầy đủ nơi thánh kiến

Thông đạt pháp như thật

Khéo léo chuyển các tưởng

Đến bờ kia của thức.

Dùng ấn giải thoát này

Vĩnh viễn lìa hữu vô

Và lìa khỏi đến, đi

Là con trong pháp ta.

(Cho rằng) Nếu sắc thức chuyển diệt

Các nghiệp bị hoại mất

Đó là không sanh tử

Cũng không thường, vô thường.

Nhưng khi chúng chuyển diệt

Tuy bỏ lìa sắc xứ

Nghiệp ở A lại da

Lìa lỗi lầm hữu vô.

Sắc thức tuy chuyển diệt

Mà nghiệp không hoại mất

Khiến ở trong các cõi

Sắc thức lại tương tục.

Nếu các chúng sanh kia

Nghiệp đã khởi hoại mất

Tức không có sanh tử

Cũng không có Niết bàn.

Nếu nghiệp cùng sắc thức

Cùng thời mà diệt hoại

Trong sanh tử có sanh

Thì sắc, nghiệp không khác.

Sắc, tâm và phân biệt

Chẳng khác, chẳng không khác

Người ngu nói diệt hoại

Mà thật lìa hữu vô.

Duyên khởi cùng vọng kế

Chuyển vần không tướng riêng

Như sắc cùng vô thường

Chuyển vần sanh cũng vậy.

Đã lìa khác, chẳng khác

Vọng kế chẳng thể biết

Như sắc tánh vô thường

Làm sao nói có, không?

Khéo thông đạt vọng kế

Duyên khởi ắt chẳng sanh

Do thật thấy duyên khởi

Vọng kế tức Chân Như.

Nghiệp không ở nơi sắc hay các thức bên ngoài, mà ở nơi A lại da dưới dạng chủng tử tập khí. Sắc, nghiệp, thức và sanh tử thật ra như hoa đốm vọng kế cho nên nói sắc khác nghiệp hay không khác nghiệp, nghiệp có diệt hoại hay không diệt hoại, sanh tử duyên khởi ra Niết bàn hay Niết bàn duyên khởi cho sanh tử… đều là những lời nói hý luận trong mộng. Duyên khởi cùng vọng kế cái nào sanh ra cái nào hay cùng lúc sanh ra rồi cùng lúc diệt mất, sắc và vô thường là khác hay chẳng khác, cho đến hữu vô, sanh chẳng sanh, một khác… cũng chỉ là lời nói trong mộng.

Nếu thông đạt vọng kế chỉ là huyễn mộng thì duyên khởi ắt chẳng sanh. Do thật thấy tánh của duyên khởi là vô sanh bèn chứng ngay vọng kế tức Chân Như. Tất cả là tâm Chân Như, không có vọng kế nào, duyên khởi nào chẳng phải là tâm Chân Như. “Không có vô minh cũng không có vô minh tận…”

 

Nếu diệt tánh vọng kế

Tức là hoại pháp nhãn

Bèn ở trong pháp ta

Kiến lập và phỉ báng.

Các loại người như thế

Sẽ hủy báng chánh pháp

Họ đều dùng phi pháp

Hoại diệt pháp nhãn ta.

Người trí không sống cùng

Việc tỳ kheo cũng bỏ

Vì hoại diệt vọng kế

Nên kiến lập, phỉ báng.

Nếu tỳ kheo phân biệt

Khởi ra kiến hữu vô

Kia như huyễn, vòng tóc

Mộng, nắng và thành Càn

Họ chẳng học Phật pháp

Chẳng nên cùng ở chung

Vì tự sa hai biên

Cũng làm hư người khác.

Nếu có người tu hành

Quán sát tánh vọng kế

Tịch tĩnh lìa hữu vô

Chấp nhận cùng ở chung.

Như thế gian có chỗ

Có vàng, ngọc ma ni

Chúng tuy không tạo tác

Mà chúng sanh thọ dùng.

Tánh nghiệp cũng như vậy

Xa lìa thảy thảy tánh

Nghiệp được thấy là không

Mà sanh ra các nẻo.

Như các thánh rõ biết

Pháp đều không chỗ có

Người ngu phân biệt rằng

Pháp vọng kế chẳng Không.

Nếu người ngu phân biệt

Pháp kia không chỗ có

Đã không có mọi pháp

Chúng sanh không tạp nhiễm.

Vì có pháp tạp nhiễm

Vô minh, ái trói buộc

Hay khởi thân sanh tử

Các căn bèn đầy đủ.

Nếu nói ngu phân biệt

Pháp ấy đều là không

Thì không các căn sanh

Kia chẳng chánh tu hành.

Nếu không có pháp ấy

Để làm nhân sanh tử

Người ngu chẳng đợi tu

Tự nhiên mà giải thoát.

Nếu không có pháp ấy

Phàm thánh có gì khác?

Cũng không có thánh nhân

Tu hành ba giải thoát.

Các uẩn cùng nhân (người), pháp

Tự, cọng tướng, vô tướng

Các duyên cùng các căn

Ta vì Thanh Văn nói.

Duy tâm và phi nhân

Các địa cùng tự tại

Nội chứng Chân Như tịnh

Ta vì Phật tử nói.

Đời vị lai sẽ có

Thân mặc áo cà sa

Vọng nói về hữu vô

Hủy hoại chánh pháp ta.

Vọng kế là Chân Như. Đúng hơn, vọng kế là Chân Như được nhìn sai. Thế nên nếu diệt tánh vọng kế tức là bác bỏ luôn nền tảng của tánh vọng kế là Chân Như.

Tánh vọng kế thì chẳng phải hữu, chẳng phải vô, nên là như huyễn. Thấy được tánh vọng kế là “tịch tĩnh, lìa hữu vô” như huyễn tức là thấy Chân Như.

Tánh nghiệp cũng vậy, cũng là tánh vọng kế, tánh Chân Như. Bậc thánh thì thấy tánh nghiệp là tánh Chân Như, tướng nghiệp là như huyễn. Người ngu thì không thấy tánh nghiệp mà chỉ thấy tướng hư vọng, thấy “pháp vọng kế chẳng Không”, sống và làm việc trong thế giới của tướng hư vọng nên tạo nghiệp, như tằm nhả tơ để tự trói buộc.

Có những người ngu vẫn sống trong các tướng nhưng cho càn rằng các tướng là không, chứ không thấy thật tánh của các tướng là không, chấp càn như thế là rơi vào đoạn kiến, hư vô, không có gì cả. Nếu không có “nhân sanh tử” thì lấy đâu có sanh tử, lấy đâu có người trói buộc người giải thoát, cần gì con đường giải thoát của Phật pháp? Chẳng biết rằng tánh nghiệp là Không mà sanh ra các nẻo theo nghiệp quả, theo cái thấy hư vọng của mình. Như hư không không có hoa đốm mà mỗi người tự thấy hoa đốm tự vui tự khổ với chúng.

Các bậc Thanh Văn thì thật chứng tánh của các tướng là Không và chấp một bề tánh Không như vậy bèn chứng nhập tánh Không mà giải thoát. Các vị không biết tánh vọng kế là Chân Như nên loại bỏ, hủy diệt tánh vọng kế, nghĩa là hủy diệt sanh tử, trong khi tánh sanh tử vọng kế là Chân Như. Hữu dư và vô dư Niết bàn của các vị nằm về phía không có sanh tử.

Các Bồ tát thì biết và tu tánh vọng kế, tánh sanh tử là Chân Như. Thật tướng của sanh tử vọng kế là Chân Như, nên Niết bàn của Bồ tát rộng hơn, có cả sanh tử đã được chuyển y, tức Niết bàn vô trụ xứ.

 

Pháp duyên khởi vô tánh

Là chỗ hành các thánh

Tánh vọng kế không vật

Người vọng kế phân biệt.

Vị lai người ngu si

Các ngoại đạo Kiệt ma

Nói giảng luận vô nhân

Ác kiến hoại thế gian.

Vọng nói các thế gian

Từ nơi vi trần sanh

Nhưng trần kia không nhân

Chín thứ vật thật, thường

Từ thật mà thành thật

Từ đức mà sanh đức

Chân pháp tánh thì khác

Hủy báng nói không có.

Nếu vốn không mà sanh

Thế gian có bắt đầu

Sanh tử không tiền tế

Đó là lời ta nói.

Tất cả vật ba cõi

Vốn không mà có sanh

Thì chó, ngựa sanh sừng

Đáng lẽ cũng chẳng nghi.

Nhãn sắc thức vốn không

Mà nay nếu có sanh

Thì áo, mũ, đệm thảy

Đáng lẽ từ bùn sanh.

Như trong vãi không đệm

Tại sao trong mỗi duyên

Đều chẳng sanh ra đệm?

Nếu mạng và thân kia

Vốn không có mà sanh

Ở trước ta đã nói

Đều là luận ngoại đạo.

Trước ta nói tông kia

Để ngăn che ý ấy

Đã ngăn che ý ấy

Rồi sau nói tông mình.

Lo các chúng đệ tử

Mê bám tông hữu vô

Thế nên ta vì họ

Trước nói luận ngoại đạo.

Ác kiến Ca tỳ la

Vì các đệ tử nói

Thắng tánh sanh thế gian

Bị các đức (tính) chuyển biến.

Vì các duyên không có

Chẳng đã sanh đang sanh

Các duyên đã chẳng duyên

Chẳng sanh chẳng không sanh.

Tông ta lìa hữu vô

Cũng lìa các nhân duyên

Sanh diệt và sở tướng

Tất cả đều xa lìa.

Thế gian như huyễn mộng

Nhân duyên đều vô tánh

Thường làm quán như vậy

Phân biệt không còn khởi.

Nếu hay quán các hữu

Như sóng nắng, vòng tóc

Cũng như thành Tầm hương

Thường lìa khỏi hữu vô

Nhân duyên đều lìa bỏ

Tâm trở lại thanh tịnh.

Nếu nói không ngoại cảnh

Mà lại chỉ có tâm

Không cảnh tức không tâm

Làm sao thành duy tâm?

Vì có cảnh sở duyên

Tâm chúng sanh được khởi

Không nhân tâm chẳng sanh

Làm sao thành duy tâm?

Chân Như và duy tâm

Là chỗ hành các thánh.

Đây nói có chẳng có

Họ chẳng hiểu pháp ta

Do năng thủ sở thủ

Mà tâm được sanh khởi.

Chỉ cần câu kệ “pháp duyên khởi vô tánh, là chỗ hành các thánh, tánh vọng kế không vật, người vọng kế phân biệt” mà tư duy thiền quán lâu ngày bèn thật chứng được duy tâm tánh Không, cũng tức là Chân Như viên thành thật tánh.

“Nếu vốn không mà sanh, thế gian có bắt đầu”, đây là cái quán tạo ra sanh tử. “Sanh tử không tiền tế, đó là lời ta nói”, đây là cái quán như huyễn phá tan sanh tử ngay từ căn bản.

Kinh này hay bác bỏ ngoại đạo vì chưa thật chứng Chân Như, có ai không lạc vào ngoại đạo, không sa vào ác kiến có không? Cho nên đừng bỏ qua các lỗi lầm ngoại đạo, vì đó cũng là những lỗi lầm của người tu hành chúng ta.

“Vì các duyên không có, chẳng đã sanh đang sanh các duyên đã chẳng duyên, chẳng sanh chẳng không sanh. Tông ta lìa hữu vô, cũng lìa các nhân duyên, sanh diệt và sở tướng, tất cả đều xa lìa”. Quán sát liên tục như vậy mới có ngày ngộ duy tâm và tiếp tục quán sát để nhập sâu vào duy tâm. Làm sao để lìa hữu vô? Bằng quán như huyễn vậy.

“Chân Như và duy tâm, là chỗ hành các thánh”, nếu chưa thông đạt, thấy rõ Chân Như và duy tâm thì tâm chẳng thể nào “trở lại thanh tịnh”. Không tìm thấy đường về quê nhà thì vẫn tiếp tục lưu lạc trong sanh tử của danh và tướng, có và không.

 

Tâm thế gian như vậy

Nên chẳng phải duy tâm

Thân, tài, đất: bóng hình

Như mộng, từ tâm sanh.

Tâm tuy thành hai phần

Mà tâm không hai tướng

Như dao chẳng tự cắt

Như ngón chẳng tự chạm.

Như tâm chẳng tự thấy

Việc ấy cũng như vậy

Không có chỗ hình bóng

Tức không y tha khởi.

Tánh vọng kế cũng không

Năm pháp, hai tâm tận

Năng sanh và sở sanh

Đều là tướng tự tâm.

Mật ý nói năng sanh

Mà thật vô tự tánh

Thảy thảy cảnh hình trạng

Nếu do vọng kế sanh

Hư không và sừng thỏ

Lẽ cũng thành cảnh tướng

Vì cảnh từ tâm khởi

Cảnh ấy chẳng (phải) vọng kế.

Nhưng cảnh vọng kế kia

Lìa tâm chẳng thể được

Trong sanh tử vô thủy

Cảnh giới tất chẳng có.

Tâm không có chỗ khởi

Vì sao thành hình bóng?

Nếu không vật có sanh

Sừng thỏ lẽ cũng sanh.

Chẳng thể không vật sanh

Mà khởi ra phân biệt

Như cảnh hiện chẳng có

Thì trước cũng không có.

Vì sao trong không vật

Mà tâm duyên cảnh khởi?

Chân Như, Không, Thật tế

Niết bàn cùng pháp giới

Tất cả pháp bất sanh

Là tánh đệ nhất nghĩa.

Người ngu sa hữu vô

Phân biệt các nhân duyên

Chẳng thể biết các hữu

Không sanh, không tác giả

Vô thủy tâm làm nhân

Duy tâm không chỗ thấy.

“Tâm tuy thành hai phần, mà tâm không hai tướng”, cái mê vọng đầu tiên là không biết rằng “năng sanh và sở sanh, đều là tướng tự tâm”. Sự phân biệt chia cắt này đều do vọng kế rằng có sự sanh ra, “vì sao trong không vật, mà tâm duyên cảnh khởi?” mà không biết rằng “Chân Như, Không, Thật Tế, Niết bàn cùng pháp giới, tất cả pháp bất sanh, là tánh đệ nhất nghĩa”.

Cho nên khi quán mọi cái tưởng là có sanh khởi đều như huyễn bèn trở về Chân Như bất sanh.

 

‘Vô thủy đã không cảnh

Tâm từ đâu mà sanh?

Không vật mà được sanh

Như nghèo đáng là giàu

Không cảnh mà sanh tâm

Xin Phật nói cho con

Tất cả nếu không nhân

(Thì) không tâm cũng không cảnh’.

Tâm đã không chỗ sanh

Lìa chỗ làm ba cõi

Nhân bình, áo, sừng thảy

Mà nói sừng thỏ không.

Thế nên chẳng nên nói

Không có pháp nhân nhau

Vô nhân hữu nên vô

Vô ấy chẳng thành vô.

Hữu đối vô cũng thế

Xoay chuyển nhân nhau khởi

Nếu y theo ít pháp

Thì có ít pháp khởi.

Là trước có chỗ y

Không nhân mà tự có

Nếu kia riêng có y

Y kia lại có y

Như vậy tức vô cùng.

Cũng không có ít pháp

Như y các cây lá

Hiện thảy thảy tướng huyễn

Chúng sanh cũng như vậy

Y sự thảy thảy hiện

Y nơi lực huyễn sư

Khiến ngu thấy tướng huyễn

Mà nơi các cây lá

Thật không huyễn khá được

Nếu y chỉ nơi sự

Pháp ấy tức liền hoại.

Chỗ thấy đã không hai

Có chút gì phân biệt?

Phân biệt không vọng kế

Phân biệt cũng không có.

Vì phân biệt không có

Không sanh tử Niết bàn

Do không chỗ phân biệt

Phân biệt ắt không khởi.

Thế nào tâm chẳng khởi

Mà có được duy tâm?

Ý sai khác vô lượng

Đều không pháp chân thật.

Không thật, không giải thoát

Cũng không các thế gian

Như người ngu phân biệt

Chỗ thấy ngoài đều không.

Tập khí loạn đục tâm

Tợ bóng hình mà hiện

Các pháp hữu vô thảy

Tất cả đều chẳng sanh.

Chỉ duy tự tâm hiện

Xa lìa khỏi phân biệt

Nói các pháp từ duyên

Vì người ngu, chẳng trí.

Tự tánh tâm giải thoát

Tâm tịnh chỗ thánh trụ.

Trong chỗ tự chứng, không có tánh vọng kế cũng không có y tha khởi, không năng sanh sở sanh, vì tất cả “đều là tướng tự tâm”. Như hình bóng trong gương, như các màu của viên ngọc ma ni đều là tướng như huyễn, sanh mà chẳng sanh, của tấm gương và của viên ngọc ma ni.

Duy tâm là “Chân Như, Không, thật tế, Niết bàn cùng pháp giới, tất cả pháp chẳng sanh, là tánh đệ nhất nghĩa”.

Kinh bác bỏ tất cả mọi hý luận do nhân sanh hay không do nhân sanh, có cảnh hay không có cảnh, hữu vô bốn câu, có hiện hay không hiện, phân biệt y vào đâu… để đưa đến duy tâm: tất cả chỉ là tâm, tâm đã không chỗ sanh, nên không có vật, không có cảnh, không có nhân duyên, không có vọng kế, không có phân biệt, không có sanh tử Niết bàn.

“Tất cả đều chẳng sanh, chỉ duy tự tâm hiện”, tất cả những xuất hiện đều như huyễn, vì chỉ là tự tâm, “như dao chẳng tự cắt, như ngón chẳng tự chạm, vì tâm không hai tướng”.

Và tâm ấy vốn thanh tịnh, thanh tịnh khắp cả không có gì ở ngoài. Tâm này vốn giải thoát nên duy tâm là tất cả vốn giải thoát vì như huyễn. Trong duy tâm này, vọng kế hay phân biệt, khởi hay chẳng khởi, sanh hay chẳng sanh… đều chẳng dính dáng gì đến nó, vì tất cả duy chỉ là tâm. Bậc thánh an trụ trong duy tâm vốn thanh tịnh, vốn giải thoát ấy.

 

Luận số, thắng, lộ hình

Phạm chí và Tự tại

Đều sa vào vô kiến

Xa lìa nghĩa tịch tĩnh

Vô sanh, vô tự tánh

Lìa cấu, Không, như huyễn.

‘Chư Phật và Phật nay

Vì ai nói như vậy

Người tu hành tâm tịnh

Lìa các kiến suy lường?’

Chư Phật vì họ nói

Ta cũng nói như thế.

‘Nếu tất cả là tâm

Thế gian ở chỗ nào?

Nhân gì thấy đất đai

Chúng sanh có đến đi?’

Như chim bay trong không

Theo phân biệt mà đi

Chúng sanh cũng như vậy

Theo nơi vọng phân biệt.

Bước đi trong tự tâm

Như chim trong hư không

Bóng thân, tài, quốc độ

Phật nói duy tâm khởi.

‘Xin nói bóng duy tâm

Nhân đâu, vì sao khởi?’

Bóng thân, tài, quốc độ

Đều do tập khí chuyển.

Cũng nhân chẳng như lý

Có phân biệt sanh ra

Ngoại cảnh là vọng kế

Tâm duyên cảnh ấy sanh.

Rõ cảnh chỉ là tâm

Phân biệt liền chẳng khởi

Nếu thấy tánh vọng kế

Danh, nghĩa chẳng hòa hợp.

Xa lìa giác, sở giác

Giải thoát các hữu vi

Danh, nghĩa đều lìa bỏ

Đây là pháp chư Phật.

Nếu lìa đó cầu ngộ

Kia không biết tự tha

Nếu thấy được thế gian

Lìa năng giác sở giác.

Bấy giờ ắt chẳng khởi

Phân biệt danh, sở danh

Do thấy được tự tâm

Danh tự vọng tạo diệt.

Chẳng thấy được tự tâm

Bèn khởi phân biệt kia

Bốn uẩn không sắc tướng

Số ấy chẳng thể đắc.

Đại chủng tánh khác danh

Làm sao cọng sanh sắc

Do bởi lìa các tướng

Năng, sở tạo chẳng có.

Nếu sắc tự có tướng

Các uẩn làm sao sanh?

Nếu thấy ra vô tướng

Uẩn, xứ đều lìa bỏ

Bấy giờ tâm cũng lìa

Nếu thấy pháp vô ngã.

Cho căn cảnh sai khác

Sanh ra tám loại thức

Ở trong vô tướng kia

Ba tướng ấy không có.

“Rõ cảnh chỉ là tâm, phân biệt liền chẳng khởi”, đây là “tâm tịnh chỗ thánh trụ”. Chỗ thánh trụ ấy là tất cả chỉ là một tâm, tất cả chỉ là một cảnh.

Tất cả chỉ là tâm, không làm gì có thế gian, thế gian là do hư vọng phân biệt mà có. Năm uẩn chẳng hòa hợp chẳng không hòa hợp, vì như huyễn. Cho nên đi, đứng, ngồi, nằm, sanh sống, hoạt động, suy nghĩ… đều ở trong một tâm hay một cảnh vốn thanh tịnh vì vô sanh. Như chim bay được là bay lượn trong không, chúng sanh đến đi, sống chết đều ở trong một tâm một cảnh này. Sở dĩ thấy có đến đi, lên xuống, thành công thất bại, có cái được tạo tác, có sống chết là do phân biệt hư vọng.

Tất cả đều chỉ là tâm thanh tịnh, thuần túy tâm, một vị tâm, và tâm ấy là vô sanh nên tất cả mọi cái ở trong nó đều vốn tự giải thoát.

Thấy có, thấy có phân biệt, đó đều là do tập khí chuyển. Tập khí phân biệt không còn chuyển – vì vốn chưa từng sanh – thì “rõ cảnh chỉ là tâm, phân biệt không còn khởi”.

Nếu thấy thân tâm, thế giới, chúng sanh chỉ là danh, nghĩa như huyễn, bấy giờ “danh nghĩa đều lìa bỏ, đây là pháp chư Phật”, cảnh giới chư Phật, cảnh giới duy tâm liền hiện tiền trước mắt. Bấy giờ “bước đi trong tự tâm”, tức là bước đi trong Pháp thân, trong Tịnh độ của chư Phật.

 

Ý duyên A lại da

Khởi chấp ngã, ngã sở

Hai chấp thủ của thức

Rõ biết tức xa lìa

Quán thấy lìa một, khác

Đó là không chỗ động.

Lìa nơi ngã, ngã sở

Hai thứ vọng phân biệt

Vô sanh, không tăng trưởng

Cũng chẳng là nhân (của) thức.

Đã lìa năng, sở tác

Diệt rồi chẳng lại sanh

Thế gian không năng tác

Và lìa năng, sở tướng.

‘Vọng kế và duy tâm

Thế nào xin nói cho’.

Tự tâm hiện thảy thảy

Phân biệt các hình tướng

Chẳng rõ hiện nơi tâm

Vọng nắm cho ngoài tâm

Do không có trí giác

Nên khởi ra vô kiến.

Làm sao nơi tánh có

Mà tâm chẳng sanh bám

Phân biệt chẳng hữu vô

Nên nơi hữu chẳng sanh.

Rõ chỗ thấy duy tâm

Phân biệt liền chẳng khởi

Vì phân biệt không khởi

Chuyển y không chỗ bám.

Che lại bốn tông kia

Cho là pháp có nhân

Đó chỉ là khác danh

Chỗ lập đều không thành.

Nên biết nhân năng tác

Cũng lại chẳng thành lập

Vì ngăn che năng tác

Nói nhân duyên hòa hợp.

Vì ngăn che lỗi thường

Nói duyên là vô thường

Người ngu nói vô thường

Mà thật chẳng sanh diệt.

Chẳng thấy pháp diệt hoại

Mà lại có sở tác

Sao có pháp vô thường

Mà lại có sở sanh?

Trời, người, a tu la

Quỷ, súc sanh, diêm la

Chúng sanh sanh trong đó

Ta nói là sáu nẻo.

Do nghiệp cao, trung, thấp

Ở trong đó thọ sanh

Giữ gìn các thiện pháp

Mà được thắng giải thoát.

Tám thức không nương nhau, vì vô tự tánh, như huyễn. Thấy được như vậy bèn ở trong “không chỗ động”, “vô sanh, không tăng trưởng”.

Tất cả thế gian đều là những hình tướng hiện nơi tâm, chúng chính là tâm vô sanh, thanh tịnh. Khi vọng nắm cho là chúng ở ngoài tâm bèn có tánh vọng kế. Vọng kế phân biệt càng nặng thì càng xuống thấp, do đó có sáu cõi.

 

‘Phật vì các tỳ kheo

Nói những chỗ thọ sanh

Niệm niệm đều sanh diệt

Xin tuyên thuyết cho con’

Sắc sắc chẳng tạm ngừng

Tâm tâm cũng sanh diệt

Ta vì đệ tử nói

Thọ sanh niệm đổi dời

Trong sắc sắc phân biệt

Sanh diệt cũng như vậy

Phân biệt là chúng sanh

Lìa phân biệt chẳng có.

Ta vì nhân duyên ấy

Nói rằng niệm niệm sanh

Nếu lìa bám nắm sắc

Chẳng sanh cũng chẳng diệt.

Duyên sanh chẳng (phải) duyên sanh

Vô minh, Chân Như thảy

Hai pháp nên có khởi

Không hai tức Chân Như.

Nếu kia duyên phi duyên

Pháp sanh có sai khác

Thường, vô thường… các duyên

Có năng tác, sở tác.

Đó tức Đại Mâu Ni

Cùng chư Phật đã nói

Có năng tác, sở tác

Cùng ngoại đạo không khác.

Ta vì đệ tử nói

Thân là thế gian khổ

Cũng là thế gian tập

Diệt, đạo đều đầy đủ.

Phàm phu vọng phân biệt

Chấp giữ ba tự tánh

Thấy có năng, sở thủ

Pháp thế và xuất thế.

Ta trước quán đối đãi

Nói thủ nơi tự tánh

Nay để che các kiến

Chẳng nên vọng phân biệt.

Tìm lỗi là phi pháp

Cũng khiến tâm chẳng định

Đều do hai thủ khởi

Không hai tức Chân Như.

Nếu vô minh, ái, nghiệp

Mà sanh ra các thức

Tà niệm lại có nhân

Đó là lỗi vô cùng.

Vô trí nói các pháp

Có bốn thứ diệt hoại

Vọng khởi hai phân biệt

Pháp thật lìa hữu vô.

Xa lìa khỏi bốn câu

Cũng lìa khỏi nhị kiến

Phân biệt khởi ra hai

Rõ rồi không sanh lại.

Trong chẳng sanh biết sanh

Trong sanh biết chẳng sanh

Vì pháp kia đồng đẳng

Chẳng nên khởi phân biệt.

Phân biệt sắc đến mức vi tế thì thấy sắc niệm niệm sanh diệt. Nhưng không phân biệt nữa, lìa sự bám nắm sắc thì thấy thực tại duy tâm “chẳng sanh cũng chẳng diệt”, bởi vì “duyên sanh chẳng phải duyên sanh”.

Thực tại không có hai này tức là Chân Như, nếu còn một niệm phân biệt, thức chưa chuyển thành trí, thì thực tại không hai ấy biến thành sanh tử. Muốn thấy và sống trong Chân Như không hai này thì phải lìa hoạt động phân biệt của tâm, ý, ý thức. Một cách để lìa là tin và biết rằng có phân biệt hư vọng gì gì đi nữa thì cũng chẳng thể nào phá hư, chia cắt cái không hai này. Phân biệt chẳng làm gì được thì nó chẳng phải là như huyễn sao?

“Chẳng sanh cũng chẳng diệt, không hai tức Chân Như”.

 

‘Xin Phật nói cho con

Lý ngăn che hai kiến

Khiến con và chúng sanh

Hằng chẳng sa hữu vô’.

Không lẫn lộn ngoại đạo

Cũng lìa nơi Nhị thừa

Chỗ chư Phật đã chứng

Chỗ Phật tử không lùi.

Nhân giải thoát phi nhân

Đồng nhất tướng vô sanh

Mê nên chấp dị danh

Bậc trí nên thường lìa.

Pháp theo phân biệt sanh

Như vòng tóc, huyễn ảnh

Ngoại đạo vọng phân biệt

Thế từ hai tánh sanh.

Vô sanh cùng Chân Như

Tánh Không cùng chân tế

Chúng khác tên mà nói

Chẳng nên chấp không có.

Như lông có nhiều tên

Tên Đế thích cũng thế

Các pháp cũng như vậy

Chẳng nên chấp không có.

Sắc và Không không khác

Vô sanh cũng như vậy

Chẳng nên chấp là khác

Thành ra lỗi các kiến.

Vì phân biệt tổng, biệt

Cùng với phân biệt khắp

Chấp trước các sự tướng

Dài ngắn vuông tròn thảy.

Tổng phân biệt là tâm

Phân biệt khắp là ý

Phân biệt riêng là thức

Đều lìa tướng năng sở.

Trong pháp ta khởi kiến

Và vô sanh ngoại đạo

Đều là vọng phân biệt

Các lỗi lầm không khác.

Nếu có thể hiểu rõ

Vô sanh của ta nói

Và vô sanh được làm

Người ấy hiểu pháp ta.

Bởi vì phá các kiến

Vô sanh, vô trụ xứ

Khiến biết hai nghĩa này

Nên ta nói vô sanh.

Phật nói pháp vô sanh

Nếu là hữu là vô

Tức đồng với ngoại đạo

Luận vô nhân, bất sanh.

Ta nói duy tâm lượng

Xa lìa khỏi hữu vô

Hoặc sanh hoặc chẳng sanh

Kiến ấy đều nên lìa.

Luận vô nhân bất sanh

Sanh tức chấp tác giả

Tác là trộn các kiến

Vô tức tự nhiên sanh.

“Nhân giải thoát phi nhân, đồng nhất tướng vô sanh”: tham thiền một câu này đủ để đạt đến vô sanh, giải thoát khỏi sanh tử hư vọng vì “phi nhân”. Phi nhân nên như huyễn. Cho nên quán như huyễn thì chứng phi nhân vô sanh này.

Các pháp chẳng phải có, thấy có là chúng sanh. Các pháp chẳng phải không có, thấy không có là hàng Nhị thừa. Vượt khỏi có (hữu), không có (vô) là Như huyễn tam muội của Bồ tát. Chẳng phải có nên nói là huyễn, nhưng chẳng phải hoàn toàn không có gì, không thấy gì nên nói là như huyễn, như mộng.

Thể nhập được tam muội như huyễn này mới thấy vô sanh là Chân Như, là tánh Không, là chân tế, là duy tâm không hai, xa lìa tất cả các kiến. Chẳng sanh tức là sanh, sanh tức là chẳng sanh, Không tức là sắc, sắc tức là Không, đây là sự tự do rốt ráo của Như huyễn tam muội.

 

‘Phật nói các phương tiện

Chánh kiến, đại nguyện thảy

Tất cả pháp nếu không

Đạo tràng làm sao thành?’

Lìa năng thủ, sở thủ

Chẳng (phải) sanh cũng chẳng (phải) diệt

Chỗ thấy pháp, phi pháp

Đều từ tự tâm khởi.

‘Lời nói của Mâu Ni

Trước sau tự trái nhau

Làm sao nói các pháp

Lại nói là chẳng sanh?

Chúng sanh không thể biết

Xin Phật nói cho con

Được lìa lỗi ngoại đạo

Và nhân điên đảo kia

Xin mong bậc Thắng Thuyết

Nói về sanh và diệt

Đều lìa khỏi hữu vô

Mà chẳng hoại nhân quả.

Thế gian sa nhị biên

Bị các kiến mê lầm

Xin bậc mắt sen xanh

Nói thứ lớp các địa’.

Bám giữ sanh, bất sanh

Chẳng rõ nhân tịch diệt

Đạo tràng vô sở đắc

Ta cũng vô sở thuyết.

Pháp sát na đều không

Vô sanh, vô tự tánh

Chư Phật đã tịnh hai

Có hai tức thành lỗi.

‘Bị ác kiến che phủ

Phân biệt chẳng (phải) Như Lai

Vọng kế ra sanh diệt

Xin nói cho chúng con’.

Tích tập các hý luận

Hòa hợp mà sanh ra

Tùy theo loại hiện tiền

Sắc cảnh đều đầy đủ.

Thấy ra ngoại sắc rồi

Mà khởi lên phân biệt

Nếu hiểu được điều ấy

Bèn thấy nghĩa chân thật.

Nếu lìa nơi đại chủng

Các vật đều chẳng thành

Đại chủng đã duy tâm

Hãy biết không chỗ sanh.

Tâm này cũng chẳng sanh

Tức thuận chủng tánh thánh

Chớ phân biệt phân biệt

Vô phân biệt là trí.

Phân biệt nơi phân biệt

Là hai, chẳng (phải) Niết bàn

Nếu lập tông vô sanh

Tức là hoại huyễn pháp.

Cũng không nhân (mà) khởi huyễn

Tổn giảm tự tông mình

Giống như bóng trong gương

Tuy lìa tánh một, khác

Chỗ thấy chẳng phải không

Tướng sanh cũng như vậy

Như thành Càn, huyễn thảy

Tức đợi nhân duyên có

Các pháp cũng như vậy

Là sanh chẳng (phải) bất sanh.

Tất cả pháp nếu là Không, chẳng phải sanh cũng chẳng phải diệt, như huyễn thì có hoại nhân quả, cơ sở căn bản của đạo Phật, không?

Đức Phật trả lời ở mặt chân đế, chân lý tuyệt đối và tối hậu: “Bám giữ sanh, chẳng sanh, chẳng rõ nhân tịch diệt, đạo tràng không chỗ đắc, ta cũng không chỗ nói”. “Nhân tịch diệt” nên căn, trần, cảnh đều như huyễn như mộng. Nhưng chân lý tuyệt đối và tối hậu ấy không loại bỏ mà bao trùm chân lý tương đối và quy ước, tục đế, là nhân quả. Nếu cho vô sanh là không có gì cả, không thấy gì cả thì rơi vào kiến chấp đoạn diệt. Vô sanh mà có, có nhưng như huyễn: “Nếu lập tông vô sanh, tức là hoại huyễn pháp, không có nhân mà khởi huyễn”.

Nói là như huyễn như mộng, nhưng huyễn mộng ấy với chúng sanh có nhân khác nhau nên quả cũng khác nhau. Bởi vì là huyễn cảnh nhưng mỗi người thấy huyễn cảnh khác nhau, cùng là mộng nhưng có mộng dữ mộng lành. Khác nhau bởi vì sự tích tập tập khí hý luận và nghiệp phân biệt khác nhau.

Tích tập các tập khí hý luận thì có sắc cảnh hiện tiền. Khi đã thấy ngoại sắc bèn khởi lên phân biệt. Phân biệt nơi phân biệt thì tâm càng thêm tâm, cảnh càng thêm cảnh. Đó là cơ chế sanh ra sanh tử. Tu hành là đi ngược lại quá trình sanh thành này bằng cách biết “cảnh không chỗ sanh, tâm này cũng chẳng sanh”. Nếu thấy cảnh có sanh, tâm có sanh thì quán chúng là như huyễn. “Chớ phân biệt phân biệt”, không phân biệt phân biệt, là quán như huyễn. Quán như huyễn là vô phân biệt, khi ấy liền tự nhiên an trụ trong “vô phân biệt là trí”.

 

Phân biệt thành nhân pháp

Mà khởi hai thứ ngã

Đây chỉ thế tục nói

Người ngu chẳng giác biết.

Do nguyện, tập duyên sanh

Tự lực và tối thắng

Thứ năm, pháp Thanh Văn

Mà có A La Hán.

Cách thời và diệt hoại

Thắng nghĩa và đổi dời

Là bốn thứ vô thường

Ngu phân biệt, chẳng trí

Người ngu sa nhị biên

Đức, trần, tự tánh tác.

Vì thủ tông hữu vô

Chẳng biết nhân giải thoát

Đại chủng trái nghịch nhau

Làm sao khởi sanh sắc?

Chỉ là tánh đại chủng

Không đại chủng tạo sắc.

Lửa thì thiêu hoại sắc

Nước lại làm tiêu hoại

Gió khiến cho tan diệt

Thế nào sắc được sanh?

Sắc uẩn và thức uẩn

Chỉ có hai chẳng năm

Ngoài ra chỉ khác danh

Ta nói kia trái nhau.

Tâm, tâm sở sai khác

Mà khởi ra hiện pháp

Phân tích cùng các sắc

Chỉ tâm, không được tạo.

Xanh trắng… đối đãi nhau

Tác, sở tác cũng vậy.

Sở sanh và tánh Không

Lạnh nóng, tướng sở tướng

Hữu vô thảy, tất cả

Vọng kế, chẳng thành lập.

Tâm, ý cùng sáu thức

Các thức cùng tương ưng

Đều nhân tạng thức sanh

Chẳng một cũng chẳng khác.

Số, Thắng và Lộ hình

Chấp Tự tại mà sanh

Đều sa tông hữu vô

Xa lìa nghĩa tịch tĩnh.

Đại chủng sanh hình tướng

Chẳng phải sanh đại chủng

Ngoại đạo nói đại chủng

Sanh đại chủng và sắc.

Ở ngoài pháp vô sanh

Ngoại đạo chấp tác giả

Y nơi tông hữu vô

Người ngu chẳng rõ biết.

Tướng thanh tịnh chân thật

Cùng ở với đại trí

Chỉ cùng tâm tương ưng

Chẳng hòa hợp ý, thức…

Nếu nghiệp đều sanh sắc

Thì trái nhân các uẩn

Chúng sanh chớ nên chấp

Không có, trụ vô sắc.

Nói sắc là không có

Chúng sanh cũng phải không

Luận vô sắc là đoạn

Các thức lẽ chẳng sanh.

Thức y bốn chỗ trụ

(Nếu) Vô sắc, làm sao thành?

Trong ngoài đã chẳng thành

Thức đáng lẽ chẳng khởi.

Thức chúng sanh nếu không

(Thì) tự nhiên được giải thoát

Đó là luận ngoại đạo

Người vọng kế chẳng biết.

Hoặc có người ưa chấp

Trung ấm có các uẩn

Như sanh cõi vô sắc

Vô sắc làm sao có (các uẩn).

Sắc ở trong vô sắc

Kia chẳng thể thấy được

Vô sắc tức trái tông

Không xe, không người cỡi

Thức do tập khí sanh

Cùng các căn hòa hợp

Tám thức trong sát na

Nắm giữ, chẳng thể đắc.

Nếu các sắc không khởi

(Thì) Các căn chẳng phải căn

Thế nên Thế Tôn nói

Căn, sắc, là sát na.

Đại chủng, sắc, thức, nghiệp đều vô tự tánh, nói chúng sanh nhau thì không phải mà nói chúng không sanh nhau cũng không phải. Đi đến mức sát na thì “tám thức trong sát na, nắm giữ chẳng thể đắc”, nghĩa là “sát na chẳng phải sát na”, ngay đây là giải thoát.

Tất cả đều do tâm tạo. Cho nên tâm thanh tịnh thì tạo ra cảnh thanh tịnh, tâm nhiễm ô thì tạo ra cảnh nhiễm ô. Thanh tịnh của tâm là vô sanh, và vô sanh là sát na chẳng phải sát na: “phân tích cùng các sắc, chỉ tâm, không (có cái gì) được tạo”.

Đại trí là thấy được tướng chân thật thanh tịnh. Đại trí là trí vô phân biệt, trí vô phân biệt là duy tâm vô sanh.

 

‘Vì sao chẳng rõ sắc

Mà có thức được sanh?

Vì sao thức chẳng sanh

Mà có thọ sanh tử?’

Các căn và căn, cảnh

Bậc thánh rõ nghĩa ấy

Người ngu si vô trí

Vọng chấp thủ theo danh.

Chẳng nên chấp đệ lục (thức)

Có thủ và không thủ

Vì lìa các lỗi lầm

Bậc thánh vô định thuyết.

Các ngoại đạo vô trí

Sợ hãi với đoạn thường

Tưởng hữu vi, vô vi

Cùng ngã không sai khác.

Hoặc chấp ngã, tâm (là) một

Hoặc khác với ý, thức…

Tánh một nắm giữ được

Tánh khác cũng như thế.

Nếu thủ xác định được

Gọi là tâm, tâm sở

Thủ ấy sao không thể

Xác định rõ tánh một?

Có thủ cùng làm nghiệp

Có đắc mà thủ sanh

Như lửa cháy mà thành

Ý nghĩa giống, chẳng giống.

Như khi lửa cháy nhanh

Đốt, bị đốt đều cháy

Vọng thủ ngã cũng vậy

Có đâu vô sở thủ?

Hoặc sanh hoặc chẳng sanh

Tánh tâm thường thanh tịnh

Ngã ngoại đạo thành lập

Sao chẳng có thí dụ?

Rừng rậm thức mê lầm

Vọng kế lìa chân pháp

Vì ưa theo ngã luận

Đuổi tìm theo kia đây.

Chỗ của trí nội chứng

Tướng chân ngã thanh tịnh

Đó tức Như Lai tạng

Chỗ ngoại đạo không biết.

Phân tích nơi các uẩn

Năng thủ và sở thủ

Nếu rõ được tướng ấy

Tức sanh trí chân thật.

Những người ngoại đạo ấy

Trong chỗ A lại da

Cho mạt na là ngã

Chẳng phải Phật nói thế.

Nếu biện rõ điều này

Giải thoát thấy chân đế

Thấy gốc các phiền não

Đoạn trừ ắt thanh tịnh.

Bản tánh tâm thanh tịnh

Chúng sanh mê nắm giữ

Như Lai tạng không dơ

Xa lìa biên, vô biên

Bản thức ở trong uẩn

Như vàng bạc trong quặng

Nếu luyện thanh lọc rồi

Vàng bạc đều hiển hiện.

 “Vì sao chẳng rõ sắc, mà có thức được sanh? Vì sao thức chẳng sanh, mà có thọ sanh tử”? Bậc thánh thì thức chẳng sanh, vì an trụ trong “Như Lai tạng không dơ”. Vì không rõ sắc là thức mà chạy theo bèn có thức sanh ra một cách hư giả. Thức và ý Mạt na vốn là trí, vốn là Như Lai tạng thanh tịnh, vốn chẳng sanh, mà không tự biết chạy ra ngoài quên hẳn nguồn gốc của mình bèn có thức nối thức tạo thành sanh tử.

Chỉ vì một niệm ‘bất giác’ quên đi duy tâm mà có sắc, có thức, có thọ sanh tử. Thấy được căn trần thức là duy tâm như huyễn, là Như Lai tạng vô sanh, xưa nay chưa từng có một phân biệt cách hở nào giữa căn trần thức bèn là giải thoát.

Chung quy cũng vì phân biệt chấp thủ mà cắt lìa tướng ra khỏi tánh, nên vốn chưa hề ra khỏi “tướng chân ngã thanh tịnh, đó tức Như Lai tạng” mà vọng lập ra những cắt chia ta, người, chúng sanh, thế giới thành tự đọa đày mình vào sanh tử hư vọng. “Bản tánh tâm thanh tịnh, Như Lai tạng không dơ, xa lìa biên, vô biên” mà chỉ vì “mê nắm giữ” mà thành biên bờ hạn hẹp. Đâu biết rằng chẳng có uẩn, giới, xứ mà chỉ có một tánh vàng, “bản thức ở trong uẩn”, và với người trí bản thức này khiến uẩn cũng biến thành vàng. Ta người, thế giới, chúng sanh chỉ là duy tâm, chỉ duy nhất một tánh vàng. Tất cả là một tánh vàng, phiền não ở đâu?

 

‘Phật chẳng phải người, uẩn

Chỉ là trí vô lậu

Rõ biết thường tịch tĩnh

Là chỗ ta quay về.

Bản tánh tâm thanh tịnh

Tùy phiền não, ý thảy

Cùng cái ta tương ưng

Xin Phật giải nói cho’.

Tự tánh thanh tịnh tâm

Ý, thức cho là ‘kia’

Bèn khởi tích tập nghiệp

Tạp nhiễm nên thành hai

Ý thảy, ngã, phiền não

Nhiễm ô nơi tịnh tâm

Giống như áo sạch kia

Mà có các dơ nhiễm.

Như áo được lìa dơ

Cũng như vàng khỏi quặng

Áo, vàng đều chẳng hoại

Tâm lìa lỗi cũng thế.

Người vô trí tìm cầu

Trong ống sáo, đàn trống

Mà tìm âm thanh hay

Ngã trong uẩn cũng thế.

Như tìm báu ẩn giấu

Cũng như nước dưới đất

Tuy có, không thể thấy

Chân ngã (trong) uẩn cũng thế.

Hoạt động tâm, tâm sở

Tương ưng các tập uẩn

Vô trí chẳng thể nắm

Ngã trong uẩn cũng vậy.

Như phụ nữ mang thai

Tuy có không thể thấy

Ngã chân thật trong uẩn

Vô trí chẳng thể biết.

Như sức mạnh trong thuốc

Cũng như lửa trong cây

Ngã chân thật trong uẩn

Vô trí chẳng thể biết.

Tánh Không trong các pháp

Ở nơi tánh vô thường

Ngã chân thật trong uẩn

Vô trí chẳng thể biết.

Các địa, tự tại, thông

Quán đảnh, thắng tam muội

Nếu không chân ngã này

Tất cả đều không có.

Có người phá hoại nói

Nếu có hãy chỉ ngã

Người trí nên đáp rằng

Phân biệt (cuả) anh là ngã.

Người nói không (có) chân ngã

Báng pháp, trước hữu vô

Tỳ kheo nên yết ma

Loại bỏ chớ sống chung.

Thuyết chân ngã bừng cháy

Giống như kiếp hỏa khởi

Thiêu rừng rậm vô ngã

Lìa các lỗi ngoại đạo.

Như tô, lạc, thạch mật

Và các thứ dầu thảy

Tất cả đều có vị

Người chưa nếm không biết.

Ở trong thân các uẩn

Năm thứ tìm cầu ngã

Người ngu chẳng thể hiểu

Trí thấy tức giải thoát.

Thí dụ do minh trí

Còn không hiển được tâm

Nghĩa chứa đựng trong đó

Sao có thể rõ biết.

Tướng khác nhau các pháp

Chẳng rõ duy nhất tâm

Người suy lường vọng chấp

Vô nhân và vô khởi.

Tất cả đều duy tâm, duy một “tự tánh thanh tịnh tâm” mà vì ý và thức phân biệt “cho là kia” nên phân thành hai mà tích tập nghiệp. Thấy được trong uẩn, giới, xứ luôn luôn có nền tảng là tánh Không, Như Lai tạng, Phật tánh, ngã chân thật thì các chia cắt phân biệt sẽ hết, “tướng khác nhau các pháp” chỉ là “duy nhất tâm”.

Nếu có người gạn hỏi, nếu có ngã chân thật ấy thì chỉ ra xem, bèn trả lời sự phân biệt hiện thời nơi thức của anh chính là ngã chân thật, sự phân biệt của thức chính là trí vô phân biệt. Thế gì còn gì sự cách biệt sanh tử Niết bàn, phiền não Bồ đề?

Chân ngã ở đây là Ngã trong Thường Lạc Ngã Tịnh của Kinh Đại Bát Niết Bàn, tức là Phật tánh không biến đổi, không thể hủy hoại, như tánh vàng. Chân ngã hay Phật tánh lìa hữu vô là thời kỳ thuyết pháp thứ ba của Đức Phật.

 

‘Người thiền định quán tâm

Tâm chẳng có thấy tâm

Thấy từ (cái) được thấy sanh

(Cái) được thấy từ đâu khởi’?

Họ ta Ca Chiên Diên

Từ Tịnh Cư Thiên ra

Vì chúng sanh thuyết pháp

Khiến vào thành Niết bàn.

Duyên nơi pháp bổn trụ

Ta và chư Như Lai

Trong ba ngàn cuốn kinh

Nói rộng pháp Niết bàn.

Dục giới và vô sắc

Nơi đó chẳng thành Phật

Cứu cánh thiên sắc giới

Lìa dục đắc Bồ đề.

Cảnh giới chẳng chuyển nhân

Nhân chuyển thành cảnh giới

Người tu kiếm trí bén

Cắt đứt phiền não kia.

Vô ngã làm gì có

Pháp huyễn đâu hữu vô?

Chân Như hiện trước (kẻ) ngu

Làm sao không chân ngã?

Pháp đã làm, chưa làm

Đều không nhân mà khởi

Tất cả trọn vô sanh

Người ngu không thể hiểu.

Năng tác giả chẳng sanh

Sở tác cùng các duyên

Cả hai đều vô sanh

Làm sao tưởng năng tác?

Người vọng kế nói có

Trước sau nhân một thời

Hiển bình, đệ tử thảy

Nói các vật sanh khởi.

Phật chẳng phải hữu vi

Các tướng tốt đầy đủ

Là công đức Luân vương

Đó chẳng gọi Như Lai.

Phật lấy trí làm tướng

Xa lìa khỏi các kiến

Chỗ hành tự nội chứng

Tất cả lỗi đều đoạn.

Điếc mù câm các thứ

Già trẻ, ôm thù oán

Những thứ ấy càng nặng

Đều không phần phạm hạnh.

(Tướng) tùy hảo ẩn là trời

Tướng ẩn là Luân vương

Cả hai bám phóng dật

Chỉ hiện nơi xuất gia.

Sau khi ta diệt độ

Sẽ có Tỳ da sá

Ca na, Lê sa bà

Kiếp tỳ la… xuất hiện.

Sau trăm năm diệt độ

Thuyết của Tỳ da sa

Các luận Bà la đa…

Tiếp có Bán trạch sa.

Kiều vi bà, La ma

Rồi có Mao cuồng vương

Nan đà và Cúc đa

Rồi Miệt lợi xa vương.

Sau đó binh đao khởi

Rồi có thời cực ác

Lúc ấy các thế gian

Chẳng tu hành chánh pháp.

Sau các thời kỳ ấy

Thế gian như bánh (xe) lăn

Mặt trời, lửa hòa hợp

Thiêu cháy cả cõi dục.

Lập lại các cõi trời

Thế gian lại thành tựu

Các vương cùng bốn họ

Các tiên và pháp hóa.

Các Vệ đà, thờ, thí…

Sẽ có pháp ấy hưng

Pháp đàm luận, hý, tiếu

Trường hàng cùng giải thích

‘Tôi nghe như vầy’, thảy

Làm mê lầm thế gian.

Các thứ y thọ nhận

Nếu có thứ chánh sắc

Lấy bùn xanh phân trâu

Nhuộm chúng thành hoại sắc

Tất cả các y phục

Khiến lìa tướng ngoại đạo.

Hiện tướng bậc tu hành

Tướng oai nghiêm chư Phật

Cũng buộc nơi thắt lưng

Lọc nước mà dùng uống.

Lần lượt mà khất thực

Chẳng đến chỗ phi xứ

Sanh nơi trời thắng diệu

Và sanh trong loài người.

Đầy đủ tướng quý báu

Sanh trời và vua người

Vua có bốn thiên hạ

Pháp giáo trụ lâu đời.

Lên cao đến cung trời

Do tham nên thối thất

(Thời) thuần thiện và ba thời

Hai thời và (thời) cực ác

Phật khác ra thời thiện

Thích Ca ra đời ác

Sau khi ta niết bàn

Tất Đạt Đa dòng Thích

Tỳ nữu, Đại tự tại

Các ngoại đạo cùng ra

‘Tôi nghe như vầy’ thảy

Thích sư tử đã nói.

Đàm cổ và tiếu ngữ

Tiên Tỳ dạ sa nói

Sau khi ta niết bàn

Tỳ nữu, Đại tự tại

Họ lại nói như vầy:

Ta tạo tác thế gian

Ta tên Phật ly trần

Họ Ca đa diễn na

Cha tên Thế gian chủ

Mẹ hiệu là Cụ tài

Ta sanh nước Chiêm bà

Tổ phụ trước của ta

Từ dòng họ mặt trăng

Nên hiệu là Nguyệt tạng

Xuất gia tu khổ hạnh

Diễn nói ngàn pháp môn

Thọ ký cho Đại Huệ

Sau đó ta diệt độ.

Đại Huệ truyền Đạt ma

Tiếp truyền Di khư lê

Di khư lê thời ác

Kiếp tận pháp sẽ diệt.

Ca Diếp Câu Lưu Tôn

Câu Na Hàm Mâu Ni

Cùng ta Ly Trần Cấu

Đều ra thời thuần thiện.

Thời thuần thiện dần giảm

Có đạo sư tên Huệ

Thành tựu đại dũng mãnh

Giác ngộ được năm pháp

Chẳng phải hai, ba thời

Cũng chẳng (phải) thời cực ác

Trong thời thuần thiện kia

Hiện thành Đẳng chánh giác

Y tuy chẳng rách nát

Vải từng miếng vá thành

Như lưới đuôi khổng tước

Không có ai chiếm đoạt

Hoặc hai ngón, ba ngón

Cách nhau mà may thành

Nếu làm khác như vậy

Người ngu sanh tham trước.

Chỉ giữ ba cái y

Hằng diệt lửa tham dục

Tắm trong nước trí huệ

Ngày đêm ba thời tu

Như bắn tên thật mạnh

Cái rớt bắn cái khác

Cái trúng cái không trúng

Thiện chẳng thiện cũng vậy.

Chư Phật đều “duyên nơi pháp bổn trụ” mà thuyết pháp để đưa chúng sanh  đến pháp bổn trụ là Niết bàn. Bổn trụ Niết bàn là vô sanh, chưa hề có sanh tử phiền não. Bổn trụ Niết bàn là duy tâm như huyễn.

Đoạn này kể lịch sử của chánh pháp và của ngoại đạo. Với bậc thánh thì thịnh suy, hưng phế, mọi sự kiện đều duy tâm nên như huyễn. Do đó mà thoát khỏi thời gian và không gian, thời chánh pháp và thời mạt pháp.

 

Nếu một sanh được nhiều

Tức có tướng khác biệt

Người thí lẽ như ruộng

Người nhận lẽ như gió.

Nếu một sanh được nhiều

Tất cả không nhân (mà) có

Nhân sở tác diệt hoại

Đó là lập vọng kế.

Nếu vọng kế được lập

Như đèn và hạt giống

Một mà sanh được nhiều

Chỉ tương tợ, chẳng nhiều,

Mè thì chẳng sanh đậu

Lúa chẳng (phải) nhân (của) lúa mì

Đậu nhỏ chẳng (phải) loại bắp

Làm sao một sanh nhiều?

Danh thủ tạo thanh luận

Quảng chủ tạo vương luận

Vọng nói theo thế luận

Sẽ sanh trong Phạm tạng

Ca đa diên tạo kinh

Tiên Thọ bì nói tế (lễ)

Câu lưu tạo thiên văn

Thời ác thế sẽ có.

Các chúng sanh thế gian

Nhờ phước được làm vua

Như pháp điều (phục) tất cả

Giữ gìn cho cõi nước

Thanh nghị và Xích đậu

Trắc tích và Mã hành

Các tiên đại phước ấy

Đời sau sẽ xuất hiện.

Tất đạt đa họ Thích

Bộ đa, Ngũ kế giả

Khẩu lực và Thông huệ

Cũng ra đời vị lai.

Ta ở nơi rừng hoang

Phạm vương đến cho ta

Tấm da nai, cây gậy

Dây lưng, mạn đà la

Bậc đại tu hành này

Sẽ thành Ly cấu tôn

Nói giảng chân giải thoát

Oai tướng của Mâu ni.

Phạm vương và phạm chúng

Các trời và chúng trời

Cho ta áo da nai

Rồi về cung tự tại.

Ta ở giữa rừng cây

Đế thích, Tứ thiên vương

Cho ta y phục tốt

Cùng với bát khất thực.

Đức Phật nói về hoàn cảnh văn hóa, chính trị, xã hội, thời quá khứ, thời hiện tại của ngoài và thời tương lai. Sự tu hành của ngài ảnh hưởng đến toàn bộ vũ trụ, các vua trời và chúng trời đến để cúng dường y phục, các pháp khí. Sự đắc đạo của ngài là sự đắc đạo cho toàn thể vũ trụ này, bởi thể một danh hiệu của ngài là Thiên nhân sư, Thầy của trời và người.

 

Nếu lập luận chẳng sanh

Nhân ấy sanh lại sanh

Lập vô sanh như thế

Chỉ là nói hư vọng.

Tích tập từ vô thủy

Vô minh là nhân (của) tâm

Sanh diệt mà tương tục

Chỗ vọng kế phân biệt.

Tăng khứ luận (Samkhya) có hai

Thắng tánh và biến dị

Trong thắng có sở tác

Sở tác lẽ tự thành

Thắng tánh cùng với vật

Cầu na thuyết sai khác.

Thảy thảy tác, sở tác

Biến dị chẳng thể đắc

Như thủy ngân thanh tịnh

Bụi dơ không thể nhiễm.

Tạng thức tịnh cũng vậy

Chúng sanh y chỉ vào

Như các thứ rau hôi,

Vị muối và thai tạng.

Chủng tử cũng như thế

Tại sao mà lại sanh?

Tánh một và tánh khác

Cùng, chẳng cùng cũng vậy.

Chẳng sở thủ mà có

Chẳng vô vi, hữu vi

Trong ngựa không tánh trâu

Ngã trong uẩn cũng thế.

Nói hữu vi, vô vi

Trọn đều vô tự tánh

Giáo lý nào cầu ngã

Là ác kiến vọng cầu.

Chẳng rõ nên nói có

Không ngoài chỉ vọng thủ

Ngã ở trong các uẩn

Một, khác đều chẳng thành.

Lỗi sai kia hiển nhiên

Người vọng kế chẳng biết

Như gương nước và mắt

Hiện ra thảy thảy hình

Xa lìa tánh một, khác

Ngã trong uẩn cũng thế

Hành giả tu thiền định

Kiến, đế cùng với đạo.

Siêng tu ba thứ ấy

Giải thoát các ác kiến

Như qua lỗ trên vách

Thấy ánh chớp diệt mau.

Pháp thiên biến cũng vậy

Chớ nên khởi phân biệt

Người ngu tâm mê lầm

Chấp Niết bàn có, không.

Nếu người đắc thánh kiến

Như thật mà hiểu được

Cần biết pháp biến dị

Xa lìa khỏi sanh diệt.

Nếu lìa nơi hữu vô

Và các tướng năng sở

Cần biết pháp biến dị

Xa lìa luận ngoại đạo.

Nếu lập luận chẳng sanh thì do đó thấy sanh lại sanh. Vì sao thế? Bởi vì lập luận ấy được lập ra trên một cái thấy hư vọng là có sanh, rồi nghĩ Niết bàn là chẳng sanh. Luận lập ra trên cái thấy hư vọng ấy nên tiếp tục sanh hư vọng.

Cho vô minh là nhân từ vô thủy của tâm, do đó có sự sanh diệt tương tục, đó cũng là vọng kế phân biệt, vì thật ra vô minh không phải là nhân vì vô minh vô tự tánh.

Chỉ một chữ vô tự tánh vì duy tâm này phá hết tất cả mọi kiến chấp ngoại đạo. Phải thực hành thì dần dần mới thấy rõ ra.

Trong “tạng thức tịnh” thì “biến dị, ngã…” đều bất khả đắc, vì như huyễn, vô sanh. “Chủng tử cũng như thế, tại sao mà lại sanh, tánh một và tánh khác, cùng chẳng cùng cũng vậy”. Tất cả đều như huyễn, tất cả đều vô sanh.

Cũng lìa khỏi danh tướng

Thấy nội ngã cũng diệt

Lạc chư thiên chạm thân

Khổ địa ngục bức thân.

Nếu không trung ấm kia

Các thức chẳng sanh được

Nên biết trong các nẻo

Thảy thảy thân chúng sanh

Thai, noãn, thấp sanh thảy

Đều từ trung ấm sanh

Lìa thánh giáo chánh lý

Diệt dục lầm càng tăng

Là cuồng thuyết ngoại đạo

Người trí không nên nói.

Trước nên biết rõ ngã

Và các thủ phân biệt

Như con (của) người gái đá

Không rõ biết phân biệt.

Ta lìa khỏi nhục nhãn

Dùng thiên nhãn, huệ nhãn

Thấy thân các chúng sanh

Lìa các hành, các uẩn.

Quán thấy trong các hành

Có sắc tốt sắc xấu

Giải thoát, chẳng giải thoát

Có kẻ ở cõi trời

Người thọ thân các nẻo

Chỉ ta có thể rõ.

Vượt chỗ thế gian biết

Chẳng cảnh giới suy lường

Vô ngã mà tâm sanh

Tâm ấy làm sao sanh?

Há chẳng nói tâm sanh

Như sông, đèn, hạt giống

Nếu không vô minh thảy

Tâm thức tức chẳng sanh

Lìa vô minh không thức

Làm sao sanh tương tục?

Chỗ người vọng kế nói

Ba đời và chẳng đời

Thứ năm chẳng thể nói

Chư Phật: biết rõ nó

Chỗ trụ các hành, thủ

Đó là nhân của trí

Chẳng nên nói trí huệ

Mà gọi là các hành.

Vì có nhân duyên ấy

Tức có pháp ấy sanh

Không có riêng tác giả

Đây là lời ta nói.

Gió chẳng thể sanh lửa

Mà khiến lửa bừng cháy

Cũng do gió nên tắt

Làm sao dụ cho ngã?

Chỗ nói hữu, vô vi

Đều lìa nơi các thủ

Sao người ngu phân biệt

Lấy lửa thành lập ngã?

Sức các duyên xoay chuyển

Thế nên sanh được lửa

Nếu phân biệt như lửa

Ngã ấy từ ai sanh?

Vì ý thảy làm nhân

Các uẩn, xứ tích tập

Nhà buôn và vô ngã

Thường cùng tâm mà khởi

Hai cái như mặt trời

Xa lìa năng, sở tác.

Lửa chẳng thể thành lập

Người vọng kế chẳng biết

Chúng sanh, tâm, Niết bàn

Bản tánh thường thanh tịnh.

Vô thủy lỗi tập nhiễm

Không khác như hư không

Các ngoại đạo Tượng ngọa

Các kiến làm tạp nhiễm

Bị ý thức che chướng

Cho lửa là thanh tịnh

Nếu đắc kiến như thật

Bèn đoạn hết phiền não.

Như ở kiến này phá mọi kiến ngã, ngã hữu, ngã vô. Ngã như lửa, như gió, nhân duyên sanh nên vô tự tánh, “vì có nhân duyên ấy, tức có pháp ấy sanh, không có riêng tác giả”. Vì vô tự tánh nên ngã chỉ là danh tướng, vốn tự giải thoát.

Còn cái chân ngã ở đoạn trước? Chân ngã “tự tánh thanh tịnh tâm” này cũng vô tự tánh, vượt ngoài hữu vô. Vì vô tự tánh nó hiện hữu nơi tất cả mọi sự vật, mọi pháp vì tất cả sự vật, pháp đều vô tự tánh. Cái ngã chân thật này “chư Phật biết rõ nó, là chỗ trụ của các hành, thủ. “Đó là nhân của trí, đó là trí huệ, chẳng nên gọi đó là các hành”. Tất cả là duy tâm, tất cả là vô sanh, “nếu không vô minh thảy, tâm thức tức chẳng sanh, lìa vô minh không thức, làm sao sanh tương tục?”

Ngã chân thật ấy là duy tâm, vượt khỏi hữu vô, làm nền tảng phi hữu phi vô cho mọi xuất hiện. Nói cách khác, tất cả tướng là tánh, là bản tánh của tâm, là duy tâm: “Chúng sanh, tâm, Niết bàn; bản tánh thường thanh tịnh”. Tất cả chúng sanh là tâm, tất cả tâm là Niết bàn.

 

Bỏ rừng rậm Tà dụ

Đến chỗ hành của thánh

Trí, sở tri sai khác

Khác nhau vì phân biệt.

Người vô trí chẳng biết

Nói điều không nên nói

Như ngu chấp gỗ khác

Là chiên đàn, trầm thủy

Vọng kế và thật trí

Hãy biết cũng như vậy.

Ăn xong cầm bát về

Tẩy rửa khiến sạch sẽ

Súc miệng sạch vị dư

Nên tu hành như vậy.

Nếu trong pháp môn đây

Như lý chánh tư duy

Tịnh tín lìa phân biệt

Thành tựu định tối thắng

Lìa chỗ chấp, trong nghĩa

Thành pháp đăng kim quang.

Phân biệt nơi hữu vô

Và các lưới ác kiến

Ba độc thảy đều lìa

Được tay Phật quán đảnh.

Ngoại đạo chấp năng tác

Mê hướng và vô nhân

Nơi duyên khởi kinh hãi

Đoạn diệt, không thánh tánh.

Các quả báo biến khởi

Là các thức cùng ý

Ý từ tạng thức sanh

Thức nương Mạt na khởi.

Tạng thức khởi các tâm

Như biển khởi các sóng

Các tập khí làm nhân

Tùy duyên mà sanh khởi.

Tướng sát na nối nhau

Thủ cảnh giới tự tâm

Thảy thảy các hình tướng

Ý căn thảy thức sanh.

Do ác tập vô thủy

Tợ ngoại cảnh mà sanh

Chỗ thấy chỉ tự tâm

Chẳng phải ngoại đạo hiểu.

Nhân kia mà duyên kia

Mà sanh ra các thức

Thế nên khởi các kiến

Trôi chuyển trong sanh tử.

Các pháp như huyễn mộng

Trăng nước, nắng, thành Càn

Nên biết tất cả pháp

Chỉ là tự phân biệt.

Chánh trí y Chân Như

Mà khởi các tam muội

Thủ Lăng Nghiêm như huyễn

Các sai khác như vậy.

Được nhập vào các địa

Tự tại và thần thông

Thành tựu trí như huyễn

Được chư Phật quán đảnh.

Thấy thế gian hư vọng

Bấy giờ tâm chuyển y

Đắc Sơ Hoan Hỷ địa

Các địa đến Phật địa.

Đã được chuyển y rồi

Như ma ni nhiều màu

Lợi ích các chúng sanh

Ứng hiện như trăng (trong) nước.

Bỏ lìa kiến hữu vô

Và cùng với chẳng cùng

Vượt qua hạnh nhị thừa

Cũng siêu địa thứ bảy.

Pháp hiện chứng tự nội

Địa địa mà tu trị

Xa lìa các ngoại đạo

Nói nó là Đại thừa

Nói pháp môn giải thoát

Như sừng thỏ, ma ni

Bỏ lìa với phân biệt

Lìa tử và biến diệt.

Giáo do lý nên thành

Lý do giáo nên hiển

Phải y giáo lý này

Chớ còn có phân biệt.

Trí và cái được biết không có sai khác và không có phân biệt. Tâm cảnh nhất như, đây là duy tâm. Như viên ngọc ma ni, ngọc và các màu sắc của nó không khác.

Chỉ cần ngay đây lìa phân biệt như huyễn bèn là duy tâm, là “định tối thắng”. Tâm ấy tỏa chiếu muôn hướng mà ánh sáng nào, hiện hình gì cũng chỉ là nó, đây là pháp đăng kim quang, ngọn đèn pháp ánh sáng màu vàng ròng.

“Các quả báo biến khởi” cũng chỉ là sự biến hiện của tám thức, như các sóng khởi mà không lìa đại dương, là một với đại dương. Ở trong đại dương duy tâm thì các quả báo biến khởi đều như huyễn như mộng, chẳng phải của tôi hay của ai, nghiệp báo của đại dương – các sóng – chỉ là trò chơi của đại dương. Chẳng qua do chấp làm của mình, ngoài mình mà thành ra nghiệp, vì “chỗ thấy của tự tâm”, chỉ là đại dương với sóng.

Giải thoát là biết duy tự tâm hiện, “các pháp như huyễn mộng, trăng nước, nắng, thành Càn, nên biết tất cả pháp, chỉ là tự phân biệt”. Khi thật sự lìa phân biệt liền tương ưng với cái vốn không phân biệt là bản tánh tâm thanh tịnh hay là Pháp thân. Đó tức là bước vào Sơ Hoan hỷ địa, chuyển y từ thức phân biệt sang trí vô phân biệt. Từ đây y vào trí vô phân biệt này mà tiến lên các địa, làm sạch các tập khí phân biệt cho đến Phật địa.

Tự tâm là viên ngọc ma ni, chiếu hiện tất cả mọi thân tâm, thế giới chúng sanh như huyễn. Tự tâm này là Thủ Lăng Nghiêm tam muội như huyễn và các tam muội như huyễn khác. Càng ở trong tam muội như huyễn bao nhiêu thì thân tâm, thế giới, chúng sanh như huyễn bấy nhiêu, và chính trong như huyễn duy tâm này mà “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” là công việc như huyễn của Bồ tát.

Giáo lý của Kinh Lăng Già này là không phân biệt nên thấy như huyễn và thấy như huyễn nên không phân biệt. Không phân biệt là Như Lai tạng hay ánh sáng căn bản, hay ngọn đèn pháp ánh sáng màu vàng ròng. Không phân biệt thì ở trong ánh sáng căn bản của Như Lai tạng, trong đó mà thấy thì các pháp là như huyễn.

Quán như huyễn thì tự nhiên đi sâu vào bản tánh của như huyễn là ánh sáng căn bản của Như Lai tạng. Quán như huyễn thì giải thoát khỏi sanh tử như huyễn, đồng thời an trụ trong bản tánh của sanh tử là ánh sáng căn bản.

Tóm lại, Nền tảng của kinh này là Duy Tâm, hay là Viên thành thật tánh Như Lai tạng tâm hay ánh sáng căn bản của Như Lai tạng. Con đường là an trụ trong ánh sáng căn bản và quán huyễn. An trụ trong ánh sáng căn bản là quán thấy như huyễn và quán thấy như huyễn là an trụ trong ánh sáng căn bản. Con đường này luôn luôn đi trong Nền tảng Như Lai tạng tức là ánh sáng căn bản. Quả là Như Lai tạng hay ánh sáng căn bản.

Nói theo thực hành, cái Thấy là thấy như huyễn và ánh sáng căn bản. Thiền định là thiền quán như huyễn và an trụ trong ánh sáng căn bản. Hạnh là sống trọn vẹn thân tâm trong như huyễn và ánh sáng căn bản. Quả là sự chứng ngộ như huyễn và ánh sáng căn bản.

 

Hết Kinh.

SHARE:

Để lại một bình luận