Những Nhà Đạo Học

SHARE:


EINSTEIN và ĐỨC PHẬT – NHỮNG LỜI NÓI TƯƠNG TỰ
Biên tập: Thomas J. Mc Farlane
Giới thiệu: Wes Nisker
Thiện Tri Thức

1. Mục lục
2. Giới thiệu bởi Wes Nisker
3. Những Lời Nói Đầu Của Người Biên Tập
4. Những Lời Nói Tương Tự, Những Thế Giới Tương Tự
5. Những Nhà Vật Lý Học
6. Những Nhà Đạo Học
7. Kinh nghiệm Con người
8. Hòn Đá Thử của Chân lý
9. Nghịch lý và Mâu thuẫn
10. Nói được và Không thể nói được
11. Chủ thể và Đối tượng
12. Tên gọi và hình tướng
13. Những Ảo tưởng và những Mê lầm
14. Những Sóng, những Trường và Năng lượng
15. Những Hạt và Vật chất
16. Toàn Thể và Tương Thuộc
17. Thời gian và Không gian
18. Biểu lộ và nhân quả
19. Nhất thể và Đa thù
20. Vật lý học và Đạo học

Những Nhà Đạo Học

Một trong những nhà tư tưởng tôn giáo có ảnh hưởng nhất của lịch sử, Siddhartha Gautama, bây giờ gọi là Phật (nghĩa là Bậc Đã Thức Tỉnh), lớn lên trong xa hoa như là con của Vua giai cấp Shakya miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm trước Tây lịch. Trong tuổi trưởng thành ông gặp một khủng hoảng tâm linh bởi vì thấy những khổ đau con người chung quanh mình và bỏ nhà để sống và học hỏi với những nhà khổ hạnh Ấn Độ. Sau sáu năm, ngài đạt Niết Bàn, trạng thái an lạc hiếm hoi vượt khỏi khổ đau và nghiệp. Sau đó, những lời dạy của ngài rẽ khỏi những dòng truyền thống Ấn Độ của thời đó, và từ tuổi 35 cho đến khi chết ở tuổi 80 ngài đi khắp miền bắc Ấn như một vị thầy tâm linh dạy những nguyên lý tạo thành nền tảng cho Phật giáo. Dù những người theo ngài trong đời ngài giới hạn trong hai bang của Ấn Độ, những lời dạy của ngài lan rộng khắp Đông Á. Ngày nay Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, với nhiều người theo ở ngoài Ấn Độ hơn ở trong nước.

Ở cốt lõi của lời dạy đức Phật là Bốn Chân Lý Cao Cả:

  • Đời sống như chúng ta bình thường biết thì đem đến bất toại nguyện và khổ đau.
  • Khổ đau này có một nguyên nhân, thế nên nó không phải là phần nội tại bẩm sinh hay tất yếutrong bản chất của những sự vật.
  • Nguyên nhân của khổ là sự bám chấp theo thói quen và vô thức vào những sự vật vô thường như thể chúng có bản chất thường còn nào đó.
  • Có một con đường chấm dứt sự bám chấp theo thói quen vào một cái thấy sai lầm về sự vật và như thế giải thoát khỏi khổ đau phát sinh từ nó.

Dù những lời dạy và học thuyết Phật giáo khác nhau được khai triển khi nó truyền vào những vùng mới – Phật giáo Theravada ở Sri Lanka và Đông Nam Á, và những hình thức khác nhau của Phật giáo Đại thừa ở Tây Tạng, Trung Hoa, Hàn quốc và Nhật Bản – những lời dạy nguyên gốc vẫn là chung cho tất cả.

Từ đó trên một ngàn năm, nhiều vị thầy, những nhà huyền bí và những nhà sư khác đã đóng góp vào triết học Phật giáo. Tiến trình được một sự liên tục đặc biệt bởi vì đức tin vào sự tái sanh cho phép những vị giữ gìn vĩ đại nhất của trí huệ ở lại giữa những tín đồ của họ, trong những thân xác mới, qua những thế hệ.

Trong những vị lãnh đạo tâm linh khác được trích dẫn trong sách này là Ashvaghosha, sống ở miền trung Ấn vào thế kỷ thứ 2 Tây lịch. Ngài gốc là một Bà la môn, một thành viên của giai cấp cao nhất của Ấn Độ, từ giai cấp này mà có những tu sĩ và trí thức. Sau khi vào Phật giáo, ngài trở thành khí cụ phổ biến niềm tin khắp Ấn Độ.

Thành tựu giả Nagarjuna cũng sống vào thế kỷ thứ 2 hay thứ 3. Một nhân vật huyền thoại, ngài được cho là đã phô diễn những thần lực lạ lùng trong thời thiếu niên, Nagarjuna đặt ra quan niệm “Trung Đạo”, nó là trung tâm của tư tưởng Phật giáo, và phát triển có hệ thống quan niệm quan trọng “tánh Không”. Ngài được xem là triết gia Phật giáo vĩ đại nhất.

Vào thế kỷ 19, một trong những triết gia và vị thầy hàng đầu thời đó là nhà sư Tây Tạng Kongtrul Lodrö Tayé. Cũng trong những người hiện đại có uy tín về Phật giáo là Gen Lamrimpa, đã viết nhiều về những thực hành thiền định Phật giáo. Rồi có K. Venkata Ramanan, một người trình bày hiện đại những giáo lý của Nagarjuna, và Daisetz Teitaro Suzuki, ông đã đưa Phật giáo Thiền vào Mỹ trong giữa thế kỷ 20.

Chắc chắn gương mặt quen thuộc nhất của Phật giáo trong thời hiện đại là Tenzin Gyatso, Dalai Lama thứ 14, người lãnh đạo tâm linh của Phật giáo Tây Tạng. Vào những năm 20 tuổi, ngài qua miền bắc Ấn Độ. Ngày nay, Dalai Lama ở Ấn Độ và đi khắp thế giới như là một vị thầy và tác giả có sách bán chạy nhất, có những cuộc thảo luận với bất kỳ ai,từ những người Da Đỏ Hopi đến Tổng thống Mỹ. Ngài được giải Nobel Hòa Bình năm 1989.

Ấn giáo là cái cổ nhất và khác với những truyền thống tôn giáo chính của phương Đông. Như Phật giáo, cốt lõi của những truyền thống Ấn Độ là lời dạy huyền bí căn bản rằng thực tại là một nhất thể hòa điệu không có những phân chia đích thật, và sự sai khác chỉ là trò chơi vô thường, có chu kỳ của chân lý nền tảng này. Phật bắt đầu con đường đến giác ngộ của ngài như là một người theo truyền thống Ấn Độ khổ hạnh. Những gương mặt quan trọng khác qua nhiều thế kỷ cũng bắt đầu sự nghiệp của họ như những người Ấn Độ giáo, thường thuộc giai cấp tu sĩ Bà la môn, và về sau theo Phật giáo, và lịch sử của mỗi tôn giáo đã được thành hình ở mức độ lớn bởi cái kia trải qua những thế kỷ.

Trong khi những tác phẩm thiêng liêng của Ấn giáo, như của Phật giáo, đầy những thư viện, thì chỉ một ít tác phẩm cổ là cốt yếu đối với tư tưởng Ấn Độ. Hàng ngàn năm trước ở Ấn Độ cổ, những nhà thấu thị của Veda đã truyền sự hiểu biết tâm linh qua những bài tụng ca thiêng liêng của Rig Veda. Trải qua nhiều thế kỷ, những bài tụng ca này được bổ sung bằng những giáo lý triết học hơn, nhất là những Upanishad. 24 bản văn này chứa đựng những giáo huấn cho thực hành tâm linh và những diễn tả chân tánh của thực tại. Một bản văn khác trong những cái quan trọng nhất, Bhagavad Gita (Bài Ca của Đấng Cao Cả), là cuốn sách thứ Sáu của Mahabarata, “Cựu Ước” của Ấn giáo. Sử thi nhiều tập này được viết trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch đến thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch. Sưu tập những huyền thoại và chuyện tích vào một lịch sử thống nhất ngược đến sự sáng thế, Mahabaraha là bài thơ dài nhất từng được viết và là một tác phẩm vĩ đại nhất của văn học thế giới.

Những kinh điển của Ấn giáo không diễn tả một học thuyết cố định. Thay vì vậy, nó là một tôn giáo sống và năng động mà những học thuyết của nó thường trực được làm mới lại, mở rộng và giải thích do những nhà đạo học của mỗi thế hệ.

Shankara, một trong những nhà đạo học ảnh hưởng nhất của Ấn giáo cổ điển, sống vào thế kỷ thứ 9 sau Tây lịch, một thời gian khi Phật giáo đã lớn mạnh để trở thành tôn giáo chính của Ấn Độ và những thực hành Ấn Độ cổ đã trở nên manh mún. Shankara đi khắp xứ, thống nhất niềm tin Ấn giáo trong một triết học bất nhị, có hệ thống đặt nền trên những Upanishad và gọi là Advaita Vedanta. Theo Shankara, mọi nhị nguyên là như huyễn và không thật. Thực tại duy nhất là Brahman, cái “Một không có hai”. Tinh túy sâu xa nhất của mỗi người, Atman, là đồng nhất một cách tối hậu với Brahman. Biết Atman ở cốt lõi của chính mình là cũng biết được Brahman.

Abhinavagupta, một triết gia và nhà đạo học trong dòng Kashmir Shaivism của truyền thống Ấn Độ, tiếp tục nỗ lực của Shankara để thống nhất Ấn giáo như một thay thế sống động, phát triển cho Phật giáo. Một tác giả lớn, ông được xem là làm sống lại truyền thống văn học Sanskrit bắt đầu từ thời cổ với Mahabarata.

Ấn giáo tiếp tục như một tôn giáo đầy sức sống đến ngày nay. Một nhà đạo học mới đây, Ramana Maharshi, đạt đến một chứng ngộ cái Ngã (Atman) khi còn là một đứa trẻ. Sau nhiều năm sống trong sự im lặng, ông khởi sự dạy học thuyết Advaida Vedanta. Ông được kính trọng như một trong những vị thánh vĩ đại nhất của thời đại, và một số lớn dần những vị thầy tâm linh có dòng truyền từ ông.

Sri Aurobindo, một nhà đạo học Ấn Độ có ảnh hưởng, bắt đầu sự nghiệp như một người phục vụ giảng dạy ở Ấn Độ thuộc địa và trở thành một lãnh tụ chính trị. Bị ở tù vì xúi dục nổi loạn, ông bắt đầu thực hành và sau khi được thả ông ẩn cư nhập thất để tiếp tục công việc tâm linh. Lối tiếp cận toàn bộ của ông trong thực hành tâm linh tổng hợp những giáo lý chính của Ấn giáo thành một hệ thống đơn nhất. Ông tường thuật những cái nhìn thấy thấu suốt siêu hình học của mình trong một tờ báo ông xuất bản và về sau

in thành sách. Triết học độc nhất về tiến hóa tâm linh của ông đã ảnh hưởng những triết gia phương Tây đương thời.

Ở Trung Hoa, khoảng cùng thời gian Phật sống ở Ấn Độ, hiền triết Lão Tử đã soạnnhững lời dạy tinh túy của Lão giáo trong tác phẩm lớn Đạo Đức Kinh. Ngược với những nguyên lý của người đồng thời với ông là Khổng Tử, quan tâm hơn đến đạo đức, xã hội và chính trị, Lão Tử chú tâm vào những phương diện nhân cách, huyền bí và siêu hình của đời sống. Dù nó có thể được giải thích theo nghĩa đen như một cẩm nang cho nhà cai trị, Đạo Đức Kinh cũng có thể được thấy như một ngụ ngôn của linh hồn, trong một mạch tương tự với Republic (Cộng Hòa) của Plato, diễn tả đường lối cai trị chính linh hồn mình và đưa nó hài hòa với Đạo.

Trang Tử, sống trong thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch, được xem thứ hai sau Lão Tử trong ảnh hưởng của ông vào Lão giáo. Ông viết những bài giảng và những ngụ ngôn trình bày một triết học nhân cách cho cá nhân. Ông dạy rằng quan sát thiên nhiên đang vận hành và hòa giải những cực đối địch chỉ ra con đường đến Đạo, nơi mọi nhị nguyên được phân giải thành nhất thể. Trang Tử được gọi là “triết gia con bướm” bởi vì ông viết rằng có lần ông nằm mộng thấy mình là con bướm. Khi tỉnh dậy, ông không biết ông là một người đã mơ thấy mình là một con bướm – hay một con bướm đang mơ thấy mình là một con người.

Những lời dạy Lão giáo phong phú với những nghịch lý, diễn tả người hiền triết là khiêm hạ, mềm mại, tự nhiên và tự do. Không đảm đương hành động nào, người hiền triết không có gì mà không làm. Tất cả năng lực của ông đến từ sự quy thuận ý chí mình với Đạo, đạt đến hài hòa với trật tự tự nhiên của vạn vật. Lão giáo nhấn mạnh sự liên lập, tương thuộc của những đối nghịch, chúng bao giờ cũng chuyển thành lẫn nhau theo những chu kỳ năng động của thiên nhiên. Đạo là nguồn gốc huyền bí, không thể diễn tả của Trời và Đất, của Có và Không. Giống như sự giải thoát của Ấn giáo và giác ngộ của Phật giáo, Đạo thì đồng nhất với thực tại nền tảng bên dưới mọi biến đổi.

****

Những nhà đạo học và những nhà vật lý học này là những tư tưởng gia chính từ hai vùng luôn luôn có vẻ là hai thế giới tách biệt. Xa cách nhau hàng ngàn năm trong thời gian và hàng ngàn dặm trong không gian, họ tượng trưng cho vết nứt vĩ đại trong lịch sử thế giới – Đông và Tây – và vết nứt vĩ đại trong tư duy thế giới – khoa học và Tôn giáo. Nhưng trong những câu nói tương tự sau đây chúng ta sẽ thấy họ thực sự gần nhau biết bao. Xử lý với những vấn đề thời gian và không gian, nguyên nhân và kết quả, nghịch lý và mâu thuẫn, chủ thể và đối tượng, danh và hình, tính toàn thể và tương thuộc, bản chất của vật chất và những chủ đề khác, họ đã dùng những từ ngữ khác nhau để nói chính xác cùng một cái.

SHARE:

Trả lời