Phẩm Thứ Mười: KỆ TỤNG – Phần 1

SHARE:

Phẩm Thứ Mười

KỆ TỤNG

Phần 1

Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại các nghĩa rộng trong Kinh này nên nói bài kệ:

Các pháp không kiên cố

Đều từ phân biệt sanh

Vì phân biệt là không

(Cái) được phân biệt chẳng có.

Do hư vọng phân biệt

Là liền có thức sanh

Tám, chín các thứ thức

Như biển có các sóng.

Tập khí thường tăng trưởng

Bám rễ sâu kiên cố

Tâm theo cảnh giới chuyển

Như nam châm hút sắt.

Chúng sanh thường nương y

Nếu xa lìa suy lường (kế độ)

Và lìa trí, sở tri

Chuyển y đắc giải thoát.

Được như huyễn tam muội

Siêu vượt hết Mười địa

Khi quán thấy tâm vương

Tưởng, thức đều xa lìa.

Bấy giờ tâm chuyển y

Đó tức là thường trụ

Tại nơi Liên hoa cung

Chỗ khởi của huyễn cảnh.

Đã trụ cung ấy rồi

Tự tại không dụng công

Lợi ích các chúng sanh

Như ma ni nhiều sắc.

Các pháp do phân biệt mà có. Như tâm gương sáng, tất cả chỉ là gương sáng, chỉ vì phân biệt mà các hình bóng hiện ra, rồi tiếp tục chạy theo phân biệt các hình bóng mà quên mất tấm gương. Như biển vốn chỉ là biển, một màu một vị, nhưng khi phân biệt khởi lên liền thấy có sóng mà không biết tất cả chỉ là biển nước. Tất cả bóng đều là gương sáng, một bóng cũng là gương sáng, dầu có phân biệt gì thì tất cả cũng chỉ là gương. Tất cả sóng đều là biển, một sóng cũng là biển, dầu có phân biệt biến đổi thế nào tất cả cũng chỉ là biển.

Phân biệt mà không biết chỉ là tập khí phân biệt nên như huyễn, bèn tạo ra sanh tử không có ngày chấm dứt. Không phân biệt, không chạy theo phân biệt thì tất cả duy chỉ một gương sáng, tất cả thức duy chỉ là trí. Có bóng nào chẳng phải là gương, có thức nào chẳng phải là trí.

Như huyễn tam muội là thấy được tâm vương là ánh sáng bổn nguyên, chính tập khí phân biệt chia cắt ánh sáng căn bản thành vô vàn hình tướng. Cho nên trong tâm vương sắc thanh hương vị xúc pháp là như huyễn. Biết được và an trụ như vậy là trụ trong Liên hoa cung tức tâm vương để nhìn ra thấy tất cả đều duy tâm hiện, đều là cảnh huyễn.

Trụ trong Liên hoa cung tức là trụ trong tâm vương thì không dụng công. Đây là Vô công dụng địa của Đệ bát địa. Đến địa này mới thật đắc được Như huyễn tam muội. Lúc ấy như viên ngọc ma ni chiếu ra nhiều màu sắc, thân tâm, thế giới, chúng sanh, tất cả đều là sự chiếu hiện của viên ngọc ma ni, nên không khác với viên ngọc ma ni. Sự chiếu hiện của tâm vương chính là tâm vương. Tất cả duy chỉ là tâm vương.

 

Không hữu vi, vô vi

Chỉ trừ vọng phân biệt

Người ngu mê chấp thủ

Như gái đá mộng con.

Nên biết cái ta riêng

Uẩn, giới các duyên thảy

Toàn Không, vô tự tánh

Hữu, phi hữu, vô sanh.

Ta dùng phương tiện nói

Mà thật không có tướng

Người ngu vọng chấp thủ

Năng tướng và sở tướng.

Tất cả biết chẳng (phải) biết

Tất cả chẳng (phải) tất cả

Người ngu phân biệt có

Phật không có tự, tha.

Các pháp như huyễn mộng

Vô sanh, vô tự tánh

Vì thảy đều tánh Không

Không có, bất khả đắc.

Ta chỉ nói một tánh

Lìa ngoài vọng suy lường

Tự tánh không có hai

Chỗ hành của các thánh.

Như bốn đại không an

Nơi nơi thấy đom đóm

Thấy ấy đều không có

Thế gian cũng như vậy.

Giống như huyễn hiện ra

Cây cỏ cùng ngói đá

Kia huyễn, không chỗ có

Các pháp cũng như vậy.

Không năng thủ, sở thủ

Không buộc, không bị buộc

Như huyễn, như sóng nắng

Như mộng như mắt nhặm.

Nếu muốn thấy chân thật

Lìa các phân biệt, thủ

Nên tu quán chân thật

Thấy Phật, tất không nghi.

 

Thấy hữu vô là thấy tướng, đó là cái thấy sai lầm do phân biệt hư vọng. Để thấy cho đúng là phải thấy hữu vô, một khác… đều như huyễn.

Các pháp là vô tự tánh, như huyễn vì vọng phân biệt. Tất cả các pháp là vô tướng, bất khả đắc, vì vô sanh. Vô sanh vì chỉ là tập khí phân biệt mà hư vọng thấy. Cho nên tất cả những cái biết đều chẳng phải biết, và cái tất cả này cũng chẳng có, bởi vì do mắt nhặm tập khí mà biến hiện ra.

“Nên tu quán chân thật”, tức là quán “thế gian cũng như vậy, giống như huyễn hiện ra”. Quán tất cả là huyễn thì chính cái quán ấy “thấy Phật, tất không nghi”.

Tất cả chỉ là một tánh, Viên thành thật tánh, không có duyên khởi tánh huống hồ là vọng kế tánh. Như ánh sáng chỉ là một ánh sáng, có sự phân biệt hư vọng mới chia cắt ánh sáng thành danh tướng.

Ngay đây trước mắt, nếu muốn thấy chân thật, thì lìa phân biệt và chấp thủ trên sự phân biệt ấy. Biết chúng là như huyễn đây là sự quán thấy chân thật tức là thấy Phật.

Mắt tai mũi lưỡi thân ý mà không có thức phân biệt, thì đây là trí. Mắt thấy Phật, tai nghe Phật, mũi ngửi Phật, lưỡi nếm Phật, thân xúc chạm Phật, ý nghĩ Phật.

 

Thế gian đồng như mộng

Sắc, của cải đều thế

Nếu thấy được như vậy

Bậc giải thoát ở đời.

Ba cõi do tâm khởi

Mê lầm vọng thấy ra

Lìa vọng không thế gian

Biết rồi nhiễm chuyển y.

Chỗ thấy của người ngu

Vọng cho có sanh diệt

Người trí quán như thật

Không sanh cũng không diệt.

Thường hành vô phân biệt

Lìa tâm, pháp của tâm

Trụ trời Sắc cứu cánh

Lìa các chốn lỗi lầm.

Ở đó thành chánh giác

Đủ lực, thông tự tại

Cùng các thắng tam muội

Hiện chuyển, ở đây thành.

Hóa thân vô số ức

Đi khắp tất cả cõi

Khiến người ngu được nghe

Như vang, pháp khó nghĩ.

Xa lìa đầu, giữa, cuối

Cũng lìa khỏi hữu vô

Chẳng nhiều mà hiện nhiều

Bất động mà hiện khắp.

Nói trong thân chúng sanh

Tánh chân bị che khuất

Mê lầm nhiễm huyễn có

Chẳng phải huyễn bị mê.

Do bởi tâm mê lầm

Nên tất cả đều có

Vì chúng ràng buộc nhau.

Các thế gian như vậy

Chỉ có giả đặt bày

Các kiến nước chảy dốc

Thành có pháp và người.

Nếu biết được như vậy

Tức là chuyển sở y

Đích thực làm con ta

Thành tựu tùy thuận pháp.

Cái thấy như thật của người trí là thấy không sanh không diệt. Sở dĩ thấy có sanh có diệt vì thức có sanh có diệt. Nếu hành trí vô phân biệt thì thức phân biệt tiêu dung trong trí, tâm và pháp của tâm, tự nhiên rơi rụng. Bấy giờ trụ trong Liên hoa cung, “bất động mà hiện khắp”.

Chuyển sở y là biết các kiến, các tập khí phân biệt như nước chảy xuống dốc. Sự chuyển động của thức phân biệt này đã tạo ra có tôi, có các pháp, có thế giới, chúng sanh. Tất cả các danh tướng này chỉ là giả đặt bày nên như huyễn. Ngừng các phân biệt giả đặt bày này bằng cách thấy chúng như huyễn là tùy thuận pháp, tùy thuận Pháp thân, tức thì thấy Phật, làm con Phật.

 

Chỗ người ngu phân biệt

Pháp cứng, ướt, nóng, động

Giả danh không có thật

Cũng không tướng, sở tướng.

Thân hình và các căn

Đều do tám thứ thành

Người ngu vọng kế sắc

Thân mê muội lao tù.

Người ngu vọng phân biệt

Nhân duyên hòa hợp sanh

Chẳng rõ chân thật tướng

Chuyển trôi trong ba cõi.

Các chủng tử trong thức

Hay hiện cảnh giới tâm

Người ngu khởi phân biệt

Vọng kế có hai thủ.

Vô minh, ái và nghiệp

Các tâm y đó sanh

Do đó ta rõ biết

Là y tha khởi tánh.

Vọng phân biệt có vật

Mê lầm chỗ tâm hành

Phân biệt này đều không

Vọng kế mê là có.

Tâm bị các duyên buộc

Sanh khởi thành chúng sanh

Nếu xa lìa các duyên

Ta nói không chỗ thấy.

Đã lìa tất cả duyên

Tự tướng chỗ phân biệt

Trong tâm không còn khởi

Ta gọi không chỗ hành.

Tâm chúng sanh khởi lên

Năng thủ và sở thủ

Chỗ thấy đều vô tướng

Người ngu vọng phân biệt.

Hiển thị A lại da

Là tạng thức thù thắng

Lìa khỏi năng, sở thủ

Ta nói là Chân Như.

Chỉ vì phân biệt từ vi tế đến thô nặng mà có thân tâm, thế giới, chúng sanh. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là do vọng kế mà có. “Nhân duyên hòa hợp sanh” ở đây là nhân duyên hòa hợp của tám thức phân biệt, hay nói vi tế hơn, của các chủng tử phân biệt trong thức.

Các chủng tử tập khí ấy hay hiện cảnh của tâm, người thường không biết đó là tâm hiện, khởi thêm phân biệt thành năng thủ sở thủ. Vô minh, ái và nghiệp là những chủng tử tập khí đã có trong tâm, và các tâm y theo đó, nghĩa là y trên cái méo mó của chính mình, mà sanh. Đây gọi là y tha khởi tánh, nghĩa là y vào nhân duyên hòa hợp của vô minh, ái và nghiệp mà sanh.

Duyên khởi của Kinh Lăng Già không phải là duyên sanh khách quan mà là duyên sanh của tám thức và tập khí chủng tử của chúng. Bởi vì duyên sanh khách quan nào có được cũng phải được kinh nghiệm từ hệ thống tâm thức chủ quan.

Sở dĩ thấy có vật, đó là do mê lầm chỗ tâm hành. Vì có tâm hành nên có vật. Vì tâm bị các duyên buộc nên mới có cảnh giới, chứ chân thật là không chỗ thấy. Vì tất cả các duyên phân biệt nên mới có khởi tâm cảnh, chứ thật ra tất cả là vô sanh, không chỗ hành, như huyễn. Cho nên muốn thấy cái chân thật vô tướng thì hãy lìa phân biệt. Lìa phân biệt tận gốc là thấy chúng như huyễn. Lìa năng thủ sở thủ như huyễn thì ngay trước mắt là Chân Như.

 

Trong uẩn không có người

Không ngã, không chúng sanh

Sanh chỉ là thức sanh

Diệt cũng chỉ thức diệt.

Như trong tranh cao thấp

Tuy thấy mà chẳng có

Các pháp cũng như vậy

Tuy thấy mà chẳng có.

Như thành Càn thát bà

Như ảo ảnh trời nóng

Chỗ thấy thường như vậy

Trí quán bất khả đắc.

Nhân duyên và thí dụ

Lấy đó mà lập tông

Thành Càn, mộng, vòng lửa

Hơi nóng, ánh nhật, nguyệt.

Ánh lửa, vòng tóc thảy

Lấy đó hiển vô sanh

Đời phân biệt đều không

Mê lầm như huyễn mộng.

Thấy các hữu chẳng sanh

Ba cõi không chỗ nương

Trong ngoài đều như vậy

Thành tựu Vô sanh nhẫn.

Đắc như huyễn tam muội

Cùng với ý sanh thân

Thảy thảy các thần thông

Các lực và tự tại.

Các pháp vốn vô sanh

Không, không có tự tánh

Mê lầm các nhân duyên

Mà cho có sanh diệt.

Người ngu vọng phân biệt

Lấy tâm mà hiện tâm

Và hiện ra ngoại sắc

Mà thật vô sở hữu.

Như định lực quán thấy

Tượng Phật cùng khớp xương

Và phân tích đại chủng

Giả đặt bày thế gian.

Thân, tài và chỗ ở

Ba cái là sở thủ

Ý, thủ cùng phân biệt

Ba cái là năng thủ.

Mê lầm vọng kế trước

Vì phân biệt năng sở

Chỉ theo cảnh, văn tự

Mà không thấy chân thật.

 

Chân thật là không có ngã không có pháp, đây là vô sanh. “Thấy các hữu chẳng sanh, ba cõi không chỗ nương, trong ngoài đều như vậy, thành tựu Vô sanh nhẫn, đắc Như huyễn tam muội, cùng với ý sanh thân”. Các nhân duyên thí dụ chỉ ra tất cả là như huyễn như mộng nên vô sanh.

Hành giả chỉ cần lấy một câu kệ bốn đoạn mà nghe, tư duy và thiền định hết năm này đến năm khác thì có ngày thấy biết trực tiếp tánh Không nền tảng của tất cả các pháp là gì. Chính tánh Không này khiến cho các pháp được thấy thật sự là như huyễn. Đây là bước vào các địa của Pháp thân tánh Không. Và tiếp tục thiền định cho đến lúc trụ được trong Vô sanh pháp nhẫn, Như huyễn tam muội.

Để có đủ động lực đi đến đó, hành giả phải sử dụng mọi Phật pháp mà mình có được: phát tâm Bồ đề, các lời nguyện, tâm đại bi, các ba la mật, sám hối, hồi hướng, giảng nói cho người…

 

Hành giả dùng tuệ quán

Các pháp vô tự tánh

Bấy giờ trụ vô tướng

Tất cả đều dừng bặt.

Như lấy mực nguệch ngoạc

Người ngu vọng chấp thủ

Thật không có ba thừa

Người ngu không thể thấy.

Nếu thấy các Thanh Văn

Cùng các Bích chi Phật

Đều biến hóa mà hiện

Của Bồ tát đại bi.

Ba cõi chỉ là tâm

Hai tự tánh phân biệt

Chuyển y lìa nhân pháp

Đây tức là Chân Như.

Nhật, nguyệt, ánh sáng đèn

Đại chủng và ma ni

Tác dụng vô phân biệt

Chư Phật cũng như vậy.

Các pháp như vòng tóc

Xa lìa sanh trụ diệt

Cũng lìa thường, vô thường

Nhiễm tịnh cũng như vậy.

Như bôi thuốc vào mắt

Thấy đất thành sắc vàng

Mà thật trong đất kia

Vốn không có tướng vàng.

Người ngu chẳng như thế

Tâm mê loạn từ xưa

Vọng chấp cho là thật

Như huyễn như ảo ảnh.

Nên quán một chủng tử

Cùng phi chủng đồng ấn

Một chủng tất cả chủng

Gọi là chủng chủng tâm.

Thảy chủng tử là một

Chuyển y là chẳng chủng

Bình đẳng đồng pháp ấn

Thảy đều vô phân biệt.

Thảy thảy các chủng tử

Làm lầm các nẻo sanh

Mọi chấp trước hỗn tạp

Gọi tất cả chủng tử.

Quán tự tánh các pháp

Mê lầm không bỏ sót

Tánh vật vốn vô sanh

Rõ biết tức giải thoát.

 

Chủng tử là những hạt giống nằm trong A lại da. Nói tổng quát, đó là những hạt giống của phiền não chướng và sở tri chướng. Chỉ cần quán một chủng tử ấy là phi chủng tử, một chủng tử là phi chủng tử thì tất cả chủng tử là phi chủng tử, đều “đồng ấn”, đều “bình đẳng đồng pháp ấn”. Ấn gì? Pháp ấn gì? Ấn tánh Không, ấn như huyễn, ấn vô sanh. Rõ biết tất cả đồng một pháp ấn này thì giải thoát.

 

Người định quán thế gian

Mọi sắc do tâm khởi

Vô thủy tâm mê lầm

Thật không sắc không tâm.

Như huyễn và thành Càn

Vòng tóc và sóng nắng

Chẳng có mà hiện có

Các pháp cũng như vậy.

Tất cả pháp chẳng sanh

Chỉ mê lầm mà thấy

Vì theo mê vọng sanh

Ngu vọng kế chấp hai.

Do thảy thảy tập khí

Sanh các làn sóng tâm

Khi tập khí kia dứt

Sóng tâm không còn khởi.

Tâm duyên các cảnh khởi

Như tranh nương nơi vách

Không vậy, giữa hư không

Sao chẳng có bức tranh?

Nếu duyên có ít phần

Khiến tâm được sanh khởi

Tâm đã do duyên khởi

Nghĩa duy tâm chẳng thành.

Tánh tâm vốn thanh tịnh

Giống như hư không tịnh

Lấy tâm chấp thủ tâm

Do tập (khí) chẳng khác nhân.

Chấp trước tự tâm hiện

Khiến cho tâm có khởi

Chỗ thấy chẳng ngoài tâm

Thế nên nói duy tâm.

 

Mọi sắc thấy được là do tâm khởi. Có sắc thấy được và có tâm khởi là do mê lầm, vì “thật không sắc không tâm”, vì “bản tánh của tâm vốn thanh tịnh như hư không”. Cho nên bất kỳ kinh nghiệm thấy, nghe, cảm, biết gì chia đôi năng sở thì đều là “do thảy thảy tập khí khiến sanh các làn sóng tâm” và kinh nghiệm ấy là như huyễn. Nhưng mọi cái khởi dù là mê lầm cho là ở ngoài hay “khi tập khí kia dứt, sóng tâm không còn khởi”, thì cũng là tâm. Tâm khởi hay không khởi cũng duy chỉ là tâm, có phân biệt thương ghét, lấy bỏ đến đâu cũng duy chỉ là tâm. Đây là nghĩa duy tâm.

Nếu cho rằng “tâm duyên các cảnh giới” như vậy là tâm “do duyên khởi” thì “nghĩa duy tâm chẳng thành”. Duy tâm là tâm chẳng duyên các cảnh bên ngoài tâm để khởi, vì chẳng có cảnh nào ở ngoài tâm cả. Duy tâm là tâm tự khởi ra cái gọi là cảnh, mà tâm vốn vô sanh nên sự khởi của tâm cũng là không khởi. Tóm lại, tất cả chỉ là tâm, và không có chỗ nào khác với tâm để có sự khởi cả.

Nếu nghĩ rằng tâm có khởi ra cảnh, và cảnh là do tự tâm hiện, đó là “lấy tâm chấp thủ tâm”, việc này cũng có nhân là tập khí phân biệt mê lầm. Lấy tâm chấp thủ tâm là phân chia tâm ra làm chủ thể và đối tượng, điều này làm hao tán năng lực bổn nguyên của tâm một cách vô ích. Không có gì ở ngoài tâm, kể cả mê lầm phân biệt như huyễn, tất cả chỉ là tâm, đây là nghĩa duy tâm.

Tâm chính là Phật, nên nói cách khác, tất cả chỉ là Phật, không có cái gì khác, không có vô minh, phân biệt, chấp trước… nào khác cả.

 

Tạng thức gọi là tâm

Nghĩ lường thành là ý

Hay biết các cảnh giới

Đó tức gọi là thức.

Tâm thường là vô ký

Ý đủ hai thứ hành

Hiện tại thức đầy đủ

Các thiện và bất thiện.

Chứng bèn không thời gian

Vượt địa, các cõi nước

Cũng vượt khỏi tâm lượng

Mà trụ quả vô tướng.

Chỗ thấy có và không

Cùng với thảy thảy tướng

Đều là của người ngu

Điên đảo bởi chấp trước.

Trí là lìa phân biệt

Có vật tức trái nhau

Do tâm vốn vô sắc

Nên không có phân biệt.

Các căn giống như huyễn

Cảnh giới đều như mộng

Năng tác cùng sở tác

Tất cả đều chẳng có.

Thế đế tất cả có

Đệ nhất nghĩa tức Không

Tánh các pháp vô tánh

Nói là đệ nhất nghĩa.

Ở trong vô tự tánh

Nhân vì các ngôn thuyết

Mà có các vật khởi

Đó gọi là tục đế.

Nếu không có ngôn thuyết

Cũng không có vật khởi

Trong thế đế không có

Chỉ có lời, không sự.

Pháp hư vọng điên đảo

Mà thật bất khả đắc

Nếu điên đảo mà có

Tức Không, vô tự tánh.

Vì hữu là vô tánh

Các pháp điên đảo kia

Tất cả các cái có

Đều là bất khả đắc.

Ác tập huân nơi thân

Hiện ra thảy thảy tướng

Mê lầm cho ngoài tâm

Vọng thủ các sắc tướng.

Phân biệt (vốn là) vô phân biệt

Phân biệt có thể đoạn

Vô phân biệt bèn thấy

Thật tánh, chứng Chân Không.

 

Tạng thức hay tâm vừa phân biệt nghĩ lường thì thành ý, rồi phân biệt các cảnh giới của tâm thì thành ra thức. Cứ liên tục vọng động vậy mãi cho nên sanh tử luân hồi được lập ra. Cái vọng động của tâm, ý, thức này là không thật, nên sanh tử luân hồi này là không thật, hư vọng. Nhưng chính cái điên đảo hư vọng này làm mất năng lượng của tâm. Cho nên đem các thức trở lại nguồn của chúng là trí thì đây là thực tại toàn nguyên: “Vô phân biệt bèn thấy, thật tánh chứng Chân Không, chứng bèn không thời gian”.

“Thế đế tất cả có”, tất cả có đều như huyễn. Khi thấy tất cả có đều như huyễn, bèn xưa nay mình vẫn trụ trong “đệ nhất nghĩa tức Không”. Nếu thấy thế đế là như huyễn, thì thế đế này tức là đệ nhất nghĩa đế.

Trí là lìa phân biệt, lìa phân biệt thì trụ ngay trong quả vô tướng, vô phân biệt. Nói trụ ngay là bởi vì quả vô tướng, vô phân biệt này vẫn hằng có trong mọi chỗ mọi thời, còn các tướng các phân biệt chỉ mới hư vọng lập trên nền tảng vô tướng, vô phân biệt này mà thôi.

Thế đế là tất cả có, cái có này là hư vọng điên đảo mà lập ra. Lập ra ở đâu, trong đâu? Lập ra trên nền tảng đệ nhất nghĩa tức Không, vốn hiện hữu xưa nay.

Thực tại là vô tự tánh, là tánh Không, trong đó không có một vật nào, một danh tướng nào. Nhưng thấy có vật, thấy có tướng bởi vì chấp vào ngôn thuyết và danh phân biệt. Không có ngôn thuyết, không có danh, không có động niệm theo ngôn thuyết và danh, thì vĩnh viễn “cũng không có vật khởi”.

Chuyển y là không ngôn thuyết, không phân biệt thì tức thời tục đế chuyển thành đệ nhất nghĩa đế. Khi quán sát sâu sắc tất cả chỉ là tâm nên như huyễn thì biết ngay rằng “phân biệt vốn là vô phân biệt”, sanh tử vốn là Niết bàn.

An trụ trong vô phân biệt, khoảnh khắc nào ở trong vô phân biệt thì khoảnh khắc ấy “thấy thật tánh, chứng tánh Không”.

 

Vô minh huân nơi tâm

Hiện ra các chúng sanh

Như voi ngựa huyễn thảy

Cây lá tưởng là vàng.

Giống như mắt bệnh lòa

Mê lầm thấy vòng tóc

Người ngu cũng như vậy

Vọng thủ các cảnh giới.

Phân biệt, sở phân biệt

Và người khởi phân biệt

Chuyển, sở chuyển, nhân chuyển

Nhân đó, sáu giải thoát.

Do có vọng kế nên

Không địa, không các đế

Cũng không các cõi nước

Hóa Phật và Nhị thừa.

Tâm khởi tất cả pháp

Tất cả chốn và thân

Tánh tâm thật vô tướng

Không chấp thủ thảy thảy.

Phân biệt mê lầm tướng

Đó gọi y tha khởi

Trong tướng có thêm danh

Đó tức là vọng kế.

Các duyên hòa hợp nhau

Phân biệt thành danh tướng

Thảy đó đều chẳng sanh

Tức là viên thành thật.

 

Thấy đủ thứ, từ thân tâm đến thế giới, chúng sanh, đều là do tập khí phân biệt huân tập nơi tâm mà hiện ra. Biết các thứ hiện ra đều như huyễn là nhổ dứt được gốc rễ tập khí.

Sự phân biệt, sở phân biệt, người phân biệt, sự chuyển, sở chuyển, nhân chuyển, sáu cái này mà như huyễn tức là sáu giải thoát. Quán như huyễn là chuyển năng lực đã tạo ra vọng kế và y tha khởi về viên thành thật.

Tánh tâm thật vô tướng, dò cho đến tận cùng, đến hết kiếp xem tâm có tướng gì không. Cho nên có tướng có danh đều là như huyễn. Không biết mà mê lầm phân biệt các duyên hòa hợp nhau, đó là y tha khởi. Mê lầm thêm một lớp nữa là phân biệt trên danh, đó là vọng kế hay biến kế sở chấp.

Không phân biệt tức là không có y tha khởi, không có vọng kế, hai tánh này như huyễn, thì đây là viên thành thật xưa nay như vậy.

 

Mười phương các cõi nước

Chúng sanh, Bồ tát trong

Pháp và Báo thân Phật

Hóa thân và biến hóa

Đều từ Vô Lượng Thọ

Trong Cực Lạc lưu xuất

Ở trong kinh Phương Quảng

Nên biết mật ý thuyết.

Những gì Phật tử nói

Và của Đạo sư nói

Đều là Hóa thân nói

Chẳng phải Thật báo Phật.

Các pháp không có sanh

Cũng chẳng phải chẳng có

Như huyễn cũng như mộng

Như hóa như thành Càn.

Thảy thảy do tâm khởi

Thảy thảy do tâm thoát

Tâm khởi không gì ngoài

Tâm diệt cũng như vậy.

Vì chúng sanh phân biệt

Tướng hư vọng hiện ra

Duy tâm thật không cảnh

Lìa phân biệt, giải thoát.

Do vô thủy tích tập

Phân biệt các hý luận

Huân các ác tập khí

Khởi cảnh hư vọng này.

Các pháp vốn vô sanh

Vì tự tánh vọng kế

Y chỉ nơi duyên khởi

Chúng sanh mê phân biệt.

Phân biệt chẳng tương ưng

Y tha liền thanh tịnh

Chỗ trụ lìa phân biệt

Chuyển y tức Chân Như.

Chớ vọng kế hư vọng

Vọng kế là không thật

Mê lầm vọng phân biệt

Năng, sở thủ đều không.

Phân biệt thấy ngoại cảnh

Là tự tánh vọng kế

Do hư vọng kế này

Tự tánh duyên khởi sanh.

Tà thấy các ngoại cảnh

Không cảnh, chỉ là tâm

Chánh quán sát như lý

Năng sở thủ đều diệt.

Chỗ người ngu phân biệt

Ngoại cảnh thật chẳng có

Tập khí nhiễu loạn tâm

Giống ngoại cảnh đang chuyển.

Đã diệt hai phân biệt

Trí khế hợp Chân Như

Trụ trong không ảnh tượng

Chỗ hành thánh khó bàn.

 

Tất cả các cõi nước, chúng sanh, Bồ tát, các Báo, Hóa thân Phật, và Pháp đều từ Phật A Di Đà, hay Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, từ Cực Lạc lưu xuất. Đây là mật ý thuyết trong kinh Phương quảng.

Một trong những mật ý của “đều từ trong Cực Lạc lưu xuất” là Như huyễn chính là Cực Lạc. Chứng được như huyễn thì sẽ biết được sự biến hiện như huyễn của tâm là Cực Lạc.

“Các pháp không có sanh, cũng chẳng phải không có, như huyễn cũng như mộng, như hóa như thành Càn, thảy thảy do tâm khởi, thảy thảy do tâm thoát, tâm khởi không gì ngoài, tâm diệt cũng như vậy”. Chỉ một đoạn này mà dùng thiền định và thiền quán miên mật lâu ngày mới chứng ngộ được duy tâm như huyễn là gì.

“Các pháp vốn vô sanh”, chỉ vì phân biệt mà có y tha khởi tánh, rồi phân biệt trên sự phân biệt hư vọng này bèn có vọng kế tánh. Nếu “phân biệt chẳng tương ưng, y tha liền thanh tịnh”. Y tha thanh tịnh thì đây chính là Chân Như, viên thành thật tánh. Chỉ cần “chỗ trụ lìa phân biệt”, biết như huyễn liền lìa, đây là sự chuyển y, mà “chuyển y tức Chân Như”.

Thấy có ngoại cảnh, đó là vì “tập khí nhiễu loạn tâm”. Không phân biệt từ ngoài vào trong thì tập khí hết, bấy giờ “đã diệt hai phân biệt, trí khế hợp Chân Như”.

 

Nương cha mẹ hòa hợp

Như váng sữa trong bình

A lại da cùng ý

Chất đỏ, trắng tăng trưởng.

Bế thi và trù bào

Các thứ uế nghiệp sanh

Gió nghiệp tăng bốn đại

Sanh ra như quả chín.

Năm và năm cùng năm

Mở ra có chín lỗ

Móng, da, răng, lông đủ

Khi đủ bèn sanh ra.

Sơ sanh như trùng phân

Cũng như người tỉnh ngủ

Mắt mở thấy các sắc

Phân biệt dần tăng trưởng.

Phân biệt đã xong rồi

Các môi răng …hòa hợp

Bắt đầu phát ngôn ngữ

Giống như các thứ chim.

Tùy chúng sanh thích ý

An lập ra Đại thừa

Chẳng phải chỗ ác kiến

Ngoại đạo chẳng thể thọ.

‘Thừa tự chứng bên trong

Chẳng phải chỗ suy lường

Sau khi Phật diệt độ

Ai có thể thọ trì?’

Đại Huệ! Ông nên biết

Sau Thiện Thệ niết bàn

Đời vị lai sẽ có

Người thọ trì pháp ta.

Trong nước Nam Ấn Độ

Tỳ kheo danh đức lớn

Tên hiệu là Long Thọ

Hay phá tông hữu vô.

Trong thế gian hiển rõ

Pháp vô thượng Đại thừa

Đắc Sơ Hoan Hỷ địa

Vãng sanh An lạc quốc.

Nghĩa các duyên sanh khởi

Hữu vô đều không thể

Trong duyên vọng kế vật

Phân biệt thành có, không

Kiến ngoại đạo như vậy

Xa lìa pháp của ta.

 

Đoạn này giảng về nghiệp phân biệt từ A lại da và ý mạt na từ khi trong bào thai sanh ra. Phân biệt lớn dần trong tâm thức rồi được củng cố thêm bằng ngôn ngữ. Tóm lại, sanh tử là danh tướng phân biệt nên như huyễn. Thoát khỏi sanh tử là thoát khỏi danh tướng phân biệt, thấy chúng là như huyễn.

Cũng trong đoạn này Đức Phật nói đến Bồ tát Long Thọ vị xiển dương tánh Không, nền tảng của Đại thừa. Duyên sanh cho nên vô tự tánh, nên là tánh Không. Ngài Long Thọ đã viết rất nhiều luận để giảng rõ về duyên sanh tánh Không, lập ra Trung đạo lìa khỏi biên kiến hữu vô.

Hệ thống Bát nhã nhấn mạnh đến duyên sanh tánh Không. Ở đây là hệ thống duy tâm nên là như huyễn tánh Không.

 

Danh tự tất cả pháp

Lưu truyền đã từ lâu

Tập khí xưa và nay

Xoay vần cùng phân biệt.

Nếu không nói ra danh

Thế gian sẽ mê lầm

Để trừ sự lầm lộn

Thế nên lập danh ngôn.

Ngu phân biệt các pháp

Mê lầm theo danh tự

Cùng với các duyên sanh

Là ba thứ phân biệt.

Chấp bất sanh bất diệt

Bản tánh như hư không

Tự tánh vô sở hữu

Đó gọi là tướng vọng kế.

Như huyễn, ảnh, sóng nắng

Bóng gương, mộng, vòng lửa

Như vang, thành Càn thát

Đó là y tha khởi.

Chân Như, Không, bất nhị

Thật tế cùng pháp tánh

Đều không có phân biệt

Ta nói là viên thành

Tâm đi trong ngữ ngôn

Hư vọng sa nhị biên

Huệ phân biệt thật đế

Huệ ấy vô phân biệt.

Hiện nơi bậc trí giả

Nơi người ngu chẳng hiện

Cái hiện nơi trí ấy

Tất cả pháp vô tướng.

Như chuỗi bằng vàng giả

Chẳng vàng ngu tưởng vàng

Các pháp cũng như vậy

Ngoại đạo vọng tưởng ra.

Các pháp không thủy chung

Trụ nơi tướng chân thật

Thế gian không tạo tác (vô tác)

Tưởng lường chẳng thể hiểu.

Các pháp trong quá khứ

Vị lai và hiện tại

Tất cả pháp như vậy

Trọn đều là vô sanh.

Các duyên hòa hợp nhau

Thế nên nói có pháp

Nếu là sự hòa hợp

Chẳng sanh cũng chẳng diệt.

Nhưng các pháp duyên khởi

Một, khác không thể đắc

Nói lược tức là sanh

Nói rộng tức là diệt.

Một là bất sanh Không

Bất sanh Không là thắng

Sanh Không tức diệt hoại.

Chân Như, Không, thật tế

Niết bàn và pháp giới

Thảy thảy ý sanh thân

Ta nói chỉ khác danh.

 

Vọng kế là tất cả bất sanh bất diệt mà chấp thủ thành ra tướng và danh. Vọng kế này đặt nền trên y tha khởi, mà y tha khởi cũng y trên pháp tánh bất sanh bất diệt này mà cho là thật có duyên khởi, duyên sanh. Cho nên thật thấy y tha khởi là thấy y tha khởi là không thật, như huyễn, như bóng, như vang nên là vô sanh. Viên thành thật là Chân Như, thật tế, pháp tánh, Không… trong đó không có phân biệt của vọng kế và y tha khởi. Cho nên lìa phân biệt thì vọng kế và y tha khởi là Chân Như.

Vô phân biệt là trí huệ. Trí huệ ấy thấy tất cả pháp vô tướng, Chân Như bất sanh bất diệt, sanh tử chưa từng được tạo tác… Chỉ cần không có phân biệt của vọng kế và y tha khởi thì viên thành thật hiện tiền.

Tóm lại quán vọng kế và y tha khởi là như huyễn thì mọi cái trước mắt hoàn lại Chân Như viên thành thật.

 

Nơi các kinh, luật, luận

Mà khởi phân biệt tịnh

Nếu không rõ vô ngã

Y giáo, chẳng y nghĩa.

Chúng sanh vọng phân biệt

Chỗ thấy như sừng thỏ

Phân biệt tức mê lầm

Như thú khát đuổi nắng.

Do nơi vọng chấp trước

Mà khởi ra phân biệt

Nếu lìa nhân vọng chấp

Phân biệt liền chẳng khởi.

Đại phương quảng rất sâu

Biết các cõi tự tại

Ta vì Phật tử nói

Chẳng vì các Thanh Văn.

Ba cõi Không, vô thường

Xa lìa ngã, ngã sở

Ta vì các Thanh Văn

Nói tổng tướng như vậy.

Chẳng bám tất cả pháp

Tịch tịnh, đi một mình

Nghĩ nhớ quả Bích Chi

Ta vì người đó nói.

Thân là y tha khởi

Mê lầm chẳng tự thấy

Phân biệt ngoài tự tánh

Mà khiến tâm vọng khởi.

Nhờ quả báo, gia trì

Sanh vào trong các loài

Và có được trong mộng

Là bốn thứ thần thông.

Thông được ở trong mộng

Và nhờ oai lực Phật

Do sanh trong các loài

Đều chẳng phải báo đắc.

Tập khí huân nơi tâm

Tợ vật mà ảnh khởi

Phàm ngu chưa thể ngộ

Thế nên nói là sanh.

Theo nơi vọng phân biệt

Chừng nào có ngoại tướng

Khi ấy còn thêm vọng

Chẳng thấy tự tâm mê.

‘Vì sao nói có sanh

Mà không nói chỗ thấy

Không chỗ thấy mà thấy

Vì ai? Tại sao nói?’

Thể tâm tự vốn tịnh

Ý cùng với các thức

Do tập khí thường huân

Mà làm các trược loạn

Tạng thức bỏ lìa thân

Ý bèn tìm các nẽo

Thức mê tợ cảnh giới

Thấy rồi tham nắm giữ.

Chỗ thấy chỉ tự tâm

Ngoại cảnh bất khả đắc

Nếu tu quán như vậy

Xả vọng niệm: Chân Như

 

Chấp trước là tham bám nắm một cái gì đó tưởng là ở ngoài tâm mình, nhưng nó không có thật, như sừng thỏ, như hoa giữa hư không… Từ sự tham bám nắm này sanh ra phân biệt, sự phân biệt này dựa trên ảo ảnh không thật. Rồi phân biệt lại sanh thêm tâm phân biệt vọng khởi: “Thân là y tha khởi, mê lầm chẳng tự thấy, phân biệt cho là ngoài, mà khiến tâm vọng khởi”. Mê lầm nối tiếp mê lầm, hư vọng chồng thêm hư vọng. Chẳng qua là chẳng biết tâm và sự hoạt động của nó mà có thân tâm, thế giới, chúng sanh.

Đến đây, nhìn sự mê lầm đã thoát ra, đây là trí huệ, rồi nhìn chúng sanh đang tự nhả tơ để trói buộc mình liền đầy đủ đại bi. Trí huệ đến đâu đại bi đến đó, đây là con đường Bồ tát. Đại bi cũng hỗ trợ cho trí huệ, bởi vì đại bi là không phân biệt, gọi là đồng thể đại bi. Đại bi là không thấy có gì khác với mình, tất cả là mình, “chừng nào có ngoại tướng, khi ấy còn thêm vọng”.

“Chỗ thấy chỉ tự tâm, ngoại cảnh bất khả đắc”, đại bi khi là một với trí huệ thì chúng sanh ngoại cảnh bất khả đắc, chúng sanh là như huyễn, do đó như Kinh Đại Bát Nhã nói, “độ chúng sanh như độ hư không”. “Nếu tu quán như vậy, xả vọng niệm: Chân Như”, vọng niệm là gồm cả vọng niệm về chúng sanh trong đó, khi vọng niệm về chúng sanh, phân biệt ta người được xả bỏ thì đây là đại bi. Như vậy Chân Như là trí huệ và đại bi hợp nhất. Trí huệ là thấy tất cả như huyễn. Đại bi là tất cả như huyễn ấy là một, một tâm.

 

Cảnh giới của các định

Nghiệp và oai lực Phật

Ba điều chẳng thể bàn

Chỗ trí vượt suy nghĩ

Quá khứ, vị lai, ngã

Hư không cùng Niết bàn

Ta tùy thế tục nói

Chân đế lìa văn tự.

Nhị thừa và ngoại đạo

Cùng y chỉ các kiến

Mê lầm nơi duy tâm

Vọng phân biệt ngoại cảnh.

La Hán, Bích Chi Phật

Và giác ngộ của Phật

Chủng tử thành tựu chắc

Mộng thấy Phật quán đảnh.

‘Tâm huyễn đến tịch tĩnh

Sao lại nói hữu vô

Ở đâu, nói cho ai

Vì cớ gì, xin nói’.

Mê lầm nơi duy tâm

Nên nói hữu vô huyễn

Sanh và diệt tương ưng

Tướng, sở tướng bình đẳng.

Phân biệt tên ý thức

Cùng với năm thức thân

Như bóng hình trôi chuyển

Từ tâm khởi chủng tử.

Nếu tâm cùng với ý

Các thức thân chẳng khởi

Tức đắc ý sanh thân

Cũng được đến Phật địa.

Các duyên cùng uẩn giới

Tự tướng của nhân, pháp

Đều tâm giả đặt bày

Như mộng và vòng tóc.

Quán đời như huyễn mộng

Y chỉ trong chân thật

Chân thật lìa các tướng

Cũng lìa nhân tương ưng.

Bậc thánh trong nội chứng

Thường trụ trong vô niệm

Người mê nhân tương ưng

Chấp thế gian là thật.

Tất cả hý luận diệt

Thì mê lầm chẳng sanh

Tùy có mê phân biệt

Tâm si thường hiện khởi.

 

Sở dĩ có các kiến hý luận là do mê duy tâm. Mê duy tâm thì phân biệt ngoại cảnh các thức đồng khởi ra sanh tử mà không biết chúng là như huyễn.

Rõ duy tâm thì tất cả là do tâm hiện nên như huyễn như mộng, khi ấy an trụ trong chân thật, vốn chưa từng có tướng do tâm hiện. Thấy tất cả tướng là do tâm hiện nên như huyễn, đây là tâm vô niệm, vô phân biệt và tự nhiên an trụ trong đó. Đây là nội chứng của bậc thánh trong Mười Địa.

 

Các pháp Không, vô tướng

Mà cho thường, vô thường

Là kiến của ‘sanh luận’

Chẳng phải ‘vô sanh luận’.

Một, khác, cùng, chẳng cùng

Tự nhiên và tự tại

Thời, vi trần, thắng tánh

Duyên, phân biệt thế guan.

Thức là giống sanh tử

Có hạt giống, có sanh

Như tranh gắn vào tường

Rõ biết tức liền diệt.

Thí như thấy người huyễn

Mà có sanh tử huyễn

Người ngu chẳng thấy vậy

Si nên khởi buộc, thoát.

Trong ngoài hai thứ pháp

Cùng với nhân duyên kia

Người tu hành quán sát

Đều trụ nơi vô tướng.

Tập khí chẳng lìa tâm

Cũng chẳng cùng với tâm

Tuy bị tập khí buộc

Tâm vẫn không sai khác.

Tâm như áo sắc trắng

Ý, thức tập làm dơ

Tập khí dơ ô nhiễm

Nay tâm không hiển hiện.

Ta nói như hư không

Chẳng hữu cũng chẳng vô

Tạng thức cũng như thế

Hữu vô đều xa lìa.

Ý thức nếu chuyển y

Tâm liền lìa trược loạn

Ta nói tâm là Phật

Giác ngộ tất cả pháp.

Đoạn sạch ba tương tục

Cũng lìa khỏi bốn cú

Hữu vô đều bỏ lìa

Các hữu hằng như huyễn.

 

Các pháp vốn là Không, vô tướng mà cho là thường hay vô thường, đó là do tập khí chuyển trôi mà hóa hiện. Nhưng người tu hành quán sát thì cảnh, tâm, nhân duyên “đều trụ nơi vô tướng”. Tập khí có, nhưng chẳng dính dáng gì đến tâm, “tập khí chẳng lìa tâm, cũng chẳng cùng với tâm”, vì tập khí là như huyễn. Tập khí có được là lấy từ lực như huyễn của tâm, nên quán như huyễn là lấy lực như huyễn của tâm để tịnh hóa, chuyển y tập khí.

Tạng thức là Như Lai tạng có chứa tập khí. Nhưng tập khí không thật có, nên tạng thức vốn thanh tịnh, là Như Lai tạng. “Tạng thức cũng như thế, hữu vô đều xa lìa”.

Như thế tâm vốn là Phật. Sự biến hiện của tâm cũng là Phật, là Hóa Phật. Duy tâm là tất cả là Phật, không có cái gì ngoài Phật, ngoài giác ngộ của Phật.

 

Bảy địa trước tâm khởi

Nên có hai tự tánh

Các địa sau, Phật địa

Đều là viên thành thật.

Dục, sắc, vô sắc giới

Và cho đến Niết bàn

Tất cả trong thân này

Đều là cảnh giới tâm.

Tùy còn có chỗ đắc

Thì còn mê lầm khởi

Nếu đã biết tự tâm

Mê lầm liền chẳng sanh.

Ta lập hai thứ pháp

Các tướng và tự chứng

Dùng bốn loại lý thú

Phương tiện để thành tựu.

Thấy thảy thảy danh tướng

Là mê lầm phân biệt

Nếu lìa nơi danh tướng

Tánh tịnh chỗ thánh hành.

Theo năng sở phân biệt

Tức có tướng vọng kế

Nếu lìa phân biệt kia

Tự tánh chỗ thánh hành.

Nếu khi tâm giải thoát

Tức thường hằng chân thật

Chủng tánh là pháp tánh

Chân Như lìa phân biệt.

Vì có tâm thanh tịnh

Mà có tạp nhiễm hiện

Không (có) tịnh tức không (có) nhiễm

Chân tịnh chỗ thánh hành.

 Bảy địa trước, từ Sơ địa đến Đệ thất địa, tâm còn nhiễm ô, chưa hoàn toàn thanh tịnh, tâm còn khởi, nên còn vọng kế tánh và duyên khởi tánh. Từ địa thứ tám đắc Như huyễn tam muội và cái công dụng của nó là ý sanh thân, thì tâm không còn khởi, hai tánh đã được tịnh hóa. Đây là vô công dụng địa. Đến Phật địa, mà kinh nói là a tăng kỳ kiếp thứ ba,  thì mới thuần túy là Chân Như, viên thành thật tánh, mặc dù Chân Như hay viên thành thật tánh đã bắt đầu hiện hữu từ Sơ địa.

Ba cõi, các địa, cho đến Niết bàn đều ở trong thân tâm này, đều là cảnh giới của tâm. Tất cả cảnh giới phàm thánh nếu còn danh tướng để đắc thì mê lầm còn khởi. Nếu đã biết tự tâm thì mê lầm liền chẳng sanh, danh tướng chẳng thể đắc.

Tánh tịnh, tự tánh, là chỗ hành của thánh. Nhưng nếu còn có cái được cho là tâm thanh tịnh bèn vẫn còn tạp nhiễm hiện. Tu hành cho đến tất cả đều là tâm thanh tịnh, bấy giờ không mảy lông hạt bụi nào là không thanh tịnh, lúc ấy không có gì ngoài tâm thanh tịnh nên ý niệm về tâm thanh tịnh cũng dứt, mà không có tịnh tức cũng không có nhiễm ô.

 

Thế gian từ duyên sanh

Tăng trưởng do phân biệt

Quán nó như huyễn mộng

Khi ấy tức giải thoát.

Thảy thảy tập khí ác

Hòa hợp cùng với tâm

Chúng sanh thấy ngoại cảnh

Không thấy pháp tánh tâm.

Tánh tâm vốn thanh tịnh

Chẳng sanh các mê lầm

Mê từ ác tập khởi

Thế nên không thấy tâm.

Mê lầm tức là chân

Chân thật không gì ngoài

Không nơi hành, chẳng hành

Không nơi khác mà thấy.

Nếu quán các hữu vi

Xa lìa tướng, sở tướng

Vì lìa các tướng nên

Thấy thế (gian) chỉ tự tâm.

An trụ nơi duy tâm

Chẳng phân biệt ngoại cảnh

Trụ nền tảng Chân Như

Vượt khỏi ngoài tâm lượng.

Nếu vượt khỏi tâm lượng

Cũng vượt đến vô tướng

Đã trụ trong vô tướng

Cũng chẳng thấy Đại thừa.

Hạnh tịch, vô công dụng

Tịnh tu các đại nguyện

Đến trí huệ tối thắng

Vô tướng nên chẳng thấy.

 

“Thế gian từ duyên sanh, tăng trưởng do phân biệt, quán nó như huyễn mộng, khi ấy tức giải thoát”, quán thấy sanh tử là như huyễn mộng, thì giải thoát. Sự giải thoát không nằm nơi thế gian sanh tử, mà nằm nơi cái thấy của mỗi người.

Chúng sanh thấy tướng nên tạo nghiệp dù thiện dù ác nơi thế gian, và tạo nghiệp thì phải chịu nghiệp quả. Bậc thánh “thấy thế gian duy chỉ là tự tâm, xa lìa tướng, sở tướng”, chỉ thấy Nhất Tâm, ngoài ra không có thế giới, chúng sanh, và nghiệp vì đều như huyễn. Cho nên khi chúng sanh thấy tướng, tạo nghiệp thì chỉ mình chúng sanh nào đó chịu nghiệp quả, còn bậc thánh thì trước sau, trên dưới, xưa nay chỉ thấy một vị Nhất Tâm. Nghiệp và nghiệp quả của chúng sanh, bậc thánh vẫn chỉ thấy là Nhất Tâm, còn ai thấy tướng, tạo tướng thì nấy chịu. Cho nên trong pháp tánh tâm một vị, người thì hưởng Niết bàn, người thì chịu sanh tử.

Ngay lúc này đây mà xa lìa tướng, sở tướng, bèn tức thì thấy tất cả duy chỉ là tự tâm Chân Như. Tu lần lần đến Vô công dụng đạo của địa thứ tám, tịnh tu các đại nguyện cho đến thành Phật. Qua đây chúng ta có thể thấy Phật là Đại Trí, Đại Bi, Đại Nguyện, đầy đủ mọi phương tiện thiện xảo để cứu độ tất cả chúng sanh.

 

Nên quán chỗ tâm hành

Cũng quán chỗ trí hành

Quán thấy chỗ huệ hành

Nơi tướng, không mê lầm.

Chỗ tâm hành khổ đế

Chỗ trí (jnana) hành là tập

Diệt, đạo và Phật địa

Đều là chỗ huệ (prajna) hành.

Đắc quả và Niết bàn

Cùng với tám thánh đạo

Giác rõ tất cả pháp

Là trí Phật thanh tịnh.

Nhãn căn cùng sắc cảnh

Không, minh cùng tác ý

Nên khiến từ tạng thức

Nhãn thức chúng sanh sanh.

Nắm, người nắm, vật nắm

Danh sự đều không có

Không nhân, vọng phân biệt

Đó là người vô trí.

Danh nghĩa chẳng sanh nhau

Danh, nghĩa riêng cũng thế

Nghĩ nhân, vô nhân sanh

Đều chẳng lìa phân biệt.

Vọng nói trụ thật đế

Tùy kiến đặt bày nói

Một tánh, năm không thành

Bỏ lìa nơi nghĩa đế.

Hý luận với hữu vô

Nên vượt các ma ấy

Vì đã thấy vô ngã

Chẳng vọng cầu các hữu.

Nghĩ tác giả là thường

Chú thuật và tranh luận

Thật đế lìa ngôn thuyết

Mà thấy pháp tịch diệt.

 

Duy tâm là thấy chỗ tâm hành, chỗ trí hành, cũng là chỗ huệ hành. Nói cách khác, thấy Khổ đế, Tập đế cũng chính là Diệt đế, Đạo đế hay Phật địa. Nói cách khác, sanh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề.

“Danh nghĩa chẳng sanh nhau, danh nghĩa riêng cũng thế, nghĩ nhân, vô nhân sanh, đều chẳng lìa phân biệt”, các pháp chẳng sanh nhau, chẳng tự sanh. Không có sự sanh, vì tất cả đều như huyễn, nên tất cả vô sanh.

 

Do y vào tạng thức

Mà có ý chuyển động

Vì y vào tâm ý

Mà có các thức sanh.

Chỗ pháp lập hư vọng

Cùng tánh tâm, Chân Như

Tu định quán như thế

Thông đạt tánh duy tâm.

Quán ý cùng sự tướng

Chẳng nghĩ thường, vô thường

Cùng với sanh, chẳng sanh

Chẳng phân biệt hai nghĩa.

Từ nơi A lại da

Sanh khởi ra các thức

Rốt chẳng nơi một nghĩa

Mà sanh hai thứ tâm.

Do thấy được tự tâm

Chẳng không chẳng ngôn thuyết

Nếu chẳng thấy tự tâm

Bị lưới tà kiến trói.

Các duyên không có sanh

Các căn không chỗ có

Không tham, không uẩn, giới

Tất không (có) các hữu vi.

Vốn không các nghiệp báo

Không tạo tác, hữu vi

Nhiễm trước bổn lai không

Không buộc cũng không thoát.

Pháp hữu, vô, vô ký

Pháp, chẳng pháp đều không

Chẳng thời, chẳng Niết bàn

Tánh pháp bất khả đắc.

Chẳng Phật, chẳng chân đế

Chẳng nhân cũng chẳng quả

Chẳng điên đảo, Niết bàn

Chẳng sanh cũng chẳng diệt.

Cũng không mười hai chi

Biên, vô biên chẳng có

Tất cả kiến đều đoạn

Ta nói là duy tâm.

Như huyễn là “các duyên không có sanh, các căn không chỗ có, không tham không uẩn giới, tất không có các hữu vi”.

Tự tâm vượt ngoài có, không. Nó không phải là một tánh Không không có gì, nó là một tánh Không huyễn hữu. Và cũng chẳng phải là có, mà là cái có như huyễn của tánh Không.

Nhị thừa chỉ chứng đến “Sắc tức là Không”. Bồ tát thì không chỉ “sắc tức là Không” mà còn là “Không tức là sắc”. Đoạn trên nói tất cả là Không, và đó là duy tâm.

 

Phiền não, nghiệp, và thân

Và quả được từ nghiệp

Đều như mộng, hoa đốm

Như thành Càn thát bà.

Bởi vì trụ duy tâm

Các tướng đều bỏ lìa

Bởi vì trụ duy tâm

Có thể thấy đoạn thường.

Niết bàn không các uẩn

Vô ngã cũng vô tướng

Đã nhập vào duy tâm

Chuyển y đắc giải thoát.

Ác tập khí làm nhân

Ngoài hiện ra đất đai

Cùng với các chúng sanh

Duy tâm không thấy gì.

Thân, tài, đất: bóng hình

Tập khí chúng sanh hiện

Tâm chẳng phải hữu vô

Tập khí khiến (tâm) chẳng hiển.

Dơ hiện ở trong tịnh

Tịnh chẳng hiện trong dơ

Như mây che hư không

Tâm chẳng hiện cũng thế.

Vọng kế cho là có

Nơi duyên khởi tức không

Vì vọng kế mê chấp

Duyên khởi không phân biệt.

Chẳng (phải) được tạo đều (là) sắc

Có sắc chẳng được tạo

Mộng, huyễn, nắng, thành Càn

Đều chẳng phải được tạo.

Nếu nơi pháp duyên sanh

Nói thật và chẳng thật

Người ấy quyết định y

Các kiến một khác thảy.

Thấy được tâm, phiền não, nghiệp và nghiệp quả của mình đều chỉ là danh tướng như huyễn bèn tự mình giải thoát vì không có nghiệp. Thấy được thân, phiền não, nghiệp và nghiệp quả của chúng sanh đều chỉ là danh tướng như huyễn thì giải thoát khỏi chúng sanh và nghiệp của chúng sanh. Như huyễn đưa đến hai thứ nhân vô ngã và pháp vô ngã. Quán tất cả như mộng như hoa đốm, đó là trụ duy tâm. Trụ duy tâm thì có được sự giải thoát trọn vẹn này.

Trụ duy tâm giúp cho Bồ tát hạnh khi không từ bỏ thế giới sanh tử thế giới tục đế, thế giới của chân lý quy ước và tương đối: “Bởi vì trụ duy tâm, có thể thấy đoạn thường, (sanh diệt, khổ vui…)”. Bồ tát vẫn thấy thế giới sanh tử, thấy chúng sanh và nghiệp của họ, có điều trụ duy tâm nên thấy chúng như huyễn.

Tóm lại, Bồ tát trụ duy tâm để diệt trừ tập khí xấu ác nơi tâm mình chứ không hoại diệt thế giới và chúng sanh.

 

Thanh Văn có ba loại:

Nguyện sanh và biến hóa

Và lìa tham, sân, si

Từ chánh pháp sanh ra.

Bồ tát cũng ba loại:

Chưa có các tướng Phật

Nhớ nghĩ đến chúng sanh

Mà hiện hình tướng Phật.

Tâm chúng sanh có hiện

Đều từ tập khí sanh

Thảy thảy các hình ảnh

Như sao, mây, nhật nguyệt.

Nếu đại chủng là có

Bèn có sở tạo sanh

Vì đại chủng vô tánh

Không năng tướng, sở tướng.

Đại chủng là năng tạo

Đất, nước… là sở tạo

Đại chủng vốn vô sanh

Nên không sắc được tạo.

Các sắc giả, thật thảy

Và các huyễn tạo (ra) sắc

Sắc mộng, sắc thành Càn

Sắc nắng là thứ năm.

Nhất xiển đề năm loại

Năm chủng tánh cũng vậy

Năm thừa cùng phi thừa

Niết bàn có sáu loại

Các uẩn hai mươi bốn

Các sắc có tám thứ

Phật có hai mươi bốn

Phật tử có hai loại.

Pháp môn trăm lẻ tám

Thanh Văn có ba loại

Cõi chư Phật chỉ một

Một Phật cũng như thế.

Giải thoát có ba thứ

Tâm lưu chú có bốn

Vô ngã có sáu loại

Sở tri cũng có bốn.

Xa lìa khỏi tác giả

Và lìa lỗi các kiến

Trong tự tánh bất động

Là vô thượng Đại thừa.

Sanh cùng với chẳng sanh

Có tám thứ chín thứ

Một niệm cùng thứ lớp

Chứng đắc tông duy nhất.

Vô sắc giới tám loại

Thiền sai biệt có sáu

Bích Chi, các Phật tử

Xuất ly có bảy loại

Ba cõi hẳn không có

Thường vô thường cũng không

Tạo nghiệp cùng quả báo

Đều như việc trong mộng.

Sự phân biệt rõ ràng các loại, các hạng, các thứ của các cõi và con đường giải thoát giác ngộ cho thấy một Bồ tát không phải là trụ trong diệt tận định, mà là trụ trong duy tâm. Ngoài căn bản trí hay vô phân biệt trí thấu đạt tánh Không một vị, Bồ tát còn có hậu đắc trí hay sai biệt trí thấy rõ những khác biệt của từng tướng thế gian. Có điều hậu đắc trí hay sai biệt trí này đặt nền trên căn bản trí thấy biết như huyễn, nên sai biệt trí mà là vô phân biệt trí, thấy sai biệt mà là như huyễn.

Tóm lại trụ duy tâm là trụ trong Liên Hoa cung Phật tánh, trong “cõi chư Phật chỉ một, một Phật cũng như thế”, trụ trong “tất cả là một”, để nhìn ra mà thấy “một là tất cả”. Cái tất cả này đều như huyễn, như mộng, “ba cõi hẳn không có, thường vô thường cũng không, tạo nghiệp cùng quả báo, đều như việc trong mộng”. Tất cả là một, một tâm duy nhất. Một là tất cả là cái một tâm biến hiện ra tất cả, và cái tất cả này là như huyễn như mộng.

 

Chư Phật vốn không sanh

Vì Thanh Văn, Phật tử

Tâm thường chẳng thể thấy

Các pháp thảy như huyễn.

Nếu ở tất cả cõi

Từ Đâu Suất nhập thai

Sơ sanh đến xuất gia

Chẳng từ sanh mà sanh.

Vì chúng sanh lưu chuyển

Mà nói đến Niết bàn

Các đế cùng cõi nước

Tùy cơ khiến giác ngộ.

Thế gian, châu, cây, rừng

Vô ngã, ngoại đạo hành

Thiền, thừa, a lại da

Quả, cảnh chẳng nghĩ bàn.

Các loại tinh tú, trăng

Các vua, các loài trời

Loài Càn thát, dạ xoa

Đều nhân nghiệp ái sanh.

Biến dịch tử khó suy

Còn cùng với tập khí

Nếu tử vĩnh viễn tận

Lưới phiền não đã dứt.

Tiền lúa và vàng bạc

Ruộng vườn và tôi tớ

Voi ngựa bò dê thảy

Đều không nên nuôi dưỡng.

Không nằm giường có lỗ

Không đắp bùn nền đất

Bát bằng vàng bạc đồng

Đều không nên giữ dùng.

Bát bằng đất đá sắt

Quả bầu hay pha lê

Đầy đủ lượng để chứa

Tùy bát mà được giữ.

Thường dùng các màu xanh

Màu phân trâu, bùn, lá

Nhuộm lên các mảnh vải

Để thành màu cà sa.

Dao dài bốn ngón tay

Hình như nửa mặt trăng

Dùng để cắt y áo

Người tu hành được giữ.

Chớ học các kỹ thuật

Cũng không được mua bán

 Nếu cần nhờ người (thanh) tịnh

Ta nói pháp như vậy.

Thường giữ gìn các căn

Khéo hiểu nghĩa kinh luật

Không chơi với người đời

Đó gọi người tu hành.

Dưới cây và hang núi

Ngoài đồng hay nghĩa địa

Nhà cỏ và đất trống

Người tu hành nên ở.

Nghĩa trang và chỗ khác

Ba y thường theo thân

Nếu khi thiếu y mặc

Người đến cho nên nhận.

Ra du hành khất thực

Ngó phía trước một tầm

Nhiếp niệm mà hành khất

Giống như ong hút hoa.

Chỗ có người tụ tập

Có chúng tỳ kheo ni

Sống chung với thế tục

Đều không nên khất thực.

Các vua và hoàng tử

Đại thần và trưởng giả

Người tu hành khất thực

Đều không nên thân cận.

Nhà có sanh hay chết

Bạn bè, chỗ thân thuộc

Tăng ni ở hỗn tạp

Người tu hành không ăn.

Trong chùa khói không dứt

Thường nấu đủ thứ món

Và cố ý nấu nướng

Người tu hành không ăn.

Hành giả quán thế gian

Năng tướng cùng sở tướng

Đều trọn lìa sanh diệt

Cũng lìa nơi hữu vô.

 

“Chư Phật vốn vô sanh”, “thế gian, năng sở tướng, đều trọn lìa sanh diệt”. Các bậc giác ngộ ra đời độ sanh đều ở trong như huyễn tam muội, thị hiện như vậy vì chúng sanh mà thôi. Vì ở trong như huyễn tam muội, mọi hình tướng, động tác của cuộc đời bình thường các vị đều thấy đó là niềm vui, niềm vui không do đâu cả, niềm vui của tự do, niềm vui của như huyễn. Như Đức Phật từng cười lớn khi thấy chúng hội ở núi Lăng Già.

Nhưng cũng chớ nghĩ rằng vì như huyễn nên thế gian này chẳng có ý nghĩa gì cả, người tu hành muốn làm gì cũng được. Đây là thái độ chấp đoạn, hư vô chủ nghĩa. Người tu hành cần vì mình vì người mà giữ giới trang nghiêm, không vì chân đế mà coi thường, bỏ qua tục đế. Chính vì không bỏ qua tục đế mà người tu Bồ tát hạnh mới có thể hợp nhất chân đế và tục đế, hợp nhất sanh tử và Niết bàn, phiền não và Bồ đề. Khi ấy được Giới Định Huệ một thể, vì duy tâm vậy.

SHARE:

Để lại một bình luận